Bệnh Động Kinh

Bác sĩ phụ trách

Bác sĩ Đỗ Thu Hiền

Bác sĩ điều trị

Động kinh là một dạng rối loạn co giật xảy ra kèm theo với một loạt các triệu chứng khác và có khuynh hướng lặp đi lặp lại. Động kinh rất dễ bị nhầm lẫn với những cơn co giật khác. Tuy nhiên, bản chất của động kinh không đến từ một nguyên nhân tiềm ẩn nào, đa phần là bẩm sinh, di truyền. Một người khi lên cơn động kinh cần được sơ cấp cứu khẩn cấp và tiến hành điều trị bằng biện pháp phù hợp để duy trì sức khỏe, ngăn ngừa biến chứng. 

Tổng quan

Động kinh (Epilepsy) còn được gọi là giật kinh phong hoặc phong xù theo dân gian. Đây là một chứng bệnh về hệ thần kinh gây rối loạn co giật do sự xáo trộn và lặp đi lặp lại một cách bất thường của một số nơ ron trong vỏ não.

Bệnh nhân lên cơn động kinh gây ra rất nhiều triệu chứng như bắp thịt, cơ co giật, sùi bọt mép, cắn lưỡi, trợn ngược mắt, tiểu tiện không tự chủ, bất tỉnh... Thời gian kéo dài cơn động kinh khoảng vài giây cho đến vài phút.

Động kinh là một dạng rối loạn xảy ra do các tế bào thần kinh phóng điện đột ngột, đặc trưng với cơn co giật mất ý thức

Bản chất của động kinh thường không có nguyên nhân tiềm ẩn và có xu hướng dễ tái phát. Do đó, những người lên cơn co giật do nguyên nhân cụ thể không phải do bệnh động kinh. Phần lớn xuất phát từ yếu tố di truyền và bẩm sinh.

Động kinh có thể xảy ra ở bất kỳ đối tượng nào, từ trẻ em đến người trưởng thành. Tại Việt Nam, tỷ lệ mắc bệnh động kinh là 0.5 - 0.7%, trong đó khoảng 30% các ca động kinh xảy ra ở trẻ em và 70% người động kinh < 20 tuổi.

Động kinh có thể điều trị được nếu phát hiện sớm và thăm khám kịp thời. Tùy theo mức độ bệnh, độ tuổi, nguyên nhân và thể trạng sức khỏe của bệnh nhân mà phác đồ điều trị sẽ khác nhau, có thể điều trị nội khoa hoặc hoặc dùng thuốc. Rất ít trường hợp phải phẫu thuật.

Phân loại

Dựa vào sự tác động của hệ thần kinh trung ương khi lên cơn động kinh, bệnh được phân chia làm 2 loại chính gồm:

Động kinh có 2 loại chính gồm động kinh cục bộ và động kinh toàn thể

Động kinh cục bộ (Focal seizures)

Là cơn động kinh xảy đến do một vị trí cụ thể trong não bộ hoạt động bất thường. Đối với dạng động kinh này được chia làm 2 dạng nhỏ gồm:

  • Động kinh cục bộ đơn giản: Người mắc dạng động kinh này thường sẽ không mất đi ý thức. Vẫn có những triệu chứng động kinh cơ bản khác như thay đổi cảm xúc, giác quan, co giật không kiểm soát, chóng mặt, có cảm giác ngứa ran như kim châm, dạ dày khó chịu...
  • Động kinh cục bộ phức tạp: Khi lên cơn động kinh, người bệnh sẽ bị mất đi ý thức và sự tỉnh táo. Mặc dù không bất tỉnh nhưng lại nhìn vô thức vào khoảng không, mất khả năng phản ứng lại với các tác nhân từ môi trường. Có thể kèm theo thực hiện các hành động lặp đi lặp lại như chà xát 2 tay vào nhau, đi vòng tròn hoặc nhai nuốt liên tục. Hoặc nếu có bất tỉnh thì sau khi tỉnh lại họ thường không nhớ những điều đã xảy ra.

