Đinh hương
Đinh hương là dược liệu quý không chỉ được dùng làm gia vị mà còn được ứng dụng trong rất nhiều bài thuốc từ lâu đời. Dược liệu có tác dụng làm tỳ vị, bổ thận trợ dương, giáng nghịch khí, giảm đau… Thường được dùng chữa hôi miệng, tiêu chảy, đau nhức xương khớp, kích thích tiêu hóa…
- Tên gọi khác: Đinh tử hương, Hùng đinh hương, Đinh tử, Công đinh hương, Chi giải hương…
- Tên khoa học: Flos caryophylatac.
- Họ: Đào kim nương (Myrtaceae).
Mô tả dược liệu
1. Đặc điểm thực vật
Đinh hương là loài thực vật thường xanh có chiều cao trung bình khoảng từ 12 – 15m. Lá cây mọc đối nhau có hình bầu dục nhọn với phần phiến lá dài.
Hoa mọc thành từng cụm nhỏ chi chít, phân nhánh ở đầu cành. Mỗi hoa có 4 lá đài dày, khi chín sẽ có màu đỏ tươi. 4 cánh tràng của hoa màu trắng hồng, khi hoa nở thì các cánh tràng sẽ rụng sớm và để lộ ra rất nhiều nhị.
Quả mọng dài, ở xung quanh có các lá đài. Mỗi quả thường chỉ chứa một hạt duy nhất.
2. Bộ phận dùng
Nụ hoa chính là bộ phận của cây được sử dụng để làm vị thuốc.
3. Phân bố
Dược liệu này vốn có nguồn gốc ở vùng đảo Moluc thuộc Indonexia. Hiện nay được trồng phổ biến ở các nước nhiệt đới thuộc châu Á và Châu Phi. Cây đinh hương chuộng khí hậu nóng ẩm ở những vùng có độ cao dưới 200 – 300m. Ở nước ta, dược liệu này hiện vẫn đang được nhập khẩu đa phần từ bên ngoài.
4. Thu hái và sơ chế
Thời điểm thích hợp nhất để thu hái dược liệu là khoảng vào tháng 9 hoặc tháng 10 hằng năm. Lúc này nụ hoa bắt đầy chuyển dần từ màu xanh sang màu đỏ hồng.
Sau khi hái có thể để nguyên cuống hoặc ngắt bỏ phần cuống đi đều được. Tiếp đến tiến hành phơi âm can hoặc sấy nhẹ cho khô rồi bảo quản dùng dần.
Nụ đinh hương sau sơ chế có hình dạng giống với chiếc đinh có màu nâu sẫm với chiều dài khoảng 10 – 12mm và đường kính tầm 2 – 3 mm. Phần nụ hình cầu chứa 4 cánh hoa xếp khít nhau, chưa nở. Khi bóc tách phần cánh hoa ra sẽ thấy bên trong có nhiều nhị, chính giữa có 1 vòi nhụy thẳng và ngắn.
5. Bảo quản
Dược liệu đã trải qua sơ chế khô cần bảo quản trong túi kín và để ở những nơi thoáng mát.
6. Thành phần hóa học
Phân tích dược liệu đinh hương có thấy một số thành phần sau:
- eugenol
- acetyl eugenol
- beta-caryophyllene
- methyl-n-pentyl ketone
- methyl salicylate
- humulene
- benxaldehyde
- benzyl alcohol
- chavicol
- a-ylangene eugenone
- eugenin
Ngoài ra, trong tinh dầu từ dược liệu này còn chứa các thành phần khác như kaempferol, eugenitin, Isoeugenitin, Isoeugenitol, oleanolic acid, rhamntin…
Vị thuốc đinh hương
1. Tính vị
Đa phần các tài liệu Đông y đều ghi nhận đinh hương có vị cay, tê, tính ấm và mùi thơm mạnh.
2. Quy kinh
Dược liệu được quy vào 4 kinh: Tỳ, Thận, Vị và Phế.
3. Tác dụng dược lý
Theo y học cổ truyền:
- Công dụng: Ấm tỳ vị, bổ thận trợ dương, giáng nghịch khí, giảm đau.
