Viêm nướu răng (viêm lợi): Dấu hiệu nhận biết, điều trị
Viêm nướu răng là vấn đề răng miệng rất dễ gặp. Không chỉ gây ra các triệu chứng khó chịu mà tình trạng này có thể diễn tiến nghiêm trọng nếu không sớm điều trị. Cụ thể, viêm nhiễm sẽ lan rộng gây viêm nha chu, áp xe răng và thậm chí là gây mất răng.
Viêm nướu răng là gì? Dấu hiệu nhận biết
Nướu răng (lợi) là lớp mô mềm bao phủ quanh răng. Nó có nhiệm vụ che chở và bảo vệ cho chân răng được chắc chắn. So với các mô mềm bao phủ quanh môi và má thì hầu hết các mô nướu đều dính chặt vào khung xương bên dưới. Từ đó giúp chúng chống lại sự ma sát của thức ăn. Nướu răng khỏe mạnh sẽ có màu hồng san hô nhưng cũng có thể chứa sắc tố melanin.
Viêm nướu răng (viêm lợi) là thuật ngữ y khoa đề cập đến tình trạng viêm nhiễm ngay tại lớp mô mềm bao phủ quanh răng. Thường là do vi khuẩn trong mảng bám hay cao răng tồn tại lâu trong miệng. Vi khuẩn phát triển phần lớn là từ các mảng bám ở trên răng và bao gồm cả những mảng bám không nhìn thấy bằng mắt thường.
Sau khoảng 24 tiếng thì các mảng bám tích tụ trên răng sẽ từ từ cứng lại và tạo thành cao răng. Các biện pháp chăm sóc và vệ sinh răng miệng thông thường sẽ không làm sạch triệt để cao răng.
Vi khuẩn từ mảng bám tồn tại trong miệng càng lâu thì hệ quả mà chúng gây ra sẽ càng lớn. Viêm lợi mặc dù là bệnh dễ gặp nhưng lại không gây ra quá nhiều nguy hiểm. Thông thường nó chỉ khiến người bệnh cảm thấy khó chịu và mất tự tin trong giao tiếp.
Dưới đây là một số dấu hiệu viêm nướu răng đặc trưng:
- Nướu răng có dấu hiệu sưng tấy lên, có màu đỏ và rất dễ bị đau khi chạm vào
- Đau buốt, khó chịu khi ăn uống
- Hơi thở có mùi hôi rất khó chịu
- Giai đoạn viêm nặng, lợi sẽ bị sưng đỏ, chảy máu bất chợt và gây đau đớn
- Khi xỉa răng bằng tăm sẽ thấy đau nhiều hơn
- Lâu ngày lợi có thể bị tụt xuống để lộ chân răng rất mất thẩm mỹ
- Khi bệnh trầm trọng, lỗ hổng sẽ càng sâu, nướu răng bị phá hủy nặng
- Răng trở nên nhạy cảm và dễ bị lung lay
- Các dấu hiệu đi kèm có thể là: sốt nhẹ, mất ngủ, chán ăn…
Các nguyên nhân gây viêm nướu răng
Tình trạng viêm nướu răng được cho là hệ quả của nhiều nguyên nhân cộng hưởng. Bao gồm một số vấn đề chính như sau:
1. Chăm sóc răng miệng không tốt
Vấn đề vệ sinh răng miệng được cho là yếu tố quan trọng nhất để có một hàm răng chắc khỏe. Các nha sĩ cho biết, đa số những bệnh liên quan tới răng miệng đều bắt nguồn từ việc chăm sóc và vệ sinh không tốt.
Các mảng bám trên răng nếu không được làm sạch sẽ là nơi trú ngụ của rất nhiều hại khuẩn. Chúng có thể tấn công và sản sinh ra các enzym phá hủy liên kết giữa các biểu mô. Từ đó dẫn tới viêm nướu răng.
2. Ăn uống thiếu lành mạnh
Ăn uống cũng được cho là vấn đề có liên quan trực tiếp tới sức khỏe răng miệng. Nhiều thói quen ăn uống thiếu lành mạnh chính là yếu tố dẫn tới viêm lợi. Ví dụ như ăn nhiều đồ ngọt, tinh bột, chất béo, đồ cay, ăn thức ăn nóng/ lạnh đột ngột…
Hơn nữa thường xuyên tiêu thụ thực phẩm mềm cũng được cho là nguyên nhân. Bởi điều này khiến cho răng lười hoạt động. Từ đó dẫn tới cấu trúc bảo vệ răng yếu đi, tạo cơ hội cho viêm nhiễm xảy ra.
