Bệnh Đục Thủy Tinh Thể

Bác sĩ phụ trách

Bác sĩ Lê Hữu Tuấn

Phó Giám đốc chuyên môn

Đục thủy tinh thể là bệnh lý về mắt phổ biến và là nguyên nhân hàng đầu gây mù lòa. Bệnh có liên quan đến yếu tố tuổi tác, do lão hóa, bẩm sinh hoặc các yếu tố về môi trường, tiền sử bệnh lý. Thủy tinh thể bị đục càng nặng, mức độ suy giảm thị lực càng nghiêm trọng. Phẫu thuật loại bỏ đục thủy tinh thể là phương pháp điều trị được áp dụng chính hiện nay. 

Tổng quan

Thủy tinh thể là ống kính có cấu trúc trong suốt, được cấu tạo từ các protein và nước. Chúng được sắp xếp thành một thấu kính để ánh sáng có thể xuyên qua và hội tụ ở võng mạc. Nhờ đó chúng chúng ta có thể nhìn thấy rõ ràng các vật thể trước mắt dù ở xa hay gần.

Đục thủy tinh thể (Cataract) là một trong những bệnh lý về mắt phổ biến, có nhiều tên gọi khác như cườm hạt, cườm đá hoặc cườm khô ở mắt. Đây là tình trạng thủy tinh thể của mắt bị mờ đục như có một lớp màng chắn hoặc phủ sương phía trước.

Đục thủy tinh thể là tình trạng tổn thương ống kính thủy tinh thể, tạo khối cản trở hội tụ ánh sáng trên võng mạc

Có nhiều yếu tố tác động tiêu cực khiến ống kính thủy tinh thể này bị tổn thương, các protein tập trung lại thành từng cụm lớn gây cản trở đường truyền phản chiếu tia sáng lên võng mạc. Hậu quả lớn nhất của đục thủy tinh thể là suy giảm thị lực, thậm chí mù lòa vĩnh viễn.

Hiện nay, bệnh có tiên lượng khá tốt, phục hồi thị lực trở lại nhờ phương pháp phẫu thuật loại bỏ khối đục thủy tinh thể, kết hợp dùng thuốc hỗ trợ.

Phân loại

Có nhiều loại đục thủy tinh thể khác nhau, được phân loại dựa vào nhiều yếu tố như căn nguyên hoặc tuổi tác. Chẳng hạn như:

Đục thủy tinh thể thường liên quan đến tuổi tác do lão hóa hoặc bẩm sinh ngay khi từ sinh ra

Phân loại dựa theo căn nguyên

  • Đục thủy tinh thể H25: Là thuật ngữ chỉ chứng đục thủy tinh thể ở người già. Bệnh xảy ra do bị ảnh hưởng từ quá trình lão hóa tự nhiên của cơ thể khi đến độ tuổi nhất định. Bệnh sẽ tự động khởi phát dù không có sự xuất hiện của chấn thương, bệnh lý về mắt hoặc các bệnh lý nền khác.
  • Đục thủy tinh thể bẩm sinh: Là tình trạng đục thủy tinh thể xảy ra ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ, được hình thành và biểu hiện ngay sau khi trẻ chào đời. Thể bệnh này có liên quan đến yếu tố di truyền, bố mẹ truyền gen bệnh cho con cái hoặc ảnh hưởng từ tai biến nhiễm trùng thai kỳ, dị tật bẩm sinh, phụ nữ mang thai có sức khỏe kém, tụt đường huyết, sinh non < 37 tuần, té ngã, chấn thương...
  • Đục thủy tinh thể do chấn thương: Các chấn thương, va chạm mạnh trực tiếp hoặc gián tiếp đến mắt có thể gây đục thủy tinh thể. Các chuyên gia đánh giá thể bệnh này thường phức tạp và khó điều trị hơn những thể khác, do kèm theo các tổn thương cấu trúc xung thủy tinh thể.
  • Đục thủy tinh thể thứ phát: Là hiện tượng lớp bao thủy tinh thể bị mờ đục, thường là do biến chứng sau phẫu thuật đục thủy tinh thể. Có khoảng 50% trường hợp hậu phẫu đục thủy tinh thể trong vòng 5 năm sẽ khởi phát thể bệnh này.

