Bệnh Sưng hạch bạch nách
Sưng hạch bạch nách là phản ứng tự nhiên của cơ thể nhằm chống lại nhiễm trùng hoặc bệnh tật. Đặc trưng tình trạng này là các cục u nhỏ, mềm và sưng đau ở vùng nách, kèm theo các triệu chứng toàn thân như sốt, đau đầu, đau nhức cơ thể, mệt mỏi, sụt cân... Tùy theo căn nguyên, tình trạng sưng hạch bạch nách có thể tạm thời hoặc vĩnh viễn, lành tính hoặc nguy hiểm. Việc điều trị cần được can thiệp sớm nhằm loại bỏ tác nhân hoặc các hạch bạch huyết tổn thương nghiêm trọng.
Tổng quan
Sưng hạch bạch nách (Swollen Armpit Lymph Nodes) được định nghĩa là sự phát triển bất thường về số lượng và kích thước của các hạch bạch huyết ở nách. Tình trạng này xảy ra do sự ảnh hưởng của các yếu tố như nhiễm trùng, ung thư hoặc các bệnh rối loạn tự miễn dịch.
Bản chất của sưng hạch bạch nách không phải bệnh mà là triệu chứng cảnh báo các bệnh lý lành tính hoặc nguy hiểm. Do đó, không phải trường hợp nào bị sưng hạch bạch nách cũng bình thường và tự khỏi. Sẽ có những trường hợp đáng lo ngại, tiến triển nặng và có biến chứng, bắt buộc phải can thiệp điều trị càng sớm càng tốt để bảo vệ sức khỏe.
Phân loại
Dựa vào nguyên nhân gây sưng hạch bạch nách, tình trạng này được chia làm nhiều dạng khác nhau, bao gồm:
- Sưng hạch bạch nách phản ứng: Đây là tình trạng các hạch bạch huyết ở nách bị sưng do nhiễm trùng hoặc ảnh hưởng từ các bệnh lý khác (thường là rối loạn tự miễn dịch). Tác nhân chính thường là do nhiễm trùng cục bộ, chẳng hạn như cảm cúm, cảm lạnh và thường không quá nghiêm trọng.
- Sưng hạch bạch nách truyền nhiễm: Xảy ra do bị ảnh hưởng bởi các bệnh lý gây nhiễm trùng cục bộ hoặc toàn thân như lao, HIV/AIDS, sốt mèo cào hoặc bệnh bạch cầu đơn nhân.
- Sưng hạch bạch nách thể ác tính: Đây là dạng hạch nách được hình thành do sự phát triển của các khối u ung thư trong các hạch bạch huyết. Thể này được cảnh báo gây nguy hiểm cho sức khỏe và đe dọa đến tính mạng nếu không được điều trị kịp thời. Một số thể hạch ác tính thường gặp như bệnh ung thư hạch Hodgkin hoặc ung thư hạch không Hodgkin.
- Sưng hạch bạch nách di căn: Thể này xảy ra khi các tế bào ung thư phát triển từ các cơ quan, bộ phận khác của cơ thể và lan đến các hạch bạch huyết, trong đó có hạch nách để hình thành khối u.
Nguyên nhân và yếu tố nguy cơ
Các hạch bạch huyết ở nách là một trong những phần quan trọng của hệ thống hạch bạch huyết có nhiệm vụ duy trì chức năng hệ thống miễn dịch của cơ thể. Hệ bạch huyết có khả năng vận chuyển chất lỏng thông qua các mạng lưới mạch máu, lọc chất thải và loại bỏ các tế bào bất thường cùng những tác nhân có hại từ bên ngoài xâm nhập vào cơ thể.
Nếu có viêm nhiễm hoặc bị tác động bởi các tác nhân khác, các mạch máu sẽ giãn rộng ra khiến các tế bào miễn dịch tiếp xúc gần với tác nhân nhiễm trùng hoặc chấn thương. Hậu quả khiến chất lỏng rò rỉ vào các mô xung quanh, gây sưng phù, nóng đỏ và đau nhức tại vị trí các hạch bạch huyết.
Khi các hạch bạch huyết ở nách sưng lên, chứng tỏ cơ thể đang bị tấn công bởi các tác nhân có hại và hệ miễn dịch đang cố gắng chống lại chúng.
