Bệnh Lao Cột Sống

Bác sĩ phụ trách

Bác sĩ Nguyễn Thị Phương Mai

Cố vấn chuyên môn

Lao cột sống phổ biến chỉ sau lao phổi. Đây là một dạng bệnh thường gặp trong tất cả các bệnh về chức năng vận động. Bản chất của lao cột sống là nhiễm khuẩn lao tại cột sống - đĩa đệm với các triệu chứng và biến chứng khó lường nếu không điều trị kịp thời. Hiện nay, với sự phát triển của y học hiện đại đã giúp tìm ra phương pháp chữa trị khỏi bệnh lao cột sống trong giai đoạn sớm.

Tổng quan

Lao cột sống (Tuberculosis of the spine/ Tuberculous Spondylitis) hay còn được gọi là bệnh Pott (Mal de Pott) hoặc bệnh mục xương sống. Đây là tình trạng nhiễm trùng tại thân đốt sống và đĩa đệm, thường là do vi khuẩn lao Mycobacterium tuberculosis gây ra. Bệnh đặc trưng với các biểu hiện về nhiễm trùng như sốt, gầy sút, mệt mỏi, chán ăn...

Lao cột sống là một trong những dạng nhiễm khuẩn lao ngoài phổi thường gặp nhất hiện nay

Đây là bệnh lý nguy hiểm, nếu không điều trị kịp thời có thể gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe, chất lượng cuộc sống và liệt vận động. Bệnh lao cột sống rất phổ biến, chỉ sau lao phổi.

Tại Việt Nam, có khoảng 65% trường hợp mắc bệnh lao xương khớp được chẩn đoán là lao cột sống (96% ở vị trí cột sống thắt lưng, cột sống ngực, từ đốt sống số 7 đến vị trí đốt sống thắt lưng số 3 và khoảng 4% trường hợp nhiễm khuẩn lao ở đốt sống cổ) hoặc lao khớp (khớp háng, cổ tay, cổ chân, khớp gối, khớp vai...).

Nguyên nhân và yếu tố nguy cơ

Nguyên nhân gây bệnh lao cột sống là do vi khuẩn lao Mycobacterium tuberculosis. Đây là loại vi khuẩn ưa khí, chúng thường tìm đến những vị trí có nhiều oxy để trú ngụ và phát triển. Ngoài phổi, thân đốt sống cũng là một nơi lý tưởng khi tập trung nhiều mạch máu và giàu oxy với tỷ lệ khoảng 95%.

Nhiễm vi khuẩn lao Mycobacterium tuberculosis là nguyên nhân hàng đầu gây ra lao cột sống

Chúng tấn công và xâm nhập vào cơ thể con người qua 3 con đường chính gồm:

  • Tiếp xúc trực tiếp với người nhiễm khuẩn lao, thông qua đường hô hấp gây tổn thương phổi. Sau đó hòa vào máu hoặc bạch huyết, di chuyển đến nhiều cơ quan khác, trong đó có các cơ quan xương khớp;
  • Nhiễm khuẩn gián tiếp thông qua vết thương hở ngoài da;
  • Lây truyền từ mẹ sang con;

Ngoài ra, một số yếu tố rủi ro làm tăng nguy cơ mắc lao cột sống như:

  • Người có chế độ dinh dưỡng kém;
  • Môi trường sống ô nhiễm, quá đông đúc, tăng nguy cơ lây nhiễm lao;
  • Những nơi có điều kiện y tế kém phát triển;
  • Mắc các bệnh gây suy giảm khả năng miễn dịch như HIV/ AIDS làm dễ nhiễm vi khuẩn lao hơn những người bình thường;
  • ...

