Bệnh Ung Thư Phổi

Bác sĩ phụ trách

BÁC SĨ PHAN ĐÌNH LONG

Cố vấn Chuyên môn

Ung thư phổi là căn bệnh phổ biến nhất trong tất cả các dạng ung thư thường gặp. Bệnh nhân ung thư phổi thường có tiên lượng xấu vì đa phần đều được hiện ở giai đoạn muộn, tiến triển bệnh di căn nhanh chóng nên rất khó điều trị. Điều trị ung thư phổi chủ yếu nhằm cải thiện triệu chứng, ngăn chặn sự phát triển của các tế bào ung thư và kéo dài sự sống cho bệnh nhân. 

Tổng quan

Phổi là cơ quan quan trọng nhất trong hệ hô hấp, giúp duy trì quá trình trao đổi khí và carbon dioxide, cho phép chúng ta hít thở đều. Có rất nhiều tổn thương xảy ra ở phổi và khởi phát các bệnh lý từ đơn giản đến phức tạp làm suy giảm chức năng phổi. Một trong những bệnh lý nguy hiểm nhất là ung thư phổi.

Ung thư phổi là căn bệnh ung thư ác tính nguy hiểm có nguy cơ gây tử vong cao

Ung thư phổi (Lung Cancer) là sự tăng sinh bất thường không kiểm soát của các tế bào trong 1 hoặc cả 2 lá phổi, phổ biến nhất là ở các tế bào niêm mạc trong đường thở. Các tế bào này thay vì phát triển thành các mô phổi khỏe mạnh lại phân chia và biến đổi thành u ác tính, tập trung thành khối u lớn gây tổn thương và làm giảm chức năng phổi.

Ung thư phổi là một trong những dạng ung thư phổ biến trên thế giới. Tại Việt Nam, ung thư phổi đứng đầu trong danh sách 10 loại ung thư thường gặp ở cả 2 giới nam và nữ. Và chính căn bệnh này cũng là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong. Tỷ lệ mắc ung thư phổi ngày càng tăng cao và có xu hướng trẻ hóa.

Tham khảo thêm: Ung thư dạ dày di căn (gan, phổi, xương, hạch)

Phân loại

# Dựa theo giải phẫu bệnh, ung thư phổi được phân chia làm 2 dạng chính gồm u phổi nguyên phát và u phổi thứ phát.

Ung thư phổi trải qua nhiều giai đoạn với tiến triển bệnh và các triệu chứng lâm sàng khác nhau

1. U phổi nguyên phát

Bao gồm cả u lành và u ác. Trong đó, có khoảng 95% u phổi nguyên phát là dạng u carcicom biểu mô phế quản. Dạng này được phân chia làm 2 dạng nhỏ gồm đại thể và vi thể.

  • Đại thể: Các carcicom thường xuất phát từ các phế quản lớn, nằm gần vị trí rốn phổi hoặc từ phần ngoại vi của phổi. Đặc trưng tổn thương dạng này như sau:
    • Tổn thương ban đầu là một đám sần sùi nằm trên bề mặt hoặc ăn sâu vào trong niêm mạc phế quản;
    • Sau đó lớn dần và tập trung lại thành khối u gây hẹp lòng phế quản;
    • Mật độ u cứng chắc, có màu xám trắng;
    • Chúng xâm nhập vào màng tim, màng phổi hoặc thành ngực, di căn đến nhiều cơ quan khác như não, da, gan, tuyến thượng thận thông qua đường máu;
  • Vi thể: Carcicom phế quản vi thể được phân làm 4 loại nhỏ gồm:
    • Carcicom tế bào gai: thường xảy ra ở những người hút thuốc lá;
    • Carcicom tuyến: Gồm 2 dạng nhỏ là:
      • Carcicom tuyến phế quản
      • Carcicom tiểu phế quản - phế nang
    • Carcicom tế bào lớn: Dạng khối u ung thư này phần lớn là ác tính mức độ nặng, dễ di căn xa;
    • Carcicom tế bào nhỏ: Thường xuất phát từ các tế bào thần kinh nội tiết, có mối liên hệ mật thiết với người hút thuốc lá. Các Carcicom tế bào nhỏ cũng có độ ác tính cao, tăng sinh và lan rộng nhanh chóng, sớm di căn xa;

Ngoài ra, còn một số loại u nguyên phát khá hiếm gặp khác như: u cơ trơn lành hoặc ác, u sụn, su sợi lành hoặc ác, u mạch máu, u mỡ, u lymphoma không Hodgkin, u lymphoma Hodgkin...