Có rất nhiều nguyên nhân gây sưng hạch bạch nách, bao gồm cả nguyên nhân lành tính và nguyên nhân ác tính. Có thể kể đến một số nguyên nhân như:
- Nhiễm trùng: Đây được xem là nguyên nhân phổ biến nhất gây sưng hạch bạch huyết ở nách. Nhiễm trùng có thể xảy ra do rất nhiều tác nhân vi sinh vật như vi khuẩn, virus, nấm, ký sinh trùng... và diễn ra theo nhiều hình thức khác nhau. Bao gồm:
- Nhiễm trùng cục bộ: Chẳng hạn như nhiễm tụ cầu khuẩn gây nhiễm trùng da ở vùng ngực hoặc cánh tay.
- Nhiễm trùng khu vực: Chẳng hạn như nhiễm liên cầu khuẩn gây viêm họng, dẫn đến phát sinh các triệu chứng nhiễm trùng, trong đó có gây sưng hạch bạch huyết vùng cổ và nách.
- Nhiễm trùng hệ thống: Thường là do các bệnh lý gây sưng hạch bạch huyết ở nhiều cơ quan, bộ phận trên cơ thể, trong đó có vùng nách. Chẳng hạn như HIV/AIDS, bệnh lao, bệnh bạch cầu đơn nhân (do nhiễm virus Epstein - Barr, bệnh sốt mèo cào (do nhiễm trực khuẩn Bartonella henselae), bệnh Toxoplasmosis...
- Ung thư: Đa số các trường hợp bị sưng hạch bạch nách do ung thư thường là do các bệnh ung thư hạch hệ thống khiến toàn bộ hạch trong cơ thể sưng lên. Hoặc các tế bào ung thư có thể lây lan từ các bộ phận khác của cơ thể đến các hạch bạch huyết ở nách và khiến chúng sưng lên. Chẳng hạn như ung thư vú.
- Rối loạn tự miễn dịch: Một vài trường hợp bị sưng hạch bạch nách được ghi nhận là do rối loạn tự miễn dịch. Thường biểu hiện thông qua các bệnh lý như lupus ban đỏ hệ thống hoặc viêm khớp dạng thấp. Cơ chế gây sưng hạch nách là do hệ miễn dịch hoạt động bất thường, tấn công ngược đến các tế bào của chính nó.
- Chấn thương: Chấn thương vùng nách cũng là một trong những nguyên nhân gây sưng hạch bạch nách. Ngoài ra, phản ứng viêm từ các mô sẹo hình thành sau chấn thương hoặc nhiễm trùng vết thương cũng góp phần gây ra tình trạng này.
- Dị ứng: Dị ứng là phản ứng của cơ thể nhằm chống lại các tác nhân bất thường, biểu hiện thông qua phản ứng viêm trong cơ thể. Tình trạng này có thể kéo theo sưng các hách bạch huyết ở vùng nách.
- Ảnh hưởng của thuốc & vắc xin:
- Tác dụng phụ của các loại thuốc điều trị bệnh động kinh, chẳng hạn như phenytoin;
- Tiêm vắc xin phòng ngừa các loại virus gây bệnh sởi - quai bị - rubella hoặc Covid-19 cũng có thể gây sưng hạch bạch nách. Tuy nhiên, đây là phản ứng hoàn toàn bình thường cho thấy vắc xin đã phát huy tác dụng và vô tình kích hoạt phản ứng miễn dịch của cơ thể;
- Một số nguyên nhân khác: Một vài bệnh lý khác dưới đây cũng có thể gây ra sưng hạch bạch nách, nhưng rất hiếm, gồm:
- Viêm nang lông;
- Viêm tuyến mồ hôi mủ;
Triệu chứng và chẩn đoán
Triệu chứng
Triệu chứng dễ nhận biết nhất của tình trạng sưng hạch bạch nách là sự hiện diện của một hoặc nhiều hạch bạch huyết, trung bình từ 20 - 40 hạch ở mỗi bên nách. Tình trạng sưng có thể chỉ ảnh hưởng đến một hoặc cả hai bên nách tùy từng trường hợp cụ thể.
Đặc điểm các hạch sưng ở nách
- Nổi cục u mềm khi chạm vào hoặc sờ cứng như đá;
- Kích thước bằng hạt đậu hoặc quả óc chó, thường > 2cm; ;
- Có thể hoặc không có khả năng di chuyển (tùy theo căn nguyên);
- Chạm vào gây đau, hạch sưng nóng đỏ.
