Bệnh Rối loạn sinh tủy (MDS)

Bác sĩ phụ trách

Bác sĩ Lê Hữu Tuấn

Phó Giám đốc chuyên môn

Rối loạn sinh tủy là một hội chứng ác tính với các rối loạn tế bào tạo máu trong tủy xương. Bệnh có liên quan mật thiết đến các bất thường nhiễm sắc thể  và đứng thứ 6 trong tổng số các bệnh về máu (theo thống kê của Viện huyết học và truyền máu trung ương). Điều trị rối loạn sinh tủy chủ yếu dựa vào kiểm soát triệu chứng bằng các chế phẩm thuốc kháng sinh và truyền máu. 

Rối loạn sinh tủy là một dạng bệnh lý rối loạn khởi phát ở tế bào gốc trong tủy xương gây ảnh hưởng đến cơ chế tạo máu

Tổng quan

Rối loạn sinh tủy (Myelodysplastic Syndrome - MDS) là thuật ngữ y học dùng để chỉ một nhóm gồm các rối loạn của các tế bào gốc tạo máu. Bệnh đặc trưng bởi sự rối loạn về quá trình tăng sinh và biệt hóa của các tế bào sinh máu, sự khiếm khuyết về quá trình trưởng thành của tế bào và không thể kiểm soát sự tăng sinh trong giai đoạn tiến triển của bệnh.

Qua nhiều nghiên cứu, các chuyên gia cho rằng bệnh có khả năng tiến triển thành hội chứng Leukemia cấp (hay còn được gọi là pre-leukemia). Bệnh có liên quan đến sự bất thường về các nhiễm sắc thể, thường là mất một đoạn hoặc mất toàn bộ nhiễm sắc thể số 5, 7, 9, 11, 12, 13, 17, 20...

Rối loạn sinh tủy đặc trưng với các tế bào máu được hình thành và hoạt động không bình thường

Các dạng rối loạn sinh tủy thường gặp gồm:

  • Chứng đa hồng cầu nguyên phát: Xảy ra khi tủy xương hoạt động quá mức gây sản sinh dư thừa tế bào máu, chủ yếu là các tế bào hồng cầu. Dạng rối loạn sinh tủy này có hơn 95% trường hợp mắc phải và được xác định là do mang gen dột biến JAK2V617F;
  • Chứng xơ cứng tủy: Xảy ra khi tủy xương hoạt động bất thường sản sinh quá nhiều collagen và các mô xơ, gây cản trở quá trình sản xuất máu của tủy;
  • Chứng tăng tiểu cầu: Xảy ra khi tủy xương sản sinh dư thừa các tế bào tiểu cầu làm cho máu dễ bị vón cục, tăng nguy cơ tắc nghẽn mạch máu, khởi phát cơn đau tim, đột quỵ;
  • Chứng bạch cầu mạn tính dòng tủy (CML): Còn được gọi là bệnh ung thư tủy xương, do sản sinh quá mức các bạch cầu bất thường;

Đây là bệnh lý khá hiếm gặp trong cộng đồng (5 - 7%) nhưng lại rất dễ phát hiện tại các chuyên khoa huyết học (20 - 25%). Nếu không được phát hiện sớm và điều trị kịp thời, chứng rối loạn sinh tủy có thể gây nguy nhiễm trùng kéo dài, biến chứng xơ gan gây ảnh hưởng đến quá trình sinh máu trong tủy, thậm chí tử vong.

Người trưởng thành và người lớn tuổi là đối tượng có nguy cơ mắc bệnh cao. Bệnh hiếm khi xảy ra ở trẻ em hoặc nếu xảy ra cũng sẽ kèm theo một vài đột biến khiếm khuyết bẩm sinh khác.

Phân loại

Rối loạn sinh tủy được phân chia làm 2 nhóm chính là nhóm nguyên phát và nhóm thứ phát, được phân biệt dựa theo căn nguyên gây bệnh, kiểu nhiễm sắc thể và dạng đột biến. Trong đó:

Rối loạn sinh tủy được phân chia làm nhiều dạng khác nhau dựa trên sự khác biệt về căn nguyên, dạng đột biến...

