Viêm Túi Mật
Viêm túi mật xảy ra khi dịch mật mắc kẹt trong túi mật, tạo điều kiện cho vi khuẩn phát triển gây viêm nhiễm. Viêm nhiễm túi mật có thể phát triển cấp tính hoặc mãn tính, đặc trưng với các triệu chứng dữ dội, đột ngột và gây biến chứng nguy hiểm, đe dọa tính mạng. Phẫu thuật cắt bỏ túi mật là phương pháp điều trị viêm túi mật hiệu quả nhất.
Tổng quan
Túi mật là cơ quan nhỏ nằm phía dưới gan. Túi mật có nhiệm vụ lưu trữ mật nhằm tiêu hóa chất béo do gan tạo ra và đẩy xuống ruột non khi dạ dày có thức ăn.
Viêm túi mật (Cholecystitis) là tình trạng viêm nhiễm bên trong túi mật. Xảy ra khi đường dẫn ruột non bị chặn bởi sỏi mật, khiến mật ứ đọng và gây kích thích, khởi phát viêm túi mật.
Bệnh đặc trưng với các dấu hiệu buồn nôn, ói mửa dữ dội, thường xảy ra sau khi dung nạp lượng lớn thực phẩm giàu chất béo. Bệnh viêm túi mật rất dễ nhầm lẫn với các vấn đề rối loạn sức khỏe khác. Do đó, bệnh nhân cần thăm khám chuyên khoa để được chẩn đoán và điều trị nhiễm trùng sớm, ngăn ngừa các biến chứng nguy hiểm.
Phân loại
Viêm túi mật được chia làm 2 dạng gồm cấp tính và mạn tính:
- Viêm túi mật cấp tính: Là tình trạng viêm túi mật xảy ra đột ngột, triệu chứng ồ ạt gây đau nhức dữ dội. Cơn đau bắt đầu từ vùng giữa lan đến vùng bụng trên bên phải, sau đó lan ra khắp vai phải, lưng. Cơn đau thường khởi phát sau khi ăn từ 15 - 20 phút. Viêm túi mật cấp tính thường là trường hợp y tế khẩn cấp, khoảng 95% trường hợp là do có sỏi mật.
- Viêm túi mật mạn tính: Là tình trạng viêm túi mật tái đi tái lại nhiều lần và có xu hướng tiến triển ngày càng nghiêm trọng. Xảy ra do sỏi mật chặn ống túi mật gây tắc nghẽn không liên tục.
Tham khảo thêm: Kích thước sỏi túi mật (6-10-18-22mm…) nào cần mổ?
Nguyên nhân và yếu tố nguy cơ
Nguyên nhân
Có rất nhiều nguyên nhân gây viêm túi mật, bao gồm:
- Sỏi mật: Sỏi mật là các chất cặn thừa của dịch tiêu hóa tích tụ thành khối cứng và gây tắc nghẽn đường dẫn đến ruột non. Tình trạng này khiến thành túi mật bị kích thích, sưng và gây nhiễm trùng mật do vi khuẩn. Các loại vi khuẩn được phát hiện như E.Coli, Streptococcus D, Klebsiella, Staphylococcus, Clostridium...
- Polyp túi mật: Là những khối u lành tính nằm trong túi mật, ngăn cản mật thoát khỏi túi mật, tích tụ lại và gây viêm.
- Tắc nghẽn ống mật: Dịch mật quá đặc hoặc sẹo ống mật có thể gây ra tắc nghẽn, tăng nguy cơ viêm nhiễm.
- Nhiễm khuẩn hệ thống ống mật: Hệ thống ống mật là hệ thống dẫn lưu mật từ túi mật vào phần đầu tiên của ruột non (tá tràng). Nếu bị nhiễm trùng bởi các loại vi khuẩn, virus có thể gây viêm túi mật.
- Giảm lượng máu đến túi mật: Thường xảy ra ở bệnh nhân tiểu đường, mạch máu bị tổn thương, giảm lưu lượng máu đến túi mật và gây viêm túi mật.
Yếu tố nguy cơ
Một số yếu tố rủi ro khác làm tăng nguy cơ gây viêm túi mật như:
- Tuổi tác (phụ nữ > 50 tuổi và đàn ông > 60 tuổi);
- Người thừa cân béo phì;
- Tiểu đường;
- Phụ nữ mang thai;
- Ảnh hưởng từ một số bệnh lý khác như thận giai đoạn cuối, bệnh Crohn, bệnh tim, tế bào hồng cầu hình liềm...;
Triệu chứng và chẩn đoán
Triệu chứng
Các triệu chứng viêm túi mật thường gặp như:
- Đau vùng bụng trên bên phải và nhạy cảm khi chạm vào; ;
- Đau nhiều hơn khi hít thở sâu, sau khi ăn;
- Đầy bụng;
- Buồn nôn, nôn mửa;
- Sốt cao > 38 độ C (thường trong đợt cấp tính) kèm theo ớn lạnh, rét run, vã mồ hôi;
- Chuột rút sau khi ăn thức ăn nhiều chất béo;
- Vàng da, vàng mắt, lòng bàn tay, bàn chân;
Chẩn đoán
Bác sĩ thường hỏi kỹ về các triệu chứng bệnh nhân đang gặp phải và đặt một số câu hỏi về thói quen ăn uống, thời gian xảy ra triệu chứng, kéo dài bao lâu... Đồng thời, chỉ định bệnh nhân thực hiện một số xét nghiệm cận lâm sàng sau:
- Xét nghiệm máu: Kiểm tra công thức máu, đo số lượng bạch cầu phát hiện viêm nhiễm và đánh giá chức năng gan.