Triệu chứng toàn thân kèm theo
Sự xuất hiện của các hạch bạch nách bị sưng sẽ gây ra các triệu chứng điển hình sau:
- Có cảm giác nóng rát hoặc ngứa ran vùng nách;
- Sốt, ớn lạnh;
- Mệt mỏi;
- Vã mồ hôi, nhất là vào ban đêm;
- Đau nách, đau khớp hoặc đau cơ;
- Sưng vú hoặc giãn tĩnh mạch cánh tay;
- Sụt cân;
Trường hợp các hạch bạch huyết ở nách bị sưng do nhiễm trùng nặng, dẫn đến hình thành khối áp xe hoặc túi mủ trong hạch, có thể gây triệu chứng sưng đỏ, nóng ấm vùng da xung quanh, kèm theo sốt và ớn lạnh kéo dài nếu nguyên nhân do nhiễm trùng bởi vi khuẩn.
Chẩn đoán
Để chẩn đoán chính xác căn nguyên và mức độ sưng hạch bạch nách có nghiêm trọng hay không, cần thực hiện kết hợp nhiều phương pháp và kỹ thuật khác nhau. Bao gồm:
- Khám sức khỏe: Đây là bước đầu tiên và quan trọng trong chẩn đoán sưng hạch bạch nách, nhằm khoanh vùng nguyên nhân gây ra. Bác sĩ sẽ yêu cầu bạn cung cấp đầy đủ các thông tin về triệu chứng, thời gian phát bệnh, thời gian kéo dài bao lâu... Sau đó, tiến hành kiểm tra các triệu chứng thực thể, đánh giá các yếu tố như kích thước, số lượng, vị trí hạch nách bị sưng, độ căng khả năng di chuyển... để đưa ra mức tiên lượng ban đầu.
- Kiểm tra hình ảnh: Bệnh nhân sẽ phải thực hiện một trong số các kỹ thuật hình ảnh dưới đây để quan sát và xác định xem các hạch bạch huyết có bị sưng hay không. Ngoài ra, dễ dàng phát hiện các bất thường hiện diện trong cơ thể có liên quan đến sưng hạch bạch nách. Các kỹ thuật này thường gồm:
- Siêu âm;
- Chụp cắt lớp vi tính CT scan;
- Chụp cộng hưởng từ MRI;
- Sinh thiết: Phương pháp này đem lại nhiều lợi ích cho việc chẩn đoán chính xác nguyên nhân gây sưng hạch bạch nách. Được thực hiện bằng cách dùng kim chọc hút để lấy mẫu tế bào từ hạch bị sưng để kiểm tra dưới kính hiển vi. Kết quả giúp phát hiện các tế bào bất thường và xác định nguyên nhân.
- Xét nghiệm máu: Đa số các trường hợp làm xét nghiệm máu thường là do nghi ngờ bệnh nhân mắc bệnh nhiễm trùng hoặc một số bệnh lý tiềm ẩn nào đó, gây kích hoạt sự phản ứng của hệ thống hạch bạch huyết. Các yếu tố thường được kiểm tra bao gồm:
- Đo protein phản ứng C (CRP);
- Đo tốc độ lắng máu (ESR);
- Đo số lượng bạch cầu (WBC);
Nhằm đảm bảo điều trị đúng hướng, cần chẩn đoán phân biệt giữa sưng hạch bạch nách với các tình trạng sức khỏe khác như:
- Khối u lành tính lipomas;
- U nang biểu bì da lành tính;
- Khối u vú xơ tuyến lành tính;
- Khối u Schwannomas lành tính (ảnh hưởng đến màng tế bào thần kinh);
Biến chứng và tiên lượng
Sưng hạch bạch nách không phải bệnh lý, mà nó được xem là một trong những dấu hiệu cảnh báo bệnh lý. Thông thường, các hạch bạch huyết trong cơ thể, kể cả ở nách đều nằm ẩn dưới da và kết nối với nhau thành một hệ thống, nhưng dưới sự tác động của các bệnh lý cụ thể, chúng bắt đầu sưng lên và phát triển kèm theo các triệu chứng khác gây ảnh hưởng đến sức khỏe.
