Viêm lợi nên ăn gì, kiêng gì cho nhanh khỏi?

Bác sĩ phụ trách

BÁC SĨ PHAN ĐÌNH LONG

Cố vấn Chuyên môn

Người bị viêm lợi nên ăn các thực phẩm như gừng, tỏi, sữa chua, bột sắn dây. Tránh ăn đồ cay nóng, thức ăn thô cứng hoặc chứa nhiều axit nếu không muốn lợi bị viêm loét nặng hơn.

Viêm lợi nên ăn gì?

Viêm lợi là một trong các bệnh về răng miệng thường gặp nhất. Bình thường, lợi ôm sát cổ răng giúp bảo vệ chân răng và đảm bảo sự vững chắc cho hàm răng. Bộ phận này khá săn chắc, khi khỏe mạnh thường có màu hống nhạt.

Tuy nhiên, do tiếp xúc gần với răng, lợi rất dễ bị vi khuẩn trú ẩn trong các mảng bám ở răng tấn công dẫn đến sưng đau, viêm đỏ, hình thành một vết loét nhỏ và đôi khi còn bị chảy máu. Điều này khiến cho người bệnh phải đối mặt với cảm giác đau rát khó chịu, đặc biệt là mỗi khi nhai thức ăn.

Người bị viêm lợi được khuyên nên tăng cường bổ sung các thực phẩm có đặc tính kháng viêm, giảm đau tự nhiên giúp hỗ trợ giảm nhẹ các triệu chứng viêm lợi và đẩy nhanh quá trình hồi phục tổn thương. Dưới đây là những sự lựa chọn tốt nhất trong thực đơn của người bị viêm lợi:

1. Gừng giảm sưng đau do viêm lợi

Gừng chính là phương thuốc trị viêm lợi tự nhiên, an toàn cho người bệnh. Loại gia vị này chứa các hoạt chất như Shogaol, Paradol, Gingerol. Chúng hoạt động mạnh mẽ trong việc chống lại tình trạng sưng viêm ở lợi, xoa dịu cơn đau, đồng thời tăng cường bơm máu đưa các chất dinh dưỡng đến tái tạo tổn thương. 

viêm lợi nên ăn gì
Người bị viêm lợi nên ăn gừng để giảm đau và chống lại tình trạng nhiễm trùng

Để các ổ viêm ở lợi nhanh lành, có thể sử dụng gừng theo những cách sau:

  • Giã gừng tươi làm nước chấm
  • Dùng gừng tẩm ướp trong các món kho, món xào
  • Lấy gừng tươi pha với nước sôi làm trà uống 2 – 3 tách hàng ngày. Có thể thêm một ít mật ong vào ly trà gừng để tạo vị ngọt tự nhiên và bổ sung thêm dưỡng chất cho cơ thể.

2. Các thực phẩm giàu chất xơ

Chất xơ được tìm thấy trong một số loại rau xanh khi vào trong khoang miệng sẽ hoạt động như một cái bàn chải, giúp làm sạch mảng bám và quấn đi những mẩu thức ăn và chất cặn bã nằm mắc kẹt trong các kẽ răng. Nhờ đó, vi khuẩn gây viêm lợi không còn môi trường để phát triển. 

Thêm vào đó, hoạt động nhai chất xơ còn kích thích tăng tiết nước bọt ở miệng, ngăn ngừa khô nướu, lợi, giảm thiểu nguy cơ bị nhiệt miệng, viêm lợi.

Chất xơ chủ yếu được tìm thấy trong một số loại rau xanh và trái cây. Bao gồm:

  • Súp lơ xanh
  • Rau xà lách
  • Cần tây
  • Các loại đậu
  • Táo
  • Chuối

3. Bị viêm lợi nên ăn tỏi

Nhiều người cho rằng ăn tỏi sẽ gây hôi miệng, nóng trong và khiến tình trạng viêm lợi thêm nghiêm trọng. Tuy nhiên thực tế tỏi mang lại rất nhiều lợi ích cho người bệnh.

