Da vàng là bị bệnh gì? Cách nhận biết, điều trị
Tình trạng da vàng thường đi kèm với vàng cả niêm mạc hay kết mạc mắt. Đây có thể là dấu hiệu cảnh báo các vấn đề sức khỏe bất thường cần được quan tâm sớm. Vậy da vàng là bị bệnh gì? Phải làm sao để nhận biết và điều trị? Thông tin được đề cập ở bài viết bên dưới sẽ giúp bạn có câu trả lời.
Da vàng là dấu hiệu bị bệnh gì? Có nguy hiểm không?
Da vàng là tình trạng bất thường về màu sắc của da liên quan trực tiếp đến sự gia tăng nồng độ bilirubin trong máu. Màu vàng thường xuất hiện đầu tiên ở kết mạc mắt, sau mới biểu hiện ở da. Và mức độ da vàng nặng hay nhẹ phụ thuộc vào nồng độ bilirubin trong máu.
Bilirubin có nguồn gốc từ các tế bào hồng cầu bị vỡ đi để được thay thế bằng các tế bào hồng cầu mới. Trong quá trình lưu chuyển qua máu, gan thì các tế bào gan và men gan đã làm biến đổi cấu trúc của bilirubin. Từ đó tạo ra dạng hòa tan trong nước được gọi là bilirubin liên hợp.
Sau đó các tế bào gan sẽ tiếp tục phân phối bilirubin liên hợp vào trong các ống mật nhỏ. Từ đó bilirubin trở thành một phần của dịch mật và được di chuyển đến tá tràng. Cuối cùng bilirubin sẽ xuất hiện trong phân và khiến cho phân có màu nâu vàng. Các chuyên gia cho biết, bất cứ một rối loạn nào khiến cho bilirubin tích tụ trong máu đều có thể gây ra biểu hiện da vàng.
Vậy da vàng thực chất là bị bệnh gì? Dưới đây là câu trả lời:
1. Các bệnh liên quan đến hồng cầu
Bilirubin được tạo ra trong quá trình phá vỡ hồng cầu. Chính vì vậy mà các vấn đề bệnh lý liên quan đến hồng cầu chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến nồng độ bilirubin trong máu. Bởi tình trạng hồng cầu bị tăng tốc độ phá hủy do bệnh lý sẽ khiến cho bilirubin được sản xuất quá mức.
Chính điều này đã khiến cho các tế bào gan không có đủ sức để chuyển hóa kịp lượng bilirubin quá lớn này. Từ đó dẫn đến sự tồn đọng bilirubin trong máu, gây ra biểu hiện da vàng. Và da vàng cũng chính là dấu hiệu đặc trưng của các bệnh liên quan đến hồng cầu.
Các bệnh lý phá hủy hồng cầu thường gặp nhất là:
- Bệnh hồng cầu hình liềm
- Bệnh thalassemia
- Bệnh thiếu men glucose 6-phosphate dehydrogenase
- Hội chứng tăng ure máu tán huyết
- Sốt rét
- Tụ máu ở mô
2. Một số bệnh lý liên quan đến ống mật chủ cũng gây vàng da
Thực tế cho thấy rằng, da vàng cũng có thể là dấu hiệu cảnh bảo các bệnh lý liên quan tới ống mật chủ. Bởi dịch mật chữa bilirubin sẽ được dẫn từ các ống mật nhỏ tại gan về ống mật chủ. Trường hợp ống mật chủ hẹp hay bị tắc nghẽn thì dịch mật sẽ tràn vào trong máu.
Trong khi đó, bilirubin là một trong ba thành phần chính trong dịch mật. Sự tràn dịch mật vào máu chắc chắn sẽ khiến cho hàm lượng bilirubin trong máu tăng lên. Từ đó khiến cho da có biểu hiện bị vàng đi một cách bất thường.
Các vấn đề bệnh lý liên quan bao gồm:
- Sỏi mật: Hình thành do sự mất cân bằng của các thành phần có trong dịch mật. Sẽ không có vấn đề gì nếu sỏi hình thành trong túi mật. Tuy nhiên trường hợp sỏi thoát ra ngoài có thể bị kẹt ở ống mật chủ. Điều này làm cho dịch mật không thể di chuyển vào ruột mà thẩm thấu vào máu.
