Viêm Lợi Sưng Má: Nguyên nhân và Các biến chứng gây ra
Viêm lợi sưng má là tình trạng tổn thương vùng nướu lợi do viêm nhiễm, mưng mủ, làm sưng phù vùng má gây đau nhức, ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc ăn uống, nói chuyện giao tiếp hàng ngày. Đây là bệnh lý khá nguy hiểm và cần được can thiệp điều trị càng sớm càng tốt để ngăn ngừa biến chứng khó lường. Cùng tìm hiểu kỹ hơn về căn bệnh này trong bài viết dưới đây.
Viêm lợi sưng má là gì?
Viêm lợi sưng má thực chất được xem là một trong những triệu chứng thường gặp khi mắc các bệnh về viêm nướu lợi. Đây là hiện tượng lợi bị viêm nhiễm dẫn đến sưng má kèm theo những cơn đau nhức khó chịu. Ở giai đoạn này, bệnh chưa quá nghiêm trọng khiến nhiều người chủ quan không điều trị, dẫn đến việc bệnh chuyển sang giai đoạn chảy máu nướu lợi, nặng hơn có thể khiến răng lung lay, rụng mất.
Bất kỳ ai cũng có nguy cơ mắc phải căn bệnh này, từ trẻ em cho đến người trưởng thành. Trong đó trẻ em là nhóm đối tượng dễ bị viêm lợi sưng má nhất do không được vệ sinh răng miệng kỹ lưỡng thường xuyên.
Nguyên nhân gây ra viêm lợi sưng má
Có rất nhiều nguyên nhân gây ra viêm lợi sưng má gồm:
- Vệ sinh răng miệng kém: Nguyên nhân gây viêm lợi sưng má lớn nhất thường xuất phát từ thói quen vệ sinh răng miệng kém. Đây là điều kiện thuận lợi khiến các mảng bám, vụn thức ăn tích tụ lại, hình thành cao vôi bám chặt lên răng và phát sinh viêm nhiễm.
- Suy giảm sức đề kháng: Sự suy giảm hệ miễn dịch tự nhiên trong cơ thể chính là cơ hội để các loại vi khuẩn sinh sôi phát triển. Lúc này, khả năng chống lại sự tấn công của các loại vi khuẩn cũng kém đi và gây nên bệnh.
- Ăn uống thiếu chất: Thực đơn ăn uống hàng ngày thiếu đi các dưỡng chất cần thiết cho răng cũng là nguyên nhân khiến sức khỏe răng miệng yếu đi. Từ đó, tạo điều kiện thuận lợi cho vi khuẩn phát triển gây bệnh.
- Giảm tiết nước bọt gây khô miệng: Thiếu nước bọt làm khô miệng được xem là một trong những nguyên nhân gây ra các bệnh lý răng miệng, trong đó có bệnh viêm lợi sưng má. Có nhiều nguyên nhân gây khô miệng như tác dụng phụ của thuốc, uống ít nước…
Bên cạnh những nguyên nhân khách quan vừa kể trên, chứng viêm lợi sưng má cũng có thể được gây ra bởi những bệnh lý hoặc vấn đề răng miệng khác như:
- Viêm quanh răng: Tình trạng viêm quanh răng thường xảy ra do mọc răng khôn không thuận lợi, tạo điều kiện cho vi khuẩn tích tụ nhiều quanh nướu răng và phát sinh viêm nhiễm. Triệu chứng nhận biết căn bệnh này thường là răng khôn mọc lên kèm theo đau nhức dữ dội, mô nướu sưng đỏ, hôi miệng… và viêm lợi sưng má;
- Áp xe răng: Sâu răng nặng không chữa trị chính là nguyên nhân hàng đầu gây ra áp xe răng, sau đó kéo theo viêm lợi và sưng má. Bệnh thường xảy ra với các triệu chứng như sốt cao, răng ê buốt, nhạy cảm quá mức khi ăn đồ nóng, đồ lạnh, hôi miệng…;
- Viêm nướu răng: Các triệu chứng viêm nhiễm nướu răng thường gặp đau nhức, mô phù nề, sưng đỏ, sưng phù má, mặt và kèm theo chảy máu mỗi khi chải răng hoặc dùng chỉ nha khoa;
- Rối loạn khớp thái dương hàm: Sự bất thường về hoạt động của khớp thái dương hàm khiến chức năng đóng mở, miệng gặp khó khăn. Kèm theo đó là các triệu chứng khác như phát ra âm thanh lục cục khi cử động hàm, đau mặt, sưng má, sưng nướu răng…;
Các biến chứng viêm lợi sưng má thường gặp
Viêm lợi sưng má không phải căn bệnh quá nguy hiểm. Tuy nhiên nếu không được điều trị kịp thời và đúng cách sẽ khiến người bệnh phải thường xuyên chịu đựng những cơn đau nhức khó chịu, kèm theo đó là sưng mặt, sưng má ảnh hưởng đến ngoại hình, kéo theo nhiều phiền toái trong đời sống sinh hoạt hàng ngày.
