Ô nhiễm Bụi Mịn ở TP HCM và Hà Nội – Thực trạng đáng sợ
Chỉ số chất lượng không khí (AQI) tại Hà Nội và TP HCM vào ngày 26/9/2019 có mức độ ô nhiễm cao và thuộc TOP 3 thành phần ô nhiễm nhất thế giới. Bên cạnh các kim loại nặng và hóa chất độc hại, không khí ở hai thành phố này còn chứa các hạt bụi mịn có kích thước nhỏ hơn 2.5 micromet (PM 2.5).
Ô nhiễm Bụi Mịn là gì?
Ô nhiễm Bụi Mịn là tình trạng không khí xuất hiện các hạt bụi mịn có kích thước rất nhỏ (đường kính khoảng 2.5 micromet hoặc nhỏ hơn). Thông thường cơ thể con người chỉ có cơ chế bảo vệ với hạt bụi có kích thước từ 10 micromet trở lên.
Do đó nếu xuất hiện các hạt bụi nhỏ hơn kích thước này, chúng sẽ có xu hướng tích tụ bên trong phế nang và khí quản. Với kích thước rất nhỏ, bụi mịn có thể xâm nhập sâu vào các cơ quan nội tạng và gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe.
Hơn nữa, bụi mịn không chỉ đi vào cơ thể thông qua đường hô hấp trên mà có thể xâm nhập qua niêm mạc và lỗ chân lông trên da. Do đó ngay cả khi tiếp xúc với nồng độ thấp, bụi mịn cũng có thể gây ra các ảnh hưởng nặng nề.
Các hạt bụi mịn thường gặp nhất:
- Bụi mịn PM 2.5 (bụi có kích thước nhỏ hơn 2.5 micromet)
- Bụi mịn PM10 (bụi có kích thước nhỏ hơn 10 micromet)
Bên cạnh đó tại TP HCM và Hà Nội cũng đã xuất hiện một số loại bụi siêu mịn với kích thước dưới 1 micromet và bụi nano (kích thước dưới 0.1 micromet).
Bụi mịn thường được sinh ra từ phấn hoa, bào tử nấm, cát, khói núi lửa, cháy rừng,… Tuy nhiên phần lớn bụi được tạo ra từ quá trình đốt than củi, bụi từ công trường xây dựng, khói nhà máy, đốt rác thải, hút thuốc lá, đốt nhiên liệu,…
Thực trạng Ô nhiễm Bụi Mịn ở TP HCM và Hà Nội
Theo báo Tuổi trẻ Online, chỉ số chất lượng không khí (AQI) tại Hà Nội trong ngày 26/8/2019 vượt ngưỡng trung bình và dao động trong khoảng 151 – 200 (cảnh báo mức độ không khí ô nhiễm nghiêm trọng). Chỉ số AQI cho thấy, nồng độ bụi mịn PM 2.5 tăng lên đột biến cùng với sự gia tăng đột ngột của các thành phần khác như NO2, SO2, O3, CO,… và một số kim loại nặng.
Theo Tổng cục Môi trường, nguyên nhân khiến nồng độ bụi mịn trong không khí ở Hà Nội tăng cao là do hiện tượng nghịch nhiệt. Nghịch nhiệt là tình trạng nhiệt độ của lớp khí quyển phía dưới thấp hơn nhiệt độ của lớp khí quyển phía trên. Bên cạnh nguyên nhân do thời tiết, ô nhiễm bụi mịn ở Hà Nội còn xảy ra do một số nguyên nhân khác như tái diễn tình trạng đốt rơm rạ và khí thải từ các phương tiện giao thông.
Đến sáng ngày 26/9/2019, chỉ số không khí tại Hà Nội vượt ngưỡng 204 và có mức ô nhiễm cao nhất thế giới (chỉ số được đo bằng ứng dụng quan trắc không khí Airvisual). Chỉ số này cho thấy không khí ô nhiễm ở mức nghiêm trọng và gây ảnh hưởng đến sức khỏe – đặc biệt là với người cao tuổi và trẻ nhỏ.
