Các Biến Chứng Xơ Gan Theo Mức Độ Nguy Hiểm

Bác sĩ phụ trách

Bác sĩ Nguyễn Thị Nhuần

Phó Giám đốc Chuyên môn

Các biến chứng xơ gan thường gặp nhất là tình trạng tăng áp tĩnh mạch cửa, xuất huyết tiêu hóa hoặc nghiêm trọng hơn là suy thận, bệnh não gan, ung thư gan. Nguy cơ phát sinh biến chứng cao hơn ở những bệnh nhân bị nặng, chức năng hoạt động của gan không có khả năng phục hồi.

10 Biến chứng xơ gan thường gặp

Bệnh xơ gan được chẩn đoán khi xuất hiện các tế bào xơ hóa hoặc sẹo trong gan. Thông thường, phần gan bị xơ sẹo rất khó phục hồi lại bình thường và nếu không được điều trị tốt, bệnh có khuynh hướng ngày càng phát triển nặng hơn gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm.

biến chứng xơ gan
Bệnh xơ gan có thể gây nhiều biến chứng nguy hiểm

Một số biến chứng chỉ ảnh hưởng đến gan nhưng có những biến chứng lại tác động đến toàn thân và đe dọa trực tiếp đến tính mạng của người bệnh.

Dưới đây là các biến chứng được ghi nhận ở những bệnh nhân mắc xơ gan:

1. Nhiễm trùng do xơ gan

Bệnh nhân bị xơ gan rất dễ bị nhiễm trùng. Nguyên nhân là do tình trạng xơ hóa trong gan khiến cho khả năng thải độc và chuyển hóa chất dinh dưỡng của gan bị ảnh hưởng, từ đó gây suy giảm miễn dịch và tạo điều kiện thuận lợi để vi khuẩn, virus tấn công vào cơ thể gây nhiễm trùng.

Bất kỳ cơ quan nào cũng có thể bị nhiễm trùng. Trong đó, biến chứng xơ gan liên quan đến nhiễm trùng thường gặp nhất là viêm phúc mạc. Bệnh xảy ra khi vi khuẩn tấn công vào lớp màng mỏng trải bên trong thành bụng có nhiệm vụ bao phủ, bảo vệ các cơ quan trong bụng. 

Khi bị viêm phúc mạc, người bệnh có thể nhận thấy các dấu hiệu như:

  • Sốt
  • Đau bụng, chướng bụng
  • Buồn nôn hoặc ói mửa
  • Chán ăn
  • Tiêu lỏng nhiều lần trong ngày
  • Số lượng nước tiểu giảm
  • Hay khát nước
  • Bí trung – đại tiện

Ngoài biến chứng viêm phúc mạc, tình trạng nhiễm trùng máu hoặc viêm phổi cũng thường xảy ra ở bệnh nhân bị xơ gan. Vì vậy, người bệnh nên chủ động thực hiện tốt các biện pháp bảo vệ bản thân để hạn chế tối đa nguy cơ bị nhiễm virus, vi khuẩn.

2. Tăng áp tĩnh mạch cửa

Biến chứng này thường gặp ở những bệnh nhân có quá nhiều mô sẹo trong gan gây tắc nghẽn dòng chảy của máu khi đi qua khu vực bị bệnh. Điều này khiến tim phải tạo ra áp lực mạnh hơn khi cố gắng đẩy máu lưu thông, từ đó mới dẫn đến tình trạng tăng áp tĩnh mạch cửa. 

Các dấu hiệu nhận biết biến chứng tăng áp tĩnh mạch cửa:

  • Cường lách
  • Da niêm
  • Bụng căng
  • Báng bụng
  • Giãn tĩnh mạch thành bụng…

Bệnh nhân xơ gan bị tăng áp tĩnh mạch cửa thường được điều trị bằng thuốc chẹn beta giao cảm. Loại thuốc này có tác dụng làm giảm huyết áp trong hệ thống các mao mạch dẫn máu đến gan, giúp giảm nguy cơ bị vỡ mao mạch và nhiều biến chứng nguy hiểm phát sinh.

Xem chi tiết: Tăng Áp Lực Tĩnh Mạch Cửa Trong Xơ Gan Là Gì?

