Hôi Miệng Từ Cổ Họng Là Dấu Hiệu Bệnh Gì? Điều Trị Sao?
Hôi miệng từ cổ họng là tình trạng phổ biến ở nhiều người. Tuy nhiên nó lại không đơn giản là việc khoang miệng có mùi hôi khó chịu mà nó còn là dấu hiệu cảnh báo một số bệnh lý liên quan đến răng miệng, dạ dày, tai mũi họng và bệnh nội tiết. Cùng tìm hiểu kỹ hơn về bệnh lý này và cách điều trị hạn chế tối đa biến chứng trong bài viết dưới đây.
Hôi miệng từ cổ họng là gì? Cách nhận biết
Hôi miệng từ cổ họng được hiểu là cổ họng tỏa ra mùi hôi khó chịu. Bản chất của tình trạng hôi miệng này không nguy hiểm, nhưng việc nó kéo dài dai dẳng khiến người bệnh tự ti, buồn phiền, thậm chí căng thẳng, lo âu quá mức do đời sống bị đảo lộn, e ngại trong giao tiếp. Để nhận biết mùi hôi miệng từ cổ họng bạn có thể thực hiện các cách kiểm tra sau:
- Liếm mặt trong của cổ tay và đợi 5 – 10 giây để nước bọt khô lại. Sau đó ngửi mùi tại vị trí này để biết có lẫn mùi hôi hay không.
- Cố gắng dồn một lượng nước bọt tại vị trí cuống lưỡi. Sau đó dùng ngón tay hoặc một miếng gạc/ bông gòn đưa sâu vào trong miệng (tránh quá sâu vì sẽ gây buồn nôn) và lau bề mặt cuống lưỡi. Sau đó chỉ cần ngửi mùi từ ngón tay hoặc gạc để biết mùi hôi và nhận định việc có bị hôi miệng từ cổ họng hay không.
Xem thêm: Lưỡi trắng hôi miệng là dấu hiệu của bệnh gì?
Hôi miệng từ cổ họng là dấu hiệu của bệnh gì?
Hầu hết các trường hợp bị hôi miệng từ cổ họng là do thói quen vệ sinh răng miệng kém, uống ít nước, dùng nhiều cà phê hoặc do ngủ ngáy, thở bằng miệng… gây khô miệng, ít nước bọt. Trong khi nước bọt đóng vai trò quan trọng trong việc làm sạch khoang miệng, loại bỏ thức ăn thừa bám trên răng. Nếu nước bọt ít tiết ra dẫn đến miệng lưỡi khô, thiếu nước, tạo môi trường thuận lợi để vi khuẩn phát triển, sau đó lây lan sang các cơ quan khác và gây ra hôi miệng.
Ngoài nguyên nhân trên, nhiều người nghĩ rằng hôi miệng từ cổ họng là do các bệnh lý răng miệng thông thường (sâu răng, viêm nha chu, viêm nướu, viêm loét miệng…) gây ra. Tuy nhiên, quan điểm này đúng nhưng chưa đủ vì trên thực tế có rất đa dạng nguyên nhân bệnh lý gây ra tình trạng này. Có thể kể đến như:
1. Các bệnh nhiễm trùng đường hô hấp
Khi bị hôi miệng từ cổ họng nhưng không phải do mắc các bệnh lý răng miệng thì đa phần là do các bệnh nhiễm trùng đường hô hấp. Cụ thể là:
Viêm xoang
Viêm xoang là bệnh lý tai mũi họng phổ biến, xảy ra do nhiễm trùng mà cụ thể là do sự tấn công xâm nhập của các loại vi khuẩn trong các xoang mũi. Độc tố trong vi khuẩn được tiết ra kích thích hệ miễn dịch tăng tiết dịch nhầy để làm sạch chúng. Lúc này trong các xoang mũi chứa đầy dịch nhầy màu trắng đục, có thể kèm theo dịch mủ hoặc không.
Khi lượng lớn dịch nhầy và mủ ứ đọng trong các hốc xoang chảy xuống cổ họng, mang theo vi khuẩn, virus vào trong khoang miệng và toàn bộ đường hô hấp dưới. Hậu quả là gây nhiễm trùng và phát sinh mùi hôi khó chịu. Ngoài ra, khi dịch nhầy chảy từ xoang mũi xuống cổ họng gây cản trở việc di chuyển của thức ăn xuống dạ dày. Trong đó, một lượng nhỏ thức ăn bị kẹt lại trong cổ họng sẽ bị vi khuẩn phân hủy và gây ra mùi hôi miệng.