- Chủ trị: Đau bụng, kích thích tiêu hóa, sát trùng răng miệng, chữa phong thấp, nhức mỏi, đau xương, lạnh tay chân…
Theo y học hiện đại:
- Nước chiết xuất từ dược liệu có tác dụng kích thích dạ dày tăng tiết pepsin và acid dịch vị. Từ đó thúc đẩy tốt hơn hoạt động của hệ thống tiêu hóa.
- Dịch chiết xuất nước cũng như tinh dầu đều có tác dụng kháng khuẩn rất mạnh. Ức chế ở mức độ khác nhau với trực khuẩn lao, tụ cầu khuẩn, trực khuẩn viêm phổi, trực khuẩn phó thương hàn, trực khuẩn Bruce và phẩy khuẩn tả.
- Một số thành phần hòa tan trong nước có trong dược liệu dược cho là có thể kích thích cơ trơn của tử cung.
- Tinh dầu từ dược liệu đinh hương còn giúp khử khuẩn, đồng thời làm giảm đau răng.
4. Cách dùng – liều lượng
Dược liệu có thể dùng theo nhiều cách khác nhau tùy vào mục đích. Cách dùng thông dụng nhất là dạng khô sắc nước uống hay tán thành bột mịn làm hoàn hoặc sử dụng tinh dầu chiết từ dược liệu.
Liều dùng được khuyến cáo là 2 – 4g mỗi ngày và có thể linh hoạt điều chỉnh cho phù hợp với từng bài thuốc trị bệnh.
20 bài thuốc chữa bệnh từ dược liệu đinh hương
Dưới đây là những bài thuốc quen thuộc có sử dụng dược liệu đinh hương:
1. Bài thuốc chữa chàm lở
- Chuẩn bị: Đinh hương với lượng vừa đủ cùng với 100ml cồn 75%.
- Thực hiện: Ngâm dược liệu trong cồn khoảng 48 giờ sau đó bỏ xác đi. Sử dụng dung dịch này để bôi vào vùng bị chàm lở với tần suất 3 lần/ngày.
2. Bài thuốc trị lở ở đầu vú
- Chuẩn bị: 10 – 20 nụ đinh hương khô cùng 1 ít dầu mè hoặc dầu mù u.
- Thực hiện: Đem dược liệu đi tán thành bột mịn. Trường hợp lở ướt thì rắc trực tiếp bột này vào vết thương 2 – 3 lần/ngày. Nếu là lở khô thì trộn bột với dầu mè hoặc dầu mù u rồi bôi trực tiếp lên cũng với tần suất 2 – 3 lần/ngày.
3. Bài thuốc trị viêm loét dạ dày tá tràng thể hư hàn
- Bài thuốc 1:Cần chuẩn bị 4g đinh hương, 10g diên hồ sách, 6g ngũ linh chi, 10g đương quy. Các vị thuốc này đem tán thành bột mịn rồi trộn đều. Mỗi lần lấy uống khoảng từ 3 – 6g với nước sôi ấm. Tần suất sử dụng 2 – 3 lần/ngày. Tuyệt đối không dùng trong trường hợp xuất huyết không dừng.
- Bài thuốc 2: Chuẩn bị 30g đinh hương, 300g bột long cốt, 300g mẫu lệ, 120 bột mì. Tất cả đem tán hết thành bột mịn rồi trộn đều và gói thành bao 6g. Mỗi lần uống 1 bao với tần suất 2 – 3 lần/ngày. Đáp ứng tốt với trường hợp viêm loét dạ dày kèm triệu chứng ợ chua nhiều.
4. Bài thuốc chữa nấc cụt, nôn, ợ sữa ở trẻ em
- Bài thuốc 1: Cần có 3g đinh hương, 10g tai hồng, 10g đảng sâm, 10g sinh khương. Các vị thuốc cho vào ấm sắc lấy nước uống trong ngày. Sử dụng với liều lượng đúng 1 thang thuốc/ngày.
- Bài thuốc 2: Chuẩn bị 3g đinh hương, 5g sa nhân, 10g bạch truật. Đem tán các vị thuốc thành dạng bột mịn. Mỗi lần lấy uống 2 – 4g với tần suất 2 – 3 lần/ngày chung với nước sôi ấm. Bài thuốc đáp ứng tốt với tình trạng nôn hay tiêu chảy do tỳ vị hư hàn.