- Ung thư đầu tụy: Đây cũng được cho là một trong những nguyên nhân gây ra tình trạng tắc dòng chảy của dịch mật.
- Viêm tụy cấp: Đặc trưng bởi tình trạng sưng viêm và phù nề. Từ đó dẫn tới việc cản trở và làm tắc dòng chảy của dịch mật.
- Hẹp đường dẫn mật: Thường hình thành do biến chứng tạo xơ của tình trạng viêm nhiễm không được can thiệp điều trị đúng cách và kịp thời.
- Ung thư túi mật: Các chuyên gia cho biết, sự phát triển của các tế bào ung thư trong túi mật cũng có thể gây ra tình trạng tắc ống mật chủ. Từ đó cản trở đường di chuyển của dịch mật.
- Ngoài ra, viêm đường mật do các bệnh xơ gan tiên phát, viêm đường mật xơ hóa hay một số thuốc cũng có thể làm giảm dòng chảy của dịch mật. Đồng thời ức chế quá trình đào thải bilirubin và làm phát sinh biểu hiện da vàng.
3. Da vàng do nhóm bệnh liên quan tới tế bào gan
Khi bàn đến vấn đề da vàng là bị bệnh gì thì bạn có thể nghĩ ngay đến các bệnh về tế bào gan. Bởi nếu tế bào gan bị tổn thương sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến quá trình thu nhận bilirubin. Trường hợp bilirubin không được thu nhận sẽ bị đào thải và ứ đọng trong máu.
Nhóm bệnh liên quan đến tế bào gan thường gặp bao gồm:
- Viêm gan cấp: Đặc trưng bởi quá trình viêm nhiễm xảy ra tại gan do nhiều nguyên nhân khác nhau. Điển hình như vi khuẩn, virus tấn công, lạm dụng rượu, tác dụng phụ của thuốc, bệnh tự miễn… Viêm nhiễm càng nặng sẽ càng khiến cho các tế bào gan bị hủy hoại nhiều.
- Xơ gan: Bệnh lý này xảy ra khi các tổ chức tại gan bị thay thế bởi các mô sẹo. Điều này trực tiếp ảnh hưởng tới chức năng gan. Do có diễn biến từ từ nên khó phát hiện ra. Nguyên nhân chính gây bệnh xơ gan là do viêm gan B, C mãn tính, viêm gan tự miễn, tổn thương gan do rượu.
- Ung thư gan: Có thể tự phát hay do di căn từ ung thư cơ quan khác. Bất kể do nguyên nhân nào cũng sẽ đều khiến cho các tễ bào gan bị tổn thương.
Ngoài những vấn đề bệnh lý trên thì một số hội chứng di truyền hiếm gặp sau sinh cũng có thể khiến da bị vàng bất thường. Phải kể đến là hội chứng Dubin-Johnson và Rotor, hội chứng Crigler-Najjar.
Da vàng chỉ là dấu hiệu cảnh báo cho một số tình trạng bệnh lý chung. Chính vì vậy sẽ không thể đánh giá mức độ nguy hiểm và diễn tiến của bệnh khi chỉ dựa vào dấu hiệu này. Tốt nhất bạn nên chủ động thăm khám để có thể kiểm soát nhanh chóng các bệnh lý liên quan. Với mỗi bệnh lý sẽ có một mức độ nghiêm trọng khác nhau, phát hiện và điều trị sớm là cách tốt nhất để bảo vệ sức khỏe.
Chẩn đoán bệnh lý liên quan đến tình trạng da vàng
Da vàng là dấu hiệu liên quan đến các vấn đề sức khỏe bất thường của cơ thể. Để chẩn đoán da vàng là bị bệnh gì thì bác sĩ cần dựa vào tiền sử bệnh lý, khám thực thể và cận lâm sàng kết hợp. Cụ thể như sau:
– Yếu tố tiền sử
Dựa vào tiền sử là yếu tố rất quan trọng có thể giúp hỗ trợ chẩn đoán. Ví dụ như ở những người nghiện rượu thì có thể gặp các bệnh về gan do rượu. Còn với người nghiện ma túy thì có thể bị viêm gan do virus. Còn trong trường hợp sử dụng thuốc điều trị thì có thể bị vàng da do tác dụng phụ của thuốc. Hay ở những người thường xuyên bị đau bụng từng cơn thì bác sĩ có thể nghi ngờ tắc đường mật do sỏi.
