Bệnh Liệt dây thần kinh số 7

Bác sĩ phụ trách

Bác sĩ Nguyễn Thị Nhuần

Phó Giám đốc Chuyên môn

Liệt dây thần kinh số 7 là tình trạng bất thường gây ảnh hưởng đến dây thần kinh mặt, khiến bệnh nhân bị tê liệt các cơ cử động trên mặt tạm thời hoặc lâu dài tùy theo căn nguyên. Các triệu chứng thường gặp nhất là xệ mặt, khó chớp hoặc nhắm mắt, khó ăn uống, khó nói... Đa số tình trạng liệt dây thần kinh số 7 đều có tiên lượng tốt nhờ phát hiện sớm và điều trị kịp thời bằng các biện pháp y tế phù hợp. 

Liệt dây thần kinh số 7 xảy ra khi có dây thần kinh này bị tổn thương dẫn đến mất khả năng kiểm soát các cơ ở một bên mặt

Tổng quan

Liệt dây thần kinh số 7 (Bell Palsy) hay còn được gọi là liệt dây thần kinh mặt. Xảy ra khi dây thần kinh mặt bị tổn thương dẫn đến mất khả năng kiểm soát các cơ ở một bên mặt. Tình trạng này xảy ra liên quan đến rất nhiều nguyên nhân như nhiễm trùng gây sưng dây thần kinh số 7. Hậu quả gây ảnh hưởng đến khả năng nói, giao tiếp, ăn uống, chớp mắt và tính thẩm mỹ.

Tình trạng này được phát hiện và mô tả lần đầu tiên bởi bác sĩ phẫu thuật người Scotland tên Sir Charles Bell. Ước tính có khoảng 40.000 người Hoa Kỳ phát triển bệnh liệt dây thần kinh số 7 hàng năm. Độ tuổi mắc bệnh được chẩn đoán phổ biến nhất là 15 - 60 tuổi. Đặc biệt xảy ra ở những người có thể trạng yếu kém, suy nhược cơ thể, suy giảm miễn dịch, lười vận động...

Phân loại

Dây thần kinh số 7 là loại dây thần kinh rất phức tạp, đi từ hệ thống thần kinh trung ương, đi qua thái dương, tuyến mang tai và tỏa ra khắp các cơ ở vùng mặt. Dây thần kinh mặt có chức năng hỗn hợp với đầy đủ chức năng của dây thần kinh ngoại vi gồm cảm giác, phản xạ, vận động, dinh dưỡng...

Dựa vào nhóm chức năng này, liệt dây thần kinh số 7 được chia làm 2 dạng gồm:

  • Liệt dây thần kinh số 7 ngoại biên: Đây là dạng tổn thương phổ biến, gây liệt một nửa mặt khiến 2 bên mặt mất cân đối. Kèm theo các biểu hiện như một nửa bên mặt bất động, má xệ, lông mày sụp, trán nhăn, đau tai, rối loạn vị giác ở vị trí 2/3 trước lưỡi...
  • Liệt dây thần kinh số 7 trung ương: Đặc trưng bởi tổn thương ở 1/4 dưới của mặt. Triệu chứng điển hình là liệt các chức năng vận động ở vùng này do tổn thương đến bán cầu não.

Nguyên nhân và yếu tố nguy cơ

Có rất nhiều nguyên nhân gây ra tình trạng liệt dây thần kinh số 7. Bản chất của tổn thương này là tình trạng sưng viêm hoặc bị chèn ép quá mức dẫn đến phát sinh thành triệu chứng. Một số tác nhân được xác định có liên quan đến tình trạng này như:

Tắm khuya dễ bị nhiễm lạnh đột ngột là nguyên nhân hàng đầu gây ra liệt dây thần kinh số 7