Vì các triệu chứng động kinh cục bộ thường ở mức độ nhẹ và trung bình nên thường dễ bị nhầm lẫn với các rối loạn thần kinh khác bệnh tâm thần, chứng ngủ rũ hoặc đau nửa đầu.

Động kinh toàn thể (Generalized seizures)

Dạng động kinh này xảy ra khi tất cả các bộ phận trong não đều hoạt động bất thường. Động kinh toàn thể được chia làm 6 dạng nhỏ gồm:

  • Cơn động kinh mất ý thức (Absence seizures): Là những cơn động kinh dạng nhỏ, phổ biến ở trẻ em. Đặc trưng với các triệu chứng như mất ý thức tạm thời, nhìn chằm chằm vào khoảng không, thỉnh thoảng chớp mắt, môi mấp máy trong 5 - 10 giây. Dạng động kinh này thường xuất hiện theo chuỗi, thậm chí tái phát hơn 100 lần/ ngày.
  • Cơn động kinh co cứng ( Clonic seizures): Cơn động kinh đặc trưng với tình trạng cơ bắp bị căng cứng hết mức và kéo theo mất ý thức, gây té ngã đột ngột. Các nhóm cơ dễ bị ảnh hưởng nhất là cơ cánh tay, chân hoặc lưng.
  • Cơn động kinh co giật: Là những cơn động kinh gây co giật, khiến cơ thể tự động chuyển động lặp đi lặp lại theo nhịp. Các chuyển động bất thường này chủ yếu xảy ra ở vùng mặt, cổ, cánh tay.
  • Cơn động kinh giật cơ (Myoclonic seizures): Là những cơn động kinh dạng giật đột ngột, mạnh nhưng ngắn, chủ yếu xuất hiện ở chân, cánh tay hoặc các phần trên của cơ thể.
  • Cơn động kinh mất trương lực cơ (Akinetic seizures): Khi lên cơn động kinh, các nhóm cơ bắp trên cơ thể sẽ bị mất kiểm soát, khiến người bệnh té xuống đột ngột.
  • Cơn động kinh co cứng - co giật toàn thân (Tonic – Clonic seizures): Dạng động kinh này phổ biến ở người trưởng thành và cũng là dạng nguy hiểm nhất. Ban đầu bệnh nhân mất thăng bằng, té ngã, la hét, dần mất đi ý thức và xuất hiện co giật không kiểm soát, kèm theo tự cắn lưỡi hoặc tiểu tiện không tự chủ.

Ngoài 2 dạng chính này, động kinh còn có rất nhiều dạng khác nhưng ít phổ biến hơn như:

  • Động kinh cục bộ vận động (Bravais Jackson - BJ);
  • Động kinh thùy trán;
  • Động kinh thái dương;
  • Động kinh thùy chẩm;
  • Động kinh thùy đỉnh;
  • Cơn động kinh đặc biệt;
  • Hội chứng West;
  • Hội chứng Lennox Gastau;

Nguyên nhân và yếu tố nguy cơ

Bản chất của động kinh là sự rối loạn quá mức về chức năng hệ thần kinh trung ương từng cơn, kích thích các tế bào thần kinh phóng điện đột ngột. Tình trạng này được xác định do có liên quan đến tình trạng mất cân bằng các chất dẫn truyền thần kinh trong não như Gamma Aminobutyric Acid - GABA, Acetylcholine, Serotonin và tình trạng bất thường các yếu tố hóa học trong các tế bào não.