Bên cạnh đó, chỉ số không khí tại TPHCM trong ngày 26/9/2019 cũng vượt ngưỡng báo động (173) và có mức độ ô nhiễm xếp thứ 3 thế giới. Ô nhiễm bụi mịn ở khiến bầu trời xuất hiện lớp sương mù dày đặc kéo dài từ sáng sớm đến trưa chiều. Tình trạng này không chỉ gây ảnh hưởng đến sức khỏe mà còn hạn chế tầm nhìn và gây khó khăn trong quá trình lưu thông.
Ô Nhiễm Bụi Mịn nguy hiểm như thế nào?
Theo Cơ quan nghiên cứu Ung Thư Quốc Tế (IARC) và Tổ chức Y tế Thế Giới (WHO), mức độ ô nhiễm bụi mịn có tỷ lệ thuận so với tỷ lệ mắc bệnh ung thư. Ô nhiễm bụi mịn PM10 có thể tăng nguy cơ ung thư lên 22%, trong khi đó tỷ lệ này có thể tăng lên 36% nếu ô nhiễm do bụi mịn PM 2.5.
Các tác hại cụ thể của ô nhiễm bụi mịn, bao gồm:
- Bụi mịn có kích thước nhỏ hơn 2.5 micromet có thể xâm nhập vào hệ tuần hoàn và hệ thần kinh trung ương gây ra các bệnh về tim mạch. Một nghiên cứu của Mỹ được thực hiện vào năm 2015 cho thấy, tiếp xúc với bụi mịn thường xuyên có thể khiến tế bào thần kinh thoái hóa và khiến não bộ già nhanh hơn.
- Phụ nữ mang thai tiếp xúc với bụi mịn có nguy cơ nhiễm độc thai nhi và làm giảm khả năng phát triển của nhau thai. Bên cạnh đó trẻ sinh ra thường có xu hướng nhẹ cân, yếu ớt, chậm phát triển, dễ suy nhược thần kinh và phát triển các bệnh tâm lý như kích động, tự kỷ,…
- Ô nhiễm không khí còn gia tăng các bệnh nhiễm trùng đường hô hấp (viêm phế quản, viêm phối, viêm amidan,…), viêm mũi dị ứng và hen suyễn – đặc biệt là ở trẻ nhỏ, người cao tuổi và người làm công việc ngoài trời như cảnh sát giao thông.
- Bụi PM 2.5 có thể tăng nguy cơ xơ gan và gây ra tình trạng kháng insulin. Vì vậy, sinh sống trong môi trường ô nhiễm có thể gây ra bệnh tiểu đường, rối loạn chức năng và chuyển hóa gan.
- Các chuyên gia cho biết, trẻ nhỏ tiếp xúc với bụi mịn có nguy cơ mắc các bệnh về đường hô hấp cao hơn 20 – 25% và khó phát triển chiều cao toàn diện.
- Tiếp xúc lâu dài với bụi mịn PM 2.5 còn tăng nguy cơ đột quỵ do cao huyết áp và các bệnh về tim mạch lên 8%.
- Những người đã mắc bệnh về phổi có nguy cơ bùng phát triệu chứng sau khi tiếp xúc với các hạt bụi mịn.
- Bên cạnh đó, ô nhiễm bụi mịn kéo dài còn có thể làm giảm chức năng phổi và tăng nguy cơ ung thư phổi. Một số người mắc bệnh ung thư phổi thường có tiến triển xấu và nguy cơ tử vong cao khi tiếp xúc với bụi mịn.
- Cơ quan bảo vệ môi trường Mỹ (EPA) cho biết, tiếp xúc với bụi mịn có kích thước dưới 2.5 micromet có thể gây đột biến gan, tác động thoái hóa đến DNA và tăng nguy cơ ung thư. Đồng thời theo ước tính của EPA, có khoảng 4.3 triệu người tử vong mỗi năm do các bệnh lý liên quan đến ô nhiễm bụi mịn.
- Bụi mịn còn gây ức chế một số enzyme quan trọng trong quá trình chuyển hóa tế bào máu khiến hồng cầu bị tiêu hủy và gây ra tình trạng thiếu máu.