  • Nhiễm lạnh: Do dây thần kinh số 7 nằm ở vị trí khá nhạy cảm, bên trong ống xương đá nên rất dễ bị tác động bởi nhiệt độ lạnh đột ngột. Đây là nguyên nhân phổ biến nhất hiện nay, khoảng 80% trường hợp mắc phải. Đây là do bản chất của ống xương đá đã bị lạnh, khi tiếp xúc với nguồn gió, không khí hoặc nước lạnh đột ngột khiến các mạch máu bị co thắt, cản trở tuần hoàn máu, giảm khả năng sưởi ấm, làm cho dây thần kinh phù lên, chèn ép quá mức gây tê liệt.
  • Nhiễm trùng: Có rất nhiều dạng nhiễm trùng liên quan đến sự khởi phát của tình trạng liệt dây thần kinh số 7. Bao gồm:
    • Virus gây cảm cúm;
    • Virus herpes simplex type 1 (HSV-1);
    • Virus herpes zoster;
    • Virus HIV;
  • Chấn thương hoặc hậu phẫu thuật: Nhiều chẩn đoán về liệt dây thần kinh số 7 liên quan đến các chấn thương hoặc di chứng sau phẫu thuật. Hậu quả khiến dây thần kinh số 7 bị tổn thương, sưng, viêm và tê liệt.
  • Ảnh hưởng từ các bệnh lý khác:
    • Các bệnh tổn thương mạch máu như tiểu đường, viêm quanh động mạch...;
    • Các bệnh tổn thương vòm họng, nền sọ như tụ máu nền sọ, u dây thần kinh số 7, u vòm họng, u tuyến nước bọt...;
    • Viêm tai giữa cấp hoặc mạn tính;

Triệu chứng và chẩn đoán

Triệu chứng

Các triệu chứng đặc trưng khi bị liệt dây thần kinh số 7 bao gồm:

Bị liệt dây thần kinh số 7 khiến một bên mặt rũ xuống, khó chớp/ nhắm mắt, cười, nói hoặc ăn uống

  • Yếu hoặc liệt đột ngột một bên mặt;
  • Miệng và lông mày xệ xuống;
  • Chảy nước dãi ở một nửa bên miệng;
  • Không thể chớp 1 bên mắt, khô mắt;
  • Đau mặt hoặc có cảm giác tê bì khó chịu;
  • Đau quanh hàm, sau tai;
  • Gặp khó khăn khi ăn uống;

Các triệu chứng liệt dây thần kinh số 7 có xu hướng xuất hiện đột ngột và tiến triển nghiêm trọng nhất trong vòng 48 - 72 giờ. Chúng có thể xuất hiện tạm thời hoặc vĩnh viễn tùy theo tính chất nghiêm trọng của bệnh. Đối với những trường hợp không nghiêm trọng, triệu chứng liệt sẽ dần cải thiện sau khoảng 3 tuần.

Chẩn đoán

Chẩn đoán liệt dây thần kinh số 7 thông qua đánh giá các triệu chứng lâm sàng bùng phát trong vòng 72 giờ. Trong quá trình kiểm tra, bác sĩ sẽ đưa ra đánh giá về tính chất nghiêm trọng và loại trừ các nguyên nhân khác có thể gây ra liệt mặt.

Sau bước thăm khám ban đầu, tùy từng trường hợp bác sĩ có thể chỉ định thực hiện một số kỹ thuật chẩn đoán nhằm xác nhận chẩn đoán. Vì các triệu chứng liệt dây thần kinh số 7 tương tự với nhiều tổn thương khác như bệnh nhược cơ, đột quỵ, khối u não, bệnh Lyme..., nên các xét nghiệm này giúp loại trừ các nguyên nhân không liên quan và chẩn đoán là liệt dây thần kinh số 7.

Các xét nghiệm đo điện cơ, kiểm tra hình ảnh như MRI hoặc CT giúp chẩn đoán xác nhận và đo chính xác mức độ liệt dây thần kinh số 7

Bao gồm các xét nghiệm sau;

  • Đo điện cơ (EMG): Đây là một trong những kỹ thuật tiêu chuẩn giúp chẩn đoán liệt dây thần kinh số 7. Phương pháp này sử dụng các dây điện cực mỏng được gắn vào cơ để đo và theo dõi sự thay đổi của hoạt động điện trong cả lúc nghỉ ngơi lẫn vận động. Dựa vào kết quả điện não đồ sẽ giúp xác định mức độ nghiêm trọng tổn thương thần kinh.
  • Xét nghiệm máu: Đây là phương pháp chẩn đoán thường quy giúp chẩn đoán một số vấn đề nhiễm trùng liên quan hoặc bệnh tiểu đường.
  • Xét nghiệm hình ảnh: Một số kỹ thuật hình ảnh hiện đại như chụp cộng hưởng từ MRI hoặc chụp cắt lớp vi tính CT scan sẽ giúp phát hiện các tổn thương đang đè ép và tạo áp lực lên dây thần kinh mặt. Điển hình là chứng động mạch chèn ép dây thần kinh..., đồng thời kiểm tra một số dây thần kinh khác.