2. U phổi thứ phát 

Là những trường hợp bị ung thư phổi do các tế bào ung thư di căn từ những cơ quan khác trong cơ thể. Vì các u carcicom và sarcom đều có khả năng di căn đến phổi thông qua đường máu, hệ thống hạch bạch huyết hoặc xâm nhập, tấn công trực tiếp vào phổi.

Một số dạng di căn thường gặp như:

  • Ung thư vú;
  • Ung thư buồng trứng;
  • Ung thư thận;
  • Ung thư đường tiêu hóa;

Đặc điểm các khối u ung thư thứ phát tương tự như u nguyên phát.

# Dựa vào giai đoạn tiến triển, ung thư phổi được chia làm 2 loại chính gồm ung thư phổi không tế bào nhỏ và ung thư phổi tế bào nhỏ.

1. Ung thư phổi không tế bào nhỏ

Tiến triển ung thư phổi thể này trải qua 4 giai đoạn gồm:

  • Giai đoạn 1: Khối u phổi nhỏ < 5cm, chỉ xuất hiện ở 1 lá phổi và chưa lan rộng;
  • Giai đoạn 2: Khối u bắt đầu lan ra hạch bạch huyết, kích thước khối u đạt mức 5 - 7cm;
  • Giai đoạn 3: Kích thước khối u > 7cm, đã lan sang hạch bạch huyết ở trung thất, vị trí nằm giữa 2 lá phổi;
  • Giai đoạn 4: Khối u ung thư phổi đã di căn khắp cơ thể, chủ yếu ở các nhu mô gan, xương, não, da, kèm theo tràn dịch màng phổi;

2. Ung thư phổi tế bào nhỏ

Được chia làm 2 giai đoạn tiến triển gồm:

  • Giai đoạn khu trú: Khối u ung thư chỉ tồn tại và phát triển khu trú ở 1 bên phổi;
  • Giai đoạn di căn: Khối u ung thư đã lan sang phổi còn lại hoặc nhiều cơ quan lân cận khác như gan, não, xương,...;

Nguyên nhân và yếu tố nguy cơ

Theo Hiệp hội Ung thư Hoa Kỳ, có nhiều nguyên nhân và yếu tố nguy cơ gây ung thư phổi gồm:

Hút thuốc lá là nguyên nhân gây ung thư phổi hàng đầu trên thế giới và tại Việt Nam

