Bệnh Áp Xe Phổi

Áp xe phổi là bệnh lý nhiễm trùng phổi do tác nhân vi khuẩn và ký sinh trùng. Người lớn tuổi, suy giảm miễn dịch hoặc mắc các bệnh lý nền như viêm phổi mãn tính, đái tháo đường, nghiện thuốc lá, nghiện rượu... có nguy cơ mắc bệnh cao hơn những đối tượng khác. Bệnh có thể gây nhiều biến chứng nguy hiểm, thậm chí đe dọa tính mạng nếu không điều trị kịp thời và đúng cách. 

Tổng quan

Áp xe phổi (Lung Abscess) là tình trạng nhiễm trùng phổi đặc trưng với các tổn thương chứa dịch mủ, viêm nhiễm hoại tử cấp tính. Tùy từng trường hợp mà có một hoặc nhiều ổ áp xe trong nhu mô phổi. Đa phần áp xe phổi mạn tính được chuyển từ giai đoạn áp xe cấp tính nhưng điều trị nội khoa thất bại trong 6 tuần.

Áp xe phổi
Áp xe phổi là một trong những bệnh lý nhiễm trùng phổi nguy hiểm nhất hiện nay

Bản chất của ổ mủ áp xe phổi chính là sự kết hợp giữa xác của bạch cầu và các vi sinh vật gây bệnh. Chúng tích tụ lại với nhau, không được đào thải ra khỏi cơ thể đúng cách phát sinh viêm nhiễm và tăng nguy cơ hoại tử mô phổi.

Bệnh lý này khá phổ biến, chiếm khoảng 4.8% trên tổng số các ca bệnh về phổi. Áp xe phổi tiến triển khá phức tạp, nếu xảy ra kết hợp với các bệnh lý nền sẽ rất khó điều trị, tăng nguy cơ biến chứng và tử vong nếu không điều trị kịp thời.

Phân loại

Áp xe phổi được phân làm 2 dạng chính dựa theo căn nguyên:

  • Áp xe phổi nguyên phát: Là tình trạng nhu mô phổi bị nhiễm trùng nhưng không có bất kỳ tổn thương nào trước đó.
  • Áp xe phổi thứ phát: Là tình trạng nhu mô phổi bị nhiễm trùng do khởi phát từ các tổn thương sẵn có trong cơ thể như hang lao, giãn phế quản, nhiễm trùng huyết...

Dựa theo tiến triển, áp xe phổi được chia làm 2 giai đoạn gồm:

  • Áp xe phổi cấp tính: Thời gian từ lúc phát bệnh cho đến lúc khỏi bệnh thường < 4 - 6 tuần.
  • Áp xe phổi mạn tính: Thời gian phát bệnh và kéo dài dai dẳng > 6 tuần.

Gợi ý: Đau sau lưng vùng phổi Trái – Phải là bệnh gì? Nguy hiểm không?

Nguyên nhân và yếu tố nguy cơ

Nguyên nhân

Có nhiều nguyên nhân gây áp xe phổi, nhưng phổ biến nhất là do vi khuẩn, nấm, ký sinh trùng.

Áp xe phổi
Vi khuẩn kỵ khí, vi khuẩn gram âm, tụ cầu... là những tác nhân hàng đầu gây áp xe phổi