Nguyên nhân

Theo thống kê, có khoảng 50% trường hợp bệnh nhân lên cơn động kinh không rõ nguyên nhân. Với những trường hợp còn lại, động kinh có thể được khởi phát từ các yếu tố sau:

Di truyền, sốt hoặc các chấn thương, bệnh lý não bộ là nguyên nhân phổ biến gây ra cơn động kinh

  • Di truyền: Gen động kinh có thể di truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác. Tuy nhiên, không phải ai mang gen động kinh cũng sẽ phát bệnh, mà còn phụ thuộc vào các điều kiện môi trường, thể trạng, cơ địa người bệnh...
  • Chấn thương vùng đầu: Động kinh có thể khởi phát trong tương lai gần nếu xuất hiện các chấn thương nặng ở vùng đầu không được điều trị dứt điểm, tái phát.
  • Ảnh hưởng từ các bệnh lý về não bộ: Đột quỵ, có khối u trong não, dị dạng động xoang hang, động mạch não... khiến hệ thần kinh trung ương bị rối loạn, làm tăng nguy cơ động kinh. Trong đó, đột quỵ là nguyên nhân phổ biến nhất gây động kinh ở người trưởng thành.
  • Ảnh hưởng từ các bệnh nhiễm trùng: Nhiễm virus gây viêm não, viêm màng não, HIV... đều là những yếu tố làm tăng nguy cơ lên cơn động kinh.
  • Bất thường cấu trúc não: Cấu trúc não dị dạng bẩm sinh khi còn là thai nhi, nhiễm trùng lây lan từ người mẹ, có khối u trong não, rối loạn chức năng chuyển hóa não bẩm sinh hoặc bất thường não vô căn...
  • Trẻ bị rối loạn phát triển: Đối với trẻ em, một số trường hợp xảy ra cơn động kinh có liên quan đến các rối loạn phát triển, điển hình như bệnh tự kỷ.

Yếu tố nguy cơ 

  • Lạm dụng các chất kích thích (rượu bia, ma túy), thuốc chống trầm cảm;
  • Trẻ sốt cao quá mức nhưng không được hạ sốt kịp thời có thể tiến triển thành động kinh tại thời điểm đó hoặc khi đến tuổi trưởng thành;
  • Người đã từng có tiền sử đột quỵ hoặc mắc các bệnh lý tổn thương mạch máu;
  • Người trưởng thành mắc bệnh sa sút trí tuệ (Dementia);
  • Tuổi tác: 40% trường hợp động kinh ở trẻ < 10 tuổi, 50% các ca động kinh < 20 tuổi và ngày càng tăng tỷ lệ mắc sau 60 tuổi;

Triệu chứng và chẩn đoán

Các triệu chứng động kinh trên lâm sàng thường rất đa dạng và được biểu hiện dưới nhiều hình thức.

Lên cơn động kinh gây các triệu chứng đặc trưng như co giật, mất ý thức, té ngã, mắt trợn ngược, sùi bọt mép...

Triệu chứng

  • Co giật cơ bắp tại các vị trí như tứ chi, cơ ngực, thân, mặt...;
  • So với cơn co giật do tụt đường huyết, hạ canxi huyết, sau khi dung nạp nhiều rượu bia, chất kích thích, say nắng..., cơn co giật do động kinh được biểu hiện rất khác:
    • Co giật đến mức cả người tím tái, cắn vào lưỡi, 2 mắt trợn trừng, miệng sùi bọt mép, lẫn máu, môi nhấp nháy...;
    • Rơi vào ảo giác, lơ đãng, nhìn chằm chằm về phía trước, nói những lời vô nghĩa hoặc thực hiện những hành vi lặp lại liên tục;
    • Đột nhiên trở nên giận dữ hoặc sợ hãi, hoảng hốt đột ngột không rõ lý do;
    • Cảm giác có vị hoặc mùi lạ trong miệng, nhưng thực tế triệu chứng này không có thật;
    • Chóng mặt, hoa mắt và mất thăng bằng đột ngột;
    • Kèm theo co giật là các biểu hiện khác như buồn nôn, vã mồ hôi, tê ngứa da, đau bụng, mặt đỏ bùng, tim đập nhanh bất thường...;
  • Sau co giật rơi vào trạng thái hôn mê, mất ý thức hoàn toàn, tiểu tiện không kiểm soát;
  • Sau khi tỉnh dậy cảm thấy mệt mỏi, đầu đau như búa bổ, quên những gì xảy ra trước đó;