Nguyên nhân 

  • Hút thuốc lá: Hút thuốc lá là nguyên nhân hàng đầu gây ung thư phổi, chiếm khoảng 80 - 90% trường hợp bệnh.
  • Ngửi khói thuốc lá: Không chỉ hút, ngửi và hít khói thuốc lá hay được gọi là hút thuốc lá thụ động cũng là nguyên nhân gây ung thư phổi. Theo thống kê, có khoảng 20 - 30% người sống chung với người hút thuốc lá cũng mắc bệnh ung thư phổi;
  • Tiếp xúc với Radon: Radon là chất hóa học được hình thành từ sự phân rã uranium trong tự nhiên, quá trình này xảy ra ngay chính dưới ngôi nhà, tòa nhà mà chúng ta đang sinh sống, làm việc. Các chất này len lỏi vào trong nhà thông qua các vết nứt, đổ gạch, tường, cống... Tiếp xúc với Radon là nguyên nhân gây ung thư phổi đứng thứ 2 sau hút thuốc lá và là nguyên nhân hàng đầu ở những người không hút thuốc lá, bệnh nhân có nguy cơ tử vong cao.
  • Phơi nhiễm hóa chất do nghề nghiệpTheo nghiên cứu, amiant được ghi nhận là loại hóa chất làm tăng nguy cơ ung thư phổi. Do đó, những người thường xuyên tiếp xúc với loại hóa chất này sẽ rất dễ bị ung thư phổi. Ngoài amiant, các hoạt chất khác như dung môi hữu cơ benzen, khói diesel, hóa chất vinyl chloride, kim loại nặng nư asen, crom... cũng có khả năng tương tự.
  • Ô nhiễm môi trường: Môi trường, đặc biệt không khí bị ô nhiễm do khói nhiên liệu xe cộ, diesel, than đá, gỗ... khiến tỷ lệ người dân sinh sống ở khu vực ô nhiễm này có nguy cơ cao mắc bệnh ung thư phổi.
  • Tiền sử gia đình: Ung thư phổi có khả năng di truyền gen bệnh từ nhiều thế hệ, thường là bố mẹ truyền cho con cái. Tỷ lệ ung thư phổi do di truyền chiếm khoảng 5 - 10%.
  • Các yếu tố khác:
    • Giới tính: Nam giới từ 50 - 75 tuổi có nguy cơ mắc ung thư phổi cao hơn nữ giới;
    • Quốc gia: Tỷ lệ ung thư phổi ở các quốc gia ở châu Âu và Bắc Mỹ cao nhất, khoảng 10 - 15%. Trong khi đó, các nước Nam Mỹ và châu Á khoảng 5 - 10% và châu Phi là 5%;
    • Những người có tính chất nghề nghiệp phải thường xuyên tiếp xúc với các hóa chất sinh ung thư như công như ở các mỏ kim loại, mỏ phóng xạ, công nghiệp nhựa, khí đốt, hóa dầu... có nguy cơ mắc bệnh cao hơn những ngành nghề khác;
    • Người nghiện rượu bia cũng làm tăng nguy cơ mắc bệnh ung thư phổi;
    • Người có tiền sử mắc các bệnh phổi nhất định như tắc nghẽn phổi mãn tính (COPD), có sẹo xơ trong phổi... cũng dễ bị ung thư phổi hơn so với những người bình thường;
    • Những người đã từng thực hiện xạ trị để điều trị các bệnh ung thư khác gây kích thích tăng sinh một khối ác tính khác ở hệ hô hấp, trong đó có ung thư phổi;

Triệu chứng và chẩn đoán

Triệu chứng 

Các triệu chứng của ung thư phổi trong giai đoạn sớm thường không có hoặc có rất ít triệu chứng. Nên đa phần các trường hợp phát hiện ung thư phổi đều đã ở giai đoạn cuối hoặc gần cuối rất khó chữa trị.

Tế bào ung thư phổi phát triển gây các triệu chứng rõ rệt với mức độ nặng như ho dai dẳng, ho ra máu, khó thở, chán ăn...

Các biểu hiện lâm sàng của ung thư phổi còn tùy theo vị trí và mức độ lan rộng của các tế bào ung thư, mức độ tổn thương phổi. Các triệu chứng và biểu hiện lâm sàng này thường được phân chia làm 3 nhóm cụ thể gồm:

  • Triệu chứng tại chỗ:
    • Ho dai dẳng không khỏi;
    • Ho ra máu;
    • Đau tức ngực;
    • Khó thở, thở khò khè;
    • Khàn tiếng;
    • Chán ăn;
    • Mệt mỏi;
  • Triệu chứng muộn khi khối u di căn:
    • Di căn xương: đau nhức xương khớp, rối loạn cảm giác, hạn chế khả năng vận động...;
    • Di căn não: đau đầu, buồn nôn, nôn ói, các triệu chứng thần kinh khu trú, rối loạn nhận thức - vận động...;
    • Di căn chèn ép tủy sống: yếu cơ, liệt chi, mất khả năng vận động, bại liệt, rối loạn chức năng cơ tròn...;
  • Các hội chứng cận ung thư: Điển hình như:
    • Hội chứng tăng tiết kháng lợi niệu SIADH (syndrome of inappropriate antidiuretic hormone secretion);
    • Hội chứng tăng tiết ACTH...;

