Hiện tượng đau đầu, hoa mắt chóng mặt buồn nôn là bệnh gì?
Hiện tượng đau đầu, hoa mắt, chóng mặt và buồn nôn xảy ra do hệ thần kinh trung ương và ngoại biên bị kích thích. Các triệu chứng này có thể do say tàu xe, mang thai, ngộ độc thực phẩm hoặc do hội chứng tiền kinh nguyệt. Tuy nhiên ở một số trường hợp, nguyên nhân có thể bắt nguồn từ các vấn đề ở não bộ hoặc tim mạch.
Đau đầu, buồn nôn chóng mặt là biểu hiện của bệnh gì?
Hiện tượng đau đầu, buồn nôn và chóng mặt là tình trạng khá phổ biến ở người trưởng thành và người cao tuổi. Triệu chứng này cũng có thể đi kèm với tình trạng mệt mỏi, hoa mắt, lạnh người,…
Các triệu chứng chóng mặt, buồn nôn, hoa mắt thường bị kích thích bởi trung tâm gây nôn và cơ quan tiền đình phía sau ốc tai. Vì vậy nếu tình trạng lặp đi lặp lại trong thời gian dài, bạn có thể gặp phải các vấn đề sức khỏe sau:
1. Dấu hiệu của quá trình thụ thai
Thời gian đầu khi mang thai, cơ thể sẽ sản sinh ra lượng hormone tăng đột biến. Bên cạnh đó, các cơ quan bên trong cơ thể cũng có những thay đổi đột ngột. Những yếu tố này có thể kích thích trung tâm gây nôn và hệ thần kinh trung ương gây ra các triệu chứng khó chịu.
Thông thường, phụ nữ vừa mang thai dễ gặp phải triệu chứng buồn nôn và nôn mửa. Tuy nhiên ở một số trường hợp, các triệu chứng có thể xảy ra với mức độ nặng nề hơn như chóng mặt, đau đầu và dễ mệt mỏi. Nếu khởi phát do mang thai, bạn có thể xác định bằng cách sử dụng que thử thai hoặc chủ động thăm khám bác sĩ sản phụ khoa.
2. Say tàu xe
Say tàu xe là tình trạng thường gặp, gây ra các triệu chứng điển hình như chóng mặt, đau đầu, buồn nôn, nôn mửa, hoa mắt và mệt mỏi. Ở người bị say xe, hệ thống tiền đình thường bị kích thích, từ đó gây ra các tín hiệu mâu thuẫn giữa hệ thần kinh trung ương và các cơ quan cảm giác.
Say tàu xe có thể gây ra nhiều triệu chứng khó chịu. Tuy nhiên hầu hết các triệu chứng này đều có mức độ nhẹ và có thể thuyên giảm mà không cần điều trị.
3. Tác dụng phụ của một số loại thuốc
Sử dụng thuốc làm giảm huyết áp hoặc thuốc điều trị trầm cảm có thể gây ra tác dụng phụ (buồn nôn, nôn mửa, chóng mặt, mất thăng bằng, mệt mỏi và lạnh người).
Nguyên nhân là những loại thuốc này tác động đến hệ thần kinh trung ương và làm giãn mạch máu ngoại vi, khiến huyết áp giảm thấp một cách đột ngột.
Tác dụng phụ là một trong những rủi ro khi sử dụng thuốc điều trị. Tuy nhiên nếu các triệu chứng trên xảy ra với mức độ nặng nề, bạn nên thông báo với bác sĩ để được thay thế một loại thuốc khác hoặc giảm liều lượng sử dụng.
4. Hội chứng tiền kinh nguyệt
Hội chứng tiền kinh nguyệt đề cập đến một loạt triệu chứng xảy ra trước kỳ kinh từ 1 – 2 tuần. Các triệu chứng này có thể khởi phát do hormone kích thích rụng trứng được tuyến yên sản xuất. Hội chứng tiền kinh nguyệt có thể gây đau bụng dưới, buồn nôn, chóng mặt, buồn nôn, giảm mức độ tập trung, dễ xúc động, chán nản, mệt mỏi,…
5. Rối loạn tiêu hóa
Cơ quan tiêu hóa có thể bị rối loạn do ăn phải thực phẩm bẩn hoặc sử dụng kháng sinh kéo dài. Rối loạn tiêu hóa điển hình với hiện tượng tiêu chảy, đau quặn bụng và nôn mửa.
