Yến mạch: Tác dụng với sức khỏe và tác hại cần biết
Giàu chất sắt, protein, năng lượng và chất xơ, bột yến mạch có tác dụng hỗ trợ giảm cân, tăng cường chức năng tiêu hóa, ngăn ngừa thiếu máu và bảo vệ sức khỏe tim mạch. Tuy nhiên, thực phẩm này cần được sử dụng đúng cách, nếu không sẽ gây phản tác dụng và mang đến nhiều tác hại cho sức khỏe.
Giá trị dinh dưỡng của yến mạch
Yến mạch là một loại ngũ cốc được sử dụng phổ biến ở nhiều quốc gia trên thế giới từ hàng ngàn năm nay, đặc biệt là ở các nước châu Âu. Cây có tên khoa học là Avena sativa, thuộc dạng thân thảo. Thân cây mọc thẳng giống như cây lúa ở nước ta, chiều cao trung bình gần 1 mét. Ban đầu cây ra hoa và kết hạt màu xanh, khi chín sẽ chuyển sang màu vàng.
Nhờ chứa nhiều chất dinh dưỡng, yến mạch được sử dụng phổ biến như một loại thực phẩm. Ngoài ra, người dân còn sử dụng yến mạch để làm đẹp hoặc làm thức ăn chăn nuôi gia súc. Hạt yến mạch cũng có giá trị kinh tế khá cao với sản lượng được xuất khẩu sang các nước không thể trồng được cây yến mạch ngày càng tăng.
Thành phần dinh dưỡng có trong 100g yến mạch bao gồm:
- 389 kcal
- 1.217g chất béo bão hòa
- Khoáng chất: 429 mg kali, 2mg natri, 5% canxi, 26% sắt
- 2.535g chất béo không bão hòa đa và 2.178g chất béo không bão hòa đơn
- 66,27g Carbohydrate
- 10,6g chất xơ
- 16,89g protein
Sau khi thu hoạch, hạt yến mạch được phơi khô, tách vỏ, sau đó chế biến thành nhiều sản phẩm khác nhau để phục vụ cho nhu cầu đa dạng của người tiêu dùng. Các loại yến mạch đang có trên thị trường hiện nay bao gồm:
- Bột yến mạch
- Yến mạch ăn liền
- Yến mạch cắt nhỏ
- Yến mạch cán dẹt
- Yến mạch nguyên hạt.
14 tác dụng của yến mạch với sức khỏe
Nhờ có giá trị dinh dưỡng cao, yến mạch mang lại rất nhiều lợi ích cho sức khỏe như:
1. Giảm nguy cơ bị tiểu đường
Bệnh tiểu đường xảy ra khi hàm lượng đường trong máu vượt ngưỡng cho phép. Sử dụng bột yến mạch thường xuyên trong bữa ăn sẽ giúp người có nguy cơ cao ngăn ngừa được bệnh lý này. Các trường hợp bị tiểu đường tuýp 2 cũng được khuyến cáo nên bổ sung thực phẩm này để kiểm soát tốt đường huyết và giảm thiểu các biến chứng nguy hiểm.
Nghiên cứu cho thấy, một số chất trong yến mạch khi được hấp thu sẽ làm tăng độ nhạy cảm của cơ thể đối với insulin. Đây là một loại hormone được tuyến tụy sản xuất ra. Nó có chức năng ổn định đường huyết, duy trì nồng độ glucose ở mức bình thường.
Bên cạnh đó, hàm lượng chất xơ phong phú được tìm thấy trong yến mạch cũng đã được chứng minh là có thể giúp làm giảm đến 30% nguy cơ mắc bệnh tiểu đường.
2. Nâng cao sức đề kháng
Hoạt chất beta glucan có trong bột yến mạch có thể giúp thúc đẩy quá trình chữa lành tổn thương trong cơ thể, cải thiện hoạt động của hệ miễn dịch và giúp cơ thể bạn có sức đề kháng tốt hơn.