Chẩn đoán 

Chẩn đoán bệnh ung thư phổi được thực hiện dựa trên đánh giá và thu thập các triệu chứng do bệnh nhân cung cấp, kết hợp khám lâm sàng, khai thác tiền sử bệnh cá nhân và gia đình. Sau đó, dựa vào chuyên môn, bác sĩ sẽ chỉ định cho bệnh nhân thực hiện các xét nghiệm cần thiết để đánh giá tổn thương và xác định nguyên nhân, phục vụ công tác điều trị.

Các chẩn đoán hình ảnh như chụp X quang, MRI, CT, chụp PET... là các tiêu chuẩn vàng giúp xác định tổn thương và đánh giá mức độ ung thư phổi

Bao gồm các chẩn đoán sau:

  • Các chẩn đoán hình ảnh giúp phát hiện tổn thương để đưa ra đánh giá về mức độ:
    • X quang ngực thẳng, nghiêng;
    • Chụp cộng hưởng từ MRI não;
    • Chụp cắt lớp vi tính CT Scan ngực;
    • Chụp PET toàn thân;
    • Xạ hình xương;
  • Xét nghiệm các chất chỉ điểm u như SCC, ProGRP, CEA, Cyfra21-1;
  • Xét nghiệm sinh học phân tử;
  • Xét nghiệm tế bào học đờm;
  • Xét nghiệm chọc dịch màng phổi;
  • Nội soi, sinh thiết phế quản;
  • Xét nghiệm giải phẫu bệnh giúp phân loại và chẩn đoán xác định loại u phổi;

Biến chứng và tiên lượng

Biến chứng 

Ung thư phổi tiến triển ở giai đoạn nặng không chỉ gây ảnh hưởng đến chức năng phổi, mà nó còn gây ra nhiều tác động tiêu cực đến nhiều cơ quan khác như tim, gan, xương, tủy sống... sẽ gây ra những biến chứng cực kỳ nguy hiểm như:

Ung thư phổi di căn gây nhiều biến chứng nguy hiểm ở các cơ quan xa như gan, thận, xương, não, da...

  • Tắc nghẽn đường hô hấp: Khối u ung thư phổi gây tắc nghẽn đường hô hấp chính, hình thành dịch và chất lỏng, tích tụ xung quanh phổi, gây đau nhức, tức ngực và khó thở, tăng nguy cơ viêm phổi. Đặc trưng với các triệu chứng như ho, sốt, đau ngực và nguy hiểm đến tính mạng.
  • Hội chứng tĩnh mạch chủ trên (SVC): Sự xuất hiện của các khối u ung thư ở khu vực trên phổi phải tạo ra áp lực lớn lên các tĩnh mạch chủ trên. Đây là tĩnh mạch quan trọng có nhiệm vụ vận chuyển máu từ các bộ phận phía trên về tim. Nên khi bị cản trở lưu thông máu sẽ gây sưng vùng mặt, cổ và cánh tay... Đây chính là các triệu chứng đặc trưng của hội chứng tĩnh mạch chủ trên khá nguy hiểm và cần thăm khám điều trị ngay.
  • Tăng nguy cơ nhiễm trùng: Bệnh nhân ung thư phổi thường phát triển kèm theo viêm phổi. Do sự phát triển của khối u ung thư hoặc xạ - hóa trị liệu làm suy giảm chức năng hệ thống miễn dịch.
  • Huyết khối tĩnh mạch sâu: Bệnh nhân ung thư phổi thường có xu hướng dễ hình thành các cục máu đông trong các tĩnh mạch sâu ở đùi hoặc chân với nhiều hệ lụy khó lường về hô hấp và khả năng cử động. Nguyên nhân thường là do khối u ung thư di căn, bệnh nhân nằm một chỗ trong thời gian dài, thừa cân béo phì...
  • Biến chứng di căn:
    • Thần kinh: Khối u nằm ở phổi gây tổn thương dây thần kinh mặt, mắt, vai, cánh tay..., dẫn đến thiếu kiểm soát các hoạt động thần kinh;
    • Thực quản: Ung thư di căn đến thực quản gây đau khi nuốt thức ăn, dễ phát triển thành viêm. Ngoài ra, bức xạ khi xạ trị ung thư phổi cũng làm tăng nguy cơ phát sinh biến chứng này;
    • Chèn ép tủy sốngKhối u ung thư di căn sang cột sống và gây xẹp, chèn ép các đốt sống. Hậu quả gây yếu chân, liệt cơ, bại liệt vĩnh viễn, rối loạn chức năng bàng quang, kéo theo nhiều phiền toái trong đời sống sinh hoạt hàng ngày;
  • Các biến chứng khác
    • Cảm giác đau đớn dữ dội;
    • Ho ra máu;
    • Tăng canxi máu;
    • ...