Dựa vào một số thống kê về nguyên nhân gây sưng hạch bạch nách, các chuyên gia cho biết nếu tình trạng này không được điều trị sớm có thể gây ra một số biến chứng khó lường như:
- Nhiễm trùng/ bội nhiễm: Nếu các hạch bạch nách sưng lên do vi khuẩn hoặc virus, theo thời gian chúng sẽ bội nhiễm và hình thành các khối áp xe, túi mủ. Không chỉ càng làm nặng thêm tình trạng mà còn tạo điều kiện cho vi khuẩn lây lan khắp cơ thể.
- Ung thư: Những hạch bạch huyết càng sưng to có thể là dấu hiệu cảnh báo các khối u ung thư ác tính. Chẳng hạn như ung thư vú, ung thư hạch Hodgkin hoặc ung thư hạch non-Hodgkin... Nếu không được điều trị kịp thời có thể dẫn đến tử vong sớm.
- Tổn thương thần kinh: Các hạch bạch nách sưng lên và phát triển phì đại vô tình đè lên các dây thần kinh lân cận. Hậu quả gây ra những tổn thương thần kinh tạm thời hoặc vĩnh viễn. Một số triệu chứng điển hình như tê bì, ngứa ran, hạn chế cử động bàn tay, ngón tay... Nặng hơn có thể gây yếu, liệt cánh tay, mất hoàn toàn khả năng vận động.
- Phù bạch huyết: Đây là tình trạng các hạch bạch huyết bị sưng đột nhiên phù lớn lên do tích tụ lượng lớn chất lỏng. Điều này vô tình gây tắc nghẽn hệ thống bạch huyết. Biến chứng này thường xảy ra do sự ảnh hưởng của các tổn thương mạch bạch huyết trong lúc phẫu thuật, xạ trị ung thư hoặc va chạm chấn thương.
Tiên lượng tình trạng sưng hạch bạch nách phụ thuộc chủ yếu vào căn nguyên cũng như các biến chứng xảy ra trong quá trình phát bệnh. Ngoài ra, phương pháp điều trị, khả năng đáp ứng điều trị và thể trạng sức khỏe của bệnh nhân cũng góp phần đáng kể giúp đánh giá mức tiên lượng chính xác cho bệnh nhân.
Đa số các trường hợp bị sưng hạch bạch nách đều có tiên lượng tốt, vì phần lớn nguyên nhân xuất phát từ nhiễm trùng hoặc chấn thương. Đây là những yếu tố có thể điều trị kiểm soát và phòng ngừa được. Do đó, các chuyên gia khuyến khích bệnh nhân cần chủ động thăm khám và điều trị càng sớm càng tốt để giảm nguy cơ biến chứng, rút ngắn thời gian hồi phục sức khỏe.
Ngoài ra, cần lưu ý kết quả điều trị sưng hạch bạch nách không kéo dài vĩnh viễn. Sau điều trị, các triệu chứng và căn nguyên có thể được kiểm soát, nhưng chúng vẫn có khả năng tái phát. Bởi vậy, cần phải áp dụng các biện pháp khoa học để quản lý và phòng ngừa nhằm ngăn chặn tái phát dài lâu.
Điều trị
Không có biện pháp điều trị đặc hiệu đối với tình trạng sưng hạch bạch nách. Tùy vào căn nguyên gây bệnh ở từng trường hợp cụ thể, bác sĩ sẽ chỉ định áp dụng phương pháp điều trị phù hợp nhất. Thường là các phương pháp dưới đây:
Điều trị bằng thuốc
Dùng thuốc chủ yếu nhằm mục đích cải thiện triệu chứng, kiểm soát tiến triển bệnh và ngăn chặn một vài biến chứng nguy hiểm có thể xảy ra.
Một số loại thuốc thường được kê toa như:
- Thuốc kháng sinh: Thường dùng cho những trường hợp điều trị sưng hạch bạch huyết vùng nách do nhiễm trùng vi khuẩn. Điển hình như do nhiễm trùng đường tiết niệu, nhiễm trùng da hoặc viêm họng do nhiễm liên cầu khuẩn. Các loại kháng sinh được đánh giá cao gồm penicillin, amoxicillin hoặc ciprofloxacin.