Chẩn đoán

Để chẩn đoán động kinh, xác định chính xác nguyên nhân và mức độ bác sĩ sẽ tiến hành thăm khám và thu thập các triệu chứng lâm sàng, điều tra tiền sử bệnh. Sau đó, tùy theo từng trường hợp sẽ chỉ định phương pháp xét nghiệm phù hợp:

Chẩn đoán động kinh thông qua các xét nghiệm hình ảnh kiểm tra chức năng não

  • Khám thần kinh: Bằng các bài test hành vi, khả năng và phạm vi vận động, chức năng tâm cùng nhiều vị trí, khu vực khác để xác định sơ bộ vùng não bị tổn thương.
  • Xét nghiệm máu: Xét nghiệm mẫu máu nhằm đánh giá các chỉ số công thức máu, tìm kiếm yếu tố nhiễm trùng, vấn đề di truyền và nhiều yếu tố khác có liên quan đến cơn co giật khi lên cơn động kinh.
  • Các xét nghiệm kiểm tra chức năng não:
    • Đo điện não đồ EEG lúc thức và lúc ngủ;
    • Chụp cộng hưởng từ MRI;
    • Chụp CT scan cắt lớp vi tính;
    • Chụp cắt lớp vi tính phát xạ photon (SPECT);

Biến chứng và tiên lượng

Bệnh động kinh gây ra nhiều ảnh hưởng khó lường cho sức khỏe và đời sống sinh hoạt, thậm chí cả tính mạng của người bệnh. Chẳng hạn như sau:

Trẻ bị động kinh thường chậm phát triển cả về thể chất lẫn trí tuệ

  • Lên cơn động kinh đột ngột khiến bệnh nhân rơi vào nguy hiểm, nhất là khi đang di chuyển trên đường, điều khiển phương tiện giao thông, điều khiển các thiết bị máy móc công suất lớn...;
  • Té ngã nghiêm trọng không có sự phòng bị có thể gây tổn thương đầu, xương vĩnh viễn, khó phục hồi;
  • Phụ nữ mang thai lên cơn động kinh đe dọa sức khỏe của mẹ và sự phát triển của thai nhi;
  • Trẻ em lên cơn động kinh nếu không được điều trị kịp thời gây biến chứng rối loạn hành vi và thiểu năng trí tuệ khi trưởng thành. Đồng thời, việc tái động kinh thường xuyên khiến hệ miễn dịch trẻ suy giảm, dễ mắc các bệnh nhiễm trùng, bệnh mãn tính khác làm tăng nguy cơ chậm phát triển thể chất, tử vong;
  • Thay đổi tính cách, nhân cách theo hướng tiêu cực, dễ giận dữ, ích kỷ, thực hiện những hành vi ác độc, gây ảnh hưởng đến những người xung quanh;
  • Ảnh hưởng sức khỏe sinh sản do điều trị động kinh kéo dài bằng thuốc, nhất là ở nam giới. Việc dùng thuốc động kinh trong thai kỳ còn làm tăng nguy cơ dị tật thai bẩm sinh;
  • Một người lên cơn động kinh co giật kéo dài liên tục trong khoảng 5 phút có thể gây tổn thương não vĩnh viễn, chết não và đột tử;

Động kinh là bệnh cần can thiệp điều trị y tế theo phác đồ và có tiên lượng khá tốt khi được điều trị kịp thời. Trên thực tế, đã có rất nhiều ca động kinh từ đơn giản cho đến phức tạp (tỷ lệ 70 - 80%) được điều trị khỏi hoàn toàn và quay trở lại cuộc sống bình thường.

Tuy nhiên, kết quả điều trị còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố, trong đó sự tuân thủ nghiêm ngặt và kỷ luật trong quá trình điều trị là điều kiện tiên quyết giúp kiểm soát bệnh tốt nhất.

Điều trị

Điều trị động kinh chủ yếu là kiểm soát cơn động kinh càng sớm càng tốt. Quá trình điều trị được đánh giá tương đối phức tạp do khó xác định nguyên nhân, cộng với thời gian cắt cơn động kinh thường kéo dài mới có thể thuyên giảm.