Phân loại dựa theo vị trí, hình thái cấu trúc

Ống kính thủy tinh thể được cấu tạo từ nhiều lớp, dựa vào các lớp này để tiến hành phân loại các dạng đục thủy tinh thể riêng biệt. Bao gồm:

  • Đục thủy tinh thể trung tâm (Nuclear Sclerotic Cataracts - NSC): Hạt nhân là lớp lõi nằm ở vị trí trung tâm của ống kính thủy tinh thể. Thể bệnh này thường liên quan đến tuổi tác và cơ chế lão hóa tự nhiên của cơ thể. Đặc trưng với các khối mờ và gây cứng nhân, suy giảm thị lực theo thời gian.
  • Đục thủy tinh ở lớp vỏ (Cortical Cataracts - CC): Vỏ não là lớp bao quanh nhân thủy tinh thể. Biểu hiện đặc trưng là lớp mờ đục màu trắng ở lớp vỏ, hướng về phía trước và trung tâm của khối thủy tinh thể. Tiểu đường là nguyên nhân hàng đầu gây ra thể bệnh này.
  • Đục thủy tinh thể dưới lớp bao sau (Posterior Subcapsular Cataracts - PSCs): Tổn thương đục thủy tinh thể này xảy ra ở phía sau khối thủy tinh thể và thường chỉ ảnh hưởng đến một bên mắt. Bệnh nhân thường nhạy cảm với ánh sáng, dần suy giảm thị lực theo thời gian. Nguy cơ phát triển bệnh cao ở những bệnh nhân có tiền sử tiểu đường hoặc trị bệnh bằng steroid trong thời gian dài.

Phân loại dựa theo tiến triển bệnh

Đục thủy tinh thể tiến triển qua 3 giai đoạn chính gồm:

  • Giai đoạn khởi đầu: Trong giai đoạn khởi phát, mức độ đục thủy tinh thể chỉ ở mức nhẹ và vẫn còn thị lực tương đối tốt. Tuy nhiên, nếu muốn nhìn xa hoặc gần một cách linh hoạt sẽ khó hơn bình thường, nhãn cầu có xu hướng nhạy cảm hơn khi nhìn ánh sáng đèn led, đèn pha.
  • Giai đoạn tiến triển: Giai đoạn tiến triển thường kéo dài trong vòng vài tháng hoặc vài năm. Đặc trưng các tổn thương bao gồm biến đổi protein, mờ thủy tinh thể, đục vùng trung tâm, nhân thủy tinh thể chuyển sang màu vàng hoặc trắng gây cản trở hội tụ ánh sáng trên võng mạc.
  • Giai đoạn hoàn toàn: Lúc này, vùng thủy tinh thể đã bị mờ đục hoàn toàn và dần lan rộng gây suy giảm thị lực trầm trọng. Đục thủy tinh thể giai đoan này nếu không được điều trị kịp thời sẽ làm tăng nhãn áp và gây mù lòa vĩnh viễn.

Nguyên nhân và yếu tố nguy cơ

Bản chất của đục thủy tinh thể chính là sự phân hủy của các protein, khiến chúng co cụm lại với nhau gây cản trở quá trình hội tụ ánh sáng trên võng mạc. Khối u này ngày càng phát triển và tạo thành một mảng đục lớn trên đục thủy tinh thể của bạn.

