Bệnh Đa Ối

Bác sĩ phụ trách

Bác sĩ Hà Thị Dung

Cố vấn chuyên môn sản phụ khoa

Đa ối là hiện tượng tích tụ lượng nước ối lớn khiến tử cung của thai phụ to hơn bình thường. Tình trạng này xuất hiện sớm vào tuần thứ 16 hoặc những tuần cuối của thai kỳ. Đa ối gây ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe của mẹ và sự phát triển của thai nhi nếu bệnh diễn tiến nặng. Trường hợp nặng bắt buộc phải điều trị y tế để ngăn chặn các biến chứng nguy hiểm. 

Đa ối là tình trạng tử cung của người mẹ chứa quá nhiều nước ối

Tổng quan

Nước ối là chất lỏng bao bọc xung quanh và bảo vệ thai nhi trong tử cung người mẹ. Nó cũng rất cần thiết cho việc nuôi dưỡng và giúp bào thai phát triển khỏe mạnh. Lượng nước ối trung bình khoảng 800ml vào tuần thứ 34 của thai kỳ và có xu hướng giảm xuống còn khoảng 600ml khi bước sang tuần thứ 40.

Đa ối (Polyhydramnios) là tình trạng lượng nước ối tăng cao và khiến tử cung to hơn mức bình thường. Hiện tượng này có thể xảy ra trong tuần thứ 16 hoặc những tuần cuối thai kỳ. Đa ối rất hiếm gặp, ước tính chỉ khoảng 1% trường hợp mắc phải.

Nguyên nhân và yếu tố nguy cơ

Nguyên nhân chính xác gây đa ối vẫn chưa được xác định rõ, nhất là với những thai phụ chỉ bị đa ối nhẹ. Nhưng với một số trường hợp đa ối vừa và nặng, thường liên quan đến một số nguyên nhân cụ thể sau:

Đa ối thường xảy ra do mẹ bị tiểu đường hoặc mắc các bệnh nhiễm trùng thai kỳ

  • Người mẹ bị tiểu đường thai kỳ;
  • Mang song thai hoặc đa thai cùng mắc hội chứng truyền máu song sinh;
  • Mắc các bệnh do nhiễm virus trong thai kỳ như rubella, cytomegalovirus, parvovirus B19...;
  • Thai nhi có dị tật bẩm sinh không thể nuốt nước ối;
  •  Sự khác biệt về nhóm máu giữa mẹ và thai nhi;
  • Thai nhi gặp các vấn đề về nhịp tim do nhau thai kém phát triển;
  • Thai nhi tiếu máu hoặc có lượng hồng cầu thấp;

Triệu chứng và chẩn đoán

Rất ít trường hợp tự phát hiện bản thân bị đa ối do các triệu chứng không rõ ràng. Chỉ khi lượng nước ối tăng cao chạm ngưỡng bất thường, tạo áp lực cho tử cung và các cơ quan xung quanh mới gây ra một vài triệu chứng như sau:

Thai phụ bị đa ối thường có cảm giác đau, nặng bụng, chuột rút, sưng chân, táo bón...

  • Đau bụng;
  • Có cảm giác bụng nặng trĩu, căng cứng;
  • Chuột rút;
  • Ợ nóng;
  • Dễ bị hụt hơi, khó thở;
  • Táo bón;
  • Tăng tần suất tiểu tiện;
  • Sưng bàn chân, hông, đùi và cơ quan sinh dục ngoài;

Chẩn đoán

Thông qua các thăm khám dưới đây, bác sĩ có thể đưa ra chẩn đoán kết luận về tình trạng và mức độ đa ối trong thai kỳ:

