Xơ Gan Cổ Trướng Là Gì? Triệu Chứng và Cách Điều Trị
Bệnh xơ gan cổ trướng là một giai đoạn tiến triển nặng của xơ gan, xảy ra khi lượng dịch tích tụ bất thường trong khoang bụng và gây phình to. Tình trạng này không chỉ gây khó chịu và đau đớn cho người bệnh mà còn có thể dẫn đến các biến chứng nghiêm trọng cần được chăm sóc y tế kịp thời.
Bệnh xơ gan cổ trướng là gì?
Bệnh xơ gan cổ trướng là một biến chứng nghiêm trọng của xơ gan. Bệnh được chẩn đoán khi có tình trạng xơ hóa nặng trong gan kèm theo nhiều dịch tích tụ bất thường trong ổ bụng, gây cảm giác căng trướng và khó chịu.
Ở những đối tượng khỏe mạnh, khoang màng bụng là một khoang ảo nằm giữa lá thành và lá tạng. Khu vực này rỗng và không chứa nước, nếu có thì cũng chỉ là một ít dịch nhầy bôi trơn với số lượng không đáng kể. Tuy nhiên, ở người bị xơ gan cổ trướng, vùng khoang bụng lại xuất hiện nhiều dịch bất thường, được gọi là cổ trướng hay tràn dịch màng bụng. Chất dịch có màu vàng nhạt với thành phần chủ yếu là protein dạng albumin.
Sự xuất hiện của triệu chứng xơ gan cổ trướng chứng tỏ bệnh xơ gan đã bước vào giai đoạn tiến triển nặng. Người bệnh có nguy cơ gặp phải nhiều biến chứng nguy hiểm, nhất là ung thư gan.
Xem thêm: Các giai đoạn của bệnh xơ gan và cách nhận biết
Nguyên nhân gây xơ gan cổ trướng
Các nguyên nhân gây bệnh xơ gan cổ trướng khá đa dạng. Bệnh có thể phát triển vì những lý do sau:
- Viêm gan virus mãn tính: Bệnh xơ gan cổ trướng có thể khởi phát ở các đối tượng bị bệnh viêm gan B, viêm gan C kéo dài. Tổn thương do virus gây ra cho gan có thể bị xơ hóa và phát triển thành sẹo.
- Nhiễm trùng máu: Vi khuẩn xâm nhập vào trong máu không chỉ gây suy giảm hệ miễn dịch mà còn có thể di chuyển đến gan. Chúng khiến gan bị tổn thương, suy giảm chức năng hoạt động. Nếu để tình trạng này kéo dài có thể tiến triển thành xơ gan cổ trướng.
- Nhiễm hóa chất: Các loại hóa chất độc hại, chẳng hạn như thạch tín hay asen khi xâm nhập vào cơ thể sẽ làm tăng gánh nặng đào thải cho gan khiến gan hoạt động quá tải và bị tổn thương. Chúng có thể gây ra các bệnh về gan tiến triển, bao gồm cả xơ gan cổ trướng.
- Lạm dụng thức uống có cồn: Thói quen uống nhiều bia rượu hay các loại đồ uống có cồn đều gây tổn thương và làm giảm chức năng hoạt động của gan. Tình trạng này kéo dài có thể gây ra nhiều bệnh lý như xơ gan cổ trướng, viêm gan hay thậm chí là ung thư gan.
- Chế độ dinh dưỡng không hợp lý: Ăn uống thiếu hụt dưỡng chất khiến cho gan không được nuôi dưỡng tốt, từ đó dẫn đến nguy cơ cao mắc bệnh.
- Rối loạn tuần hoàn máu, thiếu máu: Khả năng tuần hoàn máu đến gan kém hoặc bị thiếu máu đều có thể tạo mầm mống cho bệnh xơ gan phát triển sang giai đoạn cổ trướng.
- Sử dụng thuốc tây bừa bãi: Một số loại thuốc tây khi lạm dụng bừa bãi hoặc sử dụng trong thời gian dài có thể gây tổn thương gan, xơ gan và tích tụ dịch trong khoang bụng.