Và nhất là khi không điều trị dứt điểm ngay có thể gây ra nhiều biến chứng khó lường như:
Gây các bệnh răng miệng
Tình trạng viêm lợi sưng má là tiền đề để các bệnh lý răng miệng phát triển:
- Viêm tủy răng: Tình trạng viêm lợi sưng má không được điều trị dứt điểm chính là nguyên nhân gây chứng viêm tủy phì đại và hoại tử tủy. Khi mắc bệnh này, lượng vi khuẩn ngày càng nhân lên, chúng tấn công vào các mô răng gây viêm nhiễm nặng, khó điều trị.
- Viêm nha chu: Các triệu chứng sưng đau, phù má của bệnh viêm lợi ngày càng nặng sẽ có xu hướng lan rộng sang các tổ chức nha chu nằm quanh răng. Nếu không được can thiệp điều trị kịp thời có thể làm tụt nướu, thậm chí tiêu xương răng sinh lý.
- Mất răng vĩnh viễn: Một trong những biến chứng nghiêm trọng của viêm lợi sưng má chính là làm răng lung lay và rụng vĩnh viễn. Bởi viêm nhiễm nghiêm trọng làm tụt nướu, răng không còn chỗ bám trên xương hàm và yếu đi, đến một lúc nào đó sẽ tự rụng đi, ảnh hưởng đến chức năng ăn nhai và tính thẩm mỹ chung.
Gây các bệnh toàn thân
Bên cạnh những bệnh lý liên quan đến răng miệng, tình trạng viêm lợi sưng má còn là nguyên nhân trực tiếp gây ra nhiều vấn đề sức khỏe khác như:
- Tiểu đường: Sức đề kháng yếu ớt chính là nguyên nhân hàng đầu gây ra nhiễm trùng. Do đó, hầu hết những người bị viêm lợi sưng má vì sức đề kháng kém sẽ có nguy cơ mắc bệnh tiểu đường cao hơn so với người bình thường.
- Tim mạch: Chứng viêm lợi sưng má kéo dài, diễn ra với tần suất thường xuyên cũng là một trong những dấu hiệu cảnh báo các nguy cơ về bệnh tim mạch rất đáng lo ngại.
- Viêm khớp dạng thấp: Một căn bệnh khá phổ biến ở những người bị viêm lợi sưng má, mất răng vĩnh viễn không được điều trị kịp thời chính là viêm khớp dạng thấp.
- Tăng nguy cơ sinh non: Khi bị viêm lợi sưng má chứng tỏ tình trạng nhiễm trùng đang ở mức nghiêm trọng. Đặc biệt nguy hiểm đối với những đối tượng nhạy cảm, nhất là phụ nữ mang thai vì có khả năng làm tăng nguy cơ sinh non.
Phương pháp điều trị viêm lợi sưng má hiệu quả
Bản chất của viêm lợi sưng má là một bệnh về nha khoa, không quá nguy hiểm và hoàn toàn có thể kiểm soát tốt nếu phát hiện sớm, can thiệp kịp thời. Có rất nhiều cách để xử lý căn bệnh này, bạn có thể tham khảo một vài cách sau:
1. Điều trị theo Tây y
Người bị viêm lợi sưng má tốt nhất nên chủ động thăm khám tại bệnh viện, cơ sở, phòng khám nha khoa uy tín. Sau bước thăm khám và chẩn đoán, bác sĩ sẽ tiến hành loại bỏ sạch cao răng, mảng bám, vụn thức ăn kẹt trong các kẽ răng, dưới nướu và xung quanh chân răng.
Tùy theo từng trường hợp, bác sĩ có thể chỉ định một số thủ thuật khác như chích rạch dẫn lưu mủ (đối với người bị áp xe răng) hoặc phục hồi răng bằng các kỹ thuật nha khoa như hàn trám, nhổ răng khôn. Bước này nhằm loại bỏ ổ viêm nhiễm tồn tại trong khoang miệng, hạn chế viêm lợi.
Sau đó, để giảm các triệu chứng viêm lợi như đau nhức, sưng má, sưng mặt…, bác sĩ sẽ kê đơn cho bạn sử dụng một số loại thuốc nhất định gồm:
- Thuốc giảm đau: Được dùng trong những trường hợp đau nhức nhiều, gây ảnh hưởng đến ăn uống, đời sống sinh hoạt hàng ngày. Loại giảm đau thường dùng nhất là paracetamol.
