Áp Xe Răng: Dấu Hiệu Nhận Biết, Cách Điều Trị, Khắc Phục

Bác sĩ phụ trách

BÁC SĨ PHAN ĐÌNH LONG

Cố vấn Chuyên môn

Áp xe răng là một trong những biến chứng thường gặp của tình trạng nhiễm trùng chóp răng và xung quanh nướu. Nguyên nhân chủ yếu là do vi khuẩn gây ra và nếu không điều trị kịp thời có thể làm chết tủy dẫn đến mất răng vĩnh viễn, viêm xương, tiêu xương hàm… rất nguy hiểm. Cùng tìm hiểu kỹ hơn về bệnh lý biến chứng này và cách điều trị khắc phục hiệu quả. 

Áp xe răng
Áp xe răng là thuật ngữ dùng để chỉ răng bị sưng viêm kèm theo tích tụ dịch mủ xung quanh chân răng

Áp xe răng là bệnh gì? Được hình thành như thế nào?

Áp xe răng là thuật ngữ dùng để chỉ những trường hợp 1 hoặc nhiều răng bị sưng đau kèm theo tích tụ dịch mủ xung quanh chân răng. Đây là một trong những dạng nhiễm trùng răng khá phổ biến hay có thể xem như là biến chứng của bệnh sâu răng, bệnh nha chu hoặc do tổn thương răng khi bị tác động vật lý, nứt gãy làm men răng vỡ tạo điều kiện cho vi khuẩn xâm nhập vào trong tủy răng, làm tê liệt chức năng tủy và xuất hiện tình trạng ứ đọng dịch mủ. 

Quá trình hình thành áp xe răng diễn ra rất nhanh, thường chỉ mất từ 1 – 2 ngày kể từ lúc bị nhiễm trùng răng miệng. Tương tự như những dạng áp xe khác xảy ra khi hệ miễn dịch của cơ thể phát hiện vi khuẩn xâm nhập, bạch cầu sẽ tiêu diệt chúng và dịch mủ tích tụ chính là xác của bạch cầu và vi khuẩn hòa cùng dịch cơ thể.

Và áp xe răng cũng vậy, chúng được hình thành và phát triển qua từng giai đoạn cụ thể:

Áp xe răng
Quá trình hình thành áp xe răng trải qua nhiều giai đoạn
  • Đầu tiên, bắt đầu từ các nguyên nhân gây tổn thương răng nhưng không được điều trị kịp thời, đúng cách sẽ gây ra viêm xương tủy, thậm chí hoại tử chức năng tủy và cấu trúc quanh chóp răng. 
  • Ổ viêm tồn tại một thời gian tại ống tủy và vượt quá khỏi cả chóp răng để gây nhiễm trùng, lây lan theo nhiều hướng khác nhau. 
  • Sau khi qua giai đoạn nhiễm trùng, chúng sẽ ăn sâu vào và làm bong lớp vỏ xương, khiến dưới màng xương bị tổn thương. Đồng thời, tiếp tục di chuyển qua màng xương đến mô tế bào quanh hàm để gây viêm nhiễm, đây chính là giai đoạn biến chứng. 
  • Nếu không được điều trị kịp thời có thể gây viêm nha chu, hoại tử tủy răng gây khó khăn cho việc điều trị và bắt buộc phải nhổ bỏ răng. 

Bệnh áp xe răng có thể xảy ra ở bất kỳ đối tượng nào, từ người lớn cho đến trẻ nhỏ. Đây là một trong các bệnh lý răng miệng nguy hiểm, gây ảnh hưởng đến sức khỏe răng miệng nói riêng và sức khỏe nói chung, ảnh hưởng đến khả năng ăn nhai, đời sống sinh hoạt hàng ngày của người bệnh. 

Nguyên nhân gây áp xe răng 

Như đã nói, áp xe chân răng được hình thành do sự tấn công xâm nhập của vi khuẩn đến tủy răng, mô mềm bên trong răng, nơi tập trung nhiều dây thần kinh, mạch máu. Chúng thường đi vào cơ thể thông qua những tổn thương của răng như nứt, gãy, sứt mẻ… Ngoài ra, một số nguyên nhân khác dẫn đến áp xe răng như:

  • Người mắc các bệnh lý sâu răng, viêm tủy hay viêm chân răng lâu ngày nhưng không được điều trị kịp thời, đúng cách, 
  • Không giữ vệ sinh răng miệng thường xuyên như ít đánh răng, không súc miệng, không dùng chỉ nha khoa… tạo điều kiện cho vi khuẩm, các mảng bám thức ăn thừa tích tụ hình thành vi khuẩn. 
  • Người gặp tai nạn, chấn thương khiến răng bị tổn thương phần cứng, vỡ, mẻ tạo điều kiện cho vi khuẩn xâm nhập và hình thành áp xe răng nhanh hơn. 
  • Bên cạnh đó, những người có tiền sử mắc các bệnh mãn tính như tim mạch, tiểu đường… làm cho hệ miễn dịch suy yếu, làm tăng nguy cơ bị nhiễm trùng và áp xe răng. 