Viêm amidan
Tương tự như viêm xoang, viêm amidan là một dạng nhiễm trùng đường hô hấp thường gặp. Xảy ra do vi khuẩn, virus, nấm xâm nhập vào hạch lympho hai bên cổ họng, làm ứ đọng dịch mủ và gây ra mùi hôi khó chịu. Càng nhiễm trùng nặng thì mùi hôi miệng từ cổ họng càng nhiều.
Viêm họng
Viêm họng là một dạng nhiễm trùng đường hô hấp trên phổ biến, xảy ra do cổ họng bị nhiễm trùng vi khuẩn, virus hoặc dị ứng, hút thuốc lá, môi trường sống ô nhiễm hoặc nói chuyện quá nhiều. Có nhiều yếu tố tạo thành mùi hôi miệng từ cổ họng do viêm họng như: do độc tố từ vi khuẩn, virus tiết ra, cơ thể mất nước làm giảm lượng nước bọt, hệ hô hấp tiết nhiều dịch đờm trong cổ họng…
Ngoài ra, người bệnh viêm họng thường bị tắc nghẹt mũi, khó thở và có xu hướng thở bằng miệng nhiều hơn. Thói quen này vô tình gây ra khô miệng, khoang miệng ít nước bọt và tạo môi trường thuận lợi cho vi khuẩn phát triển, bùng phát mạnh và gây hôi miệng từ cổ họng nhiều hơn.
Viêm VA
VA là bộ phận có tác dụng cản trở sự xâm nhập của các tác nhân gây hại đến đường hô hấp. Tuy nhiên, nếu lượng vi khuẩn quá lớn tấn công cùng lúc khiến khối VA không kịp phản ứng sẽ hình thành viêm nhiễm và gây ra hôi miệng từ cổ họng.
Ung thư vòm họng
Một số trường hợp nguy hiểm hơn hôi miệng từ cổ họng còn là dấu hiệu sớm của ung thư vòm họng. Các tế bào ung thư cổ họng có chứa hoạt chất Polyamines gây ra mùi hôi khó chịu. Theo thời gian, bệnh tiến triển ngày càng nghiêm trọng thì chất này càng tăng sinh lên và gây mùi hôi khó chịu từ cổ họng.
2. Các bệnh về dạ dày
Những người đã từng mắc các bệnh về dạ dày sẽ hiểu rõ về việc khoang miệng lúc nào cũng có mùi hôi khó chịu từ cổ họng tỏa ra. Cụ thể như sau:
- Trào ngược dạ dày thực quản: Thức ăn được nạp vào dạ dày nhưng không được tiêu hóa hết sẽ bị lên men và cùng acid dịch vị dạ dày trào ngược lên thực quản, ra khoang miệng và nôn ra ngoài, khiến khoang miệng bốc mùi hôi khó chịu. Ngoài ra, những trường hợp thường xuyên bị trào ngược dạ dày sẽ làm bào mòn lớp niêm mạc miệng, họng, tạo điều kiện cho vi khuẩn phát triển và sinh mùi hôi.
- Viêm loét dạ dày: Dạ dày bị loét khiến chức năng tiêu hóa hoạt động không tốt, dẫn đến chậm tiêu và hàng loạt các vấn đề khác. Khi lượng thức ăn trong dạ dày không được tiêu hóa hết sẽ tồn đọng trong dạ dày, lên men và phát sinh mùi hôi khó chịu.
Ngoài ra, những người đã hoặc đang mắc hội chứng ruột kích thích, thoát vị cơ hoành, hở van dạ dày… cũng sẽ có nguy cơ bị hôi miệng từ cổ họng cao hơn so với những người bình thường.
3. Các bệnh lý toàn thân
Các bệnh về thận, đái tháo đường… tưởng chừng không liên quan đến mùi hôi miệng nhưng lại là một trong những nguyên nhân gây ra phổ biến hơn hẳn.
