Viêm Lợi Trùm Có Mủ Là Gì? Có Gây Nguy Hiểm Không?
Viêm lợi trùm có mủ là tình trạng lợi bao phủ một phần hoặc toàn bộ bề mặt răng gây viêm nhiễm kèm theo sự xuất hiện của ổ mủ tại vị trí viêm. Đây cũng là một trong những bệnh lý về răng miệng thường gặp, có liên quan đến quá trình phát triển của răng khôn. Được đánh giá là tương đối nguy hiểm, cần sớm có biện pháp can thiệp và điều trị kịp thời.
Viêm lợi trùm có mủ là gì?
Hiện tượng viêm lợi trùm có mủ có thể xảy ra ở mọi đối tượng, mọi lứa tuổi, tuy nhiên, phổ biến hơn hết vẫn là ở người trường thành, do thường liên quan đến quá trình mọc răng khôn. Răng khôn là những chiếc răng mọc cuối cùng, khi nướu răng đã phát triển hoàn chỉnh, việc mọc răng khôn thường gây ra nhiều vấn đề khó chịu, nhất là khi răng không còn đủ vị trí mọc dẫn đến mọc lệch gây viêm lợi trùm.
Lợi trùm là phần bao phủ phía trên răng của chúng ta khi răng chưa xuất hiện. Thông thường, nếu răng mọc lên cao thì phần lợi trùm này sẽ biến mất, tuy nhiên, cũng có nhiều trường hợp, lợi vẫn tiếp tục phủ kín bề mặt răng, khiến răng không thể trồi ra ngoài mà đâm trực tiếp vào lợi trùm. Lâu ngày gây khó vệ sinh, tích tụ mảng bám, vi khuẩn dẫn đến viêm nhiễm gây ra bệnh viêm lợi trùm.
Viêm lợi trùm có mủ phát triển từ bệnh viêm lợi trùm. Đây là tình trạng nhiễm trùng ở lợi trùm do vi khuẩn xâm nhập, gây bệnh, tạo nên các bọc mủ khiến mô nướu quanh thân và chân răng sưng lên. Viêm lợi trùm có mủ thật ra cũng khá tương tự với bệnh viêm lợi trùm, chỉ khác ở chỗ do không điều trị nên dẫn đến sự hình thành và phát triển của các ổ mủ.
Khi bị viêm lợi, tại vị trí viêm, các tế bào bạch cầu sẽ tập trung nhiều để tiêu diệt vi khuẩn, giải phóng các chất gây viêm khiến mô nướu ngày càng sưng to và có chứa dịch mủ. Viêm lợi trùm có mủ gây đau nhức nhiều, ảnh hưởng nghiêm trọng đến khả năng ăn nhai, sức khỏe và chất lượng cuộc sống của người bệnh. Nếu không sớm điều trị, vùng viêm nhiễm sẽ lan rộng sang các tổ chức khác, làm tổn thương chân răng, gây nguy cơ mắc các bệnh như viêm nha chu, sâu răng…
Triệu chứng nhận biết bệnh viêm lợi trùm có mủ
Viêm lợi trùm có mủ xuất phát từ bệnh viêm lợi trùm nên các triệu chứng của bệnh cũng thường nghiêm trọng hơn rất nhiều so với bệnh viêm lợi trùm. Khi mắc căn bệnh này, người bệnh thường có các triệu chứng sau đây:
- Nướu răng sưng đỏ, sờ vào thấy nóng mềm hơn bình thường. Ấn vào có cảm giác đau nhức nhiều, ấn mạnh có thể thấy có mủ màu trắng đục, mùi hôi khó chịu.
- Nướu, răng thường xuyên đau nhức, ê buốt khó chịu, khiến người bệnh gặp nhiều khó khăn khi ăn nhai, thậm chí ngay cả khi nói chuyện
- Ở những người cơ địa nhạy cảm, viêm lợi trùm có mủ gây đau nhức nhiều, không chỉ đau tại chỗ mà còn ảnh hưởng đến các răng lân cận, thậm chí đau nửa đầu
- Đôi khi xuất hiện tình trạng sốt nhẹ hoặc sốt cao, người uể oải, mệt mỏi, khó chịu. Có xuất hiện hạch ở cổ hoặc má do hạch bạch huyết hoạt động mạnh khi cơ thể nhiễm trùng.