Siêu âm giúp đo lượng nước ối trong tử cung để chẩn đoán đa ối

  • Đo kích thước bụng: Đo khoảng cách giữa đỉnh tử cung cho đến xương mu nhằm đánh giá kích thước tử cung có phù hợp với tuổi thai hay không.
  • Siêu âm: Đo lượng nước ối trong tử cung, cách này được thực hiện bằng 2 cách sau:
    • Đo chỉ số nước ối (AFI) là kỹ thuật đo thể tích túi chất lỏng lớn nhất và nằm sâu nhất trong 4 vùng tử cung. Nếu kết quả của tổng 4 phần này > 24 - 25cm, chứng tỏ bị đa ối;
    • Đo túi dọc tối đa (MPV): Là kỹ thuật đo vị trí sâu nhất trong tử cung nhằm kiểm tra lượng nước ối. Nếu kết quả ≥ 8, chứng tỏ thai phụ bị đa ối;
  • Một số xét nghiệm hỗ trợ khác: Nhằm kiểm tra các yếu tố sức khỏe và phát triển khác của thai nhi, loại trừ các dị tật bẩm sinh:
    • Xét nghiệm máu: giúp kiểm tra các dấu hiệu nhiễm trùng, kiểm tra chỉ số đường huyết, loại trừ các bệnh nhiễm trùng và một số nguyên nhân gây đa ối;
    • Chọc ối: Đây là thủ thuật lấy nước dịch ối trong bụng mẹ bằng kim. Nước ối sẽ được mang đi kiểm tra để đánh giá các chỉ số sức khỏe và sự phát triển của thai nhi, bao gồm cả các rối loạn bẩm sinh;
    • Đánh giá & theo dõi sức khỏe của thai nhi: Qua các chẩn đoán sau:
      • Siêu âm tim thai;
      • Xét nghiệm BPS hoặc BPP nhằm kiểm tra chuyển động, nhịp thở, trương lực cơ và thể tích nước ối;
      • Non-stress test giúp kiểm tra nhịp tim của thai nhi khi cử động, di chuyển trong tử cung của mẹ;

Biến chứng và tiên lượng

Hầu hết các trường hợp đa ối mức độ nhẹ thường không có triệu chứng và biến chứng. Ngược lại, những mẹ bầu bị đa ối nghiêm trọng, nhất là trong các tuần đầu thai kỳ sẽ có nguy cơ biến chứng cao. Chẳng hạn như:

Đa ối là một bất thường sản khoa tuy hiếm gặp nhưng lại rất nguy hiểm cho cả mẹ và thai nhi

Đối với thai nhi:

  • Sinh non < 37 tuần;
  • Dị tật bẩm sinh có liên quan đến khả năng nuốt;
  • Vỡ ối sớm;
  • Nhau bong non;
  • Sa dây rốn;
  • Sinh mổ do thai nhi nằm ngôi mông;
  • Thai chết lưu;

Đối với người mẹ

  • Tiểu đường thai kỳ;
  • Băng huyết sau sinh;
  • Suy hô hấp nặng;

Để giảm nguy cơ biến chứng và đảm bảo an toàn sức khỏe, tính mạng cho sản phụ lẫn thai nhi, bác sĩ sẽ theo dõi chặt chẽ tình trạng đa ối trong suốt thời gian thai kỳ còn lại. Khám thai định kỳ thường xuyên hơn và siêu âm nhiều hơn để đo thể tích nước ối.

Tiên lượng sinh nở của phụ nữ mang thai đa ối cũng không quá khác biệt so với phụ nữ mang thai bình thường. Bác sĩ chuyên khoa và các nhân viên sản khoa sẽ có các chỉ định, hướng dẫn chăm sóc sức khỏe mẹ & bé phù hợp, đảm bảo sức khỏe, sự an toàn cho hai mẹ con.

Điều trị

Những trường hợp đa ối nhẹ thường không nghiêm trọng và không nhất thiết phải điều trị khi không có chỉ định. Bác sĩ thường căn dặn thai phụ tái khám thường xuyên hơn để đo thể tích nước ối, theo dõi sức khỏe thai nhi và có những chỉ định giúp giảm lượng nước ối hoặc điều chỉnh ăn uống để kiểm soát bệnh tiểu đường.

