Hội chứng Kallmann
Hội chứng Kallmann là một rối loạn di truyền hiếm về thiểu năng tuyến sinh dục do thiếu sự phát triển của hormone giới tính. Người mắc hội chứng này thường chậm hoặc không có các đặc điểm ở tuổi dậy thì và gặp các vấn đề về vô sinh khi trưởng thành. Tuy không có cách điều trị đặc hiệu, nhưng các triệu chứng vẫn có thể cải thiện được thông qua liệu pháp thay thế hormone.
Tổng quan
Hội chứng Kallmann (Kallman Syndrome) xảy ra khi vùng dưới đồi và hệ thống khứu giác bị ảnh hưởng ngay từ khi còn là bào thai và tồn tại cho đến khi sinh ra. Điểm đặc trưng của hội chứng này là trẻ chậm dậy thì hoặc không có khả năng ngửi. Trong một số ít trường hợp, hội chứng Kallmann còn gây ảnh hưởng đến nhiều cơ quan khác như tai, mắt hoặc tim, thận, mắt...
Hội chứng này được phát hiện và mô tả lần đầu tiên vào năm 1944, bởi một nhà di truyền học người Mỹ gốc Đức là Franz Kallmann. Được phân loại thuộc nhóm suy sinh dục bẩm sinh (CHH). Nếu muốn phân biệt với các tình trạng CHH khác, thường dựa vào triệu chứng chính là khứu giác kém hoặc không có.
Theo thống kê, có khoảng 1/30.000 trẻ nam và 1/120.000 trẻ nữ sinh ra mắc phải hội chứng Kallmann.
Nguyên nhân và yếu tố nguy cơ
Cho đến nay, nguyên nhân chính xác gây ra hội chứng Kallmann vẫn chưa được hiểu rõ. Tuy nhiên, khi bắt tay vào nghiên cứu nhiều nhà khoa học đã khẳng định hội chứng bẩm sinh này có liên quan đến đột biến một số gen (khoảng hơn 20 gen) gắn kết với vùng dưới đồi và hệ thống khứu giác.
Một số gen phổ biến là:
- ANOS1;
- CHD7;
- PROK2;
- PROKR2;
- FGF8;
- FGFR1;
Thông thường, trong quá trình phát triển của trẻ, vùng dưới đồi sẽ giải phóng các đợt hormone gonadotropin GnRH nhằm thúc đẩy quá trình dậy thì. Lúc này, hormone từ tuyến yên cũng được sản xuất ra để phát triển tuyến sinh dục (tinh hoàn hoặc buồng trứng) hoặc các hormone khác như LH hormone tạo trứng hoặc FSH hormone kích thích nang trứng.
Tuy nhiên, khi mắc hội chứng Kallmann với các khiếm khuyết về gen khiến việc sản xuất GnRH bị ngưng lại. Hậu quả khiến quá trình dậy thì của trẻ bất thường. Ngoài ra, nhóm gen đột biến này còn được xác định có liên quan đến khả năng hình thành và phát triển của một nhóm tế bào thần kinh khứu giác trong não. Khiến trẻ suy giảm hoặc mất khả năng ngửi.
Xét về phương diện cơ chế di truyền, hội chứng Kallmann có thể di truyền theo 3 cách gồm:
- Kiểu liên kết X: Điều này đồng nghĩa với việc nam giới (chỉ mang một NST X) chỉ cần nhận 1 NST X mang gen đột biến là đã có thể gây ra hội chứng này. Riêng nữ giới (mang 1 NST X và 1 NST Y) phải cần đến 2 NST bản sao mang gen đột biến mới đủ điều kiện khởi phát.
- Kiểu trội trên NST thường: Có nghĩa là bố hoặc mẹ mang gen đột biến và mắc bệnh sẽ di truyền gen này cho con.