- Ngoài ra, một số trường hợp còn gây ra các triệu chứng như chảy nước miệng do nướu sưng to, khó ngậm được miệng, dễ chảy máu chân răng, hơi thở có mùi, gặp khó khăn khi há miệng…
Các triệu chứng của bệnh viêm lợi trùm tương đối đặc trưng, dễ nhận biết. Có thể thuyên giảm và biến mất sau vài ngày nhưng lại rất dễ tái phát. Đôi khi bệnh không gây ra triệu chứng nghiêm trọng nên người bệnh thường chủ quan, không sớm thăm khám và điều trị. Hậu quả là phải đối mặt với các biến chứng nghiêm trọng như sâu răng lân cận, áp xe răng, suy giảm chức năng nhai, nguy cơ mất răng…
Nguyên nhân gây viêm lợi trùm có mủ
Viêm lợi trùm có mủ thường xảy ra khi răng số 8 (răng khôn) trong quá trình phát triển, đang phần là do răng khôn mọc lệch, mọc ngầm trong xương… Tình trạng này không chỉ gây viêm lợi trùm mà còn có thể dẫn đến nhiễm trùng nướu, sâu răng số 7, u nang răng khôn… Như vậy, nguyên nhân phổ biến nhất gây ra tình trạng lợi trùm bị viêm, tụ mủ là do:
1. Răng khôn không đủ vị trí mọc
Răng khôn là chiếc răng vĩnh viễn mọc cuối cùng của hàm, khi các răng khác đã phát triển hoàn thiện. Một số trường hợp do chỗ trống ít không đủ để răng phát triển khiến chúng có hình dạng bất thường, thay vì tách khỏi nướu thì lại mọc bên bờ nướu. Điều này khiến răng khôn và lợi trùm thường xuyên va chạm khi ăn nhai, khiến nướu răng tổn thương, tạo điều kiện cho vi khuẩn xâm nhập gây viêm nhiễm, có tụ mủ trong ổ viêm.
2. Do răng khôn mọc lệch, mọc ngầm
Răng khôn mọc lệch, mọc ngầm, mọc không đúng hướng cũng có thể là nguyên nhân gây ra tình trạng viêm nhiễm, có mủ cho lợi trùm. Răng khôn thường không mọc bình thường như các răng khác mà có thể mọc nhiều hướng khác nhau, phổ biến nhất là đâm vào răng số 7. Tình trạng này khiến nướu bị sưng đau, làm người bệnh gặp nhiều khó khăn trong việc vệ sinh răng miệng. Điều này khiến vi khuẩn có điều kiện phát triển, dẫn đến viêm nhiễm, tụ mủ ở phần lợi trùm bị viêm.
3. Do bệnh lý
Viêm lợi trùm có mủ đôi khi cũng có liên quan đến các bệnh lý về nha chu hoặc bệnh lý tự miễn, bệnh mạn tính gây ra. Thường là:
- Bệnh về nha chu: Liên quan đến răng, dẫn đến vỡ răng, răng lung lay, phần tủy nuôi dưỡng răng bị ảnh hưởng. Đây cũng là một lý do khiến phần lợi của răng bị ảnh hưởng, ổ nhiễm trùm lan rộng, lâu ngày không điều trị làm phần lợi trùm viêm nhiễm theo.
- Bệnh lý tự miễn, bệnh mạn tính: Các bệnh này làm suy giảm hệ miễn dịch, khiến cơ thể dễ bị ảnh hưởng bởi các tác động từ bên ngoài. Đây là lý do khiến vi khuẩn dễ dàng sinh sôi, phát triển trong răng miệng gây bệnh viêm lợi trùm.
4. Nguyên nhân khác
Đôi khi, viêm lợi trùm có mủ cũng phát triển khi gặp phải một số yếu tố thuận lợi như:
- Vệ sinh răng miệng kém, không đúng cách, chải răng qua loa hoặc quá lạnh, dùng bàn chải không phù hợp, không lấy hết các vụn thức ăn thừa trên răng
- Thường xuyên sử dụng các loại đồ ăn, thức uống dễ gây kích ứng nướu, gây sâu răng như đường, tinh bột, nước ngọt có gas…
- Bệnh cũng có thể phát triển ở một số đối tượng như phụ nữ mang thai, người thiếu hụt vitamin C, người bị trào ngược dạ dày thực quản…
Viêm lợi trùm có mủ có nguy hiểm không?