Bệnh thận
Thận đảm nhiệm chức năng chính là lọc và đào thải độc tố. Nên nếu thận bị tổn thương, mắc bất kỳ bệnh lý nào đều sẽ khiến 2 chức năng này bị suy giảm, dẫn đến tình trạng tích tụ nitơ lâu ngày trong cơ thể và hình thành mùi hôi miệng từ cổ họng khó chịu. Mùi hôi này được đánh giá là giống với mùi tanh hôi của cá, kèm theo là một số triệu chứng như tiểu rắt, nước tiểu sẫm màu, tiểu đêm…
Bệnh đái tháo đường
Một số nghiên cứu cho thấy tình trạng phân hủy mỡ ở những người bị đái tháo đường type 1 và 2 sẽ sản sinh kèm theo mùi ketone. Mùi hôi này sẽ tỏa ra từ trong cổ họng, lên khoang miệng và bay theo hơi thở ra ngoài.
Hội chứng mùi cá ươn
Đây là hội chứng di truyền khá hiếm gặp nhưng nó cũng là nguyên nhân gây ra hôi miệng từ cổ họng. Tình trạng này xảy ra khi người bệnh ăn những loại thực phẩm có mùi tanh như tôm, cua, cá, ghẹ…
Hoạt chất trimethylamine trong thực phẩm tanh khi vào trong cơ thể sẽ không được chuyển hóa, thay vào đó chúng tích tụ lại và bài tiết thẳng ra ngoài. Ở giai đoạn tồn tại trong cơ thể sẽ gây ra hôi miệng từ cổ họng.
Phương pháp điều trị tình trạng hôi miệng từ cổ họng
Bị hôi miệng từ cổ họng hay dù bị hôi miệng đơn thuần đều là những vấn đề cần được xử lý dứt điểm càng sớm càng tốt. Nhất là với những người bị hôi miệng từ cổ họng do bệnh lý càng phải chủ động thăm khám và điều trị ngay để ngăn chặn diễn tiến của bệnh. Đồng thời, khắc phục những trở ngại trong cuộc sống, giao tiếp và lấy lại sự tự tin vào bản thân.
Tùy theo từng nguyên nhân gây hôi miệng từ cổ họng mà cách thức điều trị ở từng người sẽ khác nhau. Đối với những bệnh lý răng miệng sẽ được chỉ định can thiệp biện pháp nha khoa phù hợp với từng vấn đề. Chẳng hạn nếu hôi miệng do sâu răng sẽ phải hàn trám răng, viêm nướu thì cạo vôi răng, trị nướu, nếu viêm tủy thì chữa tủy rồi bọc sứ…
Riêng với những bệnh lý nghiêm trọng về nhiễm trùng đường hô hấp, bệnh về dạ dày hay bệnh thận… bắt buộc phải đến bệnh viện để được thăm khám, chẩn đoán tìm ra nguyên nhân và được chỉ định phác đồ điều trị chuẩn tùy với mức độ bệnh.
Bên cạnh đó, đối với tình trạng hôi miệng từ cổ họng nói chung sẽ có một vài hướng điều trị thông thường sau:
1. Sử dụng các sản phẩm giảm hôi miệng
Một số sản phẩm có khả năng khử mùi hôi và giúp khoang miệng thơm mát có tác dụng tốt trong việc hỗ trợ điều trị tình trạng hôi miệng từ cổ họng. Một vài loại được khuyến khích sử dụng như:
- Nước súc miệng: Trên thị trường có rất nhiều loại nước súc miệng trị hôi miệng khác nhau về thương hiệu cho đến thành phần và công dụng. Đối với những người bị hôi miệng từ cổ họng nên chọn loại nước súc miệng có chứa thành phần khử mùi mạnh và bổ sung khoáng chất thảo dược là tốt nhất. Việc sử dụng sản phẩm này thường xuyên mặc dù không điều trị bệnh triệt để nhưng nó lại đem đến hơi thở thơm mát cho bạn.
- Nhai kẹo làm thơm miệng hoặc dùng xịt thơm miệng: Đây được xem là những biện pháp “cứu cánh” giúp khử đi mùi hôi miệng khó chịu. Đồng thời, nó còn đem lại hiệu quả tốt trong việc cải thiện hơi thở, không gây kích ứng nướu. Bạn nên ưu tiên chọn những loại kẹo có chứa thành phần xoa dịu cổ họng trong trường hợp bị hôi miệng từ cổ họng do viêm họng hoặc viêm amidan.