Triệu chứng và chẩn đoán

Vi khuẩn lao cột sống tấn công và phá hủy thân đốt sống - đĩa đệm trong âm thầm. Bệnh đặc trưng với các triệu chứng như:

Lao cột sống đặc trưng với các triệu chứng nhiễm trùng toàn thân và kèm theo đau nhức vị trí đốt sống - đĩa đệm bị tổn thương

  • Đau nhức: Xuất hiện cơn đau đột ngột tại vị trí đốt sống bị tổn thương. Ban đầu chỉ đau âm ỉ nhưng mức độ cơn đau ngày càng tăng lên khi vận động nặng, ho, hắt hơi hoặc về chiều, ban đêm. Tính chất cơn đau lao cột sống thường khu trú và út khi lan sang các vị trí khác;
  • Teo chân tay: Lao cột sống thắt lưng thường biểu hiện triệu chứng teo nhỏ tay chân, đặc biệt là vùng cẳng chân. Tổn thương chèn ép lên tủy sống gây yếu cơ, liệt vận động 2 chân;
  • Chèn ép rễ dây thần kinh: Hai chân bị tổn thương và các rễ dây thần kinh bị chèn ép làm phát sinh các triệu chứng rối loạn biến dưỡng lông, tóc, da...;
  • Phồng ổ bụng dưới: Thường xuất hiện đối với những trường hợp lao cột sống có biến chứng áp xe. Khối áp xe phát triển ngày càng lớn, chui qua dây chằng bẹn, di chuyển xuống đùi, mông, vùng tam giác Petit trên mào chậu. Lúc này, bạn sẽ quan sát thấy ổ bụng dưới phồng căng lên;
  • Các triệu chứng toàn thân: cứng cổ, vẹo cổ, suy giảm chức năng thần kinh, nói lắp, khó nuốt, xuất hiện áp xe vùng hầu họng, liệt nửa người hoặc liệt tứ chi

Để chẩn đoán lao cột sống, bệnh nhân sẽ được bác sĩ chuyên khoa khám lâm sàng trước, thu thập triệu chứng, khai thác tiền sử bệnh lý và thực hiện các bài test vận động để đưa ra đánh giá sơ bộ về tình trạng bệnh. Sau đó, kết hợp với một số xét nghiệm cận lâm sàng và chẩn đoán hình ảnh như:

Chụp X quang, CT scan và MRI là các chẩn đoán hình ảnh giúp phát hiện chính xác tổn thương đốt sống do vi khuẩn lao gây ra

  • Chẩn đoán hình ảnh: như chụp X quang, CT scan, MRI giúp quan sát cấu trúc và hình dạng đốt sống, phát hiện vị trí và mức độ tổn thương của cột sống, đĩa đệm. Thông thường, bệnh nhân lao cột sống sẽ có các biểu hiện sau:
    • Hình ảnh đĩa đệm thu hẹp lại;
    • Thân đốt sống dính lại với nhau, các viền bờ thân đốt sống bị tổn thương, phá hủy và tạo thành các hang lao;
    • Phát hiện các ổ áp xe;
    • Không phát hiện hiện tượng ngà xương hoặc dày xương;
    • Trường hợp phát hiện phá hủy xương ở cung sau đốt sống thường là do ung thư;
  • Xét nghiệm đo tốc độ lắng máu và tăng nồng độ bạch cầu lympho;
  • Xét nghiệm phản ứng lao tố Mantoux (+);
  • Sinh thiết đốt sống đĩa đệm để tiến hành nuôi cấy tìm vi khuẩn lao, sau đó làm xét nghiệm PCR lao;

Ngoài ra, kết hợp chẩn đoán lao cột sống với bệnh lý có triệu chứng tương tự, thường là viêm đốt sống đĩa đệm do nhiễm vi khuẩn sinh mủ.

Biến chứng và tiên lượng

Bản chất của lao cột sống là bệnh lý nhiễm trùng nên chỉ cần phát hiện sớm và áp dụng phác đồ điều trị phù hợp sẽ giúp loại bỏ hoàn toàn vi khuẩn lao, giảm thiểu tối đa các biến chứng khó lường của bệnh. Tiên lượng điều trị lao cột sống khá tốt, đặc biệt lao cột sống là nhóm bệnh thuộc chương trình điều trị chống lao quốc gia, nên khi phát hiện bệnh, người bệnh hãy đến các bệnh viện chuyên điều trị lao để không phải tốn kém tiền thuốc.

