Sa tử cung
Sa tử cung là một trong những dạng sa tạng chậu thường gặp ở phụ nữ. Tình trạng này phổ biến ở phụ nữ đã trải qua nhiều lần sinh nở, thừa cân hoặc đã mãn kinh. Bệnh đặc trưng với các triệu chứng như táo bón, rỉ nước tiểu, đau sàn chậu, đau rát khi quan hệ... Các chọn lựa điều trị sa tử cung được bác sĩ khuyến nghị như đặt vòng nâng Pessary, dùng thuốc, vật lý trị liệu hoặc phẫu thuật.
Tổng quan
Sa tử cung (Uterine Prolapse) là tình trạng tử cung và các mô xung quanh tử cung bị sa xuống khỏi vị trí ban đầu và chui vào trong ống âm đạo. Tình trạng này xảy ra ở nữ giới, đặc biệt những người sau mạn kinh hoặc sinh con nhiều lần qua ngả âm đạo.
Bệnh lý này xảy ra do hệ thống mô, cơ, dây chằng trong khung chậu hay còn gọi là cơ sàn chậu bị suy yếu, lỏng lẻo. Nhiệm vụ của những cơ này là hỗ trợ tử cung, âm đạo, bàng quang, trực tràng và các cơ quan khác trong vùng chậu được giữ nguyên cố định tại vị trí vốn có. Khi các cơ sàn chậu suy yếu, tổn thương quá mức sẽ không còn giữ được các cơ quan này, khiến chúng thoát vị ra khỏi âm đạo.
Mức độ sa tử cung có thể nhẹ hoặc nặng tùy theo mức độ suy yếu của cơ sàn chậu nâng đỡ tử cung. Trường hợp sa nhẹ, tử cung có thể bị ép và tạo ra khối phình trong âm đạo hoặc chỉ thập thò ở cửa âm đạo. Nhưng nếu mức độ sa nghiêm trọng, tử cung có thể trượt hẳn ra khỏi âm đạo.
Những người bị sa tử cung thường phát triển kèm theo một số dạng sa tạng chậu khác như sa bàng quang, sa trực tràng, sa ruột non... Tình trạng này khá phổ biến, nguy cơ mắc bệnh tăng dần theo độ tuổi, tuổi càng lớn nguy cơ sa tử cung càng cao.
Phân loại
Sa tử cung được phân chia làm 4 giai đoạn chính dựa vào mức độ và tính chất, đặc điểm bệnh. Cụ thể gồm:
- Giai đoạn 1: Tử cung sa xuống phần trên cùng của âm đạo;
- Giai đoạn 2: Tử cung sa xuống phần dưới âm đạo;
- Giai đoạn 3: Tử cung nhú một phần nhỏ ra khỏi âm đạo;
- Giai đoạn 4: Toàn bộ tử cung của bạn trượt hẳn ra khỏi âm đạo;
Việc phân chia giai đoạn giúp chẩn đoán từng giai đoạn bệnh và phục vụ công tác điều trị cho phù hợp.
Nguyên nhân và yếu tố nguy cơ
Sự suy yếu, tổn thương của các cơ sàn chậu là nguyên nhân chính gây sa tử cung. Điều này khiến các cấu trúc cơ liên kết trở nên lỏng lẻo, không còn đủ vững chắc để giữ cố định tử cung đúng vị trí, dẫn đến thoát vị.
Nguyên nhân
Có nhiều nguyên nhân gây yếu cơ sàn chậu bao gồm:
- Mãn kinh: Mãn kinh là giai đoạn buồng trứng ngưng hoạt động sản xuất các hormone giúp điều hòa chu kỳ kinh nguyệt mỗi tháng, trong đó có estrogen. Đây là loại hormone đóng vai trò chính trong việc giữ cho các cơ vùng chậu luôn khỏe mạnh. Do đó, khi thiếu hụt loại hormone này, nguy cơ sa tử cung sẽ rất cao.
- Mang thai: Những chấn thương khó lường trong thai kỳ hoặc trong lúc sinh nở như thai lớn, sinh khó,... là những nguyên nhân khiến mô cơ sàn chậu suy yếu, dẫn đến sa tử cung.
