Ngủ ngáy có nguy hiểm không, nguyên nhân là do bệnh gì?
Ngủ ngáy có thể xảy ra do những nguyên nhân như béo phì, hút thuốc lá, sử dụng rượu bia hay thở bằng miệng. Tuy nhiên, đây cũng có thể là dấu hiệu của viêm mũi dị ứng, viêm amidan quá phát, phì đại VA, bất thường ở cấu trúc mũi – xoang… Tình trạng này kéo dài không chỉ ảnh hưởng đến giấc ngủ mà còn làm tăng huyết áp, giảm oxy lên não và tăng nguy cơ đột quỵ.
Ngủ ngáy là gì?
Ngáy khi ngủ là tình trạng phát ra âm thanh trong quá trình ngủ, có thể xuất hiện ở cả nam giới, nữ giới, người cao tuổi và trẻ nhỏ. Cơ chế gây ngáy được xác định là do không khí đi vào vùng họng hẹp phía sau, tạo ra ma sát khiến các mô ở niêm mạc rung lên và phát ra âm thanh.
Nguyên nhân gây ngáy thường gặp
Ngáy khi ngủ có thể xuất phát từ các nguyên nhân phổ biến sau:
- Béo phì: Tăng mỡ ở vùng cổ có thể chèn ép đường thở gây ngáy.
- Tư thế ngủ: Nằm ngửa có thể tạo áp lực lên đường hô hấp.
- Mở miệng khi ngủ: Khiến không khí đi vào họng, gây rung mềm và tiếng ngáy.
- Uống rượu bia: Làm giãn cơ ở họng và gây ngáy.
- Tác dụng phụ của thuốc: Thuốc kháng histamine và an thần có thể gây ngáy.
- Hút thuốc lá: Gây sưng viêm ở niêm mạc họng, thu hẹp đường thở và gây ngáy.
- Làm việc quá sức: Lao động nặng có thể gây ngáy khi ngủ.
Ngủ ngáy là biểu hiện của bệnh gì?
Ngoài những nguyên nhân phổ biến, ngáy khi ngủ cũng có thể là dấu hiệu của những bệnh lý tiềm ẩn như:
- Bất thường về cấu trúc mũi và xoang: Polyp mũi, vẹo vách ngăn mũi có thể ảnh hưởng đến lưu thông không khí và gây ngáy.
- Viêm amidan quá phát: Nhiễm trùng amidan tái phát nhiều lần có thể làm tăng kích thước amidan, có thể cản trở quá trình hô hấp và gây ngáy ở trẻ nhỏ.
- Viêm mũi dị ứng: Dị ứng khiến niêm mũi bị sưng viêm và kích thích dịch nhầy sản sinh quá mức. Điều này làm cho đường thở bị thu hẹp và dẫn đến chứng ngáy khi ngủ.
- Phì đại VA: Tình trạng viêm nhiễm VA kéo dài có thể khiến cơ quan này gia tăng kích thước và dẫn đến chứng há miệng khi ngủ, ngáy, thở khò khè…
Tham khảo thêm: 10 bài thuốc dân gian trị mất ngủ hiệu quả (cả kinh niên)
Ngủ ngáy có nguy hiểm không?
Ngáy khi ngủ không chỉ làm phiền người xung quanh, mà còn gây hại đến sức khỏe và khả năng hoạt động của bạn. Tình trạng kéo dài có thể làm gián đoạn quá trình hô hấp, gây giảm oxy hóa trong máu.
Đặc biệt, trẻ nhỏ bị ngáy khi ngủ có nguy cơ cao hơn mắc các bệnh viêm nhiễm đường hô hấp như viêm amidan, viêm họng, viêm VA, viêm thanh quản,…
Bên cạnh đó, ngáy cũng làm giảm lưu lượng oxy lên não, ảnh hưởng đến hoạt động học tập và vui chơi của trẻ. Trẻ bị ngáy thường kém tập trung, uể oải, mệt mỏi và hấp thụ kiến thức chậm. Ngoài ra, chúng còn gây ra một số tác hại nguy hiểm như:
- Huyết áp cao: Sự suy giảm lưu lượng oxy trong máu có thể khiến huyết áp tăng lên.
- Đột quỵ: Ngáy kèm chứng ngưng thở khi ngủ tăng nguy cơ đột quỵ, đặc biệt ở người cao tuổi và bệnh nhân cao huyết áp.
- Đau đầu: Sự giảm lưu lượng máu và oxy lên não có thể gây đau đầu, chóng mặt.
- Trào ngược axit dạ dày – thực quản: Ngáy khi ngủ có thể kích thích trào ngược axit dạ dày – thực quản, tăng nguy cơ bị bệnh trào ngược dạ dày.