  • Hội chứng rối loạn sinh tủy nguyên phát: Được phân chia làm nhiều loại với thể nhiều thể bệnh khác nhau. Tại Việt Nam, hiện đang áp dụng các phân chia theo các tiêu chuẩn của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cập nhật 2001, gồm:
    • Thể thiếu máu dai dẳng (RA - Refractory Anemia);
    • Thể thiếu máu kháng trị kèm theo tăng các tế bào nguyên hồng cầu sắt vòng (RARS - Ringed Sideroblast);
    • Thể thiếu máu kèm theo triệu chứng rối loạn đa dòng tế bào (RCMD - Cytopenia Multi - Myelodysplastic Anemia);
    • Thể thiếu máu kéo dài rối loạn đa dòng có tăng nguyên hồng cầu sắt vòng (RCMD - RS);
    • Thể thiếu máu kéo dài kèm tăng các tế bào blast trong máu hoặc trong tủy xương (RAEB);
    • Thể rối loạn sinh tủy mất đoạn cánh dài NST số 5;
    • Thể rối loạn sinh tủy không được xếp loại (MDS-U);
    • Thể rối loạn sinh tủy mất NST 5q (MDS - associated with isolated del 5q);
  • Hội chứng rối loạn sinh tủy thứ phát: Là dạng bệnh thường xuất hiện sau điều trị các bệnh lý khác.

Tìm hiểu: Bệnh Phù Tủy Xương - Nguyên nhân, dấu hiệu và cách điều trị

Nguyên nhân và yếu tố nguy cơ

Nguyên nhân 

Bản chất của chứng rối loạn sinh tủy là sự rối loạn chức năng tủy xương - cơ quan đảm nhiệm chức năng tạo máu cho cơ thể. Một tế bào máu bình thường được tủy xương sản xuất ra, sau đó được đẩy ra ngoài dòng máu khi đã phát triển trưởng thành. Nhưng ở người bệnh rối loạn sinh tủy, tế bào máu vừa được sản sinh ra đã chết hoặc thậm chí chết ngay khi còn nằm trong tủy xương.

Có 2 nguyên nhân chính làm khởi phát rối loạn sinh tủy gồm:

Đột biến gen là nguyên nhân hàng đầu dẫn đến tình trạng rối loạn sinh tủy

  • Đột biến gen:
    • Theo phân tích di truyền học, đột biến là nguyên nhân đầu tiên được các chuyên gia đặt ra. Tế bào gốc sinh máu bị đột biến và mang khiếm khuyết ở một đoạn hoặc toàn bộ đoạn gen. Hậu quả là các tế bào máu được sản sinh từ tế bào gốc trong tủy không có khả năng biệt hóa, sinh trưởng hoặc tiến triển thành leukemia cấp do tăng sinh mất kiểm soát;
    • Sự bất thường về nhiễm sắc thể gây rối loạn sinh tủy thường xảy ra ở NST số 5 hoặc 7. Ngoài ra, các đoạn NST gặp hơn như 9, 11, 12, 13, 17 hoặc 20;
  • Rối loạn miễn dịch:
    • Sự biến dị tại các tế bào gốc trong tủy khiến dòng lympho cũng xuất hiện các khiếm khuyết bất thường, kéo theo những tổn thương về hệ miễn dịch tế bào và dịch thể;
    • Đồng thời, hệ miễn dịch suy giảm quá mức vô tình tạo điều kiện thuận lợi cho sự đột biến của các tế bào chuyển thành ác tính, gây ung thư;

Yếu tố nguy cơ

Tuy nguyên nhân gây rối loạn sinh tủy vẫn chưa được xác định rõ, nhưng qua nhiều nghiên cứu, các chuyên gia xác định có nhiều yếu tố thuận lợi tham gia vào quá trình khởi phát rối loạn sinh tủy như:

  • Tiếp xúc với các tia xạ, xảy ra ở mọi đối tượng bệnh nhân do điều trị hóa chất hoặc tia xạ trong vòng 3 - 6 năm;
  • Sử dụng hóa chất nhóm benzen, thuốc trừ sâu hoặc các kim loại nặng như thủy ngân, chì...;
  • Tác dụng phụ của thuốc nhóm alkylan;
  • Thực hiện phác đồ hóa trị liệu bằng chất ức chế topoisomerase hoặc chất alkyllant hydroxyurea;
  • Nhiễm virus;
  • Tuổi tác, lão hóa;
  • Ảnh hưởng từ các bệnh lý di truyền;
  • Nam giới > 50 tuổi có nguy cơ mắc bệnh cao;