Lao cột sống nếu không điều trị kịp thời có thể gây nhiều biến chứng nguy hiểm về khả năng vận động và chất lượng cuộc sống

Ngược lại, nếu bệnh lao cột sống không được phát hiện sớm và điều trị kịp thời có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm như:

  • Biến chứng xẹp đốt sống, thoát vị đĩa đệm, viêm màng nhện tủy, áp xe lạnh gây chèn ép dây thần kinh, phát sinh đau nhức dữ dội, ảnh hưởng chất lượng cuộc sống;
  • Chèn ép thần kinh ở cột sống thắt lưng tăng nguy cơ biến chứng rối loạn cảm giác vùng hậu môn sinh dục, mất kiểm soát chức năng đại tiểu tiện, nghiêm trọng nhất là liệt tứ chi;
  • Hội chứng chùm đuôi ngựa do các tổn thương tại vùng thắt lưng dưới, biểu hiện đặc trưng nhất là rối loạn cảm giác, yếu cơ, rối loạn cơ vòng, liệt cứng người;
  • Gây biến chứng cong vẹo, gù nhọn biến dạng cột sống;
  • Bệnh nhân lao cột sống có nguy cơ cao bị nén tủy sống, gãy xương, nhất là vùng cột sống cổ;
  • Biến chứng suy hô hấp, viêm xoang hoặc rối loạn tiêu hóa do vi khuẩn lao lây lan sang các cơ quan khác như lao phổi, lao ruột, lao hạch, lao đường tiết niệu - sinh dục...;

Điều trị

Tại Việt Nam, điều trị lao cột sống trước đây là một thách thức lớn nhưng với sự phát triển của y học ngày nay, đã có những phương pháp chữa khỏi bệnh lao cột sống hiệu quả trong giai đoạn sớm, chưa có biến chứng nguy hiểm.

Dưới đây là các biện pháp phổ biến:

1. Điều trị nội khoa 

Phác đồ nội khoa điều trị lao cột sống có thể được dùng dưới dạng uống hoặc tiêm, tương đối giống với phác đồ trị lao phổi. Thường được chỉ định dùng trong khoảng thời gian nhất định, kéo dài khoảng 12 - 24 tháng tùy từng trường hợp bệnh cụ thể.

Phác đồ thuốc chống lao ở mỗi bệnh nhân là khác nhau tùy theo nguyên nhân và mức độ bệnh

Dùng thuốc chống lao cần tuân thủ các nguyên tắc sau:

  • Kết hợp các loại thuốc chống lao với nhau, giai đoạn tấn công ít nhất 3 loại và giai đoạn duy trì ít nhất 2 loại;
  • Uống thuốc đúng thời gian, đúng liều và đủ thời gian quy định (giai đoạn tấn công từ 2 - 3 tháng và 4 - 6 tháng đối với giai đoạn duy trì);
  • Theo dõi tiến triển bệnh và thường xuyên kiểm tra tổn thương tại chỗ, quan sát phản ứng của cơ thể sau khi dùng thuốc để phát hiện tác dụng phụ;

Phác đồ thuốc chống lao cụ thể như sau:

  • Giai đoạn tấn công: Phối hợp ít nhất 3 thuốc gồm: Rimifon (nhóm Isoniazid H), Pyrazynamid (Z), Streptomycin (S), Rifampicin (R), Ethambutol (E) trong vòng 2 - 3 tháng nhằm tiêu diệt và ức chế sự phát triển của vi khuẩn lao. Cụ thể liều dùng:
    • Rimifon: liều 5mg/ kg/ ngày, tăng dần đến 300mg/ ngày;
    • Rifampicin: liều 10mg/ kg/ ngày, tăng dần đến 600mg/ ngày;
    • Pyrazynamid: liều 15-30mg/ kg/ ngày, tăng dần đến 2g/ ngày, ngưng lại sau 8 tuần điều trị;
  • Giai đoạn duy trì: Phối hợp khoảng 2 - 3 loại thuốc tùy chỉ định, dùng trong khoảng 4 - 12 tháng, 2 - 3 ngày/ tuần nhằm loại bỏ toàn bộ vi khuẩn lao trong cơ thể, giảm nguy cơ tái phát.

