Bệnh Ung thư cột sống
Ung thư cột sống là dạng ung thư hiếm gặp nhưng cực kỳ nguy hiểm. Sự tăng trưởng bất thường của các tế bào ác tính xuất hiện ở cột sống. Đa số các trường hợp được chẩn đoán ung thư cột sống là do di căn từ các cơ quan khác. Tiên lượng ung thư cột sống thường xấu do phát hiện và điều trị muộn.
Tổng quan
Ung thư cột sống (Spinal Cancer) là những khối u ác tính bất thường phát triển bên trong tủy sống hoặc trên xương cột sống. So với những khối u lành tính, khối u ung thư ác tính thường có tiến triển nhanh chóng, gây tổn thương đến các mô, phá hủy toàn bộ cấu trúc và chức năng của cột sống.
Đa số các trường hợp phát triển khối u cột sống là kết quả của khối u ung thư di căn từ các cơ quan khác trong cơ thể. Đây là thể thứ phát, chiếm tỷ lệ phổ biến trong tổng số các ca mắc ung thư cột sống (90%). Riêng những trường hợp khối u ung thư phát triển đầu tiên tại cột sống thường rất hiếm gặp (thể nguyên phát).
So với các dạng ung thư khác, ung thư cột sống khá hiếm. Tuy nhiên, bất cứ ai cũng có thể mắc phải, nhất là ở người lớn tuổi từ 65 - 74 và trẻ em từ 10 - 16 tuổi. Ngoài ra, những người có tiền sử ung thư phổi, vú, tuyến tiền liệt, thận, tuyến giáp... thường có nguy cơ cao phát triển ung thư cột sống do di căn.
Phân loại
Khối u ung thư cột sống được phân loại dựa theo nhiều tiêu chí như nơi bắt đầu phát, vị trí và tính chất của khối u. Cụ thể gồm:
- Nơi phát triển khối u đầu tiên:
- Ung thư cột sống nguyên phát: Là những khối u bắt nguồn từ cột sống. Chúng có thể phát triển ở nhiều nơi như đĩa đệm, xương, dây thần kinh và nhiều mô khác bên trong cột sống. Trong đó, đa u tủy và u xương ác tính là 2 trong rất nhiều khối u ung thư cột sống nguyên phát phổ biến.
- Ung thư cột sống thứ phát: Là những khối u phát triển ở cột sống do tế bào ung thư di căn lan từ các cơ quan khác sang. Chẳng hạn như:
- Ung thư phổi;
- Ung thư vú;
- Ung thư tuyến tiền liệt;
- Ung thư máu (bệnh bạch cầu);
- Ung thư da;
- Ung thư tuyến giáp;
- Ung thư đường tiêu hóa;
- Ung thư hạch bạch huyết;
- Vị trí giải phẫu:
- Khối u trong màng cứng - ngoài khung: Là những khối u xuất hiện bên trong lớp vỏ mỏng của tủy sống (màng cứng), nhưng lại nằm bên ngoài khu vực tủy sống. Theo thống kê, có khoảng 40% khối u ung thư cột sống nằm ở khu vực này.
- Khối u ngoài màng cứng: Loại khối u này nằm bên ngoài màng cứng, có thể ở nhiều vị trí, thường là ở đốt sống. Khoảng 55% trường hợp ung thư cột sống xuất hiện ở vị trí này.
- Khối u nội tủy: Loại khối u này khởi phát ngay bên trong tủy sống. Tỷ lệ mắc phải chỉ khoảng 5% khá hiếm.