Tiên lượng 

Ung thư phổi là căn bệnh nan y cực kỳ nguy hiểm bởi tiến triển bệnh và tốc độ lây lan bệnh rất nhanh chóng. Tình trạng này còn phụ thuộc nhiều vào các yếu tố như loại u, mức độ di căn,thể trạng sức khỏe của người bệnh... Đây đều là những yếu tố gây ảnh hưởng đến tiên lượng điều trị của bệnh nhân.

Theo thông tin từ Hiệp hội Ung thư Hoa Kỳ, tiên lượng sống của bệnh nhân ung thư phổi không tế bào nhỏ đã di căn xa thường chỉ sống được khoảng thêm 5 năm kể từ thời điểm chẩn đoán. Trường hợp tế bào ung thư phổi tế bào nhỏ đã di căn xa thì tỷ lệ này chỉ có tỷ lệ sống khoảng 3%.

Ung thư phổi chỉ có thể chữa khỏi được nếu phát hiện và điều trị trong giai đoạn đầu, nhưng tỷ lệ này khá hiếm do các triệu chứng ung thư phổi sớm rất khó phát hiện.

Điều trị

1. Phẫu thuật 

Phẫu thuật là phương pháp đươc ưu tiên áp dụng hàng đầu trong điều trị ung thư phổi, nhằm mục đích loại bỏ các khối u. Biện pháp này thường áp dụng cho bệnh nhân trong giai đoạn sớm, khi khối u vừa khởi phát, còn nhỏ và khu trú, chưa lan rộng ra ngoài phổ, đặc biệt thể trạng bệnh nhân vẫn còn khả năng chịu đựng và vượt qua cuộc phẫu thuật.

Phẫu thuật giúp loại bỏ các tế bào ung thư trong phổi, ngăn chặn chúng di căn sang các tổ chức khác

Có nhiều kỹ thuật loại bỏ khối u ung thư phổi bao gồm:

  • Cắt bỏ một phần nhỏ phổi chứa khối u ung thư và các mô khỏe mạnh ở vùng ranh giới;
  • Cắt bỏ một phần hoặc toàn bộ thùy phổi (thùy phổi gồm 3 thùy phổi phải và 2 thùy phổi trái);
  • Cắt bỏ toàn bộ lá phổi;

Tuy nhiên, cần thận trọng khi thực hiện phẫu thuật ung thư phổi vì phương pháp này tiềm ẩn rất nhiều rủi ro như đau đớn, chảy máu, nhiễm trùng... Do đó, trong giai đoạn hậu phẫu bệnh nhân sẽ được chăm sóc và theo dõi kỹ lưỡng để giảm thiểu thấp nhất nguy co cơ rủi ro.

