Bệnh Ung thư máu

Ung thư máu là dạng ung thư gây ảnh hưởng đến các tế bào máu khỏe mạnh trong cơ thể, chủ yếu là ở bạch cầu, tủy xương hoặc hệ bạch huyết. Các yếu tố liên quan đến việc khởi phát ung thư máu là đột biến gen, tiếp xúc hóa chất, bức xạ... Bệnh ung thư máu thường tiến triển nhanh và nguy hiểm đe dọa tính mạng. Các phương pháp điều trị ung thư máu phổ biến là hóa trị, xạ trị, liệu pháp miễn dịch hoặc nhắm mục tiêu, ghép tế bào gốc,...

Tổng quan

Ung thư máu (Blood Cancer) là dạng ung thư ác tính khởi phát từ các tế bào tủy xương hoặc các hạch bạch huyết. Cho đến nay, nguyên nhân gây ung thư máu vẫn được được xác định rõ ràng, nhưng đa số các trường hợp phát bệnh đều có liên quan đến đột biến gen và các tác nhân từ môi trường như hóa chất, bức xạ...

Ung thư máu là bệnh ung thư khá phổ biến
Ung thư máu xảy ra khi các tế bào máu khỏe mạnh bị biến đổi thành tế bào ác tính và không thể hoạt động bình thường

Đây là dạng ung thư có tiến triển cực kỳ nhanh chóng, các triệu chứng bộc phát dạng cấp tính nặng nề và có thể đe dọa đến tính mạng. Tuy nhiên, cũng có một số trường hợp ung thư máu mạn tính sẽ có tiến triển chậm theo thời gian trong giai đoạn đầu, nhưng đến giai đoạn nặng có thể chuyển sang thể cấp với mức độ ác tính nguy hiểm hơn gấp nhiều lần.

Tỷ lệ mắc ung thư máu không phổ biến nhiều như các dạng ung thư khác như dạ dày, gan hay phổi... Theo thống kê, ước tính có khoảng 10% ca mắc ung thư máu trên tổng số các ca ung thư nói chung hàng năm tại Hoa Kỳ. Trong số đó, tỷ lệ tử vong chiếm khoảng 3%.

Phân loại

Bệnh ung thư máu được phân chia làm 3 dạng chính gồm:

Phân loại ung thư máu
Bệnh ung thư máu có 3 loại là ung thư bạch cầu, ung thư hạch bạch huyết và đa u tủy xương

  • Ung thư bạch cầu: Đây là dạng ung thư máu phổ biến nhất, chủ yếu ảnh hưởng đến nhóm trẻ em và thanh thiếu niên. Bệnh xảy ra khi cơ thể sản xuất dư thừa các loại tiền chất bạch cầu khác nhau trong tủy xương. Dạng ung thư này được chia làm 4 thể nhỏ gồm:
    • Bệnh bạch cầu lymphoblastic cấp tính (ALL);
    • Bệnh bạch cầu myeloid cấp tính (AML);
    • Bệnh bạch cầu lymphocytic mạn tính (CLL);
    • Bệnh bạch cầu dòng tủy mạn tính (CML);
  • Ung thư hạch bạch huyết: Đây là dạng ung thư xảy ra trong hệ thống hạch bạch huyết của bạn, bao gồm cả khu vực tủy xương và lá lách. Một số thể nhỏ được phân chia về bệnh ung thư hạch bạch huyết gồm:
    • U lympho Hodgkin;
    • U lympho không Hodgkin;
    • U lympho dạng nang;
    • U lympho tế bào B;
    • U lympho tế bào T ở da;
  • Đa u tủy xương: Là tình trạng tế bào ung thư khởi phát từ trong tủy xương và gây ảnh hưởng đến các tế bào plasma, chịu trách nhiệm sản xuất kháng thể chống nhiễm trùng. Có 3 dạng u tủy xương gồm:
    • Đa u tủy;
    • Thể tương bào;
    • Thể amyloidosis;

Nguyên nhân và yếu tố nguy cơ

Cũng như nhiều dạng nguyên nhân khác, nguyên nhân gây bệnh ung thư máu vẫn chưa được hiểu rõ ràng. Qua nhiều nghiên cứu, các nhà khoa học biết được rằng sự xuất hiện của các tế bào ung thư máu có liên quan đến sự thay đổi bất thường của DNA trong các tế bào máu, nhưng lại không xác định được, tại sao điều này lại xảy ra.

