Bệnh Viêm Khớp Cổ Tay
Viêm khớp cổ tay là một dạng viêm khớp phát triển ở cổ tay, gây sưng đau, cứng khớp và hạn chế cử động. Bệnh xảy ra do rất nhiều tác nhân như thoái hóa khớp, viêm khớp dạng thấp hoặc các chấn thương đến cổ tay. Đa số các trường hợp bệnh đều có tiên lượng tốt khi thực hiện các biện pháp điều trị y tế kịp thời và đúng cách.
Tổng quan
Viêm khớp cổ tay (Wrist Arthritis) là tình trạng viêm gây sưng đau, cứng khớp vùng cổ tay. Tác nhân là do lớp sụn khớp tại cổ tay bị tổn thương, bào mòn thoái hóa làm lộ xương. Khi cử động, các xương liền kề cọ xát trực tiếp với nhau gây kích thích phản ứng viêm các cơ, mô mềm xung quanh.
Đây là một trong những dạng viêm khớp rất phổ biến. Xảy ra do các chấn thương, tác động khi va chạm, tính chất công việc, bệnh lý, di truyền hoặc một số yếu tố khác từ môi trường... Bệnh chủ yếu xảy ra ở người trưởng thành, nhất là người cao tuổi dưới sự ảnh hưởng của quá trình lão hóa tự nhiên.
Các chuyên gia đánh giá viêm khớp cổ tay không phải căn bệnh quá nguy hiểm. Mặc dù tổn thương khớp có những biểu hiện rõ rệt, thậm chí có xu hướng tiến triển nặng. Nhưng chỉ cần phát hiện kịp thời và điều trị đúng cách, tiên lượng bệnh thường tốt và phục hồi nhanh chóng, không để lại di chứng.
Nguyên nhân và yếu tố nguy cơ
Cũng như nhiều vị trí khớp khác trên cơ thể, khớp cổ tay có cấu trúc hình thành từ nhiều bộ phận như mô sụn, dây thần kinh, màng hoạt dịch, đầu xương, dây chằng... Đây là một phần quan trọng nằm trong hệ thống xương. Cơ chế khởi phát viêm khớp cổ tay là do mô sụn bị thoái hóa, bào mòn khiến các xương cọ xát vào nhau, kích thích phản ứng viêm khớp tại chỗ.
Khớp cổ tay này rất dễ bị tổn thương và phát triển viêm do nhiều nguyên nhân. Có thể kể đến một số nguyên nhân điển hình sau:
- Chấn thương: Rất nhiều trường hợp phát triển viêm khớp cổ tay sau chấn thương. Có những người phát triển viêm ngay sau chấn thương hoặc mất một thời gian dài tiến triển mới bộc lộ triệu chứng. Một vài tác nhân chấn thương thường gặp như tai nạn giao thông, tai nạn lao động, va chạm mạnh khi chơi thể thao, chịu tác động ngoại lực mạnh lên cổ tay hoặc sử dụng cổ tay thường xuyên, liên tục...
- Rối loạn tự miễn dịch: Trong một số trường hợp, các tế bào miễn dịch của cơ thể hoạt động bất thường, tấn công đến chính các mô sụn tự nhiên ở khớp cổ tay và gây viêm. Tình trạng này được gọi là viêm khớp tự miễn dịch. Có nhiều dạng khác nhau liên quan đến sự phát triển của viêm khớp cổ tay, chẳng hạn như:
- Viêm khớp dạng thấp: Đây là bệnh rối loạn tự miễn phổ biến nhất, rất hay xảy ra ở khớp cổ tay, thường là ở cả hai tay.
- Viêm khớp vảy nến: Dạng bệnh tự miễn này có các tổn thương đặc trưng như da xuất hiện vảy từng mảng, bong tróc. Bệnh lý này làm tăng nguy cơ phát triển viêm khớp cổ tay và nhiều khớp khác.
- Viêm khớp thoái hóa: Thường xảy ra ở người lớn tuổi, dưới sự ảnh hưởng của quá trình lão hóa tự nhiên của cơ thể, không liên quan đến một hoạt động hay tác động lực cụ thể nào. Theo thời gian, bất kỳ khớp nào trên cơ thể, bao gồm cả khớp cổ tay đều dần bị bào mòn và tăng nguy cơ khởi phát viêm khớp.
