Bệnh Ung Thư Thận
Ung thư thận là một trong những dạng ung thư ác tính nguy hiểm, đe dọa tính mạng. Bệnh thường xảy ra ở người trưởng thành > 40 tuổi, do ảnh hưởng từ các thói quen sống không lành mạnh hoặc di truyền khiến các tế bào thận tăng sinh mất kiểm soát, hình thành khối u ác tính. Hầu hết các trường hợp ung thư thận được phát hiện đều ở giai đoạn nặng do triệu chứng sớm của bệnh không điển hình và dễ nhầm lẫn.
Tổng quan
Thận là một trong những cơ quan quan trọng trong cơ thể, đảm nhiệm vai trò lọc thải độc tố và các chất cặn bã trong máu ra khỏi cơ thể. Ung thư thận (Kidney Cancer) là dạng ung thư xảy ra ở thận cực kỳ nguy hiểm. Khối u ung thư thận hình thành và phát triển lớn dần, phá vỡ lớp bao thận hủy hoại các mô tế bào thận, sau đó di căn sang các cơ quan khác ở giai đoạn nặng theo đường bạch huyết và tĩnh mạch.
Trên thế giới, ung thư thận được xếp vị trí thứ 3 trong tổng số các bệnh lý ác tính ở hệ tiết niệu, sau ung thư tuyến tiền liệt và ung thư bàng quang. Người trưởng thành trên 40 tuổi là đối tượng có nguy cơ cao mắc bệnh lý này. Trong đó, tỷ lệ nam giới mắc bệnh cao hơn nữ giới. Tuy nhiên, trong xã hội hiện đại ngày nay, ung thư thận ngày càng có xu hướng trẻ hóa.
Phân loại
Ung thư thận có 2 dạng phổ biến nhất là ung thư biểu mô tế bào thận (RCC) và ung thư biểu mô tế bào chuyển tiếp (TCC) tại bể thận. Tên các loại ung thư này được đặt theo tên của các tế bào trong thận bị ung thư hóa.
- Ung thư biểu mô tế bào thận (RCC): Khối u ung thư dạng này thường phát triển thành một khối duy nhất. Một vài trường hợp có thể có nhiều khối u phát triển ở 1 bên hoặc cả 2 bên thận. Đây là dạng ung thư thận thường gặp nhất, chiếm khoảng 85% trường hợp mắc dạng này.
- Ung thư tế bào chuyển tiếp (TCC): Hay còn được gọi là ung thư biểu mô tiết niệu, chúng phát triển trong niệu quản hoặc bàng quang. Có khoảng 10 - 15% trường hợp ung thư thận xảy ra ở người trưởng thành thuộc nhóm này.
Ngoài 2 dạng phổ biến trên, ung thư thận còn rất nhiều dạng khác ít phổ biến hơn và được phân loại dựa vào nhiều yếu tố khác nhau như:
- Ung thư biểu mô tế bào vảy;
- U tế bào lớn thận (Oncocytoma);
- U tế bào gần cầu thận;
- Ung thư biểu mô ống góp chung;
- U mỡ - cơ - mạch;
- U nang thận (Cystic nephroma);
- U nguyên trung bì thận (hay u thận trung mô dạng nang - Mesoblastic nephroma);
- U mô liên kết tế bào sáng;
- Ung thư thận ở trẻ em dưới 5 tuổi hay Bướu Wilms;
Một số dạng ung thư hoặc khối u tại thận nghi ngờ có khả năng phát triển thành ung thư hiếm gặp hơn được phát hiện gồm:
- U lympho thận;
- U nhú đảo ngược (Inverted papilloma);
- Ung thư biểu mô tế bào chuyển tiếp;
- Ung thư biểu mô tuyến tế bào sáng;
- U quái (Teratoma);
- U Carcinosarcoma;
Nguyên nhân và yếu tố nguy cơ
Cho đến nay, nguyên nhân gây ung thư thận vẫn chưa được xác định rõ ràng. Theo các chuyên gia, ung thư thận xảy ra khi các tế bào thận khỏe mạnh bị biến đổi DNA và phân chia một cách bất thường, tăng sinh quá mức vượt tầm kiểm soát của cơ thể, hình thành các tế bào ung thư không cần thiết. Chúng tích lũy dần và tập trung với nhau thành một khối u ung thư ác tính trong thận.
