Căng thẳng thần kinh mất ngủ và cách khắc phục
Căng thẳng thần kinh mất ngủ là vấn đề phổ biến trong cuộc sống hiện đại, ảnh hưởng đến sức khỏe và chất lượng cuộc sống của nhiều người. Nếu tình trạng này kéo dài, bạn có thể sẽ phải đối mặt với các hậu quả nghiêm trọng như suy nhược cơ thể, trầm cảm, rối loạn chu kỳ kinh nguyệt, tăng huyết áp, rối loạn nhịp tim…
Vì sao căng thẳng thần kinh gây mất ngủ, ngủ không sâu giấc?
Căng thẳng thần kinh là hệ quả từ cuộc sống hiện đại và bận rộn. Tình trạng này không chỉ gặp ở người cao tuổi, trung niên mà còn có thể xảy ra ở thanh niên và trẻ trong độ tuổi dậy thì.
Căng thẳng không chỉ ảnh hưởng đến tâm lý mà còn gây ra hàng loạt các hệ lụy như mệt mỏi, uể oải, khó tập trung và mất ngủ. Mất ngủ do căng thẳng thần kinh kéo dài là dạng mất ngủ thứ phát rất phổ biến.
Khi hệ thần kinh bị căng thẳng, cơ thể sẽ có xu hướng hình thành các gốc tự do. Sau đó những gốc tự do này tác động đến não và quá trình chuyển hóa của cơ thể, gây ảnh hưởng đến xung thần kinh, mạch máu và hoạt động của toàn bộ cơ quan.
Những tác động tiêu cực này khiến thần kinh trung ương bị chèn ép, căng thẳng và khó đi vào giấc ngủ. Ngoài ảnh hưởng lên giấc ngủ, căng thẳng thần kinh còn làm phát sinh triệu chứng đi kèm như mệt mỏi, chán nản, lười ăn, nhức đầu, giảm mức độ tập trung, tăng huyết áp…
Tham khảo thêm: Mất ngủ dẫn đến trầm cảm, tâm thần? Điều cần biết
Căng thẳng thần kinh gây mất ngủ do đâu?
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này, thường là chủ yếu là do áp lực từ công việc và cuộc sống:
- Làm việc hơn 8 giờ và khối lượng công việc lớn.
- Sử dụng thiết bị điện tử (điện thoại, máy fax, máy tính bảng, laptop, máy tính,…) trong thời gian dài.
- Gặp phải biến cố lớn trong cuộc sống.
- Ngủ không đủ giấc, gây căng thẳng cho não bộ, suy nhược thần kinh và mất ngủ.
- Suy nghĩ quá nhiều về các vấn đề trong cuộc sống.
- Áp lực học tập và điểm số.
Hậu quả do căng thẳng thần kinh gây mất ngủ kéo dài
Mất ngủ do căng thẳng thần kinh không phải là nguyên nhân nghiêm trọng. Nếu can thiệp kịp thời, bạn có thể khắc phục tình trạng này thông qua nhiều biện pháp khác nhau. Tuy nhiên, nếu kéo dài, bạn có thể đối mặt với những hậu quả sau đây:
- Giảm khả năng tập trung.
- Cơ thể mệt mỏi và suy nhược thần kinh.
- Trầm cảm.
- Huyết áp cao.
- Rối loạn nhịp tim.
- Kích thích các bệnh da liễu mãn tính bùng phát như chàm, viêm da tiếp xúc, vảy nến,…
- Tăng sắc tố melanin và gây ra tình trạng sạm da, nám, tàn nhang,…
- Ảnh hưởng đến chu kỳ kinh nguyệt (mất kinh, vòng kinh không đều, kinh nguyệt đổi màu, có mùi bất thường,…)
- Gây rối loạn nội tiết.
- Làm giảm ham muốn tình dục và gây ra các rối loạn sinh lý nam giới như xuất tinh sớm, rối loạn cương dương,…
Tham khảo thêm: Mất ngủ làm giảm trí nhớ, mất tập trung phải làm sao?
Cách khắc phục căng thẳng thần kinh gây mất ngủ
Nhằm hạn chế các hậu quả nêu trên, bạn cần tiến hành khắc phục chứng mất ngủ do căng thẳng kéo dài trong thời gian sớm nhất. Để cải thiện mất ngủ, ngủ không ngon,… bạn có thể áp dụng các biện pháp sau:
1. Xác định nguyên nhân gây căng thẳng thần kinh
Như đã đề cập, thần kinh căng thẳng do nhiều nguyên nhân gây ra. Vì vậy bạn cần xác định nguyên nhân khiến não bộ căng thẳng là do suy nghĩ quá nhiều, làm việc trong thời gian dài, tiếp xúc với thiết bị điện tử,… hay do bất cứ lý do nào khác.
Trong trường hợp không nhận thấy những nguyên nhân nêu trên, bạn nên chủ động tìm gặp bác sĩ chuyên khoa. Bởi dấu hiệu căng thẳng bất thường có thể là biểu hiện cảnh báo các vấn đề tâm lý nghiêm trọng.
2. Giảm căng thẳng theo từng nguyên nhân cụ thể
Sau khi xác định nguyên nhân gây căng thẳng cho não bộ và hệ thần kinh, bạn có thể cải thiện tình trạng mệt mỏi và căng thẳng bằng cách thực hiện những biện pháp sau:
- Giảm thời gian làm việc nếu đang làm việc quá sức, hãy cân nhắc giảm thời gian làm việc (trong khoảng 7 – 8 giờ/ ngày) và dành thời gian để nghỉ ngơi.