- Thuốc kháng sinh: Kháng sinh có tác dụng hiệu quả cao và nhanh chóng trong việc loại bỏ các yếu tố viêm nhiễm gây bệnh. Loại kháng sinh thường được kê đơn là spiramycin kết hợp với metronidazol.
- Thuốc chống viêm: Để hỗ trợ giảm viêm nhiễm do viêm lợi sưng má bác sĩ thường kê đơn kèm theo nhóm thuốc chống viêm. Điển hình là corticoid và chymotrypsin.
Lưu ý: Dùng thuốc theo đúng chỉ định của bác sĩ, tuân thủ tuyệt đối liều dùng, thời gian sử dụng, tần suất sử dụng để tránh gây tác dụng phụ ảnh hưởng đến sức khỏe.
Trường hợp viêm lợi sưng má nặng, lượng nướu teo nhiều không có khả năng phục hồi sẽ được chỉ định ghép vạt nướu hoặc ghép xương nhân tạo nếu có dấu hiệu tiêu xương hàm.
2. Mẹo giảm đau tạm thời
Bên cạnh dùng thuốc theo chỉ định, bạn có thể tự thực hiện các biện pháp giảm sưng đau tại nhà:
- Chườm đá lạnh: Dùng túi đá áp trực tiếp lên vùng má ngoài ngay tại vị trí lợi sưng viêm. Nhiệt độ lạnh của đá có tác dụng làm tê liệt các dây thần kinh khu vực này để xoa dịu tình trạng sưng. Lưu ý chỉ chườm trong 5 – 10 phút và tránh chườm đá trực tiếp lên da để không gây bỏng lạnh.
- Massage: Các động tác massage nhẹ nhàng tại vùng má xung quanh nướu bị viêm để giảm bớt cơn sưng đau.
- Giảm ăn muối: Ăn nhiều muối là một trong những nguyên nhân khiến nướu lợi càng sưng đau nhiều hơn. Vì vậy, sau khi được chẩn đoán viêm lợi sưng má hãy hạn chế lượng muối trong thực đơn ăn uống hàng ngày.
- Súc miệng nước muối: Muối là nguyên liệu có đặc tính kháng khuẩn, chống viêm, loại bỏ các yếu tố gây viêm nhiễm và hỗ trợ làm lành vết thương tại mô nướu.
3. Dùng thuốc Đông y
Theo Đông y, viêm lợi sưng má là bệnh xảy ra do ngoại cảm phong tà cộng với yếu tố phong nhiệt gây ra. Tình trạng này kéo dài khiến vị âm hư, thận âm hư, thận hư hỏa vượng tân dịch giảm, dạ dày tích nhiệt… Những yếu tố này tạo điều kiện cho vi khuẩn phát triển, đục chân răng, phát sinh viêm nhiễm nướu răng gây sưng má.
Sau thăm khám, bạn sẽ được kê đơn một số bài thuốc Đông y tùy theo từng thể bệnh khác nhau:
Viêm lợi sưng má thể cấp tính
Người mắc thể bệnh này thường có một số dấu hiệu như: sưng nướu, mưng mủ, phù nề sưng đỏ, sưng má, kèm theo đại tiện táo, ăn uống kém và nổi hạch dưới hàm. Để trị chứng này cần áp dụng các phép tiêu thũng, sơ phong và thanh nhiệt.
Cách thực hiện
- Bài thuốc 1: Chuẩn bị kim ngân hoa và hạt khô thảo mỗi loại 16g, gai bồ kết và bạc hà mỗi loại 8g, 12g ngưu bàng tử, 20g bồ công anh. Sắc uống mỗi ngày 1 thang.
- Bài thuốc 2: Chuẩn bị chi tử và ngưu bàng tử mỗi vị 12g, liên kiều và tạo thích giác mỗi loại 20g, bạc hà và sơn giáp mỗi loại 6g. Sắc uống mỗi ngày 1 thang.
- Bài thuốc 3: Chuẩn bị hoàng liên, đan bì và bạc hà mỗi loại 8g, liên kiều và kim ngân hoa mỗi vị 16g, 4g thăng ma, 20g sinh địa, 40g thạch cao. Sắc uống mỗi ngày 1 thang.
Viêm lợi sưng má thể mãn tính
Người mắc bệnh thể này thường có đầy đủ các triệu chứng của thể cấp tính, lợi mềm, sưng đỏ, viêm nhiễm đau nhức, nướu có mủ, tụt lợi, răng lung lay, họng khô, hơi thở hôi… Để kiểm soát các triệu chứng này thường dùng pháp trị dưỡng âm thanh nhiệt.