Triệu chứng nhận biết áp xe răng

Các triệu chứng áp xe răng thường rất dễ nhận biết, có thể kể đến như:

Áp xe răng
Áp xe răng đặc trưng với tình trạng mưng mủ xung quanh chân răng, sưng hàm, đau nhức dữ dội…
  • Sưng nướu răng, theo thời gian ngày càng phát triển về kích thước và có xu hướng lan rộng khắp toàn hàm mặt. 
  • Đau răng dữ dội, thậm chí chỉ nhai nhẹ hoặc nói chuyện cũng thấy đau. 
  • Hôi miệng vì sâu răng, khoang miệng tỏa tanh của dịch mủ tiết ra. 
  • Xuất hiện các hạt mủ tụ dưới chân răng, khi đè vào sẽ rất đau và chảy mảu. 
  • Những người áp xe răng kéo dài còn có thể xuất hiện tình trạng chảy mủ đặc lẫn máu. 
  • Đi kèm theo là một số triệu chứng toàn thân khác như sốt, cảm giác ớn lạnh, chóng mặt, đau đầu, vã mồ hôi, cơ thể không khỏe… 

Bệnh áp xe răng có nguy hiểm không? 

Áp xe răng không chỉ là bệnh mà nó còn được xem là một biến chứng nguy hiểm, gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe. Sự ảnh hưởng đầu tiên của nó là khiến người bệnh luôn phải đối mặt với những cơn đau nhức răng khó chịu do mưng mủ, răng mất đi sự chắc chắn, lung lay khiến việc ăn nhai trở nên khó khăn, thậm chí yếu dần và rụng đi. 

Hơn thế nữa, nếu chậm trễ trong việc điều trị hoặc điều trị sai cách có thể khiến người bệnh gặp phải các biến chứng như:

Áp xe răng
Áp xe răng là bệnh lý răng miệng nguy hiểm vì có thể gây ra nhiều biến chứng đến mô tế bào, xương, máu…
  • Viêm mô lan tỏa: Áp xe răng diễn tiến ngày càng nặng gây viêm kéo dài khiến cho toàn bộ hàm răng sưng đau khó chịu. Trường hợp viêm mô tế bào lan tỏa đến vòm miệng, sàn miệng sẽ gây ảnh hưởng đến sự hoạt động và chức năng của cơ quan này. Nghiêm trọng hơn có thể gây tắc nghẽn đường hô hấp, nghẹt thở và dẫn đến tử vong. 
  • Áp xe ngoài mặt: Đây là biến chứng xảy ra khi viêm nhiễm lan rộng sưng phù tính từ điểm áp xe chân răng cho đến sàn miệng và vị trí hố thái dương. Với biến chứng này người bệnh sẽ phải chịu đựng cơn đau dữ dội, thậm chí ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe, đời sống sinh hoạt hàng ngày. 
  • Nhiễm trùng xương: Tình trạng nhiễm trùng không được kiểm soát, ngày càng lan rộng trong xương hàm sẽ làm tiêu xương và kéo theo nhiều biến chứng khác như xương giòn, gãy xương… 
  • Nhiễm trùng máu: Vi khuẩn từ các ổ áp xe răng ngày càng phát triển, di chuyển hòa vào dòng máu và gây nhiễm trùng máu cùng nhiều cơ quan khác của cơ thể. Biến chứng này đặc biệt nguy hiểm với những người có tiền sử bị tim mạch, tiểu đường, thần kinh não bộ… và có thể gây tử vong bất kỳ lúc nào.  

Như vậy có thể thấy áp xe răng là bệnh lý răng miệng cực kỳ nguy hiểm, không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe răng miệng mà còn đe dọa tính mạng của người bệnh. Do đó, hãy chủ động thăm khám ngay từ khi phát hiện những triệu chứng ban đầu và tích cực điều trị đúng cách để phòng ngừa các biến chứng nguy hiểm vừa kể trên. 

