Nôn ói (mửa): Nguyên nhân, cơ chế, chẩn đoán và điều trị
Nôn ói (mửa) là một trong những triệu chứng rối loạn tiêu hóa thường gặp nhất. Triệu chứng này có thể xảy ra ở trẻ nhỏ, người trưởng thành, phụ nữ mang thai và người cao tuổi với nhiều nguyên nhân khác nhau.
Nôn ói (mửa) là gì? Cơ chế gây nôn
Nôn ói (nôn mửa/ mửa/ ói/ ói mửa) là hiện tượng thức ăn và dịch vị trong dạ dày bị đẩy ngược lên thực quản và thoát ra bên ngoài qua đường mũi hoặc miệng. Hiện tượng này thường xảy ra do một số nguyên nhân kích thích nhưng cũng có thể là hành động có chủ đích (móc họng ói để loại bỏ dị nguyên hoặc thức ăn hư hỏng,…).
Khi xuất hiện tổn thương ở bên trong cơ thể, cơ quan này có thể tạo ra nguồn kích thích tác động đến trung tâm gây nôn và trung tâm thu nhận kích thích hóa học.
Trung tâm gây nôn:
- Trung tâm này có thể nhận luồng kích thích từ ống tiêu hóa.
Trung tâm thu nhận kích thích hóa học:
- Trung tâm này nhận xung thần kinh từ trung tâm gây nôn từ đó tác động đến cơ bụng, cơ liên sườn, cơ hoành và cơ vận động thanh quản họng.
- Khi xung động từ trung tâm gây nôn đến, cơ thể sẽ có dấu hiệu co thắt cơ bụng và cơ hoành. Từ đó làm tăng áp lực ổ bụng, đóng môn vị, thanh môn, co cơ hô hấp, mở tâm vị và cơ thực quản nhằm loại bỏ dịch vị và thức ăn bên trong dạ dày.
Nhiều người lầm tưởng rằng khi nôn dạ dày co bóp dữ dội nhằm đẩy dịch vị và thức ăn ra bên ngoài. Tuy nhiên trong cơ chế nôn mửa, dạ dày đóng vai trò thụ động, trong khi đó tăng áp lực ổ bụng được cho là yếu tố trực tiếp đẩy thức ăn tồn đọng trong dạ dày ra bên ngoài.
Các triệu chứng đi kèm với nôn mửa
Nôn mửa hiếm khi khởi phát đơn lẻ, hiện tượng này có thể đi kèm với một số biểu hiện sau:
- Đau bụng
- Tiêu chảy
- Hoa mắt
- Buồn nôn
- Vã mồ hôi
- Mệt mỏi
- Khô/ đắng miệng
Tuy nhiên trong một số trường hợp đặc biệt nghiêm trọng, nôn ói có thể đi kèm với những dấu hiệu nghiêm trọng sau:
- Đau ngực
- Ngất xỉu
- Hạ huyết áp
- Nôn ra máu
Nguyên nhân gây nôn mửa
Nôn mửa là một trong những biểu hiện rối loạn tiêu hóa rất phổ biến, triệu chứng này có thể khởi phát do những nguyên nhân sau:
1. Mắc các bệnh lý về đường tiêu hóa
Nôn mửa là dấu hiệu đặc trưng nhất của các bệnh lý ở đường tiêu hóa. Các bệnh có khả năng gây nôn mửa cao là viêm loét dạ dày tá tràng, trào ngược dạ dày thực quản, viêm thực quản, hội chứng Zollinger-Ellison, hội chứng Mallory-Weiss, viêm tuyến tụy cấp, viêm ruột thừa cấp, hội chứng đại tràng kích thích,…
Tuy nhiên với tình trạng nôn mửa dữ dội hoặc dịch nôn có lẫn máu tươi/ có màu cà phê, triệu chứng này có thể là dẫu hiệu của xuất huyết đường tiêu hóa trên.
2. Tác dụng phụ của một số loại thuốc
Sử dụng thuốc kháng sinh, thuốc giảm đau gây nghiện, thuốc chống viêm không steroid, hóa trị, xạ trị,… là một trong những nguyên nhân gây buồn nôn và nôn mửa.