- Các tác nhân và yếu tố nguy cơ khác:
- Tính chất công việc đòi hỏi phải sử dụng cổ tay thường xuyên và liên tục. Chẳng hạn như nhân viên văn phòng sử dụng máy tính hoặc công nhân nhà máy, công trường...;
- Nhiễm trùng máu do virus hoặc vi khuẩn tạo điều kiện thuận lợi để chúng tấn công đến khớp cổ tay và gây viêm;
- Yếu tố di truyền cũng có liên quan đến căn bệnh này. Những người có tiền sử gia đình có người từng mắc bệnh sẽ có nguy cơ mắc phải cao hơn;
- Thời tiết thay đổi đột ngột, nhất là vào mùa lạnh khiến xương khớp cũng bị ảnh hưởng theo. Tăng nguy cơ phát triển hoặc khiến tổn thương viêm khớp cổ tay bùng phát nặng hơn;
- Đa số các trường hợp ghi nhận bị viêm khớp cổ tay thường xảy ra ở nữ giới;
- Một số đối tượng khác dễ bị viêm khớp cổ tay như phụ nữ mang thai, vận động viên bóng chuyền, bóng rổ, đánh golf...;
Triệu chứng và chẩn đoán
Triệu chứng
Không phải ai bị viêm khớp cổ tay cũng đều có triệu chứng rõ ràng, vì tổn thương ở mức độ nhẹ không đáng kể. Ngược lại, những trường hợp cổ tay gặp chấn thương nặng hoặc bệnh lý nghiêm trọng, các triệu chứng viêm sẽ khởi phát và biểu hiện rõ rệt.
Có thể kể đến một số triệu chứng thường gặp khi bị viêm khớp cổ tay gồm:
- Đau nhức;
- Nóng đỏ tại chỗ và sưng quanh khớp;
- Cứng khớp;
- Yếu cơ cổ tay, hạn chế cử động, giảm rõ rệt khả năng cầm nắm đồ vật hoặc xoay tay nắm cửa;
- Phát ra âm thanh lách cách khi cử động cổ tay;
Chẩn đoán
Các triệu chứng viêm khớp cổ tay thường không đặc hiệu, cơ bản cũng chỉ gây ra sưng đau, tấy đỏ, cứng khớp và cử động khó khăn. Do đó, nếu muốn tìm ra chính xác nguyên nhân gây ra để điều trị đúng hướng, cần thực hiện kết hợp nhiều phương pháp chẩn đoán sau:
- Khám lâm sàng: Đây là bước đầu tiên và cũng rất quan trọng nhằm khoanh vùng các bệnh lý mà bệnh nhân đang gặp phải. Bác sĩ tiến hành kiểm tra các triệu chứng sưng đau nhức khớp bằng cách sờ, ấn, nắn, vặn cổ tay... Kết hợp đặt những câu hỏi về mức độ đau, khả năng co duỗi hay phản xạ của bệnh nhân. Sau đó là khai thác tiền sử bệnh cá nhân, tiền sử chấn thương trước đó hoặc tiền sử gia đình (nếu có).
- Xét nghiệm hình ảnh: Để tìm kiếm dấu hiệu tổn thương bên trong, cần thực hiện thêm các xét nghiệm hình ảnh như chụp X quang hoặc cộng hưởng từ MRI. Dựa vào những hình ảnh chụp chiếu này, bác sĩ sẽ dễ dàng đưa ra đánh giá về mức độ tổn thương sụn và các hệ thống xung quanh, xác định giai đoạn phát triển viêm khớp cổ tay.
- Xét nghiệm máu: Khi không thể xác định được nguyên nhân gây viêm khớp cổ tay là do thoái hóa khớp hay viêm khớp dạng thấp. Cần làm thêm xét nghiệm máu để kiểm tra các yếu tố kháng thể liên quan để đưa ra kết quả nhận định.
- Đo điện cơ: Thường được chỉ định thực hiện nhằm loại trừ các tổn thương khác ở cổ tay, chẳng hạn như hội chứng ống cổ tay.
Biến chứng và tiên lượng
Viêm khớp cổ tay là căn bệnh mạn tính, có tính chất dai dẳng và kéo dài khó chữa khỏi dứt điểm. Dù tình trạng bệnh có cải thiện rõ rệt sau điều trị, nhưng khi gặp điều kiện thuận lợi, tổn thương viêm khớp vẫn có thể tái phát, thậm chí nặng hơn những lần trước đó.
Mặc dù không đe dọa đến mạng con người, nhưng nếu không được phát hiện sớm và điều trị đúng cách, có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm. Trong đó, nghiêm trọng nhất là teo cơ, liệt cơ, thậm chí tàn phế cổ tay.
