Viêm kết mạc dị ứng là gì? Nguyên nhân, Triệu chứng, Cách điều trị
Viêm kết mạc dị ứng là một trong những tổn thương mắt thường gặp do dị ứng gây ra. Bệnh có xu hướng phát sinh vào thời điểm không khí nắng nóng, hanh khô và nhiều gió, hầu hết đều có mức độ nhẹ và đáp ứng với điều trị.
Viêm kết mạc dị ứng là gì?
Viêm kết mạc dị ứng là tình trạng kết mạc bị viêm, đỏ do tiếp xúc với các tác nhân gây dị ứng như phấn hoa, nấm mốc, mạt bụi,… Tình trạng này thường đi kèm với các triệu chứng ở các cơ quan khác như mũi và tai.
Triệu chứng nhận biết
Kết mạc là cơ quan bao gồm niêm mạc lớp bên trong mi mắt trên – dưới và lớp màng mỏng trong suốt bao phủ lòng trắng mắt. Tình trạng viêm ở cơ quan này có thể làm phát sinh các triệu chứng như:
- Ngứa mắt
- Chảy nước mắt
- Đỏ mắt
- Chảy nước mũi
- Ù tai
- Nghẹt mũi…
So với viêm kết mạc do virus và vi khuẩn, tình trạng viêm do dị ứng có các triệu chứng nhẹ hơn và thường ít gây ra các biến chứng nguy hiểm.
Tham khảo thêm: Dị ứng sưng phù mặt có nguy hiểm không? Phải làm sao?
Nguyên nhân
Khi tiếp xúc với tác nhân gây dị ứng, các tế bào mast tại mắt có xu hướng kết hợp kháng thể – kháng nguyên, từ đó giải phóng các thành phần trung gian như histamine và leukotrienes.
Các thành phần này chính là nguyên nhân làm phát sinh các triệu chứng ở mắt như viêm kết mạc dị ứng, chảy nước mắt, đỏ mắt, ngứa…
Các tác nhân có khả năng gây bệnh bao gồm:
- Dị ứng phấn hoa (nguyên nhân phổ biến nhất), phấn hoa có nhiều trong không khí nên dễ dàng tiếp xúc với cơ quan hô hấp, mắt… làm phát sinh các triệu chứng dị ứng.
- Lông chó, mèo
- Nấm mốc
- Mạt bụi
- Hóa chất
- Không khí ô nhiễm
Đối tượng có nguy cơ
Viêm kết mạc dị ứng có nguy cơ xuất hiện ở những đối tượng sau:
- Có người thân cận huyết mắc các bệnh dị ứng mắt.
- Bệnh nhân bị chàm mãn tính, viêm da dị ứng mãn tính, sốt cỏ khô và hen suyễn.
Tham khảo thêm: Bị dị ứng mỹ phẩm có tự hết không và cần lưu ý gì?
Chẩn đoán viêm kết mạc do dị ứng
Viêm kết mạc có thể do virus hoặc vi khuẩn gây ra, vì vậy bác sĩ sẽ tiến hành chẩn đoán nguyên nhân trước khi chỉ định phương pháp điều trị. Một số xét nghiệm có thể được thực hiện bao gồm:
- Sinh thiết dịch/ghèn ở mắt để xác định sự hiện diện của vi khuẩn hoặc virus.
- Quan sát sự tăng lên đáng kể của tế bào bạch cầu ái toan.
- Xét nghiệm da để kiểm tra dương tính với tác nhân gây dị ứng.
Điều trị bệnh viêm kết mạc dị ứng
Viêm kết mạc có mức độ nhẹ hơn so với tình trạng viêm do virus và vi khuẩn gây ra. Quá trình điều trị chủ yếu là sử dụng thuốc và chăm sóc tại nhà.
Sử dụng thuốc
Nếu viêm kết mạc đi kèm với triệu chứng ở mũi và tai, bác sĩ có thể chỉ định thuốc histamine đường uống để kiểm soát các triệu chứng do phản ứng dị ứng gây ra.
Các loại thuốc kháng histamine được dùng trong điều trị viêm kết mạc bao gồm:
- Chlorpheniramin
- Cinnarizin
- Alimemazin
- Dexchlorpheniramin
- Diphenhydramin
- Promethazin
- Dimehydrinat
- Flunarizin
- Cinnarizin
Dùng thuốc kháng histamine đường uống có thể gây buồn ngủ và thiếu tập trung, vì vậy cần hạn chế lái xe hoặc vận hành máy móc trong thời gian điều trị.
