Bệnh Tan Máu Bẩm Sinh (thalassemia)
Bệnh tan máu bẩm sinh thalassemia là bệnh di truyền do thừa hưởng gen đột biến huyết sắc tố từ bố mẹ. Trẻ chào đời mắc bệnh thalassemia với nhiều mức độ, có thể nhẹ hoặc nặng và các biến chứng của bệnh cũng phụ thuộc vào yếu tố này. Điều trị thalassemia sớm bằng 2 phương pháp là truyền máu và thải sắt nhằm cải thiện tuổi thọ và nâng cao chất lượng cuộc sống cho bệnh nhân.
Tổng quan
Tan máu bẩm sinh (Thalassemia) là một dạng rối loạn máu di truyền từ bố mẹ sang con cái. Bệnh xảy ra khi cơ thể không sản xuất đủ lượng protein huyết sắc tố (thành phần quan trọng của tế bào). Khi không có đủ huyết sắc tố, các tế bào hồng cầu sẽ hoạt động bất thường và bị rút ngắn tuổi thọ.
Ở một người mắc bệnh tan máu bẩm sinh, cơ thể có rất ít các tế bào hồng cầu khỏe mạnh di chuyển trong máu. Điều này gây cảm giác mệt mỏi, yếu ớt và thường xuyên khó thở. Những trường hợp thiếu máu nặng có thể phá hủy các cơ quan nội tạng và dẫn đến tử vong.
Chứng tan máu bẩm sinh là một trong những căn bệnh di truyền phổ biến trên thế giới, xảy ra chủ yếu ở những quốc gia châu Á - Thái Bình Dương, Trung Đông, Địa Trung Hải. Thống kê có khoảng 7% dân số thế giới mang gen bệnh này. Nguy cơ mắc bệnh như nhau ở cả nam và nữ. Ước tính có khoảng 300.000 - 500.000 trẻ sinh ra mắc bệnh tan máu bẩm sinh nghiêm trọng.
Tại Việt Nam, có khoảng 12 triệu người mang gen bệnh và ước tính mỗi năm có khoảng 8000 trẻ sinh ra bị thalassemia và khoảng 2000 trẻ sinh ra mắc phải căn bệnh này ở mức độ nặng. Xuất hiện chủ yếu ở những tỉnh thành, khu vực sinh sống của người dân tộc như Mường, Tày, Ê đê, Thái...
Phân loại
Bệnh Thalassemia được chia làm 2 dạng chính gồm:
- α - Thalassemia (alpha): Alpha xảy ra khi một hoặc tất cả 4 gen alpha-globin bị thiếu hụt hoặc khiếm huyết. Bao gồm 4 dạng chính sau:
- Thể alpha thalassemia thầm lặng xảy ra khi bị thiếu hoặc khiếm khuyết 1 gen, 3 gen còn lại phát triển bình thường. Người mắc thể này thường sẽ là người mang mầm bệnh tan máu bẩm sinh nhưng không có biểu hiện;
- Thể alpha thalassemia nhẹ xảy ra khi có 2 gen phát triển bất thường, 2 gen bình thường và gây thiếu máu nhẹ;
- Thể bệnh huyết sắc tố H với 3 gen bị thiếu và chỉ còn 1 gen có khả năng hoạt động bình thường. Bệnh gây thiếu máu từ trung bình đến nặng và gây các triệu chứng nặng, nhất là khi người bệnh tiếp xúc với các điều kiện thuận lợi như hóa chất, thuốc, các tác nhân lây nhiễm. Người mắc bệnh này có nguy cơ cao sinh con mắc chứng alpha thalassemia thể nặng;
- Thể alpha thalassemia thể nặng xảy ra khi cả 4 gen huyết sắc tố đều thiếu hụt hoặc khiếm khuyết. Hậu quả gây thiếu máu nghiêm trọng và hầu hết các trường hợp em bé mắc căn bệnh bẩm sinh này sẽ chết trước khi sinh;
- β - Thalassemia (beta): Là chứng rối loạn máu di truyền gây ức chế khả năng sản sinh beta - globin trong cơ thể. Tình trạng này gây ra các triệu chứng thiếu máu từ nhẹ đến nặng. Bao gồm 4 thể chính sau:
- Beta thalassemia thể nặng (hay thiếu máu Cooley) xảy ra do thiếu hoặc khiếm khuyết 2 gen beta-globin;
- Beta thalassemia thể trung gian gây thiếu máu nhẹ hoặc trung bình. Bệnh cũng có liên quan đến việc thiếu hụt hoặc khiếm khuyết 2 gen beta-globin. Tuy nhiên, bệnh nhân không cần phải truyền máu suốt đời như thể nặng.