2. Hóa - Xạ trị

Bên cạnh phẫu thuật, người bệnh cũng sẽ được chỉ định thực hiện 2 biện pháp điều trị hỗ trợ nhằm loại bỏ các tế bào ung thư còn sót lại và ức chế sự phát triển của các tế bào ung thư mới. Cụ thể từng phương pháp như sau:

Xạ trị ung thư phổi là phương pháp sử dụng tia X tiêu diệt tế bào ung thư

  • Xạ trị: Sử dụng nguồn năng lượng cao (thường là tia X) để tiêu diệt các tế bào ung thư phổi. Phương pháp này thường được chỉ đinh thực hiện cho những bệnh nhân ung thư phổi không tế bào nhỏ giai đoạn III trở đi hoặc những bệnh nhân không thể thực hiện phẫu thuật do có tình trạng sức khỏe, thể chất kém.
  • Hóa trị: Phương pháp này sử dụng các loại hóa chất mạnh truyền vào cơ thể nhằm tiêu diệt, loại bỏ và ức chế sự phát triển của các tế bào ung thư. Phương pháp này thường áp dụng cho những bệnh nhân không thể phẫu thuật được để giảm nguy cơ di căn ung thư.

Nếu không thể phẫu thuật do thể trạng kém hoặc bệnh nhân mắc các bệnh lý nền không phù hợp để phẫu thuật sẽ được chỉ định thực hiện xạ trị, hóa trị đơn thuần hoặc phối hợp hóa - xạ trị đồng thời để đạt hiệu quả tối đa.

3. Liệu pháp trúng đích 

Đây là liệu pháp mới được áp dụng trong điều trị ung thư nói chung và ung thư phổi nói riêng. Phương pháp này sử dụng các loại thuốc đặc trị ung thư, chúng chỉ tác động đến những khối u được tập hợp đầy đủ các đặc điểm sinh học của một tế bào ung thư bất thường. Tuy nhiên, chỉ những bệnh nhân đã thực hiện xét nghiệm sinh học phân tử như ALK, EGFR, ROS-1... mới được dùng loại thuốc này.

Liệu pháp trúng đích và liệu pháp miễn dịch là 2 phương pháp mới đem lại hiệu quả cao trong điều trị ung thư phổi

Tùy theo mục tiêu điều trị mà bác sĩ sẽ chỉ định sử dụng loại thuốc phù hợp. Điển hình như:

  • Bevacizumab (Avastin): Có tác dụng ức chế sự phát triển của khối u ung thư bằng cách chặn đứng nguồn cung cấp máu thông qua các mạch máu kết nối với khối u. Bevacizumab thường được chỉ định sử dụng kết hợp với các biện pháp hóa trị liệu đối với những bệnh nhân bị ung thư phổi muộn và tái phát nhưng không phải là thể tế bào nhỏ. Tác dụng phụ của loại thuốc này là làm đông máu, tăng nguy cơ chảy máu và tăng huyết áp;
  • Erlotinib (Tarceva): Đây là một loại hoạt chất hóa học giúp phát hiện tín hiệu đến các tế bào ung thư nhằm ức chế sự phát triển và phân chia bất thường. Thuốc thường được chỉ định dùng cho những người vừa khởi phát ung thư phổi hoặc tái phát ung thư phổi không phải tế bào nhỏ. Tác dụng phụ thường gặp nhất của thuốc là tiêu chảy, phát ban ngoài da...;
  • Một số thuốc khác: Các loại thuốc đích khác được phê duyệt sử dụng tại Việt Nam như:
    • Gefitinib;
    • Afatinic;
    • Alectinib;
    • Osimertinib;
    • ...

Ngoài thuốc đích, bệnh nhân ung thư phổi cũng có thể áp dụng liệu pháp miễn dịch nhằm kéo dài thời gian sống. Một số loại thuốc miễn dịch được phê chuẩn sử dụng rộng rãi tại Việt Nam như:

  • Atezolizumab;
  • Pembrolizumab;
  • Duvarlumab;
  • ...

4. Thay đổi lối sống 

Ung thư phổi không thể chữa khỏi dứt điểm. Nhất là trong những trường hợp cơ hội chữa khỏi thấp, bác sĩ thường khuyến cáo nên ngưng điều trị và thay thế bằng các biện pháp chăm sóc hỗ trợ. Đã có không ít trường hợp ghi nhận bệnh nhân ung thư phổi có thể tiếp tục sống khỏe mạnh và kéo dài thêm tuổi thọ nếu có một lối sống phù hợp.

