Phì Đại Tuyến Tiền Liệt
Đặt lịch ngayPhì đại tuyến tiền liệt là bệnh lý nam khoa phổ biến ở nam giới trung niên, lớn tuổi. Đây là tình trạng tuyến tiền liệt phì đại, tăng kích thước quá mức. Bệnh có liên quan mật thiết đến yếu tố tuổi tác, lão hóa. Đa phần các trường hợp phì đại tuyến tiền liệt đều không quá nghiêm trọng và có thể kiểm soát được. Tuy nhiên, vẫn có nhiều trường hợp bệnh nặng có thể gây biến chứng nếu không điều trị kịp thời.
Tổng quan
Tuyến tiền liệt là tuyến quan trọng nằm trong hệ sinh dục của nam giới. Tuyến này khá nhỏ, nặng trung bình khoảng 15 - 20g, nằm ở vị trí dưới bàng quang, bao quanh ống niệu đạo. Đảm nhiệm chức năng sản sinh chất dịch giúp nuôi dưỡng tinh trùng khỏe mạnh, tăng khả năng thụ thai khi vào trong môi trường acid âm đạo. Ngoài ra, tuyến tiền liệt còn tham gia quá trình sản xuất nước tiểu và tiểu tiện.
Phì đại tuyến tiền liệt (Benign prostatic hyperplasia - BHP) còn được gọi với nhiều cái tên khác nhau như u xơ tuyến tiền liệt, phì đại nhiếp tuyến, phì đại tuyến tiền liệt lành tính, tăng sản lành tính tuyến tiền liệt... Đây là tình trạng tuyến tiền liệt phì đại bất thường, do các tế bào tuyến co lại, còn các tế bào xung lại tăng sinh quá mức.
Mức độ phì đại càng lớn càng làm tăng sự chèn ép lên gốc niệu đạo, làm thu hẹp, tắc lòng niệu đạo và gây rối loạn chức năng tiểu tiện. Nếu chủ quan lơ là không điều trị còn gây tổn thương bàng quang, suy giảm chức năng thận và đe dọa tính mạng trong giai đoạn biến chứng.
ĐỌC NGAY: Kích thước tuyến tiền liệt bình thường là bao nhiêu?
Phân loại
Phân loại phì đại tuyến tiền liệt được thực hiện dựa trên kích thước phình to và triệu chứng kèm theo của tuyến tiền liệt. Gồm 3 giai đoạn chính:
Giai đoạn 1: Tuyến tiền liệt chưa tổn thương nhiều nhưng kích thước bắt đầu có sự tăng dần. Một số trường hợp khối u phì đại xuất hiện ở thùy giữa sẽ gây chèn ép lên bàng quang, gây ra các triệu chứng như tăng tần suất tiểu tiện, có thể tiểu cả ngày lẫn đêm.
Giai đoạn 2: Ở giai đoạn này bắt đầu hình thành các tổn thương thực thể bên trong tuyến tiền liệt. Được biểu hiện rõ ràng thông qua các triệu chứng như giãn bàng quang, tiểu nhiều, tiểu khó, ứ đọng nước tiểu, nước tiểu đục, tiểu buốt do nhiễm khuẩn.
Giai đoạn 3: Đây là giai đoạn phì đại tuyến tiền liệt nặng nhất, các triệu chứng tiến triển nghiêm trọng như bàng quang căng giãn, gây tiểu són, tiểu khó. Kèm theo đó là các triệu chứng toàn thân như buồn nôn, nôn ói, ăn kém, mất ngủ, tăng huyết áp, phù người, suy nhược cơ thể...
Nguyên nhân & yếu tố nguy cơ
Hiện nay, nguyên nhân gây phì đại tuyến tiền liệt vẫn chưa được nghiên cứu rõ ràng. Nhưng theo nhiều giả thuyết, yếu tố tuổi tác và lão hóa là nguyên nhân khiến nam giới có xu hướng tự to lên bất thường và gây phì đại tuyến tiền liệt. Lão hóa càng nhanh, lượng hormone sinh dục trong cơ thể càng suy giảm, kéo theo rối loạn nội tiết tố (giảm testosterol - tăng estrogen) và gây bệnh.
Theo một thống kê mới nhất, tỷ lệ nam giới mắc bệnh phì đại tuyến tiền liệt ngày càng tăng cao theo độ tuổi. Trong đó, nam giới từ 40 - 50 tuổi, tỷ lệ mắc là 50%, 60 tuổi tỷ lệ này là 71,8% và 80 tuổi là > 90%.
