Bệnh viêm amidan
Đặt lịch ngayViêm amidan là bệnh lý đường hô hấp phổ biến, nhất là ở trẻ nhỏ có hệ miễn dịch yếu kém. Bệnh đặc trưng với các triệu chứng viêm nhiễm vùng họng và lan sang nhiều vùng lân cận. Bệnh có tính chất dai dẳng, tái phát thường xuyên và tiềm ẩn nhiều biến chứng nguy hiểm nếu không can thiệp điều trị kịp thời.
Tổng quan
Amidan chính là các tế bào lympho trong hệ miễn dịch, cấu trúc gồm 2 tổ chức bạch huyết, nằm trong khoang họng, phía sau hầu họng. Amidan là bộ phận quan trọng tham gia vào quá trình miễn dịch nhờ khả năng sản sinh kháng thể IgE. Chức năng amidan hoạt động mạnh mẽ ở trẻ nhỏ từ 4 - 10 tuổi, đến khi dậy thì và trưởng thành chức năng amidan sẽ giảm dần.
Viêm amidan (tên tiếng Anh là Tonsillistis) là hiện tượng khối amidan bị viêm nhiễm, tái đi tái lại thường xuyên do nhiễm virus, vi khuẩn trong các yếu tố thuận lợi như môi trường, thời tiết thay đổi, nhiễm lây lan từ các vùng lân cận... Bệnh viêm amidan chủ yếu xảy ra ở trẻ em.
Phân loại
Viêm amidan được chia làm 2 dạng dựa vào triệu chứng và mức độ bệnh:
Viêm amidan cấp tính: Các triệu chứng bùng phát đột ngột và ồ ạt như sốt cao trên 39 độ C, khô, đau rát cổ họng, ho, gây mệt mỏi toàn thân, táo bón, chán ăn... Kèm theo khô môi, lưỡi trắng bẩn, thở khò khè... Triệu chứng bệnh nhanh chóng thuyên giảm sau khi được chăm sóc tích cực.
Viêm amidan mãn tính: Thực chất là viêm amidan cấp tính tái đi tái lại thường xuyên. Nhưng các triệu chứng mãn tính thường nghiêm trọng và phức tạp hơn, gây sỏi amidan bắt buộc phải can thiệp điều trị y tế chuyên khoa để ngăn chặn các biến chứng khó lường khác.
Nguyên nhân
Có nhiều nguyên nhân gây viêm amidan. Một số nguyên nhân chính có thể kể đến như:
Nhiễm khuẩn, virus: Vi khuẩn liên cầu tán huyết beta nhóm A; vi khuẩn bạch hầu... xâm nhập cơ thể thông qua các con đường tiếp xúc qua đường tai, mũi, họng...
Nhiễm virus: Các loại siêu vi như virus cúm, virus hợp bào hô hấp, coronavirus, parainfluenza, Enteroviruses, Adenoviruses, Herpes Simplex, Epstein - Barr, HIV, Cytomegalovirus...;
Thói quen sinh hoạt: Vệ sinh răng miệng kém hoặc sai cách khiến vi khuẩn gây viêm nhiễm có cơ hội xâm nhập và gây bệnh về họng, trong đó có viêm amidan,
Ăn uống không khoa học: Thường xuyên ăn thực phẩm lạnh gây tổn thương cổ họng; chế độ ăn nghèo nàn gây thiếu hụt dinh dưỡng, giảm sức đề kháng, cơ địa dị ứng bẩm sinh...;
Các yếu tố tác động từ môi trường: Môi trường ô nhiễm, khói bụi, ô nhiễm hóa chất; thời tiết nóng - lạnh thay đổi đột ngột, lạnh quá mức gia tăng bệnh lý về họng;
Yếu tố bệnh lý: Bệnh nhân có tiền sử mắc các bệnh về đường hô hấp trước đó như ho gà, sởi...; có các ổ nhiễm khuẩn gần amidan như viêm mũi xoang, sâu răng, viêm lợi...;
Triệu chứng và chẩn đoán
Viêm amidan được chẩn đoán thông qua các triệu chứng lâm sàng như:
Triệu chứng cơ năng: Đau rát cổ họng, có cảm giác nuốt vướng, như có dị vật bên trong họng; đau nhức dần lan lên tai; hơi thở có mùi hôi, hôi miệng; khàn giọng, ho khan hoặc ho có đờm; thở khò khè, ngủ ngáy;
Triệu chứng thực thể: Khối amidan sưng to quá phát xơ chìm khiến vùng niêm mạc tại vị trí này sưng dày lên, sung huyết đỏ ửng; xuất hiện các hốc mủ, chấm lớn nhỏ trên amidan, ấn vào chảy mủ hoặc nước bã đậu; xuất hiện lympho ở phía sau thành họng;
Triệu chứng toàn thân: Bệnh nhân viêm amidan thường không có quá nhiều triệu chứng toàn thân. Chỉ trừ trường hợp bùng phát các đợt viêm amidan cấp tính gây sốt về chiều, mệt mỏi, da dẻ xanh xao, không có sức sống, chán ăn...