3. Cải thiện chức năng tiêu hóa
Đây chính là một trong những tác dụng của yến mạch với sức khỏe được nhiều người biết tới. Nếu bạn đang gặp các vấn đề ở đường tiêu hóa như táo bón, rối loạn vi sinh đường ruột, khó tiêu hay bị trĩ, hãy thêm ngay yến mạch vào trong thực đơn.
Sở dĩ yến mạch có được công dụng này là nhờ chứa nguồn chất xơ dồi dào, bao gồm cả chất xơ hòa tan và không hòa tan. Chúng có tác dụng làm mềm phân, đẩy nhanh tốc độ di chuyển của thức ăn trong đường ruột. Bên cạnh đó, thành phần chất xơ hòa tan còn nuôi dưỡng các vi sinh vật có lợi, giúp đường ruột của bạn khỏe mạnh hơn.
4. Giảm căng thẳng, hỗ trợ giấc ngủ
Yến mạch được xem như một phương thuốc tự nhiên cho người bị trầm cảm hoặc thường xuyên bị căng thẳng, mất ngủ. Thực phẩm này cung cấp carbs – một chất có thể giúp kích thích sản sinh serotonin. Đây là một chất dẫn truyền thần kinh có chức năng cải thiện tâm trạng và chi phối đến chất lượng giấc ngủ của con người.
5. Phòng ngừa ung thư
Với đặc tính chống oxy hóa tự nhiên, yến mạch có thể giúp tiêu diệt các gốc tự do, giảm thiểu tổn hại cho các tế bào, qua đó ngăn chặn quá trình biến đổi ADN và giúp phòng ngừa bệnh ung thư hiệu quả.
Các trường hợp đang mắc bệnh ung thư cũng được khuyến cáo nên thêm yến mạch vào trong chế độ ăn để kiểm soát các triệu chứng bệnh, làm chậm quá trình di căn của khối u ác tính. Thực phẩm này cung cấp nhiều selen – một chất chống oxy hóa có khả năng bảo vệ, sửa chữa các tổn thương ở tế bào bị hư hại.
6. Làm giảm các triệu chứng tiền kinh nguyệt
Hội chứng tiền kinh nguyệt có thể khiến chị em gặp phải nhiều triệu chứng khó chịu như thay đổi khẩu vị, tăng cân, tức ngực, đau đầu, mệt mỏi, dễ cáu gắt. Thói quen ăn yến mạch có thể giúp chị em giảm nhẹ các dấu hiệu này.
Thực phẩm này cung cấp nguồn vitamin B6 dồi dào. Chất này khi được hấp thu sẽ kích thích sản sinh dopamine và melatonin giúp chị em bớt mệt mỏi và ít chịu ảnh hưởng bởi hội chứng tiền kinh nguyệt.
7. Tăng cường sức khỏe tim mạch
Hệ tim mạch đóng vai trò quan trọng trong việc dẫn máu đi nuôi dưỡng toàn bộ các cơ quan trong cơ thể. Chính vì vậy, sức khỏe sẽ bị suy giảm đáng kể nếu bạn mắc bệnh tim mạch.
Thêm yến mạch vào chế độ ăn chính là một cách đơn giản để nâng cao sức khỏe cho quả tim cũng như các mạch máu của bạn. Thực phẩm này cung cấp một lượng lớn chất xơ hòa tan có thể giúp ngăn chặn quá trình hấp thu cholesterol xấu vào trong máu, chống lại sự phát triển của cục máu đông cũng như các mảng xơ vữa trong động mạch. Điều này có thể giúp giảm nguy cơ bị đột quỵ, nhồi máu cơ tim và các vấn đề khác về tim mạch.
Một số nghiên cứu hiện đại cũng chỉ ra, thành phần beta-glucan được tìm thấy trong bột yến mạch có khả năng loại bỏ các yếu tố nguy cơ gây bệnh mạch vành, đồng thời đảm bảo cho hệ tuần hoàn hoạt động hiệu quả hơn, từ đó nâng cao sức khỏe tổng thể cho bạn.