- Kiểu lặn trên NST thường: Cả bố và mẹ đều là những người không có triệu chứng hay biểu hiện
Triệu chứng và chẩn đoán
Triệu chứng
Tùy theo độ tuổi phát bệnh vào thời điểm thơ ấu hay trưởng thành mà các triệu chứng của hội chứng Kallmann có thể biểu hiện khác nhau. Cụ thể như sau:
Triệu chứng ở trẻ em
Các triệu chứng ở trẻ em thường tiến triển chậm hoặc không xảy ra cho đến độ tuổi dậy thì. Độ tuổi được chẩn đoán phổ biến nhất là từ 14 - 16 tuổi. Điển hình gồm các triệu chứng sau:
- Sứt môi hở hàm ếch;
- Mất thính lực;
- Không phát triển chức năng thận;
- Không phát triển các đặc điểm ở tuổi dậy thì, chẳng hạn như không có kinh nguyệt, ngực nhỏ ở nữ giới, ở nam giới thì dương vật nhỏ, tinh hoàn ẩn;
- Tầm vóc nhỏ, chiều cao kém;
Triệu chứng ở người lớn
- Phụ nữ bị giảm hoặc mất kinh nguyệt, khô hạn âm đạo;
- Giảm ham muốn tình dục ở nam giới;
- Thay đổi tâm trạng, cảm xúc, tính cách;
- Tăng cân đột ngột;
- Mệt mỏi, kiệt sức;
Ngoài các triệu chứng này, người mắc hội chứng Kallmann cũng có thể phát triển kèm theo một số triệu chứng khác như:
- Phát triển bất thường sức khỏe răng miệng;
- Cong vẹo cột sống;
- Chuyển động mắt bất thường;
- Khả năng giữ thăng bằng kém;
Chẩn đoán
Hội chứng Kallmann có thể được phát hiện sớm ngay từ khi mang thai thông qua các xét nghiệm di truyền trong thai kỳ. Tuy nhiên, đa số trường hợp lại phát hiện khá muộn khi trẻ bắt đầu có những dấu hiệu bất thường ở độ tuổi dậy thì. Khi xuất hiện các triệu chứng này, bác sĩ thường đặt những câu hỏi về triệu chứng, tiền sử bệnh di truyền... để khoanh vùng căn nguyên.
Sau đó, nếu đã loại trừ tất cả các bệnh lý khác và nghi ngờ trẻ mắc hội chứng Kallmann, bác sĩ sẽ yêu cầu thực hiện thêm một số xét nghiệm sau:
- Xét nghiệm sinh hóa máu: Vì nồng độ GnRH không thể đo lường trực tiếp trong cơ thể. Thay vào đó, bác sĩ sẽ tiến hành đo nồng độ các hormone khác trong máu như LH, FSH, cùng với một số hormone steroid sinh dục cơ bản như testosterone, estrogen, progesterone.
- Chụp cộng hưởng từ MRI: Nhằm mục đích kiểm tra vùng dưới đồi, tuyến yên và cấu trúc khoang mũi để đánh giá chức năng, phát hiện những tổn thương có lên quan khiến mũi không thể ngửi được.
- Xét nghiệm di truyền: Bước cuối cùng là làm xét nghiệm di truyền để xác nhận chẩn đoán.
Biến chứng và tiên lượng
Hội chứng Kallmann được các chuyên gia cảnh báo là căn bệnh đáng lo ngại. Tuy không đe dọa đến tính mạng nhưng nếu không được phát hiện sớm và điều trị kịp thời, tình trạng này có thể dẫn đến vô sinh ở cả nam lẫn nữ. Thật không may vì không có biện pháp điều trị đặc hiệu nào có thể chữa khỏi hội chứng Kallmann.
Trong một số trường hợp, nam giới mắc hội chứng Kallmann có thể đảo ngược tình trạng bệnh bằng cách cải thiện khả năng sinh sản thông qua tăng mức bài tiết testosterone tự nhiên trong cơ thể. Tuy nhiên, việc thường xuyên sử dụng liệu pháp thay thế hormone có thể làm tăng nguy cơ phát sinh các biến chứng có liên quan đến mật độ xương thấp, dễ tổn thương xương trong tương lai.
Do đó, khuyến cáo người mắc hội chứng Kallmann cần tuân thủ điều trị và thăm khám thường xuyên để theo dõi tiến triển bệnh, đánh giá tình trạng bệnh. Đồng thời, tìm kiếm các phương pháp điều trị tốt giúp phục hồi khả năng sinh sản.
Điều trị
Hiện tại, không có cách chữa trị đặc hiệu đối với hội chứng Kallmann, nhưng vẫn có những biện pháp hỗ trợ tích cực trong việc kiểm soát triệu chứng và cải thiện khả năng sinh sản.
