Chứng Rối loạn ăn uống

Rối loạn ăn uống là tình trạng tâm lý bất ổn làm thay đổi thói quen ăn uống ở mức độ tiêu cực. Nhiều trường hợp rối loạn ăn uống đến mức cực đoan gây ra những hậu quả nghiêm trọng đối với sức khỏe, thậm chí dẫn đến tử vong nếu không điều trị kịp thời. Chứng rối loạn ăn uống có thể được điều trị hiệu quả bằng phương pháp trị liệu tâm lý, dùng thuốc kết hợp ăn uống khoa học. 

Tổng quan

Rối loạn ăn uống (Eating disorders) là vấn đề sức khỏe có mối liên hệ mật thiết với sức khỏe tinh thần. Khi mắc bệnh này, người bệnh vừa ảnh hưởng đến sức khỏe thể chất vừa ảnh hưởng đến hành vi, cảm xúc. Bất kỳ đối tượng, lứa tuổi, giới tính, chủng tộc, sắc tộc đều có thể mắc phải chứng bệnh này.

Rối loạn ăn uống là vấn đề sức khỏe tâm lý nghiêm trọng gây ảnh hưởng đến thể chất và cảm xúc của người bệnh

Các triệu chứng của rối loạn ăn uống phát triển khác nhau ở từng trường hợp, tùy theo từng dạng rối loạn như ăn uống vô độ, không ăn được, ăn vào nôn ra... Nguyên nhân của chứng bệnh này rất phức tạp, có thể liên quan đến yếu tố di truyền, môi trường, tâm lý cùng các yếu tố về văn hóa, xã hội gây tác động đến sức khỏe tâm thần.

Đa số các trường hợp rối loạn ăn uống chỉ ở mức độ nhẹ hoặc trung bình, có thể kiểm soát được. Nhưng trong những trường hợp nghiêm trọng, chứng rối loạn ăn uống có thể gây ra nhiều hậu quả nghiêm trọng tới sức khỏe, thậm chí đe dọa tính mạng nếu không được điều trị kịp thời.

Phân loại

Có nhiều dạng rối loạn ăn uống khác nhau. Một người có thể mắc ít nhất là 1 hoặc nhiều dạng rối loạn ăn uống cùng lúc. Có 3 dạng rối loạn ăn uống phổ biến nhất gồm:

Có rất nhiều dạng rối loạn ăn uống khác nhau như chứng chán ăn, cuồng ăn hoặc ăn nôn...

  • Chứng chán ăn tâm thần (Anorexia nervosa): Người mắc hội chứng chán ăn thường là do tâm lý suy nghĩ tiêu cực về cân nặng, bắt buộc bản thân phải ăn kiêng một số loại thức ăn, thậm chí nặng hơn là nhịn đói trong thời gian dài.
  • Chứng cuồng ăn (Bulimia nervosa): Đặc trưng bởi các đợt ăn uống vô độ nhưng ăn vào lại nôn ra. Ăn nhiều nưng khả năng hấp thu kém khiến người bệnh càng mất kiểm soát vào việc ăn uống, kèm theo cảm giác mệt mỏi, cảm thấy xấu hổ hoặc tội lỗi về hành vi của mình.
  • Chứng rối loạn ăn uống vô độ (Binge eating disorder): Đặc trưng bởi hành vi ăn uống liên tục, không kiểm soát. Họ có thể nap vào cơ thể một lượng lớn thức ăn ngay cả khi không thấy đói.
  • Các dạng khác: Ngoài các dạng rối loạn ăn uống vừa kể trên, chứng bệnh này còn nhiều dạng khác nhau như ăn vào nhổ ra, ăn nhiều nhưng không nôn...

Nguyên nhân và yếu tố nguy cơ

Cho đến nay, nguyên nhân chính xác gây ra chứng rối loạn ăn uống vẫn chưa được xác định rõ ràng. Tuy nhiên, với những kết quả nghiên cứu khoa học, các chuyên gia khẳng định sự kết hợp của các yếu tố như di truyền, môi trường và xã hội làm tăng nguy cơ khởi phát tình trạng này.

