Khủng hoảng tăng huyết áp

Bác sĩ phụ trách

Bác sĩ Nguyễn Thị Nhuần

Phó Giám đốc Chuyên môn

Khủng hoảng tăng huyết áp là tình trạng chỉ số huyết áp tăng cao quá mức, vượt ngưỡng cho phép mà không có bất kỳ dấu hiệu báo trước nào, thường là trên 180/120mmHG. Đây là tình trạng y tế nguy hiểm cần phải nhập viện để điều trị cấp cứu để hạ huyết áp, ngăn ngừa các biến chứng khó lường về tổn thương nội tạng và bảo toàn tính mạng cho bệnh nhân. 

Tổng quan

Khủng hoảng tăng huyết áp (Hypersensitive crisis) xảy ra khi chỉ số huyết áp tăng cao đến ngưỡng báo động, kèm theo đau đầu hoặc chảy máu cam. Đây là tình trạng sức khỏe nghiêm trọng cần được cấp cứu y tế ngay lập tức để ngăn chặn biến chứng đột quỵ, đe dọa sức khỏe và tính mạng.

Khủng hoảng tăng huyết áp xảy ra khi chỉ số huyết áp của một người tăng cao hơn 180/120mmHg đột ngột

Thông thường, chỉ số huyết áp ở mức ổn định là 120/80 milinet thủy ngân (mmHg). Nhưng khi đang trong đợt tăng huyết áp nghiêm trọng chỉ số này tăng lên 180/120mmHg hoặc cao hơn. Tùy mức độ nghiêm trọng, bệnh nhân có thể gặp các tổn thương nghiêm trọng, ảnh hưởng đến các cơ quan nội tạng như tim, thận, mắt, não...

Theo thống kê, có khoảng 1 - 2% người bị huyết áp cao có thể gặp cơn khủng hoảng tăng huyết áp. Tỷ lệ này khoảng 7% trong giai đoạn thuốc huyết áp chưa được sử dụng phổ biến.

Phân loại

Đợt khủng hoảng tăng huyết áp được chia làm 2 dạng chính gồm:

  • Khủng hoảng tăng huyết áp không khẩn cấp: Chiếm khoảng 76% trong tổng các đợt khủng hoảng tăng huyết áp. Chỉ số huyết áp thường > 180/120mmHg, nhưng không kèm theo các tổn thương cơ quan nội tạng.
  • Khủng hoảng tăng huyết áp khẩn cấp: Chỉ số huyết áp tăng > 180/120mmHg, tiến triển nghiêm trọng và kèm theo các tổn thương nội tạng, đe dọa tính mạng. Tỷ lệ gặp tình trạng hiếm gặp hơn, khoảng 24% trong tổng số các trường hợp.

Nguyên nhân và yếu tố nguy cơ

Nguyên nhân

Có nhiều nguyên nhân gây ra các đợt khủng hoảng tăng huyết áp tại một thời điểm nào đó. Thường là một số tình trạng sức khỏe hoặc thói quen dùng thuốc bao gồm:

Quên uống thuốc huyết áp quá thường xuyên khiến huyết áp tăng cao không kiểm soát gây ra các đợt khủng hoảng tăng huyết áp nguy hiểm

Thói quen dùng thuốc và lối sống tiêu cực

  • Không dùng hoặc quên uống thuốc huyết áp;
  • Ngưng sử dụng thuốc huyết áp đột ngột;
  • Tác dụng phụ của thuốc tránh thai, thuốc ức chế monoamine oxidase (MAOIs), thuốc steroid, Cyclosporin, thuốc trị trầm cảm, Pseudoephedrin...;
  • Sử dụng chất kích thích như cocain hoặc amphetamine;
  • Hút thuốc lá;
  • Nghiện rượu;

Các vấn đề sức khỏe

  • Rối loạn chức nặng thận, suy thận;
  • Phụ nữ mang thai bị tiền sản giật (xảy ra sau tuần thứ 20 hoặc sau sinh);
  • Các vấn đề về nội tiết;
  • Các bệnh rối loạn tự miễn dịch như lupus ban đỏ hệ thống, viêm khớp dạng thấp, tăng huyết áp...;
  • Chứng hẹp động mạch thận;
  • Chấn thương đầu, u não;
  • Chấn thương tủy sống kích thích sự phản ứng thái quá của hệ thần kinh;

Yếu tố nguy cơ

Khủng hoảng tăng huyết áp ảnh hưởng chủ yếu đến một số nhóm đối tượng sau:

