Bệnh Viêm mô hoại tử

Viêm mô hoại tử là căn bệnh hiếm gặp và được nhiều người biết đến với cái tên bệnh vi khuẩn ăn thịt người. Đặc trưng của bệnh là những tổn thương da do viêm mô tế bào, chúng thường phát triển nhanh chóng và ăn vào các lớp mô xung quanh cơ, cơ quan như ruột hoặc phổi. Nếu không được điều trị kịp thời có thể gây nhiễm trùng huyết, thậm chí tử vong. 

Tổng quan

Viêm mô hoại tử (Necrotizing Fasciitis - NF) hay viêm cân mạc hoại tử là bệnh nhiễm trùng do vi khuẩn gây ra, phổ biến nhất là chủng liên cầu khuẩn nhóm A (Streptococcus A). So với các bệnh nhiễm trùng khác, căn bệnh này có tiến triển rất nhanh chóng ngay sau khi xâm nhập vào cơ thể. Chúng có khả năng lây lan nhanh chóng, phá hủy các mô trên da, sau đó ăn sâu vào các mô bên dưới da, dẫn đến viêm cân mạc và hoại tử.

Viêm mô hoại tử là bệnh nhiễm trùng do vi khuẩn gây ảnh hưởng đến các mô dưới da và cân mạc xung quanh

Đây là một trong những bệnh lý nhiễm trùng hiếm gặp nhưng cực kỳ nguy hiểm, được mô tả lần đầu tiên vào năm 1952. Có thể dẫn đến tử vong nhanh chóng nếu không được phát hiện sớm và điều trị kịp thời.

Bất kỳ đối tượng nào cũng có thể mắc phải căn bệnh này và đối mặt với rủi ro tử vong. Nhưng đa số những trường hợp nặng đều xảy ra ở nhóm đối tượng có tiền sử bệnh ung thư hoặc tiểu đường. Điều này vừa làm tăng nguy cơ mắc phải vừa tăng tỷ lệ tử vong nếu không được điều trị.

Căn bệnh này được ghi nhận có ít trường hợp mắc phải, chỉ ảnh hưởng đến khoảng 0.4 - 1/100.000 người hàng năm. Đa số các trường hợp mắc bệnh đều xảy ra ở người trưởng thành, hiếm gặp ở trẻ em.

Phân loại

Bệnh viêm mô hoại tử có nhiều loại khác nhau, được phân chia dựa theo tác nhân gây bệnh và mức độ nghiêm trọng của triệu chứng. Bao gồm

  • Loại 1: Đây là loại phổ biến nhất, còn được gọi là thể viêm mô hoại tử đa vi khuẩn. Xảy ra do nhiều loại vi khuẩn kết hợp lại, thường là Streptococcus pyogenes và Staphylococcus vàng. Thể này phổ biến ở người lớn tuổi hoặc những người có sẵn hệ miễn dịch yếu kém do mắc bệnh tiểu đường, ung thư hoặc HIV. Hoặc những người khỏe mạnh bị chấn thương hoặc hậu phẫu thuật cũng có nguy cơ cao mắc phải.
  • Loại 2: Loại viêm mô hoại tử này thường chỉ do 1 loại vi khuẩn gây ra, đó là Vibrio vulnificus hoặc Aeromonas hydrophila. Nguyên nhân gây bệnh thường là do vết thương hở trên da tiếp xúc với nguồn nước bị ô nhiễm hoặc chạm vào các loại hải sản sống. Thể này xảy ra phổ biến hơn ở những người mắc bệnh gan hoặc một số tình trạng sức khỏe tiềm ẩn khác.
  • Loại 3: Thường xảy ra do nhiễm nấm Rhizopus hoặc Mucor. Thể này hiếm gặp hơn nhưng cũng rất dễ khởi phát ở những người có hệ miễn dịch kém khi gặp điều kiện thuận lợi.