5. Bài thuốc chữa đinh râu
- Chuẩn bị: Đinh hương và đọt của cây dứa dại theo tỷ lệ 1:2.
- Thực hiện: Các dược liệu trên đem rửa sạch rồi giã nát và đắp trực tiếp lên vị trí tổn thương. Nên sử dụng băng để có thể cố định lại.
6. Bài thuốc chữa ngạt mũi, nhức đầu, cảm cúm
- Chuẩn bị: Tinh dầu đinh hương, long não, quế, bạc hà, sa nhân và hồi.
- Thực hiện: Đêm đun các dược liệu trên thành dạng cao xoa. Khi dùng chỉ cần lấy 1 ít cao để bôi xoa vào các vị trí như mũi, thái dương hay gáy.
7. Bài thuốc chữa viêm đường hô hấp trên
- Chuẩn bị: Tinh dầu đinh hương, trần bì, hạt mùi, tinh dầu bạch đàn, menthol, acid citric, natri bicarbonate.
- Thực hiện: Các nguyên liệu trên đem trộn đều và làm thành viên. Mỗi lần dùng khoảng từ 2 – 3g đem cho vào nước sôi để xông mũi họng. Ngoài ra có thể dùng nước này để súc họng. Bài thuốc này giúp khai thông đường thở rất tốt.
8. Bài thuốc chữa phong thấp, nhức mỏi, đau xương, chân tay lạnh
- Chuẩn bị: 20g đinh hương, 12g long não, 250ml cồn 90 độ.
- Thực hiện: Cho dược liệu vào bình thủy tinh có nắp đậy ngâm với cồn trong 7 ngày đêm. Sau đó lọc bỏ phần bã đi. Khi dùng, lấy bông y tế thấm vào thuốc rồi bôi trực tiếp lên vị trí đau nhức và tiền hành massage. Thực hiện với tần suất 1 – 2 lần/ngày. Nên thực hiện vào buổi tối trước khi ngủ hoặc sáng khi vừa thức dậy.
9. Bài thuốc chống hôi miệng
- Chuẩn bị: 1 nụ đinh hương.
- Thực hiện: Đem giã dập dược liệu rồi bọc vào bông. Sau đó dùng nút vào mũi hay nhai và ngậm.
10. Bài thuốc chữa bong gân, sai khớp
- Chuẩn bị: Đinh hương, gừng tươi, quế, vỏ núc nác, dây đau xương, lá tầm gửi cây khế, lá bưởi bung, hạt máu chó, hạt trấp, lá mua, huyết giác, lá kim cang, lá náng, lá thầu dầu tía, mủ xương rồng bà, lá canh châu, hồi hương, vỏ sòi với lượng bằng nhau.
- Thực hiện: Tất cả các dược liệu trên đem giã nhỏ. Sau đó cho lên chảo sao nóng trên lửa nhỏ rồi bọc vào miếng vải sạch và chườm trực tiếp lên vị trí bị tổn thương.
11. Bài thuốc trị hàn ho ợ hơi không ngừng kèm nôn nghịch
- Chuẩn bị: 1 lượng đinh hương, 1 lượng can thị đế sấy khô.
- Thực hiện: Các vị thuốc đem giã rồi rây làm thành bột. Mỗi lần uống đúng 1 chỉ cùng với nước sắc nhân sâm.
12. Bài thuốc chữa rối loạn tiêu hóa, đau bụng, thổ tả
- Chuẩn bị: 2g đinh hương, 6g sa nhân, 12g bạch truật.
- Thực hiện: Tất cả các vị thuốc trên đem tán thành dạng bột mịn rồi trộn thật đều. Mỗi lần dùng 2 – 4g uống cùng nước sôi ấm. Sử dụng với tần suất từ 2 – 3 lần/ngày.
13. Bài thuốc chữa bệnh nội thương lâu ngày, sinh nấc nghẹn, tức ngực, mạch chậm, nôn mửa
- Chuẩn bị: 2 – 4g đinh hương, 10g tai hồng, 5 lát gừng tươi, 6g trần bì, 6g thanh bì, 6g bán hạ.
