Bệnh Viêm Túi Tinh
Viêm túi tinh có liên quan đến tình trạng viêm niệu đạo và viêm tuyến tiền liệt. Đây là tình trạng vấn đề nam khoa nguy hiểm gây ảnh hưởng đến bộ phận chứa và nuôi dưỡng tinh trùng. Nếu chủ quan không điều trị sớm, bệnh có thể gây vô sinh, hiếm muộn và nhiều rối loạn khác ảnh hưởng đời sống tình dục của nam giới.
Tổng quan
Viêm túi tinh (Seminal vesiculitis) là bệnh lý nam khoa đặc trưng bởi các biểu hiện viêm nhiễm khu trú tại bộ phận này. Theo cấu trúc giải phẫu, túi tinh chính là đoạn phình ra của ống dẫn tinh, có dung tích chứa khoảng 4ml. Chúng được cấu tạo từ các lớp cơ trơn có nhiệm vụ sản sinh ra dịch tiết nhằm trung hòa acid, tạo môi trường thuận lợi để nuôi dưỡng tinh trùng.
Tỷ lệ nam giới bị viêm túi tinh rất ít, tuy nhiên một khi đã mắc bệnh sẽ rất nguy hiểm vì đây vốn là nơi bảo vệ tinh trùng. Viêm nhiễm càng nặng mức độ ảnh hưởng càng nhiều, tinh trùng kém chất lượng, yếu, loãng, vô tình khiến nam giới xuất không ra tinh hoặc xuất ra máu, mủ.
Theo các chuyên gia, sự phát triển của các loại vi khuẩn, virus, ký sinh trùng, nấm men... là tác nhân hàng đầu khởi phát viêm túi tinh. Ngoài ra, một số trường hợp nam giới thực hiện nội soi tuyến tiền liệt, phẫu thuật đặt sonde hoặc dị tật bẩm sinh cũng có thể làm tăng nguy cơ viêm túi tinh.
Các biểu hiện của bệnh viêm túi tinh thường ít đặc hiệu và không rõ ràng nên dễ nhầm lẫn với các bệnh lý khác khiến điều trị sai cách. Do đó, khuyến cáo nam giới khi có các biểu hiện như đau nhức vùng bìu, hậu môn, đau khi quan hệ, xuất tinh, xuất tinh ra máu, mủ... nên chủ động thăm khám sớm để điều trị kịp thời, ngăn ngừa các biến chứng nguy hiểm.
Nguyên nhân và yếu tố nguy cơ
Một số nguyên nhân gây viêm túi tinh thường gặp ở nam giới như:
- Quan hệ tình dục không an toàn: Những người có đời sống tình dục không an toàn như không chung thủy, quan hệ với nhiều người, không sử bao cao su, quan hệ thô bạo... là những nguyên nhân hàng đầu khiến hệ thống bao mao mạch túi tinh bị vỡ, gây viêm túi tinh.
- Bẩm sinh: Một số trường hợp nam giới bị viêm túi tinh do bộ phận niệu quản được hình thành sai chỗ. Cụ thể, lỗ đổ của niệu quản thay vì nằm trong bàng quang lại di chuyển xuống túi tinh và dễ bị viêm nhiễm.
- Bệnh viêm đường tiết niệu: Bệnh viêm túi tinh ở nam giới cũng có thể khởi phát từ một số bệnh lý đường tiết niệu như viêm niệu đạo, viêm bàng quang, viêm màng tinh hoàn....
- Ảnh hưởng từ các thủ thuật y tế: Chẳng hạn như nội soi tuyến tiền liệt, đặt sonde tiểu không đúng quy trình, không đảm bảo vô trùng, chất lượng thực hiện làm tăng nguy cơ nhiễm trùng cơ quan sinh dục nói chung, trong đó có bệnh viêm túi tinh.
- Các nguyên nhân khác:
- Ảnh hưởng từ các bệnh lý viêm nhiễm toàn thân khác như: viêm đường hô hấp (viêm họng, viêm tai giữa, viêm phế quản...), bệnh lao đường sinh dục...;
- Người có sức đề kháng yếu kém do bẩm sinh hoặc mắc các bệnh làm giảm miễn dịch làm tăng khả năng bị viêm túi tinh;
- ...