- Lão hóa: Sự lão hóa nhanh chóng của cơ thể, bao gồm cả hệ thống cơ sàn chậu làm mất trương lực cơ, tăng nguy cơ gây sa tử cung.
- Chấn thương: Tai nạn hoặc các phẫu thuật vùng xương chậu khiến hệ thống cơ, dây chằng ở vùng này bị tổn thương và suy yếu. Nếu không được điều trị phục hồi trở lại, có thể gây ra sa tử cung.
- Yếu tố di truyền: Tiền sử gia đình có người từng bị sa tử cung khiến bạn có nguy cơ cao mắc bệnh này hơn người khác. Ngoài ra, lịch sử di truyền cũng góp phần quan trọng trong việc di truyền gen bệnh. Thống kê cho thấy, phụ nữ gốc Bắc Âu có nguy cơ bị sa tử cung cao hơn phụ nữ châu Á, châu Phi.
Yếu tố nguy cơ
Một số yếu tố rủi ro làm tăng nguy cơ gây yếu cơ sàn chậu, dẫn đến sa tử cung như:
- Sinh con nhiều lần qua đường âm đạo;
- Sinh đôi, sinh ba;
- Kích thước thai quá lớn;
- Lao động nặng, quá sức khi vừa sinh xong;
- Phụ nữ lớn tuổi;
- Thường xuyên khuân vác vật nặng và sai tư thế;
- Mắc các bệnh lý gây ho mãn tính (Rối loạn tắc nghẽn phổi mãn tính - COPD);
- Táo bón mãn tính;
- Thừa cân béo phì;
- Nghiện hút thuốc lá;
- Người da trắng có nguy cơ bị sa tử cung cao hơn người màu;
Triệu chứng và chẩn đoán
Triệu chứng
Tùy theo mức độ sa tử cung nặng hay nhẹ, các triệu chứng sẽ ở từng trường hợp bệnh sẽ được biểu hiện khác nhau. Có thể kể đến một số triệu chứng đặc trưng như:
- Cảm giác nặng trĩu, khó chịu vùng xương chậu;
- Cảm nhận có áp lực trong âm đạo;
- Gây khó khăn khi đại - tiểu tiện;
- Rò rỉ nước tiểu mỗi khi thực hiện các hoạt động gắng sức như cười, nói, chạy nhảy hoặc khuân vác vật nặng;
- Nhìn thấy mô phình nhú ra khỏi âm đạo;
- Đau đớn khi quan hệ tình dục;
- Gặp khó khăn trong việc đưa tampon hay một số dụng cụ cần thiết vào trong âm đạo (chẳng hạn như khi thăm khám phụ khoa);
Theo thời gian, mức độ sa tử cung ngày càng nặng khiến các triệu chứng bộc lộ càng rõ rệt. Khuyến cáo người bệnh nên chủ động thăm khám từ lúc phát hiện các triệu chứng đầu tiên để được chẩn đoán và điều trị bằng phương pháp phù hợp.
Chẩn đoán
Để chẩn đoán sa tử cung, bệnh nhân sẽ được kiểm tra vùng chậu nhằm đánh giá tình trạng của âm đạo và tử cung. Bác sĩ sẽ dùng dụng cụ mỏ vịt đưa vào bên trong lỗ âm đạo để kiểm tra tình trạng bên trong. Bệnh nhân được yêu cầu thử ho, rặn mạnh hoặc siết cơ sàn chậu lại để đánh giá mức độ suy yếu, tổn thương.
Tình trạng sa tử cung giai đoạn 2, 3 & 4 có thể phát hiện được thông qua bước thăm khám lâm sàng này. Trường hợp muốn xác nhận chẩn đoán và kiểm tra các cơ quan xung quanh trong vùng chậu, bác sĩ sẽ chỉ định thực hiện các xét nghiệm hình ảnh hỗ trợ như siêu âm hoặc chụp X quang hoặc MRI để nhìn chi tiết tử cung và các cấu trúc xung quanh.