Các phương pháp điều trị áp xe răng hiệu quả, an toàn

Trước khi can thiệp điều trị y tế, bác sĩ sẽ tiến hành thăm khám lâm sàng nhằm đánh giá tình trạng, mức độ áp xe răng. Nếu răng bị nhiễm trùng sẽ được nhận biết thông qua:

  • Vùng mô xung quanh sẽ có màu sẫm hơn, nguyên nhân là do các tế bào mô bị hoại tử thẩm thấu vào trong phần xốp của răng. 
  • Lợi xung quanh răng sưng phồng lên, dịch mủ tụ lại giống như mụn. 

Sau đó, tùy theo vị trí và mức độ áp xe răng nhẹ hay nặng mà bác sĩ sẽ đưa ra hướng điều trị phù hợp. Nguyên tắc điều trị áp xe răng là loại bỏ các ổ nhiễm trùng, đẩy lùi triệu chứng, bảo tồn chức năng răng, ngăn chặn biến chứng và nhất là phòng ngừa tái phát. 

1. Điều trị cấp

Đây là bước đầu tiên được thực hiện nhằm loại bỏ mủ áp xe, làm sạch các ổ nhiễm trùng để ngăn chặn sự viêm nhiễm lây lan sang các vùng mô cơ xung quanh. 

Áp xe răng
Dùng kháng sinh được xem là chìa khóa kiểm soát viêm nhiễm, cải thiện tình trạng áp xe răng
  • Bác sĩ sẽ thực hiện thủ thuật chích rạch tại một vị trí nhỏ trên răng nhằm dẫn lưu dịch thoát ra ngoài. Sau đó làm sạch vi khuẩn tại răng nhiễm khuẩn. 
  • Người bệnh sẽ được chỉ định sử dụng thuốc kháng sinh để hỗ trợ tăng cường miễn dịch, tiêu diệt vi khuẩn còn sót lại và ngăn chặn diễn tiến ngày càng nặng của ổ áp xe. 
  • Tùy theo từng trường hợp các triệu chứng xảy ra sau đó ra sao mà bác sĩ sẽ kê đơn sử dụng từng loại thuốc phù hợp. Chẳng hạn như thuốc giảm đau, thuốc kháng viêm, thuốc bổ tăng cường thể trạng… 

Tuy nhiên, ở những trường hợp áp xe răng chỉ vừa mới chớm, mức độ nhẹ, chưa có dịch mủ thì không nhất thiết phải áp dụng các bước này. Thay vào đó, người bệnh sẽ được chỉ định sử dụng thuốc chống nhiễm trùng (chẳng hạn như kháng sinh Erytromycin 250mg kết hợp thuốc giảm đau Paracetamol 500mg), kết hợp súc miệng bằng nước muối ấm hằng ngày để xoa dịu cơn đau. 

2. Điều trị tận gốc

Sau khi kiểm soát được tình trạng ứ mủ gây đau nhức, bệnh nhân sẽ được tiếp tục điều trị bằng các biện pháp chuyên sâu để loại bỏ hoàn toàn nguyên nhân gây nhiễm trùng.

Áp xe răng
Tùy theo mức độ áp xe răng cấp hay mãn tính mà bác sĩ sẽ chỉ định cách thức điều trị phù hợp
  • Với những trường hợp áp xe răng cấp tính thì chữa tủy là biện pháp thường được áp dụng phổ biến. Bác sĩ sẽ tiến hành lấy hết phần dây thần kinh, mạch máu và phần bị hư hại ra ngoài. Sau đó sẽ lấp lỗ hổng này lại bằng cách trám răng, trám sứ hoặc bọc sứ cho răng để bảo tồn răng thật. 
  • Riêng những trường hợp áp xe răng nặng, viêm nhiễm đã làm hư hại toàn bộ tủy răng, chân răng lộ ra nhiều không thể bảo tồn được nữa. Lúc này bắt buộc sẽ phải nhổ bỏ răng, sau đó làm sạch mủ và các bước giảm đau, sát trùng. Sau khi nhổ bỏ răng, để tránh xảy ra tình trạng bị tiêu xương hàm, bác sĩ sẽ tư vấn cho bệnh nhân trồng răng giả bằng các kỹ thuật khác nhau. 

Tuy nhiên, đối với áp xe răng ở trẻ em thì cách chữa tủy thường ít được áp dụng. Vì hầu hết các trường hợp bị áp xe xảy ra ở răng sữa và răng này sẽ được thay thế bằng răng trưởng thành khi trẻ lớn lên. Việc lấy hết tủy răng và dây thần kinh sẽ làm ảnh hưởng đến sự phát triển răng bên dưới. Chính vì vậy, hãy đưa trẻ đến bệnh viện sớm để được thăm khám và tư vấn hướng điều trị phù hợp nhất. 

