Ký Sinh Trùng Gây Hôi Miệng – Thực Hư Đúng Hay Sai?
Ký sinh trùng gây hôi miệng là một trong những thông tin nổi trội trên các diễn đàn về sức khỏe nha khoa. Bắt nguồn từ việc có nhiều nơi quảng cáo thuốc diệt ký sinh trùng gây hôi miệng. Vậy thực hư vấn đề này ra sao? Cùng tìm hiểu trong bài viết dưới đây.
Nhiễm ký sinh trùng gây hôi miệng có thật không?
Trước khi tìm hiểu về nguyên nhân hôi miệng do ký sinh trùng, chúng ta cần hiểu rõ về nó. Vậy ký sinh trùng là gì và những bệnh nào được gây ra bởi ký sinh trùng?
1. Ký sinh trùng là gì?
Ký sinh trùng là những loại sinh vật sống và tồn tại nhờ vào việc ký sinh vào trong những sinh vật sống khác. Bao gồm con người, động vật và thực vật, những nhóm này được gọi là vật chủ. Ký sinh trùng sẽ hấp thu các sinh chất của vật chủ để tồn tại và phát triển, thậm chí gây ra một số bệnh lý ở người.
Theo các tài liệu nghiên cứu, dựa vào hình thức ký sinh mà ký sinh trùng được chia làm nhiều dạng như ký sinh hoàn toàn, ký sinh không hoàn toàn, ký sinh ngoại sinh, ký sinh nội sinh, ký sinh trùng trên da hoặc dưới da… Một vài loại ký sinh trùng thường gặp như giun đũa, giun tóc, giun sán…. Chúng ký sinh trong dạ dày, ruột, phổi, não, gan… của con người, có tốc độlây lan và sinh sản cực kỳ nhanh, gây ra nhiều bệnh lý nguy hiểm.
2. Thực hư thông tin ký sinh trùng gây hôi miệng
Có rất nhiều thông tin cho rằng việc hôi miệng dai dẳng dù bình thường đã vệ sinh răng miệng kỹ càng là do sự tồn tại của ký sinh trùng bên trong cơ thể. Cụ thể hơn, họ còn cho rằng ký sinh trùng nói chung và ký sinh trùng giun sán nói riêng là nguyên nhân gây ra hôi miệng, nếu không được điều trị sẽ gây biến chứng nguy hiểm, thậm chí có nguy cơ cao tử vong.
Theo các chuyên gia hàng đầu về chuyên ngành Ký sinh trùng, những thông tin này là KHÔNG ĐÚNG SỰ THẬT, thậm chí phản khoa học. Vì trên thực tế, hoàn toàn không có loại ký sinh trùng nào có thể gây ra hôi miệng. Theo thống kê, hầu hết các trường hợp bị nhiễm ký sinh trùng chủ yếu gây ra các bệnh lý về đường tiêu hóa, bệnh về da, thiếu máu, ngứa hậu môn… Mỗi loại ký sinh trùng khi xâm nhập vào cơ thể sẽ tấn công vào các cơ quan khác nhau để gây bệnh như:
- Ấu trùng sán lợn, giun lươn não… tấn công lên não;
- Sán lá gan lớn, sán lá gan nhỏ, ấu trùng sán dây chó… tấn công vào gan;
- Giun đũa chó, sán lá phổi, giun lươn ruột… tấn công phổi;
- Nhiễm ký sinh trùng sốt rét thì bị sốt rét;
- …
Do đó, những trường hợp được chẩn đoán bị hôi miệng do nhiễm ký sinh trùng là không chính xác. Hoặc nói đúng hơn nó chỉ là nguyên nhân thứ phát khiến cho khoang miệng người bệnh có mùi hôi. Chẳng hạn như khi bị nhiễm ký sinh trùng giun sán, chúng làm tổn thương đường ruột, cản trở làm chậm hoạt động tiêu hóa thức ăn, khiến thức ăn tồn đọng lại lên men, từ đó mới phát sinh mùi hôi.
Vì vậy, khi bị nhiễm ký sinh trùng, bạn cần nhanh chóng đến bệnh viện để được thăm khám, làm các xét nghiệm kiểm tra loại ký sinh trùng đang mắc phải. Kết hợp với các triệu chứng lâm sàng mà bác sĩ sẽ đưa ra phác đồ điều trị và chỉ định sử dụng loại thuốc phù hợp.