Đối với bệnh nhân ung thư máu, thay đổi hoặc đột biến gen khiến các tế bào máu khỏe mạnh hoạt động bất thường, chúng phân chia và nhân lên ngày càng nhiều cho đến khi các tế bào bình thường biến mất, độc chiếm toàn bộ không gian bên trong tủy xương.

Hóa chất làm tăng nguy cơ ung thư máu
Tiếp xúc với hóa chất, tia bức xạ và đột biến gen là những yếu tố hàng đầu làm tăng nguy cơ phát triển ung thư máu

Hậu quả khiến tủy xương không thể hoạt động sản xuất tế bào máu, gây thiếu hụt không có đủ các tế bào bình thường để thực hiện các nhiệm vụ cần thiết. Chẳng hạn như mang chống nhiễm trùng, mang máu chứa oxy đi khắp cơ thể, kiểm soát quá trình chảy máu...

Tuy không xác định được nguyên nhân bắt đầu phát triển ung thư máu, nhưng các nhà khoa học đã khẳng định có nhiều yếu tố rủi ro làm tăng nguy cơ khởi phát căn bệnh này. Chẳng hạn như:

  • Tiếp xúc với các loại hóa chất độc hại như xăng, benzen, amiăng và nhiều sản phẩm công nghiệp khác...
  • Tiếp xúc với nguồn tia bức xạ cao trong điều trị y tế hoặc các vụ tai nạn hạt nhân;
  • Yếu tố di truyền từ bố mẹ sang con cái cũng góp phần phát triển ung thư máu;
  • Hút thuốc lá;
  • Ảnh hưởng từ các bệnh lý như rối loạn tự miễn dịch (lupus ban đỏ, viêm khớp dạng thấp...) hoặc bệnh suy giảm miễn dịch (người nhiễm HIV/AIDS);
  • Tiền sử gia đình, giới tính, tuổi tác và sắc tộc cũng là những yếu tố dễ hình thành ung thư máu;

Triệu chứng và chẩn đoán

Triệu chứng

Tùy theo từng dạng ung thư máu mà các triệu chứng sẽ biểu biện và có mức độ khác nhau. Nhưng về cơ bản cả 3 dạng ung thư máu này đều có những dấu hiệu điển hình sau:

Triệu chứng ung thư máu thường gặp
Những người bị ung thư máu thường có những dấu hiệu mệt mỏi, suy nhược, sụt cân, sốt, vã mồ hôi đêm, dễ chảy máu, bầm tím...

  • Mệt mỏi, xanh xao: Bệnh nhân đột nhiên cảm thấy mệt mỏi và suy nhược, kiệt sức không rõ nguyên nhân. Điều này xảy ra do các tế bào ung thư máu gây cản trở quá trình hoạt động bình thường của cơ thể, khiến cơ thể thiếu hụt năng lượng.
  • Sụt cân đột ngột: Hầu hết người bệnh ung thư đều có dấu hiệu này, trong đó có ung thư máu. Sụt cân đột ngột và không rõ nguyên nhân xảy ra do các tế bào máu bất thường có thể gây chán ăn và cản trở khả năng hấp thụ dưỡng chất trong cơ thể.
  • Đổ mồ hôi đêm: Bạn sẽ dễ dàng nhận thấy triệu chứng này vào lúc giữa đêm hoặc buổi sáng thức dậy với cơ thể ướt đẫm mồ hôi. Nguyên nhân là do các tế bào máu bất thường hoạt động mạnh mẽ khiến cơ thể sản sinh ra lượng nhiệt dư thừa quá mức.
  • Sốt: Việc sốt không liên quan đến nhiễm trùng được cảnh báo có thể là dấu hiệu của bệnh ung thư máu. Xảy ra do cơ thể bệnh nhân không thể hoạt động bình thường để điều chỉnh thân nhiệt, khiến người bệnh sốt thường xuyên, lúc nặng lúc nhẹ.
  • Dễ bị nhiễm trùng: Hầu hết bệnh nhân bị ung thư máu đều có hệ miễn dịch suy giảm nhanh chóng, làm tăng nguy cơ phát triển các bệnh nhiễm trùng. Những bệnh nhiễm trùng liên quan đến ung thư máu thường khó điều trị hơn rất nhiều.
  • Da dễ bầm tím & chảy máu: Ung thư máu làm giảm khả năng đông máu của cơ thể, biểu hiện thông qua các dấu hiệu như dễ bầm tím, chảy máu bất thường, đặc biệt là chảy máu cam.
  • Sưng hạch bạch huyết: Xảy ra do các tế bào ung thư máu khiến các hạch bạch huyết bị sưng lên, hình thành các cục u dưới da.
  • Đau nhức xương: Rất nhiều bệnh nhân ung thư máu thường phản ánh về việc thường xuyên có cảm giác đau nhức xương, nhất là ở vùng lưng, hông và hộp sọ hoặc các điểm mềm trên xương.
  • Đau bụng: Ung thư máu ở giai đoạn nặng có thể tiến triển đến gan và lá lách. Sự ảnh hưởng này khiến chúng bị sưng phù, tổn thương và gây ra các triệu chứng như ăn uống không ngon, đầy hơi, chướng bụng, buồn nôn, ói mửa...