Tham khảo: Người Bị Viêm Lợi Nên Ăn Gì, Kiêng Gì Cho Nhanh Khỏi?
3. Thường xuyên tiêu thụ rượu bia, hút thuốc lá
Rượu bia và thuốc lá là những thứ ảnh hưởng rất lớn tới sức khỏe tổng thể nói chung và sức khỏe răng miệng nói riêng. Các chuyên gia cho biết, thường xuyên tiêu thụ rượu bia có thể làm tăng sự tích tụ mảng bám. Đồng thời các chất trong rượu bia còn tạo điều kiện cho hại khuẩn phát triển.
Còn thuốc lá thì lại chứa rất nhiều các thành phần độc hại. Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng, chất nicotin trong thuốc lá có thể gây vàng răng và làm tăng số lượng hại khuẩn. Từ đó khiến mô nướu bị tổn thương và rất dễ sưng viêm.
4. Các nguyên nhân khác
Bên cạnh những nguyên nhân kể trên, bệnh viêm lợi còn có thể liên quan tới một số yếu tố khác. Phải kể đến như:
- Tác dụng phụ của thuốc: Việc sử dụng một số loại thuốc như thuốc chống co giật, chống trầm cảm hay thuốc cảm cúm… có thể làm giảm sự tiết nước bọt. Từ đó khiến mảng bám và cao răng dễ dàng tích tụ hơn.
- Thay đổi nội tiết tố: Các chuyên gia cho biết đây cũng là nguyên do khiến nướu răng nhạy cảm hơn. Ngoài ra còn làm mất sự cân bằng của hệ sinh vật trong khoang miệng. Vì vậy, những người ở tuổi dậy thì, phụ nữ mang thai hau mãn kinh thường rất dễ bị viêm nướu răng.
- Hệ miễn dịch suy giảm: Số liệu thống kê cho thấy, bệnh viêm lợi thường xảy ra ở những người bị suy yếu miễn dịch. Thường gặp ở người vừa cấy ghép nội tạng, bệnh nhân tiểu đường hay nhiễm HIV…
Ngoài ra, bệnh còn liên quan đến một số yếu tố rủi ro khác như:
- Tuổi tác cao
- Yếu tố di truyền
- Mắc bệnh Crohn
- Thừa cân béo phì
- Bị viêm khớp dạng thấp
Viêm nướu răng có nguy hiểm không?
So với các bệnh nha khoa khác thì viêm lợi không phải là tình trạng quá nghiêm trọng. Đặc biệt ở giai đoạn sớm, những triệu chứng của bệnh chỉ gây khó chịu và ảnh hưởng đến ăn uống. Chỉ cần áp dụng các giải pháp điều trị kịp thời và đúng đắn thì có thể nhanh chóng kiểm soát.
Tuy nhiên, với trường hợp chủ quan để bệnh diễn tiến nặng thì cũng sẽ có rất nhiều hệ lụy phát sinh. Đặc biệt, tình trạng viêm có thể lan rộng, ăn sâu khiến cho nướu răng cùng các tổ chức quanh răng bị tổn thương nghiêm trọng. Không chỉ có nguy cơ mất răng mà còn tiềm ẩn nhiều biến chứng nguy hiểm khác. Nhất là khi nhiễm trùng lan vào máu và ảnh hưởng tới các cơ quan khác trong cơ thể.
Đặc biệt, phụ nữ mang thai bị viêm lợi có thể bị ảnh hưởng rất nhiều. Nhất là khi tình trạng bệnh diễn tiến nặng có thể ảnh hưởng tới sự phát triển của thai nhi. Nhiều trường hợp trẻ có thể bị nhẹ cân, ốm yếu hoặc sinh non.
Có thể bạn quan tâm: Nguyên nhân viêm lợi sưng má, cách điều trị và phòng tránh
Cách điều trị bệnh viêm lợi đơn giản, nhanh chóng
Việc điều trị viêm nướu răng tùy thuộc vào mức độ viêm, biểu hiện triệu chứng và các vấn đề liên quan khác. Thông thường, nếu phát hiện sớm thì chỉ cần dùng thuốc kết hợp một số biện pháp tại nhà là có thể kiểm soát nhanh chóng.
Các giải pháp điều trị viêm nướu răng bao gồm:
1. Dùng thuốc theo hướng dẫn bác sĩ
Khi mắc bệnh viêm nướu răng thì việc sử dụng thuốc được cho là rất cần thiết. Tuy nhiên cần thăm khám để nha sĩ xác định mức độ bệnh và kê toa thuốc phù hợp. Điều này sẽ giúp kiểm soát và ngăn ngừa viêm nhiễm gây ra.
