Bệnh Ung thư tuyến tiền liệt

Bác sĩ phụ trách

Bác sĩ Lê Hữu Tuấn

Phó Giám đốc chuyên môn

Ung thư tuyến tiền liệt là dạng ung thư phổ biến ở nam giới, xảy ra ở các mô tế bào tuyến tiền liệt. Bệnh có tính chất phát triển chậm và thường chỉ khu trú tại chỗ khi được chẩn đoán sớm. Các chuyên gia cảnh báo đây là căn bệnh khá nguy hiểm, có thể gây biến chứng vô sinh, thậm chí tử vong nếu không điều không điều trị kịp thời và đúng cách. Điều trị ung thư tuyến tiền liệt thường áp dụng các phương pháp như liệu pháp hormone, phẫu thuật, xạ trị, hóa trị... 

Tổng quan

Ung thư tuyến tiền liệt (Prostate cancer) là bệnh lý phát triển ở tuyến tiền liệt, là một phần quan trọng của hệ thống sinh sản ở nam giới. Đây là một tuyến nhỏ có hình dạng như quả óc chó có khả năng sản sinh ra tinh dịch và vận chuyển tinh trùng một cách trơn tru.

Ung thư tuyến tiền liệt là dạng ung thư ác tính phát triển từ các mô ở tuyến tiền liệt

Bệnh được phân loại làm 4 giai đoạn chính dựa vào mức độ nghiêm trọng và khả năng lây lan. Trong đó, giai đoạn 1 và và 2 là giai đoạn tế bào ung thư khu trú, chưa quá nguy hiểm, giai đoạn 3 là giai đoạn ung thư lan rộng hoặc tiến triển cục bộ, giai đoạn 4 là giai đoạn tiến triển hay giai đoạn di căn cực kỳ nguy hiểm.

Đây là một trong những dạng ung thư phổ biến ở nam giới, chỉ sau ung thư da. Nam giới trên 50 tuổi là đối tượng dễ phát hiện bệnh, độ tuổi trung bình được chẩn đoán ở mức 72 tuổi. Ung thư tuyến tiền liệt được cảnh báo là nguyên nhân gây tử vong đứng thứ 2 chỉ sau ung thư phổi.

Phân loại

Tương tự như nhiều dạng ung thư khác, ung thư tuyến tiền liệt được phân chia làm nhiều loại khác nhau, phụ thuộc vào loại tế bào phát triển thành ung thư. Cụ thể gồm các loại sau:

  • Ung thư biểu mô tuyến;
  • Ung thư biểu mô tế bào nhỏ;
  • Ung thư biểu mô tế bào chuyển tiếp;
  • Khối u thần kinh nội tiết;
  • Khối u ác tính sarcoma;

Nguyên nhân và yếu tố nguy cơ

Nguyên nhân

Cho đến nay, nguyên nhân gây bệnh ung thư nói chung và ung thư tuyến tiền liệt vẫn chưa được hiểu rõ hoàn toàn.

Các chuyên gia nhận thấy các tế bào ung thư khi phát triển có khả năng nhân lên và phân chia liên tục, nhanh chóng một cách bất thường. Trong trạng thái bình thường, các tế bào sẽ chết đi và tái sinh theo vòng tuần hoàn, nhưng ngược lại tế bào ung thư không chết mà vẫn tiếp tục phát triển tạo thành khối u. Thậm chí, chúng còn có khả năng di căn sang nhiều cơ quan khác hoặc vỡ ra rất nguy hiểm.

Đối với ung thư tuyến tiền liệt, các tế bào ác tính thường phát triển chậm và dễ chẩn đoán sớm trước khi chúng lây lan ra khỏi tuyến tiền liệt. Nếu phát hiện sớm trong giai đoạn này, kết quả điều trị thường cao.