Tiếp xúc trực tiếp với tia UV, tia bức xạ, hóa chất, khói thuốc lá... là những yếu tố làm tăng nguy cơ gây đục thủy tinh thể

Có rất nhiều yếu tố nguy cơ làm khởi phát hoặc thúc đẩy sự phát triển đục thủy tinh thể sớm hơn như:

Các yếu tố về môi trường

Một số yếu tố môi trường dưới đây có khả năng kích thích nhãn cầu, tăng sinh số lượng gốc tự do trong cơ thể và gây tổn thương thủy tinh thể, dẫn đến đục thủy tinh thể:

  • Thường xuyên tiếp xúc với tia bức xạ trong điều trị ung thư hoặc chụp X quang;
  • Tiếp xúc với ánh sáng hoặc tia cực tím trong ánh nắng mặt trời;
  • Tiếp xúc với các loại hóa chất công nghiệp như chất tẩy rửa, thuốc trừ sâu...;
  • Lạm dụng các chất kích thích như rượu bia, thuốc lá;
  • Ô nhiễm không khí;

Các yếu tố về biến chứng y tế hoặc bệnh lý

Có thể kể đến một số yếu tố rủi ro gây đục thủy tinh thể như:

  • Các bệnh lý về mắt như viêm võng mạc sắc tố, viêm màng bồ đào...;
  • Tai biến hậu phẫu mắt gây tăng nhãn áp;
  • Tiền sử mắc bệnh tiểu đường hoặc chứng tăng đường huyết;
  • Tiền sử cao huyết áp;
  • Thừa cân béo phì;
  • Dùng thuốc Corticosteroid lâu ngày để điều trị bệnh viêm khớp dạng thấp;

Yếu tố di truyền

Ngoài các yếu tố trên, tiền sử di truyền từ gia đình cũng là một trong những yếu tố hàng đầu làm tăng nguy cơ gây đục thủy tinh thể bẩm sinh.

Triệu chứng và chẩn đoán

Triệu chứng

Tổn thương đục thủy tinh thể có thể khởi phát ở 1 hoặc cả 2 bên mắt. Bệnh nhân thường không có cảm giác đau nhức cũng như không thay đổi cấu trúc mắt. Thay vào đó là các dấu hiệu đặc trưng như:

Đục thủy tinh thể khiến mắt mờ như có lớp màng đục chắn trước mắt và đặc biệt nhạy cảm với ánh sáng

  • Mờ mắt;
  • Khó nhìn rõ vào bàn đêm;
  • Nhìn đôi (chứng song thị);
  • Nhạy cảm với ánh sáng, đặc biệt là ánh sáng chói chiếu thẳng vào mắt;
  • Thay đổi cách nhìn màu sắc và nhận thức về độ sâu;
  • Cần nguồn ánh sáng lớn hơn khi đọc sách;

Khi có các triệu chứng trên, khuyến cáo bệnh nhân nên đến ngay bệnh viện chuyên khoa Mắt để được thăm khám và chẩn đoán bằng các kỹ thuật y tế chuyên sâu.

Chẩn đoán

Chẩn đoán đục thủy tinh thể được thực hiện bằng các kỹ thuật y khoa sau:

Kiểm tra thị lực và khám đèn khe là 2 kỹ thuật chính trong kiểm tra đục thủy tinh thể

  • Kiểm tra thị lực: Bác sĩ sẽ yêu cầu bệnh nhân thực hiện kiểm tra thị lực của mắt bằng cách đọc biểu đồ mắt với các dòng chữ cái có kích thước nhỏ dần.
  • Khám đèn khe: Đây là kiểm tra phổ biến trong thăm khám sức khỏe mắt. -Phương pháp này sử dụng thiết bị chuyên dụng tích hợp nguồn ánh sáng cường độ cao với khả năng phóng đại để kiểm tra khe giác mạc. Kiểm tra này cho phép bác sĩ nhìn thấy toàn bộ cấu trúc bên trong, dễ dàng phát hiện tổn thương thủy tinh thể.
  • Kiểm tra võng mạc: Sử dụng thiết bị kính soi đáy mắt kiểm tra võng mạc và hệ thống thần kinh thị giác. Kết hợp sử dụng thuốc nhỏ mắt giúp làm giãn đồng tử trước khi soi.
  • Đo áp suất trong mắt: Được thực hiện bằng kỹ thuật tonometry, sử dụng đầu dò nhỏ đặt trực tiếp lên mắt hoặc kiểm tra thông qua hơi thở. Nhiều trường hợp được chỉ định thực hiện kỹ thuật chẩn đoán này nhằm loại trừ các vấn đề mắt khác như tăng nhãn áp, qua đó có cơ sở đánh giá đục thủy tinh thể.