Có 2 phương pháp trị động kinh được áp dụng phổ biến nhất gồm:

1. Điều trị cấp cứu 

Một người đang lên cơn động kinh cần được sơ cứu khẩn cấp để ngăn ngừa tai biến. Nguyên tắc cấp cứu động kinh là giảm thiểu tan nạn, chấn thương cho bệnh nhân.

Cấp cứu kịp thời nhằm đảm bảo an toàn và ngăn ngừa tai biến đối với người đang lên cơn động kinh

  • Nới lỏng cổ áo để bệnh nhân dễ chịu hơn;
  • Đỡ bệnh nhân nằm nghiêng sang một bên, kê thêm gối hoặc chăn mềm (nếu có) dưới đầu;
  • Di dời hết tất cả các vật dụng, đồ dùng xung quanh có tính chất sát thương cao tránh khỏi tầm với của bệnh nhân hoặc đưa bệnh nhân đến một nơi an toàn để tránh tai nạn, chấn thương ngoài ý muốn;
  • Tuyệt đối không được giữ chặt, trói hoặc đè bệnh nhân xuống để ngưng cơn co giật, cách này sẽ khiến bệnh nhân dễ gặp chấn thương hơn;
  • Không cho vào miệng bệnh nhân bất kỳ thứ gì vì có thể gây chấn thương hoặc sặc phổi;
  • Không mê tín dị đoan, làm bùa phép để trị bệnh động kinh;

Thông thường, cơn co giật khi lên cơn động kinh chỉ kéo dài trong thời gian ngắn, chỉ từ 1 - 2 phút. Nên hãy cố gắng tạo điều kiện môi trường xung quanh thoải mái, an toàn nhất và đợi đến khi bệnh nhân hồi phục trở lại. Tuy nhiên, những trường hợp lên cơn động kinh bị co giật kéo dài, lên cơn 2 lần liên tiếp, kèm theo sùi bọt mép, mắt trợn ngược, bất tỉnh, liệt cơ, yếu chi sau khi co giật, co giật ở phụ nữ mang thai... phải gọi cấp cứu (115) ngay.

2. Điều trị nội khoa 

Động kinh là bệnh mãn tính có thể chữa khỏi được nhưng quá trình này rất phức tạp và đòi hỏi sự kiên trì, áp dụng đúng phương pháp. Đa phần các trường hợp đều ưu tiên sử dụng thuốc (hiệu quả 70% kiểm soát cơn co giật). Các loại thuốc trị động kinh có tác dụng chống co giật, trợ tĩnh mạch, xoa dịu căng thẳng thần kinh, giúp người bệnh không bị kích động, hỗ trợ giảm đau, chống viêm...

Dùng thuốc chống động kinh là phương pháp điều trị được ưu tiên hàng đầu

Tuy nhiên, cần lưu ý phương pháp này chỉ có tác dụng kiểm soát triệu chứng, không có khả năng chữa khỏi bệnh dứt điểm. Được chỉ định áp dụng trong trường hợp bệnh nhân lên cơn co giật, co cứng cơ, sùi bọt mép, trợn mắt cấp tính. Ngoài ra, dùng thuốc duy trì trong nhiều năm để dự phòng tái phát, đến khi không còn lên cơn nữa mới giảm dần và ngưng dùng hẳn.