  • Người lớn tuổi;
  • Nam giới có tỷ lệ mắc cao hơn nữ giới;
  • Người da đen;
  • Thừa cân - béo phì;
  • Có tiền sử mắc bệnh tim;

Triệu chứng và chẩn đoán

Triệu chứng 

Chỉ số huyết áp từ 180/120mmHg trở lên được xem là khủng hoảng tăng huyết áp. Bệnh nhân nếu đang trong đợt bùng phát sẽ gặp một số triệu chứng sau:

Các triệu chứng điển hình như đau đầu, đau tức ngực, khó thở, lú lẫn, co giật...

Triệu chứng khủng hoảng tăng huyết áp không khẩn cấp

  • Đau đầu;
  • Mơ hồ, lâng lâng;
  • Buồn nôn, nôn ói;
  • Hụt hơi;
  • Tim đập nhanh;
  • Chảy máu cam;
  • Hồi hộp, lo lắng không rõ lý do;

Triệu chứng khủng hoảng tăng huyết áp khẩn cấp

Đây là tình trạng y tế nghiêm trọng, đe dọa tính mạng nên cần điều trị cấp cứu ngay lập tức. Bệnh nhân trong đợt khủng hoảng tăng huyết áp này thường có các triệu chứng sau:

  • Đau tức ngực dữ dội;
  • Hụt hơi, khó thở;
  • Đau đầu;
  • Mờ mắt;
  • Lú lẫn;
  • Lo lắng, bất an;
  • Co giật, động kinh;
  • Mất ý thức;

Chẩn đoán

Đa số các trường hợp bệnh nhân đang trong đợt khủng hoảng tăng huyết áp thường được đưa vào nhập viện trong trạng thái mơ hồ hoặc mất ý thức. Nên việc chẩn đoán thường được chẩn đoán ngay trong phòng cấp cứu. Cụ thể gồm các bước sau:

Chẩn đoán khủng hoảng tăng huyết áp thông qua kỹ thuật đo huyết áp và xét nghiệm cận lâm sàng giúp đánh giá tổn thương ở các cơ quan khác

  • Khám sức khỏe: Bệnh nhân hoặc người nhà cần cung cấp ngắn ngọn về tiền sử bệnh cá nhân của người bệnh như tiền sử tăng huyết áp, loại thuốc đang dùng để trị bệnh và các yếu tố rủi ro khác trong sinh hoạt. Đồng thời, kết hợp thăm khám nhanh tình trạng sức khỏe, kiểm tra huyết áp, đánh giá các triệu chứng thần kinh, tim, thận...
  • Xét nghiệm cận lâm sàng: Một số xét nghiệm cận lâm sàng được chỉ định thực hiện nhằm theo dõi huyết áp và phát hiện các tổn thương nội tạng. Cụ thể như sau:
    • Đo huyết áp: Huyết áp thường được đo bằng máy đo huyết áp, vòng bít bơm hơi, ống nghe và máy đo áp suất. Cách thực hiện như sau: vòng bít được quấn quanh cánh tay trên và bóp ống áp suất đến mức ngăn chặn dòng máu lưu thông đến động mạch cánh tay. Sau đó, hạ áp suất từ từ và ghi lại chỉ số áp suất tâm thu - tâm trương sẽ cho kết quả huyết áp của người bệnh.
    • Các xét nghiệm thường quy: Chẳng hạn như xét nghiệm máu, xét nghiệm nước tiểu, đo điện tâm đồ...
    • Xét nghiệm hình ảnh: Gồm chụp cắt lớp vi tính CT scan vùng đầu và ngực, siêu âm tim qua thành ngực...

Biến chứng và tiên lượng

Bệnh nhân đang trong cuộc khủng hoảng tăng huyết áp có thể gặp nhiều biến chứng nguy hiểm, nhất là khi không được phát hiện và điều trị kịp thời bao gồm:

Khủng hoảng tăng huyết áp tạo áp lực lớn lên hệ tuần hoàn và gây các biến chứng như suy tim, phù não, xuất huyết não, đột quỵ...

Hầu hết những biến chứng này đều là hậu quả của việc huyết áp tăng quá mức, tạo gánh nặng cho hệ thống tuần hoàn và giảm khả năng hoạt động của nó. Trong đó, 2 cơ quan dễ bị tổn thương nhất trong trường hợp khủng hoảng tăng huyết áp khẩn cấp là tim và thận.