Tuy nhiên nôn mửa trong những trường hợp này được xác định là do tác dụng phụ của thuốc điều trị. Vì vậy triệu chứng thường thuyên giảm nhanh sau khi bạn ngưng thuốc.
3. Các vấn đề liên quan đến căng thẳng tâm lý
Tâm lý căng thẳng có thể kích thích trung tâm gây nôn tạo ra luồng kích thích bất thường và làm phát sinh triệu chứng buồn nôn và ói mửa.
Các yếu tố tâm lý có thể gây nôn mửa như phẫu thuật, stress, rối loạn ăn uống, rối loạn lo âu, trầm cảm, thiếu máu não, say tàu xe, lo lắng quá mức,…
Ngoài ra, nôn mửa cũng có thể xảy ra trong thời gian thai kỳ do nồng độ hormone tăng cao đột ngột hoặc mắc các bệnh nhiễm trùng như cúm, sởi, sốt phát ban,…
Nôn mửa liên tục có nguy hiểm không?
Nôn mửa thường xảy ra trong thời gian ngắn, chủ yếu là khi say tàu xe hoặc xảy ra ngay sau khi ăn. Tuy nhiên nếu nôn mửa liên tục, cơ thể dễ bị mất nước (miệng khát, da khô, thân nhiệt giảm), mạch đập nhanh, giảm huyết áp, co quắp tay chân, tăng ure máu,…
Hơn nữa, triệu chứng nôn ói liên tục có thể là dấu hiệu của hội chứng Mallory-Weiss hoặc hiện tượng xuất huyết tiêu hóa. Trong trường hợp nhận thấy nôn mửa kéo dài gây mất nước nghiêm trọng hoặc dịch nôn kèm theo máu/ có màu bã cà phê, bạn nên đến bệnh viện để bác sĩ xử lý kịp thời.
Chẩn đoán nguyên nhân gây nôn ói
Nôn ói thường được chẩn đoán bằng thăm khám lâm sàng, nội soi và xét nghiệm hình ảnh.
Trước tiên bác sĩ sẽ tiến hành phân tích màu sắc, số lượng và thời điểm nôn mửa.
- Dịch nôn màu đỏ (vỡ tĩnh mạch ở thực quản), màu nâu (xuất huyết dạ dày).
- Nôn nhiều có thể là dấu hiệu của hẹp môn vị (biến chứng của viêm loét dạ dày – tá tràng). Còn nếu số lượng nôn ít, khả năng cao là mắc bệnh viêm dạ dày.
- Thời điểm nôn mửa cũng là yếu tố giúp bác sĩ khoanh vùng khả năng mà bạn dễ mắc phải. Nôn sau khi ăn là dấu hiệu của viêm loét dạ dày, trong khi đó nôn vào buổi tối trước khi ngủ thường là dấu hiệu của hẹp môn vị.
Trên thực tế, bác sĩ có thể căn cứ thêm một số yếu tố khác để khoanh vùng nguy cơ bạn có thể mắc phải trước khi tiến hành nội soi hoặc xét nghiệm hình ảnh.
- Nội soi: Nội soi là thủ thuật chẩn đoán và điều trị chính cho các bệnh ở đường tiêu hóa. Thủ thuật này thường được chỉ định với những trường hợp nghi ngờ bị viêm loét dạ dày, viêm thực quản hoặc xuất huyết tiêu hóa.
- X-Quang, siêu âm: Các xét nghiệm hình ảnh này thường được chỉ định với trường hợp nghi ngờ có polyp hoặc ung thư. Ngoài ra X-Quang và siêu âm cũng được áp dụng khi chẩn đoán các bệnh lý ở tuyến tụy, đường mật, gan,…
Điều trị nôn ói (mửa) bằng cách nào?
1. Điều trị y tế
Điều trị nôn ói chủ yếu phụ thuộc vào nguyên nhân gây bệnh. Tuy nhiên với những trường hợp nôn ói gây mất nước, trụy tim mạch, mất cân bằng điện giải, bác sĩ sẽ tiến hành truyền dịch, điện giải và cho bệnh nhân uống nước đường để phục hồi thể trạng và kiểm soát chất lỏng trong cơ thể.