Trường hợp đa ối nặng và đang trong đợt bùng phát cấp, mẹ bầu có những dấu hiệu nghiêm trọng như khó thở, đau bụng, thậm chí chuyển dạ sớm cần được đưa đến bệnh viện để can thiệp điều trị cấp cứu.

Điều trị y tế

Các biện pháp điều trị đa ối phổ biến như:

Dẫn lưu dịch ối kết hợp dùng thuốc là 2 biện pháp giúp giảm lượng nước ối nhanh chóng

  • Dẫn lưu nước ối: Bác sĩ sẽ tiến hành chọc ối để hút bỏ bớt lượng nước ối dư thừa ra khỏi tử cung. Tuy nhiên, cần đảm bảo an toàn tuyệt đối các yếu tố an toàn, vì chọc ối có thể gây ra các biến chứng khó lường như vỡ túi ối, chuyển dạ sớm hoặc bong nhau thai;
  • Dùng thuốc: Loại thường dùng là Indomethacin (Indocin) dùng trước tuần 31 của thai kỳ và thuốc ức chế prostaglandin synthetase dùng trong 2 tam cá nguyệt đầu tiên của thai kỳ. Thuốc có tác dụng giảm lượng nước tiểu và nước ối. Lưu ý, chỉ dùng thuốc khi có chỉ định của bác sĩ, vì thuốc có nguy cơ gây các vấn đề về dị tật tim ở thai nhi và tác dụng phụ buồn nôn, nôn ói, đau dạ dày, viêm loét cho mẹ...
  • Kích sinh sớm: Là phương pháp kích thích các dấu hiệu chuyển dạ để đẩy nhanh quá trình sinh nở trong trường hợp sản phụ và thai nhi gặp vấn đề sức khỏe. Đối với trường hợp đa ối nghiêm trọng, thường được kích thích chuyển dạ trước ngày dự sinh, trong tuần 37 - 39. Có thể kích sinh sớm bằng thuốc co thắt hoặc thuốc gây vỡ túi nước ối.

Chăm sóc tại nhà

Ngoài ra, trong suốt quá trình theo dõi và điều trị đa ối, mẹ bầu cần có kế hoạch chăm sóc sức khỏe tích cực cho đến ngày dự sinh. Chú ý một vài vấn đề sau:

Mẹ bầu cần nghỉ ngơi và sinh hoạt điều độ, ăn uống phù hợp để tránh làm tăng lượng nước ối

  • Nằm trong tư thế nâng cao đầu để giúp hít thở sâu hơn, cải thiện chứng khó thở;
  • Dành nhiều thời gian nghỉ ngơi, kết hợp vận động nhẹ nhàng, vừa sức nhằm thúc đẩy tuần hoàn máu, ổn định hơi thở và tốt cho sinh nở tự nhiên;
  • Điều chỉnh khẩu phần ăn phù hợp, hạn chế những loại thực phẩm mọng nước hoặc chế biến món ăn dạng nước như canh, súp;
  • Tăng cường các loại thực phẩm phù hợp với mẹ bầu bị đa ối như hải sản, các loại thịt giàu protein, canxi, rau xanh, trái cây tươi, ngũ cốc, nước râu ngô (uống thay cho nước lọc)... giúp đào thải bớt lượng nước ối dư thừa;
  • Không được ăn mặn trong thai kỳ, nhất là khi đang bị đa ối vì muối có khả năng tích nước cao;
  • Chỉ nên uống khoảng 1.5 - 2 lít nước/ ngày;

Phòng ngừa

Đa ối là một trong những vấn đề sức khỏe hiếm gặp trong thai kỳ và gần như không có cách phòng ngừa. Tuy nhiên, nếu có kế hoạch mang thai hoặc đang mang thai, bác sĩ thường khuyến cáo người phụ nữ cần chú ý chăm sóc sức khỏe kỹ lưỡng, ăn uống và sinh hoạt điều độ để tránh nguy cơ mắc tiểu đường thai kỳ, giảm nguy cơ đa ối.