Ngoài ra, tùy theo tính chất và đối tượng mắc lao cột sống sẽ được chỉ định áp dụng công thức trị lao phù hợp:

  • Công thức điều trị lao mới: Tức mắc bệnh lần đầu và chưa dùng thuốc chống lao trước đó. Công thức 2SHRZ/6HE: 2 tháng đầu dùng phối hợp 4 kháng sinh Streptomycin, Rifampicin, Isonazid, Pyrazynamid. Sau 6 tháng giảm xuống dùng 2 loại là Isonazid và Ethambutol hàng ngày;
  • Công thức điều trị lao tái phát: Thường là những trường hợp đã điều trị lần đầu nhưng không hiệu quả, bệnh tái phát trở lại. Áp dụng công thức 2SHRZE/1HRZE/5HR3E3: 2 tháng đầu dùng 5 kháng sinh phối hợp, tháng tiếp theo dùng 4 loại và 5 tháng sau đó dùng 3 loại, dùng 3 ngày/ tuần;
  • Công thức điều trị lao ở trẻ em: Thường áp dụng công thức 2HRE/4HR: 3 tháng đầu dùng 3 loại kháng sinh phối hợp mỗi ngày, 4 tháng tiếp theo dùng 2 loại mỗi ngày. Hoặc một số trường hợp còn được cân nhắc thay thế bằng phác đồ chống lao 2HRZE/4HR hoặc 2HRZ/4HR. Một vài trường hợp nghiêm trọng có thể kết hợp với Streptomycin để tăng hiệu quả;
  • Một số trường hợp đặc biệt khác:
    • Phụ nữ mang thai: Áp dụng công thức 2RHZE/4RH, tuyệt đối không dùng Streptomycin vì có thể gây dị tật điếc bẩm sinh cho trẻ khi chào đời;
    • Phụ nữ đang dùng thuốc tránh thai: Tránh áp dụng những phác đồ có Rifampicin, vì thuốc này có khả năng tương tác với thuốc tránh thai làm giảm tác dụng, gây tác dụng phụ;
    • Người bị suy thận: Dùng phác đồ 2RHZ/4RH;
    • Người bị tổn thương chức năng thận, suy thận: Dùng phối hợp 2 loại là S hoặc E, phối hợp thêm với Ofloxacin;

Ngoài các loại thuốc chống lao đặc hiệu kể trên, bệnh nhân lao cột sống cũng được chỉ định sử dụng kết hợp với một số loại thuốc hỗ trợ khác gồm:

  • Thuốc giảm đau: Điển hình như nhóm Acetaminophen (như Paracetamol hoặc Efferalgan), Codein hoặc Morphine. Tùy từng trường hợp sẽ dùng thuốc với liều dùng phù hợp, chú ý thận trọng tránh dùng quá liều để tránh gây độc hại cho gan và theo dõi chức năng gan sát sao trong quá trình dùng thuốc;
  • Thuốc chống viêm không steroid (NSAIDs): Dành cho những trường hợp bệnh nhân đau nhức nhiều và các triệu chứng kèm theo thường nghiêm trọng. Điển hình như:
    • Diclofenac (Voltaren): liều 50mg x 2 viên/ ngày hoặc liều 75mg x 1 lần duy nhất/ ngày. Thường dùng nhất là dạng tiêm bắp trong vòng 2 - 4 ngày đầu tiên, khi triệu chứng giảm bớt chuyển sang dùng dạng viên uống;
    • Meloxicam (Mobic): liều 7.5mg x 2 viên/ ngày, uống sau khi ăn xong. Hoặc liều 15mg/ ngày x 2 - 4 ngày liên tục dùng dưới dạng tiêm bắp trong trường hợp đau nhức dữ dội. Khi thuyên giảm cũng chuyển sang dạng uống;
    • Piroxicam (Felden): Dùng dạng viên uống hoặc ống dung dịch liều 20mg x 1 viên/ ngày sau khi ăn no. Hoặc dùng dưới dạng tiêm bắp 1 ống/ ngày, liên tục trong vòng 2 - 4 ngày khi đau nhức dữ dội;
    • Celecoxib (Celebrex)Dùng liều 200mg x 1 - 2 viên/ ngày, uống sau khi ăn no. Tránh sử dụng với bệnh nhân có tiền sử tim mạch, nhất là ở người cao tuổi;
  • Thuốc giãn cơ: giúp hỗ trợ cải thiện cơn đau nhức cột sống, đĩa đệm do nhiễm vi khuẩn lao:
    • Eperison (Myonal) liều 150mg x 3 lần/ ngày;
    • Tolperison (Mydocalm) liều 150 - 450mg x 2 - 3 lần/ ngày;