Triệu chứng và chẩn đoán
Triệu chứng
Nam giới bị viêm túi tinh thường có các triệu chứng sau:
- Đau nhức tầng sinh môn mỗi khi đi tiểu, cơn đau nhói có thể lan xuống bìu hoặc hậu môn;
- Đau khi quan hệ, khi xuất tinh kèm theo xuất tinh ra mủ lẫn máu;
- Tinh dịch xuất nhiều nhưng ít tinh trùng và giảm dần số lượng khi chuyển sang giai đoạn viêm mạn tính;
- Không có khoái cảm khi quan hệ;
- Phát sinh các biểu hiện xuất hiện sớm hoặc rối loạn cương dương;
- Kèm theo một số triệu chứng toàn thân khác như sốt, rét run, ớn lạnh, mệt mỏi, uể oải,...;
Chẩn đoán
Chẩn đoán viêm túi tinh ở nam giới được thực hiện thông qua thăm hỏi các triệu chứng lâm sàng, đồng thời kết hợp kiểm tra lượng tinh dịch bằng phương pháp sau:
- Xét nghiệm tinh dịch đồ: Giúp phát hiện có lẫn tế bào hồng cầu trong mẫu tinh dịch ở mức cao. Đồng thời, tìm kiếm sự tồn tại của vi khuẩn, ký sinh trùng, nấm men... Kết hợp nuôi cấy để xác định chính xác loại vi khuẩn.
- Siêu âm: Thông bụng hoặc qua ngả trực tràng khi bàng quang đã được bơm đầy nước. Nam giới bị viêm túi tinh sẽ dễ dàng nhìn thấy hình ảnh túi tinh giãn nở rộng, kích thước thành dày.
Biến chứng và tiên lượng
Bệnh viêm túi tinh ở nam giới nếu không được phát hiện sớm và điều trị kịp thời có thể dẫn đến vô sinh hiếm muộn. Do các yếu tố sau:
- Viêm nhiễm làm giảm độ pH trong môi trường chứa tinh trùng, kéo theo tăng nồng độ axit làm chết tinh trùng;
- Lượng huyết tương tinh nhiễm khuẩn hình thành các tế bào chứa dịch mủ trắng tạo độ nhớt quá mức, khiến tinh trùng cô đặc và hoạt động kém đi, dẫn đến vô sinh;
- Viêm túi tinh khiến lượng tinh dịch giảm, số lượng tinh trùng ngày càng ít, thậm chí gây vô tinh;
- Túi tinh viêm nhiễm lâu ngày làm tăng nguy cơ bất sản túi tinh và kéo theo những tổn thương ở tinh hoàn dẫn đến vô sinh;
Ngoài ra, cảm giác đau đớn khi quan hệ và xuất tinh ở nam giới bị viêm túi tinh kéo theo cơn đau dữ dội ở tầng sinh môn, lan dọc theo ống dẫn tinh. Tình trạng này khiến nam giới dần e ngại trong chuyện tình dục, lâu ngày dẫn đến giảm ham muốn, vô cảm không còn ham muốn.
Tiên lượng về bệnh viêm túi tinh không quá nghiêm trọng và có thể kiểm soát tốt bằng các phương pháp điều trị nội khoa nếu được phát hiện sớm. Những trường hợp nặng có thể được chỉ định can thiệp ngoại khoa cắt bỏ túi tinh nếu cần thiết
Điều trị
Dựa trên kết quả chẩn đoán, bác sĩ sẽ chỉ định phương pháp điều trị viêm túi tinh phù hợp.
1. Điều trị bằng thuốc
Dùng phác đồ thuốc kháng sinh là biện pháp điều trị viêm túi tinh được ưu tiên hàng đầu, đặc biệt phù hợp với những bệnh nhân mắc bệnh nhẹ. Dựa vào kết quả nuôi cấy tinh dịch xác định loại vi khuẩn mà bác sĩ sẽ kê toa dùng thuốc kháng sinh phù hợp.