Rối loạn ăn uống có thể xảy ra do ảnh hưởng từ các yếu tố như di truyền, tâm lý và môi trường bên ngoài

Cụ thể như sau:

  • Yếu tố di truyền: Tiền sử gia đình đã từng có người mắc chứng rối loạn ăn uống khiến những người khác, đặc biệt là con cái có nhiều khả năng tự phát triển căn bệnh này.
  • Yếu tố môi trường: Đây cũng là yếu tố quan trọng góp phần vào sự phát triển của chứng rối loạn ăn uống. Chẳng hạn như chấn thương, áp lực về ngoại hình, cân nặng, tiền sử bị lạm dụng, body shaming, lòng tự trọng thấp... khiến nhiều người rơi vào trạng thái rối loạn ăn uống một cách tiêu cực.
  • Các yếu tố khác:
    • Tiền sử mắc các bệnh như rối loạn lo âu, rối loạn ám ảnh cưỡng chế...;
    • Tiền sử ăn kiêng giảm cân;
    • Ảnh hưởng từ bệnh tiểu đường (theo thống kê có khoảng 1/4 phụ nữ mắc bệnh tiểu đường type 1 mắc chứng rối loạn ăn uống);
    • Gặp các cú sốc tâm lý như mất người thân, chia tay, ly hôn, thay đổi chỗ ở, môi trường làm việc...;

Triệu chứng và chẩn đoán

Triệu chứng 

Tùy theo từng dạng rối loạn ăn uống mà các triệu chứng sẽ có biểu hiện khác nhau. Nhiều người thường nhầm lẫn giữa các triệu chứng này với những biểu hiện trong giai đoạn ăn kiêng. Trên thực tế, chính các chuyên gia cũng cho rằng triệu chứng rối loạn ăn uống rất mơ hồ và dễ nhầm lẫn.

Bệnh nhân rối loạn ăn uống thường có nỗi ám ảnh về ăn uống và cân nặng, tăng giảm cân nặng đột ngột,...

Tuy nhiên, vẫn sẽ có những dấu hiệu cơ bản về tình trạng này như:

  • Ám ảnh về ăn uống & cân nặng: Những người mắc chứng rối loạn ăn uống thường có nỗi ám ảnh, lo sợ tiêu cực về việc ăn uống và cân nặng. Họ sẽ liên tục suy nghĩ về những loại thực phẩm mà bản thân nạp vào trong cơ thể, lượng calo trong thực phẩm sẽ khiến họ tăng cân...
  • Ăn uống hạn chế: Khi bị rối loạn ăn uống, người bệnh thường có xu hướng ăn uống tiêu cực, thậm chí đến mức cực đoan. Họ thường chỉ ăn lượng rất nhỏ thức ăn hoặc kiêng hoàn toàn các loại thực phẩm dinh dưỡng khác mà họ nghĩ rằng sẽ khiến bản thân tăng cân.
  • Ăn uống vô độ: Đây là dấu hiệu của những người mắc chứng rối loạn ăn uống vô độ. Họ thường tiêu thụ lượng lớn thức ăn trong thời gian ngắn, ăn đến mức không thể kiểm soát và có cảm giác tội lỗi, xấu hổ ngay sau đó.
  • Hành vi tiêu cực: Những người mắc chứng cuồng ăn thường có hành vi kích thích nôn ói, sử dụng thuốc giảm cân cấp tốc hoặc thuốc nhuận tràng nhằm loại bỏ lượng calo mà bản thân đã tiêu thụ thông qua thực phẩm.
  • Rối loạn cân nặng: Những người mắc chứng rối loạn ăn uống thường bị rối loạn cân nặng, có thể tăng cân hoặc sụt cân nhanh chóng, không kiểm soát.
  • Các triệu chứng về thể chất: Một loạt các triệu chứng về thể chất khi bị rối loạn ăn uống như thường xuyên mệt mỏi, hoa mắt, chóng mặt, rối loạn kinh nguyệt, rụng tóc, vã mồ hôi về đêm, bốc hỏa...
  • Các triệu chứng về cảm xúc & tinh thần: Chẳng hạn như lo lắng, sợ hãi, ám ảnh, chỉ muốn ở một mình và rơi vào trầm cảm.

Chẩn đoán

Hầu hết những người mắc chứng rối loạn ăn uống thường có xu hướng che giấu bệnh và không chịu thăm khám. Điều này càng khiến bệnh tiến triển nặng, chẩn đoán và điều trị khó khăn.

Để chẩn đoán chính xác tình trạng và dạng rối loạn ăn uống mà người bệnh đang gặp phải. Các chuyên gia sẽ chỉ định thực hiện một số các kiểm tra và xét nghiệm cần thiết dưới đây, sau đó tiến hành chẩn đoán thông qua các tiêu chuẩn được liệt kê trong Cẩm nang Chẩn đoán và Thống kê Rối loạn tâm thần (DSM-5).