Song song với việc dùng thuốc, bệnh nhân được yêu cầu phải nằm nghỉ ngơi tại chỗ trên giường cứng trong vòng 4 - 5 tuần. Sau đó, khi tổn thương đã được cải thiện bớt, tiến hành áp dụng chế độ tập luyện theo hướng dẫn của chuyên gia vật lý trị liệu để tránh gây cứng khớp và chăm sóc tích cực để nâng cao thể trạng. Một số trường hợp bị gù, cong vẹo cột sống phải dùng nẹp cố định hỗ trợ.

2. Điều trị ngoại khoa 

Phẫu thuật là phương pháp cuối cùng được chỉ định áp dụng trong phác đồ điều trị lao cột sống giai đoạn nặng, có biến chứng như:

Phẫu thuật được áp dụng cho những bệnh nhân lao cột sống có biến chứng tổn thương cột sống, giảm khả năng vận động

  • Chèn ép tủy sống biểu hiện thông qua các triệu chứng như mất kiểm soát bàng quang, ruột, yếu chân, tay, liệt cơ, cầm nắm đồ vật khó khăn, dễ bị căng cứng và mất thăng bằng;
  • Kết quả chụp X quang hoặc MRI cho thấy cấu trúc cột sống, đĩa đệm và xương bị phá hủy nặng nề, gây biến dạng cột sống;
  • Không đáp ứng điều trị nội khoa;

Có nhiều phương pháp mổ lao cột sống, tùy theo từng trường bệnh cụ thể mà bác sĩ sẽ chỉ định phương pháp phẫu thuật phù hợp:

  • Mổ loại bỏ khối áp xe lạnh;
  • Mổ cắt bỏ bao hoạt dịch;
  • Mổ loại bỏ xương hoại tử;
  • Mổ cắt đầu xương, làm cứng khớp lại và cố định cột sống;

Thông thường sau mổ khoảng 1 - 3 tháng bệnh nhân mới có thể vận động trở lại. Trong quá trình này, bệnh nhân cần được chăm sóc tích cực thông qua nghỉ ngơi, vận động nhẹ nhàng, vệ sinh vết mổ sạch sẽ, ngăn ngừa nhiễm trùng và ăn uống đủ chất.

Phòng ngừa

Tuy bệnh lao cột sống hiện nay có thể chữa trị được nhưng những biến chứng khó lường của bệnh vẫn có nguy cơ xảy ra nếu điều trị chậm trễ hoặc không đúng cách. Do đó, việc chủ động thực hiện các biện pháp phòng ngừa bệnh là điều cần thiết, nên được thực hiện càng sớm càng tốt.

Tiêm vắc xin BCG cho trẻ nhỏ theo khuyến cáo của Bộ Y tế để phòng ngừa các bệnh lý do nhiễm vi khuẩn lao