3. Xuất huyết tiêu hóa – Biến chứng thường gặp của bệnh xơ gan 

Tình trạng tăng áp tĩnh mạch cửa kéo dài kết hợp với hiện tượng tắc nghẽn máu có thể khiến các mao mạch ở khu vực lân cận, nhất là vùng thực quản và dạ dày ngày càng giãn nở to. Đến một lúc nào đó, khi lưu lượng máu tăng lên vượt quá ngưỡng chịu đựng của mạch máu khiến chúng bị vỡ ra, từ đó dẫn đến xuất huyết tiêu hóa.

Xuất huyết tiêu hóa - Biến chứng xơ gan thường gặp
Xuất huyết tiêu hóa là một biến chứng phổ biến nhất của bệnh xơ gan

Triệu chứng nhận biết xuất huyết tiêu hóa:

  • Nôn ói ra máu. Máu hơi đỏ hoặc sẫm màu, thường lẫn với thức ăn hoặc dịch vị.
  • Đi ngoài phân đen, mùi thối khắm. Phân nát lỏng tương tự như bã cà phê
  • Vã mồ hôi
  • Tay chân lạnh
  • Tụt huyết áp
  • Mạch nhỏ, đập nhanh
  • Hơi thở nông
  • Đi tiểu ít
  • Niêm mạc nhợt nhạt
  • Ngất xỉu

Đặc biệt, một số trường hợp có thể bị xuất huyết tiêu hóa kéo dài hoặc chảy máu ồ ạt do gan không còn khả năng tổng hợp các yếu tố làm đông máu. Trường hợp này, người bệnh cần được cấp cứu y tế để cầm máu hoặc truyền máu bổ sung lượng đã mất.

Xem thêm: Xuất huyết tiêu hóa trên – Cách nhận biết và điều trị

4. Phì đại lách

Phì đại lách còn được gọi là lách to hay cường lách. Biến chứng này cũng phát sinh do ảnh hưởng của hiện tượng tăng áp tĩnh mạch cửa. Lá lách sưng to kéo theo sự sụt giảm đáng kể của số lượng tiểu cầu và bạch cầu. 

Người bị phì đại lách còn có các triệu chứng sau:

  • Dễ bị chảy máu do giảm tiểu cầu
  • Thiếu máu
  • Cơ thể mệt mỏi
  • Nhiễm trùng thường xuyên do giảm bạch cầu
  • Dạ dày bị chèn ép dẫn đến hiện tượng ăn uống lâu tiêu, có cảm giác nhanh no hoặc no lâu dù chỉ ăn một lượng thức ăn nhỏ
  • Đau hoặc chướng đầy ở vùng bụng phía trên bên trái. Cảm giác này có thể lan tới vai trái.

Bệnh nhân bị phì đại lách thường được chỉ định làm phẫu thuật nội soi cắt bỏ lá lách. Tuy nhiên, sau khi bộ phận này bị cắt bỏ, cơ thể rất dễ bị nhiễm trùng. Người bệnh sẽ được chỉ định một số loại thuốc hoặc tiêm vắc xin cần thiết để bảo vệ cơ thể khỏi bị nhiễm virus, vi khuẩn.

5. Phù chân, cổ trướng

Phù chân, cổ trướng là biến chứng cho thấy bệnh xơ gan đã bước vào giai đoạn nặng. Hiện tượng tăng áp lực tĩnh mạch cửa khiến cho chất lỏng không được đào thải hết mà tích tụ nhiều trong cơ thể dẫn đến phù chân.

biến chứng của bệnh xơ gan
Bệnh xơ gan có thể gây biến chứng phù chân khi bị tích nhiều nước trong cơ thể

Trường hợp bị tràn dịch màng bụng, nước tích tụ nhiều trong khoang bụng dẫn đến hiện tượng cổ trướng. Lúc này, bụng của người bệnh có hiện tượng chướng to giống như quả trống.

Hơn nữa, tình trạng suy giảm chức năng tổng hợp protein trong máu ở gan bị suy giảm cũng góp phần làm gia tăng nguy cơ bị phù chân, cổ trướng.

Khi gặp phải các biến chứng xơ gan này, người bệnh thường được kê đơn thuốc lợi tiểu để tăng cường đào thải lượng nước dư thừa ra khỏi cơ thể thông qua đường tiết niệu. Ngoài ra, một số bệnh nhân còn được chỉ định kháng sinh để dự phòng và điều trị nhiễm khuẩn ở khoang bụng.