  • Nhiễm trùng: Nhiễm trùng là nguyên nhân hàng đầu gây ra áp xe phổi. Có nhiều tác nhân làm viêm nhiễm đến mức hoại tử các nhu mổ phổi gồm:
    • Vi khuẩn kỵ khí: Các loại thường gặp như Bacteroide melaniogenicus, Peptostreptococcus, Bacteroide fragilis Peptococus, Fusobaterium nucleotum,... Đây là loại vi khuẩn có khả năng phát triển nhưng không cần oxi, dịch mủ do nhóm vi khuẩn này gây ra có mùi hôi thối đặc trưng, rất khó ngửi.
    • Các vi khuẩn khác: như tụ cầu vàng, liên cầu khuẩn nhóm A hay tan máu, phế cầu khuẩn, vi khuẩn gram âm như Haemophilus influenzae, Pseudomonas aeruginosa, vi khuẩn Klebsiella Pneumoniae...
    • Nấm: Nhiễm nấm gây áp xe phổi thường xảy ra ở những bệnh nhân có có tiền sử mắc bệnh tiểu đường, nghiện rượu hoặc các bệnh gây suy giảm miễn dịch. Các loại nấm gây áp xe phổi thường gặp như Aspergillus spp và Mucoraceae.
    • Ký sinh trùng: Nhiễm ký sinh trùng thường xảy ra ở đáy phổi và kèm theo các tổn thương ở màng phổi. Bị áp xe phổi do nhiễm ký sinh trùng sẽ hình thành dịch mủ màu nâu như socola, có lẫn máu tươi. Loại phổ biến nhất là Amip và sán lá phổi.
  • Các nguyên nhân khác:
    • Xuất hiện dị vật thông qua uống nước, ăn thức ăn nhưng bị sặc hoặc trào ngược dạ dày, chúng tích tụ lâu ngày dẫn đến áp xe phổi;
    • Người có tiền sử mắc các bệnh lý nền như u xơ phổi, ung thư phổi, chấn thương lồng ngực hở, giãn phế quản... thường có nguy cơ cao bị áp xe phổi hơn so với người khỏe mạnh. Tình trạng áp xe phổi có thể xảy ra sau hoặc cùng lúc với các bệnh lý nền này;
    • Ổ nhồi máu phổi do tình trạng tắc mạch hoặc các bệnh viêm mạch máu (u hạt, viêm nút quanh động mạch);
    • Ung thư nguyên phát bội nhiễm;
    • Kén hơi bội nhiễm hoặc bị hoại tử trong bệnh bụi phổi;

Yếu tố nguy cơ 

  • Chấn thương và dị vật bên trong lồng ngực (như mảnh đạn);
  • Kết quả của việc thở máy, đặt nội khí quản và sau gây mê;
  • Sau các phẫu thuật răng hàm mặt và tai mũi họng;
  • Người được truyền tĩnh mạch lâu ngày;
  • Nghiện rượu, thuốc lá và ma túy;
  • Ảnh hưởng từ các bệnh nội khoa khác như giãn phế quản, đái tháo đường, bệnh lý phổi mãn tính;

Triệu chứng và chẩn đoán

Các triệu chứng áp xe phổi thường được biểu hiện dưới dạng cấp tính.

Áp xe phổi
Mỗi giai đoạn tiến triển sẽ có các triệu chứng nhận biết khác nhau

Triệu chứng lâm sàng

Tùy theo từng giai đoạn tiến triển bệnh mà các triệu chứng bệnh cũng có sự thay đổi ít nhiều. Bệnh nhân áp xe phổi thường gặp các triệu chứng đặc trưng gồm:

  • Sốt cao > 38 độ C
  • Ho khan hoặc ho có đờm
  • Ho ra máu
  • Dịch đờm có mùi hôi
  • Vã mồ hôi về đêm
  • Chán ăn, tụt cân

Triệu chứng cụ thể trong từng giai đoạn phát triển áp xe phổi nhằm phục vụ công tác thăm khám và chẩn đoán:

  • Giai đoạn viêm ổ mủ:
    • Sốt cao > 40 độ C;
    • Có thể kèm theo rét run người hoặc không;
    • Hôi miệng, môi khô, lưỡi bẩn;
    • Lượng nước tiểu ít, sẫm màu;
    • Hơi đau tức ngực, khó thở;
  • Giai đoạn ộc mủ:
    • Ho nhiều, ho ộc ra dịch mủ đặc, số lượng nhiều;
    • Đau tức ngực nặng;
    • Toàn thân mệt mỏi, kiệt sức, vã mồ hôi sau;
    • Sau khi ộc mủ xong cảm thấy thoải mái và ăn uống dễ dàng hơn;
  • Giai đoạn thành hang:
    • Vẫn còn khạc ra mủ nhưng ít;
    • Dịch mủ có lẫn máu;
    • Ho khan;
    • Thân nhiệt tăng cao do dịch mủ ứ đọng trong phổi;
    • Có biểu hiện suy hô hấp như thở nhanh, tím tái đầu chi, môi, chỉ số PaO2 giảm;