Trường hợp nhiễm ký sinh trùng gián tiếp gây ra hôi miệng thì bệnh nhân cần kết hợp với các biện pháp điều trị hôi miệng, vệ sinh chăm sóc răng miệng kỹ lưỡng. Tránh tin và tự ý tìm mua sử dụng các loại thuốc diệt ký sinh trùng gây hôi miệng theo quảng cáo trên các trang mạng xã hội tránh tiền mất tật mang.
Hôi miệng ký sinh trùng có những dấu hiệu gì?
Với những thông tin trên, có thể hiểu rằng hôi miệng do ký sinh trùng thực chất là tình trạng hôi miệng khi nhiễm ký sinh trùng ở dạ dày và gây ra một số bệnh đường tiêu hóa. Có rất nhiều nguyên nhân gây hôi miệng như sâu răng, viêm nướu răng, viêm nha chu, các bệnh về dạ dày (trào ngược dạ dày thực quản, viêm loét dạ dày), vệ sinh răng miệng kém, thói quen ăn uống…
So với tình trạng hôi miệng do các bệnh lý về răng miệng thì rất khó để phân biệt với hôi miệng do nhiễm ký sinh trùng. Dưới đây là một vài dấu hiệu cơ bản bạn có thể dựa vào để phán đoán hôi miệng do ký sinh trùng:
- Mùi hôi miệng từ dạ dày không chỉ gây hôi miệng đơn thuần mà chủ yếu là mùi hôi miệng từ cổ họng. Nguyên nhân là do những triệu chứng ợ hơi, ợ chua, chướng bụng, đầy hơi, trào ngược dạ dày thực quản… do thức ăn không được tiêu hóa hết gây ra mùi hôi.
- Táo bón kéo dài, tiêu chảy, suy nhược cơ thể, mệt mỏi, mất tập trung, đau đầu, mất ngủ, uể oải…
- Cơ thể phát ban, dị ứng, dễ chảy nước mũi, viêm họng, nghẹt mũi…
- Đau nhức các cơ xương khớp dù không hoạt động nhiều hay làm việc quá sức.
- Ăn uống không ngon miệng
- …
Biện pháp điều trị hôi miệng hiệu quả
Bản chất của sự phát triển hình thành hôi miệng là do răng miệng, nướu lợi không đủ khỏe để chống lại sự tấn công của các loại vi khuẩn. Hoàn toàn không có việc ký sinh trùng gây ra hôi miệng vì môi trường trong khoang miệng vốn không thuận lợi để chúng phát triển. Vì vậy, để điều trị hôi miệng hiệu quả, người bệnh cần tập trung xử lý các ổ vi khuẩn và dứt điểm nguyên nhân gây hôi miệng như: uống ít nước, ăn uống không phù hợp, dùng nhiều thực phẩm nặng mùi, hút thuốc lá, uống nhiều cafe, rượu bia…
Điều trị hôi miệng do các bệnh răng miệng
Đối với những trường hợp bị hôi miệng do mắc các bệnh lý răng miệng như sâu răng, viêm nướu, viêm quanh chân răng, viêm nha chu, viêm tủy… Người bệnh cần thăm khám và điều trị theo sự chỉ định của bác sĩ nha khoa. Tùy vào từng loại bệnh mà phương pháp điều trị sẽ khác nhau, chẳng hạn như:
- Sâu răng sẽ được hàn trám răng, áp xe răng sẽ được chích rạch dẫn lưu mủ, viêm tủy sẽ được chữa tủy và bọc mão răng, bọc sứ…
- Đồng thời sử dụng đơn thuốc Tây y theo toa thuốc do bác sĩ kê đơn, bao gồm thuốc kháng sinh, thuốc chống viêm, thuốc giảm đau, dung dịch súc miệng chuyên dùng trong nha khoa… để hỗ trợ cải thiện tình trạng bệnh.