Nếu không được điều trị, rối loạn tiêu hóa có thể gây mất nước và mất cân bằng điện giải trong cơ thể. Từ đó gây hoa mắt, chóng mặt, buồn nôn, mệt mỏi,…
6. Mắc các bệnh về tim mạch
Người mắc các bệnh về tim mạch (bệnh cơ tim, viêm tim, van tiêm, cao huyết áp, bệnh tim thiếu máu cục bộ,…) có thể gặp phải triệu chứng chóng mặt, đau đầu, buồn nôn, hoa mắt,…
Ngoài ra ở những trường hợp mắc bệnh tim nặng, những triệu chứng trên có thể đi kèm với tình trạng đau thắt ngực, lạnh người, vã mồ hôi, ngất xỉu, choáng váng,…
7. Thiểu năng tuần hoàn não
Thiểu năng tuần hoàn não xảy ra khi lưu lượng máu tuần hoàn lên não thấp khiến tế bào não không có đủ dưỡng chất và oxy để hoạt động.
Bệnh lý này có thể kích thích thần kinh trung ương và làm phát sinh các triệu chứng như chóng mặt, buồn nôn, đau đầu, mệt mỏi, chán ăn, hoa mắt, mất ngủ, giảm độ tập trung,…
8. Các nguyên nhân khác
Ngoài ra, hiện tượng chóng mặt, buồn nôn và hoa mắt có thể khởi phát do những nguyên nhân khác như:
- Đau nửa đầu (đau đầu kiểu Migraine)
- Bệnh giang mai thần kinh
- Bệnh Parkinson
- Viêm dây thần kinh tiền đình
- U dây thần kinh tiền đình
- Lạm dụng rượu và chất kích thích
- Tổn thương dây thần kinh đốt sống cổ
- Bệnh Meniere
- Hạ đường huyết
Hiện tượng hoa mắt, chóng mặt buồn nôn có nguy hiểm không?
Chóng mặt, buồn nôn, đau đầu và hoa mắt có thể không nguy hiểm nếu khởi phát do mang thai, say tàu xe, hội chứng tiền kinh nguyệt hoặc do rối loạn tiêu hóa.
Tuy nhiên nếu triệu chứng khởi phát do các vấn đề về tim mạch hoặc hệ thần kinh trung ương, bạn cần tiến hành điều trị trong thời gian sớm nhất. Hầu hết các bệnh lý ở não bộ, tim mạch đều có tiến triển mãn tính và dễ gây ra biến chứng nếu không thực hiện các biện pháp kiểm soát.
Các cách chữa đau đầu mệt mỏi và buồn nôn
Hiện tượng hoa mắt, chóng mặt và buồn nôn không chỉ khiến cơ thể mệt mỏi mà còn ảnh hưởng đến hoạt động làm việc và sinh hoạt. Để làm giảm các triệu chứng này, bạn có thể sử dụng thuốc điều trị và áp dụng một số mẹo chữa tại nhà.
1. Sử dụng thuốc
Sử dụng thuốc có thể làm giảm nhanh các triệu chứng đau đầu, chóng mặt, buồn nôn,… Tuy nhiên nếu có các vấn đề sức khỏe đặc biệt (mang thai, trầm cảm, bệnh tim hoặc vấn đề về hệ thần kinh trung ương,…), bạn nên tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi sử dụng thuốc.
Các loại thuốc có thể làm giảm hiện tượng chóng mặt, đau đầu và buồn nôn, bao gồm:
- Acetyl-DL-leucine: Loại thuốc này tác động đến hệ thần kinh nhằm giảm nhanh triệu chứng chóng mặt do tăng huyết áp, đau nửa đầu, ngộ độc,… Tuy nhiên không sử dụng thuốc cho trẻ nhỏ và phụ nữ đang có thai.
