Bị nổi mề đay trên mặt – Nguyên nhân và biện pháp xử lý
Cần chăm sóc và điều trị đúng cách nếu bị nổi mề đay trên mặt. Tình trạng này thường liên quan đến dị ứng mỹ phẩm và thay đổi thời tiết nhưng cũng có thể do một số vấn đề khác.
Nguyên nhân gây nổi mề đay trên mặt
Dưới đây là 5 nguyên nhân gây nổi mề đay trên mặt thường gặp nhất:
1. Kích ứng / Dị ứng mỹ phẩm
Sử dụng mỹ phẩm không phù hợp có thể khiến da mặt bị kích ứng hoặc dị ứng, hình thành những nốt mẩn đỏ kèm theo ngứa ngáy dữ dội, sưng tấy, đôi khi xuất hiện mụn mủ. Triệu chứng thường xuất hiện sau vài giờ sử dụng sản phẩm.
So với kích ứng, dị ứng mỹ phẩm thường rất nghiêm trọng, các triệu chứng kéo dài, khó điều trị. Ngay khi có dấu hiệu bất thường, cần vệ sinh da mặt với nước sạch, có thể chườm đá và giữ cho da khô thoáng.
2. Côn trùng cắn
Côn trùng (như ong, kiến, muỗi) cắn gây nổi mề đay trên mặt nhưng thường nhanh chóng mất đi. Dấu hiệu thường thấy gồm nổi mẩn đỏ, ngứa, đôi khi đau rát.
3. Thời tiết thay đổi đột ngột
Đột ngột thay đổi thời tiết khiến làn da không kịp thích ứng với môi trường bên ngoài, trở nên nhạy cảm hơn và dễ nổi mề đay. Mặt khác nhiệt độ quá nóng hay quá lạnh cũng khiến da nhạy cảm hơn, mặt sần sùi, ửng đỏ kèm theo ngứa ngáy. Triệu chứng thường biến mất sau vài ngày chăm sóc.
XEM THÊM: Nổi mề đay mẩn ngứa khi trời lạnh và cách chữa hiệu quả
4. Tuổi tác, giới tính
Theo thống kê, tỉ lệ người bị nổi mề đay trên mặt cao hơn ở trẻ em và phụ nữ từ 30 – 60 tuổi. Bên cạnh đó, nữ giới sẽ có nhiều nguy cơ hơn so với nam giới, đặc biệt là những người có tiền sử dị ứng hoặc cơ địa nhạy cảm.
5. Phản ứng dị ứng với thức ăn
Một số thức ăn như các loại hạt, sô cô la, cá, cà chua, sữa và các phụ gia thực phẩm có thể gây phản ứng dị ứng dẫn đến mề đay. Tình trạng này thường biểu hiện rõ ở mặt. Trong đó bệnh nhân sẽ có dấu hiệu nổi mề đay trên mặt, ngứa ngáy, sưng môi, mặt. Đôi khi sưng lưỡi, sưng họng và khó thở ở người bị sốc phản vệ.
6. Nguyên nhân khác
Những nguyên nhân gây nổi mề đay trên mặt ít phổ biến hơn gồm:
- Thuốc men: Một số loại thuốc như aspirin hoặc penicillin có thể gây ra phản ứng dị ứng, làm phát sinh mề đay trên mặt.
- Các chất kích thích trong môi trường: Mề đay có thể phát triển do phản ứng với một số chất kích thích trong môi trường, như hóa chất hoặc không khí ô nhiễm.
- Căng thẳng: Stress có thể là một yếu tố gây ra hoặc làm trầm trọng thêm tình trạng mề đay.
- Ánh nắng mặt trời: Một số người có thể phát triển mề đay khi tiếp xúc với ánh nắng mặt trời. Triệu chứng thường tập trung ở mặt, cổ và những vùng da tiếp xúc ánh nắng khác.
- Nhiễm trùng: Nhiễm trùng cũng là một trong những nguyên nhân gây ra mề đay trên mặt.
Nổi mề đay trên mặt có nguy hiểm không?
Nổi mề đay trên mặt thường là dấu hiệu của dị ứng. Triệu chứng có thể tự khỏi sau vài ngày đến vài giờ. Nhưng nếu không chăm sóc đúng cách, mề đay có thể gây ngứa nhiều, làm tăng nguy cơ trầy xước da do gãy và để lại sẹo xấu.
Những trường hợp dị ứng nghiêm trọng có thể dẫn đến sốc phản vệ, đe dọa đến tính mạng. Đôi khi những triệu chứng không giảm và thường xuyên tái phát, nổi mẩn và sưng phù mặt làm ảnh hưởng đến tính thẩm mỹ.