Một số loại thuốc điều trị viêm lợi có thể sẽ được kê toa:
– Thuốc kháng sinh:
Kháng sinh nhóm beta-lactam và macrolid là 2 loại được dùng phổ biến trong điều trị bệnh viêm lợi. Nó có tác dụng tiêu diệt các loại hại khuẩn gây viêm. Bác sĩ có thể chỉ định cả kháng sinh đường uống và kháng sinh tại chỗ để cho hiệu quả tốt. Tuy nhiên với nhóm thuốc này cần dùng đủ liều để tránh vi khuẩn kháng kháng sinh.
– Thuốc giảm đau và kháng viêm không steroid:
Các loại thuốc này đem lại hiệu quả rất tốt trong kiểm kiểm soát tình trạng viêm và đau nhức ở nướu răng. Một số loại được dùng phổ biến bao gồm Paracetamol, Meloxicam, Diclofenac, Ibuprofen, Axit mefenamic…
– Thuốc kháng viêm chứa steroid:
Nhóm thuốc này sẽ được bác sĩ cân nhắc chỉ định trong trường hợp tình trạng viêm nhiễm diễn tiến nặng. Dexamthason và Prednisolon là 2 loại được sử dụng phổ biến nhất. Đây là thuốc có tác dụng kháng viêm rất mạnh mẽ. Hơn nữa còn hỗ trợ cải thiện nhanh tình trạng sưng tấy, đau nhức do viêm lợi gây ra.
– Dung dịch nước súc miệng:
Ngoài công dụng làm sạch răng miệng và loại bỏ mảng bám thì nước súc miệng còn giúp ức chế hoạt động của hại khuẩn. Từ đó hỗ trợ khắc phục tình trạng sưng viêm ở lợi. Bác sĩ sẽ ưu tiên chỉ định các sản phẩm nước súc miệng có chứa Chlorin dioxide, Chlorhexidin, Zin gluconat, Hexetidin…
Xem ngay: TOP 7 Nước Súc Miệng Trị Viêm Lợi (Nướu) Tốt Nhất Thị Trường
Trong nhiều trường hợp, nếu việc điều trị nội khoa không đem lại hiệu quả khả quan thì bác sĩ có thể sẽ cân nhắc chỉ định phẫu thuật. Cách này sẽ giúp loại bỏ tận gốc túi viêm ở nướu răng. Từ đó ngăn ngừa các biến chứng phát sinh.
2. Các giải pháp tại nhà
Bệnh viêm lợi nếu còn ở mức độ nhẹ thì hoàn toàn có thể đáp ứng tốt với các giải pháp tại nhà. Bao gồm súc miệng với nước muối và tận dụng các loại thảo dược tự nhiên. Đây là giải pháp an toàn vừa giúp làm giảm sưng viêm lại khắc phục tốt các triệu chứng đau nhức răng hay hôi miệng. Từ đó chăm sóc tốt hơn cho sức khỏe răng miệng.
Súc miệng với nước muối:
Nước muối có đặc tính sát trùng và kháng khuẩn rất mạnh mẽ. Vì vậy dùng để súc miệng hằng ngày có thể hỗ trợ khắc phục tình trạng viêm nướu răng. Cách này giúp làm sạch khoang miệng và ức chế hoạt động của hại khuẩn. Bạn có thể mua nước muối sinh lý ở tiệm thuốc Tây hoặc tự pha nước muối loãng để súc miệng. Thực hiện đều đặn 2 lần/ ngày vào mỗi buổi sáng và buổi tối sẽ cho hiệu quả khả quan.
Sử dụng bạc hà trị viêm lợi:
Không phải tự nhiên mà bạc hà trở thành hương vị quen thuộc của nhiều loại kem đánh răng. Ngoài mang đến cảm giác mát lạnh thì tinh chất trong lá bạc hà cũng có tính kháng khuẩn mạnh. Sử dụng thảo dược này đúng cách có thể hỗ trợ đắc lực cho việc điều trị viêm lợi. Đặc biệt là có thể loại bỏ mùi hôi khó chịu do viêm nhiễm nướu răng gây ra.
- Chỉ cần chuẩn bị khoảng 30 – 40g lá bạc hà tươi
- Đem thảo dược đi ngâm rửa với nước muối loãng để sát khuẩn
- Sau đó cho vào nồi đun với nửa lít nước trong vòng 5 – 7 phút
- Sử dụng nước này để uống mỗi ngày thay cho nước trà
- Nên ngậm trong miệng khoảng một vài phút rồi mới từ từ nuốt
- Ngoài ra, bạn có thể nấu nước lá bạc hà để súc miệng giúp vệ sinh răng miệng sạch sẽ hơn
Dùng cây cỏ mực chữa viêm lợi:
Đây cũng là giải pháp tại nhà rất hữu hiệu mà bạn có thể thử nghiệm. Trong cây cỏ mực có chứa lượng lớn tanin, chất đắng, caroten và các ancaloit. Nhờ đó mà ngoài khả năng sát khuẩn, chống viêm thì thảo dược này còn có tác dụng làm giảm đau. Cây cỏ mực được dùng phổ biến trong điều trị viêm lợi nói riêng và viêm nha chu nói chung.