– Khám thực thể:
Bác sĩ sẽ tiến hành thăm khám toàn diện. Tuy nhiên vùng bụng sẽ được chú ý nhiều hơn. Nếu phát hiện khối u ở ổ bụng thì da có thể bị vàng do ung thư thâm nhiễm gan di căn. Còn gan cứng có thể là do xơ gan. Hay trường hợp gan cứng kèm nhiều nốt thì thường liên quan đến ung thư gan.
– Thăm khám cận lâm sàng:
- Định lượng bilirubin máu: Đây chính là xét nghiệm trước hết cần thực hiện nhằm mục đích xác định nguyên nhân gây vàng da. Bilirubin gián tiếp tăng đáng kể liên quan đến tình trạng tan máu. Còn men gan tăng có thể do viêm gan. Một số các xét nghiệm gan khác như alkaline phosphatase thì sẽ giúp chẩn đoán bệnh lý tắc đường mật.
- Siêu âm bụng: Đây là một trong những xét nghiệm cận lâm sàng đơn giản và an toàn. Hình ảnh siêu âm có thể giúp bác sĩ quan sát và thăm dò các cơ quan trong ổ bụng. Điều này rất thuận tiện cho việc phát hiện khối u ở trong gan hay sỏi mật.
- CT Scanner: Đây cũng được cho là xét nghiệm cận lâm sàng rất hữu ích với bệnh nhân bị da vàng. Nó sẽ giúp phát hiện các khối u trong gan, tụy hay tình trạng giãn ống mật.
Cách xử lý và điều trị khi bị da vàng
Da vàng có thể do nhiều nguyên nhân khác nhau gây ra. Thường liên quan nhiều đến các bệnh lý về gan, mật hay hồng cầu. Để khắc phục được triệu chứng này thì cần điều trị triệt để các bệnh lý liên quan.
Dưới đây là một số vấn đề cần chú ý:
1. Thăm khám và điều trị y tế
Khi sắc tố da có biểu hiện vàng một cách bất thường thì tốt nhất bạn nên tìm đến các cơ sở y tế để thăm khám ngay. Lúc này, nồng độ bilirubin trong máu có thể đang ở mức cao và đánh dấu một vấn đề sức khỏe nghiêm trọng.
Đầu tiên bác sĩ sẽ tiến hành thăm khám và chẩn đoán nguyên nhân cùng các vấn đề bệnh lý liên quan. Tùy thuộc vào từng nguyên nhân mà sẽ có cách xử lý khác nhau.
Đối với một số bệnh lý như viêm gan, viêm tụy cấp hay các bệnh liên quan đến hồng cầu thì bác sĩ có thể chỉ định điều trị bằng phác đồ dùng thuốc. Tuy nhiên trường hợp bị sỏi mật hay có khối u thì can thiệp ngoại khoa có thể được cân nhắc. Riêng với trường hợp nghi ngờ ung thư thì sẽ có giải pháp điều trị chuyên sâu hơn.
Vấn đề của người bệnh là cần tuyệt đối nghiêm túc tuân thủ phác đồ mà bác sĩ đưa ra. Nếu có những bất thường phát sinh trong quá trình điều trị hãy chủ động báo cáo lại ngay để được xử lý kịp thời.
2. Hạn chế tiêu thụ rượu bia
Rượu bia chính là một trong những nguyên nhân phổ biến khiến cho chức năng gan bị tàn phá. Từ đó dẫn đến sự tăng quá mức của bilirubin. Chính vì vậy, người bị vàng da cần hạn chế tiêu thụ rượu bia ở mức khuyến cáo mỗi ngày. Thường ở khoảng 350 – 700ml bia 5% cồn/ ngày tùy thuộc vào độ tuổi. Trong đó, nhiều người còn được khuyến cáo là cần phải cai hẳn rượu bia.