- Tính chất khối u ung thư cột sống: Cột sống là hệ thống có cấu trúc phức tạp, gồm nhiều loại tế bào khác nhau. Nên mỗi trường hợp bị ung thư cột sống có thể xuất phát từ một trong những tế bào sau đây:
- U tế bào hình sao;
- Tế bào Chordoma;
- U màng não thất;
- U màng não;
- U nguyên bào mạch máu;
- Glioblastoma;
- U xơ thần kinh;
- U mạch máu cột sống;
- U Schwannoma;
Nguyên nhân và yếu tố nguy cơ
Cho đến nay, nguyên nhân của sự phát triển các tế bào ung thư bất thường vẫn chưa được hiểu rõ. Qua nhiều nghiên cứu, các chuyên gia nghi ngờ đột biến gen có thể góp phần vào sự phát triển của các tế bào này. Chúng có thể do di truyền hoặc tự phát ngẫu nhiên.
Tuy không thể xác định được nguyên nhân nhưng vẫn có một số yếu tố rủi ro làm tăng nguy cơ phát triển khối u ung thư cột sống. Chẳng hạn như:
- Tuổi tác: U cột sống thường xảy ra phổ biến ở người lớn tuổi. Đa số trường hợp là những người trên 50, trung bình từ 65 - 74 tuổi.
- Di truyền: Ung thư có khả năng di truyền gen bệnh qua từng thế hệ, nhất là những người có cùng huyết thống.
- Rối loạn miễn dịch: Những người bị suy giảm miễn dịch bẩm sinh hoặc suy yếu miễn dịch do nhiễm HIV/AIDS, đã từng trải qua cấy ghép nội tạng... thường có nguy cơ cao phát triển ung thư cột sống.
- Tiền sử ung thư: U cột sống thường xảy ra phổ biến ở những người có tiền sử ung thư trước đó.
- Một số yếu tố về môi trường sống: Chẳng hạn như tiếp xúc với hóa chất độc hại hoặc tia bức xạ cũng góp phần làm tăng nguy cơ khởi phát u cột sống ác tính.
Triệu chứng và chẩn đoán
Triệu chứng
Tùy theo vị trí, dạng tế bào và kích thước khối u mà triệu chứng u cột sống ác tính sẽ có những biểu hiện khác nhau. Trong giai đoạn đầu, các triệu chứng thường không có biểu hiện rõ ràng. Chỉ đến những giai đoạn sau, khi khối u phát triển ngày càng lớn, chèn ép vào tủy sống hoặc các mạch máu, rễ dây thần kinh, xương cột sống mới biểu hiện ra bên ngoài.
Các triệu chứng điển hình như:
- Có cảm giác tê bì, ngứa ran hoặc mất cảm giác ở tay, chân và vùng ngực;
- Suy nhược, yếu cơ;
- Co giật hoặc co thắt cơ;
- Cứng lưng, cứng cổ;
- Gặp khó khăn khi đi lại, thường xuyên té ngã;
- Mất độ nhạy với nhiệt độ hoặc cảm giác đau;
- Mất khả năng kiểm soát bàng quang hoặc ruột, gây đại - tiểu tiện không tự chủ;
- Biến dạng hoặc cong vẹo cột sống;
- Tê liệt nhẹ hoặc nặng, tùy vào vị trí phát triển khối u;
Chẩn đoán
Chẩn đoán ung thư cột sống được thực hiện thông qua kết hợp giữa thăm khám lâm sàng và làm các xét nghiệm cận lâm sàng. Cụ thể chi tiết từng bước như sau:
- Khám sức khỏe: Đa số bệnh nhân thường thăm khám hoặc nhập viện trong trạng thái triệu chứng bộc phát dữ dội. Lúc này, bác sĩ sẽ tiến hành thăm khám lâm sàng, đánh giá mức độ các triệu chứng. Kết hợp với khai thác một số thông tin về tiền sử bệnh, dựa vào kinh nghiệm bác sĩ sẽ đưa ra đánh giá sơ bộ về bệnh, sau đó chỉ định thực hiện các xét nghiệm cận lâm sàng cần thiết.