Ngoài nguyên nhân chính này, còn nhiều yếu tố rủi ro làm tăng nguy cơ khiến tuyến tiền liệt bị phì đại như:
- Môi trường sống ô nhiễm; dung nạp các loại thực phẩm bẩn gây nhiễm độc cơ thể; nghiện rượu bia, thuốc lá làm gây suy giảm miễn dịch, tăng nguy cơ mắc bệnh;
- Người có tiền sử mắc nhiễm trùng đường tiết niệu, các hội chứng chuyển hóa, gây nhiều bệnh cùng lúc như tiểu đường, tim mạch, đột quỵ... có nguy cơ mắc phì đại tuyến tiền liệt
- Ăn uống thiếu chất, lạm dụng các loại thức ăn nhanh, dầu mỡ, đồ đóng hộp chứa chất bảo quản không tốt, ăn uống không điều độ, ăn uống thất thường;
- Stress, căng thẳng, lo âu quá mức; thừa cân béo phì; tiền sử gia đình đã có người từng mắc bệnh về tuyến tiền liệt hoặc tại đường tiết niệu; người có tiền sử tổn thương tinh hoàn...
Triệu chứng & chẩn đoán
Triệu chứng phì đại tuyến tiền liệt
Tuyến tiền liệt bị phì đại, tăng kích thước ngày càng lớn chèn ép lên niệu đạo, bàng quang, gây ảnh hưởng rõ rệt đến quá trình lọc thải nước tiểu và gây ra hàng loạt các triệu chứng như:
- Tăng tần suất tiểu tiện, nhiều nhất vào ban đêm (tiểu đêm nhiều lần);
- Tiểu rắt, tiểu gấp liên tục nhưng lượng nước tiểu ít hoặc rất ít;
- Vẫn có cảm giác nặng bàng quang và muốn tiểu tiếp dù vừa tiểu xong;
- Dòng nước tiểu yếu, chảy ngắt quãng; khó tiểu tiện, bí tiểu, dù cố rặn, gồng...
Đây là những triệu chứng thường gặp ở người bệnh phì đại tuyến tiền liệt. Tuy nhiên, mức độ triệu chứng ở từng trường hợp sẽ được biểu hiện khác nhau tùy theo kích thước phì đại tuyến tiền liệt.
Chẩn đoán
Để chẩn đoán phì đại tuyến tiền liệt, trước tiên bệnh nhân cần khai rõ với bác sĩ về các triệu chứng lâm sàng, tiền sử bệnh cá nhân, tình trạng sức khỏe, tuổi tác... Sau đó, bác sĩ sẽ tiến hành thăm khám và chỉ định thực hiện các xét nghiệm cần thiết để đưa ra kết quả chẩn đoán chính xác nhất.
Khám lâm sàng: Bác sĩ sẽ khám lâm sàng để đánh giá bệnh thông qua các việc quan sát, sờ, chạm, nắn, ấn vào tuyến tiền liệt thông qua trực tràng.
Siêu âm: Hình ảnh siêu âm cho phép quan sát rất rõ vị trí, kích thước và khối lượng của tuyến tiền liệt. Đồng thời, giúp chẩn đoán phân biệt với khối u ung thư hoặc chứng thận ứ nước.
Xét nghiệm máu: Phân tích công thức máu nhằm đo nồng độ kháng nguyên PSA - 1 loại kháng nguyên đặc hiệu về tuyến tiền liệt trong máu. Ở người bình thường, chỉ số PSA thường < 4ng/ ml, nhưng ở người bị phì đại tuyến tiền liệt hoặc ung thư tuyến, hàm lượng này khá cao > 10ng/ ml;
Biến chứng & tiên lượng
Phì đại tuyến tiền liệt được đánh giá là bệnh lành tính, có thể điều trị và chữa khỏi dứt điểm được vì bản chất của khối phì đại không phải ung thư. Tuy nhiên, nếu người bệnh chủ quan, lơ là không điều trị, tuyến tiền liệt phì đại quá mức, phát sinh viêm nhiễm kéo dài gây ra nhiều biến chứng khó lường như:
Suy thận: Chức năng tiểu tiện bị ảnh hưởng kéo dài khiến thận yếu, thận hư và có xu hướng biến chứng thành suy thận. Đây là biến chứng cực kỳ nguy hiểm, thận không hoạt động đồng nghĩa với việc mọi độc tố trong cơ thể không được đào thải ra ngoài, tích tụ trong cơ thể gây nhiễm trùng huyết và nhiều biến chứng khác dẫn đến tử vong.
Nhiễm trùng đường tiết niệu: Bàng quang chứa sỏi gây bí tiểu trong thời gian dài làm tăng nguy cơ nhiễm trùng niệu đạo. Do các khối sỏi này cọ xát gây tổn thương niêm mạc bàng quang. Tình trạng này còn gây ra hàng loạt các biến chứng viêm nhiễm tại một số cơ quan lân cận như viêm đài bể thận, viêm tinh hoàn, viêm ống dẫn tinh, viêm túi tinh..., gây ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe sinh lý và sinh sản của nam giới.