Yếu tố nguy cơ

Có nhiều yếu tố rủi ro làm tăng nguy cơ phát triển ung thư tuyến tiền liệt, bao gồm:

Nam giới trên 50 tuổi có tiền sử viêm tuyến tiền liệt là đối tượng có nguy cơ cao phát triển ung thư tuyến tiền liệt

  • Tuổi tác: Nam giới càng lớn tuổi nguy cơ mắc bệnh càng cao, đa số các trường hợp được chẩn đoán ung thư tuyến tiền liệt đều trên 50 tuổi, trung bình từ 65 - 72 tuổi.
  • Chủng tộc & sắc tộc: Theo các số liệu thống kê, những người da đen hoặc gốc Phi có nguy cơ mắc bệnh ung thư tuyến tiền liệt cao hơn những quốc gia khác.
  • Tiền sử gia đình: Nếu trong gia đình đã có người từng mắc phải căn bệnh này, tỷ lệ bạn mắc bệnh chắc chắn sẽ cao hơn gấp 2 - 3 lần so với những người khác.
  • Yếu tố di truyền: Những đứa trẻ là nam được sinh ra có thừa hưởng gen đột biến di truyền BRCA1 và BRCA2 hoặc mắc hội chứng Lynch có nguy cơ mắc bệnh ung thư tuyến tiền liệt cao hơn.
  • Một số yếu tố rủi ro khác:
    • Tiền sử bị viêm hoặc phì đại tuyến tiền liệt;
    • Hút thuốc lá;
    • Ăn uống không khoa học, nghiện rượu nặng;
    • Chỉ số BMI > 30 bị thừa cân béo phì;
    • Mắc các bệnh lây truyền qua đường tình dục;
    • Đã từng hoặc thường xuyên tiếp xúc với các loại hóa chất độc hại;

Triệu chứng và chẩn đoán

Triệu chứng 

Triệu chứng ung thư tuyến tiền liệt thường ít và không rõ ràng trong giai đoạn đầu, chỉ đến giai đoạn tiến triển mới bộc phát triệu chứng rõ ràng. Chẳng hạn như:

Bệnh nhân thường gặp các triệu chứng như tiểu nhiều, tiểu đau rát, tiểu tiện mất kiểm soát hoặc rối loạn cương dương

  • Tăng tần suất tiểu tiện, chủ yếu vào ban đêm;
  • Tiểu khó, đau rát;
  • Dòng nước tiểu yếu và hay dừng giữa chừng dù chưa tiểu xong;
  • Đại - tiểu tiện không tự chủ do mất kiểm soát bàng quang, ruột;
  • Rối loạn cương dương và đau khi xuất tinh;
  • Có lẫn máu trong nước tiểu hoặc tinh dịch;
  • Sụt cân đột ngột không rõ nguyên nhân;
  • Đau mỏi vùng hông, lưng dưới và tức ngực;

Chẩn đoán

Để phát hiện sớm ung thư tuyến tiền liệt, phương pháp tầm soát sàng lọc định kỳ luôn được các chuyên gia khuyến khích nam giới thực hiện thường xuyên. Độ tuổi sàng lọc lần đầu nên vào năm 55 tuổi hoặc sớm hơn và lần cuối cùng vào năm 70 tuổi. Các phương pháp xét nghiệm sàng lọc thường được áp dụng như:

  • Khám trực tràng: Đây là bước khám thực thể, được thực hiện bằng cách khám trực tiếp bằng ngón tay có đeo găng y tế và gel bôi trơn để kiểm tra trực tràng. Bước này giúp phát hiện các vết sưng, cứng nghi ngờ là khối u ung thư.
  • Xét nghiệm máu: Cụ thể ở đây là xét nghiệm máu kháng nguyên đặc hiệu tuyến tiền liệt (PSA). Nếu chỉ số PSA cao quá ngưỡng cho phép rất có thể là dấu hiệu của bệnh ung thư. Tuy nhiên, chỉ số này cũng có thể phát hiện các bệnh lý lành tính khác như viêm hoặc phì đại tuyến tiền liệt.