Biến chứng và tiên lượng
Sa tử cung được các chuyên gia đánh giá là tình trạng sức khỏe không gây nguy hiểm đến tính mạng. Tuy nhiên, với những trường hợp bị sa tử cung nghiêm trọng, toàn bộ tử cung thoát ra khỏi âm đạo nhưng không được điều trị kịp thời sẽ gây ra nhiều biến chứng, rủi ro sau:
- Nhiễm trùng, viêm loét: Các lớp mô tử cung nhô ra khỏi âm đạo thường xuyên cọ xát với quần lót. Sự ma sát này khiến tử cung trở nên nhạy cảm, dễ bị tổn thương. Kết hợp với yếu tố ẩm ướt đặc thù của vùng kín làm tăng nguy cơ nhiễm trùng và viêm loét âm đạo.
- Sa các cơ quan khác: Sa tử cung thường phát triển kèm theo với các dạng sa tạng chậu khác do cơ sàn chậu có nhiệm vụ nâng đỡ cùng lúc rất nhiều cơ quan. Trong đó, phổ biến nhất là sa bàng quang, sa trực tràng...
Hầu hết các trường hợp bị sa tử cung đều không quá nghiêm trọng và có tiên lượng điều trị phục hồi tốt. Sa tử cung không thể tử phục hồi nếu không được điều trị tích cực, bệnh còn tiến triển nặng theo thời gian gây nhiều biến chứng ngoài ý muốn. Do đó, hãy sớm thăm khám tại bệnh viện chuyên khoa để được chẩn đoán và điều trị kịp thời.
Điều trị
Một số phương pháp điều trị sa tử cung được áp dụng phổ biến hiện nay bao gồm:
Điều trị không phẫu thuật
Trong trường hợp bị sa tử cung nhẹ, bác sĩ sẽ khuyến nghị hoặc chỉ định cho bệnh nhân thực hiện các biện pháp điều trị bảo tồn. Mục đích nhằm cải thiện triệu chứng và thúc đẩy sự phục hồi cả về vị trí lẫn chức năng của tử cung một cách an toàn.
- Tập Kegel: Những bài tập Kegel được nghiên cứu và chứng minh có khả năng cải thiện, nâng cao sức mạnh các cơ sàn chậu. Chỉ cần kiên trì tập luyện hàng ngày, các cơ sàn chậu của bạn sẽ mạnh mẽ trở lại sau một thời gian ngắn. Cách tập luyện cũng rất đơn giản, chỉ cần thực hiện bước siết chặt các cơ vùng chậu giống như đang nhịn tiểu trong 7 - 10 lần. Thực hiện ít nhất 4 đợt/ ngày và cố gắng tập luyện càng lâu càng tốt để đạt kết quả tốt nhất.
- Đặt vòng âm đạo: Vòng âm đạo có tên tiếng Anh là Pessary, nó là dụng cụ hình tròn và được làm từ nhựa, cao su. Vòng được thiết kế vừa vặn với tử cung hoặc cổ tử cung, nhằm giúp nâng đỡ tử cung nằm đúng vị trí ban đầu. Ưu điểm của chiếc vòng này là nhỏ gọn, hiệu quả và dễ sử dụng. Tuy nhiên, vòng phải được lấy ra vệ sinh hàng ngày hoặc tháo ra trước khi quan hệ tình dục.
- Điều trị bằng thuốc: Liệu pháp hormone thay thế được bác sĩ chỉ định sử dụng nhằm phục hồi sức mạnh và sự linh hoạt của các mô trong âm đạo. Thuốc được điều chế dưới dạng kem bôi hoặc thuốc đặt có chứa estrogen. Phương pháp này thường chỉ áp dụng cho phụ nữ lớn tuổi sau mãn kinh.
- Điều chỉnh lối sống, sinh hoạt: Thay đổi chế độ ăn uống và lối sống sinh hoạt lành mạnh nhằm cải thiện tình trạng táo bón. Chú ý ăn uống nhiều chất xơ, giảm cân phù hợp để giảm bớt áp lực lên cơ sàn chậu...
