Sưng nướu răng (lợi, chân răng): Nguyên nhân và cách trị

Bác sĩ phụ trách

BÁC SĨ PHAN ĐÌNH LONG

Cố vấn Chuyên môn

Sưng nướu răng là một biểu hiện của nhiễm trùng nướu, viêm chân răng. Nguyên nhân chủ yếu là do răng có nhiều mảng bám khiến cho nướu bị tổn thương, sưng đỏ và có thể gây đau nhức, chảy máu. Giữ vệ sinh răng miệng sạch sẽ kết hợp sử dụng thuốc và áp dụng các mẹo tự nhiên có thể giúp khắc phục hiện tượng này.

Triệu chứng sưng nướu răng

Sưng nướu răng chỉ tình trạng sưng tấy, đỏ ở nướu trong một phạm vi nhất định ở nướu thuộc hàm trên hoặc hàm dưới.

viêm nướu răng
Sưng nướu răng là triệu chứng có thể xảy ra ở mọi đối tượng do bị nhiễm trùng nướu

Trong một số trường hợp, hiện tượng này còn đi kèm với các triệu chứng bất thường khác như:

  • Đau nhức nướu, lợi
  • Chảy máu chân răng thường xuyên
  • Miệng và hơi thở có mùi hôi
  • Răng nhạy cảm và có dấu hiệu lung lay
  • Đau răng, nướu mỗi khi nhai thức ăn
  • Có vết loét ở nướu
  •  Xuất hiện mủ trắng ở khoảng trống nằm giữa chân răng và nướu

Hiện tượng này nếu không được khắc phục sớm có thể chuyển sang viêm nha chu khiến cho quá trình điều trị trở nên phức tạp và kéo dài hơn rất nhiều.

Nguyên nhân gây sưng nướu răng

Nắm bắt được các nguyên nhân gây sưng nướu răng chính là chìa khóa quan trọng giúp bạn có phương hướng dự phòng và điều trị bệnh hiệu quả. Dưới đây là một số yếu tố được xác định là thủ phạm gây sưng lợi, viêm chân răng:

  • Vệ sinh răng miệng kém

Ý thức chăm sóc răng miệng kém, đánh răng không thường xuyên hoặc không chải răng kỹ là những nguyên nhân phổ biến nhất khiến nướu răng bị sưng. Lúc này, các mẩu thức ăn không được làm sạch sẽ tích tụ lại tạo thành cao răng bám chắc vào chân răng. Chúng khá cứng và là môi trường trú ẩn lý tưởng của vi khuẩn nên có thể làm tổn thương chân răng và nướu, từ đó dẫn đến chảy máu, sưng viêm.

  • Do ảnh hưởng của tuổi tác:

Hiện tượng sưng nướu răng có thể xảy ra ở bất cứ đối tượng nào. Tuy nhiên người cao tuổi là nhóm đối tượng chịu ảnh hưởng nhiều nhất. Thống kê ở những người có độ tuổi từ 65 trở lên cho thấy, có đến 70% trong số đó từng bị sưng viêm, nhiễm trùng nướu lợi cũng như các bệnh lý nha tru ở mức độ nhẹ đến nghiêm trọng. 

Ở người cao tuổi, thói quen vệ sinh, chăm sóc răng miệng dường như ít được chú trọng hơn. Chính vì vậy, các tác nhân gây bệnh như nấm, vi khuẩn mới có cơ hội phát triển và gây sưng, viêm nướu răng.

  • Mang thai và sinh đẻ:

Phụ nữ mang thai và sau sinh cũng chiếm một tỷ lệ không nhỏ trong số các ca bệnh bị sưng nướu răng. Ở giai đoạn này, nồng độ hormone progesterone tăng cao hơn bình thường khiến cho nướu trở nên khá nhạy cảm. Nó dễ bị tổn thương, kích ứng khi có sự tác động của mảng bám, vi khuẩn hay sự cọ sát của thức ăn, từ đó mới khiến cho nướu bị sưng đau.