Viêm lợi trùm có mủ xuất phát từ bệnh viêm lợi trùm, bệnh không chỉ gây hôi miệng, đau nhức răng nướu mà còn là dấu hiệu cảnh báo nướu răng bạn đang bị viêm nhiễm, tổn thương nghiêm trọng. Đây là tình trạng nguy hiểm, nếu không sớm điều trị:
- Ảnh hưởng đến chức năng nhai của răng: Ổ mủ sẽ lan rộng, ăn sâu vào các mô nướu, làm ảnh hưởng đến cấu trúc răng, đặc biệt là các răng lân cận, nhất là răng số 7 (đóng vai trò quan trọng trong chức năng nhai của hàm). Có thể gây viêm nướu, sâu răng số 7, nếu không sớm điều trị sẽ gây nguy cơ mất răng, ảnh hưởng nghiêm trọng đến chức năng ăn nhai.
- Ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống: Bệnh không chỉ gây ra nhiều phiền toái trong ăn uống, giao tiếp, sinh hoạt mà còn hay tái phát, làm suy giảm đáng kể đến chất lượng cuộc sống của người bệnh.
- Gây nguy cơ áp xe răng: Nếu viêm lợi trùm có mủ không được can thiệp, điều trị đúng cách sẽ lây sang các răng lân cận, ngoài sâu răng thì có thể gây áp xe răng, viêm nha chu, chảy máu chân răng thường xuyên. Đặc biệt, áp xe răng là bệnh lý vô cùng nguy hiểm, không chỉ gây nguy cơ mất răng mà còn đe dọa đến tính mạng nếu ở nhiễm trùng đi vào máu.
- Làm mất cân bằng cấu trúc răng: Viêm lợi trùm có mủ cũng có thể lây lan sang các vùng lợi khác, dẫn đến tình trạng tụt lợi ở nhiều vị trí, có nguy cơ phát triển thành viêm nha chu. Lâu ngày làm răng lung lay, yếu đi, gây mất cân bằng cấu trúc răng.
Phương pháp chẩn đoán viêm lợi trùm có mủ
Phương pháp chẩn đoán viêm lợi trùm có mủ cũng tương tự với viêm lợi trùm. Do các triệu chứng của bệnh lý này rất đặc trưng, dễ nhận biết. Thông thường, việc chẩn đoán sẽ có sự kết hợp của nhiều kỹ thuật khác nhau, thường là:
- Thăm khám lâm sàng: Kiểm tra đánh giá sức khỏe răng miệng, tìm hiểu các triệu chứng lợi trùm, tiền sử mắc bệnh, thời gian lợi trùm bị đau, mức độ đau nhức…
- Chẩn đoán hình ảnh: Để đưa ra kết quả chính xác, bác sĩ sẽ đề nghị chụp x-quang để xác định chính xác tình trạng sưng viêm và những bất thường về sự phát triển của răng khôn.
Thông qua quá trình chẩn đoán, bác sĩ sẽ thông báo cụ thể cho bệnh nhân tình trạng bệnh của mình và đưa ra hướng điều trị phù hợp nhất.
Phương pháp điều trị viêm lợi trùm có mủ
Trong một số trường hợp, nếu lợi trùm bị sưng viêm nhẹ, không nhiễm trùm thì bệnh có thể tự khỏi sau 3 – 4 ngày nhưng nguy cơ tái phát cao. Trong khi đó, đa số các trường hợp mắc viêm lợi trùm có mủ tức là tình trạng viêm nhiễm đã nghiêm trọng, thường sẽ không tự khỏi nếu không có biện pháp can thiệp đúng cách.