Sỏi bàng quang: Bị phì đại tuyến tiền liệt gây tiểu khó, bí tiểu. Theo thời gian gây tích tụ độc tố, chất cặn bã, lâu ngày hình thành sỏi bàng quang.
Điều trị
1. Điều trị nội khoa
Hầu hết các trường hợp phì đại tuyến tiền liệt đều đáp ứng với phương pháp điều trị bằng thuốc. Mục tiêu của việc dùng thuốc là kiểm soát triệu chứng, ngăn chặn tiến triển nặng của bệnh và các biến chứng khác.
Một số loại thuốc trị phì đại tuyến tiền liệt thường dùng như:
- Thuốc chẹn alpha: Loại thuốc này có tác dụng làm giãn cơ trơn tuyến tiền liệt và vùng cổ bàng quang, giảm tắc nghẽn, cải thiện khả năng đào thải nước tiểu và các triệu chứng liên quan. Tuy nhiên, thuốc không có khả năng làm giảm kích thước phì đại của tuyến tiền liệt. Các loại thuốc phổ biến trong nhóm này như: Uroxatral, Flomax, Cardura, Doxazosin, Alfuzosin, Prazoshin, Terazosin...;
- Thuốc ức chế 5α-reductase: Nhóm thuốc này giúp giảm hormone, có tác dụng năng ức chế quá trình bài tiết DHT, giảm tình trạng ứ đọng cấp và làm giảm kích thước tuyến tiền liệt. Sử dụng thuốc này giúp hạn chế nguy cơ phẫu thuật cắt bỏ tuyến tiền liệt. Nhóm thuốc này được đánh giá đem lại hiệu quả cao hơn so với thuốc chẹn alpha, điển hình với các loại như: Avodart, Proscar...
- Thuốc kháng Muscarinic: Có tác dụng làm giãn cơ trơn, kiểm soát tình trạng tăng hoạt bàng quang, cải thiện tiểu tiện. Một số loại thường dùng như Solifenacin, Oxybutynin ER... Chú ý dùng thuốc đúng liều, đúng cách để tránh gây tác dụng phụ như táo bón, khô miệng...
- Thuốc kháng sinh: Những trường hợp tuyến tiền liệt bị viêm nhiễm do vi khuẩn, bệnh nhân sẽ phải sử dụng phác đồ thuốc kháng sinh để kiểm soát các triệu chứng.
Lưu ý, khi được bác sĩ kê toa thuốc, hãy tuân thủ tuyệt đối các chỉ định về liều dùng, cách dùng và thời gian sử dụng. Tuyệt đối không tự ý dùng thuốc hoặc lạm dụng quá mức để hạn chế nguy cơ phát sinh tác dụng phụ gây hại cho sức khỏe.
Bên cạnh dùng thuốc, để đạt hiệu quả tối ưu trong điều trị phì đại tuyến tiền liệt, bệnh nhân cần được theo dõi và chăm sóc tích cực thông qua các biện pháp sau:
- Buổi tối, nhất là thời điểm trước khi đi ngủ nên hạn chế uống nước để giảm tần suất tiểu đêm;
- Ngoài nước lọc, các loại nước uống khác như nước ngọt, rượu bia, trà thảo mộc... cũng nên hạn chế sử dụng để tránh gây tiểu đêm nhiều;
- Để cải thiện tình trạng tiểu rắt liên tục, hãy cố gắng thải hết lượng nước tiểu ra ngoài và bước ra khỏi nhà vệ sinh ngay. Sau đó khoảng 1 - 2 phút, hãy quay lại nhà vệ sinh để loại bỏ hết phần nước tiểu còn sót lại;
- Để tăng cường chức năng bàng quang, đồng nghĩa với tăng cường khả năng giữ nước tiểu, hãy đợi khoảng vài phút rồi mới đi, không nên đi ngay để tăng cường khả năng chịu đựng của bàng quang;
2. Can thiệp ngoại khoa
Không phải trường hợp nào bị phì đại tuyến tiền liệt cũng cần phẫu thuật. Chỉ những bệnh nhân mắc bệnh giai đoạn nghiêm trọng, có biến chứng suy giảm chức năng thận, nhiễm trùng nặng, không đáp ứng điều trị nội khoa mới được chỉ định phẫu thuật.
Phẫu thuật cắt bỏ khối u xơ tuyến tiền liệt nhằm dứt điểm căn nguyên gây bệnh. Tuy nhiên, cần hết sức cân nhắc vì sau khi cắt bỏ tuyến tiền liệt, có khoảng 70% trường hợp nam giới không còn tinh dịch nữa, ảnh hưởng đến khả năng sinh sản.