- Beta thalassemia thể nhẹ: Chỉ gây thiếu máu nhẹ do liên quan đến một gen beta-globin bị thiếu hụt hoặc khiếm khuyết. Bệnh nhân mắc thể thalassemia này thường có ít hoặc không có triệu chứng.
Tham khảo thêm: Thuốc giảm axit uric trong máu nên dùng loại nào & cần lưu ý gì?
Nguyên nhân và yếu tố nguy cơ
Nguyên nhân
Hemoglobin có cấu trúc gồm 4 chuỗi protein với 2 chuỗi alpha và 2 chuỗi beta. Mỗi chuỗi chứa đựng các thông tin di truyền và bộ gen của bố mẹ truyền sang cho con, Nếu có bất kỳ gen nào trong số các gen này bị lỗi, thiếu hụt hoặc khiếm khuyết đều khiến em bé chào đời mắc bệnh tan máu bẩm sinh Thalassemia.
Do đó, có thể nói bệnh thalassemia là kết quả của sự đột biến gen làm hạn chế sản xuất hemoglobin trong cơ thể. Dạng đột biến này thường là đột biến kiểu gen lặn trên nhiễm sắc thể thường. Xảy ra khi cả bố, mẹ đều mang bản sao của 1 gen đột biến và 1 gen bình thường. Trẻ được sinh ra với căn bệnh này khi thừa hưởng cả 2 bản sao đột biến từ bố lẫn mẹ.
Loại chuỗi protein bị lỗi và mức độ khiếm khuyết là 2 yếu tố quan trọng nhằm xác định dạng thalassemia và mức độ nghiêm trọng của bệnh. Qua đó, giúp đưa ra phác đồ điều trị phù hợp với từng trường hợp cụ thể.
Yếu tố nguy cơ
Các nghiên cứu khoa học đã chứng minh mối liên hệ giữa các đột biến gen gây bệnh thalassemia xảy ra ở con người với phản ứng bảo vệ chống bệnh sốt rét. Do đó, nếu có mối liên hệ gần hoặc tổ tiên ở những nơi có nguy cơ mắc bệnh sốt rét như Nam Âu, Châu Phi, Đông Á, Tây Nam... sẽ có tỷ lệ sinh con mắc bệnh thalassemia cao.
Triệu chứng và chẩn đoán
Triệu chứng
Mất cân bằng quá trình tổng hợp chuỗi globin khiến quá trình sản sinh hồng cầu diễn ra bất thường. Tùy vào mức độ khiếm khuyết gen sản sinh huyết sắc tố sẽ gây ra các triệu chứng chung gồm:
- Thiếu máu từ nhẹ đến nặng;
- Lách to;
- Thay đổi cấu trúc xương;
- Rối loạn quá trình chuyển hóa sắt;
- Rối loạn quá trình đông cầm máu;
Cụ thể triệu chứng ở từng cấp độ thalassemia như sau:
Không có triệu chứng
Những trường hợp mắc bệnh thalassemia do thiếu 1 gen beta hoặc 2 gen alpha, thường sẽ không gây ra triệu chứng nào bất thường về sức khỏe. Hoặc một số ít trường hợp chỉ thiếu máu nhẹ, thỉnh thoảng gây mệt mỏi.