Biến chứng và tiên lượng

Bệnh đục thủy tinh thể được đánh giá là bệnh lý nguy hiểm về mắt. Nếu không điều trị kịp thời có thể dẫn đến suy giảm thị lực dần và gây mù lòa vĩnh viễn. Tuy nhiên, nếu được phát hiện sớm và điều trị kịp thời, tiên lượng khỏi bệnh khá cao, cải thiện phục hồi chức năng thủy tinh thể và bảo tồn thị lực.

Tùy vào từng giai đoạn bệnh cụ thể, kết quả chẩn đoán đục thủy tinh thể nặng hay nhẹ mà bác sĩ sẽ tư vấn phương pháp điều trị phù hợp. Có thể điều trị nội khoa nếu đục thủy tinh thể nhẹ, chưa ảnh hưởng nhiều đến thị lực hoặc phẫu thuật sớm nếu tổn thương nghiêm trọng và có dấu hiệu suy giảm thị lực mất kiểm soát.

Điều trị

Các biện pháp được áp dụng phổ biến trong điều trị đục thủy tinh thể gồm:

Dùng thuốc 

Mục tiêu của việc dùng thuốc là hỗ trợ cải thiện triệu chứng cho bệnh nhân bị đục thủy tinh thể trong giai đoạn nhẹ. 2 loại thuốc chính thường dùng là thuốc nhỏ mắt và thuốc uống bổ mắt. Một số loại phổ biến gồm:

Thuốc nhỏ mắt hoặc thuốc uống bổ mắt có tác dụng hỗ trợ cải thiện triệu chứng đục thủy tinh thể

  • Thuốc nhỏ mắt: Loại thuốc được các chuyên gia khuyến cáo sử dụng phổ biến nhất là pirenoxin có tác dụng điều trị và phòng ngừa đục thủy tinh thể sau phẫu thuật hoặc biến chứng tiểu đường. Ngoài ra, một số dung dịch thuốc nhỏ mắt khác có chứa hoạt chất sodium dihydroazapentacen polysulfonat hoặc inosine monophosphate cũng được chỉ định sử dụng. Lưu ý thận trọng và tham khảo ý kiến chuyên gia nếu muốn dùng cho trẻ em.
  • Thuốc uống:
    • Vitamin C liều cao: Bổ sung lượng vitamin C thiếu hụt nhằm tăng cường khả năng chống oxy hóa, ức chế quá trình lão hóa mắt và nhất là làm chậm quá trình đục thủy tinh thể. Nhiều trường hợp thủy tinh thể vừa chớm đục, sau khi dùng vitamin C liều cao khỏi bệnh hoàn toàn.
    • Vitamin A: Là tiền chất của retinol có vai trò quan trọng trong việc sản sinh các sắc tố võng mạc mắt, đảm bảo thị lực tốt cho mắt. Việc bổ sung vitamin A cho bệnh nhân đục thủy tinh thể giúp cải thiện độ nhạy cảm của niêm mạc, giác mạc mắt, cải thiện thị lực.
    • Vitamin E: Hoạt chất này giúp bảo vệ mắt khỏi các tác nhân gây hại bên ngoài, tham gia quá trình chống oxy hóa, làm chậm lão hóa mắt và giảm mức độ tổn thương đục thủy tinh thể.
    • Lutein & zeaxanthin: Bệnh nhân đục thủy tinh thể được chỉ định sử dụng thuốc có chứa 2 hoạt chất này nhằm tăng cường sự khỏe mạnh cho võng mạc mắt. Đồng thời, hấp thụ các tác nhân nguy hiểm từ môi trường bên ngoài gây hại cho mắt. Nhờ đó giúp ngăn chặn tiến triển đục thủy tinh thể.