Khi thăm khám, ngoài đánh giá các triệu chứng lâm sàng, bác sĩ cũng sẽ kết hợp thực hiện các xét nghiệm cận lâm sàng để đưa ra kết luận chẩn đoán bệnh chính xác.
Xét nghiệm máu: phân tích công thức máu, đánh giá chỉ số bạch cầu có bình thường không.
Test Le Mée: trường hợp viêm amidan gây biến chứng, khi kiểm tra Le Mée sẽ gây đau khớp khi xoa lên bề mặt amidan, kèm theo phản ứng sưng phù nhẹ và thay đổi màu nước tiểu.
Test Viggo Schmidt: bác sĩ dùng ngón tay xoa trực tiếp lên bề mặt amidan khoảng 5 phút, sau đó thử máu lại bằng công thức bạch cầu. Nếu thực sự là viêm amidan, chỉ số bạch cầu sẽ tăng lên nhanh chóng trong vòng 30 phút và giảm dần trở về bình thường sau 60 phút.
Xét nghiệm ASLO: giúp đo lượng Anti - streptolysin O. Nếu cho kết quả âm tính ≤ 200 U/ml là viêm amidan. Trường hợp viêm amidan do nhiễm liên cầu khuẩn chỉ số này có thể tăng lên mức cao hơn 500 - 1000 U/ml.
Xem thêm: Viêm Amidan Có Ho Không? Cách Nhận Biết và Lưu Ý Khi Điều Trị
Một số trường hợp triệu chứng viêm amidan chưa rõ ràng, bác sĩ sẽ tiến hành phân biệt với các bệnh lý khác như:
Ung thư amidan: đặc trưng với triệu chứng sưng to, gây sùi hoặc loét một bên amidan, mật độ dày chắc và xuất hiện kèm theo hạch cổ lớn. Nếu nghi ngờ ung thư bác sĩ sẽ chỉ định thực hiện sinh thiết để chẩn đoán.
Lao amidan: thực hiện các xét nghiệm chẩn đoán bệnh lao cần thiết để loại trừ nguyên nhân.
Giang mai giai đoạn II: gây sưng loét niêm mạc họng, màng hầu. Cần thực hiện xét nghiệm giang mai để loại trừ nguyên nhân.
Biến chứng và tiên lượng
Viêm amidan không được điều trị kịp thời có thể gây các biến chứng nguy hiểm như:
- Áp xe amidan & khu vực lân cận: Sưng viêm amidan tái đi tái lại nhiều lần có thể dẫn đến áp xe. Đặc trưng với các triệu chứng như sưng đau họng nặng, mất giọng, sốt cao, đau đầu, chảy nước bọt liên tục, khó nuốt...
- Viêm khớp cấp: Gây sưng đau, nóng đỏ tại các khớp như ngón tay, ngón chân, cổ tay, đầu gối... Sau biến chứng này có thể phát sinh thêm biến chứng viêm màng tim cực kỳ nguy hiểm.