Tỏi là thực phẩm không thể thiếu trong chế độ ăn của người bị viêm lợi. Thực phẩm này chứa một loại kháng sinh thực vật có tên gọi là Allicin. Khi được cơ thể hấp thu, chất này sẽ hoạt động bằng cách ức chế quá trình phân bào của vi khuẩn và tiêu diệt chúng, qua đó dần cải thiện tình trạng sưng viêm ở lợi.

Hãy thêm tỏi vào bữa ăn ngay từ hôm nay nếu bạn thường xuyên bị bệnh viêm lợi tấn công. Trường hợp e ngại mùi đặc trưng của tỏi sẽ khiến hơi thở có mùi hôi, bạn chỉ cần đi đánh răng ngay sau khi dùng bữa ăn có tỏi là được. 

4. Trà xanh, trà đen

Những loại trà này đều chứa nhiều tanin và EGCG. Những chất này có tác dụng chống oxy hóa, giảm sưng đau do viêm lợi, đồng thời bảo vệ các mô khỏe mạnh trước sự tấn công của vi khuẩn.

viêm lợi nên ăn trà xanh
Trà xanh chứa nhiều EGCG và tanin có khả năng làm lành vết loét ở lợi, tiêu diệt vi khuẩn gây viêm

Uống 2 – 3 tách trà xanh hay trà đen mỗi ngày chính là cách đơn giản để chống lại tình trạng viêm nhiễm ở lợi. Ngoài ra, bạn cũng có thể tận dụng bã trà đắp trực tiếp vào khu vực tổn thương để vết loét ở lợi nhanh lành.

5. Sữa chua tốt cho người bị viêm lợi

Sữa chua nổi tiếng là thực phẩm tốt cho tiêu hóa nhưng nó cũng đem lại những lợi ích thiết thực cho người bị viêm lợi. Thực phẩm này cung cấp nhiều lợi khuẩn lactobacillus acidophilus. Chúng có khả năng tiêu diệt các vi khuẩn có hại ẩn chứa trong khoang miệng, ngăn chặn tình trạng lan rộng của vết loét ở lợi.

Để thu được những lợi ích tốt nhất mà thực phẩm này mang lại, bạn nên ăn 1 hoặc 2 hũ sữa chua mỗi ngày. Ăn trực tiếp hoặc thêm trái cây, sirô vào để thay đổi khẩu vị.

6. Sữa tươi

Sữa tươi được khuyến cáo sử dụng trong thực đơn của người bị viêm lợi do chứa nhiều acid lactic và vô số các loại vitamin cũng như khoáng chất thiết yếu. Duy trì thói quen uống sữa mỗi ngày sẽ giúp cải thiện khả năng miễn dịch, giúp cơ thể có khả năng đề kháng, chống lại vi khuẩn gây bệnh tốt hơn.

Ngoài ra, acid lactic có trong sữa tươi còn hoạt động như một chất kháng viêm. Nó giúp sát trùng tại chỗ, làm dịu tổn thương, giảm cảm giác đau rát khó chịu ở lợi.

7. Cà rốt

Giàu beta carotene, cà rốt có khả năng thúc đẩy quá trình chữa lành các vết loét ở lợi. Bên cạnh đó, thực phẩm này cũng cung cấp nhiều chất xơ giúp làm sạch mảng bám trên răng – nơi ẩn chứa của vi khuẩn gây viêm lợi. 

Cà rốt có thể ăn sống, ép nước uống hay nấu chín đều được. Mỗi tuần, bạn có thể ăn 2 – 3 lần, mỗi lần khoảng 150g. Không nên ăn hàng ngày bởi dung nạp quá nhiều beta carotene có thể gây vàng da và nhiều tác dụng phụ khác.