  • Do di truyền:

Chứng sưng nướu răng cũng có khuynh hướng di truyền. Mặc dù ít gặp nhưng một số người có thể bị sưng nướu răng thường xuyên ngay từ khi còn nhỏ do thừa hưởng gen di truyền không tốt từ cha mẹ của họ, những người cũng có tiền sử bị nhiễm trùng nướu.

  • Do tác dụng phụ của thuốc tây:

Một số loại thuốc tân dược, chẳng hạn như Aspirin hay Anticoagulants nếu sử dụng kéo dài có thể gây chảy máu chân răng, sưng nướu bất thường. Tình trạng này cũng xảy ra tương tự ở những người sử dụng thuốc ngừa thai hoặc thuốc điều trị bệnh huyết áp.

  • Uống ít nước

Cơ thể bị thiếu nước khiến cho nướu bị khô nên dễ bị tổn thương, sưng viêm khi có tác động mạnh. Ngoài ra, việc uống ít nước cũng ngăn cản quá trình bài tiết nước bọt vốn có chức năng điều hòa hệ vi sinh vật trong khoang miệng, ngăn chặn sự phát triển của hại khuẩn gây nhiễm trùng nướu.

Sưng nướu răng có nguy hiểm không?

Sưng nướu răng không phải là một vấn đề quá nghiêm trọng. Tuy nhiên nếu không được khắc phục sớm, nướu ngày càng sưng to hơn và có thể khiến người bệnh bị đau nhức nhiều, đặc biệt là khi nhai thức ăn.

Ngoài ra, tình trạng sưng nướu kéo dài cũng có thể gây ra một số biến chứng như:

  • Viêm chân răng 
  • Viêm loét nướu
  • Áp xe chân răng
  • Lung lay, gãy răng vĩnh viễn
  • Hôi miệng 

Tất cả những vấn đề này đều có thể ảnh hưởng đến tâm lý, thẩm mỹ của hàm răng và sức khỏe răng miệng. Chính vì vậy, bạn không nên xem nhẹ trong việc điều trị.

Cách trị sưng nướu răng

Trường hợp bị sưng nướu nhẹ, các giải pháp tự nhiên có thể hữu ích. Đôi khi, bạn cần đến sự trợ giúp của thuốc tân dược cho tác dụng mạnh mới có thể khôi phục được trạng thái bình thường của lợi.

1. Chườm nóng, chườm lạnh giảm đau, chống sưng nướu răng

Chườm nóng hoặc chườm lạnh là những mẹo đơn giản để chống lại cơn đau ở khu vực nướu bị tổn thương, giúp ức chế tình trạng sưng viêm nướu răng. Phương pháp này áp dụng liệu pháp nhiệt để cải thiện các triệu chứng khó chịu cho bạn.

Nhiệt độ nóng có tác dụng làm giãn nở mạch máu, giúp kích thích lưu thông máu đến vị trí nướu bị bệnh để tổn thương nhanh được chữa lành. Trong khi đó, chườm lạnh lại có tác dụng làm co các mô và tạm thời làm tê liệt các dây thần kinh cảm giác ở khu vực tổn thương, mang lại cảm giác giảm đau tức thì và ngăn chặn phản ứng sưng viêm tiếp tục phát triển.

cách chữa sưng nướu răng
Chườm nóng hoặc chườm lạnh có thể giúp giảm sưng đau nướu răng

Với cách này, vật chườm sẽ được đặt bên ngoài má ở điểm đối xứng gần nhất với vị trí nướu bị sưng đau chứ không áp trực tiếp vào trong nướu. Cách thực hiện như sau:

  • Chườm nóng: Bạn lấy một chai thủy tinh hoặc túi đựng nước nóng, sau đó chườm lên mặt ở khu vực bị đau trong 20 phút. Chú ý không chườm bằng nước quá nóng khiến cho da mặt bị bỏng. 
  • Chườm lạnh: Bỏ vài viên đá vào trong một cái túi vải sạch, sau đó chườm vào nơi bị ảnh hưởng.