- Bổ sung men tiêu hóa: Những trường hợp mắc các bệnh lý về dạ dày gây hôi miệng từ cổ họng nên áp dụng biện pháp bổ sung men tiêu hóa Probiotic – lợi khuẩn tốt cho hệ tiêu hóa. Cách này sẽ giúp cân bằng hệ sinh đường ruột, cải thiện chức năng tiêu hóa và ngăn chặn sự phát triển của các hại khuẩn, giảm độc tố trên biểu mô ruột và hạn chế gây ra mùi hôi miệng.
2. Khử mùi hôi miệng từ cổ họng bằng thảo dược tự nhiên
Loại bỏ hôi miệng từ cổ họng bằng một số nguyên liệu thảo mộc tự nhiên là phương pháp dân gian được nhiều người áp dụng. Không chỉ đem lại hiệu quả rõ rệt mà còn an toàn, lành tính với cơ thể người dùng. Cách này đặc biệt phù hợp với những người có mùi hôi miệng nhẹ, có thể trị dứt điểm sau vài lần áp dụng.
Gừng tươi
Gừng là nguyên liệu tự nhiên có đặc tính kháng viêm, chống khuẩn, sát trùng hiệu quả. Nhờ đó cải thiện tốt các bệnh lý liên quan đến viêm nhiễm, đặc biệt gừng có mùi hương đặc trưng giúp khử đi mùi hôi miệng khó chịu tỏa ra từ cuống họng.
Cách thực hiện:
- Gừng tươi cạo vỏ, rửa sạch, thái lát mỏng.
- Thả gừng vào cốc nước nóng, đậy nắp lại hãm 10 phút là có thể sử dụng.
- Đợi cho nguội bớt thì uống từ từ để các tinh chất trong gừng thẩm thấu vào thành họng, diệt khuẩn và khử mùi hôi.
Vỏ bưởi
Tinh dầu trong vỏ bưởi có mùi thơm rất đặc trưng giúp khử mùi hôi miệng từ cổ họng hiệu quả. Đặc biệt, chất cay trong vỏ bưởi có khả năng sát khuẩn, giảm viêm và loại bỏ những ổ vi khuẩn trú ngụ trong cổ họng gây ra mùi hôi.
Cách thực hiện
- Vỏ bưởi rửa sạch, thái lát nhỏ và phơi trong bóng râm cho hơi héo.
- Bạn có thể nhai trực tiếp hoặc dùng nó để nấu nước súc miệng 2 lần/ ngày.
Mật ong
Mật ong đem lại nhiều lợi ích cho sức khỏe, đặc biệt với thành phần kháng sinh tự nhiên có tác dụng diệt khuẩn, giảm viêm và điều trị tình trạng hôi miệng hiệu quả.
Cách thực hiện
- Mật ong + chanh: Chuẩn bị mật ong và nước cốt chanh theo tỷ lệ 1:2, pha vào ly nước ấm 50ml. Khuấy đều lên và dùng để súc miệng. Kiên trì 2 – 3 ngày sẽ giảm mùi hôi miệng rõ rệt.
- Mật ong + bột quế: Trộn mật ong, bột quế vào ly nước ấm với liều lượng vừa phải. Dùng nước này súc miệng mỗi ngày để khử mùi hôi miệng hiệu quả.
3. Trị bệnh theo Đông y
Hôi miệng từ cổ họng không phải bệnh lý quá nghiêm trọng và có thể dễ dàng được điều trị cải thiện bằng một số bài thuốc Đông y cổ truyền.
- Bài thuốc số 1: Dùng quất bì, tế tân, cam thảo và quế tâm mỗi loại 50g. Trộn đều các vị thuốc và tán thành bột mịn, cho thêm mật ong, táo nhục vào rồi vo thành từng viên nhỏ, cho vào hũ thủy tinh có nắp đậy kín và bảo quản trong tủ lạnh. Mỗi ngày dùng từ 5 – 10g trước khi đi ngủ, có thể uống với nước hoặc không đều được.
- Bài thuốc số 2: Chuẩn bị cam thảo, đinh hương, xuyên khung, tế tân, quế tâm liều lượng tương đương. Tán thành bột mịn, trộn với mật ong rồi vo thành viên nhỏ. Dùng 5g thuốc mỗi ngày trước giờ đi ngủ để đạt hiệu quả tốt nhất.