Trong trường hợp chưa từng làm sàng lọc hoặc đã sàng lọc và phát hiện các dấu hiệu bất thường như vừa kể trên, bác sĩ sẽ tiến hành thăm khám và chỉ định các xét nghiệm bổ sung để xác nhận chẩn đoán ung thư tuyến tiền liệt. Quy trình chẩn đoán cụ thể bao gồm các bước sau:

Thăm khám lâm sàng kết hợp các xét nghiệm hình ảnh giúp xác nhận chẩn đoán ung thư tuyến tiền liệt

  • Xét nghiệm hình ảnh: Một số kỹ thuật tân tiến như siêu âm hoặc chụp cộng hưởng từ MRI cho phép quan sát chi tiết hình ảnh tuyến tiền liệt. Từ đó giúp bác sĩ dễ dàng phát hiện các bất thường nghi ngờ ung thư. Sau đó, dựa vào kết quả này để quyết định có nên làm sinh thiết hay không.
  • Sinh thiết: Phương pháp này được thực hiện bằng cách chọc kim để lấy mẫu mô tế bào tuyến tiền liệt và mang đi làm xét nghiệm. Đây là cách hiệu quả duy nhất giúp chẩn đoán chính xác ung thư tuyến tiền liệt.
  • Kiểm tra mức độ xâm lấn: Đây là bước cuối cùng trong quá trình chẩn đoán ung thư tuyến tiền liệt, nhằm xác định mức độ xâm lấn của các tế bào ung thư. Các kỹ thuật được áp dụng phổ biến nhất là:
    • Điểm Gleason: Đây là thang điểm tiêu chuẩn quốc tế dùng để đánh giá các cấp độ của tế bào ung thư tuyến tiền liệt. Trong đó, các điểm phổ biến dùng để đánh giá nằm trong thang từ 6 - 10, xếp theo mức độ thấp - trung bình - cao.
    • Xét nghiệm bộ gen: Phương pháp này giúp phân tích các tế bào ung thư tuyến tiền liệt có liên quan đến các bất thường đột biến gen hay không.
  • Một số xét nghiệm bổ sung khác: Nếu nghi ngờ khối u ung thư tuyến tiền liệt đã di căn, bệnh nhân có thể được yêu cầu thực hiện nhiều hơn 1 xét nghiệm dưới đây:
    • Chụp CT scan;
    • Quét xương;
    • Chụp cắt lớp phát xạ Positron (PET);

Biến chứng và tiên lượng

Biến chứng của ung thư tuyến tiền liệt có thể xuất phát từ chính sự tiến triển của căn bệnh này hoặc ảnh hưởng từ những biện pháp điều trị. Chẳng hạn như:

Nam giới bị ung thư tuyến tiền liệt không điều trị kịp thời có thể bị vô sinh hoặc tử vong do ung thư di căn

  • Ung thư di căn: Cũng như nhiều dạng ung thư khác, ung thư tuyến tiền liệt có khả năng phát triển lây lan, di căn sang nhiều cơ quan lân cận hoặc xâm lấn sang các cơ quan xa. Thường gặp nhất là xương, các hạch bạch huyết hoặc phát triển trong gan, não, phổi cùng nhiều cơ quan nội tạng khác...
  • Mất kiểm soát bàng quang: Đây là một trong những tác dụng phụ thường gặp khi áp dụng các biện pháp điều trị ung thư tuyến tiền liệt. Bạn có thể bị són tiểu mọi lúc mọi nơi, ngay cả khi bàng quang chưa đầy, nhất là khi cười nói quá lớn hoặc căng thẳng quá mức. Tình trạng này thường không nghiêm trọng và có thể tự hồi phục mà không cần can thiệp điều trị.
  • Rối loạn cương dương: Đây cũng là nỗi khổ của rất nhiều quý ông bị ung thư tuyến tiền liệt. Dưới sự ảnh hưởng của các biện pháp điều trị như hóa xạ trị, phẫu thuật loại bỏ khối u ung thư, có thể vô tình làm tổn thương các dây thần kinh giữ chức năng cương dương. Tình trạng có thể khắc phục được nhưng mất khá nhiều thời gian, từ 1 - 2 năm bằng cách sử dụng các loại thuốc tăng cường lưu thông máu đến dương vật như sildenafil hoặc tadalafil.
  •  Vô sinh: Trong những trường hợp điều trị ung thư tuyến tiền liệt quá lâu, hệ thống cơ quan tình dục và sinh sản của nam giới bị phá hủy nghiêm trọng, chẳng hạn như mất khả năng sản sinh tinh dịch, tinh trùng yếu hoặc rối loạn xuất tinh. Tất cả những điều này đều làm tăng nguy cơ vô sinh hiếm muộn. Do đó, nếu chưa có con hãy cân nhắc đến việc lưu trữ tinh trùng trước khi điều trị ung thư tuyến tiền liệt.