8. Làm sạch da đầu, ngăn ngừa gàu
Nhắc đến các tác dụng của yến mạch, chúng ta không nên bỏ qua lợi ích này. Nhờ chứa nhiều saponin, yến mạch có khả năng kháng khuẩn, làm sạch dầu nhờn và bụi bẩn trên da đầu, ngăn ngừa sự hình thành của gàu.
Cùng với đó, thực phẩm này còn bổ sung nguồn lipid và protein phong phú, giúp duy trì độ ẩm cần thiết cho da đầu, giảm nguy cơ bị ngứa da, rụng tóc và ngăn chặn không cho gàu có cơ hội tái phát trở lại.
9. Kiểm soát cân nặng
Ăn yến mạch chính là bí quyết để duy trì được vóc dáng thon gọn của nhiều chị em. Nguồn carbohydrate lành mạnh trong thực phẩm này sẽ mang lại cảm giác no lâu. Cùng với đó, chất xơ trong yến mạch cũng giúp tăng cường sự trao đổi chất, loại bỏ các tế bào mỡ dư thừa, góp phần hỗ trợ giảm cân, giúp duy trì trọng lượng cơ thể khỏe mạnh.
10. Ngăn ngừa hen suyễn cho trẻ em
Hen suyễn là một bệnh lý đường hô hấp thường gặp ở trẻ em. Căn bệnh này có thể gây nguy hiểm đến tính mạng nếu trẻ không được dùng thuốc cắt cơn hen kịp thời.
Bên cạnh việc tích cực dùng thuốc theo hướng dẫn của bác sĩ, các mẹ cũng nên thường xuyên cho trẻ ăn bột yến mạch để đẩy nhanh hiệu quả điều trị. Đặc biệt, một số nghiên cứu khoa học cũng chỉ ra, trẻ được dùng bột yến mạch trong chế độ ăn dặm trước 6 tháng tuổi có thể giảm được nguy cơ bị bệnh hen suyễn trong tương lai.
11. Tăng cường sức mạnh cơ bắp
Nếu muốn tăng khối lượng và sức mạnh cho cơ bắp, nam giới nên thường xuyên ăn yến mạch. Thực phẩm này cung cấp nhiều protein có khả năng xây dựng nên các tế bào cơ. Ngoài ra, chất xơ cùng thành phần carbohydrate có trong yến mạch lại góp phần ổn định đường huyết, tăng cường chuyển hóa lượng mỡ dư thừa, giúp cơ bắp của bạn săn chắc hơn.
12. Công dụng của yến mạch với làn da
Sử dụng bột yến mạch theo đường miệng hay đắp ngoài đều tốt cho da. Thực phẩm này mang lại nhiều lợi ích tuyệt vời cho làn da như:
- Ổn định hoạt động của tuyến bã nhờn, giảm sản xuất dầu
- Làm sạch tế bào chết trên da
- Giúp lỗ chân lông được thông thoáng
- Diệt khuẩn
- Ngăn ngừa sự hình thành của mụn trứng cá, mụn đầu đen và các loại mụn khác
- Làm mờ các vết nám, tàn nhang
- Cải thiện sắc tố da, giúp làn trắng mịn hơn.
13. Tăng lưu lượng máu trong cơ thể
Chứa nhiều chắt sắt, bột yến mạch có thể làm tăng lượng tế bào hồng cầu được sản sinh. Chính vì vậy, việc bổ sung thực phẩm này vào trong bữa ăn chính là một phương án hữu hiệu để ngăn ngừa thiếu máu, nhất là khi bạn đang mang thai, mới sinh hoặc đang trong quá trình hồi phục sau phẫu thuật.
14. Hỗ trợ điều trị đau nửa đầu
Thiếu hụt magie là một trong những nguyên nhân gây ra chứng đau nửa đầu mãn tính. Bệnh nhân nên ăn yến mạch để tăng lượng magie trong cơ thể, giúp ngăn chặn các cơn đau đầu tái phát trong tương lai.