Cách thực hiện
- Bài thuốc 1: Chuẩn bị các vị thuốc gồm kỷ tử, sinh địa, sa sâm, huyền sâm, ngọc trúc và quy bản mỗi loại 12g, 8g bạch thược cùng 16g kim ngân hoa. Sắc uống mỗi ngày 1 thang.
- Bài thuốc 2: Chuẩn bị đan bì, trạch tả, hoàng bá, phục linh và tri mẫu mỗi loại 8g, hoài sơn, thăng ma, kỷ tử, thục địa và bạch thược mỗi loại 12g. Sắc uống mỗi ngày 1 thang.
4. Tận dụng các loại dược liệu tự nhiên
Trong tự nhiên có rất nhiều loại dược liệu có tác dụng giảm viêm, đau, sưng má do viêm lợi đáng kể. Phương pháp này thực chất chỉ có tác dụng hỗ trợ làm giảm triệu chứng tại chỗ, không nên thay thế cho các biện pháp điều trị chuyên sâu. Dưới đây là vài loại thảo dược tự nhiên được dùng phổ biến:
- Lá hương nhu: Hương nhu là cây thuốc Nam có vị cay, tính ôn, quy vào kinh phế, vị và được ứng dụng tốt trong điều trị giảm sưng, đau viêm lợi. Bạn sắc lá hương nhu, hoàng cầm, rau má, cam thảo, hoàng liên, chi tử, cam thảo, đương quy và đan sâm. Đun sôi lên cho đến khi cạn xuống còn 1/3, chia làm 3 phần uống hết trong ngày.
- Rau rệu: Rau rệu là loại thảo dược tự nhiên quen thuộc có vị ngọt, tính mát và thường dùng để chống viêm, tiêu sưng và giải nhiệt độc. Vì vậy bạn hoàn toàn có thể sử dụng loại sắc loại rau này để lấy nước uống. Nên kết hợp với rau má, lá chè xanh, rua má và lá đinh lăng để tăng hiệu quả.
- Đinh hương: Đinh hương có tác dụng chống viêm, kháng khuẩn, hỗ trợ tốt trong việc cải thiện triệu chứng viêm lợi sưng má. Hàng ngày bạn ngậm trực tiếp vài nụ đinh hương hoặc dùng tinh dầu đinh hương thấm vào vị trí lợi bị viêm.
- Gừng + tỏi: Chuẩn bị 1 nhánh gừng tươi, 1 củ tỏi, làm sạch vỏ và giã nát, đắp trực tiếp lên vùng lợi bị viêm để giảm viêm, sưng má.
Biện pháp chăm sóc và phòng ngừa viêm lợi sưng má
Để hỗ trợ kết quả điều trị viêm lợi sưng má cao cũng như phòng ngừa tái phát dài lâu, bạn cần chú ý tuân thủ thực hiện các biện pháp sau:
- Vệ sinh răng miệng kỹ lưỡng ít nhất 2 lần/ ngày bằng bàn chải có đầu lông mềm. Kết hợp sử dụng chỉ nha khoa hoặc tăm nước và nước súc miệng để tăng hiệu quả làm sạch khoang miệng.
- Ưu tiên dùng kem đánh răng và nước súc miệng có chứa flour cùng các khoáng chất cần thiết để hỗ trợ tăng cường sức khỏe nướu răng.
- Xây dựng chế độ ăn uống khoa học, tăng cường bổ sung các loại thực phẩm giàu vitamin, khoáng chất trong rau xanh, củ quả, trái cây… làm sạch khoang miệng và tăng sức đề kháng tự nhiên cho cơ thể. Tránh sử dụng các loại thực phẩm chứa đường, tinh bột, thức uống có gas hay các chất kích thích…
- Tuyệt đối không được hút thuốc lá trong quá trình điều trị cũng như sau khi chữa khỏi để tránh tạo điều kiện cho vi khuẩn phát triển gây các bệnh lý răng miệng.
- Định kỳ thăm khám tại nha khoa 3 – 6 tháng/ lần, lấy cao răng và tầm soát các vấn đề răng miệng để có hướng điều trị kịp thời.
Trên đây là những thông tin cơ bản về chứng bệnh viêm lợi sưng má và phương hướng điều trị hiệu quả. Tốt nhất bạn nên chủ động thăm khám sớm tại bệnh viện uy tín để được chẩn đoán và lên phác đồ điều trị phù hợp, bảo vệ sức khỏe toàn diện nói chung và sức khỏe răng miệng nói riêng.
Có thể bạn quan tâm
Giải đáp thắc mắc của độc giả cùng chuyên gia của chúng tôi!