Do đó, khi bị viêm lợi trùm, bạn cần nhanh chóng thăm khám nha sĩ, bác sĩ để được chẩn đoán và điều trị. Các phương pháp điều thường gặp có thể kể đến như:
1. Điều trị bằng kháng sinh
Sử dụng kháng sinh là giải pháp điều trị tạm thời, phù hợp với tình trạng viêm nhiễm ở mức độ nhẹ. Sau khi kiểm tra, quan sát ổ viêm, các bác sĩ sẽ chỉ định cho người bệnh dùng một số thuốc giảm đau, kháng sinh phù hợp để diệt khuẩn, ổn định ổ viêm. Kháng sinh chỉ có thể dùng trong thời gian ngắn, khoảng 3 – 5 ngày, nếu có hiệu quả sẽ không phải tiến hành thêm các phương pháp khác.
Tuy nhiên, nếu cơ thể người bệnh không đáp ứng với kháng sinh, sau khi dùng thuốc một thời gian mà bệnh tái phát thì phải điều trị bằng phương pháp khác. Thực tế thì điều trị bằng kháng sinh không phải là giải pháp tối ưu trong điều trị viêm lợi trùm có mủ. Nó chỉ giúp làm giảm sưng viêm tạm thời, thích hợp với tình trạng viêm nhiễm nhẹ mà thôi.
2. Cắt lợi trùm
Cắt lợi trùm là một trong những phương pháp điều trị viêm lợi trùm có mủ phổ biến, được đánh giá cao về hiệu quả nhất hiện nay. Để cắt lợi trùm, bác sĩ sẽ tiến hành thăm khám, kiểm tra tình trạng của lợi. Tiểu phẫu phù hợp với tình trạng răng khôn mọc thẳng, không mọc ngầm hoặc mọc lệch.
Đây là tiểu phẫu loại bỏ phần lợi trùm phía trên răng khôn để giải phóng cho răng, tạo điều kiện để răng tiếp tục mọc lên. Quy trình thực hiện tương đối đơn giản:
- Bác sĩ sẽ vệ sinh sạch sẽ khoang miệng cho người bệnh
- Tiến hành gây tê phần lợi cần loại bỏ để giảm đau
- Sử dụng laser để cắt mặt trong, mặt ngoài và tiến hành loại bỏ gốc lợi trùm
Sau khi cắt, khoảng 1 – 2 tuần sau đó, lợi sẽ hồi phục hoàn toàn, không gây đau nhức khó chịu cho người bệnh. Tuy nhiên, trong những ngày đầu, người bệnh có thể gặp phải tình trạng sưng và rỉ máu nhẹ. Cần lưu ý rằng, tiểu phẫu này chỉ thích hợp với trường hợp răng khôn mọc thẳng, gần như đã hoàn chỉnh, người bệnh không có tiền sử viêm lợi. Ngoài ra, cần chú ý chăm sóc để ngừa tình trạng lợi trùm phát triển trở lại hoặc các biến chứng khác như viêm tủy răng, viêm quanh răng khôn, viêm lợi…
3. Nhổ răng khôn
Có rất nhiều tranh cãi về chức năng của răng khôn, nhưng một trong những điều mà chúng ta cần thừa nhận chính là răng khôn mọc gây ra cho chúng ta rất nhiều phiền toái. Nhổ răng khôn được đánh giá là giải pháp điều trị viêm lợi trùm có mủ nhanh chóng và hiệu quả nhất. Ưu điểm của phương pháp này chính là có thể ngăn ngừa tình trạng bệnh trở lại tốt nhất.
Nhổ răng khôn được rất nhiều bác sĩ, nha sĩ khuyến khích trong trường hợp răng khôn mọc lệch, hàm không đủ vị trí mọc cho răng. Nhổ răng khôn sẽ giúp tạo khoảng trống trên cung hàm, giúp loại bỏ răng mọc lệch kịp thời để tránh ảnh hưởng đến các răng bên cạnh. Ngoài ra, việc nhổ răng khôn cũng giúp cho việc vệ sinh răng miệng trở nên dễ dàng hơn, ngăn ngừa tốt các bệnh lý về răng miệng cho người bệnh.