Điều trị phẫu thuật
Với những trường hợp nghiêm trọng hơn, phương pháp phẫu thuật có thể được chỉ định khi cần thiết. Tùy theo mức độ sa tử cung, tình trạng tổn thương và nhu cầu mong muốn của bệnh nhân, bác sĩ sẽ chỉ định áp dụng phương pháp phẫu thuật phù hợp.
Có 2 phương pháp phẫu thuật điều trị sa tử cung chính gồm:
- Sửa chữa và bảo tồn tử cung: Nhằm mục đích đưa tử cung về đúng vị trí ban đầu, phục hồi chức năng trở lại như bình thường. Kỹ thuật mổ được thực hiện bằng cách gắn nối các dây chằng vùng chậu vào phần dưới của tử cung để cố định vị trí. Phẫu thuật này có thể được thực hiện thông qua ngả bụng hoặc ngả âm đạo.
- Cắt bỏ tử cung: Cắt bỏ tử cung chỉ được áp dụng cho những bệnh nhân bị sa tử cung hoàn toàn và không còn mong muốn sinh thêm con. Bác sĩ sẽ tiến hành phẫu thuật qua đường âm đạo hoặc qua bụng tùy theo chỉ định ban đầu.
Phòng ngừa
Chị em phụ nữ có thể phòng ngừa sa tử cung bằng một số biện pháp đơn giản sau:
- Tăng cường ăn uống các loại thực phẩm giàu chất xơ như rau xanh, củ quả, trái cây tươi, ngũ cốc, đậu nguyên hạt... ngăn ngừa táo bón.
- Tập thể dục điều độ mỗi ngày và tập vừa sức để duy trì cân nặng phù hợp, tránh tăng cân đột ngột.
- Tạo thói quen thực hiện các bài tập Kegel, Squats, Planks mỗi ngày để duy trì sức mạnh cơ sàn chậu.
- Đại tiện ngay khi có nhu cầu và đúng cách, không rặn quá mạnh, không ngồi quá lâu khi đại tiện.
- Hạn chế hoặc tránh khuân vác vật nặng quá sức. Hoặc nâng đúng tư thế sử dụng lực vùng tay, chân, lưng thẳng để tránh tạo áp lực lên vùng xương chậu.
- Kiểm soát và điều trị dứt điểm tình trạng ho mãn tính, viêm phế quản, viêm phổi... để giảm thiểu áp lực lên hệ thống cơ sàn chậu.
- Nói không với thuốc lá và các chất kích thích không tốt cho sức khỏe.
Những câu hỏi quan trọng khi đi khám
1. Nguyên nhân khiến tôi bị sa tử cung là gì?
2. Mức độ sa tử cung tử cung của tôi có nặng không?
3. Làm cách nào để chẩn đoán sa tử cung?
4. Sa tử cung gây ảnh hưởng như thế nào đến sức khỏe và cuộc sống của tôi?
5. Bị sa tử cung có chữa khỏi được không?
6. Tôi nên điều trị sa tử cung bằng phương pháp bảo tồn hay phẫu thuật?
7. Nếu điều trị bảo tồn thì mất bao lâu tôi có thể khỏi bệnh?
8. Khi nào tôi phải phẫu thuật sửa chữa tử cung?
9. Chi phí điều trị sa tử cung có tốn kém không? Có dùng BHYT được không?
10. Bệnh sa tử cung có tái phát sau điều trị không?
Sa tử cung tuy không nguy hiểm đến tính mạng nhưng những ảnh hưởng của bệnh đến sức khỏe thể chất, đời sống tình dục, sinh hoạt hàng ngày là rất khó lường. Đa số các trường hợp bệnh đều có tiên lượng tốt sau khi được điều trị tích cực và kịp thời. Do đó, khuyến nghị chị em phụ nữ nên thăm khám ngay khi phát hiện các dấu hiệu bất thường để được chẩn đoán và điều trị phù hợp.
Có thể bạn quan tâm:
Giải đáp thắc mắc của độc giả cùng chuyên gia của chúng tôi!