Triệu chứng cận lâm sàng 

Chẩn đoán áp xe phổi còn được thực hiện thông qua các xét nghiệm cận lâm sàng sau:

Áp xe phổi
Chụp X quang đánh giá các tiêu chuẩn chẩn đoán áp xe phổi

  • Xét nghiệm máu: Kết quả phân tích công thức máu cho thấy số lượng bạch cầu > 10 G/l, kèm theo tăng chỉ số tốc độ lắng máu;
  • Chụp X quang phổi: Quan sát thấy thành hang tương đối đều, phát hiện 1 hoặc nhiều ổ áp xe ở 1 bên hoặc cả 2 bên phổi.
  • Chụp CT scan: Nhằm xác định chính xác vị trí ổ áp xe bên trong phổi để chọn phương pháp xử lý dẫn lưu mủ thích hợp.
  • Cấy máu vi khuẩn: Trường hợp bệnh nhân áp xe phổi sốt cao > 38.5 độ C và kéo dài sẽ được tiến hành nuôi cấy máu để xác định loại vi khuẩn. Sau đó làm kháng sinh đồ điều trị.
  • Nhuộm soi và nuôi cấy vi khuẩn từ dịch tiết: Thu thập mẫu dịch đờm, dịch mủ trong ổ áp xe hoặc dịch phế quản và tiến hành làm kháng sinh đồ nếu phát hiện vi khuẩn.

Ngoài ra, chẩn đoán còn dựa trên điều tra tiền sử bệnh lý, đánh giá các yếu tố thuận lợi như: suy giảm miễn dịch, nghiện rượu, tác dụng phụ của thuốc, viêm nhiễm lây lan từ các ổ khuẩn nguyên phát như tai mũi họng, răng hàm mặt...

Đồng thời, kết hợp chẩn đoán phân biệt áp xe phổi với các bệnh lý khác như:

  • Ung thư phổi áp xe hóa;
  • Kén khí phổi bội nhiễm;
  • Giãn phế quản hình túi cục bộ;
  • Lao phổi có hang;

Biến chứng và tiên lượng

Áp xe phổi tiến triển khá nhanh, thường chỉ mất 7 - 14 ngày từ thời điểm bị viêm phổi, tùy theo nguyên nhân gây bệnh. Nếu không được phát hiện sớm và can thiệp điều trị kịp thời, các khối áp xe phổi sẽ bị vỡ và gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm như:

Áp xe phổi
Áp xe phổi trong thời gian dài không điều trị gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm

  • Tràn mủ màng phổi;
  • Viêm màng phổi, viêm màng tim;
  • Xuất hiện lỗ rò phế quản màng phổi;
  • Xuất huyết phổi hoặc thành ngực;
  • Nhiễm trùng huyết hoặc nhiễm trùng lây lan sang nhiều cơ quan khác;
  • Giãn phế quản quanh ổ áp xe;
  • Ho ra máu mức độ nặng, liên tục gây thiếu máu;
  • Áp xe não, viêm màng não;
  • Suy hô hấp, suy kiệt thể trạng và suy giảm chức năng các tạng;

Tất cả những biến chứng nguy hiểm này đều gây ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe thể chất và đe dọa tính mạng của người bệnh nếu không điều trị kịp thời. Ngược lại, nếu các ổ áp xe phổi được phát hiện sớm trong giai đoạn vừa khởi phát và điều trị đầy đủ, đúng cách thì tiên lượng khá tốt, ít biến chứng và bảo tồn chức năng phổi.