Có 2 phương pháp phẫu thuật phì đại tuyến tiền liệt được áp dụng phổ biến là:
- Mổ nội soi (TURP): Mức độ phì đại tuyến tiền liệt > 50gr và < 80gr, kèm theo các triệu chứng như sỏi bàng quang, nhiễm trùng đường tiết niệu, bí tiểu cấp, niệu quản hoặc thận ứ nước, biến chứng hẹp niệu đạo... sẽ được chỉ định mổ nội soi.
- Mổ hở truyền thống: Kích thước tuyến tiền liệt > 80gr, kèm theo biến chứng có túi thừa hoặc sỏi trong bàng quang, suy thận do nước tiểu chảy ngược dòng, không thể thực hiện mổ nội soi sẽ chỉ được chỉ định mổ hở. Thường những bệnh nhân nặng mới được chỉ định mổ bằng phương pháp này.
Ngoài ra, một số trường hợp sẽ được chỉ định thực hiện một số thủ thuật khác như:
- Đặt Stent tuyến tiền liệt;
- Thủ thuật rạch tuyến tiền liệt (TUIP);
- Phẫu thuật cắt bỏ tuyến tiền liệt bằng laser;
Phòng ngừa
Bản chất của phì đại tuyến tiền liệt là một phần của quá trình lão hóa ở nam giới nên gần như không thể phòng ngừa bệnh tuyệt đối được. Bạn chỉ có thể làm giảm nguy cơ mắc bệnh và giảm thiểu mức độ nặng của bệnh thông qua các biện pháp tích cực sau:
Tầm soát sức khỏe sinh lý và sinh sản ít nhất 1 lần/ năm, hoặc 2 lần/ năm đối với những đối tượng có nguy cơ mắc bệnh cao để đánh giá mức độ lão hóa và tăng sinh của tuyến tiền liệt, phát hiện sớm các bất thường và can thiệp điều trị kịp thời.
Duy trì lối sống khoa học và lành mạnh như: Hạn chế dùng rượu bia và các chất kích thích khác; đi tiểu đúng giờ giấc hoặc ngay khi có nhu cầu, tuyệt đối không được nín nhịn; tránh ngồi quá lâu một chỗ hoặc mặc quần áo quá chật gây chèn ép lên tuyến tiền liệt; tập thể dục điều độ, rèn luyện thể chất tích cực thông qua các bài tập yoga, kegel, bơi lội, đi bộ dưỡng sinh...;
Xây dựng chế độ dinh dưỡng khoa học, tăng cường bổ sung các loại thực phẩm lành mạnh như rau xanh, củ quả, trái cây tươi... Tránh sử dụng các loại thực phẩm bẩn, chế biến thức ăn đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, thức ăn chứa nhiều chất béo, dầu mỡ, cay nóng...
Uống đủ lượng nước cần thiết trong ngày để hỗ trợ quá trình lọc thải nước tiểu hiệu quả, giảm nguy cơ viêm nhiễm gây phì đại tuyến tiền liệt.
Duy trì trạng thái tinh thần, lạc quan, tích cực, tránh căng thẳng, lo âu.
Giữ ấm cơ thể vì thời tiết lạnh có thể làm tăng nguy cơ giữ nước tiểu và tăng tần suất tiểu tiện.
Những câu hỏi quan trọng khi gặp bác sĩ
1. Bệnh phì đại tuyến tiền liệt có nguy hiểm không?
2. Nguyên nhân gây phì đại tuyến tiền liệt là gì?
3. Nam giới bị phì đại tuyến tiền liệt có con được không?
4. Các xét nghiệm tôi cần thực hiện để chẩn đoán phì đại tuyến tiền liệt?
5. Phác đồ điều trị tốt nhất đối với trường hợp bệnh của tôi là gì?
6. Có những loại thuốc trị phì đại tuyến tiền liệt nào tốt nhất?
7. Dùng thuốc lâu dài có gây tác dụng phụ không? Nếu có phải làm cách nào để xử lý?
8. Bị phì đại tuyến tiền liệt có cần phẫu thuật không?
9. Những rủi ro và lợi ích liên quan đến phẫu thuật cắt bỏ tuyến tiền liệt?
10. Quá trình điều trị phì đại tuyến tiền liệt mất bao lâu thì khỏi?
ĐỌC NGAY:
- Bị phì đại tuyến tiền liệt kiêng ăn gì và nên ăn gì tốt?
- Chữa phì đại tuyến tiền liệt bằng thuốc nam – Các bài thuốc uống là giảm
Giải đáp thắc mắc của độc giả cùng chuyên gia của chúng tôi!