Triệu chứng thể trung gian
Gây các triệu chứng thiếu máu nhẹ, kèm theo các biểu hiện sau:
- Trẻ kém tăng trưởng, chậm dậy thì;
- Xương phát triển bất thường, dễ bị loãng xương;
- Lá lách to;
- Da nhợt nhạt;
- Đau đầu;
Triệu chứng thalassemia nghiêm trọng
Những trường hợp thiếu 3 gen alpha (bệnh Hemoglobin H) hoặc thiếu 2 gen beta (bệnh thiếu máu Cooley) sẽ gây thiếu máu nghiêm trọng khi trẻ được 2 tuổi. Kèm theo các triệu chứng khác như:
- Trẻ chán ăn;
- Nước tiểu sẫm màu;
- Vàng da;
- Khó thở khi thực hiện các hoạt động gắng sức;
- Bụng sưng to;
- Yếu hoặc biến dạng xương tay, chân, mặt;
- Cấu trúc xương phát triển bất thường;
Chẩn đoán
Các triệu chứng thalassemia trung bình và nặng thường xuất hiện ồ ạt trong vòng 2 năm đầu đời của con. Đây là cũng là giai đoạn phát hiện bệnh chủ yếu. Ngoài đánh giá các triệu chứng lâm sàng kể trên, bác sĩ cũng sẽ yêu cầu thực hiện xét nghiệm máu nhằm xác định các yếu tố liên quan đến bệnh thalassemia.
- Xét nghiệm công thức máu toàn bộ (CBC): Có khả năng kiểm tra huyết sắc tố, đo số lượng và kích thước các tế bào hồng cầu. Đối với người bệnh thalassemia, trong máu thường có ít tế bào hồng cầu khỏe mạnh và cũng ít huyết sắc tố hơn bình thường.
- Đo số lượng tế bào hồng cầu non: Nhằm chẩn đoán xác định nguyên nhân khiến cơ thể không sản xuất đủ hồng cầu là do bất thường trong phát triển tủy xương. Ở người bệnh thalassemia nặng, số lượng tế bào hồng cầu non tăng cao do cơ thể đang cố gắng sản xuất nhiều tế bào hồng cầu bù đắp lượng hồng cầu chứa huyết sắc tố thiếu hụt.
- Xét nghiệm di truyền phân tử: Nhằm xác định dạng đột biến có liên quan đến bệnh thalassemia, chủ yếu là alpha - thalassemia.
- Điện di huyết sắc tố: Giúp tìm kiếm và xác định loại huyết sắc tố với định lượng A2 và F, chẩn đoán beta - thalassemia.
- Xét nghiệm FEP: Đánh giá lượng protoporphyrin hồng cầu tự do và ferritin nhằm loại trừ bệnh thiếu máu do sắt.
Những xét nghiệm này được thực hiện chỉ với 1 lần lấy máu duy nhất. Riêng đối với phụ nữ mang thai mang gen đột biến huyết sắc tố, có thể được chẩn đoán nguy cơ mắc bệnh tan máu bẩm sinh ở trẻ bằng 2 cách:
- Lấy mẫu lông nhung màng đệm (CVS): Nhằm kiểm tra nhau thai, tìm kiếm dấu hiệu đột biến gen;
- Chọc ối: Kiểm tra chất dịch lỏng xung quanh nhau thai để phát hiện các dấu hiệu bất thường liên quan đến bệnh thalassemia;
- Xét nghiệm DNA: Trong những trường hợp cần thiết để chẩn đoán bệnh thalassemia;
Tham khảo thêm: Khạc đờm ra máu tươi có nguy hiểm không?
Biến chứng và tiên lượng
Bệnh tan máu bẩm sinh thalassemia không được điều trị sớm hoặc được điều trị, truyền máu đầy đủ đều gây ra những biến chứng khó lường cho sức khỏe. Chẳng hạn như:
- Ứ đọng sắt do truyền máu liên tục khiến cơ thể dễ bị suy tạng, xơ hóa, sỏi mật;
- Biến dạng xương vùng mặt, răng vẩu, mũi tẹt, dễ loãng xương, gãy xương;
- Chậm phát triển thể chất;
- Da sạm, nám;
- Vàng củng mạc mắt;
- Chậm phát triển thể chất;
- Tăng nguy cơ mắc các bệnh nhiễm trùng, nhất là ở những bệnh nhân đã từng phẫu thuật cắt bỏ lá lách;
- Các biến chứng tim mạch như rối loạn nhịp tim, suy tim, dẫn đến tử vong;
Tiên lượng tuổi thọ và sức khỏe của người bệnh thalassemia bẩm sinh tùy thuộc vào nhiều yếu tố như mức độ bệnh nặng hay nhẹ.
- Trường hợp đột biến gen không nghiêm trọng, gây thiếu máu nhẹ, người bệnh có thể sống khỏe và có tuổi thọ như bình thường.
