Bệnh Sưng hạch bạch bẹn
Sưng hạch bạch bẹn có thể xảy ra đột ngột do nhiều tác nhân như nhiễm trùng, chấn thương hoặc ung thư... Tùy từng trường hợp cụ thể, bệnh nhân có thể có số lượng và kích thước hạch bẹn khác nhau, triệu chứng biểu hiện cũng khác nhau. Điều trị sưng hạch bạch bẹn phải phụ thuộc vào kết quả chẩn đoán căn nguyên. Các chọn lựa điều trị hiệu quả nhất là dùng thuốc chống nhiễm trùng hoặc phẫu thuật loại bỏ mô bị tổn thương.
Tổng quan
Hạch bạch huyết là những tuyến nhỏ, có kích thước bằng hạt đậu phộng 0.5cm. Chúng có nhiệm vụ quan trọng là bảo vệ cơ thể khỏi sự tấn công của vi khuẩn, virus, nấm và nhiều mầm bệnh khác từ bên ngoài. Cơ chế hoạt động của chúng là lọc chất thải chứa các chất lạ trong dịch bạch huyết. Đặc biệt, trong các hạch bạch huyết chứa tế bào lympho (tế bào bạch cầu) có khả năng tiêu diệt mầm bệnh.
Nếu chất thải chứa vi khuẩn càng nhiều, nhiễm trùng càng nặng sẽ càng có nhiều tế bào lympho được sản xuất ra và gây sưng hạch bạch huyết. Trong cơ thể người, các hạch bạch huyết thường xuất hiện ở vị trí như cổ, nách, bẹn, dạ dày, vùng giữa phổi...
Sưng hạch bạch bẹn (Swollen Lymph Nodes in the Groin) là tình trạng các hạch bạch huyết ở vùng bẹn, háng bị sưng lên. Đây là dấu hiệu cảnh báo cơ thể đang bị nhiễm trùng và hệ thống miễn dịch đang cố gắng chống lại nhiễm trùng. Thời gian sưng hạch bạch bẹn càng lâu chứng tỏ mức độ nhiễm trùng càng nặng.
Tình trạng sưng hạch bạch bẹn có thể xảy ra ở bất cứ ai, cả nam lẫn nữ không phân biệt đối tượng. Chỉ cần tiếp xúc với các tác nhân gây nhiễm trùng, chấn thương hoặc ảnh hưởng từ các bệnh lý hệ thống, tình trạng sưng hạch bạch huyết nói chung và sưng hạch bạch bẹn sẽ xảy ra.
Nguyên nhân và yếu tố nguy cơ
Có rất nhiều nguyên nhân gây sưng hạch bạch bẹn, có thể kể đến một số tác nhân phổ biến sau:
Nhiễm trùng
Nhiễm trùng là nguyên nhân hàng đầu gây ra sưng hạch bạch bẹn. Nhiễm trùng có thể xảy ra thông qua nhiều con đường gây nhiễm trùng bởi vi khuẩn, virus, nấm... Bao gồm:
- Nhiễm trùng qua đường tình dục (STIs): Phổ biến nhất là các bệnh sau:
- Bệnh lậu;
- Bệnh giang mai;
- Nhiễm HIV/AIDS;
- Bệnh hạ cam;
- Mụn rộp sinh dục do virus herpes;
- ...
- Nhiễm trùng đường tiết niệu (UTI): Bất kỳ bộ phận nào thuộc đường tiết niệu cũng đều có nguy cơ bị nhiễm trùng như:
- Bàng quang;
- Thận;
- Tuyến tiền liệt;
- Niệu đạo;
- Các dạng nhiễm trùng khác:
- Nhiễm trùng da;
- Viêm mô tế bào;
- Viêm âm đạo;
- Viêm bao quy đầu;
Khối u & ung thư
Một số ít trường hợp sưng hạch bạch bẹn là do sự phát triển của các khối u lành tính hoặc ung thư ác tính. Các tế bào ung thư ban đầu khu trú tại chỗ, sau đó bắt đầu lan sang các hạch bạch huyết ở bẹn háng, khiến chúng sưng to kèm theo các triệu chứng liên quan khác tùy theo từng dạng ung thư.
Một số dạng ung thư vùng xương chậu, lưng hoặc chi dưới có khả năng cao gây sưng hạch bạch bẹn hơn. Chẳng hạn như ung thư buồng trứng, ung thư tinh hoàn, ung thư hắc tố... Ngoài ra, có một số ung thư cụ thể như ung thư hạch bạch huyết hoặc ung thư bạch cầu sẽ gây sưng hạch bạch huyết trong toàn bộ cơ thể, trong đó có hạch bạch bẹn.