- Thực hiện: Các vị thuốc cho hết vào ấm sắc chung với khoảng 200ml nước trên lửa nhỏ đến khi còn 50ml. Uống khi nước thuốc còn ấm với liều 1 thang/ngày. Trường hợp lạnh nhiều thì giảm tai hồng, tăng đinh hương còn nóng nhiều thì ngược lại.
14. Bài thuốc trị chứng sáng ăn tối ói
- Chuẩn bị: 15 cái nụ đinh hương.
- Thực hiện: Tán dược liệu thành bột mịn rồi hòa cùng nước mía và nước gừng để làm thành viên hoàn bằng hạt sen. Sử dụng bằng cách ngậm rồi nuốt từ từ.
15. Bài thuốc trị chứng hoắc loạn, cầm ói
- Chuẩn bị: 14 cái nụ đinh hương cùng với 5 hợp rượu trắng.
- Thực hiện: Cho dược liệu vào nồi nấu chung với rượu trên lửa nhỏ đến khi còn 2 hợp. Uống khi còn ấm nóng với liều 1 thang/ngày.
16. Bài thuốc chữa ung nhọt thịt ác
- Chuẩn bị: Đinh hương với lượng tùy ý.
- Thực hiện: Đem tán dược liệu thành bột mịn rồi đắp lên vùng tổn thương, bên ngoài dùng cao thuốc giữ.
17. Bài thuốc chữa tâm thống lâu ngày không ngừng
- Chuẩn bị: 1 lượng đinh hương cùng với 1 lượng quế tâm.
- Thực hiện: Các vị thuốc trên đem giã nhỏ rồi gây để lấy bột. Mỗi lần điều 1 chỉ để uống cùng rượu nóng. Nên uống vào thời điểm trước bữa ăn với tần suất 1 lần/ngày.
18. Bài thuốc chữa chứng nấc cụt
- Chuẩn bị: 5g đinh hương, 10g uất kim, 10g tuyền phúc hoa, 5 cái thị đế, 15g đại giả thạch.
- Thực hiện: Các vị thuốc trên cho hết vào ấm sắc lấy nước uống trong ngày.
19. Bài thuốc chữa tiêu chảy ở trẻ em
- Chuẩn bị: 1,5g đinh hương, 3g nhục quế.
- Thực hiện: Tất cả vị thuốc trên đem tán thành bột mịn rồi dùng nước để điều thành dạng hồ. Sau đó dán trực tiếp lên rốn của trẻ.
20. Bài thuốc chữa đau răng
- Chuẩn bị: 4g đinh hương, 4g hậu phác, 2g bạc hà.
- Thực hiện: Các dược liệu đem đun sôi với nước trên lửa nhỏ trong khoảng 15 phút. Sau đó loại bỏ bã và dùng nước thuốc để ngậm một vài phút rồi súc miệng.
Lưu ý khi sử dụng đinh hương để chữa bệnh
Đinh hương là dược liệu quý với rất nhiều công dụng trị bệnh nhưng bạn vẫn cần cẩn trọng khi dùng. Đặc biệt là cân chú ý đến các vấn đề sau:
- Phụ nữ mang thai hay đang cho con bú tránh tùy tiện sử dụng.
- Không hư hàn thì tránh dùng.
- Tuyệt đối không dùng chung với uất kim.
- Dược liệu có thể tương tác với các thuốc chống đông máu.
Dược liệu có thể gây ra một số tác dụng phụ khi dùng, bao gồm:
- Kích ứng ngoài da
- Tổn thương hô hấp
- Co thắt phế quản
- Phù phổi
- Co giật
Những thông tin về dược liệu đinh hương có trong bài viết này chỉ mang tính chất tham khảo. Bạn cần trao đổi kỹ với bác sĩ khi có ý định sử dụng các bài thuốc từ đinh hương. Đặc biệt trong quá trình sử dụng nếu gặp các vấn đề bất thường hãy liên hệ ngay với bác sĩ để dược xử lý.
Có thể bạn quan tâm:
Giải đáp thắc mắc của độc giả cùng chuyên gia của chúng tôi!