Tuy nhiên, nhiều giả thuyết vẫn khẳng định sự tồn tại của một số yếu tố nguy cơ chung dưới đây là nguyên nhân dẫn đến ung thư thận:
- Nghiện hút thuốc lá;
- Những người có tiền sử mắc các bệnh lý về thận;
- Thường xuyên tiếp xúc với các loại hóa chất độc hại như cadmium, amiăng, benzen, thuốc trừ sâu, dung môi hữu cơ...;
- Người > 40 tuổi;
- Nam giới có tỷ lệ mắc ung thư thận cao hơn nữ giới;
- Tiền sử gia đình có người bị ung thư thận di truyền gen bệnh cho thế hệ sau hoặc ảnh hưởng từ bệnh Von Hippel - Lindau (VHL), hội chứng Cowden;
- Lạm dụng thuốc giảm đau trong thời gian dài;
- Thừa cân béo phì;
- ...
Ngoài những nguyên nhân và yếu tố nguy cơ nguyên phát, ung thư thận cũng có thể khởi phát từ biến chứng di căn tế bào ung thư từ một bộ phận khác. Chẳng hạn như phổi, gan, tuyến tiền liệt, đại tràng, dạ dày..., chúng di chuyển theo đường máu của hệ bạch huyết và di căn đến thận, khởi phát ung thư thận.
Tham khảo thêm: Hút thuốc có ảnh hưởng đến thận, làm thận yếu không?
Triệu chứng và chẩn đoán
Triệu chứng
Ung thư thận tiến triển qua 3 giai đoạn chính gồm:
- Khu trú: Tế bào thận chỉ mới bị biến đổi thành ung thư, chưa lan rộng và chỉ nằm ở thận;
- Khu vực: Các tế bào ung thư bắt đầu lan rộng đến một số mô lân cận;
- Di căn: Tế bào ung thư lan đi khắp cơ thể, hay còn được gọi là hiện tượng di căn ung thư sang gan, phổi, xương,...
Các triệu chứng ung thư thận được biểu hiện khác nhau về mức độ qua từng giai đoạn, nhưng nhìn chung vẫn có các triệu chứng cơ bản sau:
- Tiểu ra máu: Khoảng 80% trường hợp ung thư thận đều gặp phải triệu chứng này. Bệnh nhân tiểu ra máu đại thể, không kèm sốt hay đau nhức. Tiểu ra máu đột ngột rồi ngưng lại ngay sau đó, tái phát thường xuyên.
- Đau vùng thắt lưng: Khối u ung thư phát triển to làm căng lớp bao thận, thậm chí phá rách lớp bao này và gây ra những cơn đau quặn dữ dội. Ngoài ra, ở giai đoạn nặng, tính chất máu thay đổi, chuyển sang có cục, gây các cơn đau quặn ở thận do khó di chuyển xuống bàng quang.
- Sờ thấy khối u ở thắt lưng: Ở giai đoạn nặng, khối u có kích thước lớn và phù to ra. Lúc này, bạn có thể dễ dàng sờ và cảm nhận thấy khối u nằm ở vùng thắt lưng. Khối u rắn, có bờ đều, chắc hoặc gồ ghề, có khả năng di động. Người bệnh cần thăm khám ngay trong giai đoạn này để ngăn ngừa di căn ung thư.
