Suy nhược thần kinh

Đặt lịch ngay

Bác sĩ phụ trách

Bác sĩ Nguyễn Thị Nhuần

Phó Giám đốc Chuyên môn

Suy nhược thần kinh dường như là căn bệnh phổ biến hiện nay khi vòng xoáy công việc và cuộc sống khiến não bộ hoạt động quá nhiều, trong khi đó lại dành rất ít thời gian nghỉ ngơi cho bản thân. Tưởng chừng là đơn giản nhưng hậu quả của căn bệnh này được cho là khá phức tạp. Cùng tìm hiểu kỹ hơn về bệnh, triệu chứng, nguyên nhân, mức độ nguy hiểm và cách điều trị trong bài viết dưới đây. 

Tổng quan

Theo một thống kê gần đây, tại Việt Nam, bệnh suy nhược thần kinh chiếm 3 - 4% dân số cả nước, còn ở các nước Tây Âu thì con số này là 5 - 7% dân số. Con số này có xu hướng tăng lên khi con người phải đối mặt với nhiều vấn đề trong công việc và cuộc sống hằng ngày khi mọi thứ trong thời đại hiện đại hóa 4.0.

Suy nhược thần kinh (tên khoa học: Neurasthenia) là căn bệnh rối loạn chức năng của vỏ não cùng một số trung khu dưới lớp vỏ não do tình trạng não bộ phải làm việc quá tải, ảnh hưởng đến khả năng phục hồi và nghỉ ngơi của bộ não cũng như toàn cơ thể. Suy nhược thần kinh và trầm cảm gần như có liên quan mật thiết đến nhau. Suy nhược thần kinh là nguyên nhân chính dẫn đến bệnh trầm cảm.

Tùy vào mức độ, căn bệnh này có thể ảnh hưởng đến nhận thức, trí nhớ, bộ não và kích thích tăng vận động. Nếu không được điều trị kịp thời gây ảnh hưởng đến cuộc sống, công việc và sinh hoạt hàng ngày.

Nguyên nhân

Số người lao động trí óc mắc căn bệnh này chiếm tỉ lệ cao hơn người lao động chân tay, chủ yếu nằm ở lứa tuổi từ 20 - 45 và có xu hướng xuất hiện ở nam nhiều hơn phái nữ. Có thể kể đến một số nguyên nhân sau đây:

  • Stress, căng thẳng kéo dài và có xu hướng tác động liên tục, thường xuyên mỗi ngày. 
  • Căng thẳng, mệt mỏi liên tục nhưng lại không có thời gian nghỉ ngơi
  • Các nhân tố tác động bên ngoài như tiếng ồn, môi trường làm việc phức tạp
  • Các căn bệnh tác động trực tiếp như: Suy dinh dưỡng, mất ngủ, các bệnh viêm mạn tính như viêm xoang, viêm loét dạ dày,...

Mất ngủ là nguyên nhân hàng đầu gây suy nhược thần kinh
Mất ngủ là nguyên nhân hàng đầu gây suy nhược thần kinh

Phân loại & triệu chứng

1. Triệu chứng

Người bị suy nhược thần kinh thường được biểu hiện bởi các dấu hiệu, triệu chứng như sau: 

  • Nhức đầu: Nhức đầu âm ỉ ngày này qua ngày khác, có thể là toàn bộ đầu hoặc từng khu như trán, đỉnh đầu, thái dương. Người bệnh có thể gặp phải tình trạng này trong một vài giờ, thậm chí là cả này gây ảnh hưởng đến hiệu quả làm việc, mất ngủ, mệt mỏi. 
  • Mất ngủ: Trằn trọc khó ngủ, ngủ không sâu giấc, lúc ngủ gặp phải nhiều mộng mị chiêm bao khiến ngủ không ngon giấc nên vào mỗi sáng thức dậy, người bệnh cảm thấy đau đầu, mệt mỏi, uể oải toàn thân. 
  • Biểu hiện của cơ thể: Nhức mỏi cổ, vai gáy, đau cột sống, đau thắt lưng,... Người bệnh còn gặp phải một số rối loạn khác như rối loạn cảm giác, hoa mắt, chóng mặt, chân tay run, trí nhớ kém, tim đập nhanh, rối loạn bài tiết,...
  • Hội chứng rối loạn tâm thần: Dễ xúc động, không kiểm soát được cảm xúc và hành vi, dễ cáu gắt, bực bội và khó chịu, dễ rơi vào bệnh trầm cảm.