- Viêm cầu thận: Bệnh nhân viêm amidan mãn tính cấp độ nặng có nguy cơ cao bị viêm cầu thận, nặng hơn là viêm thận cấp gây phù toàn thân nghiêm trọng, nặng nhất là sau khi ngủ dậy. Viêm cầu thận là tình trạng nguy hiểm cần được cấp cứu và xử lý kịp thời để tránh những biến chứng nguy hiểm đến sức khỏe.
- Nhiễm độc tố liên cầu khuẩn: Hầu hết bị viêm amidan đều do nhiễm liên cầu khuẩn. Độc tố của vi khuẩn này gây phát ban, nổi hạch, đau đầu, đau họng, sốt cao, nôn ói, sưng họng, đỏ lưỡi, rối loạn nhịp 5 tim... Nếu không xử lý kịp thời có thể gây biến chứng viêm cơ tim, viêm màng tim cấp, viêm tai giữa, viêm nội mạc tim...
- Hội chứng rối loạn nhịp thở: Đây là biến chứng thường gặp do viêm amidan phì đại quá mức. Trường hợp có kèm theo triệu chứng phì đại VA sẽ gây khó thở, nghẹt thở và ngủ ngáy, ảnh hưởng đến chất lượng giấc ngủ và sức khỏe.
- Một số biến chứng khác: Ngoài các biến trên, viêm amidan làm tăng nguy cơ mắc bệnh tại các cơ quan lân cận như bệnh viêm mũi họng, viêm thanh quản cấp tính, viêm tai giữa cấp tính, viêm phế quản, khí quản...
Điều trị
Điều trị viêm amidan có rất nhiều cách, tùy theo mức độ bệnh. Nhiều bậc phụ huynh khi thấy con bị viêm amidan thường có xu hướng muốn cắt bỏ amidan là không nên. Hãy đưa trẻ đến bệnh viện khi có các triệu chứng như sốt cao, sưng họng, ăn uống kém, khó nuốt, khó thở để có chỉ định phù hợp.
1. Điều trị nội khoa
Hầu hết các trường hợp viêm amidan đều đáp ứng điều trị bằng kháng sinh đồ tối đa trong vòng 7 - 14 ngày.
- Bị viêm amidan do nhiễm liên cầu khuẩn thường dùng kháng sinh penicillin dạng uống hoặc tiêm.
- Dùng thuốc với liều chỉ định của bác sĩ, dù trong 1 - 2 ngày đầu triệu chứng đã thuyên giảm nhưng vẫn phải tiếp tục dùng cho hết đợt.
- Kết hợp dùng thêm thuốc chống sung huyết, giảm ho, thuốc giảm đau, các loại thuốc xịt họng, thuốc ngậm sát khuẩn cổ họng.
Kết hợp sử dụng nước muối sinh lý súc họng, thuốc nhỏ mũi hoặc các dung dịch sát khuẩn, nghỉ ngơi nhiều, ăn uống đủ chất, uống nhiều nước để sớm khỏi bệnh.
2. Cắt amidan
Phẫu thuật cắt amidan là phương pháp cắt bỏ khối amidan. Điều này cũng đồng nghĩa với việc loại bỏ hàng rào miễn dịch bảo vệ đường hô hấp, dễ tăng nguy cơ mắc các bệnh viêm đường hô hấp. Ngoài ra, cắt amidan cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro như chảy máu, nhiễm trùng... nên cần hết sức cân nhắc trước khi quyết định.
Cắt amidan chỉ được áp dụng dành cho các trường hợp sau:
- Viêm amidan hốc mủ, viêm amidan mãn tính có tiên lượng biến chứng nặng như tắc nghẽn đường thở, áp xe, ung thư amidan;
- Trường hợp tái phát viêm amidan trên 6 lần/ năm;
- Viêm amidan mạn tính nhưng điều trị nội khoa không hiệu quả;
- Chống chỉ định cắt amidan cho trẻ dưới 5 tuổi và người trưởng thành trên 45 tuổi;
Có 2 cách cắt amidan gồm cắt amidan trong bao & cắt amidan ngoài bao, cắt amidan nóng & lạnh. Hiện nay, phương pháp cắt amidan được áp dụng phổ biến nhất là amidan nóng - tức là cắt bỏ khối amidan bằng nhiệt và thường là cắt ngoài bao.