Nguyên nhân và yếu tố nguy cơ

Nguyên nhân

Viêm mô hoại tử là bệnh lý nhiễm trùng xảy ra khi có sự hiện diện của vi khuẩn trong cơ thể. Chúng tạo ra nguồn chất độc làm tiêu hủy các mô quan trọng của da và cơ một cách nhanh chóng, tổn thương > 80%. Điều này được mô phỏng giống như "vi khuẩn ăn thịt người" nhưng thực tế không có loại vi khuẩn nào như vậy.

Nhóm vi khuẩn gây viêm mô hoại tử phổ biến là Streptococcus nhóm A (GAS). Đây là chủng liên cầu khuẩn beta tan huyết nhóm A, là loại vi khuẩn gram dương phát triển tập trung thành từng cụm tròn, kích thước nhỏ.

Viêm mô hoại tử xảy ra do nhiễm trùng bởi các loại vi khuẩn như Streptococcus pyogenes hoặc Staphylococcus vàng

Ngoài ra, còn một số loại vi khuẩn khác có khả năng gây viêm mô hoại tử như:

  • Aeromonas hydrophila;
  • E.Coli;
  • Clostridium perfringens;
  • Klebsiella;
  • Staphylococcus aureus;
  • Vibrio vulnificus;

Cách phổ biến nhất để vi khuẩn xâm nhập vào bên cơ trong cơ thể và gây bệnh là thông qua:

  • Vết cắt, trầy xước hoặc vết bỏng trên da;
  • Vết côn trùng cắn;
  • Vết mổ phẫu thuật;
  • Vết thương do dao hoặc kim tim làm thủng da;
  • ...

Yếu tố nguy cơ

Một người dù đang khỏe mạnh hay mắc bệnh đều có nguy cơ nhiễm trùng gây viêm mô hoại tử. Tuy nhiên, thường phổ biến hơn ở những người có vấn đề về sức khỏe. Chẳng hạn như:

  • Hệ miễn dịch yếu kém: Ung thư, tiểu đường, nhiễm HIV/AIDS... là những nguyên nhân hàng đầu khiến hệ thống miễn dịch ngày càng suy yếu, làm tăng nguy cơ mắc phải viêm mô hoại tử.
  • Tiền sử bệnh: Những người có tiền sử mắc một số bệnh lý mạn tính như suy thận, suy gan thường có nguy cơ mắc bệnh viêm mô hoại tử cao hơn những người khỏe mạnh.
  • Thừa cân béo phì: Theo thống kê, những người có trọng lượng cơ thể quá mức thường dễ mắc viêm mô hoại tử hơn. Nguyên nhân là do thừa cân gây ảnh hưởng đến quá trình tuần hoàn và sự hoạt động của chức năng miễn dịch.
  • Tiêm thuốc tĩnh mạch: Những người có bệnh và thường xuyên phải tiêm thuốc qua đường tĩnh mạch có thể vô tình đưa vi khuẩn vào trong cơ thể, làm tăng nguy cơ phát triển viêm mô hoại tử.
  • Phẫu thuật: Những người vừa thực hiện phẫu thuật có nguy cơ biến chứng nhiễm trùng vết mổ và cũng dễ phát triển viêm mô hoại tử hơn.

Triệu chứng và chẩn đoán

Triệu chứng

Triệu chứng viêm mô hoại tử phát triển khác nhau tùy vào giai đoạn và mức độ nhiễm trùng. Các vị trí hoại tử thường gặp nhất là ở ngón tay, ngón chân và các cơ quan lân cận.