Hầu hết các trường hợp ung thư tuyến tiền liệt đều có tiên lượng tốt, do tiến triển bệnh thường chậm và dễ phát hiện chẩn đoán ra ở giai đoạn sớm. Chỉ cần tích cực điều trị, có khoảng 99% trường hợp ung thư tuyến tiền liệt đều sống được khá lâu, hoặc nếu không điều trị vẫn có thể sống thêm ít nhất 5 năm sau chẩn đoán. Tuy nhiên, những trường hợp ung thư tuyến tiền liệt giai đoạn muộn không được phát hiện và điều trị sớm, tỷ lệ sống sót sau 5 năm chỉ khoảng 32%.

Điều trị

Tùy theo kết quả chẩn đoán và các yếu tố khác, bác sĩ sẽ chỉ định áp dụng phác đồ điều trị phù hợp. Thông thường, việc điều trị thường không cần thiết phải áp dụng ngay lập tức nếu ung thư tuyến tiền liệt được phát hiện ở giai đoạn sớm. Thay vào đó, bệnh nhân sẽ được theo dõi kỹ lưỡng thông qua những lần tái khám định kỳ.

Chỉ những trường hợp kết quả xét nghiệm cho thấy tế bào ung thư đang phát triển, cần nhanh chóng tiến hành các phương pháp điều trị chuyên sâu. Mục tiêu của việc điều trị nhằm loại bỏ hoặc ức chế sự phát triển của chúng.

Cụ thể một một số phương pháp điều trị ung thư tuyến tiền liệt gồm:

Phẫu thuật

Phẫu thuật là phương pháp được chỉ định áp dụng đầu tiên nhằm loại bỏ khối u ung thư khu trú trong tuyến tiền liệt, hoặc kèm theo một số mô xung quanh cùng các hạch bạch huyết lân cận. Có nhiều kỹ thuật phẫu thuật phổ biến hiện nay gồm:

Phẫu thuật cắt bỏ tuyến tiền liệt là phương pháp được ưu tiên lựa chọn đầu tiên để loại bỏ khối u ung thư

  • Mổ hở ở bụng: Một rạch ở bụng được tạo ra nhằm cắt bỏ tuyến tiền liệt. Kỹ thuật này tuy ít có nguy cơ gây tổn thương thần kinh, nhưng một số trường hợp vẫn có thể bị mất kiểm soát bàng quang và khả năng cương cứng tạm thời.
  • Mổ hở ở giữa bìu và hậu môn: Hay còn gọi là phẫu thuật đáy chậu, được thực hiện bằng cách tạo một đường vết rạch ở vị trí giữa bìu và hậu môn để tiếp cận đến tuyến tiền liệt.
  • Nội soi tuyến tiền liệt: Đây là kỹ thuật hiện đại và ít rủi ro hơn so với các kỹ thuật mổ hở. Vết rạch được tạo ra có kích thước nhỏ để đưa dụng cụ nội soi vào bên trong tiếp cận đến tuyến tiền liệt. Thông qua hình ảnh hiện thị ra màn hình bên ngoài, bác sĩ sẽ tiến hành cắt bỏ tuyến tiền liệt chứa khối u ung thư. Ưu điểm của phương pháp này là ít đau, ít chảy máu và thời gian phục hồi nhanh chóng.
  • Phẫu thuật bằng robot: Phương pháp này tương tự như nội soi, nhưng bác sĩ không trực tiếp sử dụng dụng cụ, thay vào đó các thiết bị sẽ được gắn vào robot. Bác sĩ sẽ ngồi bàn điều khiển để di chuyển dụng cụ đến đúng vị trí và tiến hành cắt chính xác tuyến tiền liệt.