Bệnh nhân ung thư phổi giai đoạn cuối nên được chăm sóc tích cực thay thế cho các biện pháp điều trị chuyên sâu không còn tác dụng

Một số gợi ý sau có thể giúp hỗ trợ cải thiện bệnh hiệu quả:

Chăm sóc bệnh nhân ung thư phổi tại nhà 

Quãng thời gian ngưng điều trị và chăm sóc tại nhà giúp bệnh nhân thoải mái hơn khi ở bệnh viện. Trong giai đoạn này, người thân nên thực hiện các biện pháp chăm sóc tích cực sau:

  • Cải thiện các rối loạn hô hấp như khó thở, ho nhiều bằng cách sử dụng thuốc giảm ho, thuốc long đờm, thuốc kháng sinh, kê gối cao, uống nhiều nước hoặc sử dụng bình thở oxy tại nhà;
  • Để giảm những cơn đau đớn với cường độ mạnh ở bệnh nhân ung thư phổi, thường ưu tiên sử dụng thuốc giảm đau, liều dùng và loại dùng được chỉ định bởi bác sĩ;
  • Chế độ ăn uống dành cho bệnh nhân ung thư phổi rất quan trọng, cần bổ sung đầy đủ các dưỡng chất cần thiết, ưu tiên chế biến những món mềm, hầm chín kỹ, dễ nhai, dễ nuốt, ít gia vị;
  • Hỗ trợ bệnh nhân vệ sinh cá nhân, tắm giặt hàng ngày;
  • Thường xuyên khích lệ, động viện người bệnh bằng lời nói để bệnh nhân có tinh thần vượt qua đau đớn về thể xác, có động lực cố gắng vượt qua bệnh tật;

Chăm sóc bệnh nhân ung thư phổi ở bệnh viện

Bệnh nhân ung thư phổi giai đoạn cuối mới phải nhập viện điều trị dài lâu. Những điều cần làm trong giai đoạn này như sau:

  • Tuân thủ thực hiện phác đồ điều trị ung thư phổi giai đoạn cuối do bác sĩ chỉ định;
  • Chỉ định sử dụng các loại máy móc, thiết bị trợ thở hiện đại giúp bệnh nhân duy trì hô hấp;
  • Thực hiện các thủ thuật hút dịch, dẫn lưu dịch trong màng phổi ra ngoài nếu có biến chứng tràn dịch màng phổi;
  • Dùng thuốc giảm đau, thuốc chống hủy xương phù hợp;
  • Đặt ống sonde để truyền thức ăn lỏng vào đường tiêu hóa đối với những bệnh nhân không thể tự ăn uống được;
  • Theo dõi sát và cấp cứu kịp thời;
  • Chăm sóc sức khỏe, động viên tinh thần và ổn định tâm lý cho người bệnh;

Tham khảo thêm: Ô nhiễm Bụi Mịn ở TP HCM và Hà Nội - Thực trạng đáng sợ

Phòng ngừa

Những hệ lụy khó lường của ung thư phổi không chỉ dừng lại ở sức khỏe mà còn đe dọa cả tính mạng. Do đó, phòng ngừa ung thư phổi bằng một lối sống lành mạnh và khoa học là khuyến cáo chung của chuyên gia dành cho tất cả mọi người. Hãy thực hiện các biện pháp tích cực sau:

Nói không với thuốc lá là cách đơn giản nhất giúp giảm thiểu nguy cơ mắc bệnh ung thư phổi

