Bệnh tiểu đường tuýp 1 – Cách nhận biết và điều trị

Tiểu đường tuýp 1 còn gọi là đái tháo đường tuýp 1 hay tiểu đường vị thành niên. Đây là tình trạng mãn tính trong đó tuyến tụy của cơ thể không sản xuất đủ insulin để vận chuyển glucose dẫn đến lượng đường tích tụ trong máu tăng cao và gây bệnh tiểu đường. Căn bệnh này nếu không được chữa trị sớm có thể gây nhiều ảnh hưởng nghiêm trọng ở thần kinh, mắt, thận và tim.

tiểu đường tuýp 1
Tiểu đường tuýp 1 – Bệnh có thể xuất hiện ở mọi đối tượng nhưng thường phổ biến ở trẻ thanh thiếu niên

Bệnh tiểu đường tuýp 1 là gì?

Bệnh tiểu đường xảy ra là do sự rối loạn chuyển hóa đường trong máu. Căn bệnh này thường có hai dạng chính là tiểu đường tuýp 1 và tiểu đường tuýp 2. Trong đó, bệnh tiểu đường tuýp 1 hình thành khi tuyến tụy của cơ thể sản sinh ít hoặc không điều tiết hormone insulin.

Theo các chuyên gia, hormone insulin đóng vai trò quan trọng trong việc vận chuyển glucose (đường) đi vào các tế bào và chuyển hóa tạo năng lương cho hoạt động. Tuy nhiên, khi chúng không được sản sinh sẽ dẫn đến tình trạng đường không được nạp vào tế bào mà tích tụ trong máu với lượng cao, gây tiểu đường.

Bệnh tiểu đường tuýp 1 thường xuất hiện ở trẻ nhỏ, đặc biệt là trẻ thanh thiếu niên. Thế nhưng, bệnh cũng có thể phát triển ở người lớn. Do đó, người bệnh cần thăm khám và điều trị sớm để ngăn ngừa biến chứng có thể xảy ra.

Dấu hiệu tiểu đường tuýp 1

Bệnh tiểu đường tuýp 1 thường xuất hiện đột ngột với các biểu hiện như:

  • Đi tiểu thường xuyên
  • Khát nước
  • Giảm cân ngoài ý muốn
  • Giảm lực giảm
  • Cơ thể mệt mỏi và yếu đuối
  • Đói
  • Đái dầm ở trẻ em

Nguyên nhân gây bệnh tiểu đường tuýp 1

Cho đến nay nguyên nhân gây bệnh tiểu đường tuýp 1 vẫn chưa được xác định. Tuy nhiên, theo các chuyên gia cho biết, hệ thống miễn dịch của cơ thể có thể là một trong những tác nhân. Bởi chúng thường sinh ra kháng thể chống lại vi khuẩn, vi rút gây hại cho cơ thể, có thể phá hủy nhầm các tế bào sản xuất insulin trong tuyến tụy.

Chưa kể đến, di truyền cũng có thể là nguyên nhân gây tiểu đường tuýp 1. Nếu gia đình có người mắc bệnh này khả năng còn họ sinh ra bị bệnh là khá cao. Ngoài ra, yếu tố nguy cơ làm tăng khả năng mắc tiểu đường tuýp 1 không thể không kể đến là do tuổi tác. Theo một số tài liệu ghi chép, căn bệnh này thường xuất hiện nhiều ở trẻ em có giai đoạn tuổi từ 4 – 7 và 10 – 14.

Nguyên nhân gây tiểu đường tuýp 1
Nguyên nhân gây bệnh tiểu đường tuýp 1 có thể là do di truyền

Tiểu đường tuýp 1 có nguy hiểm không?