Ngoài ra, tùy từng căn nguyên cụ thể gây viêm khớp cổ tay, chẳng hạn như viêm khớp dạng thấp, viêm khớp vảy nến, viêm khớp phản ứng hay bệnh gout, bên cạnh gây ra các tổn thương tại khớp, các bệnh lý này còn gây ra những ảnh hưởng khó lường, tổn thương nhiều cơ quan khác như tim, phổi, mạch máu, mắt, da...
Đa phần các trường hợp bị viêm khớp cổ tay đều có tiên lượng tốt, mặc dù tiến triển và các biến chứng tiềm ẩn của bệnh là rất khó lường. Để đạt được điều này, bệnh nhân tuyệt đối không nên chủ quan, nên thăm khám sớm ngay khi phát hiện triệu chứng để được chẩn đoán và hướng dẫn phác đồ điều trị phù hợp.
Điều trị
Đối với các bệnh viêm khớp nói chung và viêm khớp cổ tay nói riêng, việc điều trị chủ yếu nhằm mục đích cải thiện triệu chứng và ngăn chặn tiến triển bệnh thành biến chứng. Đồng thời, hỗ trợ phục hồi chức năng khớp trong những trường hợp cần thiết.
Riêng với viêm khớp cổ tay thường được điều trị bằng các biện pháp sau đây:
Điều trị tại nhà
Như đã đề cập ở trên, tổn thương viêm khớp cổ tay gây ra những triệu chứng lâm sàng như sưng đau, cứng khớp... Các triệu chứng này hoàn toàn có thể được khắc phục bằng các biện pháp tại nhà như:
- Nghỉ ngơi: Để tránh khiến tổn thương viêm khớp cổ tay tiến triển nặng hơn và có thời gian hồi phục, tốt nhất nên tạm ngưng mọi hoạt động lực gây căng thẳng cho khớp. Việc nghỉ ngơi không nhất thiết phải ngưng tất cả các hoạt động, bệnh nhân vẫn có thể sử dụng cổ tay để thực hiện các sinh hoạt cơ bản hàng ngày như tự ăn uống, chải đầu, mặc quần áo...
- Nẹp cổ tay: Đeo nẹp cổ tay giúp ổn định khớp và giảm thiểu áp lực lên khớp. Phương pháp này thường chỉ có tác dụng trong thời gian ngắn, nên việc đeo nẹp thường không kéo dài quá lâu để tránh gây yếu cơ.
- Liệu pháp nhiệt: Chườm lạnh giúp giảm sưng viêm, sau đó kết hợp chườm ấm giúp giảm đau nhanh chóng. Cách này chỉ có tác dụng giảm triệu chứng khó chịu trong thời gian ngắn. Nên bạn có thể thực hiện nhiều lần trong ngày để đạt được hiệu quả như mong đợi.
Điều trị y tế
Với những tổn thương viêm khớp cổ tay tiến triển nặng, triệu chứng nghiêm trọng và ảnh hưởng đến sinh hoạt hàng ngày, tốt nhất nên điều trị y tế bằng các biện pháp sau đây:
- Dùng thuốc: Để cải thiện nhanh các triệu chứng viêm khớp cổ tay, dùng thuốc luôn là biện pháp được ưu tiên hàng đầu. Các loại thuốc thường dùng như:
- Thuốc giảm đau;
- Thuốc chống viêm không steroid (NSAID);
- Tiêm Steroid (Cortisone);
- Thuốc chống thấp khớp tác dụng chậm (DMARD) giúp điều trị viêm khớp dạng thấp;
- Phẫu thuật: Nếu có xu hướng biến chứng từ viêm khớp cổ tay, bắt buộc phải phẫu thuật để loại bỏ tổn thương. Các lựa chọn phẫu thuật được áp dụng phổ biến hiện nay như:
- Phẫu thuật hợp nhất: Đây là phương pháp cố định xương cẳng tay, cổ tay và bàn tay với nhau, loại bỏ mọi chuyển động ở khớp cổ tay. Kỹ thuật này giúp kiểm soát tốt các triệu chứng, giảm đau do viêm khớp hiệu quả. Nhưng nhược điểm của nó là mất đi khả năng vận động ở khớp, hạn chế các cử động cơ bản hàng ngày.
- Phẫu thuật cắt bỏ: Phẫu thuật cắt bỏ hàng gần cũng là một trong những phương pháp điều trị viêm khớp cổ tay hiệu quả. Đây là thủ thuật cắt bỏ 3 trong số các xương nhỏ nằm ở khớp cổ tay. Cách này vừa giúp giảm hiệu quả cơn đau vừa giúp đảm bảo khả năng cử động của cổ tay.