Biện pháp phòng ngừa áp xe răng

Bên cạnh áp dụng các biện pháp điều trị theo chỉ định của bác sĩ và đã khỏi hoàn toàn, bạn cũng cần chú ý duy trì thực hiện các thói quen tốt để phòng phòng ngừa áp xe răng tái phát trở lại. Cụ thể như sau:

Áp xe răng
Chải răng và súc miệng hàng ngày để làm sạch khoang miệng, hạn chế tích tụ vi khuẩn tái phát áp xe răng
  • Đánh răng đều đặn 2 lần/ ngày, buổi sáng sau khi ngủ dậy và buổi tối trước khi đi ngủ. Ngoài ra, sau mỗi bữa ăn bạn phải sử dụng chỉ nha khoa để làm sạch vùng kẽ răng, sau đó đánh răng lại và súc miệng để làm sạch khoang miệng, ngăn ngừa sự tích tụ phát triển của vi khuẩn. 
  • Nên sử dụng bàn chải đánh răng có đầu nhỏ gọn, lông mềm và định kỳ thay bàn chải 2 – 3 tháng/ lần. 
  • Ưu tiên chọn loại kem đánh răng và nước súc miệng có chứa hoạt chất Flour để hỗ trợ răng chắc khỏe, hạn chế nguy cơ hình thành các ổ áp xe răng. 
  • Điều chỉnh chế độ ăn uống, lên sẵn một thực đơn ăn uống lành mạnh với nhiều loại thực phẩm giàu dưỡng chất, nhất là vitamin, muối khoáng tốt cho sức khỏe răng miệng như rau xanh, củ quả, trái cây…
  • Hạn chế sử dụng các loại thực phẩm không tốt cho răng nướu như thức ăn quá cứng, bánh kẹo ngọt, rượu bia, trà đặc, cà phê, thức ăn nhiều đường… 
  • Định kỳ lấy cao răng 6 tháng/ lần và thăm khám tầm soát các bệnh nha khoa ít nhất 2 năm/ lần để sớm phát hiện các bệnh lý phát sinh, có hướng chữa trị kịp thời. 

Áp xe răng chỉ có thể xảy ra nếu bạn không có một chế độ chăm sóc răng miệng đúng. Và nếu mắc bệnh cần phải chủ động thăm khám và điều trị sớm để bảo tồn răng. Đây là 2 nguyên tắc bạn cần ghi nhớ và thực hiện để có một sức khỏe răng miệng tốt, đảm bảo chức năng ăn nhai, tính thẩm mỹ và ít tốn kém để điều trị bệnh. 

Có thể bạn quan tâm

Chia sẻ:
Áp xe răng khôn Áp Xe Răng Khôn (Răng Số 8) Nguy Hiểm Không? [Giải Đáp]
Áp xe răng khôn (răng số 8) là một dạng nhiễm trùng răng khá phổ biến, xảy ra khi xung quanh chân răng số 8 tích tụ dịch mủ. Bệnh…
Vỡ Áp Xe Răng: Biểu Hiện và Các Phương Pháp Chữa Trị Vỡ Áp Xe Răng: Biểu Hiện và Các Phương Pháp Chữa Trị

Vỡ áp xe răng nếu không được cấp cứu kịp thời có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm,…

Chi Phí Điều Trị Áp Xe Răng Hết Bao Nhiêu? [Giá Hiện Nay] Chi Phí Điều Trị Áp Xe Răng Hết Bao Nhiêu? [Giá Hiện Nay]

“Chi phí điều trị áp xe răng hết bao nhiêu?” được nhiều người bệnh quan tâm. Hầu hết các trường…

Áp xe quanh chóp răng Áp Xe Quanh Chóp Răng: Các Biểu Hiện và Hướng Điều Trị

Áp xe quanh chóp răng là một dạng nhiễm trùng răng tương đối phổ biến. Bệnh đặc trưng bởi những…

Áp Xe Răng Kiêng Ăn Gì và Nên Ăn Gì Tránh Gây Cơn Đau? Áp Xe Răng Kiêng Ăn Gì và Nên Ăn Gì Tránh Gây Cơn Đau?

Chế độ ăn uống đóng vai trò không nhỏ trong điều trị áp xe răng. Do đó, câu hỏi “Áp…

Áp Xe Răng Có Tự Khỏi Không? Biện Pháp Chữa Dứt Điểm Áp Xe Răng Có Tự Khỏi Không? Biện Pháp Chữa Dứt Điểm

“Áp xe răng có tự khỏi không?” là thắc mắc của nhiều bệnh nhân. Bệnh lý là tình trạng nhiễm…

Giải đáp thắc mắc của độc giả cùng chuyên gia của chúng tôi!

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Chia sẻ
Bỏ qua