Biến chứng và tiên lượng

Hầu hết những trường hợp bị liệt dây thần kinh số 7 mức độ nhẹ thường không tồn tại vĩnh viễn. Nó chỉ biểu hiện tạm thời và thường biến mất sau 1 - 3 tháng. Ngược lại, với những trường hợp liệt nghiêm trọng, chắc chắn không có khả năng tự phục hồi. Nhất là khi không được điều trị kịp thời hoặc điều trị sai cách có thể gây ra một số biến chứng nguy hiểm như:

  • Co giật cơ mặt;
  • Co cứng một bên mặt vĩnh viễn;
  • Viêm loét giác mạc;
  • ...

Nếu không điều trị kịp thời, liệt dây thần kinh số 7 có thể gây biến chứng co cứng, co giật cơ mặt, viêm loét giác mạc...

Ngoài ra, các triệu chứng liệt dây thần kinh số 7 cũng có thể tái phát trở lại bất kỳ lúc nào trong vòng 2 năm kể từ lần chẩn đoán và điều trị ban đầu. Ở lần tái phát này có thể ảnh hưởng đến các cơ hoạt động ở cùng một bên mặt hoặc ở bên đối diện.

Chống chỉ định riêng đối với phụ nữ mang thai về việc mắc liệt dây thần kinh số 7, thường xảy ra trong tam cá nguyệt thứ ba (3 tháng cuối thai kỳ). Việc mắc bệnh trong giai đoạn này làm tăng nguy cơ phát triển tiền sản giật do huyết áp tăng cao hoặc tiểu đường thai kỳ, dẫn đến sinh non cùng nhiều biến chứng thai kỳ nguy hiểm khác.

Do đó, các chuyên gia khuyến cáo bất kỳ ai ngay khi phát hiện các dấu hiệu bất thường của liệt dây thần kinh số 7 như vừa kể trên, hãy nhanh chóng đến bệnh viện để được thăm khám, thông báo chi tiết các triệu chứng mắc phải để bác sĩ chẩn đoán và tiến hành điều trị càng sớm càng tốt bằng phương pháp phù hợp.

Điều trị

Mục tiêu điều trị liệt dây thần kinh số 7 nhằm cải thiện các triệu chứng, phục hồi chuyển động cơ mặt và ngăn ngừa biến chứng. Hầu hết những trường hợp liệt nhẹ không nhất thiết phải điều trị, chỉ cần nghỉ ngơi và chăm sóc sức khỏe tích cực, các triệu chứng sẽ tự thuyên giảm và biến mất sau vài tháng.

Riêng những trường hợp liệt nặng, xuất phát từ các tác nhân sưng viêm, nhiễm trùng dây thần kinh, bắt buộc phải can thiệp điều trị y tế với các biện pháp sau:

Điều trị bằng thuốc

Các loại thuốc thường dùng để cải thiện triệu chứng và hỗ trợ phục hồi chức năng cơ mặt nhanh hơn gồm:

Dùng thuốc Corticosteroid hoặc thuốc kháng virus giúp cải thiện triệu chứng và hỗ trợ xử lý căn nguyên

  • Corticosteroid: Loại thường dùng là Prednisone, có tác dụng làm giảm sưng viêm dây thần kinh hiệu quả và phục hồi nhanh chóng các cử động trên khuôn mặt. Loại thay thế trong trường hợp không đáp ứng với Prednisone là Methylprednisolon. Thuốc thường được kê toa trong vòng 72 giờ sau khi khởi phát triệu chứng. Liều dùng cơ bản như sau:
    • Prednisone: Liều 20 - 60mg/ngày, dùng 2 - 3 lần liên tục trong vòng 1 - 2 tuần;
    • Methylprednisolon liều 16 - 48mg/ngày;
  • Thuốc kháng virus: Loại được bác sĩ kê toa nhiều nhất để trị liệt dây thần kinh số 7 là Acyclovir liều 200mg x 5 lần/ ngày, dùng liên tục từ 7 - 10 ngày để kiểm soát triệu chứng nhiễm virus. Để đạt hiệu quả tốt nhất, kết hợp dùng với thuốc corticosteroid với liều phù hợp.
  • Vitamin nhóm B: Nhằm hỗ trợ điều trị bệnh, bác sĩ thường khuyến nghị bổ sung thêm một số loại vitamin nhóm B như B1, B6, B12, liều 1 - 2 viên/ ngày, liên tục trong vòng 7 ngày.

