Bệnh Hạ cam
Hạ cam là một trong những căn bệnh lây truyền qua đường tình dục phổ biến tại Việt Nam và được đánh giá khá nguy hiểm. Bệnh đặc trưng với những tổn thương viêm trợt, các vết loét da đau rát và sưng hạch bạch bẹn. Nếu không điều trị có thể dẫn đến bội nhiễm và nhiều phiền toái trong đời sống sinh hoạt, thậm chí lây nhiễm cho người khác. Hiện nay, điều trị bệnh hạ cam đáp ứng khá tốt với phác đồ kháng sinh.
Tổng quan
Hạ cam (Chancroid) hay còn gọi là bệnh hạ cam mềm. Đây là bệnh lý ngoài da lây truyền qua đường tình dục khá nguy hiểm. Xảy ra do một loại trực khuẩn Haemophilis ducreyi lây nhiễm thông qua con đường quan hệ tình dục.
Đặc trưng của bệnh là những vết loét xuất hiện ở cơ quan sinh dục, kèm theo viêm hạch bạch huyết vùng hẹn hoặc các vùng lân cận. Bệnh được đánh giá là khá nguy hiểm nếu không được phát hiện sớm và điều trị kịp thời. Các biến chứng thường gặp như hình thành ổ áp xe, lỗ rò hoặc bội nhiễm.
Tại Hoa Kỳ, căn bệnh này khá hiếm gặp. Riêng tại Việt Nam và một số quốc gia nghèo nàn khác, tỷ lệ mắc bệnh hạ cam khá cao. Đặc biệt đây là một trong những yếu tố làm tăng nguy cơ lây nhiễm HIV đe dọa tính mạng.
Tìm hiểu thêm:
- Bệnh xã hội: Các dạng thường gặp và cách điều trị
Nguyên nhân và yếu tố nguy cơ
Vi khuẩn Haemophilus ducreyi là một loại trực khuẩn gram âm có đầu tròn, thân mảnh, kích thước ngắn, yếm khí và ưa máu. Đây chính là tác nhân chính gây ra bệnh hạ cam.
Để loại vi khuẩn này lây nhiễm và gây ra bệnh có 2 con đường chính bao gồm:
- Quan hệ tình dục không an toàn: Đây là con đường phổ biến nhất gây lây nhiễm bệnh hạ cam từ người này sang người khác. Vi khuẩn tồn tại ở các vết loét, tổn thương da trên cơ quan sinh dục hoặc gần đó, sau đó rỉ dịch hoặc chạm vào da của người còn lại trong lúc quan hệ tình dục, dẫn đến lây lan và phát bệnh.
- Tiếp xúc qua da: Ngoài ra, một số ít trường hợp bệnh cũng có lây từ người này sang người khác khi tiếp xúc trực tiếp qua da.
Ngoài ra, những đối tượng dưới đây có nguy cơ cao nhiễm bệnh hạ cam bao gồm:
- Quan hệ tình dục bừa bãi, quan hệ cùng lúc nhiều người;
- Không sử dụng bao cao su hay các biện pháp phòng tránh khác;
- Người có hệ thống miễn dịch suy yếu như mắc các bệnh rối loạn tự miễn hoặc nhiễm HIV/AIDS;
- Những người sinh sống trong môi trường kém chất lượng. có điều kiện y tế kém, không được trang bị, giáo dục đầy đủ về sức khỏe giới tính;
Triệu chứng và chẩn đoán
Triệu chứng
Sau khi bị lây nhiễm trực khuẩn Haemophilus ducreyi, thời gian ủ bệnh thường kéo dài khoảng 3 - 10 ngày và lúc này bệnh nhân thường không bất kỳ dấu hiệu gì. Sau giai đoạn này, các triệu chứng bắt đầu phát triển và ngày càng tiến triển tùy thuộc vào mức độ viêm nhiễm.
Có thể kể đến một số triệu chứng sau:
- Vị trí xuất hiện tổn thương của bệnh hạ cam khác nhau ở nam và nữ:
- Nữ giới: Thường hình thành trên âm hộ, 2 bên mép, vùng mu, hậu môn hoặc lan lên đùi. Một số trường hợp cũng có thể xuất hiện ở bầu vú, môi, lưỡi, ngón tay...
- Nam giới: Thường xuất hiện ở vùng bao, rãnh quy đầu hoặc thân dương vật.