Biện pháp xử lý khi bị nổi mề đay trên mặt
Nổi mề đay ở mặt thường tự khỏi. Tuy nhiên việc chăm sóc đúng cách là điều cần thiết để giảm thiểu khó chịu và ngăn chặn tình trạng trở nên tồi tệ hơn. Những trường hợp nặng có thể dùng thuốc theo chỉ định của bác sĩ.
1. Chăm sóc tại nhà
Các bước chăm sóc khi bị nổi mề đay ở mặt:
- Xác định và tránh nguyên nhân gây dị ứng (nếu có): Cố gắng xác định nguyên nhân gây mề đay, như thức ăn, thuốc hoặc các yếu tố môi trường và tránh tiếp xúc với chúng.
- Chườm lạnh: Chườm khăn lạnh hoặc túi đá bọc trong khăn lên vùng da bệnh. Điều này giúp giảm sưng và ngứa.
- Giữ da mặt sạch và khô: Rửa mặt nhẹ nhàng bằng sữa rửa mặt dịu nhẹ và tránh sử dụng sản phẩm gây kích ứng. Ngoài ra cần buộc tóc gọn gàng, giữ mặt luôn khô thoáng, tránh đưa tay lên mặt.
- Tránh gãi hoặc chà xát da mặt: Gãi có thể làm tăng nguy cơ nhiễm trùng và làm trầm trọng thêm tình trạng.
- Chăm sóc da nhẹ nhàng: Sử dụng các sản phẩm chăm sóc da không mùi và dành cho da nhạy cảm. Nếu bị dị ứng/ kích ứng với mỹ phẩm, bạn có thể dùng cách bước chăm sóc da, chỉ nên sử dụng sữa rửa mặt và kem chống nắng.
- Giữ tâm trạng thoải mái: Stress có thể làm trầm trọng thêm tình trạng mề đay, vì vậy hãy cố gắng thư giãn và giảm căng thẳng.
- Tránh nhiệt độ quá cao hoặc quá thấp: Hạn chế tiếp xúc với nhiệt độ quá cao hoặc quá thấp, vì điều này có thể kích thích mề đay.
- Điều trị theo chỉ dẫn của bác sĩ: Nếu tình trạng không cải thiện hoặc trở nên tồi tệ hơn, bạn cần liên hệ với bác sĩ để nhận được lời khuyên và điều trị phù hợp.
2. Chữa nổi mề đay ở mặt bằng thuốc Tây
Trước hết, bác sĩ sẽ căn cứ vào những triệu chứng bệnh và kết quả xét nghiệm. Sau đó chỉ định dùng thuốc trị bệnh mề đay dựa trên mức độ nặng nhẹ.
Những loại thuốc thường dùng gồm:
- Thuốc chống dị ứng
- Corticosteroids toàn thân hoặc tại chỗ như Hydrocortisone (dùng cho trường hợp nặng)
- Thuốc kháng viêm không steroid
- Kem dưỡng ẩm
Lưu ý: Dùng thuốc theo chỉ định, không lạm dụng.
3. Sử dụng các phương pháp dân gian
Một số loại thảo dược có thể cấp ẩm và giảm ngứa do nổi mề đay trên mặt:
- Lá khế: Bạn đem một nắm lá khế rửa sạch và cho vào nồi nấu lấy nước. Sau khi đun khoảng 30 phút, bạn lấy nước này rửa mặt. Trong quá trình rửa, nên massage nhẹ nhàng để tinh chất của lá khế có thể sát khuẩn, giảm ngứa. Thực hiện cách làm này khoảng 3 lần/tuần để cải thiện tình trạng bệnh.
- Lô hội: Sử dụng mặt nạ lô hội giúp giảm ngứa mặt, làm dịu da và cấp ẩm, giúp da bớt sần sùi và mịn màng hơn. Lấy lô hội gọt bỏ vỏ và rửa sạch. Tiếp đến, xay nhuyễn nguyên liệu và thoa trực tiếp lên mặt . Với phương pháp này, áp dụng 2 – 3 lần/tuần để giảm nhanh cơn ngứa.
- Rễ cam thảo: Đem rễ cam thảo chặt thành từng khúc, rửa sạch và cho vào nồi nấu nước uống mỗi ngày sẽ giúp giảm ngứa và đỏ da.
Trên đây là một số nguyên nhân khiến người bệnh bị nổi mề đay trên mặt. Để biết được tình trạng ngứa da mặt của mình xuất phát từ nguyên nhân do đâu, người bệnh cần phải khám bác sĩ sớm. Tùy vào từng nguyên nhân, bác sĩ sẽ chỉ định phương pháp điều trị thích hợp nhất.
Có thể bạn quan tâm
- 20 cách trị nổi mề đay tại nhà giúp hết ngứa nhanh
- Nổi mề đay sưng môi và cách chữa trị hiệu quả nhất
Giải đáp thắc mắc của độc giả cùng chuyên gia của chúng tôi!