3 triệu chứng này cũng là 3 yếu tố cơ bản có giá trị quan trọng trong chẩn đoán ung thư thận. Ngoài ra, tùy từng trường hợp cụ thể còn kèm theo một số triệu chứng toàn thân khác như:
- Chảy máu phúc mạc liên tục, kèm theo sốt, đau nhức do khối u ung thư phá rách bao thận và vỡ ra ngoài;
- Sốt cao > 39 - 40 độ C trong nhiều tháng liền. Nguyên nhân là do các tế bào ung thư trong thận bị hoại tử hoặc sản sinh ra các chất sinh nhiệt;
- Suy nhược cơ thể, giảm sút sức khỏe trầm trọng, thường xuyên hoa mắt, chóng mặt, đau đầu;
- Đa hồng cầu, thiếu máu, rối loạn thị giác, đau mỏi, tê bì và ngứa các chi;
- Qua thăm khám kỹ lưỡng, phát hiện các triệu chứng cận ung thư như:
- Các triệu chứng giãn tĩnh mạch thừng tinh ở cùng bên bị ung thư thận;
- Hội chứng Stauffer, đặc trưng với các triệu chứng như gan to, bề mặt nhẵn, không gây đau, xét nghiệm máu cho thấy giảm albumin, tăng phosphatase kiềm, giảm prothrobin...;
- Tăng nồng độ canxi máu do các tế bào ung thư ác tính tiết ra hormone tuyến cận giáp hoặc di căn đến xương làm kích hoạt sự hoạt động của các hủy cốt bào;
- U ác tính trong thận tiết nhiều renin làm tăng huyết áp hoặc chèn ép lên các động mạch thận;
- Khi khối u ung thư di căn đến các cơ quan khác như xương, gan, phổi..., bệnh nhân sẽ có các triệu chứng kinh điển tại những tạng này.
Chẩn đoán
Bên cạnh thu thập và đánh giá các triệu chứng lâm sàng kể trên, bệnh nhân cũng sẽ được chỉ định thực hiện một số xét nghiệm cận lâm sàng nhằm hỗ trợ đưa ra kết quả chẩn đoán ung thư thận chính xác nhất:
- Xét nghiệm:
- Xét nghiệm máu: đánh giá công thức máu, khả năng đông máu toàn bộ, kiểm tra chức năng gan, thận...;
- Xét nghiệm sinh hóa nước tiểu;
- Xét nghiệm thông qua các chất chỉ điểm khối u như BTA, CEA...;
- Xét nghiệm calci huyết và đo định lượng LDH;
- Xét nghiệm đột biến gen, kiểm tra các gen như mIH1, MSH6, MSH2, PTEN, PMS2, TP53, EPCAM, VLH...;
- Sinh thiết u chẩn đoán mô bệnh học, xác định thể ung thư thận và các nhóm tế bào phát sinh thành ung thư như thể nhú, thể tế bào sáng, chromophobe...;
- Chụp PET (Positron Emission Tomography)
- Xạ hình thận chức năng, xạ hình thận hình thể, xạ hình xương bằng máy SPECT, SPECT/CT với 99mTc-DTPA;
- Chẩn đoán hình ảnh:
- Siêu âm thận: Kỹ thuật này cho phép chẩn đoán ung thư thận dễ dàng, phát hiện các khối u nhỏ chưa có triệu chứng. Khối u ung thư thận thể hiện qua siêu âm là một khối đặc, có bờ không đều, không đồng nhất, có mỡ bao quanh thận, quan sát thấy các huyết khối tĩnh mạch thận, âm vang không giống với âm vang của một quả thận khỏe mạnh, thường sẽ kém vang hơn.
- Chụp X quang: Tiến hành chụp X quang toàn bộ hệ tiết niệu cho phép quan sát bóng thận khi bị ung tkhác hoàn toàn so với bình thường. Dựa vào các tiêu chuẩn như bóng thận to, bờ không đều, xuất hiện hình ảnh rìa thận hoặc trong thận bị vôi hóa.
- Chụp niệu đồ tĩnh mạch (UIV): Giúp đánh giá chức năng bài tiết của thận và dễ dàng quan sát thấy các khối u ở cực dưới thận, chèn ép làm chệch hướng đến các đài bể thận.
- Chụp động mạch: Kỹ thuật này có giá trị rất lớn trong phát hiện các u nhỏ có khả năng gây chảy máu tái phát. Phương pháp này còn gây tắc động mạch thận, hỗ trợ quá trình phẫu thuật diễn ra thuận lợi hơn.