8. Bột sắn dây

Nếu đang thắc mắc bị viêm lợi nên ăn gì thì bột sắn dây chính là một gợi ý bạn không nên bỏ qua. Thực phẩm này cung cấp hoạt chất Daidzein có tác dụng kháng viêm, diệt khuẩn. Ngoài ra, bột sắn dây còn có tác dụng thanh nhiệt, giải độc, tạo điều kiện cho vết loét ở lợi nhanh lành.

Cách sử dụng bột sắn dây phổ biến nhất là pha nước uống. Ngoài ra, có thể dùng bột sắn dây nấu chung với đậu xanh cũng giúp đẩy nhanh quá trình hồi phục của tổn thương ở lợi.

9. Mật ong

Mật có có đặc tính kháng viêm, sát khuẩn tự nhiên. Thành phần vitamin E có trong thực phẩm này cũng giúp làm dịu cơn đau rát ở khu vực tổn thương, kích thích tái tạo tế bào mới, làm bề mặt vết loét nhanh kéo da non.

viêm lợi nên ăn mật ong
Mật ong giàu vitamin E và chất chống oxy hóa có tác dụng sát khuẩn, giảm viêm lợi

Bạn có thể dùng mật ong theo những cách sau:

  • Ăn trực tiếp 1 – 2 thìa cà phê mật ong mỗi ngày
  • Pha với nước ấm uống vào buổi sáng

Ngoài ra, dân gian còn dùng mật ong nguyên chất thoa lên bề mặt vết loét trên lợi, giúp sát khuẩn tại chỗ, giảm sưng viêm.

10. Thực phẩm giàu vitamin C

Vitamin C là một chất khả năng kháng khuẩn, tăng khả năng miễn dịch và cải thiện sức khỏe răng miệng. Khi bị viêm lợi, bạn nên tăng cường các thực phẩm giàu vitamin C trong thực đơn hàng ngày để làm giảm các triệu chứng khó chịu, giúp nhanh chóng đẩy lùi được tình trạng viêm lợi.

Nhóm thực phẩm dồi dào vitamin C nhất bao gồm:

  • Ớt chuông
  • Rau mùi tây
  • Kiwi
  • Bông cải 
  • Đu đủ

Ngoài ra, bạn có thể cân nhắc bổ sung thêm viên uống vitamin C để cải thiện sức đề kháng cho cơ thể, nâng cao khả năng tự chữa lành tổn thương nếu như chế độ ăn không thể cung cấp được nhu cầu vitamin C trong ngày.

Bị viêm lợi nên kiêng ăn gì?

Nếu bạn đang bị viêm lợi, hãy hạn chế sử dụng các thực phẩm sau nếu không muốn tình trạng thêm nghiêm trọng. 

1. Bánh quy, đồ ngọt

Bánh quy chứa nhiều tinh bột. Khi sử dụng hình thành nhiều mảng bám trên răng. Hàm lượng đường cao có trong bánh quy và đồ ngọt cũng tạo ra môi trường lý tưởng để vi khuẩn phát triển trong khoang miệng khiến bạn bị viêm lợi. 

2. Thức ăn chứa nhiều axit

Chẳng hạn như xoài, dưa muối chua, các món gỏi, cam, chanh, giấm… Khi sử dụng, axit sẽ tiếp xúc với vết loét ở lợi gây cảm giác bỏng xót và làm tổn thương ăn sâu hơn.

3. Đồ uống gây mất nước, khô miệng

Khi bị mất nước, lượng nước bọt tiết ra cũng ít hơn khiến cho răng và lợi mất đi hàng rào bảo vệ tự nhiên. Chính vì vậy, vi khuẩn dễ dàng phát triển và tấn công mạnh vào lợi gây nhiễm trùng. Cảm giác đau rát ở khu vực tổn thương cũng tăng lên nếu miệng bị khô.

bị viêm lợi nên kiêng gì
Uống cà phê có thể gây khô miệng, khiến tổn thương viêm loét ở lợi đau nhức dữ dội hơn

Vì vậy, nếu đang bị viêm lợi, bạn nên tránh các loại đồ ăn, thức uống có thể gây khô miệng như:

  • Bánh mì nướng
  • Cà phê
  • Bia rượu
  • Nước tăng lực

4. Tránh ăn thực phẩm thô cứng

Các thức ăn thô cứng khi ở trong miệng sẽ cọ sát vào vết loét ở lợi khiến bạn bị đau và có nguy cơ chảy máu cao. Điều này cũng tác động không tốt đến quá trình hồi phục của tổn thương.

