Bệnh Tinh dịch có máu
Tinh dịch có máu là vấn đề sức khỏe nam khoa được nhiều quý ông quan tâm. Tình trạng này thường xảy ra ở nam giới dưới 40 tuổi và liên quan đến các yếu tố như chấn thương, rối loạn chảy máu, ung thư... Tình trạng này có thể là dấu hiệu tiềm ẩn của nhiều bệnh lý nguy hiểm khác. Điều trị y tế nhằm mục tiêu kiểm soát triệu chứng, ngăn chặn máu lẫn vào tinh dịch và phòng ngừa các biến chứng khó lường.
Tổng quan
Tinh dịch có máu (Haematospermia/ Blood In Semen) là tình trạng tinh dịch nam giới có lẫn máu và có thể là dấu hiệu cảnh báo nhiều bệnh lý nam khoa nguy hiểm. Nam giới dưới 40 tuổi có nguy cơ mắc bệnh cao do hưởng từ tình trạng viêm nhiễm, thói quen tình dục kém an toàn...
Tùy theo từng nguyên nhân cụ thể mà lượng máu trong tinh dịch sẽ thay đổi khác nhau, có thể nhiều hoặc ít hơn. Tình trạng này không hiếm gặp, trung bình khoảng 10 nam giới, có đến 9 người đã từng gặp phải hiện tượng tinh dịch có máu.
Nguyên nhân và yếu tố nguy cơ
Tinh dịch là sản phẩm của hệ thống sinh dục nam và được sản xuất bởi tinh hoàn, sau đó chúng nằm trong lớp biểu bì để được nuôi dưỡng. Tinh dịch thường được phóng ra khi các cơ này co bóp để đẩy tinh trùng ra ngoài. Tinh dịch có lẫn máu khi xuất tinh có thể xảy ra do nhiều nguyên nhân khác nhau, bao gồm:
Nguyên nhân nguyên phát
Đây là nhóm nguyên nhân không rõ và đến nay vẫn chưa được xác định căn nguyên chính xác. Không có bất kỳ bằng chứng khoa học nào cho thấy những bất thường về cấu trúc hoặc chức năng liên quan đến hệ thống sinh dục, tiết niệu.
Nguyên nhân thứ phát
Đa số các trường hợp nam giới gặp phải tình trạng tinh dịch có máu thường xuất phát từ nhóm nguyên nhân thứ phát. Liên quan đến nhiều bệnh lý tiềm ẩn sau đây:
Viêm nhiễm
Sự xâm nhập và phát triển của các loại vi khuẩn bên trong hệ sinh dục - tiết niệu có thể gây tổn thương, sưng viêm tuyến tiền liệt, ống dẫn tinh, mào tinh hoàn, túi tinh, niệu đạo... Hậu quả của tình trạng nhiễm trùng này có thể dẫn đến xuất huyết. Lượng máu này có thể lẫn vào trong tinh dịch và được xuất ra ngoài khi quan hệ tình dục.
Ngoài ra, các yếu tố khác như sỏi tuyến tiền liệt, chấn thương, mắc các bệnh lây truyền qua đường tình dục (lậu, muộn rộp), calcai hóa tuyến tiền liệt... cũng có thể gây ra tình trạng tinh dịch có máu. Một số tác nhân vi sinh vật thường gặp như trực khuẩn lao, Escherichia Coli, nấm Chlamydia, vi khuẩn gram dương...
Tắc nghẽn túi tinh
Những trường hợp ống dẫn tinh, phóng tinh bị tắc nghẽn có thể khiến các mạch máu xung quanh bị tổn thương, giãn và vỡ ra. Tình trạng này dễ gặp nhất đối với những nam giới mắc chứng phì đại tuyến tiền liệt. Hậu quả tạo áp lực lớn lên niệu đạo và gây ra tình trạng tinh dịch có máu.
Khối u ung thư
Các khối polyp lành tính hoặc khối u ung thư tinh hoàn hoặc ung thư mào tinh hoàn, ung thư bàng quang, ung thư tuyến tiền liệt, ung thư ống dẫn tinh, u niệu đạo... cũng có thể khiến máu xuất hiện trong tinh dịch của nam giới.
Chấn thương
Một số chấn thương thể chất như va chạm hoặc bị đấm mạnh vào tinh hoàn, có thể vô tình hay cố ý đều dẫn đến tổn thương và gây xuất hiện máu trong tinh dịch. Nguyên nhân là do các mạch máu bị rò rỉ, chúng lẫn vào nhiều cơ quan khác, trong đó có ống dẫn tinh.
Ngoài ra, các kỹ thuật y tế như thăm khám bệnh tuyến tiền liệt, thắt ống dẫn tinh hoặc sinh thiết cũng có thể khiến máu xuất hiện trong tinh dịch.