- Chụp CT Scan: Giúp xác định tính chất, đặc điểm của khối u cũng như đánh giá mức độ xâm lấn của khối u đến các cơ quan lân cận. Đầu tiên sẽ chụp không có thuốc để phát hiện các đốm vôi hóa, sau đó chụp không có thuốc để phát hiện khối u.
Biến chứng và tiên lượng
Ung thư thận là một trong những dạng ung thư ác tính nguy hiểm, gây ra những hậu quả nặng nề cho sức khỏe, thậm chí gây tử vong với tỷ lệ cao.
Tiên lượng ung thư thận thường khả quan nếu được phát hiện, chẩn đoán và điều trị sớm. Theo một thống kê, tỷ lệ bệnh nhân ung thư thận sống sót ít nhất 5 năm như sau:
- 93% đối với bệnh nhân ung thư thận khu trú;
- 69% đối với bệnh nhân ung thư thận đã lan sang các mô tế bào lân cận;
- 12% đối với bệnh nhân ung thư thận đã di căn đến các cơ quan khác trong cơ thể;
Tuy nhiên, đây chỉ là con số thống kê ước lượng, còn nhiều yếu tố khác ảnh hưởng đến tiên lượng sống sót của bệnh nhân như thể ung thư thận, tuổi tác, bệnh lý nền, thể trạng sức khỏe toàn diện...
Điều trị
Mục tiêu điều trị ung thư thận là loại bỏ khối u càng nhiều càng tốt nhằm ngăn chặn di căn và bảo toàn tính mạng cho người bệnh. Tùy vào giai đoạn ung thư thận sớm hay muộn mà bác sĩ sẽ chỉ định áp dụng phác đồ điều trị phù hợp.
1. Phẫu thuật
Đa số những trường hợp phát hiện ung thư thận đều được cân nhắc đến phương pháp phẫu thuật đầu tiên. Phẫu thuật nhằm loại bỏ khối u ung thư ác tính trong thận và các mô lân cận khối u. Ngoài ra, bệnh nhân ung thư thận di căn hoặc tái phát lây lan sang các tạng khác trong cơ thể cũng sẽ được phẫu thuật để loại bỏ nhiều khối u thận ác tính nhất có thể.
Tùy mức độ tổn thương và lây lan của các tế bào ung thư thận để áp dụng phương pháp phẫu thuật phù hợp.
- Phẫu thuật loại bỏ khối u trong thận: Tức là chỉ cắt bỏ 1 phần thận bị tổn thương do có tế bào ung thư ác tính và một số các mô lân cận xung quanh. Trường hợp này có thể được thực hiện mổ nội soi hoặc mổ hở.
- Phẫu thuật loại bỏ toàn bộ thận (Nephrectomy): Cắt bỏ toàn bộ thận bao gồm việc loại bỏ thận và các mô lành, hệ thống hạch bạch huyết lân cận, các tuyến thượng thận... Thông thường, trong trường hợp phẫu thuật cắt bỏ thận sẽ tiến hành mổ hở thông qua vết cắt lớn hoặc mổ nộ soi với vết mổ nhỏ. Bệnh nhân vẫn có thể sống và sinh hoạt tốt chỉ với 1 quả thận với điều kiện quả thận này vẫn còn khỏe mạnh.
Phẫu thuật thận tiềm ẩn nhiều rủi ro và biến chứng khó lường, nhất là nguy cơ chảy máu và nhiễm trùng. Do đó, cả bác sĩ và bệnh nhân cần hết sức thận trọng trước khi quyết định thực hiện.
2. Điều trị không phẫu thuật
Với những trường hợp thể trạng bệnh nhân không đủ điều kiện để phẫu thuật hoặc đã phẫu thuật nhưng không thể loại bỏ hết khối u sẽ được chỉ định áp dụng các biện pháp khác như:
- Thuyên tắc mạch máu: Nhằm ngăn chặn máu lưu thông đến khối u bằng cách tiêm vào mạch máu chính dẫn máu đến thận một hoạt chất tổng hợp đặc biệt. Khối u khi không có máu nuôi dưỡng sẽ dần chết đi hoặc teo nhỏ lại, sau đó tiến hành phẫu thuật loại bỏ.