Nguyên tắc dùng thuốc là từ liều thấp đến liều cao dựa vào khả năng đáp ứng và giới hạn an toàn. Để cắt cơn động kinh, thường phải sử dụng kết hợp nhiều loại thuốc với nhau. Tùy theo dạng động kinh sẽ được chỉ định sử dụng thuốc phù hợp:

  • Động kinh co giật cục bộ và toàn bộ: Dùng Phenobarbital, Valproat, Carbamazepin, Phenytoin...;
  • Cơn động kinh vắng ý thức: dùng Valproat và Ethosuximid;
  • Cơn động kinh vắng ý thức, mất trương lực không điển hinh: dùng Phenytoin hoặc Phenolbarbatal đối với cơn trương lực, Valproat hoặc Clonazepam đối với cơn mất trương lực;
  • Động kinh rung giật cơ: chủ yếu dùng Valproat, thường phải dùng suốt đời;
  • Trẻ em bị động kinh co giật kháng thuốc chống động kinh, có thể dùng Clonazepam;
  • Co giật do sốt cao: dùng thuốc hạ sốt Paracetamol, sau đó thụt tháo hoặc tiêm tĩnh mạch dung dịch Diazepam. Sau đó, điều trị bằng Phenobarbital hoặc Valproat khi cần thiết;

Để hạn chế tác dụng phụ của thuốc chống động kinh, người bệnh cần tuân thủ tuyệt đối các chỉ định của bác sĩ về cách dùng, liều dùng và thời gian sử dụng. Không được bỏ liều và theo dõi phản ứng của cơ thể để kịp thời xử lý các bất thường sau khi dùng thuốc. Tác dụng phụ thường gặp như:

  • Dễ kích động
  • Buồn ngủ, uể oải
  • Thiếu năng lượng
  • Sưng nướu
  • Run rẩy
  • Rụng tóc
  • Đau đầu
  • Phát ban
  • ...

3. Phẫu thuật ngoại khoa

Phẫu thuật trị động kinh được chỉ định trong trường hợp kết quả xét nghiệm cho thấy cơn co giật có liên quan đến các tổn thương rõ ràng tại não. Phẫu thuật nhằm loại bỏ các tổ chức não bị tổn thương và gây ra cơn động kinh. Dựa vào kỹ thuật, tay nghề và kinh nghiệm của bác sĩ, phẫu thuật sẽ không làm ảnh hưởng đến chức năng quan trọng khác như ngôn ngữ, khả năng nói, vận động, thị giác, thính giác...

Phẫu thuật loại bỏ tổ chức não bộ gây động kinh đối với những trường hợp gây biến chứng nghiêm trọng

Tuy nhiên, phẫu thuật là phương pháp đòi hỏi kỹ thuật phức tạp, tiềm ẩn nhiều rủi ro khó lường trước và chi phí cao nên không phải trường hợp nào cũng được áp dụng.  Do đó, cần hết sức thận trọng và nghe theo sự tư vấn của bác sĩ để đưa ra quyết định phù hợp.

4. Một số liệu pháp khác

Bên cạnh 2 phương pháp chính trên, có nhiều tài liệu y học cho thấy một số liệu pháp dưới đay có tác động tốt đến điều trị bệnh động kinh:

  • Liệu pháp chế độ ăn kiêng Keto (chế độ ăn điển hình với lượng chất béo nhiều và ít carbohydrate);
  • Liệu pháp kích thích thần kinh phế vị;
  • Liệu pháp kích thích não sâu;

Phòng ngừa

Tỷ lệ mắc bệnh động kinh ngày càng cao và mức độ biến chứng cũng trở nên phức tạp hơn. Do đó, bản thân bạn và cả những người thân đều cần phải nâng cao ý thức về tính nghiêm trọng của động kinh, chủ động thực hiện các biện pháp phòng ngừa tích cực.