- Các dấu hiệu thường gặp như:
- Triệu chứng ban đầu:
- Đau khi đại - tiểu tiện;
- Xuất huyết trực tràng;
- Đau khi quan hệ;
- Ra nhiều khí hư;
- Triệu chứng tiến triển:
- Nổi các nốt sẩn mềm, vùng da xung quanh ửng đỏ, phù nề;
- Tiến triển nhanh sau 24 - 48 giờ, hình thành mụn mủ và bắt đầu viêm trợt loét;
- Sờ vào gây đau nhức, mềm và đau;
- Kích thước vết loét từ 2 - 10mm, mọc rải rác hoặc tập trung thành từng đám lớn;
- Triệu chứng toàn thân
- Sốt nhẹ hoặc sốt cao;
- Ớn lạnh;
- Mệt mỏi;
- Triệu chứng ban đầu:
Chẩn đoán
Bệnh hạ cam hay bất kỳ căn bệnh lây nhiễm qua đường tình dục nào cũng có những biểu hiện riêng biệt. Việc chẩn đoán bước đầu lúc nào cũng cần thông qua đánh giá các triệu chứng lâm sàng này. Kết hợp kiểm tra sức khỏe toàn diện của bệnh nhân và khai thác tiền sử bệnh, đời sống tình dục.
Sau đó, để đưa ra chẩn đoán xác nhận về bệnh hạ cam, bệnh nhân sẽ được yêu cầu thực hiện một số xét nghiệm nhằm tìm kiếm sự hiện diện của vi khuẩn. Bao gồm:
- Nhuộm Gram: Mẫu bệnh phẩm được lấy ở vùng đáy của vết loét, tiến hành kỹ thuật nhuộm gram. Nếu mắc bệnh hạ cam, kết quả xét nghiệm cho thấy trực khuẩn H.ducreyi là những đoạn ngắn, xếp thành chuỗi sát nhau thành từng dải dài như đường tàu hoặc đàn cá đang bơi.
- Nuôi cấy: Để xác nhận sự hiện diện của vi khuẩn H.ducreyi gây bệnh hạ cam, cần thực hiện thử nghiệm nuôi cấy mẫu bệnh phẩm trên môi trường thạch giàu dinh dưỡng chứa huyết thanh và hemoglobin. Kết quả cho thấy vi khuẩn phát triển sau 2 - 4 ngày hoặc muộn nhất là 7 ngày.
- Xét nghiệm PCR: Đây là nghiệm tiêu chuẩn giúp xác nhận bệnh hạ cam nhờ độ nhạy và tính đặc hiệu cao đối với vi khuẩn H.ducreyi.
Ngoài các biện pháp chẩn đoán trên, bác sĩ cũng sẽ chẩn đoán phân biệt bệnh hạ cam với một số bệnh lý khác để phục vụ công tác điều trị hiệu quả. Chẳng hạn như:
- Bệnh herpes sinh dục;
- Bệnh giang mai;
- Bệnh u hạt bẹn hoa liễu;
- Bệnh ghẻ bội nhiễm;
- Bệnh hột xoài;
- ...
Biến chứng và tiên lượng
Đa số các trường hợp mắc bệnh hạ cam do lây nhiễm từ người khác, tính từ thời điểm lây nhiễm, tổn thương vết loét thường tiến triển tốt sau khoảng 1 tuần điều trị tích cực và đúng cách. Riêng những trường hợp nổi hạch bẹn hoặc mắc đồng thời bệnh hạ cam cùng các bệnh lý khác như giang mai hoặc herpes thường khó điều trị nên thời gian khỏi lâu hơn, tiên lượng cũng kém hơn.
Ngoài ra, khi phát hiện và điều trị bệnh hạ cam, bệnh nhân thường được chỉ định làm xét nghiệm HIV để phòng ngừa lây nhiễm virus gây suy giảm miễn dịch ở người.
Riêng những trường hợp điều trị không thành công, bác sĩ thường yêu cầu thực hiện lại các xét nghiệm bổ sung nhằm đưa ra kết quả chẩn đoán lại hoặc điều chỉnh phương pháp điều trị.
Khuyến cáo bệnh nhân mắc bệnh hạ cam không nên chủ quan trong việc điều trị. Tuy những trường hợp nhẹ, vết loét có thể tự khỏi sau 1 - 2 tháng, nhưng trong trường hợp nặng, bạn có thể bị viêm hạch bạch huyết, bội nhiễm các mô mềm và phát sinh nhiều biến chứng nguy hiểm khác. Do đó, hãy chủ động thăm khám sớm để được chẩn đoán và tư vấn biện pháp điều trị chính xác giúp chữa khỏi bệnh hoàn toàn.
Điều trị
Bệnh hạ cam nếu được phát hiện sớm và điều trị kịp thời, có thể chữa khỏi hẳn hoàn toàn. Dùng kháng sinh là phương pháp điều trị chính đối với căn bệnh này. Một số loại thuốc kháng sinh được bác sĩ kê toa sử dụng phổ biến như:
- Azithromycin 1g, dùng 1 liều duy nhất;
- Ceftriaxone 250mg, dùng dạng tiêm bắp một liều duy nhất;
- Erythromycin 500mg, dùng dạng uống liều 4 lần/ ngày, liên tục trong vòng 7 ngày;
- Specthimycin 2g, dùng dạng tiêm bắp 1 liều duy nhất;
Đây là các loại thuốc mới được đánh giá đem lại hiệu quả cao hơn những loại cũ. Vì các chuyên gia cho biết, hiện nay trực khuẩn hạ cam đã bắt đầu tiến hóa và có khả năng kháng lại một số loại thuốc thông thường như ampixilin, chloramphenicol, sulfamides, streptomycin, tetraxyclin, ciprofloxacin, kanamyxin, erythromycin, co-trimoxazole,...