Chẩn đoán rối loạn ăn uống thường thông qua sự kết hợp của các bài kiểm tra thể chất, đánh giá tâm lý và xét nghiệm thường quy

Cụ thể như sau:

  • Khám sức khỏe: Tiến hành thăm khám kiểm tra các dấu hiệu về suy giảm thể chất, suy dinh dưỡng có liên quan đến rối loạn ăn uống. Ở bước này, bác sĩ cũng sẽ khai thác thêm một số thông tin về thói quen và hành vi ăn uống, có ăn kiêng hay không, thói quen tập thể dục...
  • Đánh giá tâm lý: Một số bài test tâm lý được bác sĩ chỉ định nhằm đánh giá tình trạng tâm lý của bệnh nhân, khoanh vùng và xác định các yếu tố tâm lý tiềm ẩn góp phần gây ra tình trạng rối loạn ăn uống.
  • Các xét nghiệm khác: Nhằm tìm kiếm các các vần đề sức khỏe bất thường góp phần gây ra rối loạn ăn uống. Chẳng hạn như:
    • Xét nghiệm máu;
    • Xét nghiệm nước tiểu;
    • Xét nghiệm chức năng gan, thận, tuyến giáp;
    • Chụp X quang;
    • Đo điện tâm đồ;

Biến chứng và tiên lượng

Rối loạn ăn uống là tình trạng sức khỏe tâm thần nghiêm trọng gây ảnh hưởng đến rất nhiều người trên thế giới, không phân biệt giới tính, độ tuổi, quốc gia, chủng tộc hay sắc tộc. Theo thống kê, đây là chứng rối loạn tâm thần gây chết người nhiều thứ hai trên toàn thế giới, chỉ sau chứng rối loạn sử dụng opioid.

Rối loạn ăn uống gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe thể chất và tâm lý nếu không điều trị sớm

Ngoài ra, đối với những người bị rối loạn ăn uống chán ăn, hạn chế kiêng khem quá mức lượng calo hoặc nôn mửa quá mức sau ăn có thể gây ra những ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe tổng thể. Chẳng hạn như:

  • Chứng trào ngược axit dạ dày thực quản (GERD);
  • Các vấn đề về rối loạn dạ dày - ruột;
  • Tụt huyết áp;
  • Mất nước do tiêu chảy nghiêm trọng và táo bón;
  • Rối loạn nhịp tim, tăng nguy cơ suy tim và nhiều vấn đề tim mạch khác (đột quỵ);
  • Suy đa tạng, trong đó có tổn thương não;
  • Loãng xương, răng;
  • Rối loạn kinh nguyệt nghiêm trọng, vô kinh kéo dài tăng nguy cơ vô sinh;

Mặc dù chứng rối loạn ăn uống có thể gây ra nhiều biến chứng sức khỏe khó lường. Tuy nhiên, chỉ cần phát hiện bệnh sớm và tích cực điều trị kịp thời, bệnh sẽ nhanh chóng được kiểm soát, sức khỏe hồi phục tốt và tiếp cục cuộc sống khỏe mạnh bình thường.

Thông thường, tùy theo mức độ nghiêm trọng của bệnh mà bác sĩ sẽ yêu cầu bệnh nhân điều trị nội trú hoặc ngoại trú. Trường hợp rối loạn ăn uống nặng nhưng không điều trị có thể phát triển các biến chứng đe dọa tính mạng. Do đó, hãy chú ý đến những dấu hiệu bất thường và kịp thời đến bệnh viện thăm khám, điều trị.

Điều trị

Điều trị chứng rối loạn ăn uống khá phức tạp, cần có sự phối hợp của nhiều liệu pháp, chẳng hạn như:

Trị liệu tâm lý kết hợp tư vấn dinh dưỡng là phương pháp điều trị hiệu quả đối với hầu hết các trường hợp rối loạn ăn uống