Theo thời gian, lượng đường trong máu nếu không được kiểm soát có thể gây nên những biến chứng nguy hiểm như:

  • Mắc bệnh về tim mạch và mạch máu: Tiểu đường tuýp 1 làm tăng nguy cơ mắc các bệnh về tim mạch như đau thắt ngực, xơ vữa động mạch, đau tim, huyết áp cao, nguy hiểm hơn đột quỵ
  • Tổn thương thận: Theo các chuyên gia, thận chứa hàng triệu cụm mạch máu làm chức năng lọc thải chất độc từ máu. Thế nhưng, khi mắc bệnh tiểu đường chúng sẽ làm hỏng hệ thống lọc này và gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến thận. Tổn thương nặng ở thận có thể gây suy thận hoặc bệnh thận ở giai đoạn cuối không thể phục hồi. Lúc này, bệnh nhân cần phải lọc máu hoặc ghép thận để tiếp tục sống
  • Bệnh thần kinh đái tháo đường: Lượng đường trong máu cao có thể làm giảm lưu thông dẫn đến tổn thương dây thần kinh, đặc biệt ở chân và tay. Khi đó, tay chân của người bệnh có thể xuất hiện các triệu chứng bất thường như ngứa, đau, rát hoặc mất cảm giác. Chưa kể đến, tổn thương dây thần kinh có thể tác động tiêu cực đến đường tiêu hóa và gây nên các biểu hiện như tiêu chảy, buồn nôn, nôn hoặc táo bón. Ở nam giới còn gặp phải triệu chứng của bệnh rối loạn cương dương
  • Bệnh võng mạc tiểu đường: Lượng đường trong máu cao có thể gây tổn thương các mạch máu của võng mạc và làm tăng nguy cơ mắc các bệnh về thị lực như tăng nhãn áp hoặc đục thủy tinh thể. Nguy hiểm hơn, bệnh có thể gây mù
  • Biến chứng thai kỳ: Lượng đường tích tụ trong máu cao có thể gây nguy hiểm cho cả mẹ và bé. Bệnh làm tăng nguy cơ sẩy thai hoặc thai chết lưu hay dị tật bẩm sinh. Đối với mẹ, bệnh làm tăng khả năng nhiễm toan đái tháo đường và các vấn đề về mắt, huyết áp cao do tiền sản giật hoặc mang thai gây nên
  • Nhiễm trùng da và bị khô miệng hoặc nướu răng: Bệnh nhân có thể bị nhiễm trùng da, bao gồm nhiễm trùng do nấm và vi khuẩn. Ngoài ra, người bệnh còn gặp các biến chứng về răng và miệng như khô miệng hoặc nướu răng
  • Trầm cảm: Bệnh làm tăng nguy cơ mắc bệnh trầm cảm

Chẩn đoán tiểu đường tuýp 1

Ngoài dựa vào triệu chứng, bác sĩ còn chẩn đoán đái tháo đường tuýp 1 thông qua các phương pháp xét nghiệm sau:

  • Xét nghiệm đường huyết lúc đói: Bệnh nhân phải nhịn ăn, không được uống bất kỳ đồ uống nào trừ nước lọc hoặc nước đun sôi để nguội. Thời gian nhịn ăn ít nhất là 8 tiếng, thường nhịn đói qua đêm từ 8 – 14 giờ. Nhân viên y tế sẽ lấy một mẫu máu đem đi xét nghiệm ở phòng thí nghiệm. Nếu nồng độ đường huyết lúc đói dưới 100 mg/dL (5,6 mmol/L) là bình thường. Trong trường hợp từ 100 – 125 mg/dL (5,6 – 6,9 mmol/L) là tiền tiểu đường. Tuy nhiên, nếu từ 126 mg/dL (7 mmol/L) hoặc cao hơn, người bệnh đã bị tiểu đường
  • Xét nghiệm máu ngẫu nhiên (lúc không đói): Bác sĩ có thể lấy mẫu máu vào bất kỳ thời điểm ngẫu nhiên nào đó và có thể xác nhận bằng xét nghiệm lặp lại. Trong trường hợp nếu người bệnh ăn lần cuối và kết quả xét nghiệm đường tỏng máu ngẫu nhiên đạt 200 mg/dL (11,1 mmol/L) hoặc cao hơn, chứng tỏ bệnh nhân đã bị tiểu đường
  • Xét nghiệm huyết sắc tố gắn đường (HbA1C): Xét nghiệm này cho thấy hàm lượng đường trong máu trùng bình trong hai đến ba tháng qua. Biện pháp này giúp đo tỷ lệ phần trăm lượng đường trong máu gắn với protein mang oxy trong các tế bào hồng cầu. Nếu huyết sắc tố với đường kèm theo trong cơ thể cao thì nồng độ đường trong máu cao. Và mức HbA1C từ 6,5% trở lên trong hai xét nghiệm riêng biệt, người bệnh đã mắc bệnh tiểu đường tuýp 1
Bệnh tiểu đường tuýp 1
Xét nghiệm huyết sắc tố gắn đường (HbA1C) giúp chẩn đoán đái tháo đường tuýp 1