Tham khảo thêm: Triệu Chứng Xơ Gan Cổ Trướng Giúp Phát Hiện Sớm Bệnh

 6. Giảm cân, suy dinh dưỡng

Suy dinh dưỡng, giảm nhiều cân trong thời gian ngắn là biến chứng xơ gặp gặp ở rất nhiều bệnh nhân. Do chức năng sản xuất dịch mật bị giảm, khả năng tiêu hóa và hấp thụ chất dinh dưỡng cũng bị ảnh hưởng đáng kể.

Thêm vào đó, khả năng chuyển hóa các chất dinh dưỡng ở gan bị xơ hóa cũng kém hơn rất nhiều so với người khỏe mạnh. Nhiều bệnh nhân còn có cảm giác chán ăn, ăn uống kém. Cơ thể không được nhận đầy đủ các chất dinh dưỡng cần thiết sẽ dẫn đến sụt giảm cân nặng, về mặt lâu dài còn gây suy dinh dưỡng khiến cho sức khỏe bị giảm sút nghiêm trọng.

7. Các vấn đề về xương

Biến chứng do xơ gan gây ra ở xương thường gặp nhất là tình trạng yếu xương hay gãy xương. Nguyên nhân là do gan không thể chuyển hóa, phân bổ được các chất dinh dưỡng cần thiết để đảm bảo cho sự phát triển khỏe mạnh của xương khớp.

So với những biến chứng khác, các tác hại ở xương ít gặp hơn. Tuy nhiên, bệnh nhân bị xơ gan cũng cần thận trọng tăng cường bổ sung các dưỡng chất cần thiết có lợi cho xương khớp trong chế độ ăn hàng ngày, chẳng hạn như canxi, vitamin D để khung xương chắc khỏe hơn.

Ngoài ra, người bệnh cần tránh khiêng vác đồ nặng và duy trì tư thế đúng trong sinh hoạt hàng ngày để giảm thiểu nguy cơ bị gãy xương, chấn thương xương khớp.

8. Biến chứng suy thận do xơ gan

Cùng với gan, thận cũng có vai trò quan trọng trong việc lọc bỏ độc tố và các chất có hại trong máu. Tuy nhiên, khi bị xơ gan mất bù hay xơ gan F4, chức năng thải độc của gan không còn làm gia tăng gánh nặng cho thận. Sau một thời gian dài phải hoạt động với tuần suất mạnh, chức năng của thận cũng bị ảnh hưởng đáng kể và dẫn đến suy thận.

các biến chứng của bệnh xơ gan tại Thận
Suy thận là biến chứng xơ gan rất nhiều bệnh nhân gặp phải

Dấu hiệu nhận biết bệnh suy thận:

  • Buồn nôn hoặc nôn ói
  • Chán ăn
  • Phù chân hay các khu vực khác như tay, mặt và cổ
  • Mất ngủ
  • Tiểu tiện ít
  • Ớn lạnh
  • Ngứa ngoài da kéo dài dai dẳng
  • Đau tức ngực, khó thở do tràn dịch màng tim hoặc màng phổi
  • Tăng huyết áp
  • Đau vùng hông lưng…

Bệnh nhân bị suy thận nặng thường phải tiến hành chạy thận nhân tạo hoặc ghép thận mới để kéo dài thời gian sống.

Tham khảo thêmBệnh suy thận có nguy hiểm không? Chuyên gia nói gì?

9. Bệnh não gan (hôn mê gan)

Một biến chứng xơ gan khác có mức độ nguy hiểm cao là não gan. Do chức năng đào thải độc tố của gan bị mất nên chất độc có thể tích tụ lại và theo đường máu đi lên não. Chúng gây tổn thương cho các tế bào não và dẫn đến bệnh não gan.

Dấu hiệu nhận biết bệnh não gan:

  • Khả năng tập trung kém
  • Suy giảm trí nhớ hoặc mất trí nhớ
  • Lũ lẫn
  • Lơ mơ
  • Ngủ gà
  • Rối loạn ý thức
  • Hôn mê

10. Ung thư gan

Bệnh xơ gan giai đoạn cuối có thể tiến triển thành ung thư gan. Bệnh xảy ra khi các tế bào gan bị xơ hóa trở nên ác tính và hình thành khối u trong gan.