Lặp lại thao tác chườm nóng hoặc chườm lạnh khoảng 3 – 4 lần trong ngày, mỗi lần từ 15 – 20 phút, cơn đau nhức ở nướu sẽ được xoa dịu tức thì.

2. Ngậm nước muối chống sưng đau nướu

Nước muối có đặc tính sát khuẩn mạnh nên không có gì ngạc nhiên khi nó được sử dụng để trị sưng nướu răng. Khi ngậm nước muối trong khoang miệng, nó sẽ hoạt động bằng cách tiêu diệt vi khuẩn và các tác nhân gây hại nằm ẩn trú sâu trong các kẽ răng và chân răng, đồng thời chống viêm, tiêu sưng, thúc đẩy quá trình chữa lành tổn thương ở nướu răng.

Ngoài ra, thường xuyên ngậm và súc miệng với nước muối còn giúp bạn ngăn ngừa hôi miệng và các bệnh lý răng miệng khác.

Cách thực hiện:

  • Bạn lấy muối ăn pha chung với nước ấm sao cho có vị mặn vừa giống như nước canh là được
  • Quậy cho muối tan hoàn toàn 
  • Mỗi ngày 2 lần, bạn ngậm nước muối trong miệng khoảng 10 phút rồi nhổ ra
  • Cuối cùng tráng miệng lại bằng một lượt nước sạch.
  • Ngoài ra, sau các bữa ăn, bạn cũng có thể dùng nước muối súc miệng để làm sạch các mảng bám và các mẩu thức ăn thừa còn sót lại trong các kẽ răng, không để vi khuẩn có cơ hội tiếp tục phát triển gây sưng nướu răng.

3. Mẹo chữa sưng nướu răng bằng mật ong

Thêm một cách trị sưng lợi, sưng chân răng đơn giản cho bạn lựa chọn đó chính là dùng mật ong. Đây là phương thuốc kháng khuẩn an toàn mà thiên nhiên đã ban tặng cho con người. Bên cạnh đó, mật ong còn cung cấp nhiều axit amin, vitamin E, C giúp kích thích tái tạo tổn thương ở nướu răng, nâng cao sức đề kháng cho cơ thể.

Cách sử dụng:

  •  Trước tiên, cần đánh răng sẽ
  • Dùng tăm bông chấm một ít mật ong nguyên chất thoa vào vùng nướu răng bị sưng đau
  • Lưu lại mật ong ở khu vực tổn thương khoảng 10 phút rồi súc miệng cho sạch
  • Với cách chữa sưng nướu răng này, bạn nên áp dụng đều đặn mỗi ngày 2 – 3 lần để tổn thương nhanh phục hồi.

4. Bài thuốc trị sưng nướu răng từ lá húng quế

Lá húng quế chứa nhiều tinh dầu, bao gồm các hoạt chất như linalool, estragol methyl và chất chống oxy hóa. Chúng có tác dụng kháng viêm, xoa dịu cơn đau nhức khó chịu ở vùng nướu bị đau và giúp tổn thương bớt sưng. 

mẹo trị sưng nướu răng bằng lá húng quế
Lá húng quế chứa tinh dầu có tác dụng kháng viêm, giảm đau nhức khi bị sưng nướu răng

Để chữa sưng nướu răng tại nhà với lá húng quế, bạn có thể lựa chọn 1 trong 2 cách sau:

  • Cách 1: Dùng một ít lá húng quế hãm với nước sôi thành trà. Mỗi ngày uống 3 tách nhỏ. Có thể uống trà húng quế nguyên chất hoặc pha thêm chút mật ong vào cho dễ uống.
  • Cách 2: Giã nát vài lá húng quế. Sau đó dùng đắp trực tiếp vào vùng nướu bị sưng khoảng 1 phút.