Chẩn đoán

Vì các triệu chứng ung thư máu thường không đặc hiệu, tương tự với nhiều bệnh lý khác nên rất khó nhận biết sớm. Chính vì vậy, ngay khi phát hiện các dấu hiệu bất thường này, đặc biệt chúng còn kéo dài lâu không khỏi, bệnh nhân cần phải nhanh chóng đến bệnh viện để được chẩn đoán tìm ra nguyên nhân.

Tại bệnh viện, nhờ chuyên môn và kinh nghiệm của bác sĩ chuyên khoa, bệnh ung thư máu có thể được phát hiện sớm thông qua khai thác triệu chứng, tiền sử bệnh. Đồng thời, kết hợp với một số kỹ thuật xét nghiệm máu và kiểm tra hình ảnh để đưa ra xác nhận chẩn đoán chính xác.

Xét nghiệm chẩn đoán ung thư máu
Chẩn đoán ung thư máu phải thông qua kết hợp khám sức khỏe, xét nghiệm máu, kiểm tra hình ảnh và sinh thiết tủy xương

Cụ thể một số xét nghiệm được sử dụng bao gồm:

  • Xét nghiệm máu: Xét nghiệm này giúp phát hiện mức độ bất thường của các tế bào máu, kiểm tra sự hiện diện của các tế bào ung thư máu. Một số kỹ thuật xét nghiệm máu thường được áp dụng như kiểm tra công thức máu toàn bộ, đo số lượng tế bào hồng cầu, bạch cầu và tiểu cầu trong máu.
  • Sinh thiết tủy xương: Được thực hiện bằng cách lấy một mẫu tủy xương nhỏ từ vùng hông hoặc xương ức, sau đó mang đi phân tích, quan sát dưới kính hiển vi để tìm kiếm tế bào ung thư.
  • Xét nghiệm hình ảnh: Một số xét nghiệm hình ảnh như chụp X quang, chụp cắt lớp vi tính CT scan, chụp cộng hưởng từ MRI hoặc chụp cắt lớp phát xạ positron PET cho phép phát hiện bất kỳ dấu hiệu tổn thương bất thường nào trong xương hoặc những cơ quan khác, do bệnh ung thư máu gây ra.
  • Đo tế bào dòng chảy: Loại xét nghiệm này được chỉ định khá phổ biến đối với những người đã được chẩn đoán nghi ngờ mắc bệnh ung thư máu. Được thực hiện trong phòng thí nghiệm và giúp xác định các tế bào ung thư bất thường trong máu hoặc tủy xương.
  • Xét nghiệm di truyền: Trong một số trường hợp, xét nghiệm này có thể được chỉ định nhằm xác định loại đột biến gen gây ra ung thư máu.

Bệnh nhân được chỉ định thực hiện các xét nghiệm trên cần hết sức lưu ý, phải thông báo cho bác sĩ về những loại thuốc bản thân đang sử dụng và nhịn ăn sáng đối với xét nghiệm máu trong một khoảng thời gian nhất định để tránh làm ảnh hưởng đến kết quả xét nghiệm.

Biến chứng và tiên lượng

Ung thư máu là một dạng ung thư ác tính có tiến triển nhanh chóng. Nếu không được điều trị kịp thời có thể gây ra một số biến chứng nghiêm trọng, thậm chí đe dọa đến tính mạng bất kỳ lúc nào. Điều này xảy ra trong giai đoạn nặng, khi các tế bào ung thư máu di căn và xâm lấn đến khắp các cơ quan trong cơ thể, dẫn đến suy đa tạng.