- Thuốc giảm đau (Paracetamol, NSAID): Thuốc giảm đau được sử dụng để giảm cơn đau đầu và đau nửa đầu do nhiều nguyên nhân khác nhau. Tuy nhiên, Paracetamol không được khuyến cáo dùng cho bệnh nhân suy gan, thận, nghiện rượu bia hoặc thiếu men G6PD. Trong khi đó, NSAID có thể gây xuất huyết và tăng nguy cơ nhồi máu cơ tim ở người bị viêm loét dạ dày tiến triển, bệnh nhân tim mạch,…
- Thuốc kháng histamine H1: Nhóm thuốc này được sử dụng để giảm chóng mặt, đau đầu và buồn nôn do say tàu xe hoặc do dị ứng.
- Thuốc kháng thụ thể dopamine: Nhóm thuốc này có tác dụng giảm buồn nôn và nôn mửa do ngộ độc thực phẩm hoặc do rối loạn nhu động ruột.
Hiện tượng chóng mặt, đau đầu, hoa mắt và buồn nôn khởi phát do kích thích ở hệ thần kinh trung ương và ngoại biên. Vì vậy các triệu chứng này có cơ chế và căn nguyên rất phức tạp. Để được chỉ định loại thuốc thích hợp và hạn chế rủi ro khi sử dụng, bạn nên tìm gặp bác sĩ chuyên khoa.
2. Áp dụng mẹo chữa chóng mặt buồn nôn tại nhà
Với những trường hợp bị chóng mặt, buồn nôn do hội chứng tiền kinh nguyệt, say tàu xe, mang thai, rối loạn tiêu hóa… bạn có thể áp dụng một số mẹo điều trị ngay tại nhà.
- Uống nhiều nước và bổ sung rau xanh, trái cây để bù chất lỏng và cân bằng điện giải.
- Ngậm gừng tươi hoặc dùng trà bạc hà có thể giảm buồn nôn và nôn mửa.
- Nằm nghỉ ngơi để tránh tình trạng hạ huyết áp đột ngột và giảm triệu chứng chóng mặt.
- Bổ sung ngũ cốc (khoai lang, bánh mì, gạo,…) hoặc thực phẩm ngọt như mật ong, socola,… để cải thiện chứng chóng mặt và buồn nôn do hạ đường huyết.
- Xoa bóp lên vùng thái dương và ấn đường có thể làm giảm nhức đầu, hoa mắt và buồn nôn.
- Tránh các suy nghĩ tiêu cực vì tình trạng căng thẳng thần kinh có thể khiến triệu chứng buồn nôn, hoa mắt và chóng mặt trở nên nghiêm trọng hơn.
Theo các chuyên gia sức khỏe, để điều trị dứt điểm tình trạng đau đầu, hoa mắt chóng mặt buồn nôn người bệnh cần tìm ra chính xác nguyên nhân từ đó đi sâu loại bỏ bệnh từ gốc. Việc sử dụng thuốc Tây mặc dù mang lại hiệu quả nhanh tuy nhiên thuốc chỉ loại bỏ bệnh ở phần ngọn, bệnh sẽ tái phát khi hết thuốc và không thể cải thiện được.
Hiện tượng đau đầu, buồn nôn chóng mặt – Khi nào cần gặp bác sĩ?
Đau đầu, buồn nôn và chóng mặt có thể xảy ra do những bệnh lý nghiêm trọng. Hơn nữa, những triệu chứng này có thể là dấu hiệu cảnh báo của nhồi máu cơ tim, hạ huyết thế đứng hoặc đột qụy.
Do đó trong trường hợp xuất hiện những triệu chứng sau, bạn nên gọi cấp cứu trong thời gian sớm nhất:
- Đau thắt ngực
- Vã mồ hôi
- Khó thở
- Lo lắng
- Tim đập nhanh
- Méo miệng
- Hôn mê
- Co giật
- Đầu óc quay cuồng
- Nhầm lẫn
- Nhìn mờ
Hiện tượng đau đầu chóng mặt và buồn nôn có thể thuyên giảm khi áp dụng các mẹo chữa tại nhà. Tuy nhiên nếu những triệu chứng lặp đi lặp lại trong thời gian dài, bạn nên chủ động đến bệnh viện để tiến hành thăm khám lâm sàng và thực hiện các xét nghiệm cần thiết.
Có thể bạn quan tâm:
Giải đáp thắc mắc của độc giả cùng chuyên gia của chúng tôi!