- Phẫu thuật thay khớp: Được thực hiện bằng cách loại bỏ phần khớp xương bị tổn thương, sau đó thay thế bằng vật liệu khớp kim loại hoặc nhựa. Thiết kế tương tự như khớp cổ tay giúp đảm bảo kết nối linh hoạt với xương và phục hồi khả năng cử động linh hoạt.
- Vật lý trị liệu: Các bài tập vật lý trị liệu đơn giản được chuyên gia hướng dẫn thực hiện sau khoảng 3 - 5 ngày kể từ thời điểm hoàn thành phẫu thuật. Tập luyện tích cực giúp hỗ trợ giảm đau, lấy lại sự linh hoạt, sức mạnh và thúc đẩy cơ chế tự phục hồi của khớp nhanh hơn.
Phòng ngừa
Có rất nhiều nguyên nhân và yếu tố nguy cơ gây ra viêm khớp cổ tay. Nên việc loại trừ hết tất cả các tác nhân là điều không thể. Tuy nhiên, vẫn có những cách đơn giản giúp làm giảm nguy cơ phát triển viêm khớp cổ tay. Chẳng hạn như:
- Hạn chế tối đa các tác động lực mạnh, chấn thương đến cổ tay. Đảm bảo an toàn khi tham gia giao thông, chơi thể thao hoặc khi làm việc.
- Không nên thực hiện các cử động vặn hoặc xoay khớp cổ tay đột ngột để hạn chế tổn thương.
- Dành nhiều thời gian thư giãn khớp cổ tay, nhất là khi làm những công việc hoặc hoạt động phải sử dụng khớp cổ tay thường xuyên.
- Kiểm soát tốt tiến triển các bệnh liên quan đến viêm khớp cổ tay như thoái hóa khớp hoặc viêm khớp tự miễn. Thăm khám định kỳ và tuân thủ phác đồ điều trị do bác sĩ chỉ định.
- Tăng cường bổ sung các hoạt chất có lợi cho hệ thống xương khớp thông qua thực phẩm hoặc TPCN dưới sự tư vấn của chuyên gia có kinh nghiệm.
- Duy trì lối sống lành mạnh, ăn uống đủ chất, tập thể dục hàng ngày, sinh hoạt điều độ, duy trì cân nặng phù hợp và nói không với thuốc lá, rượu bia để phòng ngừa phát triển viêm khớp cổ tay.
- Giữ ấm cơ thể nói chung và cổ tay nói riêng khi thời tiết chuyển lạnh để ngăn chặn tái phát phản ứng viêm khớp cổ tay.
Những câu hỏi quan trọng khi đi khám
1. Tại sao tôi bị sưng đau, nóng đỏ, cứng khớp cổ tay, cử động rất khó khăn?
2. Nguyên nhân khiến tôi bị viêm khớp cổ tay?
3. Tôi cần làm những xét nghiệm gì để chẩn đoán viêm khớp cổ tay?
4. Bị viêm khớp cổ tay gây ra những biến chứng gì?
5. Tôi nên điều trị viêm khớp cổ tay bằng phương pháp nội khoa hay ngoại khoa?
6. Khi nào tôi nên phẫu thuật? Phương pháp phẫu thuật tốt nhất là gì?
7. Tôi cần lưu ý những gì khi chăm sóc hậu phẫu viêm khớp cổ tay?
8. Sau phẫu thuật tôi có cần tái khám lại không?
9. Mất thời gian bao lâu thì tổn thương viêm khớp cổ tay mới khỏi hoàn toàn?
10. Chi phí uống thuốc và phẫu thuật viêm khớp cổ tay tốn bao nhiêu?
Hiếm khi viêm khớp cổ tay gây ra những biến chứng nguy hiểm như biến dạng khớp hoặc liệt khớp. Tuy nhiên, không phải vì vậy mà người bệnh chủ quan trong việc thăm khám và điều trị. Bởi những tổn thương viêm khớp cổ tay rất dai dẳng, gây nhiều phiền toái đến sức khỏe thể chất, tinh thần và trong sinh hoạt hàng ngày. Do đó, ngay khi phát hiện các dấu hiệu thường, hãy tìm đến các cơ sở y tế chuyên khoa để được chẩn đoán và tư vấn điều trị.
Xem thêm:
- Bài thuốc điều trị viêm khớp bằng đông y hiệu quả
- Dùng quả sung chữa viêm khớp có được không?
Giải đáp thắc mắc của độc giả cùng chuyên gia của chúng tôi!