Cụ thể một số biến chứng ung thư máu ác tính bao gồm:

  • Suy thận;
  • Dễ gãy xương;
  • Thiếu máu nặng;
  • Nhiễm trùng nghiêm trọng;
  • Rối loạn ý thức, lú lẫn;

Ung thư ác tính gây biến chứng nguy hiểm
Ung thư máu ác tính cực kỳ nghiêm trọng và có thể dẫn đến tử vong nếu không điều trị kịp thời

Ung thư máu là căn bệnh nghiêm trọng và thường có tiên lượng xấu, nhất là khi không tiếp nhận bất kỳ phương pháp điều trị nào. Tỷ lệ sống sót nói chung chỉ ở mức trung bình sau 5 năm kể từ thời điểm chẩn đoán bệnh. Tùy theo từng dạng ung thư máu mà tiên lượng sống sót cũng sẽ khác nhau. Chẳng hạn như:

  • Đối với ung thư bạch cầu, tỷ lệ sống sót sau 5 năm tăng gấp 4 lần trong vòng 40 năm qua;
  • Đối với ung thư hạch, tỷ lệ sống sót sau 5 năm tăng gấp 2 lần trong vòng 40 năm qua;
  • Đối với đa u tủy, tỷ lệ sống sót sau 5 năm chẩn đoán là hơn 50% trường hợp bệnh;

Điều trị

Điều trị ung thư luôn là đề tài nghiên cứu của rất nhiều nhà khoa học, chuyên gia, bác sĩ. Tuy nhiên, cho đến nay việc điều trị vẫn chỉ dừng lại ở mức kiểm soát tiến triển bệnh bằng cách tiêu diệt phần nào số lượng các tế bào ung thư máu và cải thiện triệu chứng, ngăn ngừa biến chứng, kéo dài tuổi thọ.

Cụ thể một số phương pháp điều trị ung thư máu phổ biến hiện nay bao gồm:

Hóa - Xạ trị liệu

  • Xạ trị: Phương pháp này sử dụng nguồn tia bức xạ năng lượng cao để tiêu diệt các tế bào ung thư máu bất thường, phá hủy ADN và không cho chúng nhân lên ngày càng nhiều. Đối với những trường hợp nghiêm trọng, xạ trị cần phải kết hợp với một số biện pháp khác đạt hiệu quả điều trị tốt hơn.
  • Hóa trị: Hóa trị liệu là phương pháp sử dụng thuốc hóa chất truyền vào cơ thể nhằm tiêu diệt hoặc làm chậm tiến trình phát triển của các tế bào ung thư. Tùy từng trường hợp bệnh cụ thể, bác sĩ có thể chỉ định sử dụng một số loại thuốc khác nhau.

Hóa trị điều trị ung thư
Hóa trị và xạ trị là 2 phương pháp giúp tiêu diệt các tế bào ung thư hiệu quả nhưng tiềm ẩn nhiều tác dụng phụ

Đây là 2 phương pháp điều trị ung thư cơ bản nhằm kiểm soát bệnh ung thư máu. Tuy đem lại hiệu quả khả quan nhưng chúng có thể phát triển kèm theo một số tác dụng phụ khó lường chẳng hạn như:

  • Giảm bạch cầu và bạch cầu trung tính;
  • Sưng hạch bạch huyết;
  • Rụng tóc;
  • Buồn nôn, ói mửa;
  • Hình thành cục máu đông;
  • Các triệu chứng về hội chứng ly giải khối u như mệt mỏi, suy nhược, buồn nôn, khó chịu...;

Do đó, hãy thông báo cho bác sĩ khi gặp các tác dụng phụ này sau khi thực hiện xạ trị và hóa trị để kịp thời xử lý.

Các liệu pháp trị liệu

  • Liệu pháp miễn dịch: Phương pháp này sử dụng các loại thuốc giúp cơ thể tạo ra nhiều tế bào miễn dịch, tăng cường khả năng của hệ miễn dịch phát hiện ra các tế bào ung thư và tìm đến tiêu diệt chúng.
  • Liệu pháp nhắm trúng mục tiêu: Phương pháp này nhắm vào những thay đổi bất thường hoặc đột biến gen biến các tế bào khỏe mạnh trở thành bất thường.
  • Liệu pháp tế bào T CAR: Sử dụng chính các tế bào bạch cầu lympho T để làm phương pháp điều trị ung thư máu. Chủ yếu là bệnh bạch cầu lymphoblastic cấp tính tế bào B, đa u tủy và một số dạng u lympho hạch không Hodgkin.