Phần lớn trường hợp mắc bệnh hạ cam đều đáp ứng điều trị tốt bằng phác đồ kháng sinh và tiến triển thuyên giảm sau 2 - 3 ngày, sau đó khỏi hẳn sau khoảng 1 tuần. Riêng tổn thương sưng hạch bạch bẹn thường chậm khỏi hơn vết loét, trường hợp nghiêm trọng bắt buộc phải tiến hành chọc hút qua da để dẫn lưu hoặc hút mủ ra ngoài.
Việc điều trị y tế bệnh hạ cam cần thực hiện song song với người bạn tình, dù có hoặc không có triệu chứng. Kết hợp thực hiện làm xét nghiệm HIV và giang mai để phòng ngừa hoặc có hướng điều trị phù hợp nếu nhiễm HIV.
Ngoài tuân thủ các biện pháp điều trị y tế, bệnh nhân mắc bệnh hạ cam cần chú ý kỹ lưỡng trong việc vệ sinh và chăm sóc tổn thương ngoài da. Rửa vết loét bằng nước muối hoặc dung dịch oxy già để sát khuẩn, lau khô và giữ cho vùng da tổn thương luôn được khô thoáng. Trường hợp có biến chứng sưng hạch cần dành nhiều thời gian nghỉ ngơi, chườm ấm giảm sưng đau và hạn chế đi lại để nhanh chóng phục hồi.
Phòng ngừa
Hiện nay, không có biện pháp phòng ngừa đặc hiệu đối với bệnh hạ cam. Chúng ta chỉ có thể thực hiện tốt một số biện pháp bảo vệ tích cực để giảm nguy cơ phát triển của bệnh. Chẳng hạn như:
- Quan hệ tình dục an toàn thông qua việc chung thủy với 1 bạn tình, sử dụng bao cao su khi giao hợp để hạn chế nguy cơ lây nhiễm nếu 1 trong 2 người mắc bệnh.
- Kiểm tra sức khỏe tổng quát, đặc biệt là sức khỏe sinh dục định kỳ để phát hiện sớm các dấu hiệu bất thường của các bệnh lây qua đường tình dục, trong đó có bệnh hạ cam.
- Xây dựng lối sống khoa học và lành mạnh về thói quen ăn uống, sinh hoạt, nghỉ ngơi, vận động tập luyện để nâng cao sức đề kháng tự nhiên cho cơ thể chống lại bệnh tật.
Những câu hỏi quan trọng khi đi khám
1. Tại sao vùng kín của tôi nổi sẩn đỏ, các vết loét đau rát và sưng đau hạch bạch huyết?
2. Tôi cần làm những xét nghiệm gì để chẩn đoán bệnh hạ cam?
3. Nguyên nhân khiến tôi mắc bệnh hạ cam là gì?
4. Tình trạng bệnh của tôi của nặng không? Có chữa khỏi được không?
5. Tôi có thể gặp biến chứng gì nếu không điều trị bệnh hạ cam?
6. Phương pháp điều trị bệnh hạ cam tốt nhất dành cho trường hợp của tôi?
7. Dùng thuốc kháng sinh trị bệnh hạ cam có gây ra tác dụng phụ gì không?
8. Tôi cần làm gì để chăm sóc tổn thương da hỗ trợ cải thiện triệu chứng?
9. Điều trị bệnh hạ cam mất bao lâu thì khỏi hẳn?
10. Cần làm gì để phòng ngừa tái nhiễm bệnh hạ cam?
Bệnh hạ cam rất dễ mắc phải ở những người có một lối sống và thói quen tình dục tùy tiện, không an toàn. Những ảnh hưởng của bệnh đến sức khỏe là rất phức tạp, trong đó tăng nguy cơ nhiễm HIV - 1 căn bệnh gây chết người. Do đó, ngay từ những dấu hiệu bất thường đầu tiên, bệnh nhân cần chủ động thăm khám sớm và đến bệnh viện để được chẩn đoán, tư vấn hướng điều trị phù hợp, loại bỏ viêm nhiễm cũng như ngăn ngừa các biến chứng về sau.
THAM KHẢO THÊM
- Hội chứng loét sinh dục: Nguyên nhân và cách điều trị
- Mụn rộp sinh dục: Hình ảnh, dấu hiệu nhận biết và điều trị
Giải đáp thắc mắc của độc giả cùng chuyên gia của chúng tôi!