Phẫu thuật

Hiện nay, phẫu thuật là phương pháp điều trị đục thủy tinh thể hiệu quả nhất. Tuy nhiên, phương pháp này chỉ áp dụng cho những bệnh nhân ở giai đoạn nặng, suy giảm thị lực nghiêm trọng < 4/10. Phẫu thuật được chỉ định thực hiện cho cả người lớn và trẻ sơ sinh bị đục thủy tinh thể bẩm sinh (trong vòng 6 - 8 tuần kể từ khi trẻ chào đời).

Phẫu thuật là phương pháp điều trị đục thủy tinh thể hiệu quả nhất hiện nay

Mục tiêu của phẫu thuật là loại bỏ khối đục mờ và thay thế bằng một thủy tinh thể nhân tạo bằng chất liệu nhựa trong suốt nhằm phục hồi chức năng mắt. Một số phương pháp phẫu thuật đục thủy tinh thể được áp dụng phổ biến như:

  • Phẫu thuật loại bỏ thủy tinh thể trong bao: Đây là loại phẫu thuật loại bỏ toàn bộ phần nhân trung tâm, lớp vỏ và bao của thủy tinh thể. Bệnh nhân phải đeo kính chống chói sau phẫu thuật.
  • Phẫu thuật loại bỏ thủy tinh thể ngoài bao: Đây là loại phẫu thuật loại bỏ lớp nhân, vỏ và một phần trung tâm của bao phía trước thủy tinh thể, chỉ chừa lại bao sau để đặt khối thủy tinh thể nhân tạo.
  • Phẫu thuật Phaco (Phacoemulsification): Là kỹ thuật dùng thiết bị chuyên dụng phaco sử dụng nguồn năng lượng siêu âm cường độ mạnh nghiền nhuyễn thủy tinh thể, sau đó hút ra khỏi mắt. Phương pháp mổ Phaco có 5 kỹ thuật cơ bản gồm:
    • Kỹ thuật Flip, Chip & Flip chỉ định cho đục thủy tinh thể nhân mềm;
    • Kỹ thuật Divide & Conquer, Stop & Chop, Chop chỉ định cho đục thủy tinh thể nhân cứng;
  • Phẫu thuật Phaco kết hợp Laser: Loại laser được sử dụng là Femtosecond laser có khả năng cắt bỏ chính xác đoạn nhãn cầu bị tổn thương do đục thủy tinh thể, giảm thiểu tối đa mức độ ảnh hưởng đến các tổ chức xung quanh.

Phẫu thuật đục thủy tinh thể đòi hỏi bác sĩ thực hiện phải có tay nghề và chuyên môn cao, thực hiện chính xác các phẫu thuật và tuân thủ các nguyên tắc an toàn. Bệnh nhân sau phẫu thuật sẽ được hướng dẫn chăm sóc mắt tích cực, giữ cho mắt luôn sạch sẽ và dùng thuốc chống nhiễm trùng.

Bệnh nhân phải hạn chế tiếp xúc với các thiết bị điện tử, đọc sách báo trong vòng 1 tuần sau phẫu thuật. Tránh tiếp xúc với ánh nắng mặt trời, đeo chính râm thường xuyên, không chơi những môn thể thao mạnh... cho đến khi mắt phục hồi hoàn toàn. Thông thường, sau phẫu thuật khoảng 8 tuần, mắt của bệnh nhân sẽ hồi phục trở lại bình thường.

Phòng ngừa

Không có biện pháp dự phòng đặc hiệu đối với bệnh đục thủy tinh thể. Chỉ có thể phòng ngừa các yếu tố rủi ro bằng cách điều chỉnh lối sống sinh hoạt hàng ngày bằng những biện pháp tích cực sau:

Đeo kính râm khi ra ngoài để bảo vệ mắt khỏi ánh nắng mặt trời, giảm nguy cơ bị đục thủy tinh thể