- Kiểm tra hình ảnh: Tùy từng trường hợp, có thể thực hiện các kỹ thuật như chụp CT, MRI, quét xương hoặc chụp cắt lớp phát xạ positron (PET) để phát hiện chính xác vị trí khối u xuất hiện. Đồng thời, dễ dàng quan sát để tìm kiếm các tổn thương liên quan, đo kích thước khối u để đưa ra phán đoán về mức độ nghiêm trọng.
- Sinh thiết: Nhằm kiểm tra khối u cột sống là u lành hay ác, cần phải lấy mẫu mô bệnh phẩm ở khối u để tiến hành sinh thiết phân tích. Cách này giúp ích rất nhiều trong việc đưa ra chẩn đoán chính xác về bệnh cũng như chọn lựa các phương pháp điều trị phù hợp. Cách lấy mẫu sinh thiết thường là phẫu thuật hoặc dùng kim tiêm để tiếp cận khối u chọc hút lấy mẫu.
- Xét nghiệm máu: Trong một số trường hợp, xét nghiệm máu có thể cần thiết nhằm đánh giá các bất thường về nồng độ các chất trong máu như canxi hoặc phospho kiềm. Những chất này thường được cơ thể giải phóng với số lượng lớn khi khối u ung thư phát triển làm phá vỡ các mô xương.
Biến chứng và tiên lượng
Bất kỳ loại ung thư ác tính nào cũng nguy hiểm, thậm chí đe dọa đến tính mạng của bệnh nhân. Và ung thư cột sống cũng không ngoại lệ. Nguyên nhân dẫn đến tử vong thường là do các biến chứng như di căn xương, tim, thận, gan hoặc tổn thương thần kinh vĩnh viễn.
Ngoài ra, sự phát triển quá mức của khối u cột sống ác tính trong thời gian dài, cũng có thể gây tổn thương xương cột sống. Hậu quả khiến cho toàn bộ hệ thống cột sống suy yếu, mất đi tính ổn định, tăng nguy cơ gãy xương, xẹp đốt sống. Trường hợp nghiêm trọng nhất là tổn thương tủy sống, người bệnh gặp phải các biến chứng nghiêm trọng, nặng nhất là tử vong.
Tuy nhiên, tiên lượng bệnh ung thư cột sống ở từng trường hợp cũng rất khác nhau. Phụ thuộc vào nhiều yếu tố như: vị trí khối u, kích thước, khối u nguyên phát hay di căn, phác đồ điều trị, khả năng đáp ứng điều trị... Chẳng hạn như, tỷ lệ sống sót sau 2 năm đối với ung thư cột sống di căn là 44% (ung thư vú/ ung thư tuyến tiền liệt) hoặc 9% (ung thư phổi).
Tóm lại, ung thư cột sống là căn bệnh nguy hiểm, tuy nhiên nếu được phát hiện, chẩn đoán và điều trị sớm, kết quả đạt được sẽ khả quan hơn. Đồng thời, khuyến cáo bệnh nhân nên chủ động thăm khám định kỳ hoặc kiểm tra sức khỏe ngay khi có những dấu hiệu bất thường để phát hiện ung thư sớm.
Điều trị
Tùy vào tình trạng sức khỏe, nguyên nhân, vị trí và kích thước khối u ở cột sống, bác sĩ sẽ hướng dẫn áp dụng phác đồ điều trị phù hợp tại từng thời điểm. Dưới đây là một số phương pháp điều trị ung thư cột sống phổ biến, bao gồm:
Phẫu thuật
Phẫu thuật thường được thực hiện ngay trong giai đoạn đầu phát hiện bệnh. Khối u lúc này chưa phát triển quá mức, số lượng ít nên cách tốt nhất là phẫu thuật loại bỏ càng sớm càng tốt.
Bác sĩ sẽ xem xét và đánh giá các yếu tố như độ tuổi, tình trạng sức khỏe và khả năng chịu đựng của bệnh nhân để chọn lựa kỹ thuật phẫu thuật phù hợp. Thông thường, việc phẫu thuật có thể được thực hiện thông qua cắt bỏ toàn bộ khối u để giảm áp lực cho cột sống. Nhất là đối với các khối u nguyên phát và được phát hiện ở giai đoạn sớm.