- Liệu pháp đóng băng (Cryoablation): Hay còn gọi là liệu pháp áp đông, được thực hiện bằng cách chèn 1 hoặc nhiều cây kim chuyên dụng vào trong khối u thận dưới sự hướng dẫn của hình chụp X quang. Khí lạnh từ kim thoát ra làm đóng băng các tế bào ung thư và giết chết chúng. Tuy nhiên, kỹ thuật này gây chảy máu nhiều, đau nhức và dễ bị nhiễm trùng.
- Tần số vô tuyến: Được thực hiện bằng cách đưa 1 cây kim chứa dòng điện qua da tiếp cận đến tế bào ung thư. Nguồn nhiệt do kim phát ra có tác dụng làm nóng và tiêu diệt tế bào ung thư.
- Hóa trị: Đây là một trong những phương pháp điều trị ung thư được áp dụng phổ biến. Sử dụng các loại thuốc cực mạnh truyền vào cơ thể thông qua đường uống hoặc tiêm/ truyền tĩnh mạch nhằm tiêu diệt các tế bào ung thư hoặc ức chế sự phát triển, lây lan của chúng. Ngoài ra, hóa trị còn giúp thu nhỏ khối u trước khi phẫu thuật. Tuy nhiên, do thuốc có tác dụng mạnh và tác động trên diện rộng nên gây ra nhiều tác dụng phụ ngoài ý muốn.
- Xạ trị: Phương pháp này có tác dụng thu nhỏ các khối u ung thư trong thận, giảm nguy cơ lây lan các tế bào ung thư và hỗ trợ kiểm soát triệu chứng. Tuy nhiên, sau các đợt xạ trị bệnh nhân thường bị buồn nôn và suy nhược, mệt mỏi.
- Sinh học trị liệu: Hay liệu pháp miễn dịch, sử dụng các loại thuốc tăng cường hệ thống miễn dịch để chống lại các tế bào ung thư. Có 2 loại thuốc sinh học thường dùng nhất là interferon và interleukin-2. Tuy nhiên, sử dụng nhóm thuốc này gây một số tác dụng phụ như sốt cao, ớn lạnh, buồn nôn, nôn ói, ăn kém...
- Điều trị bằng thuốc: Có nhiều loại thuốc được nghiên cứu và cho thấy có khả năng ngăn chặn hiệu quả tín hiệu bất thường trong các tế bào ung thư thận, nhờ đó ức chế sự phát triển của chúng. Một số loại thuốc mục tiêu thường dùng như:
- Nhóm thuốc ngăn chặn sự phát triển của các mạch máu cung cấp dưỡng chất cho tế bào ung thư như: Bevacizumab (Avastin), Sorafenib (Nexavar), Pazopanib (Votrient), Sunitinib (Sutent)...;
- Nhóm thuốc ức chế sự phát triển và tồn tại của tế bào ung thư như: Everolimus (Afinitor), Temsirolimus (Torisel)...;
3. Các biện pháp thay thế thuốc
Một số liệu pháp thay thế thuốc dành cho bệnh nhân ung thư thận được các chuyên gia khuyến khích áp dụng như:
- Liệu pháp bổ sung: Một số trường hợp ung thư thận được chỉ định sử dụng các loại vitamin nhằm hỗ trợ cải thiện bệnh hiệu quả. Tuy nhiên, cần cân nhắc trước khi sử dụng, tránh lạm dụng để không gây nặng thêm tiến triển bệnh.