- Ngược lại, nếu đột biến gen bệnh thalassemia nghiêm trọng, thiếu máu nặng bắt buộc phải truyền máu và thực hiện liệu pháp thải sắt liên tục để duy trì sự sống.
Điều trị
Tan huyết bẩm sinh thalassemia là bệnh di truyền do đột biến gen nên không có biện pháp điều trị khỏi hoàn toàn, trừ khi được cấy ghép tủy sống khỏe mạnh thay thế. Tuy nhiên, phương pháp này tiềm ẩn nhiều rủi ro, biến chứng tử vong. Ngoài ra, nguồn hiến tặng tủy cũng rất khan hiếm hoặc không tương thích.
Mục tiêu điều trị bệnh thalassemia là truyền máu và thải sắt liên tục, kết hợp một số biện pháp hỗ trợ khác nhằm cải thiện triệu chứng, nâng cao thể trạng và giảm thiểu biến chứng.
Truyền máu
Được thực hiện bằng cách tiêm truyền máu khỏe mạnh thông qua tĩnh mạch nhằm điều hòa ổn định nồng độ bình thường của các tế bào hồng cầu và huyết sắc tố trong cơ thể. Liệu trình truyền máu khoảng 4 tháng/ lần đối với thể thalassemia trung bình - nặng hoặc 2 - 4 lần/ tuần đối với thể beta thalassemia nặng.
Ngoài ra, chỉ định truyền máu còn được chỉ định trong những trường hợp cần thiết như trong đợt nhiễm trùng, đối với bệnh huyết sắc tố H hoặc beta thalassemia thể trung gian.
Liệu pháp thải sắt
Đây là biện pháp loại bỏ lượng sắt dư thừa ra khỏi cơ thể, được thực hiện sau đợt truyền máu nhằm giảm nguy cơ gây ra tình trạng quá tải sắt. Vì nếu truyền máu liên tục sẽ khiến cơ thể tích tụ lượng lớn chất sắt phá hủy các cơ quan nội tạng.
Liệu pháp thải sắt có thể được áp dụng bằng các loại thuốc viên uống, có tác dụng ổn định nồng độ sắt trong cơ thể về giới hạn bình thường. Bệnh nhân thalassemia được khuyến cáo sử dụng thuốc thải sắt trong suốt quãng đời còn lại.
Phẫu thuật cắt lách
Phương pháp này được chỉ định trong những trường hợp sau:
- Bệnh nhân thalassemia phải tăng nhu cầu truyền máu cao hơn 50% so với ban đầu, kéo dài liên tục trong vòng 6 tháng;
- Lá lách phát triển quá to gây đau nhức;
- Chứng cường lách làm giảm tiểu cầu hoặc bạch cầu mức độ nặng;
Các biện pháp hỗ trợ khác
Một số biện pháp hỗ trợ điều trị bệnh thalassemia khác như:
- Luspatercept: Đây là loại thuốc dạng tiêm, được chỉ định tiêm 3 tuần/ lần nhằm kích thích cơ thể sản sinh nhiều tế bào hồng cầu hơn, cải thiện mức độ thiếu máu.
- Bổ sung acid folic: Nhằm điều trị tình trạng giảm lượng vitamin B9 trong cơ thể. Đây là loại vitamin có khả năng hình thành và sản sinh các tế bào hồng cầu khỏe mạnh cho cơ thể. Bác sĩ thường đề nghị bệnh nhân bổ sung acid folic nếu mắc thể beta thalassemia nhẹ.
Kết hợp chăm sóc tích cực
Bệnh nhân tan máu bẩm sinh cần có kế hoạch chăm sóc tích cực trong quá trình điều trị truyền máu và thải sắt nhằm duy trì thể trạng, sức khỏe tốt.
Về chế độ ăn uống
Cần có thực đơn ăn uống khoa học, tốt cho sức khỏe như:
- Ưu tiên chọn những loại thực phẩm chứa nhiều năng lượng, giàu vitamin E và giảm thiểu các thực phẩm giàu sắt, vitamin C như:
- Nên ăn: ngũ cốc, sữa & các chế phẩm từ sữa, dầu đậu nành, dầu ô liu, bơ, hạnh nhân, trà, cà phê, trà xanh, rau oregano, các loại thịt trắng... giảm khả năng hấp thụ sắt;
- Nên kiêng: các loại hải sản, thịt đỏ, rau củ nhiều sắt như rau ngót, khoai tây, củ cải, bưởi, cam, các loại thực phẩm chế biến lên men...