- Siêu âm bụng: Kiểm tra hình dạng túi mật, ống dẫn mật, giúp phát hiện các dấu hiệu viêm túi mật, sưng phù, dày thành túi mật hoặc tìm kiếm sự hiện diện của sỏi mật.
- Quét HIDA: Đây là xét nghiệm hình ảnh hạt nhân gan mật được thực hiện bằng cách tiêm chất phóng xạ vào cơ thể, sau đó quan sát đường di chuyển của nó trong hệ tiêu hóa bằng camera gamma. Cách này giúp phát hiện có dấu hiệu tắc nghẽn tại túi mật do chất xạ không đi vào túi mật. Ngoài ra, kỹ thuật này cũng giúp kiểm tra chức năng túi mật và khả năng phân suất tống máu của túi mật, khoảng 30 - 35% được xem là bình thường.
- Chụp cộng hưởng từ mật tụy (MRCP): Hình ảnh MRI mật tụy cho phép quan sát chi tiết hình ảnh cấu trúc của gan, túi mật, ống dẫn mật, ống dẫn tuyến tụy... Qua đó phát hiện sỏi mật, dấu hiệu tắc nghẽn và viêm nhiễm.
- Chụp PTC: Tiêm thuốc nhuộm vào gan và quan sát mật di chuyển trong cơ thể, đánh giá chức năng hoạt động của mật.
- Chụp CT scan bụng: Sử dụng tia X tạo ra hình ảnh cắt lớp về hệ thống gan, túi mật và ống dẫn mật, giúp chẩn đoán chính xác tình trạng viêm túi mật.
Mổ sỏi mật khi nàoTham khảo thêm: ? Chi phí, quy trình và nơi mổ
Biến chứng và tiên lượng
Bệnh viêm túi mật nếu không được phát hiện sớm và điều trị kịp thời có thể gây ra một số biến chứng sức khỏe nghiêm trọng như:
- Nhiễm trùng túi mật nặng dẫn đến hoại tử;
- Nhiễm trùng cấp tính ở gan;
- Viêm tuyến tụy nghiêm trọng;
- Viêm phúc mạc mật do viêm túi mật cấp gây phồng túi mật, giãn thành túi và thấm mật vào ổ bụng;
- Thủng túi mật gây biến chứng suy tuần hoàn, tụt huyết áp, sốc nhiễm khuẩn, trụy tim, thậm chí tử vong;
Tiên lượng bệnh viêm túi mật phụ thuộc vào nguyên nhân và mức độ nghiêm trọng của từng trường hợp bệnh. Nếu phát hiện sớm, điều trị tích cực bằng phương pháp phù hợp giúp loại trừ viêm nhiễm và phục hồi sức khỏe. Ngược lại, với những trường hợp chủ quan, không điều trị có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm.
Trường hợp chỉ điều trị bằng thuốc, các triệu chứng viêm túi mật chỉ được cải thiện tạm thời, có tỷ lệ tái phát cao. Do đó, khuyến cáo bệnh nhân nên chủ động thăm khám chuyên khoa và điều trị sớm để đạt hiệu quả tối ưu nhất.
Điều trị
Mục tiêu điều trị viêm túi mật là loại bỏ viêm nhiễm, ngăn chặn lây lan nhiễm trùng và phòng ngừa biến chứng.
Một số biện pháp điều trị viêm túi mật được áp dụng phổ biến như:
Điều trị nội khoa
Bệnh nhân viêm túi mật cấp hoặc mạn tính tái phát thường được điều trị bằng các biện pháp sau:
- Nằm nghỉ ngơi tại giường hoặc đi lại nhẹ nhàng để tránh làm tăng nặng cảm giác đau bụng;
- Truyền dịch cân bằng các chất điện giải và nuôi ăn bằng ống;
- Sử dụng thuốc theo chỉ định của bác sĩ, gồm một số loại thuốc kê toa như:
- Thuốc kháng sinh: Tùy từng trường hợp nhiễm loại vi khuẩn nào, mức độ viêm nhiễm có nghiêm trọng hay không để kê toa thuốc.