Liệu pháp miễn dịch
Các liệu pháp như miễn dịch hoặc nhắm mục tiêu cũng góp phần loại bỏ tế bào ung thư và hạn chế gây ảnh hưởng đến các tế bào khỏe mạnh

Đối với những liệu pháp điều trị ung thư máu vừa kể trên, ngoài hiệu quả thì tác dụng phụ xảy ra là điều khó tránh khỏi. Tùy từng liệu pháp cụ thể mà các tác dụng phụ có thể xảy ra như:

  • Tác dụng phụ liệu pháp miễn dịch: phát ban da, tiêu chảy, mệt mỏi và giảm chức năng hoạt động tuyến giáp;
  • Tác dụng phụ liệu pháp nhắm mục tiêu: tiêu chảy, phát ban, tăng men gan, nguy hiểm hơn là các vấn đề sức khỏe tim mạch và đột quỵ;

Cấy ghép tế bào gốc

Phương pháp cấy ghép tế bào gốc thường được chỉ định áp dụng sau khi hóa trị và xạ trị. Những tế bào gốc đặc hiệu sẽ được cấy vào cơ thể người bệnh thông qua tiêm vào một tĩnh mạch lớn. Phương pháp điều trị này khá hiệu quả, ước tính có khoảng 50% trường hợp khỏe lên rõ rệt sau và cải thiện chất lượng cuộc sống sau khi áp dụng.

Cấy ghép tế bào gốc tạo máu
Cấy ghép tế bào gốc hay cấy ghép tủy xương là phẫu thuật điều trị ung thư máu hiệu quả nhưng rất nguy hiểm

Có 2 phương pháp cấy ghép tế bào gốc gồm:

  • Cấy ghép tế bào gốc tự thân: Nhân viên y tế sẽ tiến hành thu thập và lưu trữ các tế bào gốc từ tủy xương và bảo quản kỹ lưỡng trước khi tiến hành hóa trị. Sau khi kết thúc hóa trị, bệnh nhân sẽ được cấy ghép chính các tế bào gốc của bản thân vào trong tủy xương để phục hồi chức năng sản xuất tế bào máu khỏe mạnh.
  • Cấy ghép tế bào gốc dị loại: Hay còn được gọi là phẫu thuật cấy ghép tủy xương, được thực hiện bằng cách thay thế tủy xương tổn thương chứa tế bào ung thư ác tính bằng tủy xương khỏe mạnh. Tủy xương phù hợp là khi tương thích với cơ thể người bệnh, khỏe mạnh và không có dấu hiệu bài xích đào thải sau cấy ghép.

Chế độ ăn uống cho bệnh nhân ung thư máu

Ngoài các biện pháp điều trị y tế, bệnh nhân ung thư máu cũng cần có một chế độ ăn uống khoa học, phù hợp với từng giai đoạn bệnh để đảm bảo cơ thể có đầy đủ các chất dinh dưỡng, khỏe mạnh và duy trì hoạt động hàng ngày.

Chế độ dinh dưỡng cho bệnh nhân ung thư máu
Bệnh nhân ung thư máu cần tuân thủ hướng dẫn về chế độ ăn uống phù hợp với từng giai đoạn điều trị để ổn định sức khỏe

Gợi ý một số chế độ ăn cơ bản cho bệnh nhân ung thư máu, bao gồm:

  • Giai đoạn hóa trị:
    • Trước khi truyền hóa chất: Đảm bảo bổ sung đầy đủ các chất dinh dưỡng cần thiết cho sức khỏe, trong đó có năng lượng và protein giúp hỗ trợ quá trình điều trị đạt kết quả cao.
    • Trrong khi truyền hóa chất: Vẫn đảm bảo chế độ ăn đủ chất, nhưng ưu tiên chế độ ăn mềm, lỏng để dễ tiêu hóa, chia nhỏ các bữa ăn chính thành nhiều bữa phụ trong ngày. Đồng thời, chú ý vệ sinh răng miệng sạch sẽ sau khi ăn.
  • Đối với bệnh nhân có biến chứng suy thận: Đảm bảo bổ sung thực đơn ăn uống giàu năng lượng, đầy đủ vitamin, khoáng chất, vi lượng và các chất điện giải. Tăng cường bổ sung các loại thực phẩm lành mạnh, chứa nguồn giá trị sinh học cao (có trong thịt, cá, trứng, sữa), rau quả chứa nhiều kali, ít protein (mướp, bầu, bí), trái cây chín (ổi, mận, quýt, cam, dứa)...
  • Đối với bệnh nhân bị giảm bạch cầu: Nguyên tắc ăn uống chính trong giai đoạn này là sử dụng thực phẩm sạch, không chứa vi khuẩn, virus hay nấm, ký sinh trùng. Bởi giảm bạch cầu có thể làm tăng nguy cơ nhiễm trùng. Chẳng hạn như tránh các loại rau sống, củ quả, trái cây chưa tiệt trùng, chưa gọt vỏ, dập nát hoặc sấy khô...