Về chế độ sinh hoạt
Bệnh nhân thalassemia có thể sinh hoạt như người bình thường, tuy nhiên cần lưu ý một số vấn đề sau:
- Tránh vận động nặng, thực hiện các hoạt động gắng sức;
- Giữ vệ sinh thân thể, rửa tay sạch sẽ bằng xà phòng diệt khuẩn để tránh nguy cơ mắc các bệnh nhiễm trùng;
- Ăn uống đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm;
- Giữ ấm cơ thể kỹ lưỡng khi trời lạnh;
- Duy trì thói quen tập thể dục nhẹ nhàng như đi bộ, yoga và tập vừa sức, đúng lứa tuổi, phù hợp với tình trạng bệnh;
Tham khảo thêm: Kinh nguyệt ra nhiều cục máu đông cảnh báo điều gì?
Phòng ngừa
Đột biến gen gây rối loạn sản xuất tế bào hồng cầu là một quá trình không thể can thiệp và chỉ xảy ra con cái thừa hưởng gen bệnh từ bố mẹ. Do đó, thalassemia là bệnh có tính chất gia đình và rất khó để phòng ngừa.
Tuy nhiên, để tránh nguy cơ sinh con mắc bệnh tan máu bẩm sinh, các cặp vợ chồng cần tuân thủ thực hiện các biện pháp sau:
- Nếu biết bản thân mang gen bệnh, cần thông báo cho bác sĩ chuyên khoa để được tư vấn và quản lý, theo dõi nguồn gen khi có nhu cầu sinh con, giảm nguy cơ con sinh ra mắc thalassemia thể nặng.
- Khám sức khỏe tiền hôn nhân để tầm soát, sàng lọc các bệnh lý di truyền, trong đó có bệnh thalassemia và chẩn đoán, điều trị bệnh sớm trước sinh.
- Đối với phụ nữ mang thai, cần thực hiện các biện pháp kiểm tra sàng lọc trước sinh ngay trong giai đoạn đầu nhằm phát hiện đột biến gen bệnh bất thường. Trong trường hợp xấu nhất, thai nhi được chẩn đoán thalassemia thể nặng có thể đình chỉ thai.
Những câu hỏi quan trọng khi đi khám
1. Bệnh tan máu bẩm sinh thalassemia có phải bệnh di truyền không?
2. Cần thực hiện các xét nghiệm nào để chẩn đoán bệnh thalassemia?
3. Con tôi bị thalassemia thể nào?
4. Mức độ bệnh có nghiêm trọng không?
5. Con tôi mắc bệnh thalassemia sống được bao lâu?
6. Bệnh thalassemia của con tôi có chữa khỏi được không?
7. Điều trị bệnh thalassemia bằng phương pháp nào tốt nhất?
8. Những biến chứng có thể xảy ra trong quá trình điều trị bệnh thalassemia? Tôi cần làm gì để xử lý?
9. Quá trình truyền máu và thải sắt điều trị thalassemia kéo dài trong bao lâu?
10. Tôi cần làm gì để giảm nguy cơ sinh con mắc bệnh thalassemia trong lần mang thai tiếp theo?
Đa số các trường hợp mắc bệnh tan máu bẩm sinh thalassemia đều có tiên lượng tốt nhờ đáp ứng điều trị bằng phương pháp truyền máu và thải sắt. Tuổi thọ bệnh nhân cũng rất cao nếu duy trì tốt việc điều trị. Do đó, nếu không may sinh con mắc phải bệnh thalassemia, hãy nhanh chóng đưa trẻ đến bệnh viện thăm khám, chẩn đoán và điều trị càng sớm càng tốt.
Có thể bạn quan tâm:
- Chảy máu dạ dày – Nguyên nhân, biểu hiện và cách điều trị
- Bà bầu đi ngoài ra máu có sao không và cách xử lý an toàn
Giải đáp thắc mắc của độc giả cùng chuyên gia của chúng tôi!