Triệu chứng và chẩn đoán

Triệu chứng 

Gồm 2 dạng triệu chứng:

Triệu chứng lâm sàng

Bệnh nhân rối loạn sinh tủy thường có các triệu chứng lâm sàng đặc trưng gồm:

Các triệu chứng rối loạn sinh tủy thường tiến triển âm thầm và không đặc hiệu như sốt kéo dài, mệt mỏi, sụt cân, chóng mặt do thiếu máu

  • Thiếu máu: là triệu chứng đặc trưng nhất ở bệnh nhân rối loạn sinh tủy (chiếm tỷ lệ 93% trên tổng số các trường hợp bệnh);
  • Sốt kéo dài đơn độc do nhiễm trùng (điển hình là vi khuẩn Mycobacterie hoặc khuẩn lao);
  • Người bệnh mệt mỏi, khó thở, hoa mắt, chóng mặt, suy nhược cơ thể, ngất xỉu, đau nhức trong xương, vã mồ hôi nhiều vào ban đêm, đau bụng;
  • Phát hiện hình ảnh gan to hoặc lách to;
  • Thâm nhiễm ngoài da do rối loạn sinh tủy làm tăng lượng bạch cầu monocyte;
  • Khoảng 10 - 15% bệnh nhân rối loạn sinh tủy có triệu chứng gan to hoặc lách to;
  • Kèm theo các triệu chứng nhiễm khuẩn (tiêu hóa, hô hấp, sinh dục - tiết niệu...) hoặc xuất huyết niêm mạc, nội tạng hoặc xuất huyết dưới da;

Triệu chứng xét nghiệm

  • Về số lượng:
    • Phát hiện có tăng chỉ số monocyte;
    • Giảm từ 1, 2 hoặc cả 3 dòng hồng cầu, tiểu cầu và bạch cầu ở máu ngoại vi, trong đó phổ biến nhất là giảm hồng cầu;
  • Về hình thái: Các dạng bất thường về hình thái tế bào bị đột biến dẫn đến rối loạn sinh tủy gồm:
    • Dòng hồng cầu:
      • Máu ngoại vi: gồm hồng cầu to (macrocytose); hồng cầu to nhỏ (anisocytose), hồng cầu đa sắc (polychromasie), hồng cầu đa hình thái (poikylocytose), thể hồng cầu có chấm ưa base (ponction basophile) hoặc thể Howelle Jolly;
      • Dòng tủy xương: Tăng sinh hoặc giảm sinh quá mức các tế bào nguyên hồng cầu (erythroblast), dạng nguyên hồng cầu khổng lồ (megaloblast), nguyên hồng cầu nhiều nhân, đa sắc và ưa acid...;
    • Dòng bạch cầu:
      • Máu ngoại vi: gồm bạch cầu đoạn trung tính bị mất hoặc giảm các hạt đặc hiệu (Pelger - Huet); bạch cầu đoạn trung tính nhân dạng vòng (Ring-shaped nuclei), chất nhiễm sắc (chromatin) hoặc nhân hình gậy (nuclei-stick); bạch cầu đoạn trung tính tăng các hạt đặc hiệu (khá hiếm gặp);
      • Tủy xương: Mất các hạt đặc hiệu ở vùng tủy bào trở xuống và tăng quá mức các tế bào blast chưa trưởng thành;
    • Dòng tiểu cầu:
      • Máu ngoại vi: chứa số lượng lớn tiểu cầu to, có kích thước khổng lồ;
      • Tủy xương: tập trung các mẫu tiểu cầu có hình thái bất thường như: dạng còi cọc với 1 - 2 nhân tròn, dạng có nhiều nhân nhỏ và có một nhân lớn;

Chẩn đoán

Một số xét nghiệm cận lâm sàng cũng được chỉ định thực hiện để bác sĩ có đủ cơ sở dữ liệu kết luận chẩn đoán chính xác thể rối loạn sinh tủy và căn nguyên.