- Bài thuốc số 3: Chuẩn bị các vị thuốc gồm: mạch môn, cam thảo, bán hạ chế, nhân sâm, trúc diệp và gạo. Rửa sạch tất cả rồi cho vào ấm sắc cùng 3 chén nước cho đến khi nước thuốc cạn xuống còn khoảng 1/3 thì tắt bếp. Rót ra chén chia làm 3 phần uống hết trong ngày.
Chữa hôi miệng bằng Đông y là phương pháp hiệu quả nhưng chỉ phù hợp với những trường hợp mắc bệnh nhẹ.
Cách chăm sóc và phòng ngừa hôi miệng từ cổ họng
Bên cạnh các biện pháp trên, người bệnh cũng cần kết hợp thực hiện các biện pháp chăm sóc để hỗ trợ điều trị và phòng ngừa tái phát ngay cả khi bệnh đã được chữa khỏi hẳn. Cụ thể gồm một số biện pháp sau đây:
Thói quen vệ sinh răng miệng
- Vệ sinh răng miệng sạch sẽ ít nhất 2 lần/ ngày sáng – tối và chải răng đúng cách, kỹ lưỡng tất cả các mặt của răng.
- Với các bữa ăn nhẹ trong ngày có thể dùng chỉ nha khoa để loại bỏ mảng bám thức ăn thừa và súc miệng để làm sạch khoang miệng. Trong đó, nên duy trì thói quen súc miệng nước muối hàng ngày để tiêu diệt vi khuẩn và khử mùi hôi hiệu quả.
- Nên chọn bàn chải có đầu lông mềm hoặc bàn chải điện và thay bàn chải đánh răng 2 – 3 tháng/ lần. Ưu tiên chọn nước súc miệng và kem đánh răng có đặc tính kháng khuẩn, khử mùi tốt.
Thói quen ăn uống
Để cải thiện và phòng tránh mùi hôi miệng từ cổ họng, bạn nên điều chỉnh lại thói quen ăn uống của mình sao cho lành mạnh hơn. Trong đó:
- Hạn chế sử dụng các loại thực phẩm có mùi nồng đậm, chứa nhiều lưu huỳnh như tỏi, hành, các loại mắm, sầu riêng, các chất kích thích như cà phê, rượu bia, nước ngọt có gas, thực phẩm nhiều đường… vì chúng sẽ đọng mùi lại rất lâu gây ra hôi miệng từ cổ họng.
- Tăng cường bổ sung nhiều vitamin, khoáng chất, chất chống oxy hóa, vitamin C… từ các loại rau xanh, rau có mùi thơm, trái cây tươi, sữa chua… vào thực đơn ăn uống hàng ngày. Đây đều là những loại thực phẩm giúp khử mùi hôi miệng và hỗ trợ cải thiện tình trạng viêm nhiễm trong cơ thể.
- Uống đủ lượng nước mà cơ thể cần, khoảng 2 – 2.5 lít nước/ ngày là cách hiệu quả trong việc cải thiện và phòng tránh hôi miệng. Vì khi đủ nước, không bị khô miệng và cơ thể tiết ra đủ nước bọt sẽ giúp ngăn chặn sự phát triển của vi khuẩn gây mùi hôi.
Thói quen sinh hoạt
- Tránh thức quá khuya, ngủ đủ giấc và sinh hoạt điều độ.
- Tránh stress, căng thẳng trong thời gian dài.
- Thăm khám nha khoa định kỳ 6 tháng/ lần để tầm soát bệnh lý và nếu có sẽ được điều trị sớm, phòng tránh không chỉ hôi miệng từ cổ họng mà còn nhiều biến chứng nghiêm trọng khác.
Bản chất của hôi miệng từ cổ họng không nguy hiểm, nhưng nó có thể là dấu hiệu của một số bệnh lý hoặc vấn đề nguy hiểm mà cơ thể đang mắc phải. Do đó, dù là nguyên nhân gì đi nữa thì người bệnh cũng cần phải chủ động thăm khám, tích cực thực hiện các biện pháp điều trị và chăm sóc phòng ngừa tái phát theo chỉ định của bác sĩ.
Có thể bạn quan tâm:
- Hôi Miệng Sau Khi Sinh và Cách Chữa Trị Hiệu Quả Lâu Dài
- Hôi Miệng Sau Khi Ngủ Dậy: Cách Chữa Trị và Xử Lý Nhanh
Giải đáp thắc mắc của độc giả cùng chuyên gia của chúng tôi!