- Các liệu pháp khác: Có tác dụng đối phó với các tế bào ung thư như:
- Tập thể dục: yoga, thiền, dance, thể dục dưỡng sinh...;
- Nghệ thuật trị liệu;
- Âm nhạc trị liệu;
- Điều trị với chuyên gia tâm lý;
Sau điều trị, bệnh nhân ung thư thận cần được nghỉ ngơi và chăm sóc tích cực để sớm phục hồi sức khỏe. Về bản chất thì ung thư thận không thể chữa khỏi dứt điểm. Việc điều trị chỉ nhằm mục đích loại bỏ khối u, ngăn chặn di căn và kéo dài sự sống lâu hơn. Trường hợp điều trị không thành công, bác sĩ thường chỉ định các biện pháp điều trị giảm nhẹ để người bệnh thoải mái hơn, tối ưu hóa chất lượng cuộc sống và duy trì sự sống càng lâu càng tốt.
Phòng ngừa
Điều trị ung thư thận chưa bao giờ là đơn giản, nhất là với những trường hợp ung thư thận giai đoạn cuối. Do đó, với những người chưa từng mắc bệnh hoặc đã trị khỏi bệnh hãy thực hiện các biện pháp chăm sóc sức khỏe tích cực để giảm thiểu nguy cơ mắc ung thư thận.
- Cai thuốc lá càng sớm càng tốt để bảo vệ các tạng trong cơ thể, phòng ngừa ung thư thận, ung thư phổi cũng như bảo vệ sức khỏe cho những người xung quanh.
- Áp dụng chế độ dinh dưỡng khoa học, ăn nhiều rau xanh, trái cây giàu vitamin, khoáng chất, tránh thức ăn nhanh, chế biến sẵn hoặc đóng hộp chứa chất bảo quản.
- Duy trì cân nặng phù hợp, giảm cân khoa học bằng cách ăn uống khoa học, giảm calo, chất béo và kết hợp tập thể dục thể thao hàng ngày.
- Thiết lập thời gian biểu sinh hoạt điều độ, ngủ đủ giấc, tránh thức khuya, hạn chế stress, căng thẳng, làm việc vừa sức...
- Tự đo huyết áp tại nhà thường xuyên và kiểm soát chỉ số huyết áp thông qua thực phẩm, vận động và có thể dùng thuốc hạ huyết áp nếu cần thiết.
- Hạn chế hoặc tránh tiếp xúc với môi trường chứa nhiều hóa chất độc hại, ô nhiễm, hoặc ít nhất phải trang bị dụng cụ bảo hộ kỹ lưỡng như găng tay, khẩu trang... đúng quy trình an toàn lao động nhằm bảo vệ bản thân khỏi tình trạng phơi nhiễm hóa chất.
Những câu hỏi quan trọng khi đi khám
1. Nguyên nhân gây bệnh ung thư thận đối với trường hợp của tôi?
2. Ung thư thận có nguy hiểm không?
3. Tiên lượng điều trị ung thư thận trong trường hợp của tôi tốt hay xấu?
4. Bị ung thư thận sống được bao lâu?
5. Các biện pháp chẩn đoán ung thư thận tôi cần thực hiện?
6. Phương pháp điều trị ung thư thận tốt nhất dành cho trường hợp bệnh của tôi?
7. Phẫu thuật ung thư thận có dứt điểm bệnh hoàn toàn không?
8. Ung thư thận có thể di căn đến những cơ quan nào?
9. Tôi cần làm gì và tránh làm gì trong quá trình điều trị ung thư thận?
Ung thư thận ở những giai đoạn muộn tỷ lệ tử vong càng cao và khó điều trị. Do đó, để duy trì sự sống và sống khỏe mạnh, mỗi người trong chúng ta nên chú ý theo dõi sức khỏe bản thân để sớm phát hiện các bất thường và điều trị càng sớm càng tốt. Đồng thời, điều chỉnh lối sống khoa học và lành mạnh để giảm nguy cơ mắc phải căn bệnh ác tính này.
Tham khảo thêm:
- Các thực phẩm tốt cho thận – Nên bổ sung mỗi ngày
- Biểu hiện đau lưng do thận yếu và cách khắc phục
Giải đáp thắc mắc của độc giả cùng chuyên gia của chúng tôi!