Bệnh nhân nhược cơ, phụ nữ mang thai, cho con bú, người bị u xơ tuyến tiền liệt cần tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi sử dụng thuốc này. Bên cạnh đó, bác sĩ có thể đề nghị dùng thuốc tra mắt để làm giảm triệu chứng sung huyết, ngứa ngáy, chảy nước mắt và đỏ mắt do viêm kết mạc gây ra.
Các loại thuốc nhỏ mắt chống dị ứng được dùng trong điều trị viêm kết mạc, bao gồm:
- Thuốc kháng histamine (Emadine, Azelastine, Ketotifen): Đối kháng với thụ thể H1 để giảm các triệu chứng dị ứng ở mắt. Có thể gây ra các tác dụng phụ như nóng rát, xót mắt, thâm nhiễm giác mạc, nhìn mờ.
- Thuốc chống viêm không steroid (Ketorolac, Diclofenac): Cải thiện tình trạng viêm ở kết mạc.
- Thuốc ổn định tế bào mast (Lodoxamide, Pemirolast, Cromolyn, Olopatadine): Ngăn chặn hoạt động giải phóng các thành phần trung gian trong phản ứng dị ứng.
- Thuốc co mạch (Tetrahydrozolin, Naphazoline, Phenylephrin): Giảm tình trạng sung huyết và đỏ mắt, thường được sử dụng phối hợp với thuốc nhỏ mắt kháng histamine.
Trong trường hợp bội nhiễm, bác sĩ có thể chỉ định sử dụng kháng sinh trong 10 – 14 ngày để ức chế vi khuẩn gây nhiễm trùng.
Tham khảo thêm: Dấu hiệu dị ứng kem chống nắng và cách xử lý, phòng ngừa
Biện pháp chăm sóc tại nhà
Bên cạnh việc sử dụng thuốc, bạn nên thực hiện các biện pháp chăm sóc tại nhà để làm giảm tình trạng viêm ở kết mạc và cải thiện các triệu chứng đi kèm:
- Nghỉ ngơi tại nhà khoảng 3 – 5 ngày để tránh tiếp xúc với tác nhân dị ứng trong không khí.
- Sử dụng nước muối sinh lý để vệ sinh mắt, loại bỏ dị nguyên và ghèn.
- Chườm gạc y tế thấm với nước ấm lên vùng mắt đau nhức để giảm sung huyết và khó chịu.
- Dùng túi trà hãm với nước sôi, sau đó chườm lên mắt. Túi trà chứa nhiều thành phần chống viêm và kháng khuẩn, giúp làm dịu kết mạc viêm và cải thiện triệu chứng nóng rát và chảy nước mắt.
- Tránh làm việc căng thẳng để tránh làm sưng viêm ở kết mạc trở nên nghiêm trọng hơn.
- Uống đủ nước để giúp loại bỏ dị nguyên khỏi cơ thể và giảm các triệu chứng dị ứng ở mắt, mũi và tai.
Tham khảo thêm: Dị ứng lông chó, mèo và cách xử lý nhanh tại nhà
Các biện pháp ngăn ngừa viêm kết mạc dị ứng
Tình trạng tái phát viêm kết mạc nhiều lần có thể gây tổn thương thị lực vĩnh viễn và giảm chất lượng cuộc sống. Sau quá trình điều trị, việc thực hiện các biện pháp ngăn ngừa là cực kỳ quan trọng:
- Đeo khẩu trang khi di chuyển ngoài trời, đặc biệt là vào thời tiết hanh khô và nhiều gió.
- Tránh tiếp xúc với các tác nhân gây dị ứng như phấn hoa, lông chó mèo, nấm mốc, mạt bụi, không khí ô nhiễm,…
- Tránh dụi tay vào mắt.
- Sử dụng vật dụng vệ sinh cá nhân riêng, đồng thời cần vệ sinh thường xuyên.
- Mang mắt kính khi làm việc trong môi trường nhiều khói, hóa chất,…
- Bổ sung thực phẩm giàu vitamin A, C và E để nâng cao sức đề kháng cho cơ thể và mắt.
Trong trường hợp điều trị và chăm sóc đúng cách, tình trạng viêm kết mạc dị ứng sẽ nhanh chóng thuyên giảm sau một thời gian ngắn. Nếu để bệnh kéo dài, virus và vi khuẩn có thể xâm nhập và gây ra tình trạng bội nhiễm. Tình trạng nghiêm trọng cần tìm đến bác sĩ để có thể chẩn đoán và điều trị kịp thời.
Có thể bạn quan tâm:
- Viêm da dị ứng ở mặt – Hình ảnh nhận biết và cách điều trị hoàn toàn tự nhiên
- Dị ứng thuốc sưng mắt làm sao nhanh khỏi?
Giải đáp thắc mắc của độc giả cùng chuyên gia của chúng tôi!