5. Mẹo chữa sưng nướu răng tại nhà bằng nha đam

Nha đam là thảo mộc rất dễ kiếm, thường được người dân trồng trong vườn hoặc trong chậu làm cảnh và sử dụng để nấu nước uống hoặc chữa bệnh. Nguyên liệu này có thể giúp khắc phục nhiều vấn đề về da, trị viêm loét dạ dày, điều hòa kinh nguyệt, chữa viêm nướu, viêm lợi và nhiều căn bệnh khác.

Nghiên cứu hiện đại đã chỉ ra, trong gel nha đam chứa một số hoạt chất có tác dụng sát trùng và gây tê nhẹ. Nó giúp làm dịu tổn tương, giảm đau và tiêu diệt vi khuẩn gây sưng nướu răng, đồng thời đẩy nhanh tốc độ tái tạo tế bào mới để sửa chữa các mô bị tổn thương ở nướu, làm nhanh kéo da non.

Cách chữa sưng nướu răng bằng nha đam như sau:

  • Cắt đôi lá nha đam rồi lấy một ít gel chảy ra
  • Thoa gel trực tiếp lên chỗ nướu bị sưng
  • Để 20 phút rồi lấy nước ấm súc miệng cho sạch
  • Áp dụng cách này liên tục vài lần trong ngày để nướu nhanh trở lại trạng thái ban đầu.

6. Bài thuốc trị sưng nướu răng bằng gừng

Gừng là loại gia vị khá quen thuộc trong gian bếp nhưng lại có nhiều tác dụng chữa bệnh, bao gồm cả sưng nướu răng. Nguyên liệu này có tác dụng hoạt huyết, chống sưng, giảm đau tự nhiên nên có thể giúp giảm nhẹ các triệu chứng khó chịu bạn đang gặp phải.

Cách thực hiện:

  • Gừng phơi khô, tán thành bột mịn, đựng trong lọ có nắp đậy kín để dùng dần. 
  • Mỗi lần bị sưng nướu, bạn hãy lấy một ít bột gừng trộn với vài hát muối ăn và ít nước tạo thành hỗn hợp sền sệt
  • Nhẹ nhàng bôi trực tiếp vào vùng nướu cần điều trị mỗi ngày 2 lần.

7. Bí quyết chữa sưng nướu răng bằng nghệ

Cùng với gừng, nghệ cũng là loại gia vị được sử dụng phổ biến trong điều trị sưng nướu răng. Nguyên liệu này đặc biệt chứa nhiều curcumin – một chất có khả năng kháng viêm, diệt khuẩn mạnh mẽ. Nó giúp giảm sưng đau nướu răng, ức chế phản ứng viêm và ngăn chặn sự hình thành của vết loét hay ổ áp xe ở nướu. Có thể dùng nghệ tươi hay bột nghệ đều được.

chữa sưng nướu răng bằng nghệ
Nghệ có tác dụng kháng viêm mạnh mẽ nên được sử dụng để điều trị sưng nướu răng

 Trị sưng nướu răng bằng nghệ tươi:

  • Giã nghệ tươi lấy nước cốt
  • Sau khi đánh răng sạch sẽ, bạn dùng bông gòn thấm nước cốt nghệ bôi vào vùng nướu bị nhiễm khuẩn
  • Lưu lại 15 – 20 phút rồi rửa sạch lại với nước ấm

Sử dụng bột nghệ

  • Lấy 1/2 thìa bột nghệ hòa chung với nước đun sôi để nguội lượng vừa đủ tạo thành hỗn hợp bột nhão.
  • Bôi một lớp mỏng hỗn hợp vừa tạo bao phủ vùng nướu răng bị sưng
  • Để như vậy ít nhất 10 phút cho cách chất trong nghệ thấm sâu vào chân răng và phát huy tác dụng trước khi súc miệng lại.