- Cắt amidan bằng thiết bị dao điện đơn cực hoặc lưỡng cực;
- Cắt amidan bằng các dụng cụ khác như tia laser, dao plasma, dao coblator... Đây là các thiết bị hiện đại với ưu điểm cắt ít chảy máu, ít đau và hồi phục nhanh;
Bên cạnh đó, cắt amidan lạnh tức không dùng nhiệt, sử dụng các thiết bị như máy cắt hút Microdebrider, máy Anse, Sluder... Ngoài ra, các phương pháp vô cảm khác như gây mê, gây tê cũng được kết hợp với các kỹ thuật cắt amidan.
Giải đáp chi tiết: Có nên cắt amidan cho trẻ không, phương pháp nào, ở đâu?
Phòng ngừa
Chủ động phòng ngừa viêm amidan bằng lối sống sinh hoạt khoa học:
Giữ vệ sinh thân thể, rửa tay bằng xà phòng diệt khuẩn, vệ sinh răng miệng, súc miệng nước muối sinh lý hàng ngày.
Bảo vệ đường hô hấp khỏi các tác nhân gây hại bằng cách đeo khẩu trang và che chắn kỹ lưỡng trước khi ra ngoài.
Giữ ấm cơ thể khi thời tiết chuyển lạnh. Nếu sử dụng điều hòa hãy điều chỉnh nhiệt độ phù hợp, không chênh lệch quá lớn so với nhiệt độ ngoài trời.
Tránh tiếp xúc gần với người bị bệnh.
Đảm bảo thực đơn ăn uống lành mạnh, đủ chất, nhất là rau xanh, củ quả, trái cây, uống nhiều nước để tăng cường sức đề kháng.
Tập thể dục mỗi ngày giúp nâng cao thể trạng và tăng cường hệ miễn dịch tự nhiên, chống lại bệnh tật.
Những câu hỏi quan trọng khi gặp bác sĩ
1. Nguyên nhân khiến tôi bị viêm amidan là gì?
2. Mức độ bệnh có nghiêm trọng không?
3. Tiên lượng bệnh nặng hay nhẹ?
4. Các xét nghiệm tôi cần thực hiện để chẩn đoán bệnh?
5. Phương pháp điều trị viêm amidan tốt nhất đối với tình trạng bệnh của tôi?
6. Tôi bị viêm amidan nên uống thuốc gì tốt nhất? Nếu có tác dụng phụ cần làm gì để xử lý?
7. Phác đồ điều trị dành cho tôi đem lại những lợi ích và rủi ro gì?
8. Tôi cần điều trị bao lâu thì khỏi hoàn toàn?
9. Tôi cần làm gì và tránh gì trong quá trình điều trị bệnh?
10. Có cần phải tái khám hay không?
Viêm amidan là bệnh lý hô hấp có tỷ lệ mắc cao và tiềm ẩn nhiều rủi ro, biến chứng nguy hiểm. Do đó, hãy thăm khám sớm để chẩn đoán, điều trị và tích cực thực hiện các biện pháp chăm sóc, phòng ngừa để giảm nguy cơ mắc bệnh, nhất là đối với trẻ em.
Có thể bạn quan tâm:
- Trẻ bị viêm amidan sốt mấy ngày, cần làm gì? Bố mẹ nên biết
- Hướng dẫn cách chăm sóc trẻ bị viêm amidan tại nhà, bố mẹ tham khảo
Bình luận (1)
Tuần trước khi đi kiểm tra va khám bệnh tại khoa tai , mũi , họng toi được chuẩn đoán là sỏi Amiđan nay muốn tìm phương pháp điều trị dứt điểm bằng y học cổ truyền xin thành tâm mong được các quý vị bác sỹ tư vấn giùm tôi cách điều trị và chữa trị dứt điểm căn bệnh này ? Xin trân thành cảm ơn quý vị bác sỹ , xin chúc quý vị sức khỏe dồi dào , bình an và hạnh phúc – Trân Trọng : Bùi Hồng Ngọc !