Chăm sóc mắt

Đây cũng là bước cực kỳ quan trọng trong phác đồ điều trị dành cho bệnh nhân liệt dây thần kinh số 7, nhằm ngăn ngừa biến chứng khô mắt, viêm loét giác mạc hay các dạng nhiễm trùng khác... Bệnh nhân nên sử dụng thuốc nhỏ mắt hoặc các loại nước mắt nhân tạo do bác sĩ chỉ định để giữ ẩm và xoa dịu kích ứng cho mắt.

Đồng thời, thường xuyên sử dụng nước muối sinh lý NaCl 0.9% hoặc Cloramphenicol 0.4% để vệ sinh mắt. Kết hợp che chắn mắt cẩn thận mỗi khi ra để giảm tiếp xúc với các tác nhân gây kích ứng làm tổn thương mắt.

Phẫu thuật

Những trường hợp liệt dây thần kinh số 7 nặng và tiến triển nghiêm trọng, có nguy cơ liệt mặt cần tiến hành phẫu thuật khẩn cấp để ngăn ngừa biến chứng xuất huyết não, u não, nhồi máu não... Phẫu thuật nhằm làm giảm áp lực lên dây thần kinh, sửa chữa tổn thương dây thần kinh mặt và phục hồi các chuyển động bình thường của cơ mặt.

Phẫu thuật giải nén hoặc thay mới dây thần kinh được chỉ định thực hiện tùy theo mức độ liệt dây thần kinh số 7

Tùy theo tính chất nghiêm trọng của tổn thương mà bác sĩ sẽ chỉ định áp dụng kỹ thuật phẫu thuật phù hợp. Hiện nay, loại phẫu thuật được áp dụng phổ biến nhất là thủ thuật giải nén. Quy trình thực hiện bao gồm rạch một đường ở vị trí dây thần kinh số 7 để tiến hành kiểm tra và loại bỏ các mô đè ép lên dây thần kinh.

Hoặc trong những trường hợp tổn thương nghiêm trọng đến mức không thể hồi phục, bắt buộc phải làm phẫu thuật ghép dây thần kinh mới, loại bỏ dây thần kinh cũ để phục hồi chức năng hoạt động và kiểm soát cơ mặt, phục hồi cử động và vẻ bề ngoài cân đối cho khuôn mặt.

Vật lý trị liệu

Sau phẫu thuật hoặc các biện pháp y tế trên, bệnh nhân có thể được chỉ định thực hiện một số biện pháp vật lý trị liệu nhằm hỗ trợ cải thiện triệu chứng, phục hồi chức năng cơ mặt và giảm thiểu biến chứng. Đây có thể là những bài tập vận động đơn giản hoặc massage xoa bóp nhằm mục đích tập luyện cơ mặt.

Các biện pháp hỗ trợ khác

Để tăng hiệu quả điều trị, cải thiện các triệu chứng liệt dây thần kinh số 7, bệnh nhân có thể kết hợp thực hiện một số biện pháp khác như:

  • Dùng thuốc giảm đau loại kê toa hoặc không kê toa như aspirin, ibuprofen, acetaminophen...;
  • Châm cứu giúp giảm đau và cải thiện các triệu chứng liên quan khác;
  • Chườm nhiệt nóng hoặc lạnh trực tiếp vào vùng cơ bị liệt tác dụng hỗ trợ giảm sưng viêm và thúc đẩy tuần hoàn;
  • Liệu pháp tập luyện phản hồi sinh học giúp tăng cường kiểm soát cơ mặt;
  • Liệu pháp tiêm độc tố botulinum giúp cải thiện sự cân đối của khuôn mặt;

Phòng ngừa

Có thể thấy những ảnh hưởng của liệt dây thần kinh số 7 đến sức khỏe là rất khó lường. Do đó, hãy chủ động thực hiện các biện pháp dưới đây để phòng ngừa căn bệnh này, bảo vệ sức khỏe tốt nhất:

Giữ ấm cơ thể và đảm bảo vệ sinh sạch sẽ thân thể để phòng ngừa phát sinh triệu chứng liệt dây thần kinh số 7