  • Trị liệu tâm lý: Bản chất của rối loạn ăn uống xuất phát từ các vấn đề tâm lý nên cách điều trị đầu tiên phải là ổn định tâm lý. Liệu pháp trị liệu tâm lý được áp dụng nhiều nhất để điều trị rối loạn ăn uống tính đến thời điểm hiện tại là liệu pháp nhận thức hành vi (CBT). Phương pháp này giúp giải quyết các yếu tố tâm lý tiềm ẩn, thay đổi suy nghĩ lệch lạc dẫn đến hành vi và cảm xúc của người bệnh.
  • Điều chỉnh thói quen ăn uống: Chuyên gia, bác sĩ sẽ tập trung tư vấn dinh dưỡng cho bệnh nhân mắc chứng rối loạn ăn uống. Điều này giúp hình thành thói quen ăn uống lành mạnh và giúp họ học cách kiểm soát lượng thức ăn với số lượng calo phù hợp vào trong cơ thể hàng ngày.
  • Điều trị bằng thuốc: Trong một số trường hợp cần thiết, bác sĩ có thể kê toa thuốc hỗ trợ điều trị triệu chứng tâm lý như thuốc chống trầm, giảm cảm giác lo lắng khi đối diện với các loại thức ăn.
  • Các biện pháp khắc phục tại nhà: Để hỗ trợ cải thiện nhanh chóng tình trạng rối loạn ăn uống, bệnh nhân có thể thực hiện tích cực các biện pháp sau:
    • Thực hành chánh niệm: Chẳng hạn như tập yoga hoặc thiền định. Điều này sẽ giúp hỗ trợ cải thiện cảm giác lo lắng, căng thẳng và hỗ trợ cải thiện triệu chứng khác liên quan đến rối loạn ăn uống.
    • Ăn uống khoa học: Điều này chỉ có thể thực hiện được khi người bệnh đã ý thức rõ ràng về tình trạng sức khỏe của bản thân. Từ đó, thiết lập thói quen ăn uống lành mạnh, không ăn quá nhiều cũng không nhịn ăn.
    • Tìm kiếm sự hỗ trợ: Nếu có thể, hãy mở lòng và tìm kiếm sự hỗ trợ từ người thân, gia đình, bạn bè hoặc các nhóm hỗ trợ cộng đồng có thể giúp bản thân cảm thấy tốt hơn về mặt tâm lý, bớt cảm giác bị cô lập và có động lực để hồi phục nhanh hơn.

Phòng ngừa

Chủ động phòng ngừa là cách tốt nhất để ngăn chặn sự phát triển của chứng rối loạn ăn uống. Đây là chứng bệnh về tâm lý nên rất khó có thể phòng ngừa tuyệt đối, chỉ có thể giảm nguy cơ bằng cách tránh thực hiện những yếu tố rủi ro liên quan. Bao gồm:

  • Tạo dựng lối suy nghĩ tích cực về mọi khía cạnh trong cuộc sống, bao gồm cả về hình thể, cân nặng và thái độ lạc quan về những lời nói chê bai ngoại hình. Điều này sẽ giúp bạn ngăn chặn sự phát triển chứng rối loạn ăn uống.
  • Xây dựng thói quen ăn uống lành mạnh, vừa đảm bảo cân bằng dinh dưỡng vừa tốt cho sức khỏe. Không nên ăn uống vô độ nhưng cũng hạn chế việc ăn kiêng quá mức để giảm nguy cơ gây ra chứng rối loạn ăn uống.
  • Phát hiện và xử lý ngay các yếu tố tâm lý tiềm ẩn như rối loạn lo âu, rối loạn lưỡng cực, rối loạn ám ảnh cưỡng chế và trầm cảm càng sớm càng tốt.

Những câu hỏi quan trọng khi đi khám

1. Có phải tôi đang có những triệu chứng của rối loạn ăn uống không?

2. Nguyên nhân tại sao tôi mắc chứng rối loạn ăn uống?

3. Tôi mắc chứng rối loạn ăn uống dạng nào? Có nghiêm trọng không?

4. Chứng rối loạn ăn uống gây ảnh hưởng như thế nào đến sức khỏe và tâm lý của tôi?

5. Phương pháp điều trị hiệu quả nhất đối với tình trạng rối loạn ăn uống của tôi?

6. Bị rối loạn ăn uống nên dùng thuốc gì tốt nhất? Có gây tác dụng phụ không?

7. Điều trị rối loạn ăn uống mất bao lâu thì khỏi hoàn toàn?

8. Rối loạn ăn uống có thể tái phát lại sau điều trị không?

Rối loạn ăn uống là tình trạng sức khỏe nghiêm trọng liên quan đến vấn đề tâm lý. Nếu không điều trị kịp thời có thể gây ra những ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe thể chất và tinh thần của người bệnh. Do đó, bất cứ khi nào phát hiện bản thân có những dấu hiệu bất ổn, hãy chủ động đến bệnh viện thăm khám sớm để được chẩn đoán và tư vấn hướng điều trị tốt nhất.

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Chia sẻ:

Giải đáp thắc mắc của độc giả cùng chuyên gia của chúng tôi!

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

[ads_sidebar]
Xem nhiều

Đặt câu hỏi

Chia sẻ
Bỏ qua