Nhưng riêng với những u ác tính xuất hiện bên trong tủy sống, việc cắt bỏ hoàn toàn là rất khó. Việc này có thể gây ra những tổn thương thần kinh nghiêm trọng khó lường.
Hiện nay, với sự phát triển hiện đại của y học, việc phẫu thuật loại bỏ khối u thường diễn ra nhanh chóng, ít đau đớn, biến chứng và đem lại hiệu quả cao. Trong đó, phương pháp sử dụng kính hiển vi với độ phóng đại lớn, công suất cao, kết hợp với những kỹ thuật khác giúp bác sĩ dễ phân biệt giữa khối u và các mô khỏe mạnh. Từ đó, tiếp cận và loại bỏ chúng khỏi cột sống một cách dễ dàng.
Trong một số trường hợp, các kỹ thuật như dùng sóng âm thanh tần số cao cũng có thể được áp dụng. Mục đích nhằm phá vỡ khối u mà không cần can thiệp xâm lấn. Đồng thời, hỗ trợ loại bỏ các mảnh vỡ trong quá trình phẫu thuật.
Hóa - Xạ trị liệu
Nhằm tiêu diệt các tế bào ung thư cột sống, cần sử dụng kết hợp nhiều liệu pháp khác nhau, bao gồm xạ trị và hóa trị.
Xạ trị
Xạ trị là phương pháp điều trị cần thiết đối với ung thư cột sống. Thường được kết hợp với hóa trị để tăng hiệu quả. Hoặc sau phẫu thuật, xạ trị được chỉ định thực hiện nhằm loại bỏ sạch các tế bào ung thư còn sót lại. Tùy theo mức độ triệu chứng, kích thước khối u lớn hay nhỏ, bác sĩ sẽ lên kế hoạch áp dụng bức xạ phù hợp.
Ngoài xạ trị thông thường, tức chiếu bức xạ trực tiếp lên toàn bộ cơ thể, trong đó có cột sống. Bệnh nhân cũng có thể áp dụng phương pháp phẫu thuật xạ trị lập thể (SRS). Đây là thủ thuật không xâm lấn, chùm tia bức xạ phát ra có khả năng tiếp cận chính đến vị trí khối u.
Hóa trị
Hóa trị là phương pháp sử dụng các loại thuốc/ hóa chất có khả năng tiêu diệt các tế bào ung thư ở cột sống hoặc nằm trong khắp cơ thể. Có nhiều hình thức sử dụng như uống trực tiếp hoặc tiêm vào tĩnh mạch. Riêng với một số khối u ung thư ác tính nằm ở cột sống, thuốc có thể tiêm trực tiếp vào dịch não tủy.
Để đạt hiệu quả tốt nhất, hóa trị nên áp dụng kết hợp với xạ trị để đạt hiệu quả tốt nhất. Tuy cách này hiệu quả, nhưng có thể gây ra một số tác dụng phụ như buồn nôn, nôn ói, mệt mỏi, chán ăn, rụng tóc, tăng nguy cơ nhiễm trùng...
Một số phương pháp điều trị y tế khác
Nhằm hỗ trợ điều trị, cải thiện triệu chứng và nâng cao chất lượng cuộc sống cho bệnh nhân, có thể kết hợp thực hiện các biện pháp sau:
- Dùng Corticosteroid: Một số bệnh nhân được kê toa sử dụng thuốc corticosteroid. Tác dụng của nó là giảm triệu chứng viêm sau phẫu thuật hoặc trong quá trình điều trị bằng bức xạ. Liều dùng thuốc cần được kiểm soát để ngăn ngừa các tác dụng phụ như suy yếu miễn dịch, tăng huyết áp, yếu cơ...