Điều trị

Tùy theo mức độ tiến triển và nguyên nhân gây áp xe phổi mà bác sĩ sẽ chỉ định phương pháp điều trị phù hợp.

1. Điều trị nội khoa 

Gồm 2 phương pháp là: kháng sinh đồ và thủ thuật dẫn lưu dịch mủ.

Điều trị bằng kháng sinh

Dùng thuốc kháng sinh được chỉ định ngay khi có chẩn đoán áp xe phổi. Tùy từng trường hợp có thể sử dụng đơn lẻ hoặc phối hợp từ 2 loại trở lên, dùng dưới dạng  tiêm bắp hoặc tiêm truyền tĩnh mạch với liều cao để đạt hiệu quả tối ưu, kiểm soát triệu chứng trong thời gian ngắn.

Kháng sinh đồ được xây dựng dựa trên kết quả chẩn đoán xác định loại vi sinh vật gây bệnh. Thời gian điều trị áp xe phổi bằng kháng sinh đồ thường kéo dài ít nhất 4 tuần, tối đa 6 tuần tùy theo kết quả đánh giá lâm sàng và X quang phổi sau đợt đầu dùng thuốc.

Thông thường, trong 3 - 4 ngày đầu các triệu chứng áp xe phổi sẽ dần thuyên giảm và cắt sốt hoàn toàn sau 7 - 10 ngày. Nếu sau thời gian này bệnh tình không thuyên giảm chứng tỏ đã áp dụng sai phác đồ, cần xét nghiệm lại để tìm nguyên nhân và thay đổi hướng điều trị.

Áp xe phổi
Điều trị áp xe phổi bằng kháng sinh đồ là phương pháp được áp dụng phổ biến nhất hiện nay

Một số loại thuốc kháng sinh trị áp xe phổi thường dùng như:

  • Penicilin G: dùng dưới dạng pha truyền tĩnh mạch 3 - 4 lần/ ngày. Để tăng hiệu quả có thể kết hợp với Amoxicilin - Clavulanat hoặc Ampicilin sulbactam liều 3 - 6g/ ngày;
  • Gentamycin: liều dùng khuyến cáo 3 - 5mg/ kg/ ngày dạng tiêm bắp 1 lần;
  • Amikacin: liều 15mg/ kg/ ngày tiêm bắp trực tiếp hoặc pha truyền qua đường tĩnh mạch với 250ml dung dịch nước muối sinh lý NaCl 0.9%;
  • Cephalosporin thế hệ 3: điển hình là Cefotaxim liều 3 - 6g/ ngày hoặc Ceftazidim 3 - 6g/ ngày. Có thể kết hợp với kháng sinh nhóm aminoglycosid với liều tương tự. Dành cho trường hợp nghi ngờ nghi ngờ áp xe phổi do nhiễm vi khuẩn gram âm;
  • Metronidazol: dành cho trường hợp nghi ngờ áp xe phổi do vi khuẩn kỵ khí. Kết hợp giữa Metronidazol liều 1 - 1.5g/ ngày với kháng sinh nhóm beta - lactamclavunat, truyền tĩnh mạch 2 - 3 lần/ ngày. Hoặc thay bằng penicilin G  10-50 triệu đv hoặc Clindamycin 1.8g/ ngày dưới dạng truyền tĩnh mạch; Metronidazol cũng được chỉ định truyền tĩnh mạch liều 1.5g/ ngày x 3 lần;
  • Oxacilin hoặc Vancomycin: Dùng cho trường hợp nghi ngờ áp xe phổi do nhiễm vi khuẩn tụ cầu. Liều khuyến cáo Oxacilin 6 - 12g/ ngày hoặc Vancomycin 1 - 2g/ ngày. Có thể kết hợp với amikacin trong trường hợp tụ cầu kháng thuốc;

Lưu ý: Trong quá trình áp dụng kháng sinh đồ điều trị áp xe phổi, đặc biệt dùng nhóm thuốc aminoglysid cần phải xét nghiệm máu 2 lần/ tuần nhằm phát hiện sớm các biến chứng suy thận do tác dụng phụ của thuốc.