8. Mẹo trị sưng nướu răng bằng dầu cây chè

Tinh dầu được chiết xuất từ cây chè chứa nhiều terpenoid. Hoạt chất hữu cơ này được biết đến với tác dụng kháng khuẩn, chống nấm. Khi tiếp xúc với vùng nướu bị bệnh, nó sẽ phát huy tác dụng giảm sưng đau bằng cách tiêu diệt các tác nhân gây bệnh, làm dịu khu vực bị kích ứng và kích thích tái tạo các mô bị tổn thương.

  • Cách 1: Bôi trực tiếp một ít dầu cây chè lên chỗ nướu răng bị sưng sau khi đã vệ sinh răng miệng sạch sẽ. Có thể bôi lặp lại thêm vài lần trong ngày để nướu mau hết sưng
  • Cách 2: Trộn lẫn kem đánh răng với vài giọt tinh dầu cây chè. Sau đó tiến hành đánh răng bình thường sẽ giúp làm tăng công dụng sát khuẩn, giảm sưng nướu, chống nhiễm trùng chân răng.

9. Bài thuốc điều trị sưng nướu răng bằng tỏi

Không phải ngẫu nhiên mà tỏi được tin dùng để điều trị sưng nướu răng và vô số các căn bệnh khác. Loại gia vị này chứa hàm lượng cao allicin – một chất kháng sinh thường được giải phóng sau khi giã nát tỏi. Nó có tác dụng tiêu diệt vi khuẩn gây bệnh trong khoang miệng, giúp nướu lợi bớt sưng đau. 

Cách sử dụng:

  • Lấy 1 tép tỏi to lột vỏ, rửa sạch
  • Bỏ tỏi vào chén giã nát với vài hạt muối ăn, để ngoài không khí khoảng 5 – 10 phút cho các hoạt chất allicin được giải phóng.
  • Pha vào hỗn hợp 1 thìa cà phê nước đun sôi để nguội, quậy đều
  • Chắt nước cốt chấm vào chỗ lợi bị sưng viêm mỗi ngày 2 – 3 lần.

10. Dùng thuốc điều trị sưng nướu răng do bác sĩ kê đơn

Trường hợp bị sưng nướu răng nghiêm trọng gây đau nhức nhiều và có nguy cơ bị lở loét, áp xe chân răng, bạn nên nhanh chóng tìm đến sự giúp đỡ của các bác sĩ nha khoa. 

thuốc trị sưng nướu răng
Trường hợp nướu răng bị sưng to gây đau nhức nghiêm trọng thì có thể cân nhắc sử dụng thuốc do bác sĩ kê đơn

Để điều trị sưng nướu răng, bác sĩ có thể kê đơn các loại thuốc kháng sinh và thuốc điều trị triệu chứng liên quan. Bao gồm:

– Thuốc điều trị tại chỗ:

Loại thuốc này thường được điều trị để bôi ngoài tổn thương. Chúng có thể được bào chế dưới dạng kem, gel bôi hay nước súc miệng chứa các hoạt chất kháng sinh, kháng viêm, giảm đau tự nhiên.

– Thuốc uống:

Các thuốc uống có tác dụng toàn thân nên thường được chỉ định cho những trường hợp bị nhiễm trùng nướu nặng.

  • Thuốc kháng sinh: Thường dùng các các thuốc thuộc nhóm beta-lactam hay macrolid.
  • Thuốc giảm đau: Paracetamol hay Ibuprofen,…
  • Thuốc giảm đau kháng viêm nhóm non – steroid: Diclophenac hay Meloxicam…
  • Thuốc corticosteroid: Prednisolon, Dexamethason,… 

Cần nhớ rằng, bất kỳ loại thuốc tân dược nào nếu lạm dụng quá mức đều có thể khiến bạn gặp phải tác dụng phụ. Vì vậy, đừng tự ý mua thuốc về uống mà chưa qua thăm khám. Tùy theo tình trạng sưng nướu, nguyên nhân và triệu chứng đi kèm bác sĩ sẽ xây dựng phác đồ điều trị với các loại thuốc phù hợp nhất với tình trạng bệnh của bạn.