Khắc phục tình trạng ngủ ngáy
Điều trị chứng ngáy khi ngủ phụ thuộc vào nguyên nhân cụ thể. Một số biện pháp khắc phục có thể được áp dụng, bao gồm:
1. Điều trị bệnh lý nguyên nhân
Nếu nguyên nhân ngáy là do bệnh lý, hãy thăm khám và tuân thủ phương pháp điều trị theo hướng dẫn của bác sĩ. Thường, ngáy khi ngủ do bệnh lý thường giảm rõ rệt sau khi điều trị hiệu quả.
Với các bệnh lý thông thường như viêm mũi dị ứng, bác sĩ thường kê đơn thuốc để giảm phù nề niêm mạc và mở thông đường thở.
Tuy nhiên, nếu là do polyp mũi xoang, viêm amidan quá phát và phì đại VA, phẫu thuật có thể được khuyến nghị để cắt bỏ amidan, VA hoặc điều chỉnh cấu trúc của các cơ quan hô hấp.
Tham khảo thêm: Mất ngủ 1 đêm có sao không? Làm gì cho khỏe, tỉnh táo?
2. Thay đổi một số thói quen
Nếu ngủ ngáy bắt nguồn từ thói quen thiếu lành mạnh, bạn có thể khắc phục bằng cách thay đổi thói quen và xây dựng lối sống lành mạnh. Một số biện pháp có thể áp dụng:
- Kiểm soát cân nặng: Tập luyện và ăn uống hợp lý để giảm cân, cải thiện ngáy và phòng ngừa bệnh lý nguy hiểm như huyết áp cao, tim mạch, tiểu đường.
- Từ bỏ hút thuốc lá: Thói quen này gây kích thích lên niêm mạc mũi, làm hẹp đường thở và gây ngáy.
- Tránh uống rượu bia và thuốc sát giờ ngủ: Chúng có thể làm giãn cơ hô hấp và gây ngáy.
- Thay đổi tư thế ngủ: Nếu tư thế ngủ là nguyên nhân, hãy thay đổi sang tư thế nghiêng để giảm áp lực lên vùng lưỡi và họng.
- Tránh thở bằng miệng: Sử dụng thiết bị hỗ trợ nếu có thói quen thở miệng, vì nó ảnh hưởng đến hoạt động của cơ quan hô hấp.
Phòng ngừa chứng ngáy bằng cách nào?
Ngáy khi ngủ có thể tái phát trở lại khi có điều kiện thích hợp. Vì vậy bạn nên ngăn ngừa tình trạng này với các biện pháp sau đây:
- Uống đủ nước: Bổ sung 2-2.5 lít nước mỗi ngày giúp giảm tình trạng tắc nghẽn dịch nhầy trong mũi, một yếu tố làm tăng nguy cơ ngáy.
- Giặt gối và mền thường xuyên để loại bỏ bụi bẩn gây dị ứng cơ hô hấp.
- Vệ sinh mũi bằng nước muối để loại bỏ bụi bẩn, tăng cường dẫn lưu dịch tiết ra bên ngoài.
- Tập thể dục từ 15-20 phút mỗi ngày để tăng cường sức đề kháng và cải thiện hoạt động hô hấp.
- Sử dụng máy tạo độ ẩm trong nhà để tránh kích thích niêm mạc mũi, tránh bị ngáy khi ngủ.
- Sử dụng gối cao để giảm áp lực lên vùng họng và cải thiện tình trạng này.
- Tránh ăn uống trước khi đi ngủ ít nhất 2 giờ để giảm nguy cơ.
- Xây dựng giờ giấc sinh hoạt khoa học, đảm bảo ngủ đủ 7 – 8 giờ mỗi ngày.
Tham khảo thêm: Sẽ ra sao nếu không ngủ? Mất ngủ có chết không?
Ngủ ngáy – Khi nào cần gặp bác sĩ?
Ngáy là tình trạng thường gặp khi ngủ và hiếm khi gây nguy hiểm đến sức khỏe. Tuy nhiên trong một số ít trường hợp, chúng có thể là dấu hiệu của các bệnh lý nghiêm trọng.
Do đó bạn nên tìm gặp bác sĩ khi nhận thấy những triệu chứng sau:
- Ngưng thở khi ngủ
- Khó thở
- Đau vùng mạn sườn
- Nhói ở tim
Chứng ngủ ngáy có thể thuyên giảm nhanh chóng nếu bạn chủ động trong quá trình chăm sóc và điều trị. Ngược lại, chủ quan có thể khiến triệu chứng kéo dài, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động làm việc, học tập và sức khỏe. Vì vậy, ngay khi nhận thấy dấu hiệu bất thường, bạn nên thực hiện các biện pháp khắc phục tại nhà hoặc tìm gặp bác sĩ trong những trường hợp cần thiết.
Có thể bạn quan tâm:
- 5 Cách chữa bệnh ngủ ngáy ở phụ nữ “đảm bảo hết”
- Căng thẳng thần kinh mất ngủ và cách khắc phục
Giải đáp thắc mắc của độc giả cùng chuyên gia của chúng tôi!