Ngoài ra, một số thuốc điều trị hỗ trợ như thuốc giảm đau, thuốc kháng viêm, thuốc hạ sốt... cũng được chỉ định. Kết hợp chăm sóc tích cực thông qua chế độ dinh dưỡng, bù nước, đảm bảo cân bằng các chất điện giải & thăng bằng kiềm toan nhằm cải thiện triệu chứng cho bệnh nhân.

Dẫn lưu mủ ổ áp xe

Bên cạnh dùng thuốc, dẫn lưu ổ áp xe cũng được chỉ định nhằm loại bỏ dịch nhầy trong phổi, giúp bệnh nhân thoải mái hơn.

Áp xe phổi
Thủ thuật dẫn lưu ổ áp xe giúp loại bỏ dịch mủ trong phổi, cải thiện tình trạng bệnh

Có nhiều phương pháp dẫn lưu ổ áp xe phổi gồm:

  • Dẫn lưu tư thế vỗ rung lồng ngực: Tiến hành tư thế dẫn lưu và vỗ rung lồng ngực, thực hiện nhiều lần/ ngày sao cho đạt hiệu quả tối ưu. Tùy mức độ đáp ứng mà tăng dần tần suất thực hiện 2 - 3 lần/ ngày, thời gian tăng lên từ 5 phút đến 10, 15 hoặc 20 phút.
  • Nội soi hút mủ phế quản: Được thực hiện bằng cách đưa ống nội soi mềm vào trong phế quản. Thông qua màn hình bên ngoài, bác sĩ tiến hành hút mủ ở phế quản ra ngoài. Phương pháp này còn giúp phát hiện các tổn thương bất thường gây tắc nghẽn phế quản và loại bỏ dị vật gây viêm nhiễm (nếu có).
  • Chọc dẫn lưu mủ qua da: Thường được áp dụng cho những trường hợp ổ áp xe phổi ngoại vi, không thông nhau với bất kỳ bộ phận nào như phế quản, thành ngực hoặc màng phổi. Tiến hành đặt ống thông chuyên dụng vào đúng vị trí ổ áp xe, sau đó bơm hút dẫn lưu liên tục cho đến khi không còn dịch mủ.

2. Phẫu thuật

Phẫu thuật loại bỏ khối áp xe được chỉ định cụ thể cho những trường hợp sau:

  • Đường kính ổ áp xe > 10cm;
  • Những bệnh nhân không đáp ứng điều trị nội khoa;
  • Bị áp xe phổi kết hợp với giãn phế quản nghiêm trọng;
  • Ho ra máu dai dẳng, mất máu đến mức nguy hiểm tính mạng;
  • Áp xe phổi gây biến chứng rò rỉ dịch phế quản và khoang màng phổi;
  • Khối áp xe nghi ngờ u phổi hoặc ung thư phổi;

Theo thống kê, có khoảng 10% trường hợp bị áp xe phổi phải can thiệp phẫu thuật. Mục đích điều trị chủ yếu là cắt bỏ 1 bên phổi hoặc cắt phân thùy phổi tùy theo mức độ tổn thương. Cần cân nhắc thật kỹ trước khi phẫu thuật để tránh phát sinh các rủi ro ngoài ý muốn ảnh hưởng đến sức khỏe.