Trong trường hợp bị ung thư gan, thời gian sống còn lại của bệnh nhân khá ngắn, chỉ khoảng 1 – 2 năm. Căn bệnh này không chỉ khiến người bệnh chịu nhiều đau đớn mà còn gây tốn kém chi phí điều trị.

Do vậy, bệnh nhân bị xơ thường được khuyến cáo tới bệnh viện làm xét nghiệm và siêu âm gan định kỳ để phát hiện sớm biến chứng ung thư.

Làm thế nào để ngăn ngừa biến chứng xơ gan?

Để giảm nguy cơ gặp phải các biến chứng xơ gan, người bệnh nên tích cực thực hiện các biện pháp dự phòng dưới đây:

  • Kiên trì điều trị và tuân thủ đúng theo phác đồ của bác sĩ. Quá trình chữa bệnh xơ gan nên được tiến hành càng sớm càng tốt để bảo tồn được chức năng hoạt động của gan, chặn đứng quá trình xơ hóa.
  • Nghỉ ngơi nhiều để cơ thể bớt mệt mỏi, tạo điều kiện cho tổn thương trong gan hồi phục sức khỏe nhanh hơn. Tránh để thần kinh căng thẳng quá mức.
  • Kiêng uống bia rượu và nói không với thuốc lá. Đây là các tác nhân gây hại, có thể khiến bệnh xơ gan phát triển nhanh hơn và làm tăng nguy cơ gặp biến chứng cho người bệnh.
  • Có chế độ dinh dưỡng phù hợp. Ưu tiên ăn nhiều trái cây, rau xanh, các thực phẩm chứa nhiều chất đạm tốt ( đậu nành, thịt nạc, trứng, cá…) giúp bổ sung các dưỡng chất cần thiết để gan được tái tạo, phục hồi tốt. Kiêng đồ cay nóng, hạn chế ăn các món nhiều dầu mỡ, nội tạng động vật, đồ hộp hay các món mặn.

Cùng với việc tuân thủ phác đồ điều trị và có kế hoạch nghỉ ngơi, ăn uống khoa học,  bệnh nhân cũng nên chăm chỉ tập thể dục, rèn luyện thể chất mỗi ngày để nâng cao khả năng miễn dịch. Tất cả đều góp phần đẩy nhanh hiệu quả điều trị bệnh và giảm nguy cơ gặp biến chứng xơ gan.

Có thể bạn quan tâm

Ngày đăng 08:47 - 06/04/2024 - Cập nhật lúc: 13:43 - 14/04/2024
Chia sẻ:
Phác Đồ Điều Trị Xơ Gan Mới (Tham Khảo BYT, Chợ Rẫy)
Phác đồ điều trị xơ gan thường được xây dựng dựa trên nguyên nhân, mức độ bệnh và biến chứng mà người bệnh gặp phải. Với sự tiến bộ của…
Tăng Áp Lực Tĩnh Mạch Cửa Trong Xơ Gan Là Gì?

Tăng áp lực tĩnh mạch cửa trong xơ gan là một biến chứng gặp phổ biến ở bệnh nhân bị…

Xơ Gan Cổ Trướng Là Gì? Triệu Chứng và Cách Điều Trị

Bệnh xơ gan cổ trướng là một giai đoạn tiến triển nặng của xơ gan, xảy ra khi lượng dịch…

Bệnh Xơ Gan Ở Người Cao Tuổi và Thông Tin Cần Biết

Bệnh xơ gan ở người cao tuổi được xem là một vấn đề sức khỏe đáng báo động, ảnh hưởng…

Xơ Gan Tiến Triển: Cách Điều Trị và Thông Tin Cần Biết

Xơ gan tiến triển là giai đoạn xơ gan mất bù xảy ra khi chức năng hoạt động của gan…

TOP 8 Bệnh Viện Chữa Xơ Gan Tốt Nhất Tại TP HCM

Các bệnh viện chữa xơ gan tại TPHCM có chất lượng tốt luôn được nhiều bệnh nhân tìm đến để…

Giải đáp thắc mắc của độc giả cùng chuyên gia của chúng tôi!

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Chia sẻ
Bỏ qua