Nhiễm Ấu Trùng Sán Lợn
Nhiễm ấu trùng sán lợn xảy ra khi bạn ăn hoặc uống thực phẩm chứa ấu trùng sán dây lợn. Bệnh đặc trưng với các triệu chứng tổn thương hệ thần kinh, cơ, mắt... và gây nhiều biến chứng nguy hiểm nếu không điều trị. Đa số các trường hợp phát hiện nhiễm ấu trùng sán lợn chỉ cần dùng thuốc diệt ký sinh trùng kết hợp thuốc chống viêm sẽ giúp kiểm soát bệnh nhanh chóng.
Tổng quan
Nhiễm ấu trùng sán lợn (Cysticercosis) xảy ra khi bạn nhiễm trứng của ký sinh trùng sán dây Taenia solium. Ấu trùng sán dây được nuốt vào cơ thể sẽ phát triển và xâm nhập vào các mô cơ, mô não, mắt... và hình thành các u nang cysticerci.
Bạn có thể nhiễm ấu trùng sán lớn do sử dụng thức ăn, nước uống chứa ấu trùng T. solium. Ngoài ra, bệnh còn lây qua đường phân - miệng sau khi tiếp xúc với phân của người nhiễm bệnh.
Bệnh nhiễm ấu trùng sán lợn thường được phát hiện ở các vùng nông thôn châu Á, Đông Âu, Trung - Nam Mỹ, châu Phi cận Sahara... Ước tính có khoảng 2.7 triệu người trên thế giới mắc bệnh nhiễm ấu trùng sán lợn, trong đó khoảng 2% số ca phải nhập viện cấp cứu vì biến chứng co giật nặng.
Nguyên nhân và yếu tố nguy cơ
Nhiễm nang trứng của ký sinh trùng sán lợn T.solium là nguyên nhân gây ra bệnh lý này. Sán dây lợn là một trong những loại sán dây phổ biến, bên cạnh sán dây bò (Taenia saginata), sán dây cá (Diphyllobothrium latum), sán dây lùn (Hymenolepis nana), sán dây châu Á (Taenia asiatica)...
Trứng sán dây lợn thường có hình cầu, đường kính khoảng 35mm và có vỏ dày. Cấu trúc bên trong chứa phôi 6 móc. Sau khi vào trong cơ thể người, trứng sẽ tồn tại trong ruột và kích hoạt phôi 6 móc xuyên qua các vách ruột để xâm nhập vào hệ tuần hoàn.
Chúng di chuyển trong các mô và tạo thành các túi nang ở não, mắt, cơ bắp...Chúng có thể tồn tại mà không gây ra bất kỳ triệu chứng nào, trừ khi tích tụ nhiều u nang cùng một chỗ. Do đó, hầu hết những người nhiễm ấu trùng sán lợn nhiều năm vẫn không phát hiện bệnh. Chỉ khi chúng chết đi, hệ miễn dịch mới phản ứng lại và khởi phát triệu chứng.
Trường hợp nhiễm ấu trùng sán lợn ở hệ thần kinh trung ương, các u nang chết đi có thể để lại những mảng cứng vôi hóa trong não. Hậu quả gây đau đầu, sưng não, co giật và nhiều vấn đề thần kinh nghiêm trọng khác.
Bạn có thể nhiễm ấu trùng sán lợn thông qua các con đường sau:
- Ăn uống thực phẩm chứa ấu trùng sán dây lợn;
- Dùng phân chứa ấu trùng để bón cho cây ăn quả, rau;
- Sơ chế thực phẩm qua loa, ăn rau, trái cây chưa rửa;
- Chạm tay vào miệng sau khi chạm vào phân;
Bệnh nhiễm ấu trùng sán lợn không xảy ra do ăn thịt lợn sống. Trường hợp này bạn sẽ nhiễm ký sinh trùng sán dây trưởng thành chứ không phải ấu trùng.
Tuy nhiên, các nhà khoa học đã khẳng định mối liên hệ giữa sán dây và ấu trùng nang lợn. Con người nhiễm sán dây do ăn thịt lợn sống chứa ấu trùng T.solium. Sau khi vào trong cơ thể, chúng sẽ gắn vào các niêm mạc ruột non và phát triển thành sán dây trưởng thành sau khoảng 2 tháng.