Chăm sóc và phòng ngừa viêm lợi trùm
Để hỗ trợ điều trị và phòng ngừa bệnh viêm lợi trùm có mủ, người bệnh cần thay đổi thói quen chăm sóc răng miệng, chế độ dinh dưỡng lẫn lối sống. Cụ thể:
1. Về thói quen chăm sóc răng miệng
Thói quen sóc răng miệng đóng vai trò vô cùng quan trọng. Nếu răng miệng không được chăm sóc đúng cách, không chỉ khiến bệnh viêm lợi trùm lâu khỏi mà còn gây nguy cơ mắc các bệnh lý về răng miệng khác. Do đó, khi bị viêm lợi trùm có mủ, bạn nên:
- Chải răng 2 – 3 lần/ngày, đều đặn mỗi ngày, nên kết hợp làm sạch các vụn thức ăn, mảng bám với chỉ nha khoa và nước súc miệng.
- Nên chải răng sau ăn 30 phút, chải thật cẩn thận các mặt răng. Dùng bàn chải lông mềm, ưu tiên các loại kem đánh răng có tác dụng sát trùng, sát khuẩn, làm sạch răng miệng…
- Sử dụng nước súc miệng có chứa hydrogen peroxide hoặc Chlorhexidine… Bạn cũng có thể dùng nước muối sinh lý, nước muối pha loãng để súc miệng, làm sạch vi khuẩn trong khoang miệng…
Vệ sinh răng miệng đúng cách sẽ giúp loại bỏ phần nào tình trạng viêm nhiễm, cải thiện các triệu chứng đau nhức, khó chịu cho răng nướu. Bạn không chỉ cần chăm sóc răng miệng đúng cách khi mắc viêm lợi trùm có mủ mà còn cần duy trì thói quen này mỗi ngày. Như vậy để phòng ngừa bệnh tái phát và ngăn ngừa tốt nguy cơ mắc các bệnh về răng miệng.
2. Chế độ ăn uống
Người bị viêm lợi trùm có mủ nên tăng cường bổ sung các thực phẩm giàu dưỡng chất, tốt cho sức khỏe để ngừa viêm, nâng cao sức đề kháng. Một số thực phẩm mà người bệnh nên bổ sung có thể kể đến như:
- Các thực phẩm giàu chất xơ, vitamin và khoáng chất, đặc biệt là các loại rau lá màu xanh, bông cải xanh, măng tây, cần tây và các loại quả mềm như chuối, bơ, việt quất, nam việt quất…
- Nên bổ sung các thực phẩm tốt cho sức khỏe người bị viêm nướu răng như sữa chua, trà xanh gừng, trà đen, sữa tươi, mật ong, bột sắn dây, thực phẩm giàu vitamin C…
- Đa dạng các nhóm thực phẩm, tăng cường bổ sung canxi và khoáng chất cho cơ thể thông qua các thực phẩm như thịt, sữa và chế phẩm từ sữa, cá hồi, cá trích, trứng…
- Chế biến các thực phẩm ở dạng mềm như cháo, súp, luộc hấp, để tránh hoạt động ăn nhai tác động xấu đến lợi.
Bên cạnh những thực phẩm tốt cho sức khỏe, người bệnh cũng cần tránh sử dụng các thực phẩm có thể khiến tình trạng đau nhức trở nên nghiêm trọng hơn. Có thể kể đến như:
- Hạn chế các thực phẩm nhiều đường, nhiều tinh bột vì chúng dễ gây mảng bám trên răng, tạo điều kiện cho vi khuẩn gây bệnh sinh sôi và phát triển, các thực phẩm này
- Hạn chế sử dụng các thực phẩm cay nóng nhiều dầu mỡ như ớt, tiêu, mù tạt, đồ ăn nhanh, đồ chiên rán
- Không dùng thức ăn, đồ uống quá lạnh hoặc quá nóng, các thức uống có gas, có cồn như bia, rượu, nước ngọt, cà phê…
Trên đây là một số thông tin về bệnh viêm lợi trùm có mủ, dấu hiệu nhận biết, nguyên nhân và cách điều trị mà bạn có thể tham khảo. Khi có các dấu hiệu của bệnh, tốt nhất bạn cần nhanh chóng thăm khám nha sĩ, bác sĩ để được chẩn đoán và có phương pháp điều trị phù hợp.
Có thể bạn quan tâm:
Giải đáp thắc mắc của độc giả cùng chuyên gia của chúng tôi!