2. Phân loại

Có 3 loại suy nhược thần kinh thường gặp và phân biệt với trầm cảm như sau: 

  • Thể nhược: Gặp phải nhiều ức chế quá giới hạn, người bệnh giảm hưng phấn, không còn cảm giác yêu thích, ham muốn trong một việc gì đó và kèm theo đó là các biểu hiện của suy nhược thần kinh.
  • Thể trung gian: Cảm xúc thất thường, lúc hưng phấn lúc chán chườm, hay suy tư, thờ ơ, dễ sợ hãi và nổi nóng với các tình huống xảy ra trong công việc, cuộc sống.
  • Thể cường: Khi người bệnh không tự chủ được về cảm xúc và hành động, dễ bị ức chế thần kinh khi gặp điều kiện nhưng cũng dễ bị suy yếu. 
  • Phân biệt với trầm cảm: Suy nhược thần kinh và trầm cảm đều có các triệu chứng mất ngủ, ăn không ngon, hay cáu gắt, uể oải,... Tuy nhiên, người trầm cảm luôn cảm thấy tuyệt vọng, buồn chán, tự ti. 

Suy nhược thần kinh và trầm cảm có những biểu hiện giống nhau rất khó phân biệt
Suy nhược thần kinh và trầm cảm có những biểu hiện giống nhau rất khó phân biệt

Điều trị

Nhiều người thường thắc mắc liệu bệnh suy nhược thần kinh có tự khỏi được không? Và theo như các chuyên gia về thần kinh, căn bệnh này khó có thể tự khỏi trong trường hợp bị suy nhược thần kinh mức độ nặng. Còn ở mức độ nhẹ, bạn có thể cải thiện tình trạng nhờ chế độ ăn uống, nghỉ ngơi hợp lý và lối sống khoa học. 

Đầu tiên, để xác định phương pháp điều trị phù hợp với người bị suy nhược thần kinh, các bác sĩ phải chẩn đoán thông qua những câu hỏi tâm lý, khám lâm sàng, xét nghiệm máu, siêu âm tim và căn cứ vào những triệu chứng điển hình của căn bệnh này.

Các liệu pháp tâm lý 

Phương pháp trị liệu bằng tâm lý là sự điều trị thông qua sử dụng ngôn ngữ hay phi ngôn ngữ, mức độ nhẹ được hiểu như một cuộc trò chuyện với chuyên gia tâm lý về những căng thẳng, stress, các vấn đề tâm lý mà mình đang gặp phải. Ngoài việc chữa trị suy nhược thần kinh, đây là còn liệu pháp giúp người bệnh tìm ra cách thức giải quyết vấn đề trong cuộc sống. 

Có 7 hình thức trị liệu tâm lý được áp dụng như sau:

  • Trò chuyện, giải thích logic, điều chỉnh thái cảm xúc, thái độ phù hợp
  • Liệu pháp tâm lý cá nhân 
  • Liệu pháp tâm lý nhóm 
  • Liệu pháp lao động
  • Trị liệu bằng âm nhạc
  • Thở dưỡng sinh - thư giãn 
  • Thiền định - Yoga

Điều trị bằng thuốc Tây 

Thuốc Tây điều trị suy nhược thần kinh bằng các tác động vào cơ chế sinh bệnh và quá trình hưng phấn hệ thần kinh, đồng thời giúp an thần, bổ sung dưỡng chất và tăng cường tuần hoàn não bộ.

Sử dụng thuốc tây để điều trị suy nhược thần kinh cần được chỉ định từ bác sĩ
Sử dụng thuốc tây để điều trị suy nhược thần kinh cần được chỉ định từ bác sĩ

Hiện nay, có một số loại thuốc Tây y chữa suy nhược thần kinh hiệu quả có thể kể đến như: 

  • Thuốc tăng tuần hoàn máu: Cinnarizin, Cerebrolysin, Piracetam
  • Thuốc an thần: Zolpidem, Diazepam,...
  • Thuốc tác động hệ thần kinh: Sulbutiamine, Asthenal (uống sau ăn sáng)
  • Thuốc giảm đau: Paracetamol
  • Các vitamin và thực phẩm chức năng chữa suy nhược cơ thể

Ưu điểm: Tác động trực tiếp vào cơ chế sinh bệnh, xuất phát từ triệu chứng mà người bệnh đang gặp phải để có liệu trình sử dụng thuốc phù hợp nên cho tác dụng nhanh và hiệu quả. 