- Đảm bảo đủ giấc ngủ nếu căng thẳng là do thiếu ngủ (ít hơn 6 giờ/ ngày), bạn nên sắp xếp công việc để đảm bảo đủ thời gian ngủ.
- Chia sẻ với bạn đời, người thân hoặc bạn bè về những lo lắng và suy nghĩ trong cuộc sống để giảm áp lực lên hệ thần kinh. Nếu gặp phải các vấn đề tâm lý nghiêm trọng, hãy tìm gặp chuyên gia tâm lý để được tư vấn và điều trị.
- Giảm thời gian tiếp xúc với thiết bị điện tử, đặc biệt là trước khi đi ngủ. Ánh sáng xanh từ các thiết bị này có thể gây khó chịu và làm trở ngại cho quá trình đi vào giấc ngủ.
- Đối với trẻ trong độ tuổi dậy thì, phụ huynh cần chia sẻ áp lực học tập cùng con cái. Tránh kỳ vọng quá mức có thể khiến trẻ căng thẳng và trầm cảm.
Tham khảo thêm: 10 bài thuốc dân gian trị mất ngủ hiệu quả (cả kinh niên)
3. Ổn định giờ giấc sinh hoạt
Chế độ sinh hoạt là yếu tố ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng giấc ngủ và hoạt động của não bộ. Với những người thường xuyên căng thẳng, việc xây dựng và thiết lập lại giờ giấc sinh hoạt là điều rất cần thiết.
Bạn nên thực hiện chế độ sinh hoạt hợp lý nhằm điều hòa bộ máy sinh học của cơ thể. Khi xây dựng giờ giấc khoa học, tình trạng căng thẳng ở não bộ cũng được cải thiện đáng kể.
4. Dành thời gian để luyện tập thể thao
Không chỉ tác động tích cực đến vóc dáng và hệ xương khớp, luyện tập thể thao còn thúc đẩy thần kinh và não bộ thư giãn. Ngoài ra hoạt động thể chất còn hỗ trợ quá trình tuần hoàn máu và trao đổi chất trong cơ thể.
Kiên trì và đều đặn trong việc luyện tập có thể giúp bạn cải thiện được tình trạng khó ngủ và mất ngủ. Các bộ môn người bị mất ngủ nên thực hiện: yoga, võ cổ truyền, bơi lội, đạp xe, đi bộ,…
5. Thực hiện các hoạt động nhằm thư giãn thần kinh
Ngoài các biện pháp đã đề cập, bạn có thể giảm căng thẳng thần kinh, thúc đẩy tuần hoàn máu và cải thiện giấc ngủ bằng các hoạt động sau:
- Nghỉ ngơi, đọc sách, nghe nhạc để thư giãn.
- Thiền định giúp loại bỏ tâm phiền và kích thích tuần hoàn máu.
- Vui chơi cùng con trẻ hoặc thú nuôi để giảm căng thẳng và cải thiện giấc ngủ.
- Ăn đồ ngọt hoặc thực phẩm giàu vitamin giúp giải phóng suy nghĩ tiêu cực.
- Tham gia hoạt động vui vẻ như du lịch hoặc mua sắm để tăng cảm giác lạc quan.
- Uống trà hạt sen, mật ong hoặc trà gừng để cải thiện giấc ngủ.
- Thay đổi không gian phòng ngủ để tạo cảm giác thoải mái khi ngủ.
Tham khảo thêm: Bệnh mất ngủ ở người già: Nguyên nhân và cách điều trị
6. Sử dụng thuốc điều trị
Nếu mất ngủ không giảm sau khi thử các biện pháp trên, bạn có thể thảo luận với bác sĩ về việc sử dụng các loại thuốc điều trị. Dưới đây là một số loại thuốc có thể giảm mất ngủ do căng thẳng thần kinh:
- Thuốc kháng histamine H1: Thường được sử dụng trong điều trị dị ứng và cảm. Tuy nhiên, do có tác dụng an thần, chúng cũng có thể được sử dụng để điều trị mất ngủ.
- Thuốc an thần (Phenobarbital): Gây ức chế synapse tại não để an thần và gây ngủ. Cần cân nhắc sử dụng cho người không mắc các vấn đề về hô hấp hoặc gan nặng.
- Thuốc chống trầm cảm 3 vòng (Opipramol, Amitrityline, Clomipramine, Metapramine,…): Được sử dụng trong điều trị trầm cảm và mất ngủ kinh niên bằng cách ức chế tái hấp thu norephrine hoặc serotonin.
Phần lớn các trường hợp mất ngủ thường được điều trị bằng thuốc kháng histamine vì nhóm thuốc này khá an toàn và không ảnh hưởng đến hệ thần kinh trung ương.
Tuy nhiên, sử dụng thuốc an thần và thuốc chống trầm cảm 3 vòng có thể gây ra các tác dụng phụ nghiêm trọng như an thần quá mức, thay đổi điện tâm đồ, hạ huyết áp đứng, mất điều vận, liệt dương… và nhiều tác dụng khác.
Căng thẳng thần kinh mất ngủ có thể được khắc phục với nhiều biện pháp khác nhau. Tuy nhiên nếu tình trạng mất ngủ diễn tiến kéo dài và nghiêm trọng hơn, bạn nên tìm gặp bác sĩ để được chỉ định loại thuốc và liệu pháp thích hợp.
Có thể bạn quan tâm:
- Uống trà gì dễ ngủ? 10+ loại trà tốt cho người mất ngủ
- Sẽ ra sao nếu không ngủ? Mất ngủ có chết không?
Giải đáp thắc mắc của độc giả cùng chuyên gia của chúng tôi!