  • Luôn giữ ấm cơ thể, nhất là khi thời tiết trở lại, chuyển sang mùa đông hoặc có gió bão lớn.
  • Không nên tắm khuya, dù là nước lạnh hay nước ấm để giảm nguy cơ phát sinh triệu chứng liệt dây thần kinh số 7 sau khi ngủ dậy.
  • Giữ vệ sinh thân thể thật tốt, bao gồm rửa tay sạch sẽ trước khi ăn và sau khi đại tiện, dùng nước sạch và xà phòng diệt khuẩn. Hạn chế đưa tay sờ lên mắt, mũi, miệng và tắm gội sạch sẽ mỗi ngày.
  • Có chế độ sinh hoạt điều độ, cân đối giữa thời gian làm việc và thời gian nghỉ ngơi, dành nhiều thời gian để nghỉ ngơi, ngủ đủ giấc, không thức khuya, hạn chế stress và tập luyện thể dục thể thao thường xuyên giúp nâng cao hệ thống miễn dịch, giảm nguy cơ mắc các bệnh nhiễm trùng.
  • Xây dựng chế độ ăn uống đủ chất, sử dụng thực phẩm lành mạnh và cân bằng vừa đảm bảo cơ thể khỏe mạnh vừa giúp cải thiện hệ thống miễn dịch, giảm nguy cơ phát triển liệt dây thần kinh số 7.
  • Nói không với thuốc lá, rượu bia và các chất kích thích khác để duy trì sức khỏe tốt nhất.
  • Chủ động tiêm phòng một số loại vắc xin phòng ngừa các bệnh nhiễm virus có khả năng gây ra liệt dây thần kinh số 7.

Những câu hỏi quan trọng khi đi khám

1. Lý do tại sao tôi bị liệt dây thần kinh số 7?

2. Liệt dây thần kinh số 7 có gây nguy hiểm đến tính mạng không?

3. Tôi cần làm những xét nghiệm gì để xác nhận chẩn đoán liệt dây thần kinh số 7?

4. Các triệu chứng liệt dây thần kinh số 7 kéo dài tạm thời hay vĩnh viễn?

5. Tôi nên điều trị liệt dây thần kinh số 7 bằng phương pháp nào tốt nhất?

6. Những lợi ích và rủi ro xoay quanh các chỉ định điều trị dành cho tôi?

7. Tôi cần làm gì và tránh làm gì để hỗ trợ điều trị liệt dây thần kinh số 7?

8. Thời gian điều trị liệt dây thần kinh số 7 mất bao lâu thì khỏi?

9. Chi phí điều trị chứng liệt dây thần kinh số 7 tốn bao nhiêu? Có dùng BHYT được không?

10. Sau điều trị, các triệu chứng liệt dây thần kinh số 7 có tái phát trở lại không?

Bị liệt dây thần kinh số 7 gây hiếm khi đe dọa đến tính mạng. Nhưng nếu không điều trị kịp thời và đúng cách, bệnh nhân có thể rơi vào tình trạng liệt hoàn toàn một nửa mặt và gây ảnh hưởng đáng kể đến sức khỏe thể chất cũng như khả năng vận động, ăn nói, đặc biệt là tính thẩm mỹ của khuôn mặt. Do đó, hãy tuân thủ thực hiện các biện pháp phòng ngừa hoặc điều trị tích cực ngay khi phát hiện bệnh để giảm thiểu những rủi ro liên quan có thể gặp phải.

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Chia sẻ:
Bệnh U Màng Não
U màng não là khối u nội sọ có thể lành tính hoặc ác tính. Chúng xuất hiện ở nhiều vị trí trong màng não và gây ra các triệu…
Mất ngủ Bệnh Mất Ngủ
Mất ngủ ngày càng phổ biến trong xã hội hiện…
Bệnh Bại Não
Bại não là tập hợp một nhóm các rối loạn…
Bệnh Tụ máu dưới màng cứng
Tụ máu dưới màng cứng là tình trạng khối máu…
Bệnh Bò Điên

Bệnh bò điên là thuật ngữ chỉ những tổn thương thần kinh nghiêm trọng do các tế bào chứa nhiều…

Bệnh Động Kinh

Động kinh là một dạng rối loạn co giật xảy ra kèm theo với một loạt các triệu chứng khác…

Bệnh Sốt co giật

Sốt co giật là những cơn co giật xảy ra ở trẻ do thân nhiệt tăng cao đột ngột. Trẻ…

Bệnh Bại Liệt

Bại liệt là bệnh truyền nhiễm khá hiếm gặp trong xã hội hiện đại do đã có vắc xin phòng…

Giải đáp thắc mắc của độc giả cùng chuyên gia của chúng tôi!

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Bác sĩ phụ trách

Bác sĩ Nguyễn Thị Nhuần

Phó Giám đốc Chuyên môn

[ads_sidebar]
Xem nhiều

Đặt câu hỏi

Chia sẻ
Bỏ qua