- Thuốc kháng virus: Loại thuốc này được dùng để điều trị triệu chứng nhiễm trùng do virus, cải thiện tình trạng sưng hạch bạch nách do nhiễm virus Epstein - Barr hoặc HIV. Thường dùng là acyclovir hoặc ganciclovir.
- Thuốc kháng nấm: Thường được sử dụng để điều trị các triệu chứng nhiễm nấm của cơ thể gây sưng hạch bạch nách. Chẳng hạn như nấm candida bằng các loại thuốc như fluconazol và ketoconazol.
- Corticosteroid: Có tác dụng hỗ trợ giảm sưng viêm ở các hạch bạch huyết vùng nách bị sưng đau. Thường dùng nhất là nhóm prednisone, methylprednisolone hoặc hydrocortisone.
- Thuốc ức chế miễn dịch: Đối với những trường hợp bị sưng hạch bạch nách do các rối loạn tự miễn, bắt buộc phải dùng đến thuốc ức chế miễn dịch. Tác dụng của thuốc là giảm phản ứng của hệ thống miễn dịch của cơ thể đối với các tác nhân nhiễm trùng hoặc các vấn đề khác, giúp giảm thiểu mức độ triệu chứng. Thường dùng là nhóm thuốc cyclosporine và azathioprine.
- Hóa trị: Các loại thuốc hóa chất cũng được xếp vào nhóm các loại thuốc được dùng để cải thiện sưng hạch bạch nách do ung thư gây ra. Các bệnh nhân ung thư nói chung và có các khối u trong hạch bạch huyết nói riêng thường được chỉ định dùng một số loại thuốc sau: paclitaxel, doxorubicin hoặc vincristine.
Điều trị ngoại khoa
Những trường hợp các hạch bạch huyết ở nách bị sưng to nghiêm trọng, tiến triển nặng và có biến chứng cần can thiệp phẫu thuật sớm để loại bỏ tác nhân gây bệnh. Một số phương pháp điều trị cụ thể gồm:
- Thủ thuật sinh thiết hạch bạch huyết Sentinel: Được thực hiện nhằm loại bỏ các hạch bạch huyết bị tổn thương và có nhiều khả năng bị ảnh hưởng bởi khối u. Đồng thời, phẫu thuật loại bỏ các hạch bạch huyết trọng điểm còn giúp lấy mẫu xác định xem có tế bào ung thư hay không.
- Bóc tách nách: Thủ tục này được thực hiện để loại bỏ một số hạch bạch huyết ở nách và xác định xem chúng là ung thư hay lành tính. Phương pháp này thường được chỉ định thực hiện nếu ung thư được phát hiện ở một hoặc nhiều hạch bạch huyết trọng điểm khi làm sinh thiết.
- Phẫu thuật cắt hạch nách: Đây là phẫu thuật rộng hơn thuật cắt bỏ hạch nách. Bao gồm việc loại bỏ toàn bộ các hạch bạch huyết ở nách, sau đó kiểm tra các tế bào ung thư có thể lây lan từ các cơ quan khác trong cơ thể.
- Phẫu thuật nội soi: So với phẫu thuật cắt bỏ truyền thống, phẫu thuật nội soi có nhiều ưu điểm hơn khi sử dụng các thiết bị hiện đại cho phép bác sĩ quan sát rõ bên trong cơ thể mà không cần phải tạo vết rạch lớn gây chảy máu nhiều, lâu lành. Kỹ thuật này thường được áp dụng nhằm bóc tách hạch bạch huyết vùng nách một cách triệt để và an toàn.
Chăm sóc hỗ trợ sau khi điều trị
Sau điều trị, bệnh nhân cần được chăm sóc tích cực để phục hồi thể trạng sức khỏe nhanh chóng. Gồm các biện pháp sau:
Về chế độ ăn uống
Một chế độ ăn uống đủ chất sẽ giúp bệnh nhân khỏe mạnh, tăng cường miễn dịch và hỗ trợ cải thiện các triệu chứng hậu phẫu.