Tiên lượng về cuộc khủng hoảng tăng huyết áp mà bạn mắc phải còn tùy thuộc vào mức độ nghiêm trọng và thời điểm cấp cứu. Có nhiều trường hợp phát hiện sớm và điều trị kịp thời, bệnh nhân chỉ cần ở lại bệnh viện 1 ngày để theo dõi là có thể xuất viện.

Nhưng cũng có những trường hợp điều trị cấp cứu khủng hoảng tăng huyết áp làm tăng nguy cơ khởi phát các vấn đề về tim mạch. Ngoài ra, theo một thống kê cho thấy có khoảng 2.6% bệnh nhân tại Hoa Kỳ tử vong ngay sau đó khi đang trong cơn khủng hoảng tăng huyết áp.

Điều trị

Mục tiêu điều trị khủng hoảng tăng huyết áp chủ yếu nhằm điều chỉnh huyết áp về ngưỡng an toàn. Tùy vào tình trạng cao huyết áp và thể trạng sức khỏe của bệnh nhân mà bác sĩ sẽ chọn cách hạ huyết áp ngay lập tức hoặc giảm từ từ 15 - 25% trong vòng 1 - 2 tiếng.

Chẳng hạn với những bệnh nhân bị xuất huyết não hoặc đột quỵ do thiếu máu cục bộ, bác sĩ sẽ hạ huyết áp xuống khoảng 15% trong giờ đầu tiên. Còn với những người gặp các vấn đề về não do tăng huyết áp gây ra, hạ huyết áp sẽ được thực hiện từ từ khoảng 20 - 25% trong vài giờ đầu tiên và giảm nhiều hơn trong vài ngày.

Riêng những trường hợp dưới đây bắt buộc phải hạ huyết áp xuống càng nhanh càng tốt để giảm nguy cơ biến chứng và bảo toàn tính mạng cho bệnh nhân:

  • Phù phổi cấp;
  • Bóc tách động mạch chủ;
  • Hội chứng mạch vành cấp tính;

Hạ huyết áp bằng thuốc là phương pháp điều trị chính trong hầu hết các trường hợp khởi phát khủng hoảng tăng huyết áp

Phương pháp điều trị hạ huyết áp được áp dụng phổ biến nhất là dùng thuốc huyết áp dạng uống hoặc dạng tiêm tĩnh mạch. Một số loại thuốc hạ huyết áp được sử dụng phổ biến bao gồm:

  • Esmolol
  • Nitroglyxerin;
  • Labetol;
  • Nitroprusside;
  • Hydrazin;

Đây là nhóm thuốc được sử dụng điều trị chứng cao huyết áp nặng, làm giãn mạch, cải thiện dấu hiệu suy tim, triệu chứng đau ngực. Đồng thời, hỗ trợ tim bơm máu đến các phần còn lại của cơ thể dễ dàng hơn. Nhờ đó, giúp ngăn ngừa tiến triển bệnh nặng, ngăn ngừa biến chứng khó lường.

Đa số thuốc được sử dụng là thuốc tiêm, tuy đem lại hiệu quả cao nhưng thường kèm theo một số tác dụng phụ như: đau đầu, tim đập nhanh, rối loạn nhịp tim hoặc hạ huyết áp. Do đó, bệnh nhân cần tuân thủ chỉ định dùng thuốc cho bác sĩ hướng dẫn để tránh những rủi ro khác cho sức khỏe.

Bệnh nhân có thể được chỉ định nhập viện hoặc xuất viện về nhà theo dõi sau khi đã được hạ huyết áp. Nhưng vẫn cần phải chủ động liên hệ với bác sĩ ngay khi phát hiện các dấu hiệu bất thường để có hướng xử lý kịp thời. Chẳng hạn như như:

  • Huyết áp tăng cao trở lại từ 180/120mmHg trở lên;
  • Đau tức ngực dữ dội;
  • Khó thở, hụt hơi;
  • Suy giảm tầm nhìn;
  • Tê liệt;
  • Lú lẫn hoặc mất ý thức;

Phòng ngừa

Những bệnh nhân bị cao huyết áp muốn phòng ngừa các đợt khủng hoảng tăng huyết áp nghiêm trọng cần thực hiện các biện pháp kiểm soát huyết áp hàng ngày. Cụ thể gồm các biện pháp tích cực sau:

Thực hiện lối sống tốt về thói quen ăn uống, sinh hoạt, dùng thuốc và tránh các chất kích thích để ảm giảm nguy cơ khởi phát khủng hoảng tăng huyết áp

  • Duy trì sử dụng thuốc huyết áp đúng liều và đúng thời gian quy định do bác sĩ kê đơn chỉ định.
  • Thường xuyên tự kiểm tra chỉ số huyết áp tại nhà.
  • Xây dựng chế độ ăn uống khoa học, sử dụng thực phẩm lành mạnh, hạn chế sử dụng muối và gia vị khi chế biến thức ăn, giảm dầu mỡ, chất béo xấu không tốt cho sức khỏe tim mạch...
  • Nói không với thuốc lá, cà phê, rượu bia và các chất kích thích khác.
  • Tập thể dục đều đặn hàng ngày, lưu ý tập vừa sức, chọn những bộ môn nhẹ nhàng, hỗ trợ cải thiện sức khỏe và ổn định huyết áp như đi bộ, yoga, đạp xe, bơi lội...
  • Thiết lập lối sống khoa học, ngủ đủ giấc, tránh thức khuya, quản lý căng thẳng bằng các kỹ thuật như hít thở sâu, thiền định, yoga... để tránh làm tăng huyết áp.

Những câu hỏi quan trọng khi đi khám

1. Nguyên nhân vì sao tôi bị khủng hoảng tăng huyết áp?

2. Tôi mắc dạng khủng hoảng tăng huyết áp nào?

3. Tôi cần thực hiện những xét nghiệm nào để chẩn đoán khủng hoảng tăng huyết áp?

4. Tiên lượng tình trạng khủng hoảng tăng huyết áp của tôi có nghiêm trọng không? Có đe dọa tính mạng không?

5. Tôi có cần nhập viện để điều trị cấp cứu khủng hoảng tăng huyết áp không?

6. Phương pháp điều trị hiệu quả nhất dành cho trường hợp bệnh của tôi?

7. Loại thuốc hạ huyết áp nào phù hợp với tình trạng của tôi?

8. Tôi phải dùng thuốc trong bao lâu thì khỏi? Dùng thuốc quá lâu có gây tác dụng phụ nào không?

9. Chi phí điều trị khủng hoảng tăng huyết áp tốn bao nhiêu? Có dùng BHYT được không?

10. Tôi có cần tái khám sau đợt khủng hoảng tăng huyết áp không?

Khủng hoảng tăng huyết áp là tình trạng cấp cứu y tế nguy hiểm cần được điều trị ngay lập tức nhằm kiểm soát huyết áp và ngăn ngừa biến chứng, giảm tỷ lệ tử vong. Đồng thời, hãy thực hiện các biện pháp phòng ngừa tích cực hàng ngày, tạo dựng lối sống khoa học, ăn uống lành mạnh để giảm nguy cơ phát triển khủng hoảng tăng huyết áp trong tương lai.

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Chia sẻ:
Bệnh Phình động mạch chủ ngực
Phình động mạch chủ ngực là tình trạng sức khỏe nghiêm trọng, có thể dẫn đến tử vong nếu không được điều trị kịp thời. Chứng bệnh này có liên…
Bệnh Suy Tim
Suy tim là một trong những bệnh lý tim mạch…
Bệnh Hẹp Động Mạch Phổi
Hẹp động mạch phổi là bệnh tim bẩm sinh khá…
Thông Liên Thất
Thông liên thất là bệnh tim bẩm sinh phổ biến.…
Bệnh Tim Bẩm Sinh

Tim bẩm sinh là một trong những dị tật phổ biến ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ. Có rất…

Bệnh Thiếu Máu Cơ Tim

Thiếu máu cơ tim là bệnh lý tim mạch phổ biến thường xảy ra ở người trưởng thành, người lớn…

Hẹp Van Hai Lá

Hẹp van hai lá là một trong những bệnh lý tim mạch thường gặp, có thể xảy ra ở cả…

Bệnh Kawasaki (Viêm mạch máu)

Bệnh Kawasaki là bệnh lý viêm mạch máu không rõ nguyên nhân. Bệnh xảy ra ở trẻ từ 1 -…

Giải đáp thắc mắc của độc giả cùng chuyên gia của chúng tôi!

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Bác sĩ phụ trách

Bác sĩ Nguyễn Thị Nhuần

Phó Giám đốc Chuyên môn

[ads_sidebar]
Xem nhiều

Đặt câu hỏi

Chia sẻ
Bỏ qua