Chuẩn bị thể trạng tốt và đầy đủ kiến thức về mang thai để có một thai kỳ khỏe mạnh, phòng ngừa đa ối

Ngoài ra, để tránh nguy cơ sinh con bị đa ối trong lần mang thai sau, bạn cần lưu ý một vài vấn đề sau:

  • Không hút thuốc lá hoặc bất kỳ sản phẩm thuốc lá điện tử nào.
  • Thay đổi và duy trì thói quen ăn uống lành mạnh, duy trì cân nặng phù hợp và ngăn ngừa tiểu đường.
  • Bổ sung vitamin trước và trong thai kỳ theo hướng dẫn của bác sĩ. Đặc biệt là acid folic nhằm ngăn ngừa các dị tật bẩm sinh ở thai nhi.
  • Khám sức khỏe tổng quát trước khi có kế hoạch mang thai nhằm điều trị và kiểm soát các vấn đề sức khỏe bất thường.

Những câu hỏi quan trọng khi đi khám

1. Nguyên nhân khiến tôi bị đa ối thai kỳ?

2. Những dấu hiệu nào cho thấy tôi bị đa ối?

3. Tôi cần làm những xét nghiệm nào chẩn đoán đa ối?

4. Tôi bị đa ối mức độ nào? Có nghiêm trọng hay không?

5. Thai nhi trong bụng tôi có đang phát triển tốt hay không?

6. Những rủi ro có thể xảy ra trong thai kỳ khi bị đa ối?

7. Có phương pháp nào điều trị tốt tình trạng đa ối hay không?

8. Tôi cần có chế độ sinh hoạt và ăn uống như thế nào để không làm tăng lượng nước ối?

9. Bị đa ối nên sinh mổ hay sinh thường?

10. Con tôi có thể gặp vấn đề sức khỏe nào sau sinh hay không?

Chứng đa ối thai kỳ tuy hiếm gặp nhưng ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe của mẹ và sự phát triển của thai nhi. Để sớm phát hiện đa ối và có hướng điều trị kịp thời, khuyến cáo phụ nữ mang thai cần phải tuân thủ lịch khám thai định kỳ với bác sĩ chuyên khoa. Không tự ý mua thuốc điều trị các triệu chứng khi chưa biết nguyên nhân để tránh các rủi ro biến chứng khó lường.

Có thể bạn quan tâm:

Chia sẻ:
Sa tử cung
Sa tử cung là một trong những dạng sa tạng chậu thường gặp ở phụ nữ. Tình trạng này phổ biến ở phụ nữ đã trải qua nhiều lần sinh…
Tiểu đường thai kỳ
Tiểu đường thai kỳ xảy ra rất phổ biến trong…
Ung thư nội mạc tử cung
Ung thư nội mạc tử cung là dạng ung thư…
Hở Eo Tử Cung
Hở eo tử cung xảy ra khi cổ tử cung…
Viêm âm đạo Bệnh Viêm Âm Đạo

Viêm âm đạo là căn bệnh phụ khoa cực kỳ phổ biến ở chị em. Bệnh đặc trưng với những…

Bệnh Viêm Buồng Trứng

Viêm buồng trứng là tình trạng viêm nhiễm xảy ra tại buồng trứng. Bệnh xảy ra do có liên quan…

Tắc vòi trứng Bệnh Tắc Vòi Trứng

Tắc vòi trứng thường xảy ra do chấn thương, viêm và các bệnh phụ khoa khác, dẫn đến đau bụng…

Hội chứng Asherman

Hội chứng Asherman là tình trạng hiếm gặp gây ảnh hưởng đáng kể đến sức khỏe sinh sản của phụ…

Giải đáp thắc mắc của độc giả cùng chuyên gia của chúng tôi!

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Bác sĩ phụ trách

Bác sĩ Hà Thị Dung

Cố vấn chuyên môn sản phụ khoa

[ads_sidebar]
Xem nhiều

Đặt câu hỏi

Chia sẻ
Bỏ qua