Sau khi chẩn đoán mắc bệnh tiểu đường, người bệnh cần đến bệnh viện thường xuyên 3 – 4 lần để thực hiện các thủ tục sau đây nhằm giúp bác sĩ theo dõi diễn tiến của bệnh:

  • Kiểm tra da và xương ở chân
  • Kiểm tra huyết áp
  • Kiểm tra chân có bị tê liệt không
  • Xét nghiệm huyết sắc tố gắn đường HbA1C
  • Xét nghiệm triglyceride và cholesterol
  • Xét nghiệm Microalbumin để đảm bảo thận vẫn đang hoạt động

Điều trị bệnh tiểu đường tuýp 1

Cho đến nay vẫn chưa có biện pháp điều trị dứt điểm. Tuy nhiên, để kiểm soát tiểu đường tuýp 1 bệnh nhân cần quản lý tốt lượng đường trong máu bằng insulin và một số loại thuốc khác.

Chữa tiểu đường tuýp 1 bằng insulin

Hiện tại, có rất nhiều loại insulin như:

  • Insulin có tác dụng ngắn: Humulin R và Novolin R
  • Insulin tác dụng nhanh: Insulin Lispro (Humalog), Insulin Glulisine (Apidra) và Insulin Aspart (Novolog)
  • Insulin có tác dụng trung gian (NPH): Novolin N và Humulin N
  • Insulin có tác dụng dài: Insulin Detemir (Levemir), Insulin Glargine (Lantus và Toujeo Solostar) và Insulin Degludec (Tresiba)

+ Cách dùng

Insulin thường không dùng dưới dạng đường uống để hạ đường huyết. Lý do là vì các enzyme chứa trong dạ dày có thể phá hủy và ức chế cơ chế hoạt động của chúng. Chính vì vậy, để kiểm soát đường trong máu, người bệnh cần dùng thuốc dưới dạng đường tiêm hoặc bơm.

  • Đường tiêm: Tiêm insulin trực tiếp qua da bằng các dụng cụ như bút tiêm insulin (insulin pen), kim tiêm (syringe) và máy tiêm insulin tự động (insulin pump). Thông thường, insulin sẽ được tiêm vào mô mỡ bên dưới da để chúng tự động đi vào máu. Do đó, bụng chính là vị trí tiêm insulin phù hợp nhất, giúp làm tăng khả năng hấp thụ và chuyển hóa. Loại insulin cần tiêm hàng ngày có thể là sự kết hợp giữa insulin tác dụng nhanh và insulin tác dụng dài. Tùy thuộc vào tình trạng bệnh mà liều lượng và thời gian tiêm sẽ được bác sĩ chỉ định cụ thể đối với từng đối tượng.
  • Bơm insulin: Người bệnh sẽ đeo một thiết bị bơm insulin có kích thước bằng chiếc điện thoại dị động ở bên ngoài cơ thể. Thiết bị sẽ có một ống nối bể chứa insulin với một ống thông đặt dưới da bụng. Loại bơm này được đặt theo nhiều cách khác nhau, tùy thuộc vào người bệnh muốn đeo như thế nào. Ngoài ra, còn có thiết bị bơm không dây. Máy bơm thường được lập trình để tự động phân phối lượng insulin tác dụng nhanh với liều dùng ổn định. 
Điều trị tiểu đường tuýp 1
Chữa đái tháo đường tuýp 1 bằng bút tiêm insulin