Triệu chứng và chẩn đoán
Triệu chứng
Các triệu chứng nhiễm ấu trùng sán lợn tùy thuộc vào vị trí và số lượng khối u nang tồn tại trong cơ thể. Bất kỳ vị trí nào cũng có thể là nơi phát triển lý tưởng của ấu trùng sán lợn, như não, mắt, mô cơ, tim, gan...
Trong đó, dạng bệnh phổ biến nhất là nhiễm ấu trùng sán lợn thần kinh, đặc trưng với các u nang ấu trùng tồn tại trong não và gây các triệu chứng viêm não sau:
- Đau đầu;
- Buồn nôn, nôn ói;
- Lú lẫn;
- Cứng cổ;
- Động kinh;
Trường hợp u nang ấu trùng sán dây lợn hình thành bên ngoài não và tủy sống được gọi là nhiễm ấu trùng sán lợn ngoài thần kinh. Tùy vào vị trí hình thành, bệnh nhân có thể gặp phải các dấu hiệu như:
- Triệu chứng trong cơ: Thường ít khi gây ra triệu chứng, tuy nhiên thỉnh thoảng bạn sẽ sờ thấy cục u dưới da, mềm;
- Triệu chứng ở mắt: U nang tồn tại trong mắt có thể gây các biểu hiện suy giảm thị lực như:
- Đau, đỏ, sưng mắt;
- Song thị;
- Hạn chế chuyển động mắt;
- Viêm mắt như viêm võng mạc, viêm màng bồ đào;
- Mắt lồi;
- Mất thị lực;
Chẩn đoán
Để chẩn đoán bệnh nhiễm ấu trùng sán lợn, sau bước thăm khám lâm sàng, đánh giá triệu chứng, thể trạng sức khỏe, kiểm tra yếu tố dịch tễ..., bệnh nhân có thể được yêu cầu thực hiện một số các xét nghiệm sau:
- Xét nghiệm máu: Nhằm tìm kiếm các kháng thể của cơ thể đối với ấu trùng T.solium, đánh giá tình trạng tăng bạch cầu ái toan hoặc soi tươi giúp phát hiện sự tồn tại của ký sinh trùng trong máu (kháng nguyên).
- Chẩn đoán hình ảnh: CT scan hoặc MRI có thể giúp phát hiện các ấu trùng nang sán tồn tại trong hệ thần kinh. Hình ảnh các nốt tròn vôi hóa hoặc vòng tròn dạng nhẫn có liên quan đến biến chứng phù não do nhiễm ấu trùng sán lợn.
- Các xét nghiệm hỗ trợ khác:
- Chọc dò thắt lưng tìm kháng thể hoặc kháng nguyên T.solium;
- Sinh thiết khối u da;
- Khám mắt kiểm tra thị lực;
Biến chứng và tiên lượng
Bệnh nhiễm ấu trùng sán lợn không có khả năng lây từ người sang người. Bạn chỉ có thể nhiễm bệnh khi nuốt trứng của ký sinh trùng sán lợn T.solium. Đa số các trường hợp bệnh đều có tiên lượng tốt, không quá nghiêm trọng nhờ phát hiện sớm và điều trị kịp thời.
Bệnh thường không gây tử vong, tuy nhiên sự phát triển nhanh chóng của ấu trùng có thể gây tổn thương nghiêm trọng cho não, hệ thần kinh và mắt. Người bệnh có thể gặp các biến chứng khó lường như:
- Co giật, động kinh;
- Viêm màng não;
- Các vấn đề thị lực;
Nguy cơ tử vong thường xuất phát do nhiễm trùng nặng khi vỡ u nang, ấu trùng được giải phóng lây lan kèm theo phản ứng dị ứng nghiêm trọng, không điều trị kịp thời. Những người có càng ít u nang ấu trùng và ít triệu chứng, tiên lượng bệnh thường tốt.
Điều trị
Nhiễm ấu trùng sán lợn là căn bệnh có thể điều trị được bằng các biện pháp sau:
Điều trị bằng thuốc
Dùng thuốc chống ký trùng là phương pháp điều trị nhiễm ấu trùng sán lợn hiệu quả nhất hiện nay. Đồng thời, kết hợp một số thuốc điều trị triệu chứng, biến chứng khác để đạt kết quả tối ưu.