Sau khi mức độ chất lỏng và điện giải trong cơ thể đã trở về mức ổn định, bác sĩ có thể chỉ định một số loại thuốc chống gây nôn sau:
- Thuốc kháng histamin H1: Có tác dụng giảm buồn nôn do say tàu xe và ốm nghén thai kỳ. Các loại thuốc thường được sử dụng, bao gồm: Diphenhydramine, Promethazine, Cyclizine, Hydroxyzine, Meclizine,…
- Thuốc kháng thụ thể D2 dopamin: Nhóm thuốc này thường được dùng để giảm buồn nôn do các bệnh lý ở dạ dày hoặc buồn nôn do hóa xạ trị. Các loại thuốc kháng thụ thể D2 dopamin thường dùng: Butyrophenol, Metoclopramide,…
- Thuốc kháng serotonin: Nhóm thuốc này chống nôn ói bằng cách chẹn serotonin trong đường tiêu hóa và hệ thần kinh trung ương. Thuốc kháng serotonin (Granisetron, Ondamsetron) thường được dùng để giảm buồn nôn sau phẫu thuật hoặc nhiễm độc do thuốc.
Việc sử dụng những loại thuốc chống nôn mửa có thể giảm nhanh cảm giác buồn nôn và hiện tượng ói mửa kéo dài. Tuy nhiên để khắc phục triệu chứng này hoàn toàn, bác sĩ sẽ đề nghị điều trị nguyên nhân bệnh lý. Khi bệnh lý được điều trị và kiểm soát, tần suất và mức độ triệu chứng nôn mửa sẽ được cải thiện đáng kể.
2. Áp dụng các biện pháp tại nhà
Với trường hợp nôn mửa nhẹ do ốm nghén, căng thẳng, viêm dạ dày, say tàu xe,… bạn có thể áp dụng một số biện pháp khắc phục sau:
- Uống trà gừng mật ong ấm có thể giảm nhanh cảm giác buồn nôn và bù chất lỏng thất thoát do nôn ói. Hoặc bạn có thể thay thế bằng trà bạc hà, nước chanh ấm, nước nghệ,…
- Hạn chế đứng khi cảm giác buồn nôn khởi phát. Thay vào đó, bạn nên ngồi xuống và ngả người về phía sau để giảm áp lực lên ổ bụng và hạn chế hiện tượng nôn ói phát sinh.
- Uống nhiều nước lọc hoặc nước ép trái cây để bù nước và điện giải.
- Tuyệt đối không dùng sữa vì thức uống này có thể kích thích cảm giác buồn nôn. Bên cạnh đó, bạn cũng cần kiêng cử đồ uống chứa cồn và caffeine.
- Sử dụng gối cao khi ngủ có thể giảm buồn nôn do trào ngược dạ dày.
- Chia nhỏ bữa ăn và ăn chậm nhai kỹ để tránh tình trạng khó tiêu, đầy hơi và kích thích phản ứng nôn.
- Tránh xa các yếu tố tăng phản ứng nôn như mùi thuốc lá, thức ăn cay nóng, nhiều dầu mỡ,…
- Nếu phải đi tàu xe, bạn nên sử dụng thuốc chống say xe trước 30 phút để hạn chế tình trạng buồn nôn và nôn mửa.
Nôn ói (mửa) là triệu chứng rối loạn tiêu hóa có thể gặp ở nhiều đối tượng khác nhau. Trong trường hợp nôn ói ra dịch có máu, màu xanh hoặc có màu như bã cà phê, sốt cao, da tái nhợt, tức ngực, khô miệng, cứng cổ,… bạn nên tìm gặp bác sĩ trong thời gian sớm nhất.
Tham khảo thêm: Ăn vào buồn nôn – Có thể là triệu chứng bệnh nguy hiểm
Giải đáp thắc mắc của độc giả cùng chuyên gia của chúng tôi!