Xét nghiệm máu nhằm đánh giá các thông số sinh học phân tử và xác định yếu tố đột biến gen gây rối loạn sinh tủy

  • Tủy đồ;
  • Xét nghiệm máu;
  • Sinh thiết tủy xương;
  • Chẩn đoán hình ảnh như X quang, CT hoặc MRI;
  • Xét nghiệm HIV;
  • Nuôi cấy tế bào tủy xương;
  • Xét nghiệm phân tích đặc điểm tế bào di truyền;

Ngoài ra, cần chẩn đoán phân biệt với các bệnh lý về máu khác có kèm theo tình trạng rối loạn sinh tủy như:

  • Hội chứng tăng sinh tủy;
  • Bệnh lơ xê mi cấp nguyên phát;
  • Bệnh lơ xê mi cấp thể M6;
  • Ngộ độc rượu, kim loại nặng hoặc nhiễm hóa chất, tia xạ;
  • Ung thư;
  • Nhiễm HIV;
  • Tình trạng thiếu acid folic và vitamin B12;

Biến chứng và tiên lượng

Biến chứng

Rối loạn sinh tủy có thể gây tăng hoặc giảm tế bào máu bất thường. Quá trình sinh máu kém kèm theo những khiếm khuyết về tế bào, phát triển không ổn định làm tăng nguy cơ phát sinh các biến chứng như:

  • Thiếu máu do suy giảm số lượng tế bào hồng cầu trong tủy;
  • Nhiễm trùng tái phát do số lượng bạch cầu quá ít;
  • Xuất huyết liên tục do thiếu tiểu cầu;
  • Sinh máu ngoại tủy khiến gan lách to và phát triển xơ tủy;
  • Tăng nguy cơ khởi phát bệnh ung thư tủy xương và ung thư máu (bệnh bạch cầu);

Tiên lượng

Hội chứng rối loạn sinh tủy có tiến triển nhanh chóng với cấp độ ngày càng tăng nặng nên tiên lượng khá xấu. Bệnh có nguy cơ tử vong cao do chứng bạch cầu cấp, xuất huyết, nhiễm trùng, nhiễm sắt hoặc các biến chứng khác xảy ra trong quá trình điều trị.

Bệnh nhân rối loạn sinh tủy càng lớn tuổi càng có tiên lượng xấu do sự hạn chế về biện pháp điều trị

Tuy nhiên, tùy từng trường hợp bệnh cụ thể mà việc điều trị bệnh có thể kéo dài từ 2 - 7 năm hoặc lâu hơn. Điều trị rối loạn sinh tủy chủ yếu là điều trị triệu chứng. Trường hợp xơ gan hoặc nhiễm trùng kéo dài gây rối loạn quá trình sinh máu của tủy, sau điều trị có thể phục hồi chức năng tủy, sinh máu trở lại bình thường.

Thông tin về một số yếu tố nguy cơ giúp tiên lượng bệnh nhân rối loạn sinh tủy gồm:

  • Tỷ lệ phần trăm các blast trong tủy xương: tỷ lệ này càng cao càng tiên lượng càng xấu (thường là > 10%);
  • Yếu tố di truyền: Số lượng tế bào di truyền càng cao với mức độ bất thường càng nhiều thì mức độ tiên lượng càng xấu;
  • Mức độ giảm tế bào: Tình trạng suy giảm nồng độ các tế bào chất cũng là một trong những yếu tố tiên lượng xấu ở bệnh nhân MDS. Thường liên quan đến:
    • Hemoglobin < 8 g/dL (< 80 g/L);
    • Số lượng bạch cầu trung tính tuyệt đối (ANC) dao động dưới 800/mcL (tương đương 0,8 × 109/L);
    • Số lượng tiểu cầu dao động dưới 50.000/mcL ( tương đương < 50 × 109/L);

Tóm lại, tiên lượng bệnh MDS phụ thuộc vào sự gia tăng về số lượng của các yếu tố nguy cơ. Theo thống kê, bệnh nhân trong nhóm có nguy cơ cao nhất có thời gian sống thêm trung bình khoảng 0.8 năm và trong nhóm nguy cơ thấp thời gian sống thêm khoảng 8 năm.

Điều trị

Mục tiêu điều trị chính đối với bệnh rối loạn sinh tủy là điều trị triệu chứng, làm chậm tiến triển bệnh và dự phòng biến chứng nhiễm trùng, xuất huyết. Rất khó có thể chữa khỏi dứt điểm rối loạn sinh tủy hoàn toàn. Căn cứ vào đặc điểm của từng thể bệnh, mức độ nghiêm trọng, tuổi tác và yếu tố nguy cơ mà bác sĩ sẽ tư vấn áp dụng phác đồ điều trị phù hợp.