Các tác nhân khác
Ngoài các nguyên nhân trên, sưng hạch bạch bẹn cũng có thể xảy ra do nhiều yếu tố khác như:
- Ảnh hưởng từ các bệnh lý hệ thống: Một số bệnh lý hệ thống phổ biến có khả năng gây sưng hạch bạch bẹn như lupus ban đỏ hệ thống, viêm khớp dạng thấp, sarcoid...
- Chấn thương: Các chấn thương va chạm mạnh đến vùng bẹn như té ngã, va chạm khi tham gia giao thông hoặc khi chơi thể thao... có thể gây tổn thương đến vùng háng, khiến các hạch bạch huyết sưng to bất thường.
- Các loại vắc xin & thuốc: Đây cũng là một trong những tác nhân gây sưng hạch bạch bẹn nhưng rất hiếm khi xảy ra. Chẳng hạn như:
- Vắc xin ngừa bệnh sởi - quai bị - rubelle - thương hàn;
- Các loại thuốc như kháng sinh penicillin, allopurinol trị gout, pyrimethamine trị sốt rét, phenytoin và carbamazepin trị rối loạn lưỡng cực...;
- Các rối loạn khác: Bệnh thủy đậu hoặc bệnh tăng bạch cầu đơn nhân cũng góp phần gây ra sưng hạch bạch bẹn.
Triệu chứng và chẩn đoán
Triệu chứng
Bản chất của các hạch bạch huyết ở háng thường có kích thước nhỏ, không lớn hơn đầu ngón tay út và có khả năng di động. Do đó, khi hạch bị sưng lên, bạn có thể sờ thấy chúng và nhận diện thông qua các biểu hiện như:
- Hình tròn hoặc như hạt đậu;
- Kích thước lớn, khiến hạch ghồ lên khỏi da;
- Bề mặt trơn nhẵn;
- Mềm hoặc cứng tùy căn nguyên, thường mềm do nhiễm trùng, còn cứng do khối u ung thư ác tính;
- Trong một số trường hợp có thể mất khả năng di động;
Kèm theo đó là sự phát triển của một số triệu chứng sau:
Triệu chứng sưng hạch bạch bẹn do nhiễm trùng hoặc chấn thương
- Vị trí sưng hạch đau nhức (do nhiễm trùng hoặc dị ứng) hoặc không gây đau;
- Da bị kích ứng dẫn đến phát ban, đỏ, ngứa;
- Hình thành mụn nước hoặc vết loét ngứa ngáy trên da hoặc xung quanh cơ quan sinh dục;
- Sốt, ớn lạnh, mệt mỏi (dấu hiệu của nhiễm trùng);
- Cơ quan sinh dục rỉ dịch;
Triệu chứng sưng hạch bạch bẹn do khối u ung thư
- Hạch cứng, kích thước lớn và không có khả năng di động;
- Sưng hạch bẹn lan sang toàn thân trong thời gian ngắn;
- Mệt mỏi, kiệt sức đến mức suy nhược;
- Sốt cao kéo dài và tái phát dai dẳng;
- Đổ nhiều mồ hôi vào ban đêm;
- Sụt cân;
Chẩn đoán
Trong bước đầu chẩn đoán, bác sĩ thường đặt các câu hỏi về tình trạng sức khỏe, các triệu chứng đang gặp phải cũng như tiền sử bệnh. Đồng thời, tiến hành khám thực thể để kiểm tra kích thước hạch bạch huyết, tính chất đặc điểm của nó. Các thông tin này giúp ích rất nhiều trong việc xác định nguyên nhân cơ bản dẫn đến sưng hạch bạch bẹn.
Trường hợp chưa thể xác định rõ căn nguyên do nghi ngờ nguyên nhân gây ra liên quan đến các bệnh phức tạp như nhiễm trùng hoặc ung thư..., bác sĩ sẽ yêu cầu thực hiện các kỹ thuật xét nghiệm cận lâm sàng cần thiết để đưa ra chẩn đoán chính xác.
- Xét nghiệm máu: Xét nghiệm máu giúp đưa ra rất nhiều yếu tố để đánh giá bất thường sức khỏe. Tùy vào nguyên nhân nghi ngờ gây ra sưng hạch bạch bẹn, bác sĩ sẽ tập trung xác định các yếu tố liên quan. Nhưng chủ yếu là xét nghiệm tổng phân tích tế bào máu, có khả năng phát hiện nhiều bất thường cùng lúc như nhiễm trùng hoặc các rối loạn sức khỏe khác.
- Kiểm tra hình ảnh: Các kỹ thuật hình ảnh như chụp X quang hoặc chụp cắt lớp vi tính CT scan giúp phát hiện các bất thường tại khu vực bẹn bị sưng hạch bạch huyết. Đối với tình trạng này, có thể phát hiện số lượng và vị trí khối u hoặc các ổ nhiễm trùng bất thường.