- Nên ăn:
- Đảm bảo bổ sung đầy đủ các nhóm thực phẩm gồm rau xanh, củ quả, trái cây, ngũ cốc nguyên hạt, thịt nạc...;
- Để hỗ trợ giảm viêm, nên ăn các loại thực phẩm giàu chất chống oxy hóa như quả anh đào, việt quất, lựu, gừng, tỏi...;
- Tăng cường thực phẩm giàu vitamin C để tăng cường hệ miễn dịch như cam, quýt, bông cải xanh, ớt chuông, kiwi...;
- Bổ sung nhiều axit béo omega-3 vào thông qua cá hồi, cá mòi, quả óc chó, dầu hạt lanh hỗ trợ giảm viêm;
- Không nên ăn:
- Các loại thịt đỏ chứa nhiều chất béo bão hòa;
- Thực phẩm nhiều gia vị, chế biến sẵn, nhiều đường, chiên xào nhiều dầu mỡ;
- Sữa và các sản phẩm từ sữa;
- Rượu bia;
Về chế độ sinh hoạt
- Sau phẫu thuật loại bỏ hạch bạch huyết, cần chú ý vệ sinh kỹ vết mổ và theo dõi, kiểm tra thường xuyên để kịp thời phát hiện các bất thường.
- Luôn giữ cho vết mổ khô ráo, sạch sẽ và tránh tiếp xúc với bất kỳ chất kích thích hay chất dị ứng nào.
- Thường xuyên rửa tay và hạn chế tiếp xúc với những người mắc các bệnh lý nhiễm trùng để phòng tránh tái nhiễm.
- Nếu phát hiện triệu chứng như sốt, đau đầu, ớn lạnh, đau nhức cơ thể, dùng thuốc nhưng dùng thuốc không thuyên giảm hãy đi khám ngay lập tức.
Phòng ngừa
Để phòng ngừa mắc phải hoặc tái phát sưng hạch bạch nách, hãy nâng cao ý thức về chăm sóc sức khỏe và bảo vệ cơ thể khỏi các tác nhân gây bệnh. Chẳng hạn như:
- Nếu có cơ địa miễn dịch yếu kém, hãy tránh/ hạn chế tiếp xúc với những người đang nhiễm bệnh để hạn chế nguy cơ lây nhiễm.
- Duy trì lối sống khoa học và lành mạnh cũng rất quan trọng nhằm nâng cao hệ miễn dịch chống lại các tác nhân gây bệnh.
- Giữ vệ sinh thân thể sạch sẽ, đặc biệt là rửa tay thường xuyên để giảm nguy cơ mắc các bệnh nhiễm trùng.
- Thăm khám sức khỏe định kỳ hoặc chủ động thăm khám ngay khi phát hiện dấu hiệu sưng hạch bạch nách để được chẩn đoán và được hướng dẫn biện pháp điều trị phù hợp.
Những câu hỏi quan trọng khi đi khám
1. Tại sao vùng nách của tôi bị sưng đau kèm theo sốt, mệt mỏi, vã mồ hôi, sụt cân, khó chịu?
2. Tôi cần làm những xét nghiệm gì để chẩn đoán nguyên nhân?
3. Nguyên nhân khiến tôi bị sưng hạch bạch nách là gì?
4. Tình trạng bệnh của tôi có nghiêm trọng không?
5. Những biến chứng tôi có thể gặp phải khi bị sưng hạch bạch nách?
6. Bị sưng hạch bạch nách không điều trị có thể tự khỏi không?
7. Tôi nên điều trị sưng hạch bạch nách bằng thuốc hay phẫu thuật?
8. Những lợi ích và rủi ro liên quan đến các chỉ định điều trị?
9. Thời gian điều trị sưng hạch bạch nách bao lâu thì khỏi?
10. Chi phí điều trị sưng hạch bạch nách tốn bao nhiêu? Có dùng BHYT được không?
Sưng hạch bạch nách là dấu hiệu cảnh báo rất nhiều vấn đề sức khỏe hoặc tình trạng bệnh lý nguy hiểm. Đa số trường hợp bị sưng hạch bạch nách nếu không tự thuyên giảm, bắt buộc phải can thiệp điều trị y tế bằng thuốc hoặc phẫu thuật nhằm loại bỏ căn nguyên. Kết hợp chăm sóc tích cực để sớm phục hồi sức khỏe, ngăn ngừa biến chứng và giảm nguy cơ tái phát lâu dài.
Xem thêm:
- Mụn nhọt ở nách sưng đau nguy hiểm và cách trị an toàn
- Viêm da dị ứng ở nách có nguy hiểm không? Chữa bằng cách nào?
Giải đáp thắc mắc của độc giả cùng chuyên gia của chúng tôi!