Phác đồ điều trị rối loạn sinh tủy được chia làm 2 giai đoạn gồm:

  • Giai đoạn 1: Mục tiêu nhằm kiểm soát tiến triển bệnh và ổn định phục hồi trạng thái sức khỏe bình thường cho bệnh nhân.
    • Tiến hành cách ly bệnh nhân và thực hiện đầy đủ các bước xử lý sát khuẩn và chống nhiễm trùng;
    • Phương pháp điều trị chính là truyền hóa chất;
    • Điều trị hỗ trợ bằng cách truyền máu, tiểu cầu và dùng kháng sinh (nếu có dấu hiệu nhiễm trùng);
  • Giai đoạn 2: Điều trị căn nguyên bệnh nhằm ức chế tiến triển bệnh và dự phòng tái phát. Phương pháp điều trị rối loạn sinh tủy chính là ghép tế bào gốc. Tuy nhiên, phương pháp này đòi hỏi phải đáp ứng các điều kiện như sau:
    • Nam < 60 tuổi và nữ < 55 tuổi, vì phương pháp ghép tủy không phù hợp với người quá lớn tuổi;
    • Hạn chế về số lượng tủy tương thích, chỉ có thể sử dụng tủy của anh em ruột;

Trường hợp bệnh nhân bị rối loạn sinh tủy > 60 tuổi không phù hợp thực hiện ghép tủy sẽ được điều trị duy trì bằng thuốc (thường là Decitabin trị ung thư) nhằm kéo dài sự sống cho bệnh nhân. Tuy nhiên, hiệu quả của thuốc cũng chỉ có thể kéo dài tối đa từ 1 - 2 năm và phát sinh biến chứng ung thư ác tính. Trong trường hợp này, bệnh sẽ rất khó chữa và có nguy cơ tử vong cao.

Cụ thể một số phương pháp điều trị rối loạn sinh tủy MDS phổ biến hiện nay:

1. Truyền máu 

Bệnh nhân rối loạn sinh tủy cần được truyền máu liên tục nhằm mục đích thay thế các tế bào hồng cầu, tiểu cầu và bạch cầu bị khiếm khuyết cũng như bù lại lượng thiếu hụt. Tuy nhiên, việc truyền máu liên tục nhiều lần có thể gây ra biến chứng ứ sắt nên cần phải thường xuyên kết hợp thanh thải sắt.

2. Dùng thuốc 

Các loại thuốc trị rối loạn sinh tủy có tác dụng chính là thúc đẩy cơ chế tăng số lượng tế bào máu khỏe mạnh, tiêu diệt các tế bào bất thường, ức chế hệ thống miễn dịch hoặc thuốc kiểm soát các bất thường về di truyền. Điển hình là các loại sau:

Điều trị rối loạn sinh tủy bằng thuốc hóa trị và thuốc sinh học nhằm mục đích tiêu diệt các tế bào máu bất thường do rối loạn sinh tủy gây ra

Các loại thuốc trị rối loạn sinh tủy có tác dụng chính là thúc đẩy cơ chế tăng số lượng tế bào máu khỏe mạnh, tiêu diệt các tế bào bất thường, ức chế hệ thống miễn dịch hoặc thuốc kiểm soát các bất thường về di truyền. Điển hình là các loại sau:

Thuốc hóa trị

Là các loại hóa chất mạnh được đưa vào cơ thể nhằm tiêu diệt các tế bào máu bất thường. Thuốc hóa trị thường dùng dưới dạng uống hoặc tiêm truyền:

  • Nhóm thuốc giảm methyl hóa:
    • Azacitidine (Vidaza): Có tác dụng cải thiện tiến triển rối loạn sinh tủy và kéo dài thời gian sống cho bệnh nhân, trung bình là 21 tháng. Thời gian dùng khuyến cáo ít nhất từ 4 - 6 chu kỳ hoặc lâu hơn nếu có chỉ định từ bác sĩ;
    • Decitabine (Dacogen): Đem lại hiệu quả cao trong điều trị rối loạn sinh tủy và là thuyên giảm bệnh ở khoảng 43% trường hợp;
  • Nhóm thuốc truyền thống: Thường chỉ định cho những bệnh nhân bị rối loạn sinh tủy có nguy cơ cao khởi phát chứng bạch cầu cấp. Bao gồm:
    • Daunorubicin (Cerubidine)
    • Cytarabine (Cytosar-U)
    • Idarubicin (Idamycin)
  • Nhóm thuốc điều hòa miễn dịch: Thường dùng qua đường uống, có tác dụng hiệu quả trong điều trị rối loạn sinh tủy nguy cơ thấp. Điển hình là:
    • Lenalidomide (Revlimid): Giúp giảm tần suất truyền hồng cầu do rối loạn sinh tủy thể thiếu hụt 5q nhờ cơ chế điều hòa miễn dịch;