- Siêu âm: Đây là kỹ thuật không xâm lấn tạo ra hình ảnh các mô, cơ quan cho vùng thân dưới giúp phát hiện các bất thường.
- Sinh thiết: Trong những trường hợp chẩn đoán khó khăn, bác sĩ có thể yêu cầu thực hiện sinh thiết hạch bạch huyết nhằm đưa ra kết quả chẩn đoán chính xác nhất. Phương pháp này thường được thực hiện bằng cách chọc kim hút (FNA) vào hạch bẹn bị sưng để lấy mẫu tế bào, phục vụ công tác xét nghiệm, phân tích và kiểm tra dưới kính hiển vi. Trong một số trường hợp, kỹ thuật sinh thiết excisional (phẫu thuật sinh thiết) cũng được chỉ định nhằm kết hợp giữa phẫu thuật loại bỏ hạch bạch huyết và lấy mẫu xét nghiệm.
Biến chứng và tiên lượng
Sưng hạch bạch bẹn không được xem là một bệnh, bản chất của nó là phản ứng bình thường của cơ thể khi xảy ra nhiễm trùng, chấn thương hoặc các vấn đề sức khỏe bất thường khác. Tùy theo mức độ nghiêm trọng mà mỗi bệnh nhân sẽ nổi hạch với số lượng, tính chất hạch hoặc vị trí trái phải khác nhau.
Những biến chứng mà bệnh nhân gặp phải phụ thuộc vào căn nguyên, chẳng hạn như mức độ nhiễm trùng, chấn thương, giai đoạn ung thư... Do đó, để đưa ra mức tiên lượng chính xác về tình trạng sưng hạch bạch bẹn, phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố như căn nguyên, phương pháp điều trị, mức độ đáp ứng điều trị...
Để làm được điều này, khuyến khích bệnh nhân cần chủ động thăm khám càng sớm càng tốt để được chẩn đoán, thực hiện các xét nghiệm chuyên biệt để xác định nguyên nhân và hướng dẫn phương pháp điều trị phù hợp.
Điều trị
Phác đồ điều trị của từng bệnh nhân phụ thuộc vào căn nguyên nhân gây sưng hạch bạch bẹn. Một số trường hợp sưng hạch bạch bẹn do chấn thương hoặc nhiễm trùng nhẹ có thể không cần điều trị. Nhất là ở những người có hệ miễn dịch hoạt động khỏe mạnh.
Ngược lại, với những trường hợp được chẩn đoán sưng hạch bạch bẹn mức độ trung bình hoặc nặng, cần can thiệp điều trị y tế kịp thời bằng các biện pháp dưới đây.
Điều trị nhiễm trùng
- Nhiễm trùng do vi khuẩn: Sử dụng thuốc kháng sinh dạng uống hoặc tiêm tĩnh mạch tùy từng trường hợp.
- Nhiễm trùng do virus: Dùng thuốc kháng virus để tiêu diệt và loại bỏ virus.
- Nhiễm trùng da: Sử dụng thuốc uống hoặc thuốc bôi kháng nấm, loại bỏ vi khuẩn.
Riêng những trường hợp bị sưng hạch bạch bẹn do mắc các bệnh lây truyền qua đường tình dục, việc điều trị cần thực hiện song song cho người bệnh và cả bạn tính để đạt hiệu quả tối ưu.
Điều trị ung thư
Nếu bị sưng hạch bạch bẹn do khối u ung thư, phác đồ điều trị sẽ được xây dựng dựa trên loại ung thư, giai đoạn bệnh, mức độ triệu chứng... Các biện pháp thường được áp dụng là:
- Phẫu thuật;
- Xạ trị;
- Hóa trị;
- Liệu pháp nhắm trúng đích;
- Liệu pháp miễn dịch;
Điều trị rối loạn tự miễn
Đối với các bệnh lý tự miễn dịch, có thể sử dụng thuốc ức chế miễn dịch hoặc liệu pháp sinh học để kiểm soát sự ổn định của hệ miễn dịch, hỗ trợ cải thiện triệu chứng.
Các phương pháp hỗ trợ điều trị khác
Ngoài các biện pháp điều trị đặc hiệu, bệnh nhân cũng có thể thực hiện các phương pháp hỗ trợ dưới đây để góp phần cải thiện triệu chứng, ngăn chặn tiến triển bệnh, nâng cao chất lượng cuộc sống.