Chế độ ăn uống, sinh hoạt cho người bị sưng nướu răng

Để tổn thương ở nướu nhanh bớt sưng và hết nhiễm trùng thì bên cạnh việc tích cực điều trị, bạn cần chú ý một số vấn đề trong ăn uống và sinh hoạt hàng ngày như:

  • Đánh răng sạch sẽ mỗi ngày ít nhất 2 lần vào buổi sáng và tối trước khi đi ngủ
  • Tránh dùng tăm xỉa răng. Bạn có thể thay thế bằng chỉ nha khoa để làm sạch các kẽ răng mà không gây tổn thương cho nướu.
  • Sử dụng nước súc miệng để loại bỏ sạch vi khuẩn trong khoang miệng, chống lại sự hình thành của mảng bám và cao răng – những nguyên nhân phổ biến khiến cho nướu bị sưng.
  • Thường xuyên mát xa cho mặt và nướu răng để kích thích lưu thông máu đến khu vực này, giúp cải thiện sức khỏe cho nướu nói riêng và răng miệng nói chung.
  • Bổ sung các thực phẩm chứa nhiều vitamin C như rau lá xanh, cam, bưởi, cà chua… để cải thiện sức đề kháng cho cơ thể và giúp tổn thương ở các mô nướu nhanh lành.
  • Các thực phẩm chứa axit lactic như sữa chua hay bánh mì có thể giúp ức chế sự phát triển của vi khuẩn gây hại trong khoang miệng, giảm sưng nướu răng.
  • Nhóm thực phẩm giàu chất đạm và vitamin A được sử dụng trong thực đơn của người bị sưng lợi cũng giúp hình thành nên các tế bào mới để thay thế các mô nướu bị sưng viêm, củng cố sự vững chắc cho chân răng.
  • Uống nhiều nước và sức miệng thường xuyên với nước muối pha loãng để làm sạch khoang miệng, ngăn ngừa sự hình thành của mảng bám ở chân răng.
  • Kiêng ăn các thực phẩm có tính nóng, gia vị cay, thức ăn quá nóng hoặc quá lạnh, đồ ngọt, thực phẩm dai cứng, cà phê, nước uống có gas, bia, rượu.

Ngoài ra, nếu có tiền sử bị sưng nướu răng, bạn cũng nên đi khám nha khoa. Định kỳ lấy cao răng và điều trị triệt để các bệnh lý ở răng miệng để vi khuẩn không có cơ hội phát triển gây nhiễm trùng nướu.

Thông tin hữu ích liên quan

Chia sẻ:
Sưng nướu răng cửa có thể do nhiều nguyên nhân gây ra Sưng Nướu (Lợi) Răng Cửa Do Đâu? Giải Pháp Khắc Phục

Sưng nướu răng cửa là tình trạng không hiếm gặp, do nhiều nguyên nhân gây ra, có thể liên quan…

Mẹo chữa viêm lợi bằng lá trầu không hiệu quả tại nhà

Chữa viêm lợi bằng lá trầu không là một trong những mẹo tự nhiên đang được nhiều người áp dụng…

Viêm lợi phì đại là tình trạng lợi bị viêm nhiễm, mô nướu răng tăng sinh, phát triển quá mức Viêm Lợi Phì Đại Là Gì? Biểu Hiện và Phương Pháp Điều Trị

Viêm lợi phì đại là tình trạng các mô nướu răng phát triển quá mức, đặc trưng bởi các triệu…

Viêm lợi khi mang thai Viêm Lợi Khi Mang Thai và Cách Chữa Trị An Toàn Cho Mẹ

Viêm lợi khi mang thai là bệnh lý răng miệng thường gặp trong tháng thứ 2 của thai kỳ và…

Bị viêm lợi trùm răng khôn khi mang thai cần làm gì?

Nhiều phụ nữ bị viêm lợi trùm khi mang thai do nội tiết tố thay đổi hoặc do vệ sinh…

Giải đáp thắc mắc của độc giả cùng chuyên gia của chúng tôi!

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Chia sẻ
Bỏ qua