- Cần chuẩn bị khoảng 30g cỏ mực tươi và 1 ít mật ong nguyên chất
- Cỏ mực cần rửa với nước muối loãng để sát khuẩn rồi vớt ra để ráo
- Tiếp đến cho vào cối giã nhuyễn, thêm khoảng 20ml nước lọc vào để vắt lấy nước cốt
- Sau đó cho mật ong vào khuấy đều
- Dùng hỗn hợp này để bôi trực tiếp lên vị trí nướu răng bị viêm
Mách bạn: 6 Cách Chữa Viêm Lợi Bằng Mật Ong Đơn Giản Nhất
Chữa viêm nướu răng bằng cam thảo:
Cam thảo cũng là một nguyên liệu tự nhiên quen thuộc mà bạn có thể tận dụng để chữa viêm nướu răng. Hàm lượng acid glucuronic dồi dào trong cam thảo có thể ức chế được nhiều chủng vi khuẩn gây viêm. Hơn nữa mùi thơm đặc trưng từ cam thảo có thể giúp loại bỏ mùi hôi khó chịu trong khoang miệng.
- Chuẩn bị khoảng 2 – 3 lát cam thảo tươi.
- Đem ngậm trong miệng rồi nhai từ từ cho ra nước.
- Nuốt phần nước và nhổ bã ra ngoài.
Biện pháp ngăn ngừa bệnh viêm nướu răng
Viêm nướu răng là bệnh nha khoa rất dễ gặp. Hơn nữa sau điều trị bệnh còn có nguy cơ tái phát rất cao. Vì vậy, bạn cần đặc biệt chú ý tới vấn đề chăm sóc răng miệng và thực hiện các biện pháp phòng ngừa.
Dưới đây là một số khuyến cáo từ nha sĩ:
- Đánh răng sạch sẽ mỗi ngày 2 lần vào buổi sáng khi ngủ dậy và buổi tối trước khi đi ngủ.
- Nên dùng thêm nước súc miệng và chỉ nha khoa để hỗ trợ loại bỏ hoàn toàn mảng bám. Tránh sự tích tụ quá nhiều khiến hại khuẩn phát triển.
- Có thể sử dụng nước muối loãng, nước sắc bạc hà hay cam thảo để súc miệng. Đây là giải pháp đơn giản nhưng có khả năng hỗ trợ dự phòng các bệnh nha khoa rất hiệu quả.
- Các nha sĩ khuyên rằng, bạn nên thường xuyên thay bàn chải đánh răng, ít nhất là 3 tháng/ lần.
- Nếu có thói quen hút thuốc lá và thường xuyên uống rượu bia thì bạn nên chú ý cai sớm. Nó không chỉ ảnh hưởng tới sức khỏe răng miệng mà còn gây hại cho sức khỏe tổng thể.
- Ăn uống lành mạnh, cần hạn chế tiêu thụ các thực phẩm có hàm lượng đường cao, nhiều chất béo hay tinh bột.
- Nên uống nhiều nước, bổ sung thêm thực phẩm giàu chất xơ và lợi khuẩn vào chế độ ăn. Ngoài hỗ trợ làm sạch răng miệng thì chúng còn giúp ức chế hoạt động của vi khuẩn gây hại.
- Tốt nhất nên khám nha khoa định kỳ 6 tháng/ lần và lấy cao răng sạch sẽ để luôn đảm bảo sức khỏe răng miệng.
Viêm nướu răng mặc dù không phải là bệnh lý quá nghiêm trọng nhưng cần phát hiện và điều trị sớm. Tránh để tình trạng viêm lan rộng và làm phát sinh nhiều hệ lụy nguy hiểm. Bên cạnh việc dùng thuốc theo hướng dẫn từ bác sĩ thì bạn cần chăm sóc tốt tại nhà để đẩy nhanh quá trình điều trị.
Có thể bạn quan tâm:
- 14 cách chữa viêm lợi tại nhà nhanh nhất – Mẹo hay
- 5 kem đánh răng trị viêm lợi tốt nhất hiện nay – Chống tái phát
Giải đáp thắc mắc của độc giả cùng chuyên gia của chúng tôi!