Liệu pháp hormone

Hormone testosterone có khả năng thúc đẩy sự phát triển của các tế bào ung thư. Do đó, liệu pháp hormone được nghiên cứu nhằm chống lại chức năng của testosterone, cắt đứt nguồn cung cấp testosterone khiến các tế bào ung thư chậm phát triển hoặc chết đi.

Một số liệu pháp hormone được chỉ định áp dụng phổ biến cho bệnh nhân ung thư tuyến tiền liệt gồm:

Liệu pháp hormone giúp ngăn chặn cơ thể sản xuất nội tiết tố nam testosterone khiến các tế bào ung thư chết dần đi

  • Thuốc ức chế sản xuất testosterone: Có 2 nhóm thuốc chính gồm chất chủ vận và chất đối kháng hormone tạo ra hoàng thể (LHRH) hoặc giải phóng gonadotropin (GnRH). Thuốc có tác dụng ức chế các tế bào của cơ thể nhận được tín hiệu sản xuất ra testosterone. Một số loại điển hình như:
    • leuprolide (Eligard, Lupron);
    • tripxorelin (Trelstar);
    • degarelix (Firmagon);
    • goserelin (Zoladex);
    • histrelin (Vantas);
  • Thuốc ngăn chặn cung cấp testosterone đến tế bào ung thư: Hay còn đươc gọi là thuốc kháng androgen, thường được chỉ định sử dụng chung với chất chủ vận LHRH. Một số thuốc thường dùng như flutamide, bicalutamide hoặc nilutamide.

Trong một số trường hợp, liệu pháp hormone có thể được chỉ định sử dụng trong giai đoạn đầu trước khi xạ trị để tăng hiệu quả. Hoặc cũng có thể dùng sau để ức chế sự phát triển của các tế bào ung thư.

Tuy hiệu quả rõ rệt nhưng liệu pháp này có thể gây ra một tác dụng phụ như rối loạn cương dương, giảm ham muốn, giảm khối lượng cơ xương, tăng cân... Đặc biệt, một số trường hợp nghiêm trọng có thể làm tăng nguy cơ phát sinh các vấn đề tim mạch.

Hóa - Xạ trị liệu

Đây là 2 phương pháp điều trị phổ biến đối với bất kỳ bệnh ung thư nào và ung thư tuyến tiền liệt cũng không ngoại lệ.

Xạ trị và hóa trị là 2 phương pháp hữu hiệu giúp tiêu diệt các tế bào ung thư tuyền tiền liệt

Xạ trị

Kỹ thuật xạ trị sử dụng nguồn năng lượng cao, thường là tia X để tác động đến cơ thể và tiêu diệt các tế bào ung thư. Có 2 cách xạ trị phổ biến gồm:

  • Xạ trị từ bên ngoài: Người bệnh nằm sẵn trên bàn chuyên dụng để thiết bị phát xạ di chuyển khắp cơ thể. Tần suất xạ trị được khuyến nghị khoảng 5 ngày/ tuần để đạt hiệu quả tốt nhất.
  • Xạ trị từ bên trong: Được thực hiện bằng cách cấy ghép số lượng lớn các hạt phóng xạ vào bên trong các mô tuyến tiền liệt. Kỹ thuật cấy ghép dùng kim tiêm kết hợp hình ảnh siêu âm. Các hạt này có khả năng phát ra phóng xạ trong thời gian dài và không cần tái can thiệp để loại bỏ.