Các thực phẩm thô cứng nên tránh ăn khi bị bao gồm:

  • Kẹo cứng
  • Trái cây, rau củ sấy giòn
  • Bánh quy
  • Bánh mì nướng

5. Đồ ăn quá nóng hoặc quá lạnh

Thức ăn lạnh hay nóng quá mức đều không tốt cho tổn thương ở lợi. Nó sẽ khiến vết lở ở lợi có cảm giác bỏng rát, đau nhức dữ dội hơn, thậm chí loét rộng hơn.

6. Các loại thịt có thớ dài và dai

Chẳng hạn như thịt chó, thịt bò hay thịt nạc lợn. Chúng có sợi thịt khá dai và dài nên khi ăn dễ bị dính vào kẽ răng. Nếu không được làm sạch thì đây sẽ là miếng mồi ngon béo bở cho vi khuẩn phát triển khiến cho tình trạng viêm lợi thêm nghiêm trọng.

7. Gia vị cay

Sử dụng nhiều thức ăn chứa nhiều tiêu, ớt, gia vị có thể là nguyên nhân gây ra tình trạng viêm lợi và cũng khiến cho vết loét ở lợi bị đau rát và lâu lành. Vì vậy, bạn nên từ bỏ sở thích ăn cay nếu không muốn tình trạng viêm lợi tái đi tái lại nhiều lần.

viêm lợi nên kiêng ăn gia vị cay
Ăn đồ cay khi đang bị viêm lợi có thể gây cảm giác bỏng rát vô cùng khó chịu

8. Các thực phẩm chứa gluten

Một số người cơ thể không dung nạp được gluten khiến cho lợi bị viêm loét liên tục. Trong trường hợp này, bạn nên hạn chế ăn các thực phẩm như: 

  • Lúa mì
  • Bánh ngọt
  • Bánh kem
  • Bánh quy

Những thông tin trên đây vừa giúp bạn nhận thức được bị viêm lợi nên ăn gì và kiêng gì để nhanh khỏi. Cảm giác đau xót và vết loét trên lợi sẽ nhanh chóng biết mất nếu bạn có chế độ ăn uống hợp lý. 

Bạn có thể tham khảo thêm

Chia sẻ:
7 cách chữa viêm lợi trùm tại nhà đơn giản, hiệu quả

Trong dân gian có nhiều cách chữa viêm lợi trùm tại nhà đang được đông đảo bệnh nhân rỉ tai…

Sưng nướu răng (lợi, chân răng): Nguyên nhân và cách trị

Sưng nướu răng là một biểu hiện của nhiễm trùng nướu, viêm chân răng. Nguyên nhân chủ yếu là do…

Tình trạng lợi sưng viêm tấy đỏ trong quá trình đeo mắc cài niềng răng Niềng Răng Bị Sưng Lợi và Giải Pháp Xử Lý, Khắc Phục Hay

Niềng răng là một trong những phương pháp chỉnh nha hiệu quả, được đặc biệt ưa chuộng trong những năm…

sưng nướu răng khôn Sưng nướu răng khôn (trong cùng) phải làm sao?

Sưng nướu răng khôn trong cùng thường gây đau đớn nhiều hơn so với các vị trí khác. Ngoài viêm…

Viêm lợi nên ăn gì, kiêng gì cho nhanh khỏi?

Người bị viêm lợi nên ăn các thực phẩm như gừng, tỏi, sữa chua, bột sắn dây. Tránh ăn đồ…

Giải đáp thắc mắc của độc giả cùng chuyên gia của chúng tôi!

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Chia sẻ
Bỏ qua