- Bác sĩ Nguyễn Như Vinh – Trưởng khoa Thăm dò chức năng hô hấp của Bệnh viện ĐH Y dược TP HCM cho biết “Ô nhiễm không khí còn tác động đến hệ thần kinh và gây ảnh hưởng đến khả năng nhận thức và hành vi của trẻ nhỏ. Trẻ sinh sống trong môi trường ô nhiễm có xu hướng cáu gắt, ích kỷ và dễ nổi nóng.”
Bụi mịn có thể đi vào đường hô hấp, hệ tim mạch, mô da và hệ tuần hoàn. Theo thời gian, các hạt bụi này có thể tích tụ trong các cơ quan nội tạng và gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe. Tác hại của ô nhiễm bụi mịn hiện nay chỉ mới được nghiên cứu ở mức sơ bộ. Do đó một số tác hại khác có thể chưa được đề cập đến.
Các biện pháp đối phó với Ô Nhiễm Bụi Mịn, bảo vệ sức khỏe
Để giảm mức độ ảnh hưởng của ô nhiễm bụi mịn, bạn cần thực hiện các biện pháp sau:
- Hạn chế di chuyển ngoài trời khi không cần thiết – đặc biệt là người già và trẻ em.
- Sử dụng máy lọc không khí trong nhà để giảm thiểu bụi mịn và các kim loại nặng có trong không khí.
- Sử dụng khẩu trang đạt tiêu chuẩn chống bụi mịn theo tiêu chuẩn Châu Âu và Mỹ. Bởi các khẩu trang thông thường có thể không cản được bụi mịn PM 10 và PM 2.5. Bên cạnh đó cần lựa chọn khẩu trang phù hợp và ôm sát với gương mặt.
- Thường xuyên vệ sinh không gian sống và nên trồng nhiều cây xanh để lọc không khí.
- Tuyệt đối không sử dụng bếp than, bếp củi hoặc đốt tro bụi.
- Giảm thiểu tần suất sử dụng phương tiện cá nhân. Thay vào đó nên di chuyển bằng phương tiện công cộng để giảm thiểu khói bụi.
- Nâng cao miễn dịch bằng cách bổ sung rau xanh, trái cây, ngũ cốc và thực phẩm giàu đạm. Đồng thời nên uống nhiều nước để tăng khả năng đào thải độc tố cho cơ thể.
- Nên vệ sinh mũi 3 – 4 lần/ ngày nhằm loại bỏ bụi mịn và tác nhân kích thích.
- Sau khi di chuyển ngoài trời, cần tắm rửa sạch sẽ bằng xà phòng diệt khuẩn để loại bỏ bụi và các hóa chất độc hại có trong không khí.
- Hạn chế sử dụng nhựa 1 lần và thay thế bằng các chất liệu thân thiện với môi trường.
Ô nhiễm bụi mịn tại TPHCM và Hà Nội đang ở mức báo động. Vì vậy người dân nên chủ động thực hiện các biện pháp dự phòng để giảm thiểu tác hại. Bên cạnh đó cần tích cực trồng cây xanh và duy trì lối sống lành mạnh nhằm nâng cao chất lượng không khí và hỗ trợ cải thiện tình trạng ô nhiễm.
Cách kiểm tra tình trạng ô nhiễm bụi mịn tại nơi mình đang sống
Muốn biết nơi mình đang ở mức độ ô nhiễm bụi mịn là bao nhiêu. Mọi người có thể truy cập vào website http://aqicn.org và nhập tên thành phố (hoặc tỉnh) của mình vào.
Aqicn.org là website thống kê chất lượng không khí trên toàn thế giới theo thời gian thực.
Theo cập nhật mới nhất (ngày 27/9), tình trạng ô nhiễm bụi mịn tại hai thành phố lớn của nước ta là Hà Nội và TP Hồ Chí Minh như sau:
Ô nhiễm bụi mịn tại thủ đô Hà Nội ngày 27/9
Ô nhiễm bụi mịn tại TP Hồ Chí Minh ngày 27/9
XEM THÊM
- Bà bầu bị dị ứng thời tiết khi mang thai phải làm sao?
- Dị ứng khẩu trang y tế do đâu? Nên làm gì để khắc phục?
Giải đáp thắc mắc của độc giả cùng chuyên gia của chúng tôi!