Phòng ngừa

Thay vì điều trị, phòng ngừa áp xe phổi là cách bảo vệ sức khỏe tốt nhất khỏi các tác nhân và biến chứng khó lường của bệnh. Một số biện pháp phòng ngừa tích cực bạn có thể tham khảo áp dụng:

Áp xe phổi
Che chắn và giữ vệ sinh đường thở kỹ càng giúp phòng ngừa các tác nhân gây áp xe phổi

  • Giữ vệ sinh răng hàm mặt và tai mũi họng sạch sẽ để hạn chế nguy cơ nhiễm trùng lây lan từ trên xuống.
  • Giữ ấm cơ thể, đeo khẩu trang che chắn kỹ mũi họng khi ra ngoài, nhất là khi thời tiết chuyển lạnh và phòng tránh các dị vật rơi vào đường thở.
  • Thực hiện các biện pháp tăng cường miễn dịch tự nhiên cho cơ thể thông qua ăn uống lành mạnh, sinh hoạt theo thời gian biểu, tập luyện thể dục, uống đủ nước...
  • Tránh xa các chất kích thích như rượu bia, thuốc lá để tránh làm tổn thương phổi.
  • Thăm khám và điều trị dứt điểm ngay các triệu chứng ho, sốt, đau ngực, sổ mũi, khó thở... do các bệnh lý hô hấp thông thường.

Những câu hỏi quan trọng khi đi khám

1. Bệnh áp xe phổi nguy hiểm như thế nào?

2. Tại sao tôi bị áp xe phổi?

3. Tiên lượng sống về tình trạng áp xe phổi của tôi?

4. Thời gian sống được bao lâu nếu tôi không điều trị?

5. Cần thực hiện xét nghiệm nào để chẩn đoán áp xe phổi?

6. Điều trị áp xe phổi bằng phương pháp nào tốt nhất?

7. Kháng sinh đồ có trị khỏi dứt điểm áp xe phổi không?

8. Tác dụng phụ khi dùng thuốc kháng sinh trị áp xe phổi lâu ngày? Tôi cần làm gì để xử lý?

9. Tôi cần làm gì để chăm sóc sức khỏe và hỗ trợ quá trình trị bệnh?

10. Sau điều trị, áp xe phổi có tái phát trở lại không?

Bản chất của áp xe phổi là nhiễm trùng và nguy hiểm đến tính mạng người bệnh nếu không điều trị kịp thời. Tuy nhiên, nếu được phát hiện sớm và điều trị kịp thời, bệnh vẫn có thể điều trị được với tiên lượng tốt, phục hồi và bảo tồn chức năng phổi ổn định. Do đó, đừng nên chủ quan lơ là trước bất kỳ triệu chứng bất thường nào và tiếp nhận điều trị càng sớm càng tốt để đạt hiệu quả tối ưu.

Xem thêm:

Chia sẻ:
Hội chứng giảm thông khí trung tâm bẩm sinh
Hội chứng giảm thông khí trung tâm bẩm sinh là một dạng rối loạn hiếm gặp, thường xuất hiện sau khi sinh và đe dọa đến tính mạng nếu không…
Bệnh Ngộ độc thịt
Ngộ độc thịt là căn bệnh hiếm gặp nhưng rất…
Bệnh Tràn Dịch Màng Phổi
Tràn dịch màng phổi là một trong những bệnh lý…
Bệnh Lao Màng Phổi
Lao màng phổi là một dạng lao ngoài phổi phổ…
Bệnh Khí phế thũng

Khí phế thũng thuộc nhóm bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính (COPD), gây tổn thương các phế nang, túi khí…

Bệnh Tràn Khí Màng Phổi

Tràn khí màng phổi là tình trạng hết sức nguy hiểm, xảy ra khi khoang màng phổi xuất hiện lượng…

Bệnh Giãn Phế Quản

Giãn phế quản là một trong những bệnh lý đường hô hấp phổ biến, có thể khởi phát do bẩm…

Viêm phổi Bệnh Viêm Phổi

Viêm phổi là một dạng nhiễm trùng các nhu mô phổi thường gặp nhất. Đây là nguyên nhân gây suy…

Giải đáp thắc mắc của độc giả cùng chuyên gia của chúng tôi!

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

[ads_sidebar]
Xem nhiều

Đặt câu hỏi

Chia sẻ
Bỏ qua