Thường kết hợp từ 2 loại kháng sinh trở lên để đạt kết quả cao tối đa. Phổ biến nhất là Augmentin + Gentamycin hoặc Cefotaxim + Tobramycin. Liều tấn công dùng trong 7 ngày dưới dạng tiêm, sau đó chuyển sang dùng thuốc uống trong vòng 10 - 14 ngày.
Ngoài kháng sinh, có thể dùng thêm một số loại thuốc khác để trị viêm túi tinh như:
- Thuốc chống viêm Corticoid hỗ trợ chống viêm, giảm đau;
- Các loại thuốc giảm đau thông thường như Paracetamol, Acetaminiphen... hoặc thuốc giảm đau cơ trơn như Spasfon, Spasmaverine...;
- Thuốc đặc trị lao theo phác đồ do bác sĩ chỉ định đối với những trường hợp bị viêm túi tinh do nhiễm vi khuẩn lao;
2. Can thiệp ngoại khoa
Điều trị nội khoa không đạt hiệu quả như mong muốn hoặc biến chứng áp xe ngày càng nặng sẽ được chỉ định phẫu thuật loại bỏ ổ áp xe hoặc cả túi tinh để ngăn chặn nhiễm trùng lây lan. Tuy nhiên, điều này cũng đồng nghĩa với việc nam giới sẽ mất đi khả năng sinh sản, nên hãy cân nhắc kỹ lưỡng trước khi đưa ra quyết định.
Phòng ngừa
Để phòng ngừa viêm túi tinh, nam giới cần thực hiện các biện pháp sau:
- Quan hệ tình dục an toàn, sử dụng bao cao su và giao hợp nhẹ nhàng.
- Chung thủy trong quan hệ, tránh quan hệ tùy tiện với nhiều người, nhất là những người không rõ lịch sử sức khỏe.
- Quan hệ và thủ dâm điều độ, không nên quá mức.
- Giữ vệ sinh cơ quan sinh dục hàng ngày, nhất là trước và sau khi quan hệ;
- Có chế độ ăn uống dinh dưỡng, đủ chất, đặc biệt là vitamin, khoáng chất, chất xơ, vitamin C...
- Nam giới nên tăng cường tham gia các hoạt động thể chất, rèn luyện thể lực và nâng cao sức đề kháng tự nhiên, chống lại bệnh tật.
Những câu hỏi quan trọng khi đi khám
1. Nguyên nhân khiến tôi bị viêm túi tinh?
2. Tình trạng bệnh của tôi có nguy hiểm không?
3. Tiên lượng tiến triển bệnh viêm túi tinh của tôi có phức tạp không?
4. Tôi cần thực hiện xét nghiệm nào để chẩn đoán viêm túi tinh?
5. Biện pháp điều trị viêm túi tinh tốt nhất dành cho trường hợp bệnh của tôi?
6. Dùng kháng sinh trị viêm túi tinh có hiệu quả không?
7. Bị viêm túi tinh có được quan hệ không?
8. Tôi bị viêm túi tinh có sinh con được không?
9. Quá trình điều trị viêm túi tinh mất bao lâu?
10. Sau điều trị, viêm túi tinh có tái phát không?
Viêm túi tinh là vấn đề sức khỏe nam khoa đáng lo ngại, có nguy cơ cao gây biến chứng vô sinh hiếm muộn nếu chủ quan không điều trị kịp thời. Khuyến cáo nam giới cần duy trì đời sống tình dục lành mạnh và thăm khám sức khỏe định kỳ hoặc ngay khi xuất hiện các bất thường để kịp thời điều trị, dự phòng các rủi ro về sức khỏe sinh sản trong tương lai.
Tham khảo thêm:
- Bệnh Tắc Ống Dẫn Tinh - Dấu hiệu và cách điều trị
- Tinh trùng vón cục là bị gì? Nguy hiểm không? Cách chữa
Giải đáp thắc mắc của độc giả cùng chuyên gia của chúng tôi!