Rượu bia có thể tàn phá gan thông qua 3 cách sau:
- Để lại một lượng chất béo quá nhiều trong tế bào gan
- Gây ra tổn thương hay làm viêm gan
- Làm gián đoạn và suy giảm chức năng của gan
3. Duy trì cân nặng và chế độ ăn lành mạnh
Các nghiên cứu ghi nhận rằng, tình trạng béo phì có thể gây tổn hại đến gan nhiều hơn cả rượu bia. Thừa cân rất dễ dẫn tới tình trạng gan nhiễm mỡ ở cả người lớn và trẻ em.
Tình trạng này thường xảy ra ở những người duy trì chế độ ăn uống kém hoa học. Hơn nữa ăn uống kém khoa học còn là nguyên nhân làm mất cân bằng các thành phần có trong dịch mật. Từ đó dẫn đến sỏi mật có thể là nguy cơ gây tắc ống dẫn mật chủ.
Để duy trì cân nặng và bảo vệ tốt hơn cho sức khỏe, cần ăn uống lành mạnh:
- Thực phẩm giàu chất xơ không chỉ tốt cho hoạt động tiêu hóa mà còn rất tốt cho gan. Nên bổ sung vào chế độ ăn hoa quả tươi, rau xanh và ngũ cốc nguyên hạt.
- Bên cạnh đó, tránh tiêu thụ các thực phẩm gây hại cho gan. Đặc biệt là thực phẩm giàu chất béo, đồ ăn có chứa nhiều dầu mỡ, muối đường.
Ngoài ra, bạn đừng quên dành ra ít nhất 30 – 45 phút cho các hoạt động thể chất mỗi ngày. Đây là giải pháp hữu hiệu giúp tăng cường đề kháng, kiểm soát cân nặng. Đồng thời giúp ích cho các quá trình chuyển hóa trong cơ thể.
4. Thận trọng khi dùng thuốc
Một số loại thuốc điều trị có thể gây ra tác dụng phụ và khiến cơ thể phải gánh chịu những hệ quả khó lường. Thường gặp nhất là gây ra tình trạng viêm gan nhiễm độc.
Một số loại thuốc dễ gây hại cho gan nhất bao gồm:
- Thuốc giảm đau không kê toa
- Thuốc giảm cholesterol
- Kháng sinh
- Steroid đồng hóa
Cần cẩn trọng khi sử dụng bất cứ loại thuốc nào. Hãy tuân thủ hướng dẫn từ bác sĩ. Và đừng quên chia sẻ cho bác sĩ được biết nếu bạn từng gặp tổn thương về gan.
5. Bảo vệ cơ thể khỏi viêm gan
Các chuyên gia cho biết, tất cả các loại virus gây viêm gan A, B, C đều tác động xấu tới chức năng gan. Và tiêm ngừa chính là cách tốt nhất giúp bạn bảo vệ cơ thể khỏi viêm gan.
Tất cả mọi người đều được khuyến cáo cần chủng ngừa viêm gan B không lâu sau khi sinh. Trong khi đó thì tiêm phòng viêm gan A chỉ được khuyến cáo cho những người có nguy cơ cao.
Ngoài ra, cần lưu ý rằng, bệnh viêm gan cũng có thể sẽ lây truyền qua một số hành vi rủi ro. Ví dụ như quan hệ tình dục không an toàn hay dùng chung bơm kim tiêm qua đường tĩnh mạch.
Như vậy, bài viết đã giải đáp cụ thể vấn đề da vàng là bị bệnh gì? Đồng thời gợi ý cách xử lý cho người bệnh khi không may gặp phải triệu chứng này. Dù là bị vàng da hay bất cứ triệu chứng bất thường nào thì bạn cũng nên chủ động thăm khám để được bác sĩ hướng dẫn cách can thiệp kịp thời và đúng đắn.
Có thể bạn quan tâm:
Giải đáp thắc mắc của độc giả cùng chuyên gia của chúng tôi!