- Rối loạn hệ miễn dịch: Ở một số bệnh nhân, hệ miễn dịch phản ứng quá mẫn và sản sinh ra nhiều kháng thể tấn công vào các mô khỏe mạnh trong gan, từ đó dẫn đến bệnh xơ gan cổ trướng.
Tham khảo thêm: Xơ Gan Do Rượu – Dấu Hiệu và Cách Điều Trị
Triệu chứng bệnh xơ gan cổ trướng
Bên cạnh các triệu chứng thông thường như vàng da, mệt mỏi, ngứa da, người bị xơ gan cổ trướng còn có thể xuất hiện các dấu hiệu khác như:
- Cảm giác căng trướng và đau ở bụng do tích tụ dịch.
- Tăng cân khi dịch tích tụ nhiều
- Bụng phình to khiến quần áo chật hơn.
- Khó thở hoặc cảm giác khó chịu khi nằm xuống do dịch gây áp lực lên phổi và cơ hoành.
- Sưng phù ở chân và mắt cá chân do rối loạn cân bằng dịch.
- Cảm giác no bất thường hoặc ăn không ngon miệng.
Mức độ nghiêm trọng và tần suất xuất hiện các triệu chứng có thể khác nhau ở mỗi bệnh nhân. Điều này còn tùy thuộc vào tình trạng bệnh của từng cá nhân.
Bệnh xơ gan cổ trướng có nguy hiểm không?
Xơ gan cổ trướng là một giai đoạn nặng của bệnh xơ gan. Do chức năng hoạt động của gan không còn được duy trì khiến cho người bệnh bị suy giảm sức khỏe nghiêm trọng, kèm theo đó là tình trạng giảm cân, vàng da, vàng mắt, rối loạn tiêu hóa.
Ngoài ra, bệnh xơ gan cổ trướng khi tiến triển nặng hơn còn mang lại nhiều biến chứng nguy hiểm cho người bệnh như:
- Bệnh não gan, nhiễm độc não
- Hội chứng gan thận
- Viêm phúc mạc
- Vỡ tĩnh mạch thực quản
- Ung thư gan.
Xem thêm: 10 Biến Chứng Xơ Gan Theo Mức Độ Nguy Hiểm
Xơ gan cổ trướng có chữa khỏi được không?
Xơ gan cổ trướng không thể chữa khỏi hoàn toàn. Tuy nhiên, các triệu chứng và biến chứng bệnh có thể được kiểm soát thông qua điều trị, bao gồm điều chỉnh lối sống, sử dụng thuốc, thực hiện các thủ thuật y tế hoặc phẫu thuật.
Người bệnh cũng không nên quá bi quan. Việc tái khám thường xuyên, tuân thủ theo đúng phác đồ điều trị của bác sĩ và duy trì một lối sống lành mạnh, lạc quan có thể chung sống với bệnh lâu dài.
Chẩn đoán xơ gan cổ trướng
Tại phòng khám chuyên khoa, bác sĩ có thể áp dụng nhiều kỹ thuật để chẩn đoán bệnh xơ gan cổ trướng như:
– Thăm khám lâm sàng:
- Trao đổi về tiền sử bệnh
- Các triệu chứng đang gặp phải
- Kiểm tra ngoài da hay bụng để tìm kiếm các dấu hiệu liên quan như vàng da, chướng bụng…
– Xét nghiệm máu:
- Đánh giá các chỉ số ALT, AST, GGT
- Kiểm tra số lượng hồng cầu, tiểu cầu
- Xem xét các yếu tố khác như IgG, IgM, Prothrombin, Albumin…
– Sinh thiết gan:
Kỹ thuật này được thực hiện nhằm tầm soát, phát hiện sớm ung thư gan
– Chụp cắt lớp CT:
- Đánh giá mức độ xơ hóa và các bất thường trong cấu trúc gan
- Sự xuất hiện của khối u có thể bước đầu chẩn đoán được bệnh ung thư gan.
Ngoài mục đích chẩn đoán và đánh giá mức độ nghiêm trọng của xơ gan cổ trướng, các phương pháp trên còn cho phép bác sĩ tìm ra được nguyên nhân gây bệnh để có hướng điều trị cho phù hợp.