Trị hôi miệng do nguyên nhân từ dạ dày
Đối với những nguyên nhân từ dạ dày, thường là do trào ngược dạ dày thực quản hay nhiễm ký sinh trùng đường ruột sẽ được điều trị theo hướng khác. Trước tiên, bác sĩ sẽ chỉ định bệnh nhân thực hiện một số xét nghiệm ký sinh trùng nếu có sự xuất hiện của một số dấu hiệu ký sinh trùng trên da như: nổi cục, nổi sần… trên da, nặng hơn có thể gây co giật, rơi vào hôn mê, yếu liệt chi…
Tùy vào từng nguyên nhân mà bác sĩ sẽ kê đơn thuốc điều trị trào ngược dạ dày hoặc thuốc diệt ký sinh trùng đường tiêu hóa phù hợp. Trong đó, đối với những loại thuốc được quảng cáo có khả năng diệt ký sinh trùng hiệu quả nhưng không nói rõ thành phần, công dụng, nguồn gốc xuất xứ… tốt nhất nên tránh sử dụng để tránh gây ra những ảnh hưởng xấu cho sức khỏe, thậm chí còn khiến bệnh lý phát triển nặng hơn.
Cách phòng tránh hôi miệng do mắc bệnh lý nhiễm ký sinh trùng
Bên cạnh việc dùng thuốc hoặc can thiệp y tế để điều trị hôi miệng tùy theo từng nguyên nhân, người bệnh cũng nên chủ động thực hiện các biện pháp vệ sinh, chăm sóc để cải thiện mùi hôi, phòng tránh tái phát dài lâu.
- Những trường hợp hôi miệng không phải do các bệnh lý nha khoa nên nhanh chóng thăm khám tại các chuyên khoa liên quan như tiêu hóa hoặc tai – mũi – họng để can thiệp điều trị kịp thời.
- Giữ vệ sinh răng miệng là “chìa khóa” quan trọng giúp cải thiện mùi hôi miệng. Các chuyên gia khuyến cáo nên đánh răng ít nhất 2 lần/ ngày, kết hợp sử dụng chỉ nha khoa và súc miệng bằng nước muối hàng ngày, thường xuyên vệ sinh lưỡi để loại bỏ các mảng bám thức ăn, khoang miệng được làm sạch hoàn toàn thì mùi hôi miệng cũng sẽ biến mất.
- Người bị hôi miệng cũng có thể sử dụng một số sản phẩm khử mùi hôi, giúp hơi thở thơm mát tạm thời như dung dịch súc miệng kháng khuẩn, nhai kẹo cao su không đường vị bạc hà, xịt thơm miệng…
- Chú ý điều chỉnh chế độ ăn uống, ăn chín uống sôi, tránh ăn những món đồ sống như gỏi cá, gỏi thịt, rau sống phải được rửa sạch, sục khí nhiều lần để loại bỏ vi khuẩn, ký sinh trùng, hạn chế dùng các loại thực phẩm gây hôi miệng như hành, tỏi, sữa, thực phẩm nhiều đường, nhiều dầu mỡ, rượu bia, cà phê… Vì đây đều là nhóm thực phẩm dễ gây khô miệng, khó tiêu và gây mùi hôi miệng.
- Xây dựng chế độ sinh hoạt lành mạnh, nghỉ ngơi nhiều, ngủ đúng giờ, tránh thức khuya, duy trì tinh thần ổn định và vận động thường xuyên tăng cường sức đề kháng chống lại các tác nhân gây bệnh.
- Thăm khám sức khỏe định kỳ, đặc biệt là khám nha khoa thường xuyên để sớm phát hiện các triệu chứng bất thường và có hướng điều trị kịp thời.
Tóm lại, không có mối liên hệ nào giữa ký sinh trùng và bệnh hôi miệng nên việc khẳng định hôi miệng do ký sinh trùng gây ra là không đúng. Tuy nhiên, hôi miệng cũng là một trong những dấu hiệu cảnh báo nhiều bệnh lý về răng miệng, tiêu hóa, nội tiết… Nên tốt nhất khi phát hiện hôi miệng hoặc những trường hợp hôi miệng lâu năm cần chủ động đến bệnh viện để được thăm khám, chẩn đoán và được tư vấn biện pháp điều trị phù hợp.
Có thể bạn quan tâm
Giải đáp thắc mắc của độc giả cùng chuyên gia của chúng tôi!