- Bệnh nhân có thể sử dụng kháng sinh đơn thuần hoặc phối hợp với các loại thuốc khác như Cephalosporin thế hệ 3 (Ceftriazon, Cefotaxim hoặc cefuroxim). Có 2 nhóm kháng sinh dùng phổ biến là:
- Nhóm Quinolon thế hệ 2 ảnh hưởng đến các loại i khuẩn gram âm. Ciproflocacin hoặc Peflacin là 2 loại thuốc được ưu tiên sử dụng trong điều trị các bệnh nhiễm trùng đường tiêu hóa với hiệu quả cao, trong đó có viêm túi mật.
- Nhóm Imidazole như tinidazole, metronidazole hoặc ornidazole tác động đến các loại vi khuẩn kỵ khí, loại bỏ nhiễm trùng đường tiêu hóa, kể cả bệnh viêm túi mật. Thuốc chống chỉ định với phụ nữ mang thai và phụ nữ đang cho con bú;
- Các thuốc khác:
- Thuốc giảm đau;
- Thuốc chống viêm;
- Thuốc làm tan sỏi;
- Thuốc chống hình thành sỏi mật;
Phẫu thuật
Phẫu thuật cắt bỏ túi mật là phương pháp điều trị viêm túi mật dứt điểm và hiệu quả. Những những trường hợp viêm túi mật cấp không đáp ứng điều trị nội khoa gây nhiễm trùng nhiễm độc nặng hoặc phát sinh biến chứng ngoại khoa viêm phúc mạc mật, hoại tử túi mật... và có tỷ lệ tử vong cao được chỉ định phẫu thuật cấp cứu.
Trường hợp bệnh nhân viêm túi mật là người có các bệnh lý nền như tiểu đường hay tim mạch cần phải điều trị nội khoa trước, ổn định tình trạng nhiễm trùng trước khi phẫu thuật.
Hiện nay, phương pháp cắt bỏ túi mật được áp dụng phổ biến nhất là mổ nội soi. Kỹ thuật này được thực hiện bằng cách tạo một vết rạch nhỏ đủ để đưa các dụng cụ nội soi vào để cắt bỏ túi mật. Sau phẫu thuật, bệnh nhân lưu lại bệnh viện để theo dõi và chăm sóc phục hồi sức khỏe, có thể xuất viện nếu không có vấn đề bất thường.
Dẫn lưu dịch túi mật
Những trường hợp bệnh nhân viêm túi mật có thể trạng kém, không đủ điều kiện phẫu thuật sẽ được chỉ định dẫn lưu túi mật ra ngoài. Kỹ thuật này giúp loại bỏ dịch mật và ngăn chặn lây lan nhiễm trùng.
Tham khảo thêm: Chăm sóc sau mổ sỏi mật – Ăn uống, sinh hoạt…
Phòng ngừa
Bạn có thể giảm nguy cơ mắc bệnh viêm túi mật bằng các biện pháp tích cực sau:
- Đặt mục tiêu giảm cân từ từ và khoa học, vì tụt cân nhanh chóng có thể là nguyên nhân làm tăng nguy cơ hình thành sỏi mật.
- Xây dựng chế độ ăn uống lành mạnh, tăng cường bổ sung vitamin, khoáng chất, chất xơ từ rau xanh, trái cây, ngũ cốc, giảm thực phẩm giàu chất béo.
- Kiểm soát lượng calo dung nạp vào cơ thể và tăng cường các hoạt động thể chất, tập thể dục hàng ngày giúp duy trì cân nặng phù hợp và nâng cao sức khỏe.
Những câu hỏi quan trọng khi đi khám
1. Tôi bị đau bụng dữ dội, đầy bụng, nôn mửa, sốt, vàng da... là những dấu hiệu của bệnh lý nào?
2. Nguyên nhân khiến tôi bị viêm túi mật?
3. Bệnh viêm túi mật có nguy hiểm không?
4. Tiên lượng chứng viêm túi mật của tôi có nghiêm trọng không?
5. Tôi cần làm những xét nghiệm nào để chẩn đoán viêm túi mật?
6. Bệnh viêm túi mật có chữa khỏi được không?
7. Phương pháp điều trị viêm túi mật tốt nhất dành cho trường hợp bệnh của tôi?
8. Khi nào tôi cần phải phẫu thuật cắt bỏ túi mật?
9. Tôi có thể sống khỏe mạnh mà không có túi mật không?
10. Chi phí phẫu thuật viêm túi mật tốn bao nhiêu? Có dùng BHYT được không?
Viêm túi mật tiềm ẩn nhiều rủi ro ảnh hưởng đến sức khỏe và tính mạng của bệnh nhân. Khuyến cáo bệnh nhân nên chú ý theo dõi các dấu hiệu bất thường của cơ thể và thăm khám sớm, điều trị kịp thời bằng các biện pháp phù hợp. Đồng thời, điều chỉnh lối sống khoa học để phòng ngừa viêm túi mật.
Có thể bạn quan tâm:
- Cắt bỏ túi mật có ảnh hưởng gì không?
- Các loại sỏi mật – Mức độ nguy hiểm và cách chẩn đoán
Giải đáp thắc mắc của độc giả cùng chuyên gia của chúng tôi!