  • Bảo vệ mắt bằng cách che chắn kỹ lưỡng khi ra ngoài, đeo kính râm, nón rộng vành... để giảm tiếp xúc với ánh nắng mặt trời, khói bụi.
  • Tăng cường ánh sáng trong nhà bằng cách gắn nhiều đèn hơn hoặc thay đèn mới có độ sáng tốt hơn.
  • Cai thuốc lá và hạn chế hít khói thuốc lá.
  • Xây dựng chế độ ăn uống khoa học, cân bằng với đầy đủ các chất dinh dưỡng, đặc biệt là vitamin A, C, E, lutein, kẽm, zeaxanthin... trong các loại rau xanh, trái cây tươi, ngũ cốc, cá, trứng, sữa...
  • Hạn chế hoặc tránh ăn những loại thực phẩm chế biến sẵn, chứa nhiều dầu mỡ, đường, muối...
  • Thiết lập thời gian biểu sinh hoạt điều độ, đúng giờ giấc, ngủ đủ giấc, không thức khuya, không làm việc quá sức...
  • Thăm khám sức khỏe tổng quát định kỳ, kết hợp thăm khám mắt ít nhất 6 tháng/ lần để sớm phát hiện các bất thường.

Những câu hỏi quan trọng khi đi khám

1. Mắt của tôi đột nhiên bị mờ, giảm thị lực là dấu hiệu của bệnh gì?

2. Nguyên nhân khiến tôi bị đục thủy tinh thể là gì?

3. Con tôi vừa chào đời đã bị đục thủy tinh thể do đâu?

4. Tình trạng bệnh của tôi có nghiêm trọng không?

5. Tôi cần thực hiện xét nghiệm nào để chẩn đoán xác định đục thủy tinh thể?

6. Bệnh đục thủy tinh thể có chữa khỏi hoàn toàn được không?

7. Tôi nên điều trị đục thủy tinh thể bằng phương pháp nào tốt nhất?

8. Tôi cần làm gì để chăm sóc mắt trong quá trình điều trị đục thủy tinh thể?

9. Quá trình điều trị đục thủy tinh thể mất bao lâu thì khỏi?

10. Bị đục thủy tinh thể khi nào cần phẫu thuật?

Đục thủy tinh thể là tổn thương mắt khá nguy hiểm và cần được phát hiện sớm để điều trị đúng cách, ngăn ngừa biến chứng suy giảm thị lực, mù vĩnh viễn. Khuyến cáo bệnh nhân nên chủ động thăm khám tại bệnh viện chuyên khoa để được kiểm tra, chẩn đoán chuyên sâu ngay khi có các dấu hiệu bất thường về mắt.

TÌM HIỂU THÊM

Chia sẻ:
Song Thị
Song thị là vấn đề thị lực tạm thời hoặc cũng có thể là dấu hiệu của các bệnh lý nghiêm trọng về mắt và thần kinh. Biểu hiện của…
Cận Thị
Cận thị là tật khúc xạ mắt phổ biến với…
Lẹo mắt là khối u nổi lên ở mí mắt Bệnh Lẹo mắt
Lẹo mắt là bệnh nhiễm trùng mắt cực kỳ phổ…
Thoái Hóa Võng Mạc
Thoái hóa võng mạc là bệnh lý nhãn khoa phổ…
Bệnh Nhược Thị

Nhược thị xảy ra chủ yếu ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ. Một bên mắt của trẻ yếu hơn…

Bệnh Mù Màu

Mù màu là bệnh lý về mắt phổ biến ở mọi đối tượng. Xảy ra ở những người không thể…

Bệnh Viễn Thị

Viễn thị là một trong những vấn đề về mắt phổ biến, khó nhìn rõ khác vật ở gần, gây…

Bệnh Viêm dây thần kinh thị giác

Viêm dây thần kinh thị giác không quá phổ biến. Nhưng vẫn có một số lượng dân số mắc phải…

Giải đáp thắc mắc của độc giả cùng chuyên gia của chúng tôi!

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Bác sĩ phụ trách

Bác sĩ Lê Hữu Tuấn

Phó Giám đốc chuyên môn

[ads_sidebar]
Xem nhiều

Đặt câu hỏi

Chia sẻ
Bỏ qua