Phòng ngừa

Không giống như những căn bệnh khác, ung thư máu nói riêng và các loại ung thư máu nói chung đều không có biện pháp phòng ngừa đặc hiệu. Vì đột biến gen và di truyền là những yếu tố mà y học gần như không thể can thiệp sâu để làm thay đổi hướng phát triển của bệnh.

Tuy nhiên, trong một số trường hợp mỗi chúng ta có thể giảm nguy cơ mắc bệnh bằng các biện pháp sau:

  • Tránh tiếp xúc với nguồn tia bức xạ mạnh hay hóa chất độc hại.
  • Tăng cường miễn dịch, giữ vệ sinh sạch sẽ, ăn chín uống sôi giúp giảm khả năng miễn dịch do nhiễm trùng.
  • Định kỳ thăm khám sức khỏe và tầm soát ung thư sớm, nhất là ở những đối tượng có tiền sử gia đình mắc bệnh ung thư máu.

Những câu hỏi quan trọng khi đi khám

1. Nguyên nhân tại sao tôi mắc bệnh ung thư máu?

2. Tại sao bệnh ung thư máu có thể gây ra nhiều dấu hiệu như vậy?

3. Tôi cần làm những xét nghiệm gì để chẩn đoán ung thư máu?

4. Bệnh ung thư máu có nguy hiểm không?

5. Tôi bị ung thư máu có thể sống được bao lâu?

6. Bệnh ung thư máu có chữa khỏi được không?

7. Phác đồ điều trị ung thư máu tốt nhất dành cho trường hợp của tôi?

8. Tôi nên điều trị ung thư máu theo chu kỳ từng đợt hay điều trị liên tục?

9. Quá trình điều trị ung thư máu thường mất bao lâu sẽ được cải thiện?

10. Tôi có thể di truyền bệnh ung thư máu cho con cái hay không?

Ung thư máu là căn bệnh ác tính nguy hiểm và cần được chăm sóc điều trị kịp thời. Tùy theo dạng và mức độ ung thư mà bác sĩ sẽ xây dựng phác đồ điều trị phù hợp. Bệnh nhân chỉ cần phối hợp tuân thủ và tích cực thực hiện các biện pháp điều trị chắc chắn sẽ giúp cải thiện bệnh đáng kể. Nếu có bất kỳ thắc mắc nào về bệnh, hãy trao đổi trực tiếp với bác sĩ để được giải đáp chi tiết.

Xem thêm: Cách Chưng Yến Cho Bệnh Nhân Ung Thư Ngon, Ngọt Nhất

Chia sẻ:
Bệnh Hồng Cầu Hình Liềm
Hồng cầu hình liềm là bệnh thiếu máu di truyền từ bố và mẹ cùng mắc bệnh. Gen bệnh truyền cho thế hệ sau và thường gặp ở trẻ em…
Thiếu máu do thiếu sắt
Thiếu máu do thiếu sắt là một dạng thiếu máu…
Xuất Huyết Giảm Tiểu Cầu
Xuất huyết giảm tiểu cầu ảnh hưởng đến cả trẻ…
Thiếu men G6PD
Thiếu men G6PD là một dạng rối loạn di truyền…
Bệnh Máu Khó Đông (Hemophilia)

Máu khó đông là một dạng rối loạn chảy máu di truyền kèm theo các bất thường về chức năng…

Bệnh Von Willebrand

Bệnh von Willbrand là một chứng rối loạn chảy máu di truyền không quá phổ biến. Bệnh nhân mắc căn…

Hội chứng đổ mồ hôi máu

Hội chứng đổ mồ hôi máu xảy ra khi một hoặc nhiều vùng da khỏe mạnh bình thường đổ mồ…

Bệnh Cường Lách

Cường lách là bệnh lý đặc trưng bởi tình trạng lách to và thiếu máu. Có rất nhiều nguyên nhân…

Giải đáp thắc mắc của độc giả cùng chuyên gia của chúng tôi!

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

[ads_sidebar]
Xem nhiều

Đặt câu hỏi

Chia sẻ
Bỏ qua