Một số loại thuốc được chỉ định dùng phổ biến như:
- Thuốc chống ký sinh trùng như Praziquantel hoặc Albendazole;
- Thuốc giảm viêm Corticosteroid như Prednisolone hoặc Dexamethasone;
- Thuốc chống động kinh hoặc thuốc chống co giật như Phenytoin hoặc Carbamazepine;
Can thiệp ngoại khoa
Những bệnh nhân nhiễm ấu trùng sán lợn được chỉ định phẫu thuật nhằm điều trị các biến chứng nghiêm trọng ở não, gan, phổi... Phẫu thuật nhằm loại bỏ u nang hoặc đặt ống shunt dẫn lưu chất dịch lỏng tích tụ trong não sang một vùng khác để đào thải ra ngoài.
Phòng ngừa
Bệnh nhiễm ấu trùng sán lợn có thể phòng ngừa được bằng một thói quen sinh hoạt và ăn uống sạch sẽ, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Cụ thể như sau:
- Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng diệt khuẩn, nhất là sau khi khi vệ sinh, thay tã cho trẻ hoặc trước khi ăn, trước khi nấu thức ăn.
- Các loại trái cây, rau ăn sống nên rửa sạch nhiều lần, ngâm nước muối, dung dịch rửa chuyên dụng và gọt vỏ trước khi ăn.
- Chế biến và để riêng thực phẩm sống, chín, riêng với thịt heo sống cần được nấu chín với nhiệt độ ít nhất 70 độ C để tiêu diệt ấu trùng.
- Thịt heo nên được trữ đông ít nhất 7 - 10 ngày để tiêu diệt ấu trùng sán dây.
- Rửa sạch dao, thớt, kéo, chén, đĩa... sau khi sử dụng.
- Có biện pháp xử lý phân người, phân động vật đúng quy trình, giúp giảm thiểu tối đa nguy cơ tiếp xúc và nhiễm ấu trùng sán dây nói chung.
- Không được uống nguồn nước bẩn, chưa qua xử lý. Chỉ nên uống nước đun sôi để nguội, nước đóng chai hoặc sử dụng bộ lọc nước, hòa tan viên i ốt vào nước nếu đi du lịch ở những nơi có nguồn nước không đảm bảo.
Những câu hỏi quan trọng khi đi khám
1. Tôi bị buồn nôn, nôn ói, đau đầu, chóng mặt, cứng cổ, giảm thị lực... là dấu hiệu của bệnh gì?
2. Nguyên nhân khiến tôi bị nhiễm ấu trùng sán lợn?
3. Tình trạng bệnh của tôi có nghiêm trọng không?
4. Tôi cần thực hiện những xét nghiệm nào để chẩn đoán nhiễm ấu trùng sán lợn?
5. Bệnh nhiễm ấu trùng sán lợn có lây từ người sang người không?
6. Điều gì sẽ xảy ra nếu tôi không điều trị nhiễm ấu trùng sán lợn?
7. Phương pháp điều trị nhiễm ấu trùng sán lợn tốt nhất dành cho trường hợp của tôi?
8. Quá trình điều trị bệnh mất bao lâu thì khỏi?
9. Chi phí điều trị nhiễm ấu trùng sán lợn tốn bao nhiêu? Có dùng BHYT được không?
10. Tôi có thể tái nhiễm ấu trùng sán lợn sau điều trị hay không?
Nhiễm ấu trùng sán lợn tuy ít nguy hiểm tính mạng nhưng những ảnh hưởng của bệnh đến sức khỏe, thể chất là rất nghiêm trọng. Do đó, để giảm thiểu các rủi ro nhiễm bệnh, tốt nhất nên nâng cao ý thức trong việc giữ vệ sinh và đảm bảo an toàn thực phẩm, tuân thủ các nguyên tắc ăn uống đúng cách. Đồng thời, thăm khám và điều trị ngay khi phát hiện các dấu hiệu nghi ngờ nhiễm ấu trùng sán lợn.
Tham khảo thêm:
- Ký Sinh Trùng Gây Hôi Miệng – Thực Hư Đúng Hay Sai?
- Trẻ sơ sinh bị nhiễm khuẩn đường ruột – Tiêu chảy phải làm sao?
Giải đáp thắc mắc của độc giả cùng chuyên gia của chúng tôi!