  • Tiêm vắc xin BCG (bacille Calmette - Guerin) phòng ngừa các bệnh lý do vi khuẩn lao gây ra, trong đó có lao cột sống và nhiều dạng lao nguy hiểm khác đối với trẻ nhỏ;
  • Tránh xa những con đường lây nhiễm vi khuẩn lao bằng cách cách ly bản thân khỏi nguồn lây;
  • Tăng cường sức khỏe thể chất, nâng cao thể trạng và hệ miễn dịch thông qua lối sống sinh hoạt lành mạnh, ăn uống khoa học và vận động tích cực;
  • Tránh tiếp xúc với người đang mắc bệnh lao hoặc khi đến những nơi có môi trường nghi nhiễm lao nên đeo đồ bảo hộ kỹ lưỡng như khẩu trang, găng tay dài, ủng dài...;
  • Kiểm tra sức khỏe định kỳ ít nhất 6 tháng/ lần nếu có nguy cơ mắc bệnh cao hoặc thăm khám ngay khi có các triệu chứng sốt, ho kéo dài, sụt cân, mệt mỏi, suy nhược, đau lưng để sớm phát hiện bệnh và có hướng điều trị kịp thời, phòng ngừa các biến chứng khó lường.
  • Điều trị dứt điểm các bệnh lý mạn tính làm tăng nguy cơ gây suy giảm miễn dịch;

Những câu hỏi quan trọng khi đi khám

1. Làm sao để nhận biết mắc bệnh lao cột sống?

2. Nguyên nhân khiến tôi bị lao cột sống?

3. Bệnh lao cột sống có nguy hiểm không?

4. Xét nghiệm phát hiện vi khuẩn lao cột sống và chẩn đoán bệnh bằng biện pháp nào chính xác nhất?

5. Phương pháp điều trị bệnh lao cột sống tốt nhất dành cho trường hợp bệnh của tôi?

6. Phác đồ dùng thuốc chống lao phù hợp dành cho tôi?

7. Dùng thuốc chống lao lâu ngày gây ra tác dụng phụ gì? Tôi cần làm gì để xử lý tác dụng phụ?

8. Bị lao cột sống khi nào cần phẫu thuật? Những rủi ro và lợi ích liên quan xoay quanh phương pháp này?

9. Quá trình điều trị lao cột sống mất bao lâu thì khỏi hoàn toàn?

10. Tôi có dễ bị tái phát lao cột sống sau điều trị không?

Lao cột sống khá phổ biến và là bệnh lý tương đối phức tạp, cần can thiệp điều trị kịp thời bằng phác đồ phù hợp để ngăn ngừa các biến chứng rủi ro nguy hiểm về sau. Việc điều trị chủ yếu nhằm loại bỏ vi khuẩn lao và phục hồi chức năng cột sống, bảo tồn khả năng vận động. Do đó, hãy thăm khám và điều trị càng sớm càng tốt, kết hợp điều chỉnh lối sống, sinh hoạt khoa học để phòng tránh nguy cơ tái phát.

Tham khảo thêm:

Chia sẻ:
Bệnh Viêm khớp cổ chân
Viêm khớp cổ chân là một trong những bệnh cơ xương khớp phổ biến, có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi. Các triệu chứng đặc trưng của bệnh như…
Xẹp Đốt Sống
Xẹp đốt sống xảy ra khi các đốt sống bị…
Bệnh thoái hóa cột sống
Bệnh thoái hóa cột sống thường xảy ra ở người…
Bệnh Còi Xương
Còi xương là bệnh lý có tỷ lệ mắc cao…
Bệnh gút Bệnh Gút (Gout)

Bệnh gút (Gout) là một trong những dạng viêm khớp phổ biến nhất hiện nay. Bệnh xảy ra chủ yếu…

Tổn thương đám rối thần kinh cánh tay

Tổn thương đám rối thần kinh cánh tay có thể xảy ra ở bất kỳ ai và thông qua nhiều…

Hội chứng De Quervain

Hội chứng De Quervain hay còn gọi là viêm bao gân De Quervain. Tình trạng này liên quan đến việc…

Gai khớp gối Bệnh Gai Khớp Gối

Gai khớp gối được xem là một trong những biến chứng của thoái hóa khớp gối cấp độ nặng do…

Giải đáp thắc mắc của độc giả cùng chuyên gia của chúng tôi!

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Bác sĩ phụ trách

Bác sĩ Nguyễn Thị Phương Mai

Cố vấn chuyên môn

[ads_sidebar]
Xem nhiều

Đặt câu hỏi

Chia sẻ
Bỏ qua