- Dùng thuốc giảm đau, hạ sốt với liều dùng phù hợp theo hướng dẫn;
- Chườm ấm bằng túi chườm chuyên dụng hoặc đắp khăn nhúng nước nóng để giảm sưng hạch bạch bẹn;
- Dành nhiều thời gian nghỉ ngơi, thư giãn và thả lỏng cơ thể, thoải mái tinh thần, ăn uống đủ chất để tạo điều kiện cho cơ thể sớm phục hồi sức khỏe, nâng cao hệ miễn dịch, hạn chế tái phát triệu chứng khi đã khỏi;
Bên cạnh tuân thủ phác đồ điều trị, bệnh nhân bị sưng hạch bạch bẹn cũng cần phải theo dõi mức độ đáp ứng điều trị trong khoảng thời gian nhất định để đưa ra đánh giá kết quả, khả năng phục hồi và tái phát. Thời gian đánh giá thường vào thời điểm 6 - 12 tháng sau khi điều trị và áp dụng phương pháp xét nghiệm kháng thể.
Nếu kết quả kháng thể trong máu không thay đổi, thậm chí có xu hướng tăng cao và các triệu chứng vẫn tái phát dai dẳng, có thể đưa ra kết luận điều trị thất bại. Lúc này, cần thăm khám và chẩn đoán lại để xây dựng phác đồ điều trị khác phù hợp hơn.
Phòng ngừa
Chủ động phòng ngừa là cách tốt giúp ngăn chặn sự phát triển của sưng hạch bạch bẹn và các bệnh lý nguy hiểm liên quan. Để làm được điều trị, hãy nâng cao ý thức trong đời sống sinh hoạt hàng ngày và tích cực thực hiện các biện pháp sau đây:
- Giữ vệ sinh tay chân đúng cách, thường xuyên rửa tay bằng xà phòng diệt khuẩn và nước ấm, nhất là trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh.
- Tắm rửa sạch sẽ hàng ngày, luôn giữ cho vùng bẹn, háng và cơ quan sinh dục luôn khô sạch, khô thoáng để giảm nguy cơ nhiễm trùng.
- Thường xuyên dọn dẹp nhà cửa, định kỳ khử trùng nơi ở hoặc khu vực làm việc, ngủ nghỉ để loại bỏ các tác nhân nhiễm trùng.
- Nếu có hệ miễn dịch yếu và dễ bị nhiễm trùng, nên cân nhắc đến việc không nên nuôi thú cưng.
- Quan hệ tình dục an toàn, sử dụng bao cao su khi giao hợp qua đường âm đạo, hậu môn hoặc miệng để phòng tránh các bệnh lây truyền qua đường tình dục.
- Hạn chế thực hiện các va chạm tác động gây chấn thương đến vùng bẹn, háng.
- Duy trì lối sống lành mạnh bao gồm chế độ ăn uống đủ chất, đa dạng các loại thực phẩm tốt cho sức khỏe, tập thể dục hàng ngày và sinh hoạt có giờ giấc để giúp nâng cao hệ miễn dịch, hạn chế nguy cơ nhiễm trùng.
Những câu hỏi quan trọng khi đi khám
1. Tại sao tôi thường xuyên bị sưng đau vùng bẹn kèm theo sốt, mệt mỏi, đau họng, chảy nước mũi...?
2. Nguyên nhân khiến tôi bị sưng hạch bạch bẹn là gì?
3. Tình trạng sưng hạch bạch bẹn của tôi có nghiêm trọng không?
4. Bị sưng hạch bạch bẹn có chữa khỏi được không?
5. Điều trị sẽ xảy ra nếu tôi không điều trị sưng hạch bạch bẹn?
6. Phương pháp điều trị tốt nhất đối với tình trạng sưng hạch bạch bẹn của tôi?
7. Tôi cần làm gì để chăm sóc hỗ trợ cải thiện triệu chứng sưng hạch bạch bẹn?
8. Thời gian điều trị sưng hạch bạch bẹn mất bao lâu thì khỏi hẳn?
9. Chi phí điều trị sưng hạch bạch bẹn tốn bao nhiêu? BHYT có hỗ trợ chi trả không?
10. Tôi cần làm gì để phòng ngừa tái phát sưng hạch bạch bẹn sau điều trị?
Những người bị sưng hạch bạch bẹn cần hết sức chú ý tiến triển bệnh và mức độ triệu chứng. Nếu nghi ngờ mắc bệnh nặng, hãy nhanh chóng đến bệnh viện để kịp thời thăm khám, chẩn đoán xác định căn nguyên và được hướng dẫn phác đồ điều trị phù hợp. Càng điều trị sớm khả năng chữa khỏi càng cao và ngăn ngừa các biến chứng khó lường về sau.
Tham khảo thêm:
- Sưng hạch bạch nách: Biểu hiện bệnh và giải pháp điều trị
- Thủ phạm gây nổi mẩn ngứa ở vùng háng và cách xử lý từ gốc
Giải đáp thắc mắc của độc giả cùng chuyên gia của chúng tôi!