Bệnh nhân thường gặp các triệu chứng như sốt, buồn nôn, tiêu chảy kèm theo phát ban, đau nhức, sưng đỏ tại vị trí nhiễm trùng

Triệu chứng giai đoạn sớm

Trong giai đoạn vừa nhiễm khuẩn, các triệu chứng thường mờ nhạt và dễ bị nhầm lẫn với triệu chứng cảm cúm thông thường. Chẳng hạn như:

  • Sốt, ớn lạnh;
  • Đau nhức cơ thể;
  • Buồn nôn, nôn ói;
  • Tiêu chảy;
  • Kèm theo đau, nổi ban đỏ và kích ứng da tại vị trí nhiễm trùng;

Triệu chứng giai đoạn tiến triển

Bệnh nhân viêm mô hoại tử thường có tiến triển lây lan rất nhanh chóng, trung bình mỗi giờ vùng da bị nhiễm trùng sẽ lây lan thêm khoảng 2 - 3cm diện tích da. Bao gồm các triệu chứng sau:

  • Da nóng ấm, sưng tấy;
  • Nổi ban đỏ;
  • Đau rát;
  • Sốt cao;

Triệu chứng muộn

Ở giai đoạn nặng, nhiễm trùng đã lây lan hoàn toàn, bệnh nhân thường phát sinh các triệu chứng nghiêm trọng như:

  • Sốt rất cao (> 40 độ C) kèm theo hạ thân nhiệt nhanh chóng;
  • Mất nước;
  • Đau nhức dữ dội tại các vị trí nhiễm trùng;
  • Vùng da nhiễm trùng sáng bóng, sưng tấy và cứng khi sờ vào;
  • Da xuất hiện vết loét, đốm đen li ti, thay đổi màu da và xuất hiện các nốt mụn nước lớn rỉ dịch;
  • Chóng mặt, hoa mắt, lú lẫn;
  • Tiêu chảy, buồn nôn;
  • Tim đập nhanh và huyết áp thấp;

Các chuyên gia cảnh báo, khi các triệu chứng này bộc phát dữ dội và đột ngột chấm dứt, rất có thể đây là dấu hiệu cho thấy các dây thần kinh tại khu vực nhiễm trùng đã bị hoại tử nghiêm trọng. Trong vòng 24 tiếng nếu không được điều trị kịp thời, tỷ lệ tử vong có thể lên đến 75%.

Chẩn đoán

Chẩn đoán viêm mô hoại tử bước đầu thường khó khăn do các triệu chứng nhiễm trùng khá giống nhau. Tuy nhiên, sau khi thăm khám sức khỏe toàn diện và kiểm tra kỹ các triệu chứng tại vùng da bị ảnh hưởng, bác sĩ sẽ chỉ định cho bệnh nhân thực hiện thêm một số phương pháp sau:

Sinh thiết mô giúp phát hiện sự hiện diện của vi khuẩn gây viêm mô hoại tử

  • Xét nghiệm máu: Thực hiện xét nghiệm công thức máu toàn bộ (CBC) nhằm phát hiện các dấu hiệu nhiễm trùng, thường sẽ thông qua đo số lượng bạch cầu tăng cao.
  • Sinh thiết: Trong một số trường hợp, sinh thiết mô bệnh phẩm tại vị trí nhiễm trùng là phương pháp hiệu quả nhất để xác định loại vi khuẩn gây nhiễm trùng để đưa ra phương pháp điều trị hiệu quả nhất.
  • Kiểm tra hình ảnh: Những xét nghiệm hình ảnh như siêu âm, chụp CT scan hoặc MRI cho phép quan sát toàn bộ vị trí nhiễm trùng để đánh giá mức độ và tìm ra các khu vực bị hoại tử để tiến hành điều trị một cách hiệu quả.

Biến chứng và tiên lượng

Khác với những bệnh lý nhiễm trùng khác, viêm mô hoại tử có tiến triển rất nhanh chóng, chỉ trong vòng vài giờ đã lây lan gần như toàn bộ các mô cơ dưới da và trong vòng 24 giờ có thể dẫn đến tử vong do các biến chứng của bệnh.

Biến chứng phổ biến và cũng nguy hiểm nhất đó chính là nhiễm trùng huyết, hội chứng sốc độc và suy nội tạng. Tình trạng này khiến các cơ quan quan trọng trong cơ thể ngừng hoạt động hoàn toàn và gây tử vong.