Tuy đem lại hiệu quả cao, nhưng xạ trị có thể gây ra một số tác dụng phụ như tăng tần suất tiểu tiện, tiểu đau, tiêu chảy, đau rát khi đại tiện, rối loạn cương dương...

Hóa trị

Phương pháp này thường được chỉ định kết hợp với xạ trị để tăng hiệu quả điều trị ung thư. Các loại thuốc mạnh được truyền trực tiếp vào cơ thể thông qua tĩnh mạch tay để tiêu diệt các tế bào ung thư. Phương pháp này có thể kết hợp với phẫu thuật để loại bỏ các tế bào ung thư còn sót lại.

Hoặc thực hiện đơn lẻ trong giai đoạn khối u ung thư đã di căn sang nhiều cơ quan khác, nhất là khi không đáp ứng với liệu pháp hormone thay thế.

Liệu pháp miễn dịch và liệu pháp nhắm trúng mục tiêu

Đây là 2 phương pháp mới trong điều trị ung thư tuyến tiền liệt.

  • Liệu pháp miễn dịch: Sử dụng các loại thuốc trị liệu miễn dịch hoặc kỹ thuật tế bào để tăng cường sức mạnh của hệ thống miễn dịch chống lại sự phát triển của các tế bào ung thư.
  • Liệu pháp nhắm trúng mục tiêu: Phương pháp này sử dụng thuốc có khả năng xác định chính xác các tế bào ung thư và tiêu diệt chúng mà không làm ảnh hưởng đến các tế bào tuyến tiền liệt khỏe mạnh.

Các thủ thuật y tế khác

Bên cạnh các biện pháp trên, còn một số thủ thuật y tế không xâm lấn cũng được áp dụng phổ biến trong điều trị ung thư tuyến tiền liệt, bao gồm:

  • Đông lạnh mô tuyến tiền liệt: Hay còn gọi là phương pháp cắt lạnh, sử dụng dụng cụ chính là kim tiêm bơm khí lạnh tiêm trực tiếp vào vị trí tuyến tiền liệt chứa tế bào ung thư, dưới sự hướng dẫn của hình ảnh siêu âm. Dựa vào cơ chế làm đông và tan băng có thể giết chết các tế bào ung thư. Tuy nhiên, kỹ thuật này cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro tác dụng phụ không thể xử lý được nên rất ít khi được chỉ định.
  • Sóng siêu âm: Sử dụng nguồn sóng siêu âm với năng lượng cao để làm nóng các mô trong tuyến tiền liệt và tiêu diệt các tế bào ung thư. Phương pháp này được thực hiện bằng cách đưa ống đầu dò vào bên trong trực tràng. Tuy nhiên, phương pháp này vẫn còn đang trong giai đoạn nghiên cứu nên chưa được áp dụng phổ biến.
  • Liệu pháp quang động: Phương pháp này sử dụng nguồn bước sóng ánh sáng nhất định tác động đến các tế bào ung thư và tiêu diệt chúng.

Phòng ngừa

Con người không thể ngăn ngừa hoàn toàn bệnh ung thư, bao gồm cả ung thư tuyến tiền liệt. Tuy nhiên, chúng ta có thể thực hiện các biện pháp tích cực dưới đây hàng ngày để giảm nguy cơ rủi ro phát triển bệnh.

Định kỳ tầm soát sàng lọc ung thư tuyến tiền liệt để phát hiện và điều trị bệnh sớm

  • Nam giới lớn tuổi cần thực hiện tầm soát sàng lọc ung thư tuyến tiền liệt định kỳ theo khuyến nghị của chuyên gia. Việc kiểm tra tuyến tiền liệt thường xuyên sẽ cung cấp rất nhiều thông tin liên quan đến nguy cơ phát bệnh.
  • Những trường hợp phát hiện sớm nguy cơ phát triển ung thư tuyến tiền liệt có thể được chỉ định sử dụng thuốc ức chế men khử 5-alpha như dutasteride, finasteride...
  • Có một chế độ ăn uống khoa học, tăng cường bổ sung các loại thực phẩm tốt như rau xanh, trái cây, củ quả, ngũ cốc... giàu vitamin, khoáng chất tốt cho sức khỏe.
  • Hạn chế sử dụng các loại TPCN bổ sung, thay vào đó luôn ưu tiên bổ sung dưỡng chất thông qua thực phẩm là tốt nhất.
  • Tạo thói quen tập thể dục đều đặn hàng ngày, tập vừa sức để duy trì cân nặng, nâng cao thể trạng và ổn định hệ miễn dịch.