Nhược điểm: Người bệnh có thể gặp một số tác dụng phụ của thuốc Tây như: gây mất ngủ (ở thuốc sulbutiamine hoặc asthenal), gây độc cho gan với các thuốc giảm đau liều cao,...

Chữa suy nhược thần kinh bằng đông y

Theo khái niệm Đông y, suy nhược cơ thể là tình trạng tạng tâm hay tạng can bị mất cân bằng do "tâm chủ thần", gây nên các triệu chứng lo âu, mệt mỏi, căng thẳng,... Do đó, điều trị bằng Đông y sẽ dựa trên cơ chế cân bằng lại chức năng của tâm can, an thần, hành khí, giải uất, sơ can, bổ huyết, hành huyết,... 

Một số vị thuốc thảo dược có tác dụng trị bệnh
Một số vị thuốc thảo dược có tác dụng trị bệnh

Theo đó, một số vị thuốc điển hình trong Đông y được sử dụng để chữa suy nhược thần kinh gồm: 

  • Hợp hoan bì: tác dụng an thần, giải trừ u uất và tăng cường lưu thông máu trong cơ thể, đặc biệt là não bộ.
  • Uất kim: Giảm căng thẳng, suy nghĩ quá nhiều, tăng cường sức khỏe,...
  • Táo nhân: Trấn an hệ thần kinh, giảm lo âu, giúp giấc ngủ ngon,...

Dinh dưỡng

Cũng như nhiều bệnh lý khác, chế độ dinh dưỡng tác động rất lớn đến quá trình điều trị và phục hồi vì thế người bị bệnh suy nhược thần kinh cũng cần có chế độ ăn uống khoa học. Dưới đây là một số thực phẩm nên ăn và những thực phẩm cần tránh.

NÊN:

Chuối sứ: Nên ăn 2 trái vào buổi sáng khi bụng còn hơi đói để hỗ trợ thần kinh, làm dịu hệ thần kinh.

Bí đỏ: Là thực phẩm tốt cho trí não vì có chứa nhiều acid glutamic - thành phần bồi dưỡng thần kinh.

Tâm sen: Đây là thảo dược an thần quen thuộc có thể chữa các chứng mất ngủ và tốt cho người bị suy giảm thần kinh. Nên uống thay trà mỗi ngày.

Canh hàu kết hợp với thịt lợn có công hiệu dưỡng tâm huyết,  hồi hộp.

Canh thịt lợn và sò khô tác dụng bổ âm, bổ thận, chữa thận hư.

Các loại thảo dược như cam thảo, táo tàu.

Ngũ cốc

KIÊNG:

Các thực phẩm chiên, rán, nhiều dầu mỡ

Tránh các thực phẩm có chất kích thích như: rượu, bia, thuốc lá,...

Ngoài ra, người bệnh cần chú ý một số biện pháp cải thiện bệnh như sau: 

Ngủ đúng giờ, ngủ đủ giấc, không thức đêm: Một giấc ngủ sâu và đủ 8 tiếng sau một ngày dài làm việc sẽ giúp bạn lấy lại tinh thần, giúp đầu óc minh mẫn hơn. Lưu ý, nên tắt đèn khi ngủ sẽ tốt hơn cho việc an thần. 

Tập luyện thể dục, thể thao điều độ: Mỗi ngày dành 30 phút đi bộ, đạp xe, tập gym hay yoga vừa giúp cơ thể tăng cường thể lực, vừa giải tỏa căn thẳng và bực bội trong ngày.

Để tinh dầu hoặc nến thơm trong phòng để đầu óc được thư giãn

Dành thời gian cho các hoạt động giải trí như: nghe nhạc, xem phim, trồng cây cảnh, nuôi cá hoặc đi chơi cùng bạn bè

Bệnh suy nhược cơ thể tuy không phải là loại bệnh nguy hiểm nhưng chúng ta tuyệt đối không nên chủ quan với nó. Nếu gặp những triệu chứng suy nhược thần kinh mức độ nặng, bạn nên đến ngay cơ sở y tế để được thăm khám và có liệu trình điều trị phù hợp nhé. 

Giải đáp thắc mắc của độc giả cùng chuyên gia của chúng tôi!

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Chia sẻ
Bỏ qua