Liệu pháp hormone thay thế
Trong đó, phương pháp được áp dụng phổ biến nhất tính đến thời điển hiện nay là liệu pháp thay thế hormone. Được chỉ định áp dụng nhằm kích hoạt tuổi dậy thì và thúc đẩy sự phát triển của các đặc điểm sinh dục thứ cấp. Không những vậy, điều trị bằng hormone cũng giúp duy trì mật độ xương do thiếu hụt hormone sinh dục.
Tùy theo căn nguyên gây ra, chuyên gia sẽ chỉ định áp dụng các biện pháp phù hợp. Bao gồm:
- Tiêm testosterone dạng gel hoặc miếng dán cho nam giới;
- Dùng thuốc estrogen hoặc progesterone hoặc miếng dán cho nữ giới;
- Tiêm thuốc GnRH có tác dụng kích rụng trứng ở phụ nữ có kinh nguyệt đều đặn hoặc không rụng trứng;
- Tiêm HCG giúp tăng số lượng tinh trùng ở nam giới và lượng trứng ở nữ giới, tăng cường khả năng sinh sản;
Liệu pháp hỗ trợ sinh sản
Đây cũng là một trong những sự chọn lựa phổ biến đối với những người mắc hội chứng Kallmann và muốn có con. Sự phát triển của y học hiện đại phát triển rất nhiều phương pháp sinh sản hiệu quả cao. Trong đó, phổ biến nhất là thụ tinh trong ống nghiệm (IVF).
Chăm sóc tại nhà
Bên cạnh các biện pháp điều trị y tế, còn nhiều phương pháp khác giúp kiểm soát các triệu chứng của hội chứng Kallmann. Chẳng hạn như:
- Dùng thuốc xịt mũi hoặc xông tinh dầu giúp cải thiện sự nhạy bén của khứu giác;
- Xây dựng lối sống khoa học, ăn uống đủ chất, sinh hoạt điều độ và tập thể dục hàng ngày;
Phòng ngừa
Hội chứng Kallmann là một dạng rối loạn di truyền gen đột biến hiếm gặp và không có biện pháp phòng ngừa. Bố mẹ mang gen đột biến chắc chắn sẽ có tỷ lệ phần trăm cao di truyền cho con cái. Do đó, nếu nhận thức rõ về điều này hãy chủ động thăm khám để được tư vấn di truyền.
Trường hợp cần thiết có thể tiến hành lọc phôi không mang gen đột biến trước rồi mới tiến hành cấy vào cơ thể người mẹ. Điều này giúp giảm thiểu thấp nhất nguy cơ sinh con mắc hội chứng Kallmann hoặc các rối loạn di truyền khác.
Những câu hỏi quan trọng khi đi khám
1. Tại sao con tôi không có dấu hiệu dậy thì không thể ngửi được mùi?
2. Nguyên nhân khiến con tôi mắc hội chứng Kallmann là gì?
3. Hội chứng Kallmann có gây nguy hiểm đến tính mạng không?
4. Hội chứng Kallmann có chữa khỏi được không?
5. Con tôi mắc hội chứng Kallmann sống được bao lâu?
6. Phương pháp điều trị tốt nhất đối với tình trạng bệnh của con tôi?
7. Con tôi mắc hội chứng Kallmann có bị vô sinh trong tương lai không?
8. Vợ chồng tôi cần làm gì để phòng ngừa việc sinh con mắc hội chứng Kallmann trong lần mang thai tiếp theo?
Hội chứng Kallmann không phải căn bệnh nguy hiểm đe dọa đến tính mạng. Tuy nhiên, nó thường kéo dài suốt đời và gây ảnh hưởng đến khả năng sinh sản khi trưởng thành. Do đó, ngay khi phát hiện những dấu hiệu bất thường này, người bệnh cần được thăm khám, chẩn đoán loại trừ với các bệnh lý khác và tiến hành điều trị bằng phương pháp phù hợp.
CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM
- Khám – chữa vô sinh hiếm muộn ở đâu tốt nhất hiện nay?
- Kinh nguyệt không đều ở tuổi 20 có đáng lo không?
Giải đáp thắc mắc của độc giả cùng chuyên gia của chúng tôi!