- Cấy ghép tế bào gốc tự thân: Trường hợp ung thư cột sống là do đa u tủy gây ra, có thể áp dụng phương pháp cấy ghép tế bào gốc tự thân (ASCT). Phương pháp này liên quan đến việc trích xuất tế bào gốc từ trong tủy xương hoặc máu ngoại vi để lưu trữ trong điều kiện an toàn. Sau đó, tiến hành hóa trị để tiêu diệt tế bào u tủy. Sau đó, tiến hành cấy tế bào gốc trở lại vào trong cơ thể thông qua tiêm tĩnh mạch.
Chăm sóc tại nhà
Ngoài các biện pháp điều trị y tế, một số biện pháp chăm sóc tại nhà giúp hỗ trợ cải thiện các triệu chứng ung thư cột sống. Bao gồm:
- Chườm nóng hoặc chườm lạnh tại vùng bị ảnh hưởng cải thiện triệu chứng đau, sưng viêm cột sống;
- Massage nhẹ nhàng tại vùng bị ảnh hưởng giúp giảm căng cơ và cải thiện tuần hoàn;
- Tích cực thực hiện các bài tập yoga hoặc kéo giãn cơ nhẹ nhàng hỗ trợ giảm đau, cải thiện tính linh hoạt cột sống;
- Xây dựng chế độ sinh hoạt khoa học, ăn uống điều độ và vận động tích cực giúp nâng cao chất lượng cuộc sống;
Phòng ngừa
Ung thư cột sống không có biện pháp phòng ngừa, chỉ có thể làm giảm nguy cơ rủi ro mắc phải bằng các biện pháp giảm trừ yếu tố nguy cơ. Chẳng hạn như:
- Hạn chế tiếp xúc với tia bức xạ, nhất là ở nơi làm việc để giảm nguy cơ phát triển khối u ung thư tại cột sống.
- Duy trì thực hiện lối sống lành mạnh, chế độ dinh dưỡng đủ chất, sử dụng thực phẩm lành mạnh, tập thể dục hàng ngày, nói không với thuốc lá, uống nhiều rượu để giảm nguy cơ phát triển ung thư cột sống.
- Thăm khám sức khỏe định kỳ, nhất là khi có những dấu hiệu ung thư bất thường để kịp thời phát hiện sớm và điều trị dễ dàng hơn.
Những câu hỏi quan trọng khi đi khám
1. Những dấu hiệu nào cho thấy tôi bị ung thư cột sống?
2. Nguyên nhân khiến tôi bị ung thư cột sống là gì?
3. Cần làm những xét nghiệm nào để chẩn đoán ung thư cột sống?
4. Tiên lượng tình trạng ung thư cột sống của tôi có nghiêm trọng không?
5. Tôi nên điều trị ung thư cột sống bằng phẫu thuật, hóa trị hay xạ trị?
6. Nếu đợt điều trị đầu tiên không thành công, phác đồ tiếp theo sẽ là gì?
7. Những lợi ích và rủi ro xoay quanh việc các chỉ định điều trị ung thư cột sống?
8. Triển vọng về kết quả điều trị của tôi có tốt không?
9. Quá trình điều trị ung thư cột sống mất bao lâu thì có kết quả khả quan?
10. Sau điều trị, tôi có thể sống được bao lâu?
Ung thư cột sống là căn bệnh nguy hiểm, mặc dù rất hiếm gặp. Nếu không được phát hiện sớm và điều trị kịp thời, tiên lượng thường xấu dẫn đến tử vong. Do đó, trước mọi dấu hiệu bất thường, tốt nhất hãy chủ động thăm khám để được chẩn đoán và tư vấn hướng điều trị phù hợp, ngăn chặn các biến chứng rủi ro khó lường về sau.
Xem thêm: Các biến chứng sau mổ cột sống thường gặp và điều cần biết
Giải đáp thắc mắc của độc giả cùng chuyên gia của chúng tôi!