Liệu pháp miễn dịch

Còn được gọi là liệu pháp sinh học, được thực hiện bằng cách tác động tích cực làm tăng khả năng đề kháng, tự chống lại các tác nhân gây bệnh. Phương pháp này ít được chỉ định nhưng vẫn thường được chọn lựa nếu phù hợp. Thuốc trị liệu miễn dịch thường được chỉ định dùng khi đã kết thúc hóa trị. Loại điển hình là globulin kháng tế bào máu gồm Thymoglobulin hoặc ATGAM.

Ngoài ra, các loại thuốc kích thích hoàn thiện tế bào máu, thuốc hỗ trợ làm tế bào máu khỏe mạnh, thuốc ức chế miễn dịch... cũng được cân nhắc chỉ định sử dụng trong trường hợp cần thiết khi điều trị rối loạn sinh tủy.

Bệnh nhân sử dụng thuốc trị rối loạn sinh tủy sẽ được theo dõi sát sao và đánh giá liên tục về mức độ hiệu quả. Đồng thời, xử lý kịp thời các tác dụng phụ và tương tác thuốc ngoài ý muốn.

3. Phẫu thuật ghép tủy

Như đã nói, ghép tế bào gốc tủy xương là phương pháp điều trị rối loạn sinh tủy hiệu quả nhất. Việc thay thế tủy mới kết hợp loại bỏ các tế bào máu bị tổn thương, và tiến hành hóa trị để loại bỏ hoàn toàn các tế bào ung thư còn sót lại.

Phẫu thuật ghép tủy là phương pháp hiệu điều trị hiệu quả nhất dành cho bệnh nhân rối loạn sinh tủy mức độ nghiêm trọng

Trên thế giới hiện nay ghi nhận có khoảng 60% trường hợp ghép tủy thành công. Sau ca ghép tủy thành công, bệnh nhân có thể kéo dài tuổi thọ > 5 năm hoặc lâu hơn. Nhưng nếu phẫu thuật thất bại có thể gây nguy hiểm đến tính mạng.

4. Các biện pháp điều trị hỗ trợ khác

Được chỉ định thực hiện tùy từng trường hợp cụ thể như:

Truyền máu, chăm sóc tích cực và điều trị hỗ trợ cho bệnh nhân nhằm giảm nhẹ triệu chứng bệnh

  • Chống thiếu máu:
    • Truyền khối hồng cầu;
    • Tiêm dưới da Erythropoietin liều 10.000UI/ lần, liên tục 3 lần/ tuần hoặc liều 40.000UI/tuần với liều duy nhất;
  • Chống xuất huyết:
    • Truyền khối tiểu cầu;
    • Tiêm bắp hoặc tiêm tĩnh mạch Tranexamic acid liều 0.25g, khoảng 1 - 2 ống;
    • Thuốc Thrombopoietin theo chỉ định;
  • Chống nhiễm trùng:
    • Được chỉ định khi rối loạn sinh tủy có dấu hiệu nhiễm trùng;
    • Diệt khuẩn và giữ vệ sinh thân thể, răng miệng, tai mũi họng sạch sẽ;
    • Kết hợp thải sắt;
  • Điều chỉnh sinh hoạt và ăn uống:
    • Bổ sung đầy đủ các dưỡng chất cần thiết cho cơ thể;
    • Tăng cường các loại thực phẩm giúp tăng khả năng chống oxy hóa như ớt chuông, bí, anh đào, cà chua, việt quất...;
    • Chuyển sang sử dụng dầu thực vật lành mạnh và giảm lượng thịt đỏ, các loại thực phẩm giàu protein khác;
    • Hạn chế sử dụng các loại thức ăn không dinh dưỡng, thực phẩm tinh chế như mì ống, bánh mì trắng và nhất là giảm tiêu thụ đường;
    • Uống đủ lượng nước cần thiết cho cơ thể, trung bình 2 lít/ ngày, tương đương 6 - 8 ly;
    • Vận động tích cực, tập thể dục hàng ngày, mỗi lần tập ít nhất 30 phút bằng những bài tập vừa sức nhưng đem lại hiệu quả cao như đi bộ, đạp xe, yoga...;
    • Ngủ đủ giấc, không thức khuya, không lao lực quá độ, dành thời gian thư giãn đầu óc...;

Phòng ngừa

Dựa vào cơ chế bệnh sinh sẽ giúp bạn có thể tự phòng ngừa rối loạn sinh tủy một cách hiệu quả.