Ngoài ra, viêm mô hoại tử sau điều trị, nhất là phẫu thuật có thể để lại sẹo hoặc cắt cụt tứ chi để loại bỏ nhiễm trùng, dẫn đến tàn phế và liệt. Ngoài ra, theo thống kê, dù được điều trị tích cực nhưng vẫn có tỷ lệ tử vong. Do đó, cách tốt nhất để bảo toàn tính mạng khi mắc phải căn bệnh này là phát hiện sớm và điều trị kịp thời, đúng cách.

Điều trị

Điều trị viêm mô hoại tử hiệu quả cần có sự kết hợp giữa nhiều phương pháp khác nhau. Mục tiêu điều trị nhằm cải thiện triệu chứng, loại bỏ nhiễm trùng, duy trì sự sống cho bệnh nhân trong giai đoạn cấp tính và ngăn ngừa các biến chứng nguy hiểm.

Điều trị viêm mô hoại tử bao gồm dùng thuốc kháng sinh kết hợp phẫu thuật loại bỏ mô nhiễm trùng

Một số biện pháp điều trị tiêu chuẩn dành cho bệnh nhân viêm mô hoại tử bao gồm các phương pháp sau:

  • Dùng kháng sinh: Thuốc kháng sinh được sử dụng nhằm tiêu diệt loại vi khuẩn gây nhiễm trùng. Tùy vào mức độ nhiễm trùng, bác sĩ sẽ kê toa thuốc với liều dùng, cách dùng và thời gian sử dụng phù hợp. Đa số trường hợp sẽ phải sử dụng kháng sinh tiêm truyền qua đường tĩnh mạch.
  • Phẫu thuật: Trong trường hợp dùng thuốc không đem lại hiệu quả cao, do thuốc không thể tiếp cận đến toàn bộ các khu vực bị nhiễm trùng, bắt buộc phải can thiệp ngoại khoa bằng một trong hai phương pháp dưới đây:
    • Phẫu thuật cắt lọc: Thủ thuật này liên quan đến việc loại bỏ các mô chết do tổn thương nhiễm trùng.
    • Phẫu thuật cắt bỏ: Trong những trường hợp nhiễm trùng nghiêm trọng, bắt buộc phải cắt cụt một hoặc nhiều chi (tay hoặc chân) để ngăn chặn sự lây lan của nhiễm trùng.
  • Các liệu pháp hỗ trợ: Để hỗ trợ điều trị và quá trình phục hồi tổn thương, có thể kết hợp các biện pháp sau đây:
    • Liệu pháp oxy cao áp: Đây là liệu pháp sử dụng nguồn oxy cao áp có khả năng thúc đẩy quá trình chữa lành tự nhiên của cơ thể. Đồng thời, hỗ trợ ức chế sản xuất độc tố.
    • Liệu pháp globulin miễn dịch (IVIg): Đây là liệu pháp tiêm truyền kháng sinh kết hợp với các yếu tố miễn dịch. Hỗn hợp thuốc này có chứa các protein phù hợp cho hệ miễn dịch sử dụng nhằm tăng cường khả năng chống lại sự tấn công của vi khuẩn gây nhiễm trùng.

Phòng ngừa

Hiện nay, y học vẫn chưa có vắc xin phòng ngừa nhiễm trùng liên cầu khuẩn nhóm A. Do đó, hãy chủ động thực hiện các biện pháp phòng ngừa dưới đây để giảm nguy cơ mắc bệnh viêm mô hoại tử.

Giữ vệ sinh và chăm sóc vết thương đúng cách để giảm nguy cơ lây nhiễm vi khuẩn, phòng ngừa viêm mô hoại tử

  • Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng diệt khuẩn hoặc cồn chuyên dụng.
  • Đối với những vết thương trên da dù lớn hoặc nhỏ đều phải được làm sạch và băng bó đúng cách cho đến khi lành hẳn.
  • Tránh tiếp xúc với nguồn nước bẩn hoặc bất kỳ bồn tắm, hồ bơi công cộng nào khi vết thương hở nhiễm trùng chưa lành.
  • Đối với những vết thương quá sâu do tổn thương nghiêm trọng cần phải thăm khám bác sĩ để được xử lý và điều trị đúng cách, ngăn ngừa nhiễm trùng.
  • Những người có hệ miễn dịch yếu kém, tốt nhất nên tránh đến những nơi đông người, luôn đẹo khẩu trang và che kín vết thương để giảm nguy cơ nhiễm trùng.
  • Những trường hợp nhiễm nấm cần được chăm sóc tích cực và đúng cách theo chỉ định của bác sĩ để giảm nguy cơ phát triển viêm mô hoại tử do nhiễm liên cầu khuẩn nhóm A.

Những câu hỏi quan trọng khi đi khám

1. Lý do gì khiến tôi thường xuyên bị sốt, mệt mỏi, tiêu chảy và xuất hiện các vùng da sưng đỏ, đau nhức?

2. Tôi cần làm những xét nghiệm gì để chẩn đoán tác nhân gây bệnh?

3. Nguyên nhân khiến tôi mắc bệnh viêm mô hoại tử là gì?

4. Tình trạng viêm mô hoại tử của tôi có nghiêm trọng không?

5. Bệnh viêm mô hoại tử có gây tử vong không?

6. Tôi có thể gặp những biến chứng gì nếu không điều trị viêm mô hoại tử?

7. Những phương pháp điều trị viêm mô hoại tử hiệu quả nhất dành cho tôi?

8. Quá trình điều trị viêm mô hoại tử mất bao lâu thì khỏi hẳn?

9. Chi phí điều trị viêm mô hoại tử tốn bao nhiêu? Có được dùng BHYT không?

10. Tôi cần làm gì để phòng ngừa tái phát nhiễm trùng viêm mô hoại tử sau điều trị?

Viêm mô hoại tử là căn bệnh nhiễm trùng hiếm gặp nhưng lại rất nguy hiểm. Các tổn thương mô mềm và cân mạc hoại tử có thể tiến triển nhanh chóng, dẫn đến tử vong nếu không được điều trị kịp thời. Do đó, nguyên tắc quan trọng nhất đối với căn bệnh này đó là tập trung điều trị càng sớm càng tốt để ngăn ngừa lây lan nhiễm trùng, giảm nguy cơ biến chứng và tăng tỷ lệ hồi phục.

Xem thêm: Nguyên nhân gây bệnh hoại tử mỡ, dấu hiệu nhận biết và cách điều trị

Chia sẻ:
Bệnh AIDS
Bệnh AIDS là bệnh truyền nhiễm do virus HIV gây ra. Người bị AIDS sẽ bị virus HIV phá hủy các tế bào miễn dịch từ từ và tăng nguy…
Bệnh Sốt mèo cào
Bệnh sốt mèo cào xảy ra rất phổ biến, nhất…
Nhiễm xoắn khuẩn vàng da Leptospira
Nhiễm xoắn khuẩn vàng da Leptospira xảy ra do nhiễm…
Bệnh Do Cryptosporidium
Bệnh Cryptosporidiosis xảy ra khi cơ thể nhiễm ký sinh…
Bệnh Than

Bệnh than là bệnh truyền nhiễm hiếm tại Việt Nam. Bệnh có tiến triển rất nghiêm trọng nếu chẳng may…

Bệnh Thương hàn

Thương hàn là bệnh lý sốt nhiễm trùng do vi khuẩn Samonella Typhi gây ra. Bệnh thường phổ biến ở…

Bệnh Ebola

Bệnh Ebola do virus ebola gây ra, tuy hiếm gặp nhưng rất nguy hiểm, có nguy cơ cao bùng phát…

Bệnh Lậu

Bệnh lậu là căn bệnh nhiễm trùng phổ biến lây truyền qua đường tình dục, bên cạnh các bệnh khác…

Giải đáp thắc mắc của độc giả cùng chuyên gia của chúng tôi!

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

[ads_sidebar]
Xem nhiều

Đặt câu hỏi

Chia sẻ
Bỏ qua