Những câu hỏi quan trọng khi đi khám

1. Có phải tôi mắc bệnh ung thư không?

2. Vì sao tôi bị ung thư tuyến tiền liệt?

3. Tôi cần làm những xét nghiệm nào để chẩn đoán xác nhận ung thư tuyến tiền liệt?

4. Tôi mắc bệnh ở giai đoạn nào? Có nguy hiểm không?

5. Tiên lượng tuổi thọ của tôi còn sống được bao lâu?

6. Bệnh ung thư tuyến tiền liệt có chữa khỏi dứt điểm được không?

7. Phác đồ điều trị ung thư tuyến tiền liệt tốt nhất dành cho tôi?

8. Những lợi ích và rủi ro tiềm ẩn của từng phương pháp điều trị được chỉ định?

9. Quá trình điều trị kéo dài hay từng đợt? Mất bao lâu?

10. Chi phí điều trị ung thư tuyến tiền liệt tốn bao nhiêu? Có dùng BHYT được không?

Trên thực tế, không có biện pháp điều trị đặc hiệu nào đối với bệnh ung thư tuyến tiền liệt. Tuy nhiên, việc điều trị trong giai đoạn bệnh phát triển vẫn rất cần thiết nhằm cải thiện triệu chứng và hạn chế các biến chứng khó lường. Bên cạnh tập trung vào điều trị y tế, bệnh nhân cũng cần chú ý chăm sóc sức khỏe thể chất và tinh thần thông qua lối sống lành mạnh, ăn uống đủ chất, thực hiện các kỹ thuật thư giãn... để chung sống với bệnh.

Tìm hiểu thêm

Chia sẻ:
Bệnh Viêm Tinh Hoàn
Viêm tinh hoàn là bệnh lý nam khoa phổ biến. Tinh hoàn sưng viêm, gây đau nhức khó chịu và kèm theo nhiều triệu chứng khó chịu khác. Bệnh có…
Bệnh Phì Đại Tuyến Tiền Liệt
Phì đại tuyến tiền liệt là bệnh lý nam khoa…
Bệnh Tinh Trùng Yếu
Sự khỏe mạnh và khả năng phát triển của tinh…
Bệnh Giãn Tĩnh Mạch Thừng Tinh
Giãn mạch thừng tinh là bệnh lý nam khoa phổ…
Liệt dương Bệnh Liệt Dương

Liệt dương là hậu quả của rối loạn cương dương do không điều trị khỏi dứt điểm hoặc không điều…

Bệnh Tinh Hoàn Ẩn

Tinh hoàn ẩn là một trong những dị tật phổ biến ở trẻ nhỏ, xảy ra trong giai đoạn bào…

Bệnh Viêm Mào Tinh Hoàn

Viêm mào tinh hoàn là bệnh nam khoa thường gặp ở nam giới. Bệnh đặc trưng với tình trạng viêm…

Bệnh Xuất Tinh Ngược Dòng

Xuất tinh ngược dòng là một trong những dạng rối loạn xuất tinh thường gặp ở nam giới. Phần lớn…

Giải đáp thắc mắc của độc giả cùng chuyên gia của chúng tôi!

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Bác sĩ phụ trách

Bác sĩ Lê Hữu Tuấn

Phó Giám đốc chuyên môn

[ads_sidebar]
Xem nhiều

Đặt câu hỏi

Chia sẻ
Bỏ qua