  • Từ bỏ thuốc lá càng sớm càng tốt. Với những người chưa từng sử dụng thuốc lá hãy nói không với nó để giảm đáng kể nguy cơ mắc bệnh ung thư phổi.
  • Chủ động tránh xa những người hút thuốc lá hoặc tiếp xúc với môi trường có nhiều khói thuốc lá.
  • Duy trì lối sống sinh hoạt khoa học, ăn uống đủ chất, bổ sung các loại thực phẩm lành mạnh, nhiều rau xanh, hoa quả, tập thể dục vừa sức, đều đặn mỗi ngày, nghỉ ngơi thư giãn thường xuyên để có một sức khỏe tốt toàn diện, tăng sức đề kháng để phòng ngừa mọi bệnh tật, kể cả ung thư phổi.
  • Thay đổi công việc hoặc hạn chế tối đa việc tiếp xúc với các chất phóng xạ, hóa chất độc hại, kim loại nặng để giảm nguy cơ khởi phát ung thư phổi.
  • Thực hiện tầm soát ung thư phổi định kỳ 1 - 2 năm/ lần hoặc sớm hơn với những người từ 55 - 74 tuổi, hiện vẫn còn đang hút thuốc lá hoặc đã bỏ thuốc được khoảng 15 năm.

Những câu hỏi quan trọng khi đi khám

1. Bệnh ung thư phổi nguy hiểm như thế nào?

2. Nguyên nhân khiến tôi mắc bệnh ung thư phổi?

3. Tôi bị ung thư phổi giai đoạn mấy? Tiên lượng tình trạng bệnh của tôi ra sao?

4. Bị ung thư phổi có di truyền không?

5. Bị ung thư phổi sống được bao lâu?

6. Những biện pháp chẩn đoán ung thư phổi tôi cần thực hiện?

7. Phác đồ điều trị ung thư phổi phù hợp nhất dành cho trường hợp của tôi?

8. Điều trị sẽ xảy ra nếu tôi không điều trị ung thư phổi?

9. Tôi cần làm gì và tránh làm gì để hỗ trợ điều trị ung thư phổi trong suốt quá trình chữa bệnh?

10. Điều trị ung thư phổi có tốn kém không? Có dùng BHYT được không?

Ung thư phổi là căn bệnh ung thư có mức độ ác tính và nguy cơ tử vong cao. Do đó, hãy chú ý thận trọng trước những triệu chứng bất thường và tầm soát ung thư thường xuyên để sớm phát hiện bệnh, điều trị bằng phương pháp phù hợp. Nếu có bất cứ thắc mắc nào về bệnh, vui lòng trao đổi thêm với các chuyên gia về ung thư để được giải đáp kỹ hơn.

Tham khảo thêm:

Chia sẻ:
Bệnh Nhiễm nấm Aspergillosis
Nhiễm nấm Aspergillosis là căn bệnh nhiễm trùng nghiêm trọng gây ảnh hưởng rất nhiều cơ quan, bộ phận khác nhau của cơ thể. Trong đó, phổ biến nhất là…
Áp xe phổi Bệnh Áp Xe Phổi
Áp xe phổi là bệnh lý nhiễm trùng phổi do…
Bệnh Sốt Rét
Sốt rét là bệnh truyền nhiễm do ký sinh trùng…
Bệnh Giãn Phế Quản
Giãn phế quản là một trong những bệnh lý đường…
Lao phổi Bệnh Lao Phổi

Lao phổi là thể lao phổ biến nhất trên thế giới và là nguyên nhân lớn thứ 2 gây tử…

Bệnh U nang phế quản

U nang thực quản là dạng u nang bẩm sinh bất thường phát triển trong phổi và thường được hình…

Bệnh Ngộ độc thịt

Ngộ độc thịt là căn bệnh hiếm gặp nhưng rất nghiêm trọng, xảy ra do nhiễm độc tố từ vi…

Bệnh Rò Mao Mạch

Rò mao mạch là một dạng rối loạn nghiêm trọng tại các mao mạch làm tăng huyết áp bất thường…

Giải đáp thắc mắc của độc giả cùng chuyên gia của chúng tôi!

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Bác sĩ phụ trách

BÁC SĨ PHAN ĐÌNH LONG

Cố vấn Chuyên môn

[ads_sidebar]
Xem nhiều

Đặt câu hỏi

Chia sẻ
Bỏ qua