Ảnh hưởng từ một số bệnh lý khác
Bao gồm:
- Huyết áp cao không kiểm soát;
- Nhiễm virus HIV gây suy giảm miễn dịch ở người;
- Bệnh xơ gan;
- Bệnh bạch cầu;
- Bệnh rối loạn đông máu;
- Bệnh hồng cầu hình liềm;
- Tác dụng phụ của một số loại thuốc (Warfarin);
Triệu chứng và chẩn đoán
Triệu chứng
Sự hiện diện của máu trong tinh dịch khiến tinh dịch có màu đỏ, hồng là dấu hiệu điển hình nhất của căn bệnh này. Một số trường hợp có thể có hoặc không kèm theo bất kỳ dấu hiệu nào khác. Trường hợp có kèm theo các triệu chứng khác, thường là các dấu hiệu sau:
- Đau rát, khó chịu vùng sinh dục, nhất là khi đi tiểu hoặc xuất tinh;
- Mệt mỏi, sốt (dấu hiệu của nhiễm trùng);
- Triệu chứng thường xuất hiện dai dẳng, tái đi tái lại thường xuyên;
Chẩn đoán
Để chẩn đoán chính xác nguyên nhân và mức độ nghiêm trọng của tình trạng tinh dịch có máu, bác sĩ sẽ chỉ định thực hiện kết hợp 2 hình thức thăm khám là lâm sàng và cận lâm sàng. Cụ thể như sau:
Thăm khám lâm sàng
- Khai thác tiền sử bệnh cá nhân và yêu cầu bệnh nhân cung cấp các triệu chứng bản thân đang gặp phải, thời gian xuất tinh ra máu trong bao lâu, khi nào thì xảy ra, tiền sử dùng thuốc hoặc bất kỳ thủ thuật y tế trước đó bản thân đã thực hiện...
- Tiến hành kiểm tra sức khỏe thể chất, tìm kiếm các dấu hiệu như khối u, sưng đỏ hoặc có kèm theo hiện tượng tiết dịch ở cơ quan sinh dục hay không.
- Đo huyết áp, kiểm tra trực tràng đánh giá tổn thương ở tuyến tiền liệt (nếu có).
Xét nghiệm cận lâm sàng
Có rất nhiều nguyên nhân khiến tinh dịch có máu, do đó nếu chỉ đánh giá thông qua triệu chứng lâm sàng sẽ không thể chẩn đoán chính xác căn nguyên gây ra tình trạng này. Bắt buộc phải thực hiện kết hợp với một số xét nghiệm cận lâm sàng sau đây:
- Xét nghiệm nước tiểu;
- Xét nghiệm máu;
- Xét nghiệm tinh dịch;
- Xét nghiệm Mantoux hoặc xét nghiệm phản ứng PCR với trực khuẩn lao;
- Các xét nghiệm hình ảnh như siêu âm ổ bụng, nội soi bàng quang - niệu đạo, nội soi túi tinh, chụp cộng hưởng từ MRI, cắt lớp vi tính CT scan...;
Biến chứng và tiên lượng
Sự xuất hiện của máu trong tinh dịch hoàn toàn là một điều bất thường, chắc chắn là dấu hiệu cảnh báo nhiều bệnh lý tiềm ẩn nguy hiểm khó lường gây ảnh hưởng đến sức khỏe và nhiều khía cạnh khác trong đời sống của bệnh nhân. Theo thống kê, đa số các trường hợp bệnh thường không nghiêm trọng và có thể kiểm soát được nếu phát hiện, điều trị kịp thời.
Một trong những hệ lụy khó lường nhất của tình trạng tinh dịch có máu đó là tổn thương cấu trúc trong hệ thống sinh sản như tinh hoàn, mào tinh hoàn, túi tinh, ống dẫn tinh, tuyến tiền liệt... Hậu quả có thể dẫn đến giảm hoặc mất hoàn toàn khả năng sinh sản.
Ngoài ra, nhiễm trùng dai dẳng khiến các quý ông không thể thực hiện tốt chức năng tình dục, không còn ham muốn. Điều này ảnh hưởng rất lớn đến mối quan hệ vợ chồng, dễ rạn nứt và tăng nguy cơ vô sinh.
Điều trị
Điều trị tình trạng tinh dịch có máu được chỉ định dựa trên kết quả thăm khám và mức độ nghiêm trọng của tình trạng bệnh.
Thông thường, nếu người bệnh dưới 40 tuổi bị tinh dịch có máu nhưng không có bất kỳ triệu chứng nào, cũng không phát hiện yếu tố rủi ro nào kèm theo, thì không nhất thiết phải điều trị. Tình trạng bệnh sẽ dần được cải thiện và tự khỏi theo thời gian.
Tuy nhiên, với những trường hợp tinh dịch có máu được xác định do những nguyên nhân cụ thể, bác sĩ sẽ chỉ định áp dụng biện pháp điều trị y tế phù hợp. Mục tiêu điều trị nhằm kiểm soát căn nguyên gây bệnh, cải thiện triệu chứng và ngăn ngừa biến chứng.