Cách chế biến yến mạch
Các loại yến mạch dạng bột hoặc cán mỏng thường được sử dụng để chế biến thức ăn. Bạn có thể sử dụng thực phẩm này theo những cách sau:
1. Pha sữa yến mạch
Từ bột yến mạch, bạn có thể tự pha chế cho mình một ly sữa thơm ngon để bổ sung dưỡng chất cho cơ thể mỗi ngày. Thức uống này đặc biệt thích hợp cho người đang ăn chay, trẻ em hoặc các đối tượng bị dị ứng với sữa.
Cách làm:
- Chuẩn bị: 2 thìa bột yến mạch, 1 thìa mật ong, đường và nước lọc
- Đun sôi 1 ly nước lọc, thêm bột yến mạch vào quậy đều cho bột nở ra
- Tiếp tục bỏ thêm vào 1 thìa mật ong và lượng đường vừa đủ sao cho sữa hơi ngọt ngọt
- Để nguội bớt và thưởng thức khi sữa còn ấm.
2. Súp bột yến mạch
Món súp bột yến mạch chính là một gợi ý giúp bữa ăn của bạn thêm phong phú. Trước tiên, bạn cũng lấy nước hầm xương nấu với các loại rau củ như bình thường. Khi rau củ chín, thay vì sử dụng bột năng như bình thường thì chúng ta lại dùng bột yến mạch. Sự thay đổi này sẽ giúp món ăn lạ miệng và hấp dẫn hơn.
3. Món cháo yến mạch dinh dưỡng cho bữa sáng
- Chuẩn bị 200 ml sữa tươi, một ít bột yến mạch đã được cán dẹt
- Đun sữa tươi sao cho vừa sôi thì tắt bếp
- Đổ sữa ra tô, thêm yến mạch vào. Tùy theo sở thích ăn đặc hay lỏng mà bạn dùng lượng yến mạch thích hợp
- Khuấy đều lên, đậy tô lại khoảng 5 phút cho bột yến mạch nở ra là bạn đã có ngay một bữa ăn sáng bổ dưỡng, giúp cung cấp nguồn năng lượng dồi dào cho các hoạt động trong ngày.
Ngoài những món ăn từ yến mạch ở trên, thực phẩm này còn được sử dụng để làm bánh hay chế biến ngũ cốc ăn sẵn. Tuy nhiên, bạn cần dùng yến mạch thường xuyên với liều lượng phù hợp để nâng cao sức khỏe.
Tác hại của yến mạch
Mặc dù mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe nhưng yến mạch cũng có thể gây ra một số tác dụng phụ khi bạn dùng không đúng cách hoặc lạm dụng quá mức.
- Nhiều người có thói quen ăn trực tiếp yến mạch khi chưa được ngâm nước hay nấu chín cho nở. Điều này có thể dẫn đến khó tiêu, đầy bụng, táo bón. Hơn nữa, khi còn sống, các thành phần axit phytic hay kẽm, sắt trong yến mạch rất khó được hấp thụ hoàn toàn.
- Các trường hợp đang bị đầy hơi, chướng bụng sử dụng yến mạch có thể làm tăng nặng mức độ khó chịu do chất xơ và carbs trong thực phẩm này gây cảm giác no lâu khi ăn.
- Đặc biệt, ăn quá nhiều yến mạch còn có thể khiến bạn bị tăng cân thay vì hỗ trợ giảm cân.
Cách ăn yến mạch đúng cách
- Để dễ dàng tiêu hóa, bạn nên nấu chín bột yến mạch hoặc ngâm nở trước khi ăn
- Đối với các sản phẩm yến mạch nguyên hạt nên ngâm khoảng 12 tiếng trước khi chế biến
- Bệnh nhận bị gout, mắc bệnh tuyến giáp, bị dị ứng với gluten hay các thành phần trong yến mạch không nên sử dụng thực phẩm này.
- Tránh ăn quá nhiều yến mạch. Lượng sử dụng tối đa trong ngày không nên vượt quá 230g.
- Yến mạch nếu ăn nguyên chất sẽ khá ngán. Bạn nên kết hợp với một số loại rau củ hay ngũ cốc khác để cân bằng dinh dưỡng và giúp dễ ăn hơn.
Bạn đã biết chưa
Giải đáp thắc mắc của độc giả cùng chuyên gia của chúng tôi!