Các loại thuốc điều trị khác

Bên cạnh việc sử dụng insulin, người bệnh cần sử dụng thêm một số loại thuốc bổ sung trong đơn kê để kiểm soát đường trong máu, chẳng hạn như:

  • Thuốc trị huyết áp cao: Bác sĩ có thể kê đơn cho bệnh nhân dùng thêm một số loại thuốc ức chế thụ thể angiotensin II (ARB) hoặc thuốc ức chế men chuyển angiotensin để giúp thận khỏe mạnh hơn. Hầu hết những loại thuốc này đều được khuyên dùng ở người bệnh mắc tiểu đường tuýp 1 có áp lực máu trên 140/90 mm Hg
  • Aspirin: Sử dụng thuốc mỗi ngày để bảo vệ tim, ngăn ngừa biến chứng ở tim do đái tháo đường tuýp 1 gây nên. Tuy nhiên, thuốc này không dùng ở trẻ em
  • Thuốc hạ cholesterol: Để giảm nguy cơ mắc bệnh tim, bác sĩ có thể yêu cầu bệnh nhân đái tháo đường tuýp 1 dùng thêm một số loại thuốc hạ cholesterol

Bên cạnh việc dùng thuốc, bệnh nhân cũng nên có chế độ ăn uống khoa học để giúp cải thiện triệu chứng bệnh. Tốt nhất, người bệnh nên ăn nhiều thực phẩm giàu chất xơ, ít chất béo như trái cây, rau xanh và các loại hạt ngũ cốc. Đặc biệt, nên hạn chế ăn bánh mì trắng, đồ ngọt và thức uống có cồn, chất kích thích như bia, rượu, cà phê,… Bên cạnh đó, bệnh nhân cũng nên tích cực tập thể dục mỗi ngày để tăng cường sức khỏe. Một số bộ môn thể thao tốt đối với người bệnh đái tháo đường tuýp 1 như đi bộ, bơi lội hoặc aerobic. Tuy nhiên, người bệnh chỉ nên tập 30 phút mỗi ngày, tuyệt đối không tập luyện quá sức khiến tình trạng bệnh trở nên xấu đi.

Tiểu đường tuýp 1 cần được thăm khám và chữa trị sớm để tránh bệnh chuyển nặng gây biến chứng và đe dọa đến tính mạng. Bên cạnh đó, nếu bệnh nhân đã được chẩn đoán mắc bệnh, lời khuyên dành cho bạn là nên thường xuyên thăm khám định kỳ theo yêu cầu của bác sĩ để họ có thể theo dõi diễn tiến bệnh và có biện pháp xử lý thích hợp.

Chia sẻ:
tiền tiểu đường Tiền tiểu đường – Dấu hiệu và thông tin cần biết

Tiền tiểu đường được coi là một dấu hiệu cảnh báo về nguy cơ mắc bệnh tiểu đường tuýp 2.…

Các biến chứng của bệnh tiểu đường khiến bạn không dám nhìn

Tiến triển âm thầm nhưng bệnh tiểu đường lại tàn phá cơ thể và gây nhiều biến chứng nguy hiểm…

10 cách hạ đường huyết cấp tốc – hiệu quả nhanh tại nhà

Đường huyết cao nếu không được kiểm soát tốt có thể dẫn đến tiểu đường mãn tính và gây nhiều…

Chỉ số đường huyết bao nhiêu được xem là an toàn là thắc mắc của nhiều người Chỉ số đường huyết (Glucose) là gì? Bao nhiêu là bị tiểu đường?

Đái tháo đường hay tiểu đường là căn bệnh xuất hiện do sự gia tăng chỉ số đường huyết. Vậy…

Thuốc tiểu đường của Nhật Bản – Đây là 4 loại tốt nhất

Tiểu đường là căn bệnh xảy ra khá phổ biến hiện nay, gây ảnh hưởng tiêu cực đến đời sống…

Giải đáp thắc mắc của độc giả cùng chuyên gia của chúng tôi!

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Chia sẻ
Bỏ qua