Điều trị bằng thuốc
Nam giới bị tinh dịch có máu do viêm nhiễm, nhiễm trùng sẽ được chỉ định dùng thuốc kháng sinh để loại bỏ viêm nhiễm, cải thiện triệu chứng bệnh hiệu quả và nhanh chóng. Tùy theo chủng vi sinh vật gây bệnh, đặc điểm và tính chất của chúng, bác sĩ sẽ kê toa thuốc phù hợp. Một số loại kháng sinh thường dùng như nhóm tetracycline, quinolon...
Ngoài thuốc kháng sinh, một số trường hợp tinh dịch có máu khác cũng được chỉ định dùng thuốc như:
- Thuốc Finasteride (Proscar) giúp thu nhỏ tuyến tiền liệt bị phì đại quá mức nhằm cải thiện tình trạng xuất tinh lẫn máu;
- Thuốc chống viêm, giảm đau;
- Thuốc chẹn alpha hoặc thuốc ức chế 5-alpha reductase giúp giảm thiểu lượng máu trong tinh dịch;
- Một số loại thuốc khác;
Phẫu thuật
Với những trường hợp bị tinh dịch có máu xuất phát từ các nguyên nhân nghiêm trọng hơn do tắc nghẽn túi tinh, nang túi tinh, sỏi túi tinh, ung thư tinh hoàn, ung thư tuyến tiền liệt, ung thư ống dẫn tinh hoặc giãn tĩnh mạch niệu đạo... thường được chỉ định điều trị phẫu thuật càng sớm càng tốt.
Tuy nhiên, dù phẫu thuật bằng kỳ hình thức nào, phương pháp này đều tiềm ẩn một số rủi ro khó lường. Do đó, hãy trao đổi với bác sĩ để được thăm khám và tư vấn phương án điều trị chính xác nhất.
Phòng ngừa
Mặc dù đa số các trường hợp mắc bệnh Hematospermia đều không quá nghiêm trọng, nhưng nó có thể là nguyên nhân khiến nam giới lo lắng về sức khỏe thể chất, khả năng tình dục và sinh sản của mình. Do đó, hãy chú ý thực hiện các biện pháp tích cực dưới đây để phòng ngừa bệnh từ sớm:
- Thực hành quan hệ tình dục an toàn, sử dụng bao cao su để giảm nguy cơ mắc các bệnh lây truyền qua đường tình dục.
- Quan hệ nhẹ nhàng, tình cảm tránh thô bạo, hạn chế thủ dâm giảm nguy cơ gây chấn thương cơ quan sinh dục.
- Thực hiện lối sống lành mạnh, ăn uống phù hợp, tập thể dục điều độ, nói không với thuốc lá, rượu bia và các chất kích thích khác để tăng cường sức khỏe, giảm nguy cơ viêm nhiễm, tránh gây tinh dịch có máu.
- Thường xuyên thăm khám sức khỏe định kỳ, kiểm tra các chỉ số sức khỏe quan trọng và làm các tầm soát bệnh như ung thư, bệnh mãn tính... để sớm phát hiện các dấu hiệu bất thường gây tinh dịch có máu, kịp thời điều trị ngăn ngừa các biến chứng khó lường.
Những câu hỏi quan trọng khi đi khám
1. Lý do tại sao tôi bị xuất tinh ra máu?
2. Tinh dịch có máu là dấu hiệu của bệnh gì?
3. Tôi cần thực hiện những xét nghiệm nào để chẩn đoán căn nguyên và mức độ của tình trạng dịch có máu?
4. Bản thân tôi bị xuất tinh ra máu có nguy hiểm không? Có chữa khỏi được không?
5. Bị tinh dịch có máu có ảnh hưởng đến khả năng sinh sản không?
6. Phương pháp điều trị tốt nhất dành cho trường hợp bệnh của tôi?
7. Tôi cần làm gì và tránh làm gì trong quá trình điều trị tinh dịch có máu?
8. Điều trị bệnh mất bao lâu thì khỏi hoàn toàn?
9. Chi phí điều trị tinh dịch có máu có tốn kém không? Dùng BHYT được không?
10. Tình trạng tinh dịch có máu có tái phát trở lại sau điều trị không?
Tinh dịch có máu là tình trạng bất thường về sức khỏe nam khoa do nhiều nguyên nhân gây ra. Các chuyên gia khuyến cáo dù tình trạng bệnh nặng hay nhẹ cũng đều phải nhanh chóng thăm khám và tìm kiếm các biện pháp điều trị, chăm sóc y tế phù hợp giúp ngăn chặn tiến triển bệnh ngày càng nặng, phòng ngừa biến chứng khó lường về sau.
CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM
- Xét nghiệm tinh trùng (tinh dịch đồ) là gì? Cách đọc kết quả
- Tràn dịch tinh hoàn có nguy hiểm không, chữa thế nào?
Giải đáp thắc mắc của độc giả cùng chuyên gia của chúng tôi!