  • Giữ vệ sinh sạch sẽ và kỹ lưỡng trong mọi khía cạnh gồm ăn uống, thân thể lẫn không gian sống.
  • Thận trọng trước các loại thực phẩm sống, nhất là thịt cá sống, trái cây tươi không gọt vỏ...
  • Hạn chế tiếp xúc với môi trường chứa nhiều hóa chất độc hại, ô nhiễm hoặc nếu tính chất công việc bắt buộc phải mang đồ bảo hộ đạt chuẩn.
  • Tránh tiếp xúc gần với những đang mắc bệnh rối loạn sinh tủy để tránh làm giảm nguy cơ ảnh hưởng hệ miễn dịch và khởi phát rối loạn sinh tủy.

Những câu hỏi quan trọng khi đi khám

1. Nguyên nhân khiến tôi mắc bệnh rối loạn sinh tủy?

2. Tiên lượng tình trạng bệnh của tôi ra sao và thời gian sống sau điều trị như thế nào?

3. Bệnh rối loạn sinh tủy có nguy hiểm không?

4. Tôi phải làm những xét nghiệm nào để chẩn đoán rối loạn sinh tủy?

5. Bệnh rối loạn sinh tủy có điều trị khỏi được không?

6. Phương pháp điều trị rối loạn sinh tủy tốt nhất dành cho trường hợp của tôi?

7. Quá trình điều trị rối loạn sinh tủy mất bao lâu thì khỏi?

8. Thời gian sống của tôi còn bao lâu?

9. Bệnh rối loạn sinh tủy có lây không? Tôi có cần tự cách ly bản thân để tránh gây lây nhiễm cho cộng đồng?

10. Chi phí điều trị rối loạn sinh tủy có tốn kém không? Có được dùng BHYT không?

Rối loạn sinh tủy là bệnh lý nguy hiểm gây ảnh hưởng không nhỏ cho sức khỏe. Điều đáng lo ngại là bệnh vẫn chưa có biện pháp điều trị đặc hiệu nên chỉ có thể điều trị và kiểm soát triệu chứng, tiến triển bệnh. Do đó, hãy chủ động thăm khám và điều trị càng sớm càng tốt bằng phác đồ phù hợp để dự phòng các rủi ro về căn bệnh này.

Tham khảo thêm:

Chia sẻ:
Chấn Thương Dây Chằng Chéo Sau
Chấn thương dây chằng chéo sau là một trong 4 dạng chấn thương dây chằng gối phổ biến. Thường xảy ra do tai nạn giao thông hoặc chơi thể thao…
Bệnh Viêm Khớp Cổ Tay
Viêm khớp cổ tay là một dạng viêm khớp phát…
Gai cột sống Bệnh Gai Cột Sống
Gai cột sống là bệnh lý xương khớp xảy ra…
Xẹp Đốt Sống
Xẹp đốt sống xảy ra khi các đốt sống bị…
Bệnh Gù Cột Sống

Gù cột sống là một trong những biến dạng về cột sống phổ biến, có thể xảy ra ở mọi…

Bệnh Viêm Khớp Dạng Thấp Huyết Thanh Dương Tính

Viêm khớp dạng thấp huyết thanh dương tính là một trong những dạng phổ biến nhất của viêm khớp dạng…

Bệnh Nhuyễn xương bánh chè

Nhuyễn xương bánh chè là tổn thương thường gặp ở vùng đầu gối. Tình trạng này không chỉ gây đau…

Bệnh Viêm tủy xương đốt sống

Viêm tủy xương đốt sống là một trong những dạng viêm tủy xương hiếm gặp, gây ảnh hưởng đến các…

Giải đáp thắc mắc của độc giả cùng chuyên gia của chúng tôi!

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Bác sĩ phụ trách

Bác sĩ Lê Hữu Tuấn

Phó Giám đốc chuyên môn

[ads_sidebar]
Xem nhiều

Đặt câu hỏi

Chia sẻ
Bỏ qua