Xét nghiệm di truyền ngay khi có ý định mang thai để theo dõi thai kỳ tốt hơn

  • Các cặp vợ chồng có ý định mang thai nên thực hiện kiểm tra sức khỏe sinh sản, đặc biệt thực hiện xét nghiệm di truyền để tầm soát yếu tố nguy cơ gây động kinh. Qua đó, xây dựng kế hoạch theo dõi và chăm sóc thai kỳ khỏe mạnh.
  • Giảm thiểu tối đa các yếu tố nguy cơ khởi phát động kinh từ môi trường bên ngoài như hạ sốt càng sớm càng tốt bằng thuốc hoặc chườm ấm, nói không với các chất kích thích, chất gây nghiện, tiêm phòng vắc xin ngừa viêm màng não và các bệnh lý nguy hiểm khác...
  • Xây dựng lối sống sinh hoạt lành mạnh, làm việc và nghỉ ngơi cân bằng, tránh thức khuya, chế độ ăn uống dinh dưỡng, tránh thức ăn cay nóng, tăng cường chất xơ, vận động tích cực, tập các bài tập rèn luyện tâm trí, tránh ngồi lâu một chỗ, uống nhiều nước, duy trì cân nặng phù hợp... giúp phòng ngừa động kinh.
  • Giữ cho tinh thần, tâm trạng luôn thoải mái, lạc quan và suy nghĩ tích cực ngăn ngừa lên cơn động kinh.
  • Những người có các biểu biện về thần kinh, cả người lớn và trẻ nhỏ đều phải đến bệnh viện chuyên khoa để thăm khám để điều trị ngay.

Những câu hỏi quan trọng khi đi khám

1. Những dấu hiệu cảnh báo sắp lên cơn động kinh?

2. Nguyên nhân khiến tôi bị động kinh?

3. Một người lên cơn động kinh có những biểu hiện đặc trưng nào?

4. Tôi bị động kinh có thể mang thai được không?

5. Các xét nghiệm tôi cần thực hiện để chẩn đoán bệnh động kinh?

6. Tiên lượng tình trạng và mức độ bệnh của tôi?

7. Phương pháp điều trị động kinh tốt nhất dành cho tôi là gì?

8. Dùng thuốc chống động kinh lâu ngày có gây tác dụng phụ không? Tôi cần làm gì để xử lý chúng?

9. Khi nào cần phẫu thuật động kinh? Những lợi ích và rủi ro liên quan?

10. Bệnh động kinh có chữa khỏi dứt điểm được không? Quá trình điều trị mất bao lâu?

11. Những điều tôi cần làm và tránh làm trong quá trình điều trị động kinh?

12. Tôi có cần tái khám sau điều trị động kinh hay không?

Động kinh là bệnh kinh mạn tính gây co giật và nhiều hành vi, rối loạn sức khỏe nghiêm trọng. Những biến chứng của bệnh được đánh giá là nguy hiểm và khó phục hồi. Do đó, ngay từ những triệu chứng hoặc đợt lên cơn đầu tiên, hãy chủ động thăm khám để được chẩn đoán và điều trị bằng phác đồ phù hợp, ngăn ngừa những hệ lụy khó lường về sau.

Xem thêm:

Chia sẻ:
Não Úng Thủy
Não úng thủy là bệnh lý nguy hiểm ở não, xảy ra khi dịch não tủy tích tụ quá mức và tạo áp lực lớn lên hộp sọ. Bất kỳ…
Hẹp Động Mạch Cảnh
Hẹp động mạch cảnh xảy ra khi các mảng bám…
Hội chứng West
Hội chứng West là một loại động kinh hiếm gặp…
Bệnh Áp Xe Não
Áp xe não là tình trạng tích tụ mủ trong…
Bệnh Bại Não

Bại não là tập hợp một nhóm các rối loạn ở hệ thần kinh, gây tổn thương não và ảnh…

Hội Chứng Thiên Thần

Hội chứng thiên thần hay hội chứng Angelman xảy ra khi xuất hiện sự đột biến gen di truyền ở…

Hội chứng Cotard

Hội chứng Cotard là một dạng rối loạn tâm thần đặc trưng bởi sự ảo tưởng cho rằng bản thân…

Chấn Thương Sọ Não

Chấn thương sọ não là tình trạng sức khỏe nguy hiểm, ảnh hưởng đến khả năng nhận thức và đe…

Giải đáp thắc mắc của độc giả cùng chuyên gia của chúng tôi!

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Bác sĩ phụ trách

Bác sĩ Đỗ Thu Hiền

Bác sĩ điều trị

[ads_sidebar]
Xem nhiều

Đặt câu hỏi

Chia sẻ
Bỏ qua