Xem chi tiết: Chẩn Đoán Xơ Gan – Tiêu Chuẩn và Các Xét Nghiệm Cần
Cách điều trị xơ gan cổ trướng
Nhiều phương pháp khác nhau có thể được lựa chọn để điều trị xơ gan cổ trướng, tùy theo mức độ bệnh và thể trạng của từng cá nhân. Bao gồm:
- Sử dụng thuốc lợi tiểu giảm tích tụ dịch trong ổ bụng, cải thiện tình trạng chướng bụng, phù chân.
- Chọc hút dịch ổ trướng
- Ghép gan
Ở giai đoạn đầu của gan cổ trướng, phương pháp chọc hút dịch thường được chỉ định. Mặc dù có thể giúp tạm thời loại bỏ hết dịch trong ổ bụng nhưng quá trình hút dịch cũng có thể đem lại một số rủi ro như vỡ ổ dịch hoặc nhiễm trùng khiến tính mạng của người bệnh bị đe dọa.
Ghép gan là phương pháp sau cùng được lựa chọn cho người bị xơ gan cổ trướng nặng, gan bị xơ hóa hoàn toàn. Tuy nhiên, rất ít bệnh nhân được cấy ghép gan do nguồn hiến tặng khan hiếm, gánh nặng chi phí cao và tính khả thi kém. Hiện tượng thải ghép có thể xảy ra do cơ thể không tiếp nhận gan mới và sau khi ghép gan, người bệnh cũng phải duy trì dùng thuốc chống thải ghép suốt đời.
Với sự phát triển của nền y học hiện đại, phương pháp hấp thu dịch ra đời đã hạn chế được mức độ xâm lấn tới các mô khỏe mạnh trong ổ bụng, giảm nguy cơ gặp biến chứng và tiết kiệm nhiều chi phí cho người bệnh. Bên cạnh đó, các bài thuốc thảo dược cũng được nhiều người lựa chọn để khắc phục bệnh.
Mỗi bệnh nhân bị xơ gan cổ trướng sẽ được điều trị bằng một phác đồ riêng. Người bệnh không nên tự ý áp dụng bất kì phương pháp nào khi chưa qua thăm khám và được sự chỉ định, hướng dẫn của bác sĩ.
Tìm hiểu thêm: Phác Đồ Điều Trị Xơ Gan Hiệu Quả (Tham Khảo BYT, Chợ Rẫy)
Chế độ ăn uống, sinh hoạt cho người bị xơ gan cổ trướng
Cùng với việc tuân thủ tuyệt đối theo phác đồ điều trị của bác sĩ, người bị xơ gan cổ trướng cần chú trọng duy trì một chế độ ăn uống lành mạnh, có chế độ ăn uống, sinh hoạt phù hợp để nâng cao sức khỏe và hỗ trợ tốt nhất cho quá trình điều trị bệnh. Trong đời sống hàng ngày cần lưu ý:
- Nghỉ ngơi nhiều, tránh lao động nặng nhọc
- Kiêng sử dụng các chất kích thích như rượu bia, cà phê, nước ngọt có gas, thuốc lá…
- Hạn chế ăn thịt mỡ, thịt đỏ, muối, các món chiên xào, thức ăn nhanh hay đồ hộp
- Uống đủ nước theo đúng khuyến cáo của bác sĩ
- Tăng cường bổ sung chất xơ từ rau xanh và trái cây trong chế độ ăn để hỗ trợ tiêu hóa, thải độc và nâng cao sức đề kháng cho cơ thể.
Ngoài ra, người bệnh xơ gan cổ trướng cũng cần lưu ý tập thể dục, vận động nhẹ nhàng mỗi ngày để rèn luyện thể chất, tăng cường lưu thông máu đến gan và nâng cao sức đề kháng cho cơ thể, đồng thời ức chế sự tiến triển của bệnh.
Có thể bạn quan tâm
- 10 Cây Thuốc Nam Trị Bệnh Xơ Gan Cổ Trướng Tốt Nhất
- Xơ Gan Nên Ăn Hoa Quả Gì? 